Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/04/2016

Viện Hàn lâm KHXH và Học viện KHXH (thông tin tháng 4/2016)


Tin từ các nơi gom về đây.

---
6.

5.

4.

10:18-08/06/2016 


Theo ý kiến của PGS.TS. Vương Xuân Tình (Viện Hàn lâm KHXH VN), Học viện Khoa học Xã hội (Học viện KHXH) được xây dựng với mục đích chuyên đào tạo sau đại học thay cho nhiệm vụ tương ứng của các viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH VN), nhưng tổ chức kiểu này lại ngược với mô hình chung của các học viện (graduate academy) trên thế giới, bởi hầu hết các học viện đó thuộc trường đại học mà chức năng cơ bản là phối hợp với các khoa để hỗ trợ học viên hoàn thành tốt luận văn, luận án.


Mặt khác, Học viện KHXH đã tách biệt học viên khỏi môi trường học thuật tại các viện chuyên ngành, dẫn tới khó đảm bảo chất lượng đào tạo – điều mà trong thời gian qua, có không ít ý kiến quan ngại rằng Học viện KHXH đang đào tạo quá ồ ạt, không chú trọng đúng mức chất lượng.Nhiều năm trước đây, khi chưa có Học viện KHXH, các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Nhưng kể từ năm 2010, trên cơ sở đề nghị của lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH VN, Học viện KHXH được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã chịu trách nhiệm đào tạo sau đại học thay cho toàn bộ các viện đó. Thực ra ngay từ khi xây dựng kế hoạch, đã có nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình của Học viện KHXH. Qua sáu năm hoạt động, mô hình này ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề cần thảo luận.


Trước hết, việc thành lập một Học viện như vậy đã gây lãng phí về cơ sở vật chất và hệ lụy đến người học. Để có điều kiện được học tập, trong các năm qua, ngoài huy động nguồn lực khác, có khóa mỗi nghiên cứu sinh phải đóng tới 20 triệu đồng tiền xây dựng. Và cũng do thiếu nguồn lực nên các học viên còn phải đóng thêm tiền tài liệu. Các học viên đều không phải đóng góp khoản phí này nếu học trước năm 2010, khi cơ sở đào tạo thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành. 

Quan trọng hơn, song song với bất cập về nguồn lực vật chất nêu trên, Học viện đã tách học viên sau đại học ra khỏi môi trường học thuật của các viện nghiên cứu. Họ rất khó tiếp cận các sinh hoạt khoa học và tài liệu ở các viện chuyên ngành và có rất ít thời gian trao đổi chuyên môn hoặc làm nghiên cứu tập sự với các chuyên gia của ngành học vì Học viện KHXH không có lực lượng chuyên gia tại chỗ. Dù Học viện cho biết họ có số lượng “giảng viên cơ hữu” rất lớn nhưng thực chất toàn bộ số “giảng viên cơ hữu” này đang làm tại các viện chuyên ngành và chỉ là giảng viên kiêm nhiệm, trên thực tế mỗi khoa đào tạo chỉ có biên chế từ 1-2 người. Các giảng viên kiêm nhiệm này có rất ít thời gian thảo luận chuyên môn và công tác giảng dạy ngay tại học viện. Có giảng viên cho biết, đã sáu năm kể từ ngày là “giảng viên cơ hữu” của Học viện nhưng chỉ được họp bàn về nhiệm vụ chuyên môn duy nhất có một lần.

Bên cạnh đó, mô hình Viện trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa hiện nay cũng tạo nên bất cập trong công tác quản lý khoa học và đào tạo tại các khoa. Trước năm 2010, các Viện trưởng thường đảm trách nhiệm vụ đào tạo sau đại học tại viện chuyên ngành nhưng không gặp nhiều khó khăn bởi khi đó số lượng học viên rất ít (thường đào tạo một tiến sĩ/ năm) và Viện trưởng cũng không mất công sức quản lý cả viện chuyên ngành và một khoa của Học viện KHXH. Đến nay, với bình quân mỗi Khoa phải tuyển sinh khoảng 20 nghiên cứu sinh/ năm, các viện trưởng của các viện chuyên môn gặp rất nhiêu khó khăn khi phải đồng thời làm chủ nhiệm Khoa của học viện KHXH.

Do thiếu nguồn lực như đã nêu nên việc tổ chức các hội đồng của Học viện cũng gặp khó khăn. Có những hội đồng, Học viện KHXH còn mời cả chuyên gia trái chuyên môn hoặc không đủ điều kiện chuyên môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và cũng vì thiếu nguồn lực, bộ máy hoạt động của Học viện trên thực tế chỉ đảm nhiệm chức năng hành chính.       

Do các bất cập nêu trên, đến nay, dư luận xã hội và không ít các chuyên gia đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo của Học viện KHXH, xoay quanh vấn đề chất lượng các luận án. Trong bối cảnh đào tạo hiện nay, không thiếu luận án được hoàn thành do người hướng dẫn, do đồng nghiệp làm thay, hoặc thậm chí do thuê mướn. Tuy nhiên, các hiện tượng liên quan tới luận án chỉ là phần nổi của tảng băng, nửa chìm của tảng băng kia còn là kỹ năng nghiên cứu của học viên được nâng cao phải qua thực hiện các chuyên đề, qua trình bày khoa học, khả năng sử dụng ngoại ngữ…  

Ngược với mô hình học viện trên thế giới

Các học viện (graduate academy) trên thế giới đều thuộc một trường đại học hoặc viện nghiên cứu và chưa thấy mô hình nào đồ sộ hơn Học viện KHXH ở Viện Hàn lâm KHXH VN. Nhiệm vụ của các học viện đó không phải trực tiếp đào tạo để cấp bằng, mà chủ yếu phối hợp với các khoa của trường đại học để làm dịch vụ hỗ trợ, tài trợ khoa học cho các học viên sau đại học, dưới các hình thức như cung cấp thông tin học thuật (về các học giả, các khoá học, hội thảo…); thông tin học bổng cho học viên; tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn về chuyên môn sâu hoặc kỹ năng nghiên cứu; hỗ trợ học viên thực hiện luận văn, luận án. Trong các nhiệm vụ này, việc tìm nguồn học bổng để hỗ trợ học viên rất được coi trọng bởi học viện sẽ tăng uy tín và dễ dàng xin nguồn tài chính duy trì hoạt động nếu hỗ trợ được nhiều luận án nghiên cứu có giá trị. 

Trên cơ sở những phân tích trên, trách nhiệm đào tạo sau đại học tại Viện Hàn lâm KHXH VN cần được trả lại cho các viện chuyên ngành. Còn Học viện KHXH nên đổi mới theo cách làm của quốc tế, thay vì tập trung cho mục tiêu đào tạo với quy mô rất lớn – chiêu sinh 350 nghiên cứu sinh một năm cho 23 mã ngành – Học viện nên chủ yếu làm dịch vụ hỗ trợ hoạt động đào tạo sau đại học. Đối với quy mô hỗ trợ đào tạo cũng không nên đặt ra định mức chỉ tiêu bao nhiêu học viên một năm, mà nên tùy thuộc vào nhu cầu của các học viên và khả năng của Học viện trong việc thu hút, tập hợp các nguồn lực. Học viện có thể xin kinh phí Nhà nước hoặc nguồn kinh phí của quốc tế để hỗ trợ học viên thực hiện luận văn, luận án theo hướng các đề tài, nhiệm vụ trọng điểm của Viện Hàn lâm KHXH VN. Để làm được điều này - theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm phải đánh giá toàn diện những lĩnh vực liên quan đến mô hình Học viện KHXH thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN một cách xác thực để có quyết định phù hợp.  

Thu Quỳnh ghi



Ở  Việt Nam vẫn có cách hiểu về học viện (graduate academy) như một tổ chức chuyên về đào tạo. Nhưng trên thế giới, học viện, điển hình như Học viện Goethe thuộc Ðại học Geothe (Cộng hòa Liên bang Ðức) chỉ là nơi cung cấp các dịch vụ khoa học rất thiết thực, hỗ trợ học viên sau đại học của trường, như tổ chức hội thảo miễn phí nhằm cung cấp  thông tin về các chương trình đào tạo mở rộng dành cho học viên; tạo cơ hội cho học viên gặp gỡ chuyên gia của tổ chức khoa học và phi chính phủ tại các toạ đàm khoa học; hỗ trợ cho các nghiên cứu viên trẻ khi họ tự thiết lập nhóm nghiên cứu sinh tiến sĩ; giúp học viên xây dựng, duy trì mạng lưới xã hội mang tính liên ngành thông qua các sự kiện khoa học thu hút tất cả học viên từ mọi chuyên ngành; giải đáp thắc mắc liên quan đến chủ đề nghiên cứu và đưa ra gợi ý, định hướng nghiên cứu cho học viên khi họ cần; mở các khoá học ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức) để học viên tham gia và tổ chức dịch vụ ngôn ngữ miễn phí giúp học viên kiểm tra tính chính xác của bản thảo luận văn, luận án của họ khi viết bằng tiếng Anh... Có thể tham khảo qua website sau đây của Học viện:

http://www.goethe-university-frankfurt.de/54288099/099_mission_and_vision
Tương tự, có thể tham khảo nhiệm vụ của Học viện thuộc Viện Khoa học Texas (Hoa Kỳ) qua website: http://www.texasacademyofscience. org/graduate-academy


http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=9707




3.



Chi 2.000 tỉ, công bố... 22 bài báo ISI



27/04/2016 22:54

Đầu tư 2.000 tỉ đồng kinh phí hoạt động, tuy nhiên theo thống kê thì số bài báo ISI mà Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội công bố trong 5 năm qua chỉ vẻn vẹn có 22 bài

Theo thông tin mà nhóm dự án Trắc lượng khoa học Việt Nam (S4VN) vừa công bố, bảng thống kê ISI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information - ISI) của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) giai đoạn 2011-2015 tổng cộng số lượng bài báo công bố ISI của VASS trong 5 năm qua là 22 bài (tổng số lượt trích dẫn là 63).
Có năm chỉ công bố 2 bài ISI
Năm có kết quả cao nhất là 2013 với 7 bài (20 trích dẫn) và năm thấp nhất là 2011 với 2 bài (1 trích dẫn). Trong khi đó, nghiên cứu sinh (NCS) Lê Ngọc Sơn tại ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức, cho hay số liệu ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính công bố cho thấy trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), ngân sách nhà nước đã đầu tư cho VASS hơn 2.000 tỉ đồng, tương đương 90,6 triệu USD. Riêng năm 2015, viện có 5 bài báo công bố quốc tế ISI và tổng chi phí tiêu tốn lên đến 504,5 tỉ đồng (khoảng 22,67 triệu USD).
Một luận án tại Học viện Khoa học Xã hội được bảo vệ thành côngẢnh: VASS
Một luận án tại Học viện Khoa học Xã hội được bảo vệ thành côngẢnh: VASS
Đưa ra những con số thống kê trên, NCS Lê Ngọc Sơn cho rằng đây là “những con số biết nói”, thậm chí ngay cả khi chưa cần quan tâm đến chất lượng mà chỉ xét trên góc độ hiệu quả kinh tế và năng suất lao động. Theo NCS này, trong bối cảnh VASS có tới 2.000 người thì năng suất này không bằng một nhóm nhỏ các nhà khoa học châu Âu làm việc.
Khi được hỏi chất lượng của các luận án tiến sĩ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng quy chế hiện hành quy định luận án tiến sĩ phải có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội. Trong quy chế có quy định về tiêu chí của luận án và trong bản nhận xét của những người đánh giá luận án cũng phải đề cập đến các vấn đề này. Cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án, toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ phải được đăng lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo.
Ai kiểm định chất lượng luận án?
Thế nhưng trên thực tế, nói theo cách của PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, bộ đưa ra những quy chế rất chặt chẽ, như yêu cầu phải công khai luận án chẳng hạn, nhưng việc bộ, bộ làm; việc trường, trường làm và nhiều khi có những lỗ hổng con voi cũng chui lọt.
Mai Khoa, một NCS tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), chia sẻ theo thông lệ quốc tế thì hội đồng chấm luận án bắt buộc phải có thành viên độc lập, đến từ các cơ sở đào tạo khác, thậm chí nước khác, nhằm bảo đảm sự khách quan trong việc đánh giá. Thêm vào đó, công bố quốc tế là yêu cầu bắt buộc với NCS của hầu hết các cơ sở đào tạo.
Điều này nhằm bảo đảm kết quả nghiên cứu được thảo luận, nhìn nhận một cách rộng rãi và khách quan bởi các nhà khoa học. Việc yêu cầu NCS tham gia các hội thảo quốc tế ngoài sự cần thiết của học thuật còn tạo cho NCS có cơ hội trao đổi trực tiếp với những nhà khoa học đầu ngành, từ đó giúp xây dựng mạng lưới đồng nghiệp rộng rãi.
NCS khi bắt đầu khóa học sẽ phải hiểu toàn bộ quy định sẽ được áp dụng với mình, từ đó họ hiểu số lượng bài báo khoa học mà mình sẽ phải công bố.
Giáo sư hướng dẫn thường kỳ vọng vào NCS cao hơn yêu cầu của cơ sở đào tạo thông qua xếp hạng của tạp chí và số công bố đặt ra cho NCS. Từ đó, NCS cũng có những sức ép nhất định trong việc hoàn thành luận án. Đã có một tỉ lệ cao về số lượng NCS mắc chứng trầm cảm nhẹ vì sức ép của việc hoàn thành luận án.
Việt Nam cũng có các quy định về việc công bố các bài báo khoa học, tuy nhiên quy định này không được triển khai hiệu quả. Chính sự dễ dãi của người hướng dẫn, của hội đồng đã tạo điều kiện cho NCS làm luận án qua quýt thì lấy đâu ra đề tài được quốc tế ghi nhận!
Sao chép tinh vi
NCS Mai Khoa thẳng thắn cho rằng việc sao chép tài liệu của người khác mà không trích dẫn đã trở thành một hiện tượng trong các luận án tiến sĩ ở Việt Nam. Việc sao chép này có thể thực hiện từ luận án của người trước, từ báo cáo khoa học, báo cáo tổng kết của một dự án, thậm chí ở mức tinh vi hơn là dịch nguyên một phần công trình của một tác giả ở nước ngoài mà không có trích dẫn cụ thể. Một danh sách các tài liệu tham khảo dài ở cuối một số luận án nhiều khi chỉ là để đối phó với quy định mà không cần biết thật sự nó có được dùng vào luận án không, nếu được sử dụng thì nội dung của nó được nêu trong luận án là ở chỗ nào?
Đọc thêm trên báo Người Lao Động
Bài và ảnh: YẾN ANH

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chi-2000-ti-cong-bo-22-bai-bao-isi-20160427222005179.htm




2.


Thanh tra Chính phủ làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN



 - Thanh tra Chính phủ đề xuất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu, sắp xếp lại một số đơn vị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chuyên sâu.
Ngày 26/4, Thanh tra Chính phủ có buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN (VASS). Theo báo cáo, trong hai năm 2014, 2015 VASS đã tiến hành thanh tra, kiểm tra kỷ cương hành chính tại 7 đơn vị trực thuộc. 
đào tạo tiến sĩ ở VN, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN, Bộ GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn. (Ảnh: Báo Thanh tra).
Cụ thể, các đơn vị không có khiếu nại, tố cáo phải giải quyết; không phát hiện tham nhũng, chấp hành kỷ cương, kỷ luật lao động tốt và đã được xây dựng các quy chế chi tiêu, mua sắm tài sản và quản lý tài sản công,vv.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị: Viện cần nghiên cứu ban hành quy chế mới về hoạt động nghiên cứu khoa học; về chế độ phụ cấp, lương, chế độ làm việc cần đưa ra những kiến nghị cụ thể hơn; nghiên cứu, sắp xếp lại một số đơn vị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chuyên sâu.
Viện cần đặt hàng với các nhà khoa học một đề tài cấp nhà nước hoặc cấp bộ, đánh giá về nhu cầu, yêu cầu của việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn hiện nay, trong đó đưa ra các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ  cho công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ từ nay đến năm 2020.

Về kiến nghị liên quan tới công tác đào tạo cán bộ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn khẳng định, Thanh tra Chính phủ sẽ hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ làm công tác này đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật.
Đối với thông tin dư luận trong thời gian qua phản ánh liên quan tới công tác đào tạo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho rằng lãnh đạo VASS cần nghiên cứu, phân tích rõ tình hình, thông tin cụ thể, chính xác, việc gì chưa làm tốt nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm, không bảo thủ.
Trước đó, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bàn tán về việc đào tạo tiến sĩ của VASS, cho rằng chất lượng đào tạo còn bất cập.
Đến ngày 22/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã gặp gỡ báo chí để thông tin cụ thể xung quanh sự việc. Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội VNcho biết chiến lược phát triển của Học viện đã được phê duyệt đề ra mục tiêu tới năm 2020 phấn đấu đào tạo từ 450 – 500 chỉ tiêu nghiên cứu sinh mỗi năm. Viện này cũng trả lời các thắc mắc xung quanh các đề tài nghiên cứu khoa họccủa các nghiên cứu sinh
Mới đây nhất, tranh luận tiếp tục diễn ra khi nghiên cứu sinh tiến sĩ Lê Ngọc Sơn (ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức) tiếp tục đưa ra những con số về ngân sách của viện trong tương quan với những kết quả mà VASS đạt được.
Cụ thể, trên cơ sở số liệu ngân sách nhà nước được công bố bởi Bộ Tài chính, anh Sơn cho biết, trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho VASS. Riêng năm 2015, Viện có 5 bài báo công bố quốc tế ISI và tổng chi phí tiêu tốn lên đến 504,5 tỷ đồng (khoảng 22,67 triệu USD).
  • Văn Chung
  • http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/302019/thanh-tra-chinh-phu-lam-viec-voi-vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-vn.html



1.


'Học viện Khoa học Xã hội phạm quy trong đào tạo tiến sĩ'


- Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết một số sai sót trong đào tạo tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội khi trao đổi với VietNamNet chiều 26/4.






Trả lời VietNamNet trong chiều 26/4, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Việc Học viện Khoa học Xã hội không công bố toàn văn luận án tiến sỹ của nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ trên website của đơn vị này là vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 36 của Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ.
lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ tại VN, Học viện Khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT, quy chế đào tạo tiến sĩ
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng. (Ảnh: Văn Chung).
Trong quy chế, Bộ GD-ĐT đã quy định quy trình đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ. Trong đó có việc cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót…
Cụ thể, khoản 2, Điều 36, quy định:
"a. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định các điều kiện tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, đảm bảo nguyên tắc: Thời gian, địa điểm bảo vệ luận án, tên đề tài luận án của nghiên cứu sinh đã được công bố công khai, rộng rãi trên trang web của cơ sở đào tạo, trang web của Bộ GD-ĐT, trên bảng tin của cơ sở đào tạo và của đơn vị chuyên môn, trên báo địa phương hoặc trung ương, trước ngày bảo vệ ít nhất 10 ngày để những người quan tâm có thời gian tìm hiểu luận án và tham dự phiên bảo vệ (trừ các luận án bảo vệ mật).
b. Luận án, tóm tắt luận án đã được gửi đến các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học theo danh sách đã được Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định và đã được trưng bày ở phòng đọc của thư viện cơ sở đào tạo ít nhất 30 ngày trước ngày bảo vệ. Toàn văn luận án, tóm tắt luận án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) và trang thông tin những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận, luận điểm mới về khoa học và thực tiễn của luận án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) đã được đăng tải công khai trên trang web của cơ sở đào tạo và trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gửi đến địa chỉ duatin@moet.edu.vn) trước ngày bảo vệ 30 ngày, trừ các đề tài thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các đề tài bảo vệ mật".
Cũng theo bà Phụng, Học viện Khoa học Xã hội được thành lập trên cơ sở hợp nhất 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Chỉ tiêu của Học viện là tổng chỉ tiêu của 17 viện nên tổng thể lớn hơn các đơn vị khác nhưng tính trung bình mỗi viện nghiên cứu thì không lớn.
Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước về GD-ĐT, quản lý chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện (đăng ký mở ngành; số lượng và trình độ giảng viên…), tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ.
Một trong các quy định đó là cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo là để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo.
lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ tại VN, Học viện Khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT, quy chế đào tạo tiến sĩ
Buổi họp báo của Học viện Khoa học xã hội về những vấn đề liên quan đến đào tạo tiến sĩ của học viện. (Ảnh: Lê Văn).
Bộ GD-ĐT cũng tiến hành thẩm định xác suất đối với khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo. Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc có ý kiến phản ánh không tốt về nội dung và chất lượng luận án cụ thể nào đó thì Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định.
Các cơ sở đào tạo kém chất lượng có thể sẽ phải đình chỉ tuyển sinh, không cho phép thành lập hội đồng đánh giá luận án theo quy định của quy chế.
Sẽ ban hành quy chế đào tạo tiến sỹ mới
Bà Phụng cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Quy chế đào tạo tiến sỹ mới thay thế quy chế hiện hành. Quy chế mới sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đào tạo sẽ là yếu tố quyết định quyền tự chủ của cơ sở đào tạo.
Theo đó, cơ sở đào tạo chất lượng cao sẽ được tự chủ ở mức cao và ngược lại.
Bộ cũng sẽ nghiên cứu đưa vào quy chế mới những điều khoản để tăng cường kiểm tra, trách nhiệm giải trình của cơ sở trong quá trình đào tạo tiến sỹ.
Các cơ sở đào tạo cũng sẽ phải công khai thông tin về thành tích nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh đã và đang hướng dẫn… của những tiến sỹ đang làm việc tại cơ sở.
  • Văn Chung(Ghi)
  • http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/301665/hoc-vien-khoa-hoc-xa-hoi-pham-quy-trong-dao-tao-tien-si.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.