Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/05/2016

MOWCAP vinh danh thêm 2 Di sản tư liệu của Việt Nam


Tin từ các nơi.

---

1.



Thứ năm, 19/05/2016, 19:10 (GMT+7)

(SGGPO).– Chiều 19-5, trong khuôn khổ Hội nghị Toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) tổ chức tại TP Huế, MOWCAP đã công bố Quyết định về việc ghi danh thêm 14 Di sản tư liệu mới của MOWCAP. Trong đó, Việt Nam có 2 Di sản mới được vinh danh là Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế (Thừa Thiên – Huế) và Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh).

Trước đó, 4 Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận, gồm: Mộc bản triều Nguyễn là các bản khắc gỗ các văn bản của triều đình nhà Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31-7-2009 (Số mộc bản này đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt).

Bộ bản dập bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới vào năm 2011 (trước đó, Di sản này đã được ghi danh là Di sản tư liệu trong chương trình Di sản Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2010).

Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) được UNESCO tiếp tục công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2012.

Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2014.

Thơ văn trang trí bằng chất liệu pháp lam trên di tích điện Thái Hòa – Đại nội Huế.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được MOWCAP vinh danh lần này là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở di tích cố đô Huế. Trong quá trình xây dựng và tu sửa các công trình xưa nay chưa hề có tư liệu nào đề cấp đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới các văn tự trên di tích. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, hàm chứa nhiều giá trị quý báu về những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam.

Sau khi được công nhận, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ triển khai nhiều cách để giới thiệu Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với cộng đồng, như in sách giấy, sách điện tử, đưa vào các trường học, thậm chí cả dựng chương trình nghệ thuật có nội dung lấy cảm hứng và chất liệu từ nguồn thơ văn này. Đồng thời phối hợp với ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch xây dựng và chủ động quảng bá thương hiệu “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”.

Trước đó, Huế đã có 4 di sản được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn.

Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, Di sản Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) được MOWCAP vinh danh tại hội nghị lần này là các tư liệu được khắc trên bản gỗ thị khá tinh xảo, thư pháp đẹp cùng ấn triện gia huy, dấu bản quyền chứa nhiều thông tin về văn hóa, giáo dục, kinh tế xã hội, giao lưu giữa các dòng họ. Trong đó, có những mộc bản cổ có giá trị quý hiếm, cùng một số sách “Tứ thư ngũ kinh” của Khổng giáo.

Những mộc bản này được lưu giữ tại Phúc Giang thư viện- một thư viện nổi tiếng khắp cả nước của dòng họ Nguyễn Huy tại Hà Tĩnh. Đây cũng là Di sản tư liệu quý duy nhất của một dòng họ ở Việt Nam lưu trữ và bảo quản. Di sản này đã thể hiện tư tưởng của UNESCO về việc cần thiết xây dựng một xã hội học tập và đào tạo con người tài, đức

See more at: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2016/5/421529/#sthash.cpfVdEAN.dpuf




2.


Thơ văn cung đình Huế và Mộc bản Phúc Giang là Di sản tư liệu thế giới

QUỐC VIỆT (TTXVN/VIETNAM+


Các đại biểu tham quan trưng bày Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế tại hội nghị. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP) diễn ra trong 2 ngày 18- 19/5 tại thành phố Huế, Việt Nam có thêm 2 di sản được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hai di sản đó là Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh).

Hội nghị MOWCAP lần này đã xem xét và bỏ phiếu cho 16 hồ sơ của 10 nước thành viên đệ trình công nhận Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong đó, Trung Quốc có 4 hồ sơ; Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia có 2 hồ sơ, các nước Uzbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar, Mông Cổ mỗi nước có 1 hồ sơ.


Cả 2 hồ sơ của Việt Nam đăng ký là Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang ở Hà Tĩnh đều được vinh danh.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản văn hóa thể hiện tư tưởng của các vị vua Nguyễn về lịch sử, độc lập dân tộc, văn hóa, quan niệm trị quốc, dân sinh. 

Theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một nghệ thuật trang trí đặc biệt. Đây là nơi ra đời và lưu trữ tư liệu độc đáo và riêng có tại Cố đô Huế. Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; với sự phong phú đa dạng về nội dung, thể hiện trên nhiều chất kiệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng…

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được các thành viên của MOWCAP đánh giá cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới. 

Di sản này đáp ứng đầy đủ những tiêu chí như: độc đáo, duy nhất, mang ý nghĩa quốc tế, tính toàn vẹn, có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học. 

Với những giá trị nổi bật đó, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được Hội đồng MOWCAP đánh giá cao và công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bằng công nhận 'Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế' là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Mộc bản trường học Phúc Giang cũng được đánh giá rất có giá trị trên nhiều phương diện.

Theo ông Nguyễn Chí Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Mộc bản trường học Phúc Giang có từ năm 1858, cách đây hơn 200 năm, là di sản của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu được con cháu trong dòng họ lưu giữ cho đến bây giờ. Hiện, Mộc bản trường học Phúc Giang có tổng cộng 379 bản.

Điểm đặc biệt của di sản Mộc bản trường học Phúc Giang này là liên quan đến giáo dục ở một làng quê xa kinh thành, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam.

Mộc bản trường học Phúc Giang vì thế đã được đánh giá cao về giá trị và được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong đợt này./.

http://www.vietnamplus.vn/tho-van-cung-dinh-hue-va-moc-ban-phuc-giang-la-di-san-tu-lieu-the-gioi/386783.vnp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.