Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/07/2013

Chưa kịp đi xem, thì cổ vật vàng ròng dự định triển lãm cho đến hết tháng 10 năm 2013 đã bị dọn đi rồi

Đây, là cổ vật này (đã có kế hoạch trưng bày nó từ tháng 4 đến hết tháng 10 năm 2013):
Chiêm ngưỡng đồ ngự dụng của vua Nguyễn 2
Chiếc bình hoa bằng vàng ròng nặng 3,5 kg của nhà sưu tập Dương Phú Hiến được giới thiệu tại triển lãm


Nhưng bây giờ thì hết cơ hội được "chiêm ngưỡng" rồi. Lí do thì đọc ở bên dưới. Hơi bất ngờ rằng, bác Dương Phú Hiến là anh em của bác Dương Phú Hiệp (nhà triết học Mác-xít, từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nhật Bản).

Từ đây trở xuống là lấy về từ Dân trí.

---
(Dân trí) - Báo chí đưa tin hai bình hoa bằng vàng ròng mỗi bình nặng 3.5 kg của nhà sưu tập có tên tuổi Dương Phú Hiến, được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế từ tháng 4 đến tháng 10.2013 khiến khiến dư luận xôn xao, lôi cuốn đông người tìm đến xem.

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

Nhưng thật bất ngờ, mấy hôm sau, cũng báo chí lại đưa tin hai bình hoa đó không phải bằng vàng ròng mà chỉ là “màu vàng”.

Tại sao lại có chuyện “chéo cẳng ngỗng” như vậy? Hỏi Bảo tàng thì giám đốc Nguyễn Phước Hải Trung bảo: nhà sưu tập Dương Phú Hiến phát ngôn sai sự thật nên báo chí đưa tin hai bình hoa bằng vàng là “tầm bậy tầm bạ”. Hỏi nhà sưu tập Dương Phú Hiến thì ông ấy đổ cho “tất cả các nhà báo bị lãng tai”, bảo “người ta nghe nhầm thôi”. Nhưng đâu có thể lời nói gió bay vì bản tin truyền hình còn lưu lại đấy hình ảnh trong lồng kính của hai bình hoa được trưng bày trong ngày ra mắt, có ghi rành rành 2 chữ “Bằng vàng”, khiến giám đốc Bảo tàng và nhà sưu tập khó có thể chối bỏ trách nhiệm.
Lại chẳng biết tin lời của ai khi ông Phan Thanh Hải – GĐ Trung tâm Bảo tàng di tích cố đô Huế - cho biết: “Thông tin hai bình hoa này được chế tác bằng vàng là do ông Dương Phú Hiến cung cấp. Do đây là cổ vật của ông Hiến cho Trung tâm mượn trưng bày mà không yêu cầu lợi lộc gì nên chúng tôi tin tưởng vào uy tín của nhà sưu tập” (Lao Động), còn ông Dương Phú Hiến lại trả lời trên báo Thanh Niên: “Tôi chỉ biết đây là cổ vật triều đình nhà Nguyễn, nên tặng lại cho bảo tàng Huế”. Một bên nói cho mượn, bên nói là tặng. Ngược nhau là vậy.

Cho đến ngày 28.6, sau khi báo chí phát hiện ra đồ giả, Bảo tàng đã nhanh chóng “tẩu tán” hai bình hoa và bộ sưu tập của ông Dương Phú Hiến, mặc dù đã công bố triển lãm cho đến tháng 10. Cuộc “tẩu tán” này gây thêm tai hại là tạo ra một sự suy diễn không đáng có trong nhiều khách tham quan du lịch là hai bình hoa bằng vàng này là giả thì  mấy chục hiện vật thuộc triều Nguyễn đang trưng bày, chắc gì tất cả đã đều là thật.

Chưa chắc là thật nhưng Bảo tàng đã bán vé tham quan, trong đó có gian trưng bày của ông Dương Phú Hiến về cổ vật triều Nguyễn. Như vậy, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế lại bán vé khi không biết rõ nhà sưu tập đem thứ nào thật, thứ nào giả vào trưng bày, trách nhiệm ở đâu, khoa học ở đâu?

Khách tham quan tin tưởng vào sự bảo chứng của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, chiêm ngưỡng các hiện vật được cho là của thời Nguyễn. Nhưng tệ hơn, có thể có người tin tưởng vào sự bảo chứng đó, liên hệ mua cổ vật của nhà sưu tập. Nếu những thứ đó không phải cổ vật,  thì đây là sự vô tình -  bằng một sự kiện trưng bày ở Bảo tàng -  để tạo cơ hội cho tư nhân bán đồ giả.

Đồ cổ ở chợ đành rằng thật giả khôn lường, mười cái thì 8 cái giả. Nhưng bảo tàng đâu phải là cái chợ!

Lê Chân Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.