Tin từ các nơi.
Tháng 12 năm 2024,
Giao Blog
---
Thưa ông, ngày xưa, tác phẩm "Người lang thang không cô đơn" đã gây một tiếng vang lớn tới mức dường như không ai không biết tới. Đôi lúc, người ta đã phải đặt câu hỏi: đâu là nguyên nhân cộng hưởng để một bút ký nho nhỏ có thể làm nên sự vụ lớn tới như vậy. Hơn 30 năm đã trôi qua, giờ ngẫm lại: theo ông, những yếu tố đó là gì? - Bộ phim dựa theo tác phẩm "Người lang thang không cô đơn" đã cho ra được "Quỹ Người không cô đơn" từ năm 1992. Đến năm 1995 thì đổi thành "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa", đến nay có mức thu nhận trên 3.000 tỷ đồng và hơn thế nữa. Tôi viết năm 1991, năm 1992 bắt đầu in báo phát hành rộng rãi. Giờ đã in thành sách tái bản tới lần thứ tư. Tên trong bản thảo là "Người lang thang không cô đơn". Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đăng dưới tên "Người không cô đơn" và trao giải nhất Bút ký năm đó. Sau này, họ chuyển thể kịch bản dựa vào bản gốc ban đầu, ông Lê Hùng làm đạo diễn. "Người không cô đơn" đã ra mắt công chúng dưới 6 loại hình của 6 đoàn nghệ thuật, với những cái tên: "Anh sẽ về"; "Trả lại tên cho anh"; bộ phim "Người lang thang không cô đơn"; vở chèo "U vẫn đợi con về"... Với 6 đơn vị đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, họ tâm huyết chuyển thể rồi đưa tới công chúng, nhờ thế tác phẩm cứ thế lan rộng mãi ra. Đến các tác phẩm khác của tôi, cũng đề tài này được công bố, có thể kể, gồm: "Di họa chiến tranh" - được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; "Cha con người lính" đạt giải Cúp Vàng Quốc tế tại Liên hoan Phim Quốc tế lần thứ 10 ở Triều Tiên; thì các vấn đề tôi đưa ra cộng hưởng rất mạnh mẽ. Đến các tác phẩm khác của tôi, cũng đề tài này được công bố, có thể kể, gồm: "Di họa chiến tranh" - được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; "Cha con người lính" đạt giải Cúp Vàng Quốc tế tại Liên hoan Phim Quốc tế lần thứ 10 ở Triều Tiên; thì các vấn đề tôi đưa ra cộng hưởng rất mạnh mẽ. Đâu là lý do để ông dành dường như toàn bộ sự nghiệp để theo đuổi chủ đề này? - Tôi trải qua 10 năm chiến đấu, công tác ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Chứng kiến anh em đồng đội hy sinh quá nhiều. Những chết chóc tang thương lắm. Sau đó, thấy đồng đội hy sinh quá nhiều, người sống sót trở về thì vô cùng đau khổ, nhất là những người chịu hậu quả của chất độc da cam. Có người đẻ 10 lần không được đứa con nào thành người. Có người thì sáu bảy người con, lớn dần lên rồi cứ xuống ao… nằm ngâm nước; và chết dần khi còn rất trẻ. Thế rồi dị tật bẩm sinh, quái thai, dị dạng thê lương. Hồi đó, nhận thức của chúng ta về vấn đề nhiễm chất độc hoá học và di hoạ của nó còn khá ấu trĩ. Tác phẩm "Đứa con màu da thú" của tôi, khi đăng trên báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), người ta còn cho rằng đó là chuyện về những người nguyên thủy, những kẻ "lại giống", chứ không phải là nạn nhân da cam. Lúc đầu người ta không công nhận sự thật đó. Dần dần, hơn một triệu người hưởng chế độ dành cho người bị hậu quả của chất độc hóa học gây ra. Từ đó, "Quỹ chất độc hóa học" ra đời. Viết những tác phẩm "gai góc" nhiều khi tác giả phải chấp nhận sự trả giá. Nhưng tôi lại được các bạn đồng nghiệp hết sức động viên ủng hộ. Ví như khi tôi có ý định rạch bụng, tự sát để bảo vệ Trần Quyết Định trong tác phẩm "Thủ tục làm người còn sống", nhà thơ Lại Tây Dương (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình) đã thề và bảo tôi: "Nếu ông rạch bụng mà chết thì tôi sẽ đào hố chôn tôi bên cạnh ông. Ông mà vào tù thì tôi thay mặt vợ con ông mang cơm cho ông hàng ngày". Những người như thế sau này làm sao tôi có thể quên được họ. Nhân vật Trần Quyết Định khi bị vu oan đã khóc nói với tôi: "Em thà chết còn hơn phải sống nhục thế này. Trong người em còn mấy mảnh đạn, cứ mổ em ra, nếu là đạn của địch thì em là người bị thương trong chiến đấu. Nếu là đạn của ta thì em sẵn sàng vào tù…". Quá trình đấu tranh để Trần Quyết Định từ một "liệt sỹ" trở thành một thương binh như hiện nay kéo dài hàng chục năm trời. Khi ấy họ cho tôi là dựa vào sự sai sót của một số người làm chính sách để kích động những người mẹ liệt sỹ, vợ liệt sỹ… "Đấu tranh" quá cam go, đánh cược cả danh dự, tính mạng để cùng các tác phẩm của mình bảo vệ sự thật tới cùng - đó là niềm kiêu hãnh của người cầm bút. Ông vẫn thân thiết với các nhân vật của mình và thân nhân của họ chứ? - Hôm vừa rồi ông Nguyễn Công Nghiệp (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính) ra mắt cuốn sách với các cuộc trò chuyện dài "Minh Chuyên - Cây bút Hậu chiến"; ông ấy có mời rất nhiều nhân vật của tôi lên sân khấu, có cả ông Trần Quyết Định tôi vừa kể, thêm nhân vật "Người lang thang không cô đơn" rồi nhân vật trong "Đứa con màu da thú" và cả sư thầy Đàm Thân (trong tác phẩm "Vào chùa gặp lại" – đã in trong Sách giáo khoa)… Tất cả chúng tôi hội ngộ trong một buổi lễ ra mắt sách. Nguyên mẫu nhân vật trong "Người lang thang không cô đơn", lên sân khấu ông ấy cứ khóc, bị oan cho là đảo ngũ, đi theo địch. Ông ấy lang thang 10 năm, được cặp vợ chồng nọ đưa trở về gia đình chăm sóc trong mấy năm ròng. Họ cũng không biết anh ấy là thương binh, là chiến binh giữ nước. Mà chỉ nghĩ là một người cơ nhỡ đáng thương. Cũng may là giữa sóng gió ông vừa kể, còn có nhiều đồng nghiệp, nhiều người tử tế khác đồng hành bao bọc ông lúc tuyệt vọng nhất. - Tôi nhớ, nhà thơ Phạm Tiến Duật cảnh báo tôi rằng, những kẻ ghét anh vì bị ảnh hưởng danh dự do anh tố cáo, thậm chí, có thể gây một vụ tai nạn xe để cướp tài liệu anh đang giữ, có thể gây thương tích hoặc là sẽ giết chết anh. Thế nên, phải hết sức cẩn thận. Trong Ban biên tập báo Văn Nghệ, tôi nhớ, có nhà thơ Bế Kiến Quốc là người biên tập tác phẩm "Thủ tục làm người còn sống" để đăng trên báo. Anh ấy động viên tôi, động viên anh ấy và tất cả ê kíp, rằng: "Chúng ta đã cứu được một con người, dù người đó là người lính, là thương binh hay là gì đi nữa. Đó là một con người cần được cứu giúp. Dù chúng ta có bị làm sao chăng nữa, thì không có gì phải ân hận cả". Tổng Biên tập tờ báo lúc bấy giờ, kết luận: các cơ quan chính sách (thời ấy) đã gây cho anh Trần Quyết Định tới hai lần "tội ác". Lần thứ nhất, dù đã báo tử, nhưng khi anh Định từ chiến trường trở về, thì "các anh" không làm thủ tục cho người ta. Lần thứ hai lại vu người ta đảo ngũ… Có người bảo, quê hương Thái Bình của ông có quá nhiều chuyện liên quan đến hậu chiến như vậy, nên mới có một Minh Chuyên được phong Anh hùng và cả "Bảo tàng Tác phẩm Hậu Chiến tranh" quy mô lớn như thế. Ông nghĩ sao? - Không! Sau này tôi ngày càng thấy rõ: nhiều nơi cũng rất nhiều câu chuyện oan khuất và khổ đau tương tự. Thí dụ như ở Đắk Lắk có một ông, ông ấy viết thư cho tôi, hồi tôi còn đang làm trong Đài Truyền hình Việt Nam. Ông viết thư rằng: "Đề nghị Đài giúp tôi chuyển lá thư này đến nhà văn Minh Chuyên. Tôi muốn cầu cứu vì tôi đang bị oan khuất. Tôi là một thương binh, bây giờ họ thu thẻ của tôi và vu cho tôi là kẻ "tự sát". Nếu anh Chuyên vào sớm ngày nào thì bố con tôi còn sống ngày đó". Tôi bận việc, một thời gian sau tôi mới có điều kiện liên lạc lại. Thế là ông ấy thắt cổ tự tử chết. Tôi rất ám ảnh chuyện này và vô cùng thương ông ấy. Lá thư ấy hiện vẫn còn lưu trong Bảo tàng của chúng tôi. Xưa nay, người Việt Nam vẫn nghĩ: bảo tàng là chỗ trưng bày đồ của nhà nước, cho quốc dân đồng bào xem. Là người đã ngoài 70 tuổi, cơ duyên nào để ông thai nghén và sáng lập cái Bảo tàng mang tên "Minh Chuyên" từ rất sớm? - Từ năm 2012, tôi bắt đầu xây gian bảo tàng lưu giữ các tác phẩm. Bấy giờ, ông Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình và một vài cán bộ cấp cao đến thăm nhà tôi. Các đồng chí ấy bảo: ở đây có rất nhiều tác phẩm có ý nghĩa quan trọng, mà lưu trữ trong không gian quá chật hẹp, chỉ chừng ba chục mét vuông thế này thì không ổn. Các vị ấy trở về và kiến nghị tới Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình. Đến một hôm, tôi đang ngồi viết thì ông Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình, bấy giờ là ông Phạm Văn Sinh gọi điện bảo tôi xuống Văn phòng Tỉnh ủy lấy công văn về việc Thường trực Tỉnh ủy quyết định đầu tư đất và kinh phí để cùng xây dựng bảo tàng lưu giữ các tác phẩm và tư liệu của tôi. Tỉnh Thái Bình đã đầu tư cho 1.500m2 đất – thật ra họ đầu tư cho 3.000m2 đất, nhưng mà tôi chỉ lấy có 1.500m2 thôi, vì tôi sợ tốn kém tiền thuế má. Đến khi họ trao sổ đỏ cho thì tôi mới hiểu là đất cấp làm bảo tàng của tôi được miễn thuế 100 %. Tôi cùng cơ quan chức năng tiến hành xây một cái hồ, với một đền thờ liệt sĩ, xung quanh mô phỏng Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, mô phỏng cả "đường mòn" trên biển, "Con tàu không số", đắp nổi phù điêu rất hoành tráng và sinh động. Ở khu trung tâm, xây dựng bảo tàng lưu giữ các tác phẩm của tôi và nhiều tài liệu quý khác về chủ đề "Các tác phẩm Hậu Chiến tranh" . Đến nay, mỗi năm có hàng nghìn cựu chiến binh phương xa ghé lại; rồi bạn bè văn chương báo chí đến thăm, đặc biệt là các cháu học sinh, sinh viên tham gia các chương trình tìm hiểu cội nguồn, lịch sử, các cuộc chiến tranh vệ quốc...
Nhìn lại cuộc đời sáng tác của mình, tính đến cái tuổi ngoài 70 này rồi, chắc là ông nghĩ nhiều về các đóng góp của các nhà văn, nhà báo đối với xã hội. Nói khác đi, đây là câu chuyện ý nghĩa vì cộng đồng, các tác động tích cực cho xã hội của các tác phẩm báo chí, văn chương? - Sự hy sinh của nhân dân, của bộ đội rất lớn trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như là chống Mỹ cứu nước sau này. Tôi vẫn thường nói: dù nhà văn, nhà báo có viết cả đời hoặc mấy đời cũng không thể "xứng" được với sự hy sinh ấy. Riêng đơn vị của tôi đi chiến trường hơn 500 người, bây giờ còn hơn năm chục. Các đơn vị khác người ta còn chết nhiều và hy sinh nhiều lắm và cái sự oan khuất thì quá sức đau khổ rồi; nhưng kể cả, khi mà các chính sách xã hội rất tốt đi nữa: cũng không bù đắp được, không so sánh được với công lao của sự hy sinh ấy. Mình có viết chẳng qua chỉ là nêu những tấm gương chiến đấu cho thế hệ trẻ học tập là chủ yếu. Cuốn sách thứ 72 của tôi vừa ra đời tên là "Trở lại kiếp người", cũng là có chủ đề là những anh bộ đội. Nhân vật bị thương sọ não sống ở dãy Trường Sơn; sống chung với bầy vượn; gần đây gia đình mới tìm thấy. Cảnh tượng quá đau thương. Tôi viết, phân tích, vận động để quyên góp, chung tay giúp các thương bệnh binh thêm thanh thản về tinh thần, bớt khó khăn trong cuộc sống. Chính vì các lý do trên, nên khi thành lập Bảo tàng, tôi đã phát động một cuộc sáng tác văn học thiện nguyện viết về đề tài hậu chiến tranh. Với mục tiêu là in được 50 cuốn sách về chủ đề này, đến nay chúng tôi đã xuất bản được 35 tập. Chúng tôi dành một số tập của bộ sách để người Mỹ tự viết về hậu quả của cuộc chiến tranh mà Đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam, hoặc viết về những người Mỹ trở về từ cuộc chiến và họ cũng gia đình họ đang là nạn nhân đau khổ. Hoạt động của Bảo tàng chủ yếu là lưu giữ các tác phẩm bằng văn tự về hậu chiến tranh Việt Nam. Tất cả các câu chuyện đều thuộc thể loại tiểu thuyết, truyện ký, truyện ngắn, bút ký... Bên cạnh tư liệu, các tác phẩm đã phát hành, phát sóng, gồm 250 tập phim tài liệu và 72 cuốn sách, với khoảng 40 bản thảo sắp xuất bản do tôi thực hiện, đều được lưu giữ tại bảo tàng. Tiếp đó là các tác phẩm viết về hậu chiến tranh nói chung, của nhiều tác giả khác nữa. Bảo tàng thu hút rất nhiều khách đến tham quan. Thưa ông, những hậu quả của chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam mà các cựu binh Mỹ đang phải gánh chịu, ông đã chứng kiến, là như thế nào? - Tôi đến thăm ba gia đình cựu binh người Mỹ tại Boston và Washington, có dịch giả Nguyễn Bá Chung đi cùng. Tôi tiếp xúc với một cựu binh Mỹ đang ngồi trên chiếc xe lăn, hai bên là hai đứa con rất thảm hại. Một đứa thì liệt nửa người, nằm ở nhà. Hai đứa ông dắt theo thì mắt lồi ra. Hai gia đình kế tiếp tôi ghé thăm, cũng chứng kiến cảnh tương tự. Ba "chủ nhà" đều đã trải qua chiến trường Tây Nguyên và với chất độc hoá học, ăn, uống nước từ các dòng suối trong khu vực bị "tẩm" chất hoá học kia. Theo tôi được biết, có hàng nghìn cựu binh Mỹ rơi vào tình trạng trên.
Tôi gặp ông cựu Đô đốc, người đã chỉ huy việc rải thảm chất độc hóa học ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Lúc ông ra lệnh rải chất độc hoá học, con trai ông ấy là một Trung úy đang ở Bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng). Con ông bị nhiễm chất độc rất nặng rồi cháu ông ấy thì quặt quẹo, đau thương lắm. Ông bảo, cuộc đời ông ấy: sai lầm lớn nhất là ra lệnh giải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam. Hậu quả chính gia đình ông ấy, và các gia đình cựu binh người Mỹ phải gánh chịu; nhưng đau lòng khủng khiếp hơn là đối với người Việt Nam. 20 năm, với tư cách là đạo diễn, đạo diễn cao cấp của Đài truyền hình Việt Nam, ông đã được "tung hoành" và có cơ hội lan toả mạnh mẽ tâm huyết của mình về đề tài hậu chiến, thông qua sóng truyền hình quốc gia. Liệu đó có phải là yếu tố quan trọng chắp cánh cho một Minh Chuyên Anh hùng, biểu tượng lĩnh vực sáng tác về hậu chiến? - Không hẳn thế! Vào năm 2008 tôi được Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định phong là Đạo diễn cao cấp. Vinh dự được đón nhận 18 huy chương vàng, bạc trong nước và quốc tế. Sự lan tỏa của của cả hệ thống phim phát sóng trên VTV, với tôi, nó rất quan trọng. Ví dụ như tôi làm một loạt các xê-ri phim về "Những linh hồn da cam", 5 tập; "Chuyện ông cố vấn", 5 tập; "Những đứa con không được làm người", 3 tập; "Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía", 25 tập; "Bức thông điệp lịch sử", 52 tập…
Không nói thì chúng ta điều hiểu, ông tung ra các loạt bài đanh thép vào thời kỳ ngay sau thời kỳ "Đổi mới", chắc chắn nó sẽ không chỉ là "quả bom" tác phẩm dội vào dư luận; mà nó cũng là "quả bom" với… áp lực dành cho tác giả Minh Chuyên? - "Cản trở" nhiều lắm chứ. Thậm chí tác phẩm "Trở lại kiếp người" đã cận kề cái việc không được xuất bản. Họ lý luận: Tại sao lại bảo một người lính đi chiến đấu về mà lại không được sống kiếp "con người" như thế? Rồi họ bảo tôi là "bôi xấu chính sách hậu phương", với "động cơ không tốt". Hồi phát sóng các tập "Linh hồn Việt Cộng" (trên VTV) thì cơ quan cấp Bộ mời tôi lên thẩm vấn: Tại sao ông lại đưa những người Mỹ đã từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên vào Tây Nguyên làm phim: Động cơ nào mà người ta lại đi tìm người lính Việt cộng mà họ đã bắn chết, rồi lại về tận quê hương của nhân vật Hoàng Ngọc Đảm để "đưa ma" long trọng thế? - Hồi tôi viết bút ký "Thủ tục là người còn sống", là trong bối cảnh không khí đổi mới đang rất mạnh. Tổng Biên tập Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) cùng với nhà thơ Bế Kiến Quốc, nhà văn Ngô Ngọc Bội, nhà văn Phùng Gia Lộc về dự hội thảo đổi mới về sáng tác rồi về nhà tôi chơi, nhằm kiểm tra thêm tư liệu cho bút ký "Thủ tục làm người còn sống". Sau khi đăng tải, tôi phải nói là: tôi không sợ mình bị (giết) chết; mà tôi sợ mình sẽ bị tâm thần. Tôi bị o ép quá dữ dội. Bố tôi đi bộ xuống thị xã, về, bảo: nó đồn là tôi (Minh Chuyên) bị bắt, rồi đủ chuyện thế này thế nọ. Rằng tôi đã thắt cổ chết rồi. Gia đình lúc đó rất đau khổ. Lúc đấy đơn vị của ông, chỉ huy của ông, họ nói gì về một "nhà văn trẻ" giữa chiến trường như thế? - Có những ngày phải đi xa vác gạo và thực phẩm, người ta bảo: Minh Chuyên ở nhà để viết bài. Viết trước hết cho anh em đơn vị cùng thưởng thức. Lúc ra trận thì gác bút lại, cầm súng. Tôi có thời gian làm quân y sĩ. Thế nên tôi phải băng bó cho anh em, chứng kiến chết chóc nhiều. Có khi vừa bắn, vừa thêm khẩu súng nữa, vừa đeo lựu đạn, vừa đeo túi cứu thương. Nhớ nhất là đợt đi thồ súng, gạo cho chiến dịch Bình Long. "Tiêu chuẩn" mỗi anh chỉ thồ là 8 thùng đạn CKC. Tôi hăng hái, thồ cả 10 thùng lên đỉnh dốc. Có lần tôi bị thương vẫn tiếp tục đòi… thồ. Sau đó thì đơn vị có đề xuất về việc: làm hồ sơ, lý lịch, đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng quân đội. Đang kê khai thì tôi chuyển đơn vị nên dừng lại. Lúc ấy còn trẻ, tôi và mọi người đều rất hăng hái. Có lần tôi thồ đạn nặng quá mà đi tiểu ra máu.
|
https://baothaibinh.com.vn/longform/anh-hung-lao-dong-nha-van-minh-chuyen-san-sang-chet-de-bao-ve-le-phai-cho-nhan-vat-cua-minh-191
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.