Lời dẫn: Có một viên công sứ Pháp được cử về Thái Bình hồi đầu thế kỉ XX. Tổng đốc Thái Bình lúc đó là ông Phạm Văn Thụ. Hai ông, một Pháp và một Việt đã đi thị sát dân sinh vùng vỡ đê. Vỡ đê và chạy lụt là chuyện cơm bữa ở vùng đất Thái Bình.
Cuối cùng, viên công sứ đã quyên sinh vì tự thấy mình có lỗi. Xin được chết để chia sẻ với người nông dân bản xứ.
Đó là câu chuyên lưu truyền trong dân gian, bây giờ đã đi vào truyện ngắn của nhà văn Đức Hậu. Hãy đọc đúng như là văn học, tạm bỏ qua những gì như là truy vấn hiện thực lịch sử ở trong đầu.
Ngài công sứ
30-01-2013 06:53:40 PM
Công sứ Perret vừa đi kinh lý ba huyện vùng duyên hải Thái Bình về thì được cấp báo một khúc đê thuộc huyện Thư Trì sắp vỡ. Nước lũ sông Hồng lên đột ngột sau hơn một tuần mưa lớn từ thượng du lan xuống khắp châu thổ Bắc bộ. Không kịp ăn tối, ông sai thư kí gọi tổng đốc Phạm Văn Thụ và viên quan lục lộ lên đê ngay. Từ dinh Công sứ, chiếc xe cổ lỗ bò ì ạch trong màn mưa mờ mịt. Con đường từ thị xã ra bến phà Tân Đệ lầy lội bùn đất, thỉnh thoảng xe lại rơi xuống những ổ gà đầy nước. Xe lắc dữ dội đến nỗi không thể trao đổi vài lời với tổng đốc Phạm Văn Thụ. Thấy sự lo lắng căng thẳng của Công sứ, ông Thụ cũng không dám mở lời trước. Vốn tốt nghiệp trường Hành chính Paris, thuộc hàng chính trị gia danh tiếng trong bộ máy cai trị xứ Đông Dương, Công sứ Perret có lối sống nghiêm cẩn, khắc kỷ và trọng danh dự được người trên kẻ dưới trọng nể. Từ miền thượng du mới được bổ về Thái Bình hơn bốn tháng, ông dồn hết tâm lực để tìm hiểu về vùng đất và cư dân nơi này. Ban ngày đi kinh lý, làm việc với các quan chức bản địa, đêm đêm ông đọc các tài liệu về địa lý, lịch sử, văn hóa của Thái Bình. Ông đọc cả những bản Hương ước của các làng để hiểu về lối sống, phong tục và văn hóa của người dân. Càng đọc, ông càng ngạc nhiên về một vùng quê có bề ngoài nghèo nàn, tiêu điều mà đầy huyền bí với nhiều tầng văn hóa trầm tích ngàn đời. Cái làng của An Nam thật là kỳ lạ. Nó cố kết cộng đồng bằng sự gắn bó các dòng tộc, quan hệ huyết thống, quan hệ thông gia liên gia, lưu giữ văn hóa, khép kín và bền vững như những pháo đài. Chính vì vậy mà hàng ngàn năm Bắc thuộc, người Tàu đã dùng trăm mưu ngàn kế cũng không thể đồng hóa được họ. Nước mất nhưng làng không bao giờ mất. Rồi những anh hùng, sĩ phu được nuôi giấu từ chân tre mái rạ của làng lớn lên đi đòi lại nước. Thái Bình là một tỉnh mới được thành lập theo nghị định ngày 21 tháng 3 năm 1890 của quan toàn quyền Jules Piquet, gồm một số huyện cắt từ Nam Định và Hưng Yên. Vùng đất hoàn toàn bị sông biển bao quanh, không có núi đồi và rừng rú. Bát ngát những cánh đồng và những xóm làng có lũy tre ken dầy bao kín. Mới thành lập được hai mươi ba năm mà phủ toàn quyền đã bổ nhiệm đến mười tám Công sứ, người đầu tiên là ngài De Goays và Công sứ thứ mười bẩy tiền nhiệm của Perret là ngài Letang. Tính ra người làm Công sứ lâu nhất ở đây chỉ hơn một năm. Công sứ Perret hiểu rõ những khó khăn của mình khi nhậm chức ở một nơi mà những người tiền nhiệm của ông đã liên tục bị đổi đi. Nhưng ông mới có quá ít thời gian. Ông đã kinh lý những vùng dân đói, vùng ngập úng ven biển, chưa kịp đi khám đê điều, giờ đây đang là huyệt yếu chí tử ông phải đối mặt.
Lên đến chân đê thì trời đã tối nhọ mặt. Có một nhóm người cầm đuốc đang đứng đợi trên bờ đê. Công sứ xuống xe, khẽ rùng mình vì lạnh. Gió bấc đầu mùa quất những làn mưa xiên chéo vào mặt rát buốt. Hai người lính lệ khẽ thì thào bẩm điều gì đó với tổng đốc Phạm Văn Thụ. Thụ kính cẩn nói với Công sứ:
- Thưa ngài, mời ngài lên cáng.
Hai người lính lệ xin phép dìu Công sứ lên mặt đê. Công sứ ra hiệu từ chối và tự mình leo lên con đê nhão nhoét bùn đất. Khoảng mươi người dân phu gầy gò, quần nâu áo vá được các lý dịch quanh đây gọi ra phục vụ quan công sứ và quan tổng đốc. Họ đứng lom khom quanh hai cái cáng tay bốn người khiêng, có ghế ngồi và lọng che đợi các quan. Họ không dám ngước mặt lên, im lặng đợi lệnh sai bảo của đám lính lệ. Tổng đốc Thụ nhắc lại lời mời Công sứ lên cáng, nhưng ông nhún vai nói: “Để tôi tự đi”. Ông Thụ nói: “Thưa ngài, từ đây lên đến Phú Chử xa hàng chục cây số kia ạ”. Công sứ thản nhiên: “Nào, ta đi thôi”. Công sứ cúi xuống xắn ống quần rồi bắt đầu lội bì bõm trên mặt đê. Viên thư ký vội chạy lại che ô cho Công sứ. Phạm Văn Thụ và đoàn người vội đi theo. Đám dân phu cầm đuốc vây quanh soi đường cho các quan và đoàn tùy tùng. Phạm Văn Thụ lòng lo ngay ngáy, vì đến đoạn đê Phú Chử xung yếu đi bộ thế này phải mất khoảng hai giờ, trời tối, lại mưa rét, bụng đói, bản thân ông cũng chưa từng chịu đựng cảnh này huống chi là quan công sứ quen sống trong nhung lụa từ trong bụng mẹ. Ông gọi riêng một người lính dặn dò, rồi người đó cầm đuốc chạy lên trước, khuất dần sau màn mưa. Công sứ Perrret điềm tĩnh bước đi trong mưa rét như không bận tâm đến ngoại cảnh. Bên trái ông, con sông Hồng gầm gào hung dữ, hàng tỉ khối nước đang cuồn cuộn đổ về. Trong lờ mờ ánh đuốc, con sông rộng mênh mông không nhìn thấy bờ phía Nam Định. Đỉnh lũ đỏ bầm phù sa như phồng lên ở giữa dòng, ép dữ dội hai bên bờ bằng hàng vạn con sóng và xoáy nước, phát ra những âm thanh sôi sục ầm ào, ùng ục ghê người. Nước đã mấp mé mặt đê. Hàng tre chắn nước ngoài đê chỉ còn phơ phất ngọn lá vật vờ trong xoáy nước. Áp suất hàng vạn tấn đè nặng lên bức tường đất mỏng manh đang gồng lên che chở cho những cánh đồng đang trổ bông, những mái tranh nghèo mỏng manh sau lũy tre làng. Công sứ Perret đã từng đi dọc những triền sông xứ Bắc kỳ, ông nghĩ hàng nghìn cây số đê đắp bằng tay của biết bao thế hệ nơi đây kỳ vĩ không thua kém gì các Kim tự tháp Ai Cập. Người An Nam gọi thân thiết công trình ngàn đời ấy là Con đê. Giờ đây ông mới hiểu sự gắn bó sống còn của con đê với con người là thế nào. Gần đến đoạn đê xung yếu đã nhìn thấy ánh đuốc như sao sa, tiếng trống ngũ liên thúc lan truyền từ các làng xóm và dọc triền đê. Công sứ quay sang hỏi Phạm Văn Thụ:
- Thưa ngài tổng đốc, sao nhiều tiếng trống thế?
Phạm Văn Thụ đáp:
- Thưa ngài, đó là hiệu lệnh báo động cho tất cả các làng xã dồn sức người và của cải để cứu đê ạ.
Công sứ lại hỏi:
- Điều gì là cái khó nhất bây giờ
- Thưa ngài, là cái ăn ạ. Có nhiều dân phu lên đê hai ngày nay chỉ ăn khoai luộc, mà khoai luộc giờ cũng thiếu.
- Ông xuất gạo trong kho cho dân ăn ngay đi.
- Thưa ngài, không còn gì dự trữ ạ. Tô thuế phải nộp cho chính phủ theo lệnh của phủ toàn quyền rồi.
Công sứ Perret không hỏi thêm gì nữa. Ông bước đi nhanh hơn trong âm thanh sôi sục của sông Hồng, trong tiếng trống ngũ liên thống thiết âm vang khắp không gian. Trong đêm tối, những bóng người chạy đi chạy lại chập chờn ánh đuốc, tiếng họ gọi nhau í ới đầy lo âu. Ở đoạn đê Phú Chử, cả một tuyến dài hơn cây số đã bị nước tràn qua mặt đê. Người ta mang bao đất, sọt tre từ các làng xóm ra đắp cao lên. Hàng ngàn người túc trực ở đây đã ba ngày nay. Nước sông ngày càng dâng cao và hung hãn hơn. Khi công sứ và đoàn tùy tùng đến nơi, viên tri huyện và các chức dịch quanh vùng đang đứng đợi trước một điếm canh đê. Trong mưa rét, họ vẫn bỏ hết áo tơi nón lá đứng xếp hàng vái chào quan Công sứ và tổng đốc. Viên tri huyện bước lên kính cẩn nói bằng tiến Pháp:
- Thưa quan lớn, mời ngài và quan tổng đốc nghỉ tạm trong này một lát ạ.
Viên tri huyện lom khom đi trước dẫn các quan vào trong điếm canh. Đó là căn nhà nhỏ tường đất mái rạ dựng trên mặt đê, rộng khoảng hơn chục mét vuông. Trên nền đất ẩm ướt mới trải một lớp rơm khô để đón các quan. Cái chõng tre đặt giữa hai chiếc ghế gỗ mộc dành cho Công sứ và tổng đốc. Một nông phu bê cái thúng đậy vỉ cói và chiếc mâm đồng bày lên chõng liễn cơm, đĩa thịt gà, chai rượu nếp và vài món rau. Công sứ Perret để ý thấy người thanh niên đem cơm cao gầy mặc quần cộc, áo nâu vá có gương mặt khôi ngô, đôi mắt to, sáng rất đẹp. Ông nghĩ người này nếu được ăn học chắc sẽ thành người giỏi giang. Ông trầm ngâm nhìn theo bóng anh ta lùi ra khuất vào đêm tối. Tri huyện cúi đầu mời quan Công sứ và quan tổng đốc dùng bữa, những người đi theo được mời ngồi trên ổ rơm có đồ ăn bày trên cái mẹt đan bằng tre. Đang ở ngoài mưa rét, vào trong điếm có mùi cơm thơm, mùi rơm ấm áp thật dễ chịu.
Thấy viên tri huyện vẫn đứng hầu bên cạnh, Công sứ nói: “Kìa ông huyện, sao ông không cùng dùng bữa với chúng tôi?” Viên tri huyện ngạc nhiên không ngờ quan Công sứ nói thạo tiếng Việt đến thế. Ông kính cẩn nói: “Cảm ơn quan lớn, chúng tôi đã ăn tối rồi ạ”. Tri huyện mở nút lá chuối rót rượu ra hai cái chén sành trên mâm. Công sứ đưa tay ngăn lại và ra hiệu cất chai rượu đi. Dù rất đói và mệt, nhưng Công sứ Perret ăn chậm rãi và nuốt khó khăn. Phạm Văn Thụ lặng lẽ theo dõi từng động tác của Công sứ và hiểu tâm trạng của ông. Bản thân ông Thụ cũng lòng như lửa đốt vì tiếng trống thúc, tiếng la hét từ ngoài đê vọng vào. Công sứ hỏi viên tri huyện:
- Có giữ được không, thưa ông huyện?
- Thưa quan lớn, tình thế rất nguy ngập. Chúng tôi đã điều mấy vạn dân phu gánh đất từ nội đồng ra bồi đắp ba hôm nay, nhưng sức nước dữ quá, lại thêm trời mưa, thân đê yếu lắm rồi ạ - viên tri huyện nói.
- Ông đưa chúng tôi ra đó - Công sứ nói.
Công sứ và tổng đốc Thụ cùng buông bát đứng dậy, hai người chưa ăn hết một lưng cơm. Những người đi theo đang ngồi ăn trong góc điếm cũng vội đứng dậy theo. Trên doạn đê xung yếu đông nghịt người, đèn đuốc sáng rực. Những bóng người nhỏ bé, xám xịt như đàn kiến quanh tổ. Thân đê ngấm nước đã mềm nhũn. Một số lỗ lươn, tổ mối đang ào ào tuôn nước vào trong đồng. Áp lực nước chênh gần chục mét với mặt sông, những lỗ rò ấy như những vết thương mưng mủ, có thể bục vỡ bất cứ lúc nào. Một hàng người đứng chắn nước và đóng cọc tre giữ đất dưới chân đê. Người ta hò nhau khiêng những sọt và bao cói đựng đất đắp chân đê, nhưng đắp đến đâu nước cuốn trôi đến đấy. Công sứ Perret khẽ kêu một mình: “Chúa ơi!”. Dân chúng không nghe tiếng ông và cũng không ai để ý đến sự có mặt của ông lúc này. Sự sống của gia đình, làng xóm, đồng ruộng của họ đang ngàn cân treo sợi tóc. Công sứ kéo Phạm Văn Thụ lại gần hỏi nhỏ: “Thưa ông Thụ, sao ông không cho tu bổ đoạn đê này trước mùa lũ?” Phạm Văn Thụ than thở: “Thưa ngài, năm ngoái chúng tôi đã trình với ngài Công sứ Letang xin phủ toàn quyền cấp ngân khố và lương thực hoặc cho giảm trừ tô thuế để bồi đắp đê điều, nhưng đến nay ngài toàn quyền chưa trả lời. Năm nào dân cũng phải làm phu dịch đê điều, nhưng sức dân có hạn, mà họ lại quá nghèo”. Perret lại kêu khẽ bằng tiếng Pháp: “Thật bất hạnh”. Ông bảo Phạm Văn Thụ và viên tri huyện cùng mình trở lại điếm canh, vì ở lại đây cũng không làm được gì. Những gì cần làm người dân đã và đang làm rồi. Mâm cơm ăn dở vẫn để đó, mấy người lính vẫn đứng canh ngoài cửa điếm. Công sứ sai dọn hết mâm bát rồi nói với ông Thụ:
- Bây giờ ngài hãy về điều động dân phu giữ đê bao ven thị xã. Tôi ở lại đây với người dân.
- Thưa ngài, ở đây đã có ông tri huyện và các lý dịch cả vùng lo liệu, xin ngài trở về dinh còn nhiều việc lớn.
Công sứ nhất định ở lại điếm canh. Đã quá nửa đêm. Trước khi về, tổng đốc Thụ cử một đội lính ở lại bảo vệ Công sứ. Viên tri huyện gọi người mang nước hầu quan Công sứ. Lại anh thanh niên có đôi mắt to sáng bê vào chiếc ấm đất ủ rơm khô trong cái thúng nhỏ. Tri huyện tự tay rót nước chè xanh đặc sánh nóng hổi mời Công sứ. Một lát, hai người dân phu mang chiếc võng đay mắc ngang điếm canh. Tri huyện nói: “Thưa quan lớn, mời ngài nghỉ tạm một lát. Xin lỗi quan lớn, trông ngài mệt mỏi quá”. Công sứ gật đầu cảm ơn, giữ vẻ lạnh lùng cố giấu sự cảm động rưng rưng trong lòng. Ông vẫn nghĩ người bản xứ ở đây nếu không căm ghét thì cũng chẳng ưa gì một kẻ cai trị như ông. Sao họ lại tốt với ông thế? Phải chăng họ nhận ra ông cũng đang lo mối lo của họ? Nhưng ông chưa bao giờ thấy bất lực như lúc này. Ông không thể làm gì giúp họ, và cũng không biết nói gì với họ. Ông thấy mệt mỏi và cồn cào, có lẽ vì mấy chén chè xanh đặc uống khi đói. Ông ngả mình lên cánh võng, lơ mơ một lát lại giật mình nhỏm dậy. Ngoài kia có nhiều tiếng la thất thanh. Bỗng đất dưới chân rung chuyển mạnh, ngay sau đó một tiếng nổ trầm đục dội đến làm ông tức ngực. Linh cảm thảm họa đã đến, ông lao ra cửa. Hai người lính canh vội giữ chặt ông, họ vừa khóc vừa kêu to: “Quan lớn ơi, vỡ đê rồi”. Tiếng nước ầm ầm như sấm nổ, cả một vùng đèn đuốc đã biến mất, chỉ còn lại đêm tối, loi thoi những đốm lửa đuốc bị nước cuốn rồi tắt ngấm. Không còn nghe tiếng người, chỉ còn tiếng gầm thét của nước như hàng vạn con chiến mã sổng chuồng đang ào ạt chồm tới, nhấn chìm tất cả. Viên tri huyện và mấy chục người dân quần áo tả tơi chạy về phía điếm canh, vừa chạy vừa quát mấy người lính: “Đưa quan lớn về phía sau ngay”. Họ dìu Công sứ chạy được mấy chục bước thì lại nghe một tiếng nổ bục rung chuyển thân đê. Cái điếm canh biến mất ngay trước mắt họ, mấy người chạy sau cũng không thấy đâu nữa. Công sứ Perret cảm thấy người tê dại, mất hết tri giác. Đến được chỗ an toàn, ông hỏi viên tri huyện đang đứng khóc lặng lẽ bên cạnh: “Mọi người đâu cả rồi?” Tri huyện nghẹn ngào: “Họ bị nước cuốn đi rồi quan lớn ơi”. Trời rạng sáng, mưa cũng ngớt. Dưới ánh bình minh mùa thu, một cảnh tượng hiện ra trước mắt Perret khiến ông nhớ nạn hồng thủy và ngày tận thế viết trong Kinh Thánh. Một biển nước đỏ ngầu đã nuốt chửng các đồng lúa và làng mạc. Trên mặt nước nổi dập dềnh những mái tranh, rơm rạ, cành cây, chăn mền, quần áo, xác gà, lợn… Xa xa một con trâu đang tuyệt vọng giãy giụa giữa xoáy nước đục ngầu, chỉ một lát không thấy nó đâu nữa. Từ sông Hồng, nước vẫn cuồn cuộn đổ vào như thác lũ mà mặt sông không hề vơi cạn. Chợt nhớ ra, công sứ hỏi viên tri huyện: “Người thanh niên mang cơm nước cho tôi đâu rồi?” Tri huyện đáp: “Thưa ngài, anh ta cũng bị nước cuốn rồi ạ”. Công sứ thấy dạ dầy co thắt đau nhói và buồn nôn. Thế là hết. Mấy chục vạn người dân nửa phía Nam tỉnh từ giờ lấy gì ăn để sống đến mùa sau?
Đường về thị xã đã ngập trong biển nước. Người ta đưa hai chiếc thuyền nan đến đón quan Công sứ và các tùy tùng. Con thuyền bé nhỏ vật lộn giữa dòng nước chảy xiết đầy rác rưởi, đi qua những xóm làng chỉ còn nửa mái tranh và những ngọn xoan, ngọn tre nhô lên trong nước. Từ sáng sớm đến giữa trưa mới về đến thị xã. Tổng đốc Thụ đã điều hàng vạn dân đào đắp suốt đêm qua giữ được đê bao, bây giờ một biển nước đã bao quanh thị xã. Trên đê bao đông nghịt người dân gầy gò, hốc hác vì đói và thiếu ngủ. Tổng đốc Thụ đón Công sứ ở chân đê bao, phải nén tiếng kêu kinh ngạc vì chỉ sau một đêm mà Perret như biến thành người khác. Đôi mắt màu nâu tinh anh của ông đỏ ngầu, đầu tóc bơ phờ, quần áo bê bết bùn đất, vẻ mặt mất hết thần thái. Trên đường về dinh Công sứ, xe đi dọc thị xã nhỏ bé chỉ có hai con phố ngắn đường đất, hai bên toàn nhà tranh, vắng ngắt như không người. Perret hỏi Phạm Văn Thụ: “Ngài tổng đốc đã tra xét được số người dân thiệt mạng chưa?” Ông Thụ đáp: “Thưa ngài, chúng tôi đang cho tra xét. Việc giao thông, liên lạc giờ rất khó khăn. Trong số hàng nghìn người bị nước cuốn trôi có một số sống sót. Còn người già và trẻ nhỏ trong các làng không kịp chạy nước chết cũng không ít ạ”. Công sứ gật đầu buồn bã. Ông muốn về ngay Hà Nội gặp ngài Thống sứ Bắc kỳ nhưng nước lũ đã cắt hết đường, không còn phà đò nào qua sông được nữa. Đến dinh Công sứ, Perret nói với Phạm Văn Thụ: “Ngài hãy đi lo công việc cấp bách, tôi sẽ gặp lại ngài sau nhé !” Ông gọi viên thư ký lên phòng làm việc. Bác sĩ Caseaux và người bồi đang đứng đợi ông trước cửa, họ cùng theo ông vào phòng. Công sứ ngả người trên ghế, đăm dăm nhìn những người giúp việc thân thiết của mình. Caseaux nói: “Thưa ngài, trông ngài không được ổn lắm. Bây giờ ngài cần tắm gội, ăn một chút. Tôi sẽ kê toa thuốc để ngài ngủ một giấc cho lại sức ạ”. Người bồi nói: “Thưa quan lớn, ngài chọn món gì ạ?” Perret nhắm mắt im lặng như không nghe họ nói. Hồi lâu, ông ngồi thẳng dậy và nói với người bồi: “Này Julient, làm ơn bảo người bản xứ giúp việc của anh nấu cho tôi một bát cháo đậu xanh.”. Ông quay sang viên bác sĩ: “Tôi còn chút việc cần làm, chưa thể nghỉ ngơi lúc này. Cảm ơn Caseaux, tôi sẽ nhờ cậy ông sau”. Hai người cúi chào và khẽ khàng lui ra. Công sứ ra hiệu cho người thư ký khép cửa lại và nói: “Ông làm ơn nối dây thép cho tôi gặp ngài Thống sứ”. Viên thư ký vào phòng trong quay điện thoại. Perret đứng dậy đi quanh phòng. Mắt hoa, chân tay rã rời, ông cố gắng gượng để khỏi loạng choạng. Một lát người thư ký từ phòng trong ra nói: “Thưa ngài, quan Thống đang bận khách, phải chờ khoảng nửa giờ đến một giờ”. Perret làm động tác bảo người thứ ký trực máy.
Trước khi bổ nhiệm Perret về làm Công sứ Thái Bình, Thống sứ Leson Louis Jean Georges Destenay đã triệu Perret đến dinh Thống sứ. Destenay lúc đó đã năm mươi hai tuổi, hàng cao tuổi trong số các quan cai trị của Pháp ở Đông Dương. Ông là một chính khách theo quan điểm cai trị đồng hóa các thuộc địa. Về lý thuyết thì chính sách cai trị của Đệ tam Cộng Hòa tại các thuộc địa được hoạch định từ bộ thuộc địa Pháp. Tuy nhiên trên thực tế các quan chức đại diện cho Pháp tại thuộc địa có toàn quyền hành xử. Do đó chính sách cai trị tùy thuộc khuynh hướng chính trị và tính cách của cá nhân người cầm quyền. Tháng 10 năm 1887, sau khi dẹp phong trào Cần Vương, bắt vua Hàm Nghi đi lưu đày ở Algérie, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập phủ toàn quyền Đông Dương, bổ nhiệm ngài Ernest Constans làm Toàn quyền đầu tiên, lập bộ máy cai trị và áp đặt chính sách hà khắc lên toàn xứ. Dưới sự điều khiển của quan Toàn quyền là các Thống đốc, Thống sứ, Công sứ và hệ thống quân đội, mật thám, các hội đồng tư vấn. Bộ máy quan lại bản xứ từ trung ương đến địa phương chỉ là bù nhìn dưới sự điều khiển và giám sát của người Pháp. Đối với xứ thuộc địa Đông Dương, từ chính trường Pháp đến bộ máy trực tiếp cầm quyền luôn có hai khuynh hướng khác biệt về chính sách cai trị. Quan điểm của chính sách đồng hóa coi thuộc địa là một bộ phận của mẫu quốc, chịu sự áp đặt cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự và an ninh. Quan điểm của chính sách liên hiệp cho rằng việc đồng hóa là không tưởng, cần tính đến sự khác biệt nhiều mặt giữa thuộc địa và mẫu quốc để có lợi cho cả đội bên. Hai quan điểm này luôn diễn ra âm ỉ trong bộ máy cai trị suốt mấy chục năm qua, thể hiện rõ trong từng nhiệm kỳ của các ngài Toàn quyền. Paul Doumer, người đã cho xây cầu Long Biên, là một Toàn quyền độc tài, biến chế độ bảo hộ thành chế độ thực trị, tổ chức khai thác cùng kiệt tài nguyên của các nước Đông Dương. Người thay thế ông là Jean Beau lại có tinh thần cấp tiến mềm mỏng, chủ trương khai hóa dân trí, lập các trường học, cục y tế, bệnh viện, tổ chức giúp đỡ người nghèo. Nhưng Jean Beau bị phản ứng quyết liệt từ cộng đồng người Pháp ở Đông Dương, từ quan chức đến các tướng lĩnh và giới tăng lữ. Sau năm năm cầm quyền, Jean Beau bị gọi về nước. Antony Klobukowski được bổ nhiệm Toàn quyền đã bãi bỏ trường đại học và các chính sách cấp tiến của Jean Beau, tăng sưu thuế, bãi bỏ ngân sách hàng tỉnh, dùng quân đội và mật thám làm bàn tay sắt để cai trị. Tháng 1 năm 1909, Klobulowski ra lệnh tấn công đồn Phồn Xương, phá tan cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Đề Thám. Klobukowski đã để lại dấu ấn thực dân tàn bạo điển hình. Trong số thuộc cấp theo khuynh hướng đồng hóa hết mực ủng hộ ông ta có ngài Destenay, thống sứ Bắc kỳ hiện là thượng cấp của Công sứ Perret. Trước khi gặp Thống sứ, Perret đã biết tâm trạng của ngài không được tốt. Nguyên nhân chính là ngài đang bất mãn sâu sắc với quan Toàn quyền mới nhậm chức, ngài Albert Sarraut. Albert Sarraut, một ngôi sao đang lên của chính trường Pháp, một chính khách cấp tiến mới ngoài ba mươi tuổi đã bộc lộ những phẩm chất lỗi lạc, được nhiều đảng phái và tập đoàn kinh tế hậu thuẫn. Vừa thay thế Klobukowski, ngài đã cho mở lại trường đại học, mở thêm trường học các cấp và nới rộng các hội đồng quản trị cho người Việt tham gia. Lập tức ngài đã nhận được sự phản ứng của cộng đồng người Pháp ở Đông Dương, cả công khai và ngấm ngầm. Đương nhiên trong số đó có Thống sứ Destenay. Albert Sarraut biết rõ sự cản trở của các kẻ thù chính trị, ngài vẫn mềm dẻo ôn hòa nhưng kiên quyết thực thi các chính sách của mình. Còn Thống sứ Destenay biết mình tuổi tác đã xế chiều, cả thế và lực không làm gì được quan Toàn quyền, nên sự bất mãn trở thành nỗi cay đắng không chịu nổi. Với tâm trạng ấy, ngài ngồi đối diện với Công sứ Perret trong phòng khách sang trọng của dinh Thống sứ.
- Thưa ngài Perret, chắc ngài đã biết mục đích cuộc gặp của chúng ta hôm nay? - Thống sứ Destenay châm xì-gà và mở đầu, chăm chú nhìn Perret.
Công sứ Perret nghiêng mình nói:
- Thưa Thống sứ, chúng tôi xin chờ lệnh ngài.
- Việc bổ nhiệm làm Công sứ Thái Bình, ngài có ý kiến riêng gì không?
- Thưa ngài, nhận công vụ là bổn phận của chúng tôi - Perret đáp.
Destenay cười khẩy:
- Tôi biết ngài là chỗ thân cận với quan Toàn quyền, nên việc bổ nhiệm ngài dù đã được ngài Toàn quyền phê chuẩn, tôi vẫn thấy cần phải hỏi lại ý kiến riêng của ngài.
Đến đây thì Perret hiểu rõ vì sao ngài Thống sứ lạnh nhạt với ông như vậy. Ông nhìn thẳng vào Thống sứ, nghiêm nghị trả lời:
- Thưa Thống sứ, tôi chưa rõ ý ngài. Tôi chưa có hân hạnh được coi là thân cận với một người tầm cỡ như ngài Toàn quyền. Là tôi nói về tài năng và uy tín đó, thưa ngài.
Thống sứ Destenay khẽ giật thót trên ghế bành. Câu trả lời thẳng thừng của Perret khiến ông ta sững sờ. Trong giới quan chức ở Đông Dương người ta vẫn xì xào là ông không ưa ngài Toàn quyền, không chỉ vì chính sách cai trị cấp tiến, mà còn vì sự đố kỵ với tuổi trẻ và tài năng. Bằng sự kìm nén của một chính trị gia lọc lõi, Thống sứ cười nhạt:
- Rất tốt, Perret. Ngài đã cho tôi câu trả lời cần thiết. Tôi biết ngài là người hâm mộ và đồng quan điểm với quan Toàn quyền. Nhưng tôi phải nhắc nhở ngài vùng đất ngài sắp nhậm chức không hợp với cách cai trị của người cấp tiến đâu.
- Thưa Thống sứ, xin ngài chỉ bảo thêm, Perret nhũn nhặn nói.
- Chắc ngài biết đó là một trong mấy trung tâm phản loạn của phong trào Cần Vương chứ? Thậm chí khi Hàm Nghi đã bị bắt, Tôn Thất Thuyết đã chết, mà mấy tên Tạ Hiện, Nguyễn Quang Bích, Phạm Huy Quang, Nguyễn Thiện Thuật vẫn lôi kéo nông dân kháng chiến gây thiệt hại lớn cho chúng ta chứ?
- Thưa Thống sứ, tôi có biết. Tôi nghĩ cũng là lẽ thường tình, vì đây là đất nước của họ. -Perret đáp khẽ khàng.
Thống sứ Destenay sẵng giọng:
- Đây là xứ Đông Pháp như Chúa đã an bài. Triều đình của họ quá thối nát đã mời chúng ta vào khai hóa văn minh cho họ. Ngài phải cai trị vì quyền lợi và danh dự của nước Đại Pháp, đó là mệnh lệnh, ngài hiểu không?
- Triều đình của họ thối nát là nỗi bất hạnh của cả dân tộc họ. Tôi nghĩ người dân của họ cũng như người dân của chúng ta, chỉ khác là họ quá lạc hậu và nghèo khổ. Chúng ta khai hóa văn minh cho họ cũng phải tính đến văn hóa và lịch sử của họ chứ không thể chỉ dùng sức mạnh nô dịch họ. Họ không như những thuộc địa ở Phi châu và vùng Carrybe’ đâu, thưa ngài.
Thống sứ Destenay không cần kìm nén nữa, đập tay xuống bàn:
- Ngài dám công khai quan điểm cấp tiến của mình ư? Ngài quên một nguyên tắc cơ bản là thuộc địa nào cũng thế, chỉ thành công bằng phương pháp cai trị sợ hãi, chứ không phải sự thân thiện. Được lắm, để xem ngài sẽ cai trị thế nào. Xẩy ra chuyện gì ở đó thì quan Toàn quyền cũng không cứu được ngài đâu. Mà không cẩn thận, chính họ sẽ giết ngài đấy, Perret ạ.
Công sứ Perret làm động tác muốn đứng dậy, điềm đạm nói:
- Thưa Thống sứ, tôi sẽ luôn hành động vì danh dự của nước Pháp và của bản thân. Ngài còn điều gì chỉ dạy thêm không ạ?
- Xin lỗi, tôi hơi nóng nẩy quá lời - Thống sứ Destenay dịu giọng nhưng vẻ mặt vẫn lạnh lùng - Chúc ngài thành công.
Kết thúc cuộc hội kiến quan trọng của hai chính khách không diễn ra theo truyền thống Pháp. Chai rượu đã được người bồi mở sẵn vẫn còn nguyên trên bàn.
Giờ đây ngồi nhớ lại tất cả, Perret thấy lòng quặn thắt buồn đau. Có lẽ Destenay cố tình bắt ông phải chờ đợi điện đàm để tỏ rõ quyền uy của ông ta. Ông ta không thể không biết điều gì đã xẩy ra với sinh mạng của hàng vạn người dân. Chắc chắn chánh mật thám Jean Gasket đã báo cho ông ta rồi. Perret thấy người như ngây ngấy sốt, cố lê bước tới chiếc ghế bành quen thuộc. Không dám nghĩ tiếp nữa. Người thư ký từ phòng trong bước ra thưa: “Thưa ngài, quan Thống đã ở đầu dây ạ”. Perret vừa cầm máy, thống sứ Destenay liền nói ngay: “Chào ngài Công sứ, ngài vất vả quá. Tình hình dưới đó ra sao?” Perret thuật lại sự việc, nhấn mạnh thiệt hại về người và tài sản và nguy cơ nạn đói cận kề. Thống sứ cắt ngang: “Tóm lại ngài cần gì, hay nói cách khác, tôi giúp gì được ngài?” Perret nói: “Thưa ngài, không phải tôi, mà người dân cần giúp đỡ lương thực để sống, tiền bạc để đắp lại đê điều, sửa chữa nhà ở. Tôi khẩn thiết xin ngài xuất quốc khố ra giúp dân qua cơn hoạn nạn này”. Thống sứ hỏi: “Kho lẫm của tỉnh không còn gì sao?” Perret nói: “Thưa ngài, từ năm 1911 ngài Toàn quyền Klobukowski đã bãi bỏ ngân sách hàng tỉnh, sưu thuế thu cả về trung ương, hai năm nay tỉnh không có ngân sách cũng như lương thảo dự trữ. Điều này hẳn ngài biết rõ chứ ạ”. Phía đầu dây Hà Nội im lặng hồi lâu, rồi Thống sứ nói: “Hãy huy động sức dân, để họ cứu giúp nhau. Người An Nam có câu lá lành đùm lá rách đó thôi. Quốc khố dùng cho việc làm cầu đường, hỏa xa, khai thác mỏ, xây dựng bến cảng và các công trình Quốc gia. Dân phải tự nuôi sống và đóng góp cho Quốc khố, thưa ngài Công sứ”. Perret gần như thét lên: “Nhưng thưa ngài, người dân đã kiệt quệ rồi!” Thống sứ Destenay giọng dịu dàng: “Cầu Chúa cứu giúp người dân của ngài, ngài Công sứ. Hãy tìm ra cách gì đó. Đây là lúc cần đến tài cai trị của ngài đó, thưa ngài Perret”. Thống sứ cúp máy.
Công sứ Peret ném điện thoại xuống sàn, loạng choạng bước ra ngoài. Anh bồi Julient bưng liễn cháo đỗ xanh bốc hơi thơm phức lên, múc ra cái bát sứ và nói: “Thưa quan lớn, mời ngài ăn một chút cho lại sức ạ”. Người thư ký và anh bồi đứng chờ. Vừa húp được thìa cháo, Công sứ kêu lên: “Trời ơi Julient, anh cho tôi ăn món gì mà đắng thế này?”. Julient xin phép nếm thử và nói: “Thưa quan lớn, cháo nấu với nước gà hầm ngon đấy chứ ạ”. Perret bưng bát cháo lên, ăn thêm một thìa rồi bỏ xuống: “Đắng lắm, không thể nuốt được”. Viên thư ký và anh bồi kinh hãi nhìn nhau. Thấy cái nhìn của họ, Công sứ nói: “Hai người ra ngoài cả đi. Dặn lính gác là khi tôi không gọi thì không ai được vào.Tôi cần nghỉ một lát. Cảm ơn”. Viên thư ký và anh bồi chạy đi tìm bác sĩ Caseaux thuât lại sự việc. Bác sĩ kêu lên: “Quan lớn nguy mất”. Ông vơ vội túi thuốc rồi cùng hai người chạy đến dinh Công sứ. Giữa buổi trưa yên tĩnh, một tiếng súng nổ vang trong phòng Công sứ. Khi viên bác sĩ và hai người đến nơi đã thấy một tốp lính đứng vây quanh cánh cửa khóa kín. Viên cai sai lính đi tìm người hầu phòng và nhà chức trách. Một lát, tổng đốc Phạm Văn Thụ và chánh mật thám Jean Gasquet cùng hớt hải chạy bộ đến. Người hầu mở cửa phòng rồi cúi đầu lui ra. Tất cả lính gác và người bồi đứng ngoài cửa, tổng đốc Thụ cùng chánh mật thám, bác sĩ Caseaux và viên thư ký vào phòng. Công sứ Perret còn mặc nguyên bộ quần áo bùn đất nằm gục trên bàn, tay trái đặt trên một tờ giấy, tay phải cầm hờ khẩu súng lục, mái tóc vàng nhuộm máu che kín mặt. Tất cả đứng chết lặng trước cảnh bi thương được chiếu sáng bởi ánh nắng thu chói lọi hắt qua cửa kính. Jean Gasquaet thận trọng cầm tờ giấy dưới tay người quá cố đưa cho tổng đốc Phạm Văn Thụ. Đó là bút tích của ngài công sứ viết bằng tiếng Pháp.
“Tôi được bổ về Thái Bình giúp dân khai hóa, sống an hòa ấm no. Vỡ đê Phú Chử làm chết hại bao dân lành có phần trách nhiệm của tôi, mà tôi không thể làm gì giúp dân trong nỗi thống khổ này. Tôi xin lấy cái chết để chia sẻ với người dân”.
Công sứ Perret để lại chỉ có thế. Ông chết ngày 16 tháng 8 năm 1913, đúng vào ngày Rằm tháng Bẩy năm Quý Sửu, ngày tết Vu Lan của người Việt Nam. Tin đồn về cái chết của ông nhanh chóng lan truyền trong dân chúng. Nhiều nhà dân đã sắp lễ cúng ông bên cạnh lễ cúng tổ tiên. Ban đêm, trên con đê bao thị xã, người dân coi đê thắp hương cúng ông đỏ rực cả một vùng.
Một trăm năm đã trôi qua, nông thôn Thái Bình đã đô thị hóa, Phú Chử nay trở thành một thị tứ sầm uất với phố xá tràn ngập hàng hóa và san sát nhà cao tầng. Lớp người mới hôm nay ít biết về thảm họa và cái chết trên quê người của một viên Công sứ. Những miếu thờ ông do người dân lập nên ở thị xã và Phú Chử ngày ấy nay không còn, nhưng vẫn còn một hồ nước lớn và sâu nơi đê vỡ, và cái chết của công sứ Perret đã được ghi trong Từ điển địa chí Thái Bình.
9-2012
(Nguồn: Nghệ thuật mới số 12/2012)
------------------------------------------
Đọc truyện ngắn “Ngài Công sứ”của Đức Hậu
Phạm Quang Trung
Truyện ngắn mới này giúp ta phát hiện ra một khía cạnh khác trong vốn liếng thâm hậu và rủng riểng của một nhà văn tên tuổi ở vùng Đồng bằng Bắc bộ - Đức Hậu. Trong những tác phẩm quen thuộc trước nay, anh chủ yếu phô ra sự lịch lãm trong vốn sống, còn ở tác phẩm này, anh lại cho ta hay sự đủ đầy của vốn văn hoá. Với nhà văn, cả hai thứ vốn ấy đều cần, không biết bao nhiêu và đến khi nào là đủ. Mà cũng thật khó phân biệt và tách biệt ra cho nổi! Có điều, tất cả phải được soi rọi bởi một thứ ánh sáng tư tưởng cao sâu, lại phải thật sáng và thật trong. Hình như Đức Hậu đã chuẩn bị khá kỹ càng cho sự ra đời của đứa con tinh thần như mong mỏi bấy lâu của mình. Rất may là anh có thể dễ tìm được sự đồng vọng của thời đại. Công cuộc đổi mới, nhất là về tư duy, đã chính thức diễn ra trên đất nước ta từ trên một phần tư thế kỷ rồi còn gì! Hiện giờ, chúng ta hoàn toàn có đủ bản lĩnh để nhìn nhận tính phức tạp đan xen nhiều xu hướng cai trị của thực dân trong thời Pháp thuộc chưa xa. Lại thêm chứng cớ từ tín ngưỡng của dân chúng đồng thời được ghi nhận chính thức trong những trang sử chính thống của địa phương nữa. Sự bảo hành về mọi phía là rõ ràng và chắc chắn. Tác giả có thể hoàn toàn yên tâm về ý nghĩa khách quan có thể có của tác phẩm này.
Người ta thường nói nhà văn là lương tâm của thời đại. Qua truyện ngắn Ngài Công sứ tôi muốn hiểu nhà văn còn là lương tri của thời đại nữa. Vai trò của nhà văn luôn được xã hội tôn vinh là vì thế. Đức Hậu lại viết về quê hương Thái Bình của mình từ điểm nhìn lịch sử. Phải chăng anh muốn cùng một lúc kết hợp chức phận của một nhà văn với bổn phận của một công dân? Nếu thế thì anh có thể toại nguyện với ý định hai trong một của mình! Xin được nồng nhiệt chúc mừng.
Đà Lạt, 12-2012
Em xin phép theo bác đề tài này.
Trả lờiXóaChuyện thật, không chỉ là "chuyên lưu truyền trong dân gian" đâu bác Giao.
Trả lờiXóaNguyễn Công Hoan có nói tới một viên công sứ Pháp tự tử vì vỡ đê, trong chuyện ngắn Tôi tự tử (khà khà, đọc lại chuyện này bắt nhớ tới chuyện Tôi tuyệt thực, anh Cù con đang viết)
Từ điển Thái Bình, (Mục từ 3026 - Perret) viết, chính ông Phạm Văn Thụ ghi lại trong tập "Đàn Viên ký ức lục" : “Quan Sứ thường ở các tỉnh thượng du, chưa từng thấy cảnh lụt lội. Lòng thương dân quá. Cứ kêu:
- Không biết dân họ ăn ở thế nào cho sống được?”
Đêm rằm tháng bẩy (17-8-1913), Pê-rê tự bắn vào thái dương. Bác sĩ Caseaux lập biên bản, nói:
- Quan Sứ vì thương dân quá. Ba ngày đêm không ăn không ngủ, phát chứng điên, tự bắn mình chết.
Người bồi nói với Phạm Văn Thụ:
- Quan Sứ tiếp cơm quan Thống, xin các khoản điều tễ được cả. Duy khoản giảm thuế thì quan Thống không ưng. Xem ý quan Sứ lấy làm buồn. Nằm không yên. Gần sáng truyền đốt nến, viết bức thư để bàn quan Thống. Rồi lại đi nằm. Một lúc thì nghe tiếng súng nổ. Nội dung bức thư ấy viết: “Tôi phụng mệnh về đây, cốt khai hóa cho tỉnh Thái Bình. Không giữ được đê Phú Chử, di hại cho dân. Xin chết thay cho dân Thái Bình”.
Khoằm có bài đó Lee
XóaHí hí, đúng là hai ông tướng này tinh quá đi mất, đến độ tinh quái ! Biết tỏng mọi chuyện rồi còn gì.
XóaMình vừa xem bên Khoằm rồi nhé: http://fddinh.blogspot.com/2013/06/vien-cong-su-phap-quyen-sinh-vi-dan-bi.html
Theo đọc bác bao lâu nay rồi còn gì, cũng phải học được điều gì đó chứ ạ.
Xóanếu xét một cách "biện chứng khách quan" thì có lẽ ngài công sứ tự tử là do ...sợ trách nhiệm. Thật vậy, từ bé đến giờ tôi có thấy sách báo nào của ta nói tốt thực dân, phong kiến đâu, bọn đó chỉ có xấu xa toàn diện. Vì vậy, cần phải khẳng định rằng không có chuyện tự tử vì dân !!!
Trả lờiXóaHe he he
Có khi mấy ngài quan phụ mẫu tự tử là vì mấy cô đầu ở phố Khâm Thiên bác ạ. Hãy đọc lại cụ Nguyễn Công Hoan. Tri huyện nhớ các nàng phát cuồng trước cảnh bị giam chân ở trận vỡ đê, mà đâm ra muốn quyên sinh !
Xóa