Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/10/2015

Tố đạo thơ hay đố kị giải ? (bài Chu Mộng Long)

Liên quan đến nghi án dành cho nhà thơ Phan Huyền Thư.

Toàn văn ở dưới là lấy về từ blog của Chu Mộng Long. 

---

Tố đạo thơ hay đố kị giải ???


Posted on Tháng Mười 16, 2015 by chumonglong


Chu Mộng Long – Ăn cắp đang là quốc nạn. Danh hiệu, giải thưởng trao tùy tiện cũng là quốc nạn… Nỗi nhục quốc thể khó có ngày rửa sạch. Nhưng lợi dụng đục nước để bôi nhọ nhau làm cho cái đã nhục lại thêm nhục hơn. Hiện trong giới văn chương đang chưa xong vụ tranh chấp tác quyền thì rơi vào tố đạo thơ. Mà vụ tố này chỉ đơn thuần chơi trò đục nước… béo cò phê bình!
Từ phát hiện của “Nhà phê bình” Lê Thiếu Nhơn, đến những phát hiện ăn theo của các loại “Nhà phê bình”, Phan Huyền Thư bị mang vạ vào thân về cái gọi là “đạo thơ”.
Chao ôi, ở cái xứ sở ăn cắp nhiều như rươi, kẻ không ăn cắp xem chừng cũng bị nghi ngờ thành kẻ cắp. Giống như Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt từng nói, đến mức thời nay, ai đi ra nước ngoài mang quốc tịch Việt, dù là lương thiện cũng bị soi xét…
Nhưng chẳng nhẽ một người mang danh “Nhà phê bình” như Lê Thiếu Nhơn lại mang con mắt cảnh sát, gọi vụ này là “nghi án đạo thơ”? Phê bình phải khách quan, có nguyên tắc chứ không thể bạ đâu “nghi” đó như công an Việt Nam nghi Nguyễn Thanh Chấn hay Đỗ Đăng Dư.
Mà nghi cái nỗi gì khi bằng chứng văn bản hiển thị lồ lộ ra đấy. Không thể nói, một câu thơ hay một ý tưởng có vẻ giống nhau là đạo, khi một câu thơ hay ý tưởng đó không là độc sáng của riêng ai. Chẳng lẽ khi Xuân Diệu viết: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung” là ăn cắp triết lí nhà Phật: “Đời là bể khổ”. Hay như Hoàng Cầm: “Cả Thái Bình Dương là giọt lệ/ Mỗi người đi biệt một hành tinh” là ăn cắp của Xuân Diệu?
Các nhà văn học sử cũng đã từng chỉ ra, Thơ Mới có đến hàng trăm câu thơ mượn ý từ thơ Pháp. Mượn ý mà không trùng ý, bởi vì tất cả đã mang cái tâm hồn Việt, tư tưởng, cảm xúc mới của nhà thơ Việt.
Nếu một câu thơ trùng ý như trường hợp Phan Huyền Thư mà bị gọi là đạo hay cầm nhầm, thì thưa ông Lê Thiếu Nhơn, có vô số trường hợp tương tự không kể ra hết.
Tất nhiên cũng có trường hợp chỉ cần một câu vẫn có thể gọi là đạo hay cầm nhầm nếu câu thơ ấy hoàn toàn có tính độc sáng. Trường hợp Vũ Khiêu thó câu thơ của Lý Bạch để tặng hoa hậu, y chang như Lý Bạch tặng Dương Quý Phi: “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” là đạo trắng trợn. Bởi đây là cách so sánh có một không hai trong sáng tạo của họ Lý, không lẫn với ai được.
Nên nhớ, tư tưởng không bao giờ là mới, nếu truy nguyên tận cùng. Điều chúng ta nói hôm nay chưa hẳn người xưa đã chưa từng nói. Tác quyền có tính độc sáng là một cái gì rất tương đối, nó chỉ thể hiện ở sự lột xác của tư tưởng bằng một hình thức biểu đạt mới, độc đáo. Đúng như anh Trần Nhã Thụy nói, và ai cũng thấy, hai bài thơ mang 2 nội dung tư tưởng khác biệt, dù cùng xuất phát một mẫu:
“Cái ý tưởng/ ý niệm/ hay ước muốn/ di nguyện: Nếu tôi chết hãy mang tôi ra biển; dường như không phải đầu tiên và độc quyền của Du Tử Lê. Nhiều người, ở nhiều nơi trên quả địa cầu này, không phân biệt là Phật giáo hay Thiên chúa giáo, cũng thường có ý nguyện khi chết đi sẽ được hỏa táng và mang tro rắc ra biển.
Là mang tro rắc trên biển, chứ không phải vứt xác xuống biển nhé (làm như vậy ô nhiễm môi trường lắm; hoặc nếu thủy táng thì tốn kém lắm)
Rắc tro trên biển, trên sông, hay trên cánh đồng, trên khu rừng… Tất cả đều chung một ý niệm là gieo vào hư vô/ trở về với cát bụi/ giao duyên với muôn loài…
Chưa có dịp khảo sát kỹ, nhưng tôi nghĩ ý thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” của DTL mang tính ám ảnh thân phận hơn, như lời trối của một “thuyền nhân” đau đớn… Còn thơ PHT thì nói về nỗi cơ đơn…”
(Theo FB Trần Nhã Thụy)
Bài thơ của Du Tử Lê hay, đầy ám ảnh về một thân phận lưu vong.
Bài thơ của Phan Huyền Thư tôi không nói là xuất sắc, nhưng là một hình thức thể hiện mới về nỗi cô đơn và sự vật vã đi tìm lại bản thể của mình.
Tôi chỉ nói thêm, ý niệm về cội nguồn sinh ra từ Nước và khi chết đi về với Nước là một cổ mẫu (archetype) (cùng với Lửa, Đất) thuộc vô thức tập thể (Xem phê bình cổ mẫu của Bachelard, Frye…). Đã thế thì không có độc sáng. Các triết gia cấu trúc luận cũng từng khẳng định, cấu trúc tư duy luôn nằm trong những mô hình phổ quát và tuyên bố: tác giả chết! (R. Barthes)
Sống chăng, như tôi nói trên kia, chỉ là một hình thức biểu đạt hay, mới, độc đáo. Nghệ thuật sống ở hình thức. (Nói nội dung quyết định hình thức là cái ngu lâu của Lí luận văn học ở Việt Nam!) . Trong khi bài thơ của Phan Huyền Thư so với bài thơ đã có của Du Tử Lê khác hẳn cả nội dung lẫn hình thức. Tất nhiên, riêng cái nội dung “cô đơn” thì… cũng xưa như quả đất!
Một văn bản, theo các nhà giải cấu trúc, luôn luôn có tính liên văn bản: nó có quan hệ chồng chéo và nối kết với vô số các văn bản trước đó hoặc cùng thời. Không thể đòi hỏi người sáng tạo phải trích dẫn nguồn, khi cội nguồn của một ý tứ nào đó khó có thể truy nguyên đến tận cùng.
Tôi nghe mùi đố kị về giải déo trong vụ này hơn là tố một “nghi án đạo thơ”! Phê bình nói càn, ai cũng nói lấy được bất chấp nguyên tắc học thuật, chỉ có ở Việt Nam, ông Lê Thiếu Nhơn ạ!
Đến lúc chán tận cổ cái đám văn chương Việt. Càng ngày càng tệ hơn cái chợ cá! Nhưng sao không dũng cảm ra biển mà tranh cá với giặc Tàu???
———-
Bài thơ của Du Tử Lê:
KHI TÔI CHẾT HÃY ĐEM TÔI RA BIỂN
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
Cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
Biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
Những năm trước bao người ngon miệng cá
Thì sá gì thêm một xác cong queo
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Cho tôi về gặp lại các con tôi
Cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
Từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
Ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.
12-77
Bài thơ của Phan Huyền Thư:
CÓ LẼ ĐÃ CHẾT VẪN TỐT HƠN 
(Thư gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến)
Nếu tôi chết
hãy đem tôi ra biển
vì tôi là hạt muối buồn
kết tủa từ cô đơn
tự ăn mòn mình bằng mơ mộng
Nếu tôi chết
hãy ném tôi vào sóng
cào đến xước mặt hoàng hôn
nàng tiên cá hát ru con
mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ
trôi theo dòng hải lưu tình sử
giam hồn mình dương liễu Quán Thế Âm
Nếu tôi chết
xin gió hãy hồn nhiên
cuốn tôi về phương trời trống rỗng
một mình tôi sẽ làm cả cơn dông
xoáy vào đại dương nỗi đau bất tận
lặng câm đã muối thành lời
Nhưng vì chưa chết,
tôi sẽ là ai ?
Là ai nếu nhạt nhẽo
Là ai nếu giả tạo
Là ai nếu bon chen
Là ai nếu đớn hèn
Là ai nếu ngu dốt
Là ai nếu dị hợm
Là ai nếu …
Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn?
Giữa biển đời hạn hán tình thương
bạc thếch nỗi niềm
ươn nhờn ngộ nhận
mỏng như vết máu khô loang sa mạc
chờ tín hiệu giải thoát
từ cảnh giới màu xanh
Tình âm u
ảo giác thuỷ triều lờ nhờ
tuôn bầu ngực trăng
căng lỗ thủng
dòng sữa đen đặc quánh
nuôi nấng lỗi lầm
Có lẽ đã chết
vẫn tốt hơn !
Hoang vu mắt
người đàn ông tiền kiếp của tôi
linh hồn ngậm sợi cỏ buồn mằn mặn
hạt muối lưu lạc cánh rừng u uẩn
tiếng vọng tình nghìn năm
Có lẽ
đã chết vẫn tốt hơn!
Tôi đã gói ghém xác thân
niêm phong dấu môi, thuyền giấy ảo vọng
sẵn sàng hải trình yêu bằng hải lưu nước mắt
Triệu triệu
xô dạt
triệu triệu
va đập
triệu triệu dòng
trắng
điên cuồng
sóng
tung toé dấu vết một cuộc đời.
Để viết lên mặt biển
bài thơ một cuộc …người
Đã chết
có lẽ vẫn tốt hơn…/.

https://chumonglong.wordpress.com/2015/10/16/to-dao-tho-hay-do-ki-giai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.