Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

31/01/2015

Học giả McCarthy góp bàn về lễ hội chém lợn : đó là chém cha loài người !

Hàng tuần, chúng ta vẫn tiêu xài thịt lợn.

Mà từ năm 2013, thì nhóm nghiên cứu của MaCarthy ở Mĩ, qua phân tích một lượng gen di truyền khổng lồ, đã đi đến nhận định: tổ tiên của loài người là một loại động vật lai giữa lợn linh trưởng. Mà lợn thì là cha. Xem lại ở đây.




Nếu theo thuyết trên, mỗi chúng ta đều mang một phần của Lợn và một phần của Đười ươi.


Nguồn ảnh


---

Bổ sung 1 (1/2/2015):

Vì sao Lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh bị phản đối?

18:47 ngày 29 tháng 01 năm 2015

http://www.tienphong.vn/van-nghe/vi-sao-le-hoi-chem-lon-o-bac-ninh-bi-phan-doi-817004.tpo

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ Phúc lợi Động vật, Tổ chức Động vật châu Á cho biết, "việc chém con lợn đang sống khỏe mạnh là lối đối xử tàn ác, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem, đặc biệt là trẻ em".
Lý do nào Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) cho rằng nên bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh?
Năm 2013 chúng tôi đã gửi thư bày tỏ mối lo ngại và sự phản đối tới ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa; ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, chúng tôi tiếp tục có công văn gửi ông Nguyễn Văn Phong đề nghị xác nhận việc lễ hội chém lợn vẫn được tổ chức.
Sau khi không nhận được bất kỳ phản ứng nào của các cơ quan trên, nhân viên của Animals Asia đã đến nơi diễn ra lễ hội ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm năm 2014 (nay là khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Bình) để tìm hiểu. Chúng tôi thấy lễ hội vẫn diễn ra công khai và không hề thấy một hình thức hạn chế người tham dự nào.
Chúng tôi phản đối lễ chém lợn bởi những tác động tiêu cực của nó với vấn đề phúc lợi của động vật và toàn xã hội. Ngoài ra, một lễ hội văn hóa là dịp để nhiều người, nhiều thế hệ tham gia thay vì giới hạn. Vì vậy địa phương nên chắt lọc chương trình mang tính văn minh và nhân đạo để truyền bá truyền thống tốt đẹp.
Lo ngại rằng lễ hội trên có thể được tổ chức vào năm 2015 (ngày 24/2 tới) nên chúng tôi tiếp tục kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn ở Ném Thượng.
Con lợn sẽ bị cắt đầu để cúng tế trong năm 2014. Ảnh: animalsasia.
Nhiều người cho rằng nét văn hóa truyền thống thì nên giữ, chứ khó chấm dứt, quan điểm của Animals Asia?
Lễ hội làng Ném Thượng gồm nhiều chương trình khác nhau, trong đó có những hội thi văn hóa như hát quan họ, thi cờ người, cờ tướng, thi nấu cơm chạy... là những nét đẹp nên được giữ gìn. Chúng tôi chỉ đề nghị không tổ chức phần lễ chém lợn tàn bạo bởi nhận thấy những tác động tiêu cực của nó đối với vấn đề phúc lợi động vật cũng như các tác động tiêu cực đối với toàn xã hội.
Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. 
Bên cạnh đó, lễ hội này còn gây ra sự chịu đựng, nỗi đau đớn không cần thiết cho động vật. Việc tiếp diễn lễ hội này gửi đi một thông điệp rằng động vật chỉ được coi như những đồ vật không đáng được tôn trọng, và liệu rằng việc giết những con vật theo một cách thức dã man để khởi đầu cho một năm mới có nên được tiếp tục?
Ông nói rằng lễ hội chém lợn sẽ ảnh hưởng không tốt đến người xem, nhất là đối với trẻ em. Căn cứ vào đâu để nói như vậy?
Nhiều kết quả nghiên cứu thực hiện ở Mỹ cho thấy mối liên hệ giữa việc đối xử tàn ác với động vật và hành vi bạo lực ở người. Theo khảo sát thực hiện vào năm 1999 tại một nhà tù, trong tổng số 117 tù nhân, 63% tội phạm thuộc nhóm có xu hướng bạo lực từng có hành vi ngược đãi động vật so với tỷ lệ chỉ 11% ở nhóm không có xu hướng bạo lực.
Hành vi tàn ác đối với động vật là một trong những phép kiểm tra được Cục điều tra Liên bang của Hoa kỳ (FBI) thực hiện nhằm đánh giá mức độ nguy hiểm của các tù nhân. 
Theo Tổ chức Động vật châu Á, “phúc lợi động vật” tức là con vật đó không bị đói khát; Không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần: Không bị đau đớn, thương tật, bệnh tật; Tự do thể hiện các hành vi bản năng; Không bị sợ hãi và lo lắng.
Theo nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Journal of Emotional Abuse năm 1998, bài viết ‘Animal abuse and family violence’ của tác giả J. A. Quinslisk, trong tổng số 72 phụ nữ tại các nhà tạm trú dành cho phụ nữ bị bạo lực gia đình, thì 88% số người cho biết từng chứng kiến việc ngược đãi động vật. 
Ở Việt Nam, tỷ lệ tội phạm vị thành viên đang ngày càng có xu hướng gia tăng, cả về số vụ án lẫn mức độ nghiêm trọng, tàn bạo của từng vụ án. Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” từ năm 2007 đến tháng 6/2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Số vụ phạm pháp tăng gần 4.300 vụ. Có 80% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn; bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, gia đình thường xảy ra bạo lực...
Ngoài lễ hội chém lợn, Việt Nam còn có một số lễ hội như trọi châu, đâm châu vào dịp đầu năm. Quan điểm của ông thế nào?
Văn hóa, truyền thống cũng thay đổi và tiến hóa theo thời gian. Những nét đẹp, những gì phù hợp với xu hướng, với xã hội mới thì sẽ được duy trì. Còn những thứ không còn phù hợp, những điều hủ tục nên thay đổi và loại bỏ. Ngoài ra lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hoá của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ sau.
Hành động đâm trâu, chém lợn hay bất kỳ lễ hội nào có lối đối xử tàn bạo đối với động vật có sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hoá sống của con người.
Người Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo và đó là truyền thống đẹp cần được phát huy. Những lễ hội sử dụng động vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này - đang làm phai mờ đi truyền thống tốt đẹp đó của người Việt Nam.
Tổ chức động vật châu Á phản đối tất cả những lễ hội tàn bạo sử dụng động vật và lễ chém lợn là một trong những lễ hội tàn bạo nhất hiện có.
Khuôn mặt sợ sệt của các em nhỏ khi chứng kiến cảnh chém lợn. Ảnh: animalsasia.
Các nước trên thế giới xử lý vấn đề trên thế nào thưa ông? 
Trên thế giới đã có nhiều lễ hội, hoạt động liên quan tới sự tàn sát, đối xử ngược đãi động vật bị lên án và đã phải chấm dứt. Điển hình như Ấn Độ mới đây đã ra lệnh cấm hiến tế động vật vì tính chất “độc ác” và “dã man” của tập tục này. Ở Đan Mạch, Bộ trưởng Nông nghiệp đã ký một sắc lệnh cấm giết mổ gia súc phục vụ cho nghi lễ tôn giáo mà không gây mê chúng trước khi giết mổ. Lý do là: “Quyền của động vật còn quan trọng hơn các nghi lễ tôn giáo”.
Chính phủ Australia đã cấm xuất khẩu cừu và gia súc còn sống sang Ảrập Xêút trong giai đoạn 1991-2000 sau khi hàng trăm con bị chết vì nắng nóng khi trên đường di chuyển tới vịnh Ba Tư.
Những hoạt động, lễ hội đối xử tàn ác với động vật thường bị chính người dân phản đối hoặc chính phủ nhận ra những tác động tiêu cực của chúng đối với xã hội và loại bỏ. Chúng tôi nhận thấy ngay trong xã hội Việt Nam hiện có rất nhiều người phản đối lễ hội này và gần đây chúng tôi đã kêu gọi những người phản đối cùng ký vào kiến nghị nhằm chấm dứt lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh.
Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, bắt nguồn từ truyền thuyết một vị tướng thời Lý tên là Đoàn Thượng khi đánh trận chạy đến vùng núi này đồn trú và chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hàng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này. Hai người được dân làng chọn từ rằm tháng 7 là những người khỏe mạnh, gia cảnh sung túc, tuổi đúng 50 để nuôi hai “cụ ỉn” làm lễ vật tế thánh.
Lợn được rước từ nhà gia chủ ra sân đình từ chiều 5 Tết. Sáng mùng 6, đúng ngày hội chính, bà con trong làng sẽ thực hiện lễ rước lợn vòng quanh làng. Hai chú lợn thờ bị chém đứt đôi trước sự chứng kiến của nhiều người.
Theo phong tục cổ xưa của nhân dân xã Khắc Niệm, ý nghĩa sâu kín của lễ chém lợn tế thánh liên quan đến tín ngưỡng phồn thực: máu được đồng nhất với tia sét, với tia nắng... có khả năng làm thụ thai, làm cho sự sống sinh sôi. Tế thần bằng máu có nghĩa là cầu mong sức sống tràn trề cho tất cả mọi người trong làng.

9 nhận xét:

  1. Ha ha...
    Chắc tôi chết.
    Hèn chi cỗ lòng nhợn lại giá trị đến thế, và chả thế mà thay vì mọi trạng thái cảm xúc đáng lẽ chỉ từ tim, người mình lại cứ hay dùng bằng các tên gọi nội tạng: gan dạ, bầm gan tím ruột, một lòng một dạ.

    Trả lờiXóa
  2. Trong sách Hội hè đình đám của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh, NXB TP. HCM xuất bản năm 1999, có viết về Hội chém lợn khi xưa ở làng Niệm Thượng tục gọi là làng Ném, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc). Trong Hội này diễn ra vào ngày mùng 6 tết, cũng chém 2 con lợn như tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bây giờ.

    Có điều trong sách viết rõ Thần tích của làng Niệm Thượng ngày xưa là Thành Hoàng họ Lý, gọi là Lý Công, nguyên là một tên ăn cướp, một hôm đi ăn cướp bị dân làng vây bắt, trốn ở núi Nghè gần làng Niệm Thượng, đói quá gặp con lợn ở đâu chạy tới chém đứt đôi con lợn ăn thịt sống. Không biết Lý Công chết ra sao, chỉ thấy chép gặp giờ linh nên được người dân thờ làm Thành Hoàng.

    Tục chém lợn của làng Niệm Thượng xưa với Thành Hoàng là Lý Công nguyên là tên ăn cướp như theo sách đã dẫn của nhà văn Toan Ánh, và lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng ngày nay với truyền thuyệt vị tướng công Đoàn Thượng thời Lý, có gì khác và giống nhau không?

    Các nhà nghiên cứu văn hóa ngày nay, cổ vũ cho lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng bây giờ nên xem lại gốc gác của thôn Ném Thượng và Thần tích của thôn. Nếu lỡ thôn Ném Thượng ngày nay chính làng Niệm Thượng ngày trước, và Thành Hoàng Lý Công chém lợn là tên cướp và vị tướng Đoàn Thượng thời Lý mà là một, thì không còn cách gì mà biện minh cho lễ hội này được nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui ! Bác Hiệp lần ra trước và thông tin trước rồi ! Em vốn định đi một entry riêng về Toan Ánh mà.

      Vụ này là gay go đây. Vì hồi thập niên 1990, bọn em cũng vướng với cụ Toan Ánh một vụ. Vụ đó khá đặc biệt, liên quan đến làng pháo Đồng Kỵ (bây giờ là làng thủ công mĩ nghệ Đồng Kỵ ở Bắc Ninh), nên nhớ mãi !

      Bác Hiệp, nếu có hứng thú, mong bác đi một entry liên quan trên blog bác đi. Kính bác.

      Xóa
    2. Quyển Hội hè đình đám của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh xuất bản ở Saigon trước năm 1975, đến nay đã ngoài 40 năm, quyển do NXB TP. HCM mà tôi căn cứ trên đây tái bản năm 1999, sau này NXB Trẻ mua lại bản quyền toàn bộ tác phẩm của Toan Ánh và xuất bản lại.

      Tra nhanh tiểu sử nhà văn Toan Ánh trên Wikipedia, thấy ghi ông sinh năm 1916 tại Thị Cầu-Bắc Ninh, mất năm 2009. Ông làn quản thư Bộ Thông Tin của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (1968-1971), Phó chủ tịch Hội đồng Văn hóa Giáo dục (1972-1973), ông cũng từng làm giảng viên ở viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn và viện Địi học Huế trước năm 1975.

      Có vẻ như làng Niệm Thượng tục gọi là làng Ném, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) theo như trong sách của Toan Ánh, bây giờ là thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bây giờ, nơi diễn ra tục chém 2 ông lợn. Nhưng không rõ thần tích Lý Công trong sách của nhà văn Toan Ánh là tên cướp chết vào giờ linh được nhân dân làng Niệm Thượng ngày trước thờ làm Thành Hoàng, với tướng quân Đoàn Thượng thời Lý của làng Ném Thượng bây giờ khác nhau ra sao?

      Tôi cũng có chép lại theo sách của nhà văn Toan Ánh 2 entry bên nhà về những cổ tục như chém gà, chém lợn ngày trước, nhà văn Toan Ánh cũng nói những tập tục này là dã man.

      Xóa
    3. Trong sách của cụ Toan Ánh có nhắc tới làng Đồng Kỵ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày xưa với tục rước sinh thực khí vào dịp tết mùng 6 tháng Giêng (lễ hội tổ chức từ 30 tháng Chạp cho đến tận 16 tháng Giêng), bởi làng này thờ đến 2 vị thần một nam một nữ, đều là dâm thần. Trong ngày lễ vị bô lão tay cầm hai sinh thực khí bằng gỗ, một âm một dương xỏ vào nhau dẫn đầu đám rước vừa đi vừa hát:

      Cái sự làm sao, cái sự làm vầy,
      Cái sự thế này, cái sự làm sao.

      Không những hát, cụ còn cử hành một điệu vũ gọi là vũ âm dương. Không chỉ ở làng Đồng Kỵ, mà cụ Toan Ánh viết còn nhiều làng khác cũng có tục này.

      Xóa
    4. Há há, chính chỗ này đây rồi bác Hiệp ơi ! Chính cái đoạn này, mà bọn em phải mất tới cả năm để lóc cóc lên Đồng Kỵ hồi những năm 1997 - 2000 đó.

      Khởi đầu là một sự kiện gần như là một vụ kiện (may quá, lúc ấy cụ Toan Ánh chưa phải "hầu tòa"). Kết quả là phải ra một cuốn sách mang tính "đền bù". Các cụ làng Đồng Kỵ sau còn làm một bài thơ tặng, khen thầy Trần Quốc Vượng ngút trời.

      Để khi thời gian rảnh, em tường trình vụ này.

      Xóa
    5. Đọc sách của nhà văn Toan Ánh nói về những cổ tục (quê quán ông ở Bắc Ninh nên đa số cổ tục ông viết trong sách là ở miền Bắc khi xưa). Ông đưa lên nhiều cổ tục tôi thấy rất hay, về tính chiến đấu (như kéo co, đánh vật, chọi trâu, chém gà, chém lợn...), về tính luyến ái, phồn thực (như tục bắt chạch trong chum, tắt đèn, tục chen, nõ nường...), về giáo dục tính khéo léo của nam nữ (như thi thả diều, thi thơ, nấu ăn, làm bánh trái...). Nghĩa là tất cả những gì của xã hội thấy bấy giờ.

      Các vị Thành Hoàng được thờ cũng thế, nhiều phúc thần như Trần Hưng Đạo, Tứ bất tử, các anh hùng có công với đất nước... Nhưng cũng rất nhiếu nơi thờ những tà thần, như ăn cướp, ăn trộm, thấn ăn mày, gắp phân, khi chết gặp giờ linh được dân làng thờ. Những Thành Hoàng này không được triều đình sắc phong, chỉ do dân tự thờ...

      Tôi nghĩ phong tục ngày xưa là một nét văn hóa cần phải cho người sau biết, cái gì thích hợp với thời đại mới thì giữ lại còn không nên bỏ. Phong tục tập quán là lịch sử, và có giữ hay bỏ cũng nên theo đúng lịch sử chứ không nên nói khác đi bởi lịch sử là của ông cha, dù muốn dù không cũng phải nói đúng như thế. Cũng như cha ông tôi khi sinh thời có làm cu li đi nữa, thì bây giờ mình khi làm giỗ đâu có thể nói trước các cụ làm quan.
      Bác Giao có nghĩ thế không?

      Xóa
  3. Chuyện không liên quan nhưng nhân bác Giao nhắc đến nên xin đính chính: Làng Đồng Kỵ có hội pháo rất to nhưng chưa bao giờ là làng pháo kiểu Bình Đà bác ạ. Ngay những năm cho đốt pháo thoải mái thì Đồng Kỵ cũng không sản xuất và kinh doanh pháo. Họ chỉ làm cho lễ hội mùng 4 tháng Giêng. Em quê Từ Sơn nên rất chắc chắn chuyện này.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.