Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/08/2013

Gái lấy chồng xa - 2 : Ghi chép nhanh của Trương Văn Tân (2008)

Lời dẫn: Vẫn đang là câu chuyện về một công chúa nước Việt sang làm dâu Nhật Bản từ thập niên 1620. Nhiều câu chuyện, cả quá khứ và hiện tại, ẩn chứa ở trong đó.

Hôm nay, giới thiệu một ghi chép nhanh của bác Trương Văn Tân - một cựu lưu học sinh Nhật Bản thời Việt Nam cộng hòa. Ghi chép này bác Tân đã công bố năm 2008 (trong nước, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn có đăng tải).

Bác Trương Văn Tân là rể nước Nhật. Tuy vậy, thời lưu học ở Nhật, bác không có dịp để ý đến những câu chuyện như là tình bạn của Phan Bội Châu và Asaba, hay mối tình Araki và công chúa Đàng Trong,... Mãi sau này, lúc đã qua nước thứ ba, với những dịp trở về thăm gia đình nhà vợ ở Nhật, bác mới khám phá dần dần. Cho nên, chủ yếu đọc để hiểu cảm tưởng của bác là chính, chứ tư liệu của bác về các sự kiện thì chỉ sơ sài thế thôi.

Cái ảnh chụp "bảng tiểu sử ông Araki" do bác Tân thực hiện mờ quá, nên tôi bổ sung bằng cái ảnh sau, để đọc được rõ:



Từ đây trở xuống là bài của Trương Văn Tân.


---
Trích từ "Một thoáng Phù Tang" (2008):

"Cứ mỗi lần trở lại Nhật Bản là tôi có thêm một ấn tượng khác, những ấn tượng này chồng chất lên nhau cho tôi một kết luận là một xã hội văn minh cần xuất phát từ những con người văn minh trong đó dân trí và "quan trí" phải được tôi luyện qua một thời gian dài. Nhưng quá trình "trăm năm trồng người" của Nhật Bản không phải là con lộ du kích "đi tắt đón đầu" mà là một con đường dài lắm chông gai. Thời du học vài thập niên trước của tôi tại Nhật Bản không cho một ấn tượng gì sâu sắc về đất nước Phù Tang này, có lẽ vì thời gian ở đây không đủ dài, cũng như vì chuyện học hành chỉ vùi đầu vào sách vở rồi phải tất bật kiếm sống, cộng thêm một chút ham vui của tuổi trẻ, đã chiếm hết thời gian để có cái nhìn phân tích khách quan về sự hùng mạnh của Nhật Bản trong vài trăm năm qua.

Nhờ vào sự sắp xếp cẩn thận của người thân tại Nhật và internet, chuyến du hành Nhật Bản phần lớn bằng xe lửa siêu tốc Shinkansen đã đưa tôi đi qua hàng ngàn cây số, ngang dọc miền Tây Nam nước Nhật bao gồm ba đảo lớn Honshu, Shikoku và Kyushu. Trong vòng mười ngày, tôi đặt chân đến những thành phố lớn, thị trấn nhỏ, đi tham quan các di tích lịch sử, những khu du lịch thời thượng và đến tận vùng "hoang vu" quê mùa."



"Nagasaki: Nàng công nương họ Nguyễn


Ở giữa con đường xóm Chùa là Đại Âm Tự (Daionji). Ngôi chùa này có ít nhiều liên hệ đến Việt Nam. Phía sau ngôi chùa là một nghĩa trang lâu đời dọc theo triền núi, có hàng ngàn, chục ngàn ngôi mộ chôn hài cốt của giai cấp quí tộc và giai cấp võ sĩ "samurai" vài trăm năm trước [3]. Dựa theo thông tin của một ông bạn tại Nagoya, tôi đến thăm chùa với mục đích tìm ngôi mộ của một vị công nương Việt Nam, con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên được gả về Nagasaki năm 1619, kết hôn với Araki Sotaro (Hoang Mộc Tông Thái Lang), một thương nhân nổi tiếng đương thời và cũng là nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi samurai. Đại Âm Tự là một trong những ngôi chùa lớn tại Nagasaki. Tiếc rằng, trận hỏa hoạn năm 1959 đã thiêu hủy toàn thể ngôi chùa. Chùa được xây cất lại nhưng không còn vẻ cổ kính như xưa.

Tôi đi đến văn phòng chùa hỏi thăm địa điểm ngôi mộ cổ. Bà quản lý tử tế chỉ dẫn và nhanh nhẹn lướt qua một số tài liệu, in ra cho tôi một trang nói về phần mộ của dòng họ Araki. Thì ra, ngôi mộ được chỉ định là "Sử tích của thành phố Nagasaki". Tôi thầm phục cách lưu trữ tài liệu, phân loại và xử lý văn bản lịch sử của người Nhật. Chỉ trong vòng vài phút, một người quản lý bình thường của một ngôi chùa có thể tìm ra tên tuổi người quá cố qua đời vài trăm năm trước giữa hàng chục ngàn cái tên khác.

Theo lời chỉ dẫn, tôi leo lên hơn 200 bực đá dọc theo triền núi, quẹo trái quẹo phải, đi qua hàng trăm ngôi mộ cổ được sắp xếp thứ tự theo từng gia tộc, phần lớn đã rêu phong, những chữ khắc vào đá cũng đã phai mờ. Ở mỗi phần mộ tôi nhận thấy có bia đá nhỏ khắc chữ "Thổ thần" giữ mộ. Một tập tục Trung Quốc ảnh hưởng đến phong tục của người Nagasaki. Tôi không thấy những bó hoa tươi, dấu vết hương khói hay sự lui tới thường xuyên của con người, chỉ có những làn gió vi vu thổi qua ngọn đồi làm không gian vốn đã u tịch lại càng đượm thêm một màu thê lương. Có lẽ, vì là mộ cổ con cháu của người quá cố đã ly tán khắp nơi, không còn ai còn nhớ đến quá khứ và trở lại chăm sóc mộ phần. Mộ phần nhà Araki cũng dễ tìm, trước cổng mộ thành phố Nagasaki có dựng một bảng tóm tắt tiểu sử của ông Araki Sotaro và người vợ, một công nương Việt Nam với cái tên Nhật (?) Wakaku (từ Hán Việt: Vương Gia Cữu) (Hình 12, 13). Đứng trước ngôi mộ tôi chấp tay cúi đầu, hy vọng rằng sẽ có hài cốt của một công nương quyền quí nằm trong lòng đất này.

Hình 12: Mộ phần dòng họ Araki (ảnh của tác giả).


Hình 13: Bảng tiểu sử ông Araki Sotaro và vị công nương Việt Nam do thành phố Nagasaki dựng lên (ảnh của tác giả).

Tôi tìm hiểu thêm về mộ phần của Araki Sotaro qua thông tin trên trang copy từ sách tài liệu của nhà chùa. Được biết, Araki Sotaro sau khi thành hôn với công nương Wakaku ông tự đặt thêm một tên Việt Nam là Nguyễn Thái Lang. Công nương Wakaku nổi tiếng và được người dân Nagasaki gọi bằng cái tên thân mật là Anio-san (anio = A Nương theo từ Hán Việt, có thể dịch là "cô nương"). Công nương mất năm 1645, như vậy bà sống ở Nhật 26 năm, được ban pháp danh là Diệu Tâm. Một pháp danh rất là Việt Nam. Cũng theo trang thông tin này, hơn hai trăm năm sau vào thời Minh Trị mộ phần của Akira Sotaro và Anio-san được con cháu đời thứ 13 cải táng và mộ phần hiện tại chỉ có đời thứ 3, thứ 12, 13 và 14 (Araki Sotaro là đời thứ 1).

Cuộc đời của Araki Sotaro và công nương Việt Nam Wakaku sẽ có rất ít người biết nếu chỉ dựa vào bảng tiểu sử ở một nghĩa trang heo hút và tài liệu "đóng bụi" của Đại Âm Tự. Nhưng câu chuyện tình Nhật Việt này đã được mang ra trình bày và giải thích bằng hai thứ tiếng Nhật và Anh cùng với những mẩu chuyện khác về Nagasaki ở thế kỷ 17, 18 tại địa điểm tham quan lịch sử Dejima (đề cập ở phần sau). Tài liệu Nhật còn cho biết khi nàng Wakaku cập bến Nagasaki, một cuộc đón tiếp long trọng được tổ chức để đón cô dâu quí tộc đến từ Nam quốc xa xôi. Trang phục của cô dâu đã gây một ấn tượng đặc biệt cho người dân Nagasaki và từ đó về sau nó trở thành một tiết mục thời trang cho lễ hội (matsuri) hàng năm của thành phố đến tận ngày hôm nay. Trong khi đó, lịch sử Việt Nam không có một giòng chữ nào đề cập đến số phận của nàng công nương xa xứ họ Nguyễn.

Phải công nhận rằng người Nhật có cách quảng bá lịch sử rất sáng tạo và khoa học. Ở những địa điểm du lịch, họ dựng bảng giải thích các di tích với hình ảnh, bản đồ, niên biểu, và lời dịch tiếng Anh rất chính xác, gần đây thêm tiếng Hoa và tiếng Hàn. Đối với những sự kiện lịch sử lớn lao đặc biệt là vào thời Mạc Phủ và Minh Trị Duy Tân, họ nghiên cứu, sưu tập tư liệu làm những bộ phim tập trường thiên chiếu trên kênh truyền hình quốc gia NHK để tôn vinh một thời đại, một vương phi hay một nhân vật samurai anh hùng. Vì tính chất hấp dẫn của những bộ phim samurai lịch sử này, phim chưởng Hong Kong hay Trung Quốc với những màn đánh nhau loạn xị, vô cảm nằm ngoài thị hiếu của khán giả và không bao giờ xâm nhập được vào thị trường tivi và điện ảnh Nhật Bản. Ngoài ra, kênh truyền hình giáo dục NHK [4] có những giờ lịch sử được trình bày sống động theo lối "kể chuyện cổ tích" xen vào những khúc phim miêu tả (re-enactment) hay phim tài liệu ngắn rất cuốn hút người xem.

Nagasaki: Dejima

Dejima là một địa danh lịch sử của Nagasaki và của Nhật Bản. Nói đến lịch sử cận đại Nhật Bản thì phải đề cập đến Dejima. Cũng không phải quá lời khi gọi Dejima là cái nôi của khoa học kỹ thuật cận đại Nhật Bản. Trong suốt thời kỳ "tỏa quốc" (bế quan tỏa cảng) của chính quyền Mạc Phủ, nước Nhật tự cấm vận chính mình không giao thương với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, chính quyền Mạc Phủ khôn ngoan mở ra một "cửa sổ" nhỏ để nhìn thế giới. Đó là Dejima (Hình 14).

Hình 14: Mô hình toàn cảnh Dejima (ảnh của tác giả)

Dejima là một hòn đảo nhân tạo rộng 15.000 m2 được chính quyền Mạc Phủ xây cất để cho người Hà Lan mướn và lập văn phòng của các công ty thương thuyền, nhà ở cho nhân viên. Người Hà Lan được phép đi lại vì họ chỉ buôn bán và không liên hệ đến các hoạt động truyền giáo. Trong những đoàn thương nhân này, có những vị bác sĩ đến đây để chăm sóc sức khoẻ của nhân viên và thủy thủ. Những sĩ phu yêu nước không phân biệt giai cấp từ Edo (Tokyo), Kyoto, Osaka, đã lũ lượt kéo về Nagasaki đến Dejima tìm gặp các vị bác sĩ này để "tầm sư học đạo". "Đạo" ở đây là Lan học (cái học của Hà Lan), có nghĩa là cái học của khoa học kỹ thuật Tây phương. Năm 1774 bộ sách y khoa về giải phẫu học tiếng Nhật đầu tiên và cũng là quyển sách khoa học đầu tiên, "Giải thể tân thư", ra đời dựa theo nguyên bản tiếng Hà Lan. Từ đó Lan học và phong trào dịch thuật lan rộng cả nước nhanh chóng như lửa rừng, đồng thời đẩy lùi cái học "ngũ thư, tứ kinh" vào bóng tối. Những môn học khác như thực vật học, dược học, nông học, vật lý, hóa học, toán học lần lượt được phổ biến. Thời thế tạo anh hùng. Vào đầu thế kỷ 19, những nhà Lan học lỗi lạc xuất hiện, lập trường học đào tạo nhân tài, đặt một nền tảng khoa học kỹ thuật cho cuộc vận động Minh Trị Duy Tân sau này.

Ngày nay Dejima không phải là hòn đảo nữa vì xung quanh người ta đã lấp đất lấn ra biển. Trên địa điểm cũ những ngôi nhà xưa được phục nguyên và sinh hoạt của người Hà Lan được tái hiện theo tài liệu lịch sử. Bộ sách "Giải thể tân thư" và bộ tự điển đầu tiên Nhật - Hán - Anh - Hà Lan viết bằng tay được trưng bày tại đây cho thấy sự cầu tiến và kiên nhẫn của các nhà Lan học. Trong phòng triển lãm, tôi chú ý đến cái đồng hồ quả lắc, ống nhòm thiên văn, cây súng trường, khẩu súng lục chế tạo vài trăm năm trước mô phỏng theo Hà Lan, Bồ Đào Nha, được cải thiện cho thích hợp với người Nhật Bản.

Tinh thần phân tích, suy diễn, cải thiện và khiêm tốn học hỏi thấm sâu trong tư duy người Nhật đã giúp họ phát triển mọi mặt. Vào thế kỷ thứ 8, người Nhật Bản sang nhà Đường (Trung Quốc) du học, vay mượn Hán tự làm văn tự của mình và cách tổ chức hành chánh của triều đình nhà Đường để an bang trị quốc. Họ cải thiện Hán tự và dùng cho đến ngày hôm nay mà không mang một chút mặc cảm vay mượn. Trái lại, họ đã đóng góp rất nhiều vào việc phong phú hóa Hán tự và hội nhập văn tự này vào ngôn ngữ khoa học thế giới. Kể từ khi Lan học xuất hiện, người Nhật đã dùng tiếng Hán để dịch những từ ngữ y học, khoa học tự nhiên và nhân văn. Những thuật ngữ như: vật lý, hóa học, số học, vi phân, tích phân, phương trình, quĩ đạo, lượng tử v.v…, hay trong khoa học nhân văn: kinh tế, chính trị, dân chủ, xã hội, chủ nghĩa, cộng sản, là những từ Hán Nhật mà sau này ông thầy Trung Quốc phải vay mượn lại "học trò" Nhật để bắt kịp thế giới.

Đến tham quan Dejima, tôi thấy thêm một lần nữa tinh thần phân tích, suy diễn, cải thiện và khiêm tốn học hỏi của người Nhật đã đưa đất nước này từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu thốn tài nguyên đến địa vị một đế quốc quân sự và sau này một cường quốc kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Hai ngày tại Nagasaki vẫn chưa đủ, nhưng đã đến lúc phải chia tay. Trước khi từ giã thành phố cảng lãng mạn này, tôi lững thững ra ngoài bến cảng nhìn Nagasaki lần cuối. Mây vẫn lướt thướt bay, sóng vẫn vỗ rì rào và núi vẫn sừng sững vươn lên. Một dãy sơn hà đã chứng kiến biết bao cảnh thăng trầm, biết bao tao nhân mặc khách, anh hùng hào kiệt đến đến đi đi. Ánh sáng bình minh của khoa học đã chiếu trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này và những con người Nhật Bản cầu tiến đã sớm thức tỉnh nắm bắt lấy cơ hội làm ra những trang sử oai hùng cho đất nước.

Buổi chiều hôm đó lành lạnh, có nhiều mây mù và trời lất phất mưa. Tôi bỗng chợt bâng khuâng muốn đứng giữa bến cảng êm đềm hát to bài tình ca của một thời du học, "Nagasaki wa kyo mo ame datta" (Nagasaki trời hôm nay mưa cũng đã rơi)…


Mùa Giáng Sinh 2008

TVT


Phụ chú

1. Có một sự trùng hợp lịch sử thú vị giữa Việt Nam và Nhật Bản trong cùng một thời kỳ. Ở giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh tại Việt Nam và chúa Trịnh nắm hết quyền bính ở Đàng Ngoài biến vua Lê thành nhân vật biểu tượng, thì tại Nhật Bản chính quyền Mạc Phủ (tên chỉ một thời đại) do một Tướng quân (Shogun) cầm đầu cai trị cả nước Nhật cũng biến Thiên Hoàng Nhật thành bù nhìn. Chính quyền Mạc Phủ đi qua nhiều thời đại được truyền tay qua những Tướng quân lỗi lạc, kéo dài gần 300 năm từ hậu bán thế kỷ 16 đến Minh Trị Duy Tân năm 1867. Đây là thời kỳ hòa bình lâu dài nhất trong lịch sử Nhật Bản. Nhận thấy chính quyền Mạc Phủ không còn thích hợp với thời đại, phe bảo hoàng của các thế lực quân sự tại Satsuma-han (han: phiên, tương đương tỉnh, bây giờ là tỉnh Kagoshima, nam Kyushu), Choshu-han (tỉnh Yamaguchi, tây Honshu) và Tosa-han (tỉnh Kochi, Shikoku) liên minh làm cách mạng lật đổ chính quyền Mạc Phủ tại Edo (Tokyo), trao trả quyền lực lại cho Thiên Hoàng và mở đầu thời đại Minh Trị Duy Tân (1867). Tiếc rằng, Việt Nam không có một sự kiện tương tự.

2. Thơ Nguyễn Công Trứ.

3. Vào thời phong kiến, người Nhật cũng theo truyền thống "sĩ, nông, công, thương", nhưng "sĩ" của Nhật là giai cấp "võ sĩ" (samurai).

4. Có lẽ Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới có kênh truyền hình giáo dục hoạt động song song với kênh tổng hợp. Ngoài những tiết mục dạy bổ túc cho học sinh trung học, kênh giáo dục còn có những tiết mục nhân văn, xã hội, nghệ thuật, ngoại ngữ đàm thoại cho đại chúng. Hàng tháng NHK xuất bản những tập sách nhỏ giá rẻ để học viên có thể theo dõi chương trình học một cách hiệu quả. "

---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Gái lấy chồng xa - 2 : Ghi chép nhanh của Trương Văn Tân (2008)
Gái lấy chồng xa - 1 : Năm 1620, công chúa Đàng Trong vượt biển đi làm dâu Nhật Bản
Triển lãm Đại Việt Nam ở Nhật Bản (16/4-9/6/2013, Bảo tàng Quốc lập Cửu Châu)







Trương Văn Tân (Exryu 70,  Úc Châu)
Fukuroi (Shizuoka-ken) nằm trên tuyến đường xe lửa Tokaido là một thị trấn không có gì đặc sắc với dân số 5 vạn người. Phía Ðông Fukuroi là Kakegawa và Shizuokạ Kakegawa nổi tiếng với cổ thành Kakegawa. Shizuoka là thành phố chính của tỉnh Shizuoka. Phía Tây Fukuroi là hai thành phố sầm uất Hamamatsu và Nagoya. Vì vậy, dường như lúc nào Fukuroi cũng thường bị người ta quên lãng. 
Một phần nó không ở vị trí chiến lược vì bị các thị trấn "đàn anh" dành hết, một phần cái tên Fukuroi cũng nghe hơi "ngô nghê". Người dân ở đây không gì tự hào với thành phố của mình ngoài việc Fukuroi nằm ngay giữa (do manaka) con đường huyết mạch lịch sử Tokaido (Ðông Hải Ðạo). Trong lịch sử Nhật Bản, người Nhật thường nói đến con đường Tokaido 53 trạm (tsugi) nối liền Kyoto và Edo (Tokyo) mà Fukuroi là trạm thứ 27.
Tôi có duyên với Fukuroi vì thị trấn này là quê nhà của cô bạn gái. Lúc còn sinh viên ở thập niên 70, tôi thường tới lui thị trấn này đến nhà thăm cô bạn. Sau này chúng tôi lấy nhau, Fukuroi được "nâng cấp" trở thành quê vợ.
Khoảng đường Tokaido ở Fukuroi có hai hàng cây tùng (matsu) với tuổi thọ gần 300 năm chạy dọc hai bên đường . Trong những bức họa cổ vẽ 53 trạm Tokaido, Fukuroi thường được mô tã với hai hàng cây tùng với những thương nhân (shoubainin) và samurai đi qua đi lại. Nhà Bố Mẹ Vợ Tôi nằm ven con đường Tokaido với hàng cây tùng lịch sử này.

Fukuroi chỉ có thế, nhưng có một điều tôi không ngờ là Fukuroi là một nơi có liên quan đến lịch sử cận đại Việt Nam. Trong một chuyến về thăm Bố Mẹ Vợ từ Úc năm 1982, thấy tôi tù túng ở mãi trong nhà Bố vợ tôi bỗng nhiên bảo :
"Tân-kun, gần nhà có một tấm bia Kỷ Niệm do một nhà cách mạng Việt Nam dựng lên. Con có muốn đi xem không?". Lúc đó tôi hơi ngỡ ngàng vì nhà cách mạng Việt Nam nào lại đến cái xứ "khỉ ho cò gáy" này để dựng bia Kỷ Niệm!?

Chúng tôi lái xe đến một ngôi chùa tên là Jorinji (Thường Lâm Tự) cách nhà 5 km, trong khuôn viên của chùa có một tấm bia đá rất lớn đề "Thiển - Vũ Tá-Hỉ-Thái Lăng Công Kỷ Niệm Bi" (Bia Kỷ Niệm Ông Asaba Sakitaro) với những dòng chữ Hán viết theo lối cổ phong. Tôi đọc nhưng không hiểu hết, đại loại như sau :
"Chúng tôi vì quốc nạn bôn ba đến xứ Phù Tang. Ở đây chúng tôi được Ông giúp đỡ. ....Chưa đền đáp được công ơn của Ông thì Ông đã qua đời. Chúng tôi mang một niềm thương tiếc vời vợi....."
Cuối tấm bia có ký tên "Việt Nam Quang Phục Hội". Tôi bàng hoàng vì tại sao một di tích lịch sử quan trọng như thế này không nghe ai nhắc tới. Tôi lại nghĩ ngay đến những người trong phong trào Ðông Du nhưng không biết chính xác ai lập tấm bia đó.
Mãi đến năm 2000 tôi trở Lại Fukuroi, được dịp nói chuyện với anh bạn của tôi là B.C. Trung (Exryu Japan - Nagoya) mới biết là cụ Phan Bội Châu lập nên để tạ ơn một người Bác Sĩ tên là Asaba đã giúp đỡ ông trong những ngày tháng hoạt động cách mạng tại Nhật. Ðược biết mộ Bác Sĩ Asaba ở nghĩa trang chùa Jorinji. Vùng này gọi là Asaba Chou và đến nay con cháu của Bác Sĩ cũng còn sống rãi rác ở đây.
***** 
Năm 2002, tôi về Việt Nam mua được quyển sách của anh Vĩnh Sính (Exryu Canada) với tựa đề "Việt Nam và Nhật Bản Giao Lưu Văn Hóa" [1]. Anh Vĩnh Sính đã viết một chương về "Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro"mô tả nhiều chi tiết về sự liên hệ của cụ Phan và Bác Sĩ Asaba.
Biết được sự liên hệ "đặc biệt" của tôi với Fukuroi, anh TT Việt (Exryu NCA) đã cho tôi một số thông tin tiếng Nhật về Bác Sĩ Asaba [2]. Tôi xin lược dịch những chổ chưa được đề cập hoặc chỉ được nói thoáng qua trong bài tham luận của anh Vĩnh Sính.

BIA TẠ ƠN [2]


Sau khi bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản (1909), cụ Phan không còn chỗ dung thân. Cụ Phan lê gót đến Thượng Hải, Hàng Châu, Hương Cảng hoặc đi đến những vùng biên cảnh Quảng Tây, Vân Nam để trốn tránh những cuộc truy nả Hoặc bị bắt và sống trong ngục tụ Năm 1917, cụ Phan bí mật trở lại Nhật Bản. Năm 1910, Bác Sĩ Asaba qua đời ở tuổi 43, một năm sau ngày cụ Phan bị trục xuất khỏi Nhật. Trở lại Nhật không gặp lại ân nhân, cụ Phan lấy làm thương tiếc khôn nguôị Ðể thay lời cảm tạ vị ân nhân, cụ Phan quyết định làm bia Kỷ Niệm. Năm sau, cụ trở lại Nhật một lần nửa để thực hiện quyết định nàỵ

Trong "Phan Bội Châu Niên Biểu", cụ Phan viết như sau:
"Tôi (Phan Bội Châu) đến Shizuoka (nhà ga Fukuroi ?) để xem giá cả làm bia bao nhiêu?. Vật liệu đá và công khắc chữ thì tốn 100 yen, tiền chuyên chở hơn 100 yen. Trong túi của tôi thì chỉ còn 120 yen. Tôi và Lý Trọng Bá đến nhà ông Thôn Trưởng làng Higashi Asaba tự sự đầu đuôi. Ông Thôn Trưởng lấy làm cảm động mời chúng tôi qua đêm tại nhà ông. Ông tổ chức một cuộc họp phụ huynh học sinh trường Tiểu Học trong thôn nói lên nghĩa cử của Ông Asaba và mục đích của chúng tôi vượt thiên lý đến đây làm bia. Ông kêu gọi phụ huynh quyên góp để giúp chúng tôi thực hiện được quyết tâm. Tiếng vỗ tay đồng tình vang lên như sấm. Công việc làm bia 1 tháng là xong và được đặt gần mộ phần Ông Asaba trong khuôn viên chùa Jorinji. Bia được đặt trên một bục đá cao hơn 1 m, tấm bia cao 2.7 m chiều ngang 0.87 m. Ngày hoàn thành, người trong thôn làm lễ khánh thành và tổ chức yến tiệc. Tất cả đều nằm trong sự lo liệu của ông Thôn Trưởng. Chúng tôi từ đầu đến cuối chỉ trả 100 yen. Tôi đặc biệt viết ra đây để đồng bào Việt Nam biết đến nghĩa cử của những người bạn Nhật Bản"
  
Bia tạ ơn trước mộ Ông Asaba trong khuôn viên chùa Joujinji.
Cụ Phan Bội Châu ngồi hàng trước, người thứ hai từ bên phải.
(hình và tài liệu từ bài viết của anh Vĩnh Sính)


NHỮNG CÂU CHUYỆN TRUYỀN LẠI TRONG HỌ ASABA [2]
"Những việc làm của Ông các con là những nghĩa cử cứu giúp một người nước ngoài khốn khó. Người này rất nổi tiếng ở Ðông Dương lúc đó bị cảnh sát Pháp và Nhật truy nả. Các con không được tiết lộ những điều này ra ngoài".
Ông Asaba Sakitarou

Ðây là lời căn dặn của bà Yukie là mẹ của Kazuko (cháu của Bác Sĩ Asaba). Hơn nửa thế kỷ sau khi cụ Phan và các đồng chí của cụ bị trục xuất ra khỏi Nhật, những việc làm của Bác Sĩ Asaba vẫn được người nhà tuyệt đối giữ bí mật.
"Ông tôi yếu vì bịnh tật, cho nên ông cụ chọn bờ biển Kofutsu có không khí trong lành ở giữa đường quê nhà Asaba Chou và thủ đô Tokyo để thiết lập một bịnh viện. Từ cửa sổ bịnh viện nhìn ra thấy biển và nghe tiếng sóng nước. Những ngày đẹp trời, có thể thấy những làn khói từ núi Mihara của đảo Oshima xa xa. Khi Ông tôi mất, chúng tôi dọn về Numazu. Tôi còn nhớ trong lúc dọn nhà tôi thấy có búp bê và đồ chơi Việt Nam. Tôi không nghe nói nhiều về sự liên hệ của Ông tôi và du học sinh Việt Nam. Chỉ biết rằng có những người Việt Nam đến từ những chiếc thuyền đánh cá cập bến bờ biển Enshu hay bờ biển Kofutsu, giống như những người thuyền nhân tị nan bây giờ.
Những người trong thôn dẫn những người này đến bút đàm với Ông tôi vì họ biết tiếng Hán. Cũng có nhiều người đến bằng xe lửa hoặc tàu thủy tập trung đến bịnh viện để được bao che giúp đỡ. Trong bịnh viện lúc nào cũng có vài chục người nghèo khó sống với nhau. Trong những người này có nhóm du hoc sinh Việt Nam. Mẹ tôi thường đến phòng của những người trong nhóm này để nghe họ đánh đàn guitar hoặc kéo violin. Có người sống ở đây hơn 2 năm, nhưng phần lớn họ thay phiên nhau sống trong 1 thời gian ngắn. Có lẽ, họ sợ gây phiền nhiễu đến sinh hoạt bịnh viện.
Sau đó không bao lâu, vì có bố cáo của cảnh binh Pháp, cảnh sát sở tại đến điều trạ Có một số bị bắt câu lưu tại sở Cảnh Sát Odawara. Ông tôi bèn chuyển vài người du hoc sinh về nhà riêng ở Umeyama"

******

Trong khoảng thời gian du hoc tại Nhật, bản thân tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ và cưu mang vừa vật chất vừa tinh thần của nhiều người Nhật hào hiệp. Tôi có cảm giác đây là cái truyền thống "sĩ " (samurai) trong huyết quản người Nhật. Những người làm cách mạng Trung Quốc ở đầu thế kỷ 20 như Lỗ Tấn [3] hay Bác Sĩ Tôn Dật Tiên cũng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ nhiều cá nhân Nhật trong khoảng thời gian du học hoặc hoạt động cách mạng của họ tại Nhật.

Tháng 9, 2003 tôi trở lại quê vợ, Fukuroi. Tôi trở lại viếng tấm bia Kỷ Niệm. Ðứng trước tâm bia, một lần nửa tôi cảm khái trước nghĩa cử của Bác Sĩ Asaba, cảm phục những bậc tiền bối cách mạng Việt Nam mang một tấm lòng phục quốc bôn ba hải ngoại. Tôi lại tưởng tượng ở một ngày nào của mùa Xuân năm Mậu Ngô (1918) một Phan Bội Châu với quyết tâm làm bia Kỷ Niệm cho ân nhân của mình, đơn giản trong một bộ đồ bạc màu bước xuống ga Fukuroi đi dọc theo con đường Tokaido 53 trạm, rẽ vào một con đường nhỏ hai bên là ruộng lúa dẫn đến thôn Asaba, đứng trước ngôi chùa Jorinji mà tôi đang đứng. Trong cái tĩnh mịch của ngôi chùa tôi cảm thấy bóng dáng tiền nhân quanh quất đâu đây.
"Quốc phá sơn hà tại" [4]  
Tôi vẫn nghĩ tấm bia nói lên tình người này sẽ còn tồn tại mãi với núi sông.

Melbourne, mùa Xuân Nam Bán Cầu  - 4 tháng 11 năm 2003
TVT

..........................

Tài Liệu Tham Khảo
1. Phan Bội Châu và Asaba Sakitarou - Vĩnh Sính (Exryu Canada) trong  "Việt Nam và Nhật Bản Giao Lưu Văn Hóa", NXB Văn Nghệ, TP HCM, 2001, trang 217 - 230
3. xem bài "Giáo sư Fujino" của Lỗ Tấn
4. "Nước nhà bị tàn phá, nhưng núi sông vẫn còn", câu thơ đầu trong bài "Xuân Vọng" của Ðỗ Phủ.





......................................................
Phụ bản :
(a). Ga Fukuroi ngày nay :
             
(b). Cách đi đến Asbachou (ga Fukuroi) nơi có bia tạ ơn của cụ Phan
(c). Ghi chú của ERCT :
Trong tài liệu tham khảo có đăng một tấm hình với lời ghi chú là hình hoàng thân Cường Ðể (đứng) và Cụ Phan Bội Châu (ngồi). Trong bài của anh Vĩnh Sính không có đề cập tới và chúng tôi cũng có xác nhận với anh P (Úc) và anh T (Úc), chúng tôi nghĩ rằng hình này không phải là hìnhcủa hoàng thân Cường Ðể và Cụ Phan như lời giải thích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.