Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/05/2016

Nông dân ta chế máy giỏi, ngang tầm Thomas Edison

Sưu tập tiếp những sưu tập trước đây (tại đây, tại đây, và tại đây).


---

6.

Nông dân Hải Dương chế robot, Israel ngả mũ bái phục


Câu chuyện về anh nông dân mới học hết lớp 7 đã có nhiều sáng chế khiến các nhà khoa học giật mình không còn là điều xa lạ với người dân ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đó là Anh Phạm Văn Hát, sinh năm 1972.
Sau khi bị vỡ nợ vì trồng rau an toàn anh đã quyết định đặt chân đến đất nước Israel để học hỏi kinh nghiệm. Không ngờ, đất nước mà thu nhập từ trồng rau có thể lên đến 1 tỷ đồng/ha lại là mảnh đất nảy nở duyên chế tạo máy nông cụ của anh.
Chuyện vỡ nợ và cơ duyên chế tạo máy nông cụ trên đất nước Israel
Kể lại cơ duyên nổi tiếng trên đất nước Israel, anh Hát cho biết, vì thấy đất nước Israel rất văn minh mà còn phải làm nhiều công đoạn thủ công nên anh nảy ra ý định đề nghị chế tạo cho họ một chiếc máy rải phân. Sau vài tháng, chiếc máy được anh chế tạo thành công, đưa ra các cánh đồng thử nghiệm mang lại kết quả quá tốt, anh được người chủ trang trại thưởng cho hơn 200 triệu đồng. Cùng với đó là vinh dự được Đại sứ quán Việt Nam tại Israel mời đến chia vui, động viên và khen thưởng.
Sau khi chế tạo thành công máy rải phân, được nhà nước Israel ghi nhận, mua bản quyền để chế tạo hàng loạt trên toàn quốc, anh Hát vẫn tiếp tục chế tạo, cải tiến thêm nhiều loại máy cho ông chủ của mình. Khi người chủ quyết định nâng lương lên cho anh gấp 2,5, từ 1.000 USD (khoảng năm 2010) lên 2.500 USD thì anh quyết định về quê.
Nông dân, Hải Dương, tự chế, chế tạo, robot, Israel, tiến sĩ, sáng chế, máy bay, xe tự chế
Anh Hát quan sát con robot đặt hạt của mình.
Hỏi về quyết định lạ đời này, anh Hát bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng mình có thể đạt đến mức lương 2.500 USD ở xứ người thì chắc cũng có thể làm được khoảng 1.000 USD ở quê nhà. Tôi vẫn muốn ở gần người thân họ hàng hơn. Với lại, khi quyết định đi Israel là tôi chỉ muốn tiếng mình bị vỡ nợ lắng xuống chứ không nghĩ đi xuất khẩu lao động để về trả nợ”.
Những ký ức về ngày vỡ nợ lại ùa về nhưng bằng một giọng kể sôi nổi, chẳng ai nghĩ rằng, người nông dân này lại có thể thoát khỏi món nợ 3 tỉ một cách dễ dàng đến thế. Anh Hát cho biết, khoảng năm 2007, anh quyết định đầu tư trồng rau an toàn, đã ký được nhiều hợp đồng đầu ra cho trang trại của mình. Nhưng sau 3 năm kỳ cạch làm, anh trắng tay chỉ vì các công ty chỉ ký hợp đồng với anh để dễ bề đưa rau vào siêu thị chứ không đặt mua hàng.
Để tránh điều tiếng vỡ nợ, anh quyết định vay lãi ngoài đi xuất khẩu lao động ở Israel vì thời kỳ làm rau nhiều đoàn của Israel sang thăm và cho biết ở bên ấy họ trồng năng suất cao, thu nhập cả tỷ đồng trên 1ha rau. Nhưng sang đến nơi mới biết họ lao động còn hạn chế, làm thủ công, anh đặt vấn đề chế tạo máy để người làm đỡ vất vả. Và cơ duyên chế tạo máy nông cụ của anh chính thức nảy nở trên cánh đồng của đất nước Israel.
Nhưng dù được người chủ tín nhiệm, tăng lương để giữ anh ở lại làm tiếp nhưng anh vẫn quyết định quay về. Tất cả mọi người trong gia đình cũng như những người cùng anh đi xuất khẩu lao động khi biết anh về đều tỏ ra tiếc nuối cho anh. Nhưng anh vẫn tin mình có thể làm lại được, đứng dậy ngay trên quê hương mình.
Khi vừa đặt chân về đến nhà, người anh trai của anh, cũng là chủ một trang trại rau đặt vấn đề làm thế nào để ra một cái máy gieo hạt để giảm tải ngày công lao động cũng như nâng cao năng suất gieo hạt. Bởi đặc thù lao động phổ thông ở quê nhà rất hiếm, người trẻ thì thoát ly hết, người già thì mắt kém, có thể lóng ngóng làm rơi hạt khi gieo, trong khi hạt giống lại đắt. Được sự động viên của người anh trai, anh Hát bắt tay vào nghiên cứu cùng với lời rào đón “chắc chỉ được khoảng 70% thôi nhưng người anh trai vẫn quả quyết “như thế là được rồi”.
Chế tạo robot không cần chip, rơ le điện tử…
Những kỳ vọng của người anh trai đã đặt lên vai Hát một gánh nặng. Anh bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo, sau khoảng hơn 1 năm chiếc máy đặt hạt đầu tiên mới hoàn thành dù còn nhiều thiếu sót và năng suất chỉ đạt được khoảng 50%, nhưng đấy là tín hiệu đầu tiên khiến anh thấy có niềm tin vào công việc chế tạo máy nông cụ của mình. Những chiếc máy sau này được anh cải tiến kỹ càng nhờ vào nhiều lần quan sát trực tiếp máy gieo hạt trên cánh đồng. Anh phát hiện ra vấn đề ở chỗ nào và quyết tâm cải tiến. Khi thành công, độ chính xác đến 100%, anh quyết định đặt tên cho sản phẩm của anh tên gọi robot đặt hạt.
Anh lý giải, gọi là robot đặt hạt vì nó có thể đặt chính xác khoảng cách mình cần đặt ở khoảng cách 2 hoặc 3cm, tùy vào từng cánh đồng và thay thế cho khoảng 40 người làm việc. Robot đặt hạt sau 2 năm nghiên cứu, cải tiến đã vượt ra khỏi lũy tre làng ở xã Ngọc Kỳ, sang Đức, Mỹ, Singapore, Thái Lan… bằng nhiều cách khác nhau.
Cách phổ biến nhất là khách hàng tại các nước biết đến qua mạng internet, họ đã tìm đến đại sứ quán của Việt Nam ở các đất nước họ để hỏi thăm về tác giả của robot đặt hạt, xin số liên lạc để đặt mua. Người ở đại sứ quán Việt Nam tại các nước lại tìm cách kết nối về xã, xin địa chỉ, số điện thoại, thậm chí còn giúp phiên dịch để các giao dịch đặt hàng thành công ngay lập tức. Mỗi chiếc máy bán đi nước ngoài anh Hát bán với giá 2.500 USD.
Còn ở trong nước, các khách hàng miền Nam, miền Trung đặt mua khá nhiều, thậm chí có người còn trực tiếp ra tận xưởng của nhà anh để mục sở thị cách làm việc của anh. Bây giờ, do có kinh nghiệm, anh đặt làm các bộ phận chế tạo robot đặt hạt tại các xưởng gia công, việc duy nhất của anh là lắp ráp nhưng với mỗi một robot, anh cũng mất đến 3 ngày mới lắp ráp xong.
Anh chia sẻ, anh rất lo lắng chuyện có thể mất bí quyết, mất bản quyền dù anh đã đăng ký bảo hộ ở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đó là lý do mà với mỗi một chiếc robot được lắp ráp, anh đều kèm theo một bí quyết, để nếu ai đấy có ý định dỡ ra để tìm cách làm theo sẽ hỏng luôn. Ngay cả bản thân anh, nếu gỡ ra làm lại con robot cũng sẽ mất tác dụng, chỉ còn lại là một đống sắt vụn. Anh cũng muốn liên kết với một doanh nghiệp để sản xuất đại trà nhưng cũng vẫn lo lắng việc có thể mất công nghệ, bí quyết.
Đến nay, anh là người nông dân điển hình thành công với sự sáng tạo, ham tìm hiểu, học hỏi. Rất nhiều bằng khen, huy chương anh đã nhận được, thậm chí cả Huân chương Độc lập do Nhà nước trao tặng cũng đã nằm trong tủ phần thưởng của anh. Nhưng anh vẫn không ngừng sáng tạo, vẫn tiếp tục, cải tiến và chế tạo thêm nhiều loại máy nông cụ để giúp người lao động nông thôn đảm bảo năng suất, điều kiện lao động với một quan điểm chế tạo là càng đơn giản càng tốt, không cần chip điện tử, rơ le.
(Theo Pháp luật Việt Nam)

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/327317/nong-dan-hai-duong-che-robot-israel-nga-mu-bai-phuc.html


5.


Lớp 8 chế máy nông nghiệp xuất khẩu, tiến sỹ ngồi máy lạnh chờ thời

Một người nông dân chỉ học hết lớp 8 đã sáng chế thành công nhiều loại máy nông nghiệp, nay tiếp tục một lần nữa ghi thêm vào bộ sưu tập sáng chế máy nông nghiệp của mình bằng máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng... trái cà chua.

Máy hoạt động 8 tiếng/ ngày, đạt năng suất 20 tấn, bằng khoảng 20 người làm, nâng năng suất lao động lên gấp hàng chục lần với phương thức thủ công. Anh là Nguyễn Hồng Chương (41 tuổi), ngụ tại thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).
Nhà khoa học “chân đất”
Xuất thân từ một nhà nông, chỉ mới học hết lớp 8 nhưng anh Nguyễn Hồng Chương lại đam mê làm khoa học. Năm 2007, anh tích luỹ số tiền hơn 7 triệu đồng rồi dùng chúng mua sắt, thép về nhà nghiên cứu và chế tạo thành công máy gieo hạt chân không. Chiếc máy này rất hữu ích cho các nhà nông khi làm vườn ươm công nghệ cao, thích hợp cho rất nhiều loại hạt giống nhỏ mà khi gieo thủ công bằng tay tốn rất nhiều thời gian, công sức và không đảm bảo kỹ thuật.
nông dân, nông dân chế tạo khoa học, sáng chế của nông dân, nhà khoa học chân đất
Anh Chương đã được vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng...
Máy gieo hạt chân không của anh Chương thích hợp với các loại hạt giống có kích thước từ 0,5 đến 3mm như: cà chua, xà lách, cải, sú, bó xôi, củ dền,...
Tin lành đồn xa, nhiều người tìm đến tận mắt chứng kiến tính năng ứng dụng của máy trong thực tế sản xuất. Thấy được giá trị của chiếc máy, nhiều hộ nông dân đã đặt hàng. Năm chiếc máy gieo hạt đầu tiên được anh bán hết ra thị trường trong tỉnh Lâm Đồng trong vài ngày.
Sau khi sáng chế thành công chiếc máy gieo hạt đầu tay, để thỏa mãn đam mê làm khoa học, anh Chương tiếp tục sáng chế thành công chiếc máy đóng đất vô vỉ xốp và nhiều máy nông nghiệp khác. Những chiếc máy này cũng nhanh chóng được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Năm 2010, những sáng chế của anh Chương được doanh nhân Malaysia ưa chuộng và đặt hàng mua. Năm 2012, nhà nông sáng chế Nguyễn Hồng Chương với trình độ văn hóa mới học hết lớp 8 đã trở thành một kỹ sư chân đất làm chuyến xuất ngoại ký kết sản xuất máy nông nghiệp với những đối tác ở các nước Đông Á.
nông dân, nông dân chế tạo khoa học, sáng chế của nông dân, nhà khoa học chân đất
Anh Chương bên xưởng cơ khí được anh đầu tư vốn hàng chục tỉ đồng.
Cũng trong năm 2012, anh Chương khánh thành xưởng cơ khí rộng hơn một ngàn mét vuông, tọa lạc giữa cánh đồng rau thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, Đơn Dương, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2,2 tỉ đồng. Đây là khoản tiền sau hơn 4 năm bán hàng loạt chiếc máy tự chế ra thị trường trong và ngoài nước. Trong đó tính riêng thị trường Malaysia, anh Chương đã xuất khẩu trực tiếp 15 chiếc máy nông nghiệp tự chế gồm máy gieo hạt, máy đóng đất vô vỉ xốp, máy đóng đất vô chậu mà anh đã tự tích lũy được.
Từ những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp, nhà khoa học “chân đất” Nguyễn Hồng Chương đã được vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng...
Sáng chế thành công máy rửa, phân loại cà chua
Đây là chiếc máy nông nghiệp mới được anh Chương chế tạo thành công. Theo anh Chương, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) là vùng chuyên canh cà chua lớn nhất cả nước với sản lượng hàng chục nghìn tấn trên một năm.
Anh Chương cho biết: “Trong một lần ngồi nói chuyện với một ông chủ vựa thu mua cà chua lớn tại trung tâm xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, nghe ông này than vãn sắp tới tết, ông cần nhiều nhân công lao động rửa, phân loại cà chua để đóng thùng trước khi xuất đi tiêu thụ nhưng kiếm mãi không có người. Từ câu nói của ông chủ này, tôi vô tình nảy sinh ý tưởng máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trên trái cà chua”.
nông dân, nông dân chế tạo khoa học, sáng chế của nông dân, nhà khoa học chân đất 
Nghĩ là làm, anh Chương lập tức về nhà bắt tay vào việc nghiên cứu, chế tạo máy. Vốn là nhà khoa học “chân đất” từng chế tạo thành công nhiều loại máy nông nghiệp nên đối với anh Chương, việc chế tạo máy này không còn gian nan như hồi đầu mới mày mò chế tạo. Chỉ trong vòng 3 tuần anh Chương đã cho ra đời máy rửa, phân loại, hong sấy khô và đánh bóng trái cà chua trước khi đóng thùng xuất bán.
Nhận được thông tin anh Chương sáng chế thành công máy rửa, phân loại cà chua... nhiều chủ vườn trồng cà chua lớn nhỏ trong vùng tìm đến và chứng kiến hiệu quả mà chiếc máy này đem lại. Cũng từ đó, chiếc máy rửa, phân loại cà chua của người nông dân chỉ mới học hết lớp 8 được rất nhiều chủ vựa nông sản trên địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Đà Lạt tìm mua.
Theo anh Nguyễn Hồng Chương, máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trái cà chua do anh sáng chế ra hoạt động rất tốt, cứ 8 tiếng/ngày là đạt năng suất 20 tấn bằng khoảng 20 người làm giúp nâng năng suất lao động lên gấp hàng chục lần với phương thức thủ công. Hiện anh Chương đã xuất bán hàng chục chiếc máy, đơn đặt hàng vẫn còn rất nhiều, máy làm ra không đủ bán.
Đến thời điểm này, anh Nguyễn Hồng Chương đã sáng chế được 14 loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Gần 9 năm, anh Chương đã xuất bán khoảng 1.300 máy nông nghiệp các loại bao gồm hơn 200 máy đã được anh Chương xuất đi các nước như Đài Loan, Campuchia, Singapore, Lào,... Cách đây 3 tuần, anh Chương xuất bán sang Malaysia lô máy gieo hạt chân không trị giá 1 tỉ đồng.
(Theo Lao động)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/304938/lop-8-che-may-nong-nghiep-xuat-khau-tien-sy-ngoi-may-lanh-cho-thoi.html




(Thanh tra) - Với tinh thần ham học hỏi, không chịu khuất phục trước nghèo khó, anh Nguyễn Hồng Chương ở thôn Xuân Thượng, xã Lạc Lâm (Đơn Dương - Lâm Đồng) đã sáng chế thành công nhiều loại máy nông nghiệp, thay thế hàng chục nhân công lao động trong sản xuất rau, hoa, từ đó làm giàu cho bản thân và quê hương.

    Điều khác biệt của đa số nông dân ở Lạc Lâm hiện nay là gieo hạt giống bằng máy. Hỏi ra mới biết, chủ nhân của những máy gieo hạt này là nông dân 36 tuổi Nguyễn Hồng Chương.

    Chỉ mới học hết lớp 8 nhưng Nguyễn Hồng Chương đã sáng chế thành công nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xưởng sản xuất của anh không chỉ bán ra thị trường trong nước nhiều loại máy mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

    Chia sẻ với chúng tôi, anh Chương kể, xã Lạc Lâm có diện tích tự nhiên hơn 2.000 ha, trong đó gần 80% người dân sống bằng nghề trồng rau thương phẩm. Để cung cấp một số lượng lớn cây giống cho nông dân, khoảng 20 vườn ươm được hình thành.

    Thường thì khi vào mùa chính vụ, chủ vườn ươm phải thuê đến 30 - 40 nhân công làm thủ công, dùng tay bỏ từng hạt vào vỉ xốp mới đảm bảo gieo đủ lượng giống cung cấp. Vì lẽ đó, anh nảy ra ý tưởng sáng chế, sau hai năm ấp ủ, chiếc máy gieo hạt tự động đầu tiên được “xuất xưởng”. Ưu điểm của loại máy này là năng suất hoạt động cao, ngang với 8 - 12 lao động/ngày. Năm 2008, chiếc máy gieo hạt của anh Chương đã được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam công nhận Thương hiệu Việt và cấp chứng nhận Điển hình sáng tạo Việt Nam.

    So với loại máy gieo hạt của Australia (giá 12.000 USD, tương đương 240 triệu đồng) hiện đang có mặt trên thị trường với công suất chỉ đạt 120 - 130 vỉ/giờ, tiêu thụ điện năng từ 3 - 5kW/giờ thì máy của anh chỉ có giá 56 triệu đồng, công suất lại cao hơn, đạt 230 - 250 vỉ/giờ, tiêu thụ điện năng chỉ 0,5kW/giờ. Không dừng lại ở đó, năm 2008, anh lại nghiên cứu và sáng chế thành công máy dồn đất vào vỉ xốp sử dụng trong vườn ươm, có thể thay thế 6 - 8 lao động. Tiếp đến, vào năm 2010, Chương cùng 3 anh em trong gia đình sáng chế thành công chiếc máy đóng đất vào chậu để trồng hoa.

    Mới đây nhất, cơ sở của anh Chương đã cho “ra lò” chiếc máy đóng đất vô chậu tự động (còn gọi là máy đóng bầu đất). Cũng tương tự như máy dồn đất, máy đóng đất vô chậu có thể tự động đưa đất vào các chậu để trồng hoa nên rất phù hợp với các cơ sở, công ty chuyên trồng hoa, cây cảnh.

    Nhờ có nhiều ưu điểm nên sản phẩm này của anh đã đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ V (2010 - 2011). Một công ty sản xuất kinh doanh hoa 100% vốn nước ngoài ở Đà Lạt đã đặt hàng anh sản xuất chiếc máy này.

    Thành công này tạo đà để anh tiếp tục ra mắt sản phẩm mới. Tháng 3/2011, bà con trồng rau, hoa trong xã lại ngạc nhiên trước chiếc máy đẩy vỉ xốp (dùng để lấy cây giống trong vỉ xốp đem ra trồng ngoài vườn) của Chương.

    Mới đây, cơ sở Hồng Chương đã mở thêm một nhà xưởng rộng hơn 600m2 để mở rộng sản xuất. Hiện cơ sở của anh có gần 10 lao động với mức lương từ 4 - 4,5 triệu/tháng. Tính đến nay, cơ sở máy nông nghiệp Hồng Chương của anh đã bán ra thị trường hàng trăm loại máy. Thị trường chủ yếu là ở Lâm Đồng, một số tỉnh phía Bắc và miền Trung. Anh Chương cho biết: “Do các máy này được thiết kế có bánh xe nên di chuyển dễ dàng trên mọi địa hình nên được thị trường rất ưa chuộng”.

    Cách đây vài ngày, cơ sở Hồng Chương đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Malaysia. Lô hàng gồm 5 máy gieo hạt, 5 máy dồn đất vào vỉ xốp có tổng trị giá 25.900 USD (trên 500 triệu đồng). Trước đó, vào tháng 4/2011, cơ sở của anh Chương đã gửi 2 chiếc máy mẫu sang Malaysia, Trung Quốc để đại lý thử nghiệm và sau đó họ đã đặt mua lô hàng đầu tiên này.

    Theo tính toán của anh Chương, trong thời gian tiếp theo sẽ mở rộng nhà xưởng sản xuất và đào tạo thêm lao động là thanh niên trong vùng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn.
                                        Dung Thủy

    http://thanhtra.com.vn/kinh-te/chuyen-nong-dan-xuat-khau-may-nong-nghiep_t114c5n34735




    4.




    Thứ ba, ngày 15 tháng 3 năm 2016 | 12:25

    KTNT - Dù mới chỉ học hết trung học phổ thông, không qua trường lớp cơ khí nào nhưng với mong mỏi giúp người nông dân đỡ vất vả khi canh tác trên đồng ruộng, Tạ Đình Huy (sinh năm 1982 ) ở thôn An Mỹ, xã Thượng Vực (Chương Mỹ - TP.Hà Nội) đã chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1” tiện lợi, hiệu quả, được nhiều người dân trong vùng và trên khắp cả nước ưa chuộng tìm mua.
    Tạ Đình Huy bên chiếc máy đa năng.
    Chế tạo máy trong tiếng xì xèo
    Tiếp chúng tôi tại “xưởng chế tạo” và cũng là nhà ở của gia đình, Huy kể về cơ duyên “dính” với máy móc. Học hết trung học phổ thông, để đỡ đần mẹ và em trai, Huy theo nghề sửa chữa xe máy. Ngoài những lúc sửa xe cho khách, anh thường mày mò tìm hiểu công nghệ chế tạo thiết bị cơ khí.
    Sống ở nông thôn, chứng kiến cảnh các bà, các mẹ lao động chân tay vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chi phí sản xuất lớn nên lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, Huy ấp ủ ước mơ chế tạo được một chiếc máy nông nghiệp có thể hỗ trợ bà con giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập.
    Từ cuối năm 2008, Huy bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh tìm mua những chiếc xe máy cũ hỏng, đã hết thời hạn sử dụng rồi đem về nghiên cứu, chế tạo chiếc máy nông nghiệp với tiêu chí giá thành rẻ, dễ sử dụng, hiệu quả. Thời gian đầu, Huy thức trắng cả đêm để mày mò, học hỏi, vẽ phác thảo các bộ phận, chi tiết, tính toán công năng, thông số kỹ thuật, cách sử dụng để chế tạo ra hình thù chiếc máy.
    Thời điểm đó, thấy Huy đi thu mua xe máy đã cũ hỏng, tháo tanh bành để nghiên cứu và chế tạo máy nông nghiệp đa năng, hàng xóm đã không tiếc lời dèm pha, chế nhạo, bảo anh là “thằng hâm”, “thằng dở người”, suy nghĩ viển vông, hoang tưởng. Thậm chí người thân trong gia đình cũng ra sức khuyên ngăn khi họ thấy mất đi khoản tiền lớn mà chưa có thành quả. Thế nhưng, Huy đã bỏ ngoài tai tất cả.
    “Tôi nghĩ mọi việc khởi đầu sẽ rất khó khăn, quan trọng là mình vượt qua như thế nào. Ban ngày đi làm, tối về tôi lại mày mò làm rồi tự đúc rút kinh nghiệm cho riêng mình”, Huy cho hay. 
    Không quản nắng mưa, Huy rong ruổi đến các cơ sở cơ khí trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, đọc thông tin qua sách báo, internet, tìm kiếm nguyên liệu và cả đầu ra cho sản phẩm máy nông nghiệp. Chưa yên tâm với những gì mình “gom nhặt” được, Huy quyết định khăn gói lên Thủ đô, tìm gặp những người đi trước đã thành công để tìm hiểu, tiếp cận từng vấn đề, từng chi tiết của quá trình vận hành, xử lý máy móc trong những điều kiện cụ thể. Với thái độ khiêm tốn, cầu thị, những người hướng dẫn đã hết lòng chỉ dạy, truyền đạt cho anh những kiến thức, kinh nghiệm, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả và chia sẻ cả những bí quyết thành công. Sau một thời gian, Huy quyết định trở về quê hương khởi nghiệp.
    Trái ngọt
    Với vốn kiến thức tích lũy được, sau 3 tháng bắt tay miệt mài nghiên cứu, tháo ra lắp lại không dưới 10 lần, Huy cũng nhảy cẫng lên vì sung sướng khi chiếc máy nông nghiệp đa năng đầu tiên hoạt động tốt. Từ chiếc máy đầu tiên đưa vào ứng dụng, Huy càng hăng say nghiên cứu, tiếp tục “thai nghén”, lắp ráp những chiếc máy có thiết kế nhỏ gọn, có công năng linh hoạt hơn từ những phụ tùng hoàn toàn được tận dụng từ các bộ phận của chiếc xe máy cũ.
    Chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1” của Huy tuy có nhiều chức năng nhưng cấu tạo lại khá đơn giản: chiều cao chỉ 0,6m, dài 1,1m, trọng lượng chỉ khoảng 50kg. Từ một động cơ xe máy, anh đã tích hợp thêm được nhiều bộ phận để phục vụ sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, cuốc xới cỏ, lên luống đến cày, bừa, phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, thậm chí bơm cả nước tưới tiêu. Tích hợp nhiều chức năng nhưng chiếc máy được anh Huy thiết kế với các khớp nối và chốt định vị khá đơn giản, dễ dàng tháo lắp, mỗi lần lắp thiết bị bà con chỉ mất vài phút thao tác.
    Huy cho biết: “Hiện nay, nhà nào cũng có xe máy, nhiều chiếc xe cũ thường bán sắt vụn dù động cơ còn chạy tốt, mình tận dụng nó chế lại một chút là trở thành máy nông nghiệp ngon lành”.
    Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, những chiếc máy ­tiếp theo ra đời được Huy thiết kế nhỏ gọn hơn. Sau nhiều lần cải tiến, giờ đây chiếc máy nông nghiệp đa năng của Huy còn có thêm chức năng rạch hàng gieo hạt.
    Chiếc máy nông nghiệp đa chức năng phục vụ hầu hết các công đoạn, từ đơn giản đến phức tạp trong sản xuất nông nghiệp nhưng lại có giá thành phù hợp với túi tiền của người nông dân, từ 7 - 12 triệu đồng/chiếc tùy theo nhu cầu lắp đặt ít hay nhiều chức năng cho máy. Không chỉ riêng nhà nông ở Hà Nội, mà nhiều bà con ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu... cũng đến tận nơi đặt hàng.
    Hiện xưởng sản xuất của Huy tạo việc làm ổn định cho gần 20 nhân công với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, trừ chi phí, Huy thu được lợi nhuận 700 - 800 triệu đồng/năm.
    Chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1” của Huy đã đạt giải nhất trong chương trình “Nhà sáng chế” (số 30) phát trên kênh VTV2 và giành giải khán giả bình chọn nhiều nhất. Anh cũng vừa được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tặng Bằng khen Gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia phong trào Đoàn Thanh niên ở địa phương.
    Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện Tạ Đình Huy đã thuê thêm nhân công và mở rộng quy mô xưởng để sản xuất được nhiều máy móc hơn nữa phục vụ cho bà con trên toàn quốc, góp phần tạo việc làm cho thanh niên địa phương, giảm thiểu được thời gian, công sức, tăng lợi nhuận cho nông dân.
    Ông Nguyễn Bá Sâm, Chủ tịch UBND xã Thượng Vực, khẳng định: “Sản phẩm máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1” của anh Huy đã được sử dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả to lớn, giải phóng sức lao động cho nông dân, tiết kiệm chi phí sản xuất. Thời gian tới, chính quyền sẵn sàng cho thuê đất và đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho anh Huy vay vốn để mở rộng xưởng sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương”.
    Trần Toản

    http://www.kinhtenongthon.com.vn/Gap-cha-de-sang-che-may-nong-nghiep-da-nang-8-trong-1-188-58971.html

    3.
    2.
    1.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.