Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/02/2013

Đặng Huyền Thông : Người thợ gốm trứ danh của Đại Việt ở cuối thời Mạc

Lời dẫn: Đầu năm, gặp ngay cổ vật thời Mạc được chế tác bởi đại sư Đặng Mậu Nghiệp (tức Đặng Huyền Thông), lại đi kèm cả tên vợ của ông, cùng nhiều anh em của ông, có lẽ là một điềm may mắn.

Nhân đó, đọc thêm để bổ sung bằng một bài viết dưới đây của nhóm Thomas - Bùi Kim Đỉnh (lấy về từ trang Cổ vật Huế).

Thật ra, đọc kĩ, thấy khá nhiều điểm đáng ngờ về mặt tư liệu của bài này. Câu đầu tiên của bài đưa sai thông tin. Thông tin đúng như sau: tên thật của nghệ nhân gốm Chu Đậu này là Đặng Mậu Nghiệp, và tên tự là Huyền Thông, nên cũng được gọi là Đặng Huyền Thông.

Hãy chú ý đến chữ Huyền Thông. Để mấy hôm nữa, sẽ viết chơi một bài về chữ Huyền Thông này.

Từ đây trở xuống là bài của nhóm Thomas.

Tháng 2 năm 2013,
Giao Blog


---




MỘT TÁC PHẨM KHÁC
CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG DƯỚI TRIỀU MẠC

THOMAS ULBRICH - BÙI KIM ĐỈNH


Ông tú Đặng Huyền Thông (tên tự là Đặng Mậu Nghiệp) sống vào nửa cuối triều Mạc (thế kỷ XVI) ở làng Hùng Thắng, nay là xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (cách Hà Nội khoảng 60km về phía đông). Cùng với vợ mình là Nguyễn Thị Đỉnh, ông được biết đến là một thợ làm gốm tại làng Hùng Thắng trong những năm 1580 - 1590, theo những ghi chép trên các tác phẩm của ông được tìm thấy cho đến nay. Có thể là trước và sau thời kỳ này ông cũng làm gốm, nhưng chưa tác phẩm gốm nào được phát hiện. Trình độ học vấn của ông đã giúp ông trở thành một người thợ gốm tài hoa.(1)
Ông làm gốm theo đặt hàng của Phật tử và những quý tộc cung đình triều Mạc. Sản phẩm của ông thường là chân đèn, lư hương và các bình hoa trong chùa, miếu. Trong số đó, có một tháp gốm cao 13cm ở chùa Minh Phúc (Hải Phòng) cũng được TS. Nguyễn Đình Chiến (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội) cho là tác phẩm của Đặng Huyền Thông. Nghệ nhân gốm Đặng Huyền Thông không bao giờ sản xuất gốm với mục đích xuất khẩu như các lò gốm khác ở Chu Đậu. Các tác phẩm của ông không sản xuất với số lượng nhiều và hàng loạt mà thay vào đó là những sản phẩm đơn chiếc hoặc trọn bộ.
Trên bàn th Phật, thông thường có một bộ ba gồm một bát hương và hai chân đèn gọi là tam sự hay b tam sự. Do đó, những bộ chân đèn của Đặng Huyền Thông được làm để đặt ở hai bên bát hương ở trên ban thờ. Theo con số thông kê của Nguyễn Đình Chiến thì số lượng chân đèn tìm thấy được nhiều gấp ba lần lư hương.(2)
Trong bài này viết này, chúng tôi nói về một chiếc lư hương cao một cách khác thường (53cm) và gần như nguyên vẹn (Ảnh 1 và ảnh 2)(3) Trên bốn tai lư có khắc chìm bốn dòng chữ Hán như sau:
- 延 成 七 年 正月 (Diên Thành thất niên chính nguyệt: Tháng Giêng năm Diên Thành thứ 7).(4)
- 雄 勝 社 鄧 玄 通 + 造(5) (Hùng Thắng xã Đặng Huyền Thông + tạo: Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng chế tạo).
-  士 娓 太 老 善 信 (Sãi vãi thái lão thiện tín: Ông sãi, bà vãi, các bậc cao niên, thiện nam tín nữ).
- 大 小 等 信 施 (Đại tiểu đẳng tín thí: Người lớn, kẻ nhỏ cùng thành tâm dâng cúng). 
Ngoài ra còn có những ký tự khác lớn và nổi bật xung quanh lư hương: 佛 (Phật) 降 (Giáng) - 福 (Phúc) và chữ 三 寶 (Tam bảo)(6) xuất hiện ở chính giữa lư hương, hai bên là hai con rồng uốn lượn. Tuy nhiên, những thông tin trên lư hương không tiết lộ một chi tiết nào về xuất xứ của lư hương.
Một lần nữa, tên của Đặng Huyền Thông nổi lên như một nhà sản xuất đầy tự hào cùng với những Phật tử dâng cúng vào tháng Giêng năm 1584. Tuy nhiên, chỉ có tên ông được viết lên trên lư hương, tách rời khỏi chữ 造 (tạo), dường như muốn nói rằng trong trường hợp này, ông là người đại diện cho những Phật tử cúng dường được viết một cách chung chung: (Ông) sãi, (bà) vãi, các bậc cao niên, thiện nam tín nữ..Không rõ đây là một dịp cúng dường đặc biệt nào: vào dịp đầu xuân hay một sự kiện đặc biệt nào đó.
Lư hương này mang phong cách và những kỹ thuật điển hình của Đặng Huyền Thông tương tự như chiếc lư hương ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội có niên đại 1582, phủ men lam xám.
Trang trí bên ngoài lư hương trông như có bốn màu, mặc dù thực tế chỉ có ba màu: lam xám, màu nâu ở chân và màu vàng đậm ở phía trên phần trang trí rồng. Các chữ Hán to, viết theo lối thư pháp: 佛 (Phật) 降 (Giáng) - 福 (Phúc) - 三 寶 (Tam bảo) (Các ảnh 3, 4 và 5) được in nổi trên thân gốm, tuy nhiên lại không phủ men. Hiệu quả đặc biệt này có được do sắc đỏ của xương gốm làm cho các Hán tự nổi bật hẳn lên. Những ký tự chính được viền men lam xám xung quanh, do vậy, màu đỏ của đất nung nổi lên tương phản như một thông điệp đập vào mắt của đồ thờ trong bóng tối của một ngôi chùa. Truyền thống gốm này dựa trên những kỹ thuật men lam và men màu nâu rỉ sắt truyền thống ở khu vực lò Chu Đậu. Đặng Huyền Thông đã kế thừa truyền thống này nhưng ông đã tạo ra một loại gốm mới với sắc lam xám của riêng mình.
Phong cách trang trí trên gốm của Đặng Huyền Thông thường có những dải hoa, trang trí hình học và những motif hài hoà tương tự những hoạ tiết hình chữ V, răng cưa và giống như những motif trên đồ đồng Đông Sơn và các bình lọ khác. Thậm chí phần bụng phình ra của lư hương còn trông giống như hình trống đồng úp ngược.
Sáu con rồng ấn tượng được chạm nổi bên ngoài thân. Chúng không chỉ đơn thuần là để trang trí. Trên một lư hương khác có niên đại vào cuối thế kỷ XVI, chúng ta có thể đọc được dòng chữ: “Có hình rồng để làm triện....”.(7) Điều đó chứng tỏ sự góp mặt của trang trí hình rồng trên gốm như một dấu hiệu của những thông điệp có giá trị.
Trên bốn chân phủ men nâu của lư hương, chúng ta thấy có bốn đầu nghê () (Ảnh 6). Con vật xuất hiện trong trang trí ở hầu hết các nước châu Á này là có thể là con sư tử hay con ngựa huyền thoại. Nó được sử dụng như một con vật canh giữ cho các đền, chùa để đảm bảo cho sự bình yên.
Lư hương trong các ngôi đình, chùa thường là nơi dễ bắt lửa nhất. Trong những ngày giỗ chạp, bát hương đầy những chân và tàn hương âm ỉ rất nguy hiểm. Con nghê đóng vai trò như một con vật chống cháy, một con vật thích “nuốt lửa và ngậm khói” được gắn vào bát hương.
Theo TS. Tăng Bá Hoành (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương) thì có khoảng 24 tác phẩm của Đặng Huyền Thông được biết đến trong các sưu tập tư nhân và bảo tàng ở Việt Nam. Ngoài ra còn có một số mảnh và tiêu bản bị vỡ.
Cho đến nay, có hai tiêu bản có niên đại và dấu ấn của Đăng Huyền Thông ở nước ngoài: Một lư hương trước kia thuộc sưu tập của TS. Jochen May (CHLB Đức) nay thuộc về một sưu tập tư nhân ở Mỹ và chiếc lư hương được giới thiệu trong bài này thuộc về một sưu tập tư nhân ở Seoul (Hàn Quốc).
Các tác phẩm của Đặng Huyền Thông là một trường hợp đặc biệt trong bối cảnh lịch sử gốm sứ châu Á bởi những giá trị hàng đầu của chúng về kích cỡ to, men đa sắc, các ký tự chạm nổi hay khắc chìm bên ngoài thân. Với vai trò là những sáng tạo đơn chiếc, các ký tự đã mang lại cho chúng ta những đầu mối về cấu trúc xã hội của con người qua vị trí của họ cũng như những con người và địa danh lịch sử. Người thợ gốm không ký tên mình trực tiếp lên đáy gốm hoặc giấu đi ở một chỗ khuất nào đó mà tên của ông được viết rõ ràng và đầy tự hào ngay ở phần trang trí bên ngoài. Tập quán này dường như đã trở thành phổ biến ở miền Bắc Việt Nam ở các thế kỷ XVI - XVII.
Là một người có học thức ở địa phương, người thợ gốm họ Đặng yên vui với sự mến mộ của người đương thời. Dấu vết về cuộc đời ông có thể tìm thấy ngay ở quê hương ông. Gần đây, một ngôi đền tưởng nhớ ông đã được bảo tàng tỉnh Hải Dương và nhân dân xã Minh Tân xây dựng vì niềm tự hào đối với ông. Tên tuổi ông đã được tìm thấy trên một bia đá dựng ở bên phải cửa đền (bia này được tìm thấy gần đó và được về dựng cạnh đền) (Ảnh 7). Bia có ghi rằng người thợ gốm Đặng Huyền Thông và vợ là Nguyễn Thị Đỉnh đã soạn văn bia này và năm 1588 và quyên góp xây dựng chùa An Đinh (nay không còn nữa). Mộ chí của ông hiện nay vẫn đang được dân làng và dòng họ thờ tự ở làng quê, mặc dù ngôi mộ này chưa bao giờ được xác minh cụ thể ở nơi nào.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy một tác phẩm gốm nào của Đặng Huyền Thông được sản xuất sau năm 1590, vào cuối triều Mạc.
Đặng Huyền Thông là một nghệ nhân gốm nổi tiếng vào thời đó. Ông sản xuất những sản phẩm đơn chiếc của mình theo đặt hàng của những người dân làng và các vương tôn thời đó. Các sản phẩm lư hương và chân đèn của ông chủ yếu được sản xuất dưới triều Mạc, khi rất nhiều hoàng tử và công chúa đã công đức tiền xây dựng và sửa sang chùa chiền. Các vương tôn của hoàng gia đã trực tiếp đặt hàng gốm và để lại tên tuổi mình trên đồ gốm.
Ở Dương Kinh (Hải Phòng) thủ phủ của nhà Mạc cũng tìm thấy một số mảnh gốm của Đặng Huyền Thông. Điều này cho thấy Đặng Huyền Thông đã được tôn là bậc thầy về nghệ thuật gốm phục vụ cho các Phật tử ở mọi tầng lớp: từ thường dân, quý tộc địa phương cho đến hoàng tộc. Điều này cho thấy ông đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thủ công truyền thống trong lịch sử gốm sứ Việt Nam thế kỷ XVI.
Chúng ta còn biết gì về cuộc đời và nơi chốn của nghệ nhân họ Đặng?
Quê hương Hùng Thắng và lò gốm của nghệ nhân họ Đặng nằm ở ngay cạnh làng quê của Mạc Hậu Hợp. Sử chép rằng quân Trịnh truy sát nhà Mạc vào mùa đông năm 1592 - 1593, vương triều này đã phải lánh nạn lên tận Cao Bằng (một tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam). Khi quân Trịnh kéo đến, họ đã triệt phá nhiều vùng ở Hải Dương trong đó có cả phủ Nam Sách, thậm chí họ còn bắt cóc cả thái hậu của nhà Mạc mang về Thăng Long, không may bà này đã chết trên đường ở bến Bồ Đề (Gia Lâm ngày nay)(8). Cũng từ đây, dấu vết của nghệ nhân Đặng Huyền Thông biến mất, ngay cả ngày mất của ông cũng không ai rõ. Chỉ biết rằng một thời gian sau đó, một nghệ nhân gốm họ Đặng khác nổi lên với những tác phẩm mang phong cách tương tự với cái tên Đặng Huyền Không.(9) Phải chăng đó chính là hậu duệ của Đặng Huyền Thông muốn lưu giữ nghề tổ của mình?!
       T.U. - B.K.Đ.
Chú thích:
(1) Tang Ba Hoanh, Gom Chu Dau, Kinh Books, 1999, p. 36.
(2) Nguyễn Đình Chiến, Cẩm nang đồ sứ có minh văn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1999, tr. 146.
(3) Lư hương này đã được Nguyễn Đình Chiến đề cập đến và mô tả khá chi tiết trong bài “Thêm những đồ gốm có minh văn Việt Nam thế kỷ XVI”, Thông báo Khoa học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1999.
(4) Đây là niên hiệu dưới triều vua Mạc Hậu Hợp, từ năm 1578 đến 1585. Diên Thành nghĩa là “kéo dài sự thành công”, là niên hiệu thứ 3 trong sáu niên hiệu khác nhau mà vị vua này sử dụng trong thời gian trị vì. Tháng Giêng, năm Diên Thành thứ 7 tương ứng với mùa xuân năm 1584.
(5) Chữ 造 này nằm trên một trong hai dải quai lớn, phía dưới phần vẽ rồng.
(6) http://vi.wikipedia.org/wiki/tambao三寶 (Tam bảo) (zh. sānbăo, ja. sanbō, sa. triratna, pi.tiratana) là “Ba ngôi báu”, ba cơ sở chính của Phật giáoPhậtPhápTăng, tức là bậc giác ngộgiáo pháp của bậc giác ngộ và những người bạn đồng học. Người có niềm tin kiên cố nơi Tam bảo được gọi là bậc Dự lưu (vào dòng). Người Phật tử biểu lộ sự tin tưởng bằng cách quy y Tam bảo (Tam quy y). Trong mười phép quán Tùy niệm (pi. anussati), ba đối tượng đầu tiên là Tam bảo. Ý nghĩa của Tam bảo được hiểu rộng hơn theo truyền thống Đại thừa. Trong các buổi giảng dạy về Thiền, đặc biệt sau các chương trình Tiếp tâm (ja. sesshin), quán Công án, các thiền sinh được hướng dẫn vào lối nhìn Tam bảocủa Đại thừa.
(7) Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân, 2000 năm gốm Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 2005, tr.74-75.
(8) Viện Khoa học Xã hội, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 175-177.
(9) Theo thông tin do TS. Tăng Bá Hoành trực tiếp cung cấp.




---
Bổ sung 1 (18/2/2013): Có thêm một bài như dưới đây trên website của Bảo tàng Lịch sử Vn.



LẠI CÓ THÊM MỘT CHÂN ĐÈN DO ĐẶNG HUYỀN THÔNG SẢN XUẤT THỜI MẠC - NGUYỄN VĂN DÒNG, NGUYỄN THỊ NGUYỆT

2012-06-13 19:30:48 Google +0  0  0  0  New

Chân đèn là một vật dụng rất cần thiết trong đời sống sinh hoạt. Nó không chỉ giúp ích cho những sinh hoạt về ban đêm mà chân đèn còn là một vật trang trí trong ngôi nhà. Những chân đèn có kích thước lớn luôn được đặt ở những vị trí trang trọng trong phòng khách của gia đình. Trong chuyên đề “Rồng về Thăng Long” đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM đồ dùng trong sinh hoạt chiếm một số lượng đáng kể, trong đó có những chiếc chân đèn có kích thước lớn bằng các chất liệu đồng, gốm. Bài viết này giới thiệu một chiếc chân đèn thời Mạc của sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Dòng đang trưng bày trong chuyên đề này.

Chân đèn cao toàn bộ 80 cm, gồm hai phần đặt lên nhau: thanh trụ (cổ đèn) và bầu đèn, trong đó thanh trụ cao 30 cm, bầu đèn cao 50 cm. Thanh trụ làm lại.
Bầu đèn có dạng vai nở, đáy thót, miệng túm theo kiểu một bình bông đặt trên đế cao hình nón cụt nhiều tầng. Miệng là một đường gờ thấp cao 1 cm, ngoài vẽ những đường song song chạy vòng quanh miệng.
Vai bầu đèn được trang trí bằng một vành hoa văn cánh sen nhọn hai lớp, đắp nổi chạy vòng quanh miệng bầu đèn. Trên những cánh sen khắc chìm hình ảnh một nửa của gương sen. Tiếp đến vành hoa văn với những đường thẳng song song, bên trên có những ô tròn nổi mô phỏng gương sen, nằm giữa hai đường vạch chìm. Tiếp giáp giữa vai bầu đèn và phần thân là hai đường gờ nổi hoa văn răng cưa, ở giữa là đường gờ nổi cạo men.
Thân bầu đèn chia làm hai phần. Phần trên (phần chính) lớn và rộng trang trí trên cùng đắp nổi 5 rồng đuổi trong ô hình chữ nhật, tiếp đến là vành hoa văn lớn nhất đắp nổi 6 rồng ổ trong hai vòng gờ tròn nổi.
Phần dưới bầu đèn phân cách phần trên bởi một đường chỉ nổi cạo men, trên dưới có hai đường hoa văn răng cưa đắp nổi. Phần dưới bầu đèn chạm nổi băng cánh sen đứng, bên trong mỗi cánh sen đắp nổi rồng ổ, tiếp đến là vành hoa văn như ý trong những ô hình chữ nhật. Dưới cùng là những bậc thang.
Chân đế của bầu đèn kiểu đài tròn có bậc thang lớn dần về đáy với nhiều đường gờ tiện. Trang trí những môtíp hoa văn răng cưa, vạch đứng song song, cánh sen hai lớp bên trong có hình một nữa gương sen, hình tam giác cân.
Toàn bộ chân đèn được phủ một lớp men lam xám (xanh rêu?), độ đậm nhạt ở tường chổ khác nhau làm nổi hoa văn trang trí trên đèn.
Phần bầu đèn còn có hai hàng minh văn chữ Hán khắc theo chiều dọc với nội dung:

Chữ Hán:

端泰三年八月十五日造
青林縣雄勝社鄧玄通造

Phiên âm:
Đoan Thái tam niên bát nguyệt thập ngũ nhật tạo
Thanh Lâm huyện Hùng Thắng xã Đặng Huyền Thông tạo
Nghĩa:
Làm vào ngày 15 tháng 8, Đoan Thái năm thứ 3 (1587 – đời vua Mạc Mậu Hợp)
Đặng Huyền Thông, xã Hùng thắng, huyện Thanh Lâm chế tạo
Chân đèn thường được dùng trong các dinh thự hoặc tại đình chùa. Chân đèn được tạo tác rất công phu với kích thức lớn cho thấy công dụng của nó không chỉ dừng lại ở việc thắp sáng mà còn mang ý nghĩa như một vật trưng bày mỹ thuật.
Dựa vào những minh văn trên bầu đèn thì đây là một trong nhiều tác phẩm của nghệ nhân làm gốm Đặng Huyền Thông, quê ông nay thuộc thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
So sánh với những chân đèn có minh văn trong cuốn sách “Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn thế kỷ XV - XIX” của tác giả Nguyễn Đình Chiến, thì đây là chiếc chân đén thứ 5 có cùng niên đại là Đoan Thái tam niên (đời vua Mạc Mậu hợp - 1587).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam – TP.HCM, Gốm Việt Nam tại Bảo tàng LSVN – TP.HCM, Nxb Trẻ, 1999
2. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 2001
3. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nxb Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, Viện mỹ thuật, 2003
4.Tăng Bá Hoành, Gốm Chu Đậu, Bảo tàng tỉnh Hải Hưng, 1993
5. Nguyễnh Đình Chiến, Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn thế kỷ XV – XIX, Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1999
6. Viện nghiên cứu Hán Nôm, Tên làng xã Việt Nam đầu TK XIX, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981






---

CẬP NHẬT


2. Năm 2018

Khi nghiên cứu tài liệu về đồ gốm cổ Việt Nam chúng tôi đã gặp chiếc bình gốm men trắng xám nhạt hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia nghệ thuật và lịch sử Brussels (Bỉ) có xuất xứ từ Thanh Hóa. Trên bình có khắc dòng chữ Hán: Kiến Hòa tam niên tứ nguyệt chấp nhật Lý thị tác (có nghĩa Họ Lý làm vào ngày 20 tháng 4 năm Kiến Hòa 3, 149. John Stenvenson, 1997). Ở Bảo tàng Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng trưng bày một chiếc bình gốm hoa lam Việt Nam rất đặc biệt. Trên bình có dòng chữ Hán viết bằng men lam xung quanh vai: Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút (có nghĩa Tượng nhân họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ, niên hiệu Đại Hòa 8, 1450. Nguyễn Đình Chiến, 1999). Khi nghiên cứu các đồ Ngự dụng trong sưu tập Hoàng cung triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia, chúng tôi cũng gặp nhiều hiện vật có khắc các dòng chữ nói về các tượng nhân như Nguyễn Tận ở Ty Ngân tượng hay vũ khố; Lê Văn Trường, Lê Khương ở Cục tượng ngân phủ Nội tạo. Đây đều là những người thợ tài khéo được lưu danh trên đồ Ngự dụng. (Nguyễn Đình Chiến, 2015). Theo chúng tôi,Tượng nhân là một danh xưng ở các thế kỷ trước đây có thể đồng nghĩa với Nghệ nhân của thời hiện đại. Đặng Huyền Thông là tượng nhân tạo tác đồ gốm thời Mạc mà tên tuổi còn được lưu danh trên nhiều tác phẩm gốm men lam xám. Chính vì vậy, chúng tôi đặt tiêu đề cuốn sách giới thiệu về ông là Đặng Huyền Thông – Tượng nhân gốm tài hoa thời Mạc. Cuốn sách do Bảo tàng lịch sử Quốc gia xuất bản năm 2017, Nhà xuất bản Thanh Niên.

Khi nghiên cứu tài liệu về đồ gốm cổ Việt Nam chúng tôi đã gặp chiếc bình gốm men trắng xám nhạt hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia nghệ thuật và lịch sử Brussels (Bỉ) có xuất xứ từ Thanh Hóa. Trên bình có khắc dòng chữ Hán: Kiến Hòa tam niên tứ nguyệt chấp nhật Lý thị tác (có nghĩa Họ Lý làm vào ngày 20 tháng 4 năm Kiến Hòa 3, 149. John Stenvenson, 1997). Ở Bảo tàng Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng trưng bày một chiếc bình gốm hoa lam Việt Nam rất đặc biệt. Trên bình có dòng chữ Hán viết bằng men lam xung quanh vai: Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút (có nghĩa Tượng nhân họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ, niên hiệu Đại Hòa 8, 1450. Nguyễn Đình Chiến, 1999). Khi nghiên cứu các đồ Ngự dụng trong sưu tập Hoàng cung triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia, chúng tôi cũng gặp nhiều hiện vật có khắc các dòng chữ nói về các tượng nhân như Nguyễn Tận ở Ty Ngân tượng hay vũ khố; Lê Văn Trường, Lê Khương ở Cục tượng ngân phủ Nội tạo. Đây đều là những người thợ tài khéo được lưu danh trên đồ Ngự dụng. (Nguyễn Đình Chiến, 2015). Theo chúng tôi,Tượng nhân là một danh xưng ở các thế kỷ trước đây có thể đồng nghĩa với Nghệ nhân của thời hiện đại. Đặng Huyền Thông là tượng nhân tạo tác đồ gốm thời Mạc mà tên tuổi còn được lưu danh trên nhiều tác phẩm gốm men lam xám. Chính vì vậy, chúng tôi đặt tiêu đề cuốn sách giới thiệu về ông là Đặng Huyền Thông – Tượng nhân gốm tài hoa thời Mạc. Cuốn sách do Bảo tàng lịch sử Quốc gia xuất bản năm 2017, Nhà xuất bản Thanh Niên. 

Năm 1999, với sự tài trợ của Toyota Foundation Japan, Bảo tàng lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia) đã cho xuất bản cuốn sách Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn thế kỷ 15-19. Trong cuốn sách này chúng tôi đã đề cập giới thiệu bước đầu về 14 tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông. Cho đến nay  sau hơn 20 năm tập hợp tài liệu về các tác phẩm gốm của tác giả Đặng Huyền Thông cả trong và ngoài nước, chúng tôi đã thu được 24 trường hợp có minh văn đúc chạm nổi hay khắc chìm trước khi phủ men, cho biết rõ về tác giả, niên đại tuyệt đối và nhiều thông tin khác như các ngôi chùa quán và họ tên các thiện nam tín nữ. Đây là trường hợp rất hiếm xuất hiện trên các sản phẩm gốm thời Mạc. Trên cơ sở so sánh qua kiểu dáng, hoa văn và men, chúng tôi đã xác định được 19 tác phẩm khác của Đặng Huyền Thông. Tuy không có minh văn. Như vậy trong cuốn sách này chúng tôi giới thiệu kết quả nghiên cứu về 45 tác phẩm gốm của Tượng nhân Đặng Huyền Thông. Trong đó, số lượng tập trung nhất là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (8), Bảo tàng Hà Nội (4), Bảo tàng Hải Dương (4). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nam Định và Bảo tàng Mỹ thuật Cung Đình Huế, mỗi nơi có một tác phẩm. Tại di tích hiện còn một lư hương ở chùa Đống Cao (Hải Dương), một chân đèn ở nhà truyền thống xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và một tầng tháp mô hình ở chùa Minh Phúc, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Qua các tài liệu trong nước, chúng tôi tập hợp được 15 tác phẩm thuộc các sưu tập tư nhân ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và TP. Hồ Chí Minh. Qua tài liệu nước ngoài, chúng tôi tập hợp được 8 tác phẩm thuộc các sưu tập bảo tàng và cá nhân từ các quốc gia Nhật Bản, Canada, Hoa Kỳ, Bỉ, Hàn Quốc, Pháp và CHLB Đức.

Nghiên cứu sưu tập gốm Đặng Huyền Thông cho chúng ta những thông tin quan trọng về một nghệ nhân đỉnh cao ở cuối thời Mạc (1527- 1592). Trong đó, các tác phẩm được tạo tác có thể theo dõi được trong khoảng 10 năm, từ năm 1580 đến năm 1590.

Loại hình đồ gốm men lam xám do tượng nhân Đặng Huyền Thông tạo tác bao gồm các loại đồ thờ phục vụ tôn giáo tín ngưỡng như chân đèn, lư hương, tháp thờ và hũ thờ. Tạo hình các tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông cũng mang những nét riêng độc đáo. Chẳng hạn, chân đèn được tạo tác 2 phần rời, sau khi nung chín được lắp khớp lại. Phần trên chân đèn như một bông sen nở với hai lớp cánh dài và ngắn, trong mỗi cánh lại in nổi một hình rồng với tư thế khác nhau. Phần dưới chân đèn tạo dáng như một chiếc “mai bình” với miệng nhỏ, vai phình, thân thuôn, chân đế choãi. Sự cân đối hài hòa  giữa tạo dáng và hoa văn trang trí, ông đã làm nên những tác phẩm gốm đặc sắc so với các loại hình gốm đương thời.

Các lư hương của ông được tạo dáng mô phỏng hình dáng chiếc trống đồng Đông Sơn cùng với các mô típ hoa văn hình học như vạch đứng song song, vòng tròn có chấm giữa càng phản ảnh rõ hơn về sự hồi sinh của nghệ thuật Đông Sơn trên tác phẩm gốm thế kỷ 16.

Tuy nay chỉ còn một trường hợp tầng tháp mô hình gốm men lam xám tại chùa Minh Phúc (Hải Phòng) nhưng cho ta thấy những loại hoa văn tương đồng trên chân đèn và lư hương do ông tạo tác như băng bông hoa mặt trời trên vạch đứng song song, hình rồng yên ngựa, hình quan văn cùng lớp men phủ màu lam xám. Tác phẩm gốm này đóng góp một loại hình gốm thờ trong ngôi chùa thời Mạc, tiếp nối phong cách truyền thống thời Lý - Trần.

Hũ thờ gốm men lam xám trong sưu tập cũng là hiện tượng đáng chú ý với các loại hoa văn như răng cưa, nửa bông hoa trong tam giác, bông hoa mặt trời trên vạch đứng song song, mặt trời có dải tua uốn đối xứng trong ô chữ nhật. Cánh sen hiện thực và vạch đứng song song. Các loại hoa văn này đều thấy xuất hiện trên các tác phẩm chân đèn, lư hương gốm của Đặng Huyền Thông tạo tác vào niên hiệu Hưng Trị (1588-1591).

Với kỹ thuật trang trí tinh xảo, các thủ pháp đúc nổi, dán ghép, in nổi, kết hợp với chạm đắp nổi hay khắc bằng tay, Đặng Huyền Thông đã tỏ ra rất nhuần nhuyễn theo các kỹ thuật tạo tác gốm truyền thống. Để trang trí ông không dùng bút lông như các nghệ nhân ở Bát Tràng để trang trí cho dòng gốm hoa lam, ở đây ông hoàn toàn dùng lối trang trí nổi theo phong cách phù điêu. Đề tài trang trí phổ biến nhất là hình rồng với gần 20 kiểu bố cục khác nhau, cùng với lá đề, cánh sen, sen dây là những loại hoa văn biểu trưng của Phật giáo. Ngoài ra, các băng hoa văn đường diềm ở miệng, vai và chân đế của chân đèn và lư hương được ông sử dụng các băng hoa văn hình học, thường là hồi văn hoặc bố cục đối xứng. Nhiều kiểu bố cục hoa văn rồng mang dấu ấn nối tiếp truyền thống mỹ thuật thời Lý ,Trần, Lê Sơ.

Loại men sử dụng trên các tác phẩm gốm này chủ yếu là men lam xám, một loại men dày và trong như loại men ngọc. Cạnh đó ông còn sử dụng men vàng hoặc nâu đen tạo thêm sự đa dạng màu men trên sản phẩm.

Điều đặc biệt lý thú là trên nhiều tác phẩm của ông đều khắc hoặc đúc nổi minh văn bằng chữ Hán cho biết rõ họ tên đầy đủ của ông là Đặng Mậu Nghiệp, tự là Huyền Thông. Ông là sinh đồ, người đã thi đỗ tam trường, làm thợ gốm, quê ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, (nay là xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Trên các tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông, minh văn chạm đúc nổi hay khắc chìm cũng đóng góp vai trò trang trí. Dưới lớp men phủ trong và dầy màu lam xám hoặc kết hợp với men vàng nâu, các dòng minh văn càng nổi bật.

Minh văn trên nhiều tác phẩm gốm của ông còn cho biết các thông tin về ngày tháng tạo tác cụ thể theo lịch Trăng và năm Can Chi. Qua theo dõi các tác phẩm này chúng tôi đã thấy thời gian làm gốm của ông tập trung trong khoảng 10 năm từ 1580 đến 1590. Hơn nữa, minh văn còn cho biết họ tên quê quán của những người đặt hàng là các tầng lớp trong xã hội từ tầng lớp quý tộc như Phò mã, Công chúa đến tầng lớp bình dân. Cũng qua minh văn còn cho biết nhiều chân đèn và lư hương của ông được đặt làm để cung tiến cho các ngôi chùa, quán ở nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Minh văn trên các tác phầm gốm của ông còn cho biết thông tin về thời gian tạo tác. Có tới 19 trường hợp đồ gốm men xác định được niên đại tuyệt đối, ghi rõ ngày và tháng cùng niên hiệu năm tạo tác như ở phần dưới chân đèn, ngày 21 tháng 9, niên hiệu Diên Thành 3 (1580); chân đèn 2 phần, ngày 14 tháng 11, niên hiệu Diên Thành 5 (1582); lư hương, ngày19 tháng 11, niên hiệu Diên Thành5 (1582)vv...

Qua hơn 10 năm tạo tác gốm, Đặng Huyền Thông đã làm nên một dòng gốm riêng biệt với loại hình đồ gốm thờ ổn định mà không đơn điệu. Theo dõi các tác phẩm gốm qua các mốc thời gian, chúng ta có thể nhận ra các nét riêng bởi những mẫu hoa văn được sử dụng. Có khi là cả một nhóm mẫu hoa văn xuất hiện, với niên đại tuyệt đối của các chân đèn, lư hương này như là một vựng tập thang chuẩn mà dựa vào đó chúng ta hoàn toàn có cơ sở đối chiếu xác định cho những đồ gốm khác thuộc phong cách của ông tuy không có minh văn.

Minh văn trên các tác phẩm gốm Đặng Huyền Thông đều được thể hiện trên phần dưới chân đèn, khoảng giữa các ô “viên long”. Trên các lư hương minh văn thể hiện trên các dải quai lớn và nhỏ. Minh văn không chỉ thể hiện bằng chạm đúc nổi mà còn khắc chìm trước khi phủ men. Nội dung minh văn chẳng những cho biết về các thông tin họ tên tác giả tạo tác, mà còn có các ngôi chùa quán, họ và tên các thiện nam tín nữ. Nghiên cứu về minh văn trên các tác phẩm gốm Đặng Huyền Thông, chúng ta còn có nhiều thông tin khác như về chữ Nôm, chữ giản thể... vẫn còn được sử dụng trong các văn bản thời Mạc. Thông qua sưu tập gốm có minh văn của tác giả Đặng Huyền Thông sẽ bổ sung cho sưu tập đồ gốm Việt Nam có minh văn ngày càng đầy đủ hơn, góp phần đáng kể vào kho di sản văn hóa Hán Nôm Việt Nam.

Những thông tin về tác giả Đặng Huyền Thông không chỉ thấy trên đồ gốm mà còn trên minh văn bia chùa An Đinh ( Hải Dương) quê hương ông. . Nay tấm bia chỉ còn một số mảnh vỡ đặt tại đền thờ ông nhưng còn bản dập lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Số 12579. Bia lập ngày 23 tháng 2, niên hiệu Đoan Thái 3(1587). Nội dung văn bia cho biết chùa An Đinh xưa đã bị mai một, ông cùng vợ là Từ Am Nguyễn Thị Đỉnh kết hợp với nhiều vương công và đông đảo tín đồ trong xã đứng ra dựng chùa, tạc tượng vào năm 1587. Bài minh văn trên tấm bia này do chính ông soạn lời. Những thông tin trên đóng góp vào việc nghiên cứu về sự phục hưng của Phật giáo dưới thời Mạc.

Ngoài họ tên tác giả Đặng Huyền Thông chúng tôi còn thấy một số tác phẩm gốm khác ghi danh Đặng Thiện Sỹ như 2 chiếc chân đèn khắc thời gian tạo tác vào ngày 15 tháng 6 ,niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592), niên hiệu cuối cùng của Mạc Mậu Hợp. Phải chăng , tác giả này là con cháu hay học trò của Đặng Huyền Thông?

Các tác phẩm gốm của Tượng nhân Đặng Huyền Thông đã được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hải Dương cũng như nhiều cuộc trưng bày chuyên đề trong nước. Thông tin về các tác phẩm gốm này cũng được xuất bản trong nhiều tập sách nghiên cứu về gốm Việt Nam ở trong và ngoài nước. Nhiều nghệ nhân ở Bát Tràng, Chu Đậu đã sáng tạo nhiều mẫu chân đèn, lư hương phỏng theo các tác phẩm gốm Đặng Huyền Thông. Tiêu biểu là các nghệ nhân: Lê Văn Cam, Nguyễn Đức Dương, Trần Độ, Nguyễn Đức Thắng, Tô Thanh Sơn ... ở làng gốm Bát Tràng. Tại Xí nghiệp gốm Chu Đậu các chân đèn, lư hương cũng được tái tạo trở thành những mẫu mã mới phục vụ cho đối tượng khách hàng cung tiến cho các ngôi chùa trong vùng. Hiện tượng này phản ánh sức sống kỳ diệu cùa các tác phẩm Đặng Huyền Thông trong thời hiện đại.

Cuốn sách Đặng Huyền Thông- Tượng nhân gốm thời Mạc, ra mắt bạn đọc là sự cố gắng của chúng tôi với mong muốn đóng góp vào lịch sử nghiên cứu gốm Việt Nam một bộ sưu tập tương đối đầy đủ của Tượng nhân gốm Đặng Huyền thông thời Mạc, thế kỷ 16.

Công việc nghiên cứu tiếp theo, không chỉ là thu thập, tập hợp thêm nữa về các tài liệu liên quan đến tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông mà còn đặt ra vấn đề làm rõ mối quan hệ giữa Đặng Huyền Thông và Đặng Thiện Sỹ. Ngoài ra, các tài liệu hiện vật trong các bảo tàng, các sưu tập tư nhân và đặc biệt tại các di tích cần được sự quan tâm của các cơ quan tổ chức  trong việc bảo vệ và tu sửa bảo quản để các di sản gốm Đặng Huyền Thông ngày càng được phát huy, giới thiệu rộng rãi đến đông đảo công chúng.

Đặng Huyền Thông, một tượng nhân tạo tác gốm đỉnh cao thời Mạc, xứng đáng là một ngôi sao sáng rực rỡ trong lịch sử nghề gốm cổ truyền Việt Nam.

TS.Nguyễn Đình Chiến

http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/69196/djang-huyen-thong-tuong-nhan-gom-tai-hoa-thoi-mac.html



1. Năm 2017


 04/06/2017  19:49  1430


Năm 1999, khi biên soạn và xuất bản cuốn sách Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn, chúng tôi đã tập hợp được 14 tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông. Đây là các tác phẩm gốm có minh văn bằng chữ Hán và Nôm nên cho chúng ta nhiều thông tin về tác giả và tác phẩm.

Qua nghiên cứu tìm hiểu, cho đến nay chúng tôi đã biết trên 40 tác phẩm của Ông hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hải Dương, Bảo tàng Hà Nội và một số nơi khác trong và ngoài Việt Nam.

Loại hình đồ gốm của Đặng Huyền Thông bao gồm các loại đồ thờ như chân đèn, lư hương, mô hình tháp thờ, bình hoa. Trang trí hoa văn trên các tác phẩm này gồm rất nhiều đề tài như hoa sen, cúc, hoa dây, hình rồng, hình học… với rất nhiều bố cục khác nhau. Ông không sử dụng đề tài tứ linh mà chỉ có hình rồng, với 15 kiểu khác nhau. Đặc biệt, các hoa văn hình học như băng răng cưa, vạch thẳng song song... được coi là nối tiếp phong cách truyền thống văn hóa Đông Sơn.

Tạo hình các sản phẩm của Đặng Huyền Thông cũng mang nét riêng rất độc đáo. Chẳng hạn, chân đèn được tạo tác hai phần rồi lắp khớp lại. Phần dưới chân đèn như một chiếc mai bình, phần trên như một bông sen nở. Sự cân đối hài hòa giữa tạo dáng và hoa văn đã làm nên sản phẩm độc đáo so với các loại hình đương thời. Các lư hương của Đặng Huyền Thông được tạo dáng mô phỏng hình dáng chiếc trống đồng Đông Sơn cùng với các mô típ hoa văn càng phản ánh về sự hồi sinh của nghệ thuật Đông Sơn trên sản phẩm gốm thế kỷ XVI.

Loại men sử dụng trên các tác phẩm của ông chủ yếu là men lam xám, một loại men dày và trong như loại men ngọc. Cạnh đó Ông còn sử dụng men vàng hoặc nâu đen tạo thêm sự đa dạng màu men trên sản phẩm.

Điều đặc biệt lý thú là trên hầu hết các tác phẩm của Ông đều khắc hoặc đúc nổi minh văn cho biết rõ họ tên đầy đủ của Ông là Đặng Mậu Nghiệp, tự là Huyền Thông. Ông là sinh đồ, người đã thi đỗ tam trường, làm thợ gốm, quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương). Những thông tin về tác giả Đặng Huyền Thông không chỉ thấy trên đồ gốm mà còn trên minh văn bia chùa An Định (Hải Dương) quê hương Ông. Văn bia hiện còn thác bản dập lưu trữ tại Viện Hán Nôm. Nội dung văn bia cho biết chùa An Định xưa đã bị mai một, Ông cùng vợ là Từ Am Nguyễn Thị Đỉnh kết hợp với nhiều vương công và đông đảo tín đồ trong xã đứng ra dựng chùa tạc tượng vào năm 158. Bài minh văn trên tấm bia này do chính Ông soạn lời.

Minh văn trên các tác phẩm gốm của Ông còn cho biết các thông tin về thời gian sản xuất. Qua theo dõi, chúng tôi đã thấy các tác phẩm gốm của Ông được làm trong khoảng 10 năm từ 1580 đến 1590. Hơn nữa, minh văn còn cho biết họ tên quê quán của những người đặt hàng là các tầng lớp trong xã hội từ tầng lớp quý tộc như Phò mã, Công chúa đến tầng lớp bình dân. Cũng qua minh văn còn cho biết nhiều chân đèn và lư hương của Ông được đặt làm để cung tiến cho các ngôi chùa, quán ở nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc bộ.

Trong số các tác giả lưu danh trên đồ gốm, Đặng Huyền Thông chính là người tiêu biểu, đỉnh cao của nghệ thuật gốm thời Mạc. Chính thông qua các tác phẩm của Ông sẽ giúp chúng ta càng hiểu đầy đủ hơn về lịch sử nghệ thuật thời Mạc.

Một trong số tác phẩm gốm đặc biệt nhất của tác giả Đặng Huyền Thông là Chân đèn 2 phần gốm men lam xám hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. Chân đèn có chiều cao: 74,5 cm, gồm 2 phần rời lắp khớp lại.

Phần trên chân đèn: có miệng đấu (để đặt đĩa đèn) và hai đoạn hình loa. Hoa văn nổi đề tài rồng trong ô tròn, mặt rồng, cánh hoa sen và lá đề cách điệu. Giữa hai đoạn là một đường gờ nổi.

Phần dưới: giống như một chiếc mai bình. Cổ nhỏ lắp khớp với phần trên, vai và thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi.

Hoa văn trang trí nổi ở cả phần trên và phần dưới chân đèn đều gồm các đề tài: vạch đứng song song, răng cưa, cánh sen, xen kẽ hình bông hoa 8 cánh nhọn, hình rồng nổi hình yên ngựa.

Ngoài phần để mộc, phần còn lại chân đèn được phủ men lam xám sẫm, có độ trong bóng và dầy.

Trên vai chân đèn có một hàng chữ Hán đúc nổi, mỗi chữ đặt trong ô hình vuông: "Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình, chúng sinh đồng thụ phúc trường diên khảo". Trước đầu rồng ở phần thân chân đèn có đúc nổi 3 chữ “Thanh Lan tự” đúc nổi trong ô tròn. Đặc biệt, xen kẽ hình rồng ở phần dưới chân đèn có khắc chìm dưới men bài minh văn bằng chữ Hán, gồm 27 dòng.

Toàn văn phần minh văn trên chân đèn , phiên âm và dịch nghĩa như sau:

1皇 帝 萬 歲 天 下 太 平 眾 生 同 受 福 長 延 考 2 青 林 縣 3 來 溪 社 4青 閩 寺 5 湄 川 村 五 人 6 阮 克 諧 笵 氏 惟 7 裴 氏 奪 阮 氏 從 8 鄧 氏 堂 9 文 笵 社 七 人 10 黃 克 遵 黃 克 勉 11 笵 道 共 笵 质 12 笵 克 詢 鄧 文 乾 13 笵 氏 決 14 笵 老 梅 15 同 春 山 梁 恂 17 裴 壽 溪 18 笵 西 川 19 笵 德 齊 20 笵 壽 域 21 阮 頂 梁 壽 22 笵 仁 壽 23 笵 山 社 24 會 主 比 丘 25 阮 德 隆 字 慧 信 26 延 成 五 年 27 青 林 縣 雄 勝 社 28 鄧 玄 通 造.

Phiên âm: Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình, chúng sinh đồng thụ phúc trường diên khảo. Thanh Lâm huyện, Lai Khê xã, Thanh Lan tự, My Xuyên thôn ngũ nhân: Nguyễn Khắc Cán, Phạm Thị Duy, Bùi Thị Đoạt, Nguyễn Thị Tòng, Đặng Thị Đường, Văn Phạm xã thất nhân: Hoàng Khắc Tuân, Hoàng Khắc Miễn, Phạm Đạo Cộng, Phạm Chất, Phạm Khắc Hài, Đặng Văn Can, Phạm Thị Quyết, Phạm lão Mai Động, Xuân Sơn, Lương Tuần: Bùi Thọ Khê, Phạm Tây Xuyên, Phạm Đức Tề, Phạm Thọ Vực, Nguyễn Đính, Lương Thọ, Phạm Nhân Thọ, Phạm Sơn Xã, Hộ chủ tỷ khâu tăng Nguyễn Đức Long, tự Tuệ Tín, Diên Thành ngũ niên, Thanh Lâm huyện, Hùng Thắng xã, Đặng Huyền Thông tạo.

Dịch nghĩa: Hoàng đế muôn tuổi, thiên hạ thái bình, chúng sinh đều được nhận phúc thọ dài lâu. Thôn My Xuyên, chùa Thanh Lan, xã Lai Khê, huyện Thanh Lâm 5 người (cung tiến): Nguyễn Khắc Cán, Phạm Thị Duy, Bùi Thị Đoạt, Nguyễn Thị Tòng, Đặng Thị Đường. Xã Văn Phạm 7 người: Hoàng Khắc Tuân, Hoàng Khắc Miễn, Phạm Đạo Cộng, Phạm Chất, Phạm Khắc Hài, Đặng Văn Can, Phạm Thị Quyết. Các cụ già họ Phạm ở Mai Động, Xuân Sơn, Lương Tuần: Bùi Thọ Khê, Phạm Tây Xuyên, Phạm Đức Tề, Phạm Thọ Vực, Nguyễn Đính, Lương Thọ, Phạm Nhân Thọ. Xã Phạm Sơn: Hội chủ là nhà sư Tỳ Khưu Nguyễn Đức Long, tự Tuệ Tín.

Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm tạo tác vào niên hiệu Diên Thành 5 (1582) [đời vua Mạc Mạo Hợp].

Minh văn trên chân đèn thể hiện kỹ thuật đúc nổi và khắc chìm dưới men, rất tài tình của nghệ nhân, kết hợp với các đề tài trang trí nổi. Việc ghi danh họ tên của tác giả làm gốm trên tác phẩm là một nét đặc biệt ở thời Mạc.

Chân đèn gốm này là một đồ thờ được đặt làm để cung tiến vào chùa Thanh Lan, ở thôn My Xuyên, xã Lai Khê, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Chính vì thế thông tin về minh văn trên đồ gốm này đã góp phần chứng minh một thời kỳ phục hưng Phật giáo ở Việt Nam trong thế kỷ XVI.

Nội dung bao trùm trong các dòng minh văn trên chân đèn không chỉ là những thời gian cụ thể xác định rõ ngày khai sinh ra tác phẩm, cũng không chỉ ghi khắc họ tên tác giả chế tác mà còn có một thông tin quan trọng khác là họ và tên, quê quán của những người đặt hàng.

Những thông tin trên chân đèn gốm có minh văn đã bổ sung tài liệu cho việc nghiên cứu về các ngôi chùa nói riêng và đạo Phật nói chung.

Trong số các tác phẩm của tác giả Đặng Huyền Thông còn lại đến nay, đây là chân đèn gốm đặc biệt nhất, có hiện trạng tương đối nguyên lành, hoa văn trang trí và men phủ đặc trưng, xứng đáng được tôn vinh trong lịch sử ngành gốm Việt Nam. Phần minh văn có đầy đủ các thông tin về tác giả tạo tác và những người đặt hàng cùng với địa danh ngôi chùa cụ thể.

Chân đèn này là một hiện vật gốc có niên đại tạo tác vào năm 1582, còn tương đối nguyên vẹn, có hoa văn đặc trưng tiêu biểu của tác giả Đặng Huyền Thông. Thông qua các loại hoa văn này cùng lớp men phủ màu lam xám giúp cho chúng ta nhận diện các tác phẩm khác của Ông, dù không có minh văn. Với tác phẩm chân đèn có niên đại tuyệt đối này góp phần khẳng định tên tuổi của Ông với những mẫu chuẩn về loại hình, màu men và đặc biệt là đề tài trang trí phong phú thể hiện nét riêng của một nghệ nhân gốm Việt Nam tiêu biểu, cách ngày nay hơn 400 năm.

Chân đèn này là nguồn sử liệu quý giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa, Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVI, đã được giới thiệu trong nhiều ấn phẩm, công trình nghiên cứu và trưng bày.

Một số hình ảnh chân đèn gốm men lam xám có minh văn của Đặng Huyền Thông:

TS. Nguyễn Đình Chiến

https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/19995/chan-djen-gom-men-lam-xam-co-minh-van-cua-djang-huyen-thong.html
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.