Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/09/2024

Hội thảo quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp” (29-30/9/2024)

Chúng tôi đang ở Thái Bình, trong hội thảo quốc tế 2024 về cụ Lê Quý Đôn.


(đang thực hiện)



---


CẬP NHẬT


4.

Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”

Thứ 2, 30/09/2024 | 15:03:20
Sáng ngày 30/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng hội thảo.

 

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tới dự. Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì phiên toàn thể hội thảo.

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, quê huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà). Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, lại có tư chất thông minh với trí nhớ siêu phàm, ham học hỏi nên ngay từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi danh thần đồng. Năm 18 tuổi, ông đỗ đầu thi hương, năm 24 tuổi đỗ đầu thi hội và năm 27 tuổi đỗ đầu thi đình, đạt danh vị “Đình nguyên Bảng nhãn” (do khoa thi này không lấy Trạng nguyên). Trong 32 năm làm quan, chức vụ cao nhất mà ông từng đảm nhiệm là Tả hiệu điểm (quyền Tể tướng). Trong bối cảnh chính trị xã hội Đại Việt thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn luôn mong muốn thi hành những cải cách, thiết định những pháp chế nhằm lập lại trật tự để đất nước ổn định, thịnh trị, nhân dân được vui hưởng thái bình. Không chỉ là vị quan yêu nước thương dân, ông còn là học giả uyên bác với sự nghiệp trước tác đồ sộ bao quát nhiều lĩnh vực mà đến nay vẫn tiếp tục được kế thừa, phát huy trong nhiều ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn. Di sản trước tác mà ông còn để lại đến ngày nay là hơn 50 bộ sách đi sâu vào hầu hết mọi lĩnh vực: lịch sử, thơ ca, văn học, triết học, địa lý, thiên văn, văn hóa dân gian… Tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc bao trùm trong tất cả các sáng tác của Lê Quý Đôn.

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng hội thảo. 

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Gần 300 năm qua, cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Đôn luôn được các học giả trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu. Hội thảo khoa học là dịp để Đảng bộ, nhân dân Thái Bình và những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận những thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất về cuộc đời và sự nghiệp của ông một cách toàn diện. Bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để lại góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh Thái Bình là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, qua đó truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học, về sự sáng tạo để giáo dục cho các thế hệ tương lai.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ những giá trị mà nhà bác học, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để lại, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa của Việt Nam.

Sau phiên khai mạc toàn thể, các đại biểu tham dự hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp” theo 4 tiểu ban, trình bày tham luận, thảo luận theo các chủ đề: Quê hương và gia tộc Lê Quý Đôn; sự nghiệp của Lê Quý Đôn qua các tác phẩm; sự nghiệp của Lê Quý Đôn và các hoạt động; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với danh nhân Lê Quý Đôn. Trong số 88 bài tham luận của các tác giả ở trong và ngoài nước tham gia hội thảo, có 20 tham luận được lựa chọn trình bày.

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo.

Lãnh đạo Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) phát biểu tại hội thảo. 

Phiên thảo luận tiểu ban 1: Quê hương và gia tộc Lê Quý Đôn. 

Phiên thảo luận tiểu ban 2: Sự nghiệp của Lê Quý Đôn qua các tác phẩm. 

Hội thảo góp phần củng cố các căn cứ khoa học để hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO tham gia cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn vào năm 2026 nhằm vinh danh ông và khẳng định bản sắc dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Tú Anh

https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/209009/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-le-quy-don-cuoc-doi-va-su-nghiep


3.

Lê Quý Đôn - Người tiên phong khai sáng

[VOV2] - Gần 90 tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế tại Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp” đã làm sáng rõ thêm vai trò của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn trong sự nghiệp khai sáng.

Ngày 30/9, tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) cùng UBND tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp”.

Tham dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, thành viên của Ủy ban UNESCO thế giới; ông Đào Quyền Trưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học…

Đặc biệt, hội thảo còn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học quốc tế đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Áo, Pháp…

Cùng với đó là đại diện dòng họ Lê toàn quốc, họ Lê tỉnh Thái Bình, dòng họ Lê huyện Hưng Hà và gia tộc họ Lê, thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, đại diện dòng họ bên nội, bên ngoại của danh nhân Lê Quý Đôn ở tỉnh Hà Nam, tỉnh Hưng Yên.

Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp” là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (1726 - 2026), góp phần hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh ông là Danh nhân Văn hóa Thế giới.

Với 88 tham luận thể hiện sự quan tâm của giới học giả trong nước và quốc tế với những ý kiến tâm huyết, khách quan cùng những tư liệu phong phú về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn thêm một lần nữa khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của nhà bác học Lê Quý Đôn đối với nền văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa khu vực và quốc tế.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Trải qua gần một nghìn năm khoa cử dưới thời phong kiến, các làng xã nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình đã có hơn 120 trí thức Nho học thi đỗ đại khoa, với các học vị từ Phó bảng đến Trạng nguyên, trong đó có Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn, người được coi là một biểu tượng ngời sáng về tinh thần, trí tuệ Việt Nam.

“Việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là Danh nhân Văn hóa Thế giới không chỉ là sự tôn vinh những đóng góp của cá nhân ông mà còn khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là niềm tự hào lớn của dân tộc Việt Nam” – ông Phạm Văn Nghiêm nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, trong lịch sử 300 năm qua, tài năng, tầm vóc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được khẳng định và nhận sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài, đồng thời cho thấy sự cần thiết giới thiệu rộng rãi hơn nữa di sản Lê Quý Đôn đến với thế giới.

Sinh ra tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Lê Quý Đôn ngay từ nhỏ đã nổi danh Thần đồng, đứng đầu ở cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình và trở thành một trí thức tài năng, không chỉ giỏi trong các lĩnh vực triết học, lịch sử, địa lý và thiên văn mà còn là nhà văn, nhà ngoại giao xuất sắc. Ông là hiện thân của tinh thần học hỏi không ngừng, của sự sáng tạo và trí tuệ.

Lê Quý Đôn đã để lại khối lượng công trình đồ sộ với những tác phẩm có giá trị và được học giả trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Với việc phân chia thành 4 tiểu ban, các tham luận tại hội thảo đã tiếp tục khẳng định những đóng góp to lớn của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở nhiều phương diện: tư tưởng, vǎn hoá, giáo dục và khoa học. Đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Lê Quý Đôn trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS Nina V.Grigoreva, Đại học HSE, St. Petersburg, Liên bang Nga nhận định, với những cống hiến và qua những trước tác của nhà bác học Lê Quý Đôn cho thấy ông là nhà khai sáng hàng đầu của Việt Nam.

“Lê Quý Đôn là vị quan, nhà trí thức và nhà bác học lớn thời Lê Trung hưng. Ông sống, hoạt động và sáng tác trong những thập niên giữa thế kỷ XVIII mà trong lịch sử thế giới được gọi là thế kỷ Khai sáng. Ông là người đương thời với những nhân vật văn hóa và khoa học vĩ đại như Montesquieu (Pháp), Voltaire (Pháp), Hume (Anh), Lomonosov (Nga), Rousseau (Thụy Sĩ-Pháp), Diderot (Pháp)...”. Bà Nina V.Grigoreva phân tích.

Còn GS.TS Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản trong tham luận của mình lại có sự so sánh rất thú vị giữa nhà bác học Lê Quý Đôn với nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Nhật Bản thế kỷ XVIII, nhà Quốc học tên là Motoori Norinaga (1730-1801). “Bài nghiên cứu này tôi phân tích nội dung phần “Âm tự” của Vân đài loại ngữ để xem xét nhận thức của Lê Quý Đôn đối với Việt ngữ như là một thứ tiếng khác với các phương ngữ tiếng Hán hoặc tiếng Trung Quốc. Sau đó chúng tôi so sánh với phương pháp nghiên cứu của một nhà Quốc học Nhật Bản là Motoori Norinaga quy ra các điểm chung và khác biệt giữa hai học giả cùng thời ở Việt Nam và Nhật Bản. Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên đã coi ngôn ngữ, văn tự là đối tượng để suy nghĩ, nhận thức, ông là người đề xuất phương pháp nghiên cứu tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử khoa học Việt Nam” .

Hội thảo cũng là dịp để tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để lại, nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Thái Bình nói riêng. Qua tấm gương danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học, về sự sáng tạo để giáo dục cho các thế hệ tương lai.

Trước đó, vào chiều 29/9, các đại biểu tham dự hội thảo đã về Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và từ đường họ Lê tại thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình làm lễ dâng hương và viếng lăng mộ Hà Quận Công - Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, thân sinh nhà bác học Lê Quý Đôn và tham quan Thư viện tỉnh Thái Bình.

https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/le-quy-don-nguoi-tien-phong-khai-sang-50265.vov2


2.

Thứ 2, 30/09/2024 | 16:00

Ngày 30/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”. Đây là hoạt động nằm trong Kế hoạch số 120/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của ông (2/8/1726 - 2/8/2026). 

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng các đơn vị tổ chức hội thảo.

Dự hội thảo các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện dòng họ Lê, nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, một số học giả đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Áo...

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự phiên họp toàn thể tại hội thảo.

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) nguyên tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, lại có tư chất thông minh với trí nhớ siêu phàm, ham học hỏi nên ngay từ nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi danh thần đồng. Năm 18 tuổi ông đỗ đầu thi Hương, năm 24 tuổi đỗ đầu thi Hội và năm 27 tuổi đỗ đầu thi Đình, đạt danh vị "Đình nguyên Bảng nhãn" (do khoa thi này không lấy Trạng nguyên). Sau khi đỗ Bảng nhãn, từ năm 1752 Lê Quý Đôn bắt đầu bước vào sự nghiệp quan trường. 

Trong 32 năm làm quan, ông liên tục thay đổi vị trí và môi trường làm việc: từ Thừa chỉ ở Viện Hàn lâm cho đến Tổng tài ở Quốc sử quán, Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc tử giám, đi sứ với chức vụ Phó sứ thứ nhất, Tả thị lang bộ Hình rồi Hữu thị lang bộ Công..., trong đó chức vụ cao nhất mà ông từng đảm nhiệm là Tả hiệu điểm (quyền Tể tướng). Ông là một trong những danh nhân kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, từng được vinh danh là nhà bác học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến. Ông không chỉ giỏi trong các lĩnh vực triết học, lịch sử, địa lý, thiên văn mà còn là nhà văn, nhà ngoại giao xuất sắc.

Với những đóng góp của ông, ngày 31/3/1986, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là Khu Di tích lịch sử văn hóa.

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Di sản mà ông để lại đến ngày nay với hơn 50 bộ sách đều đi sâu vào hầu hết mọi lĩnh vực: lịch sử, thơ ca, văn học, triết học, nông học, địa lý, thiên văn, văn hóa dân gian... Giá trị của di sản trước tác của Lê Quý Đôn không chỉ ở những tri thức uyên tâm được thể hiện ở trong các tác phẩm mà còn ở những tư tưởng tiến bộ, nhân văn của tác giả thấm đẫm trong từng trang sách. Tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc đã bao trùm trong tất cả các sáng tác của Lê Quý Đôn. Ông đã để lại khối lượng công trình đồ sộ với những tác phẩm có giá trị và được học giả trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Đồng chí Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại Giao Văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Gần 300 năm qua, cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Đôn luôn được các học giả trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu. Những công trình của ông có giá trị to lớn về mặt nghiên cứu; đồng thời là biểu hiện của sự kết nối giữa trí thức Việt Nam với các nền văn hóa khác, giúp làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là Danh nhân văn hóa thế giới không chỉ là sự tôn vinh những đóng góp của cá nhân ông mà còn khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. 

Hội thảo khoa học còn là dịp để Đảng bộ, nhân dân Thái Bình nói riêng và những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam nói chung có thêm cơ hội tiếp cận thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa, nhà bác học Lê Quý Đôn một cách toàn diện. Từ đó có trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà ông để lại, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học cho thế hệ sau.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn những báo cáo, tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước tại hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ những giá trị mà nhà bác học, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để lại.

Quang cảnh hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

PGS.TS NiNa V.Grigoreva Đại học HSE, St. Petersburg Liên Bang Nga tham luận tại hội thảo.

Hội thảo tập trung thảo luận theo 4 chủ đề: Quê hương và gia tộc; Sự nghiệp của Lê Quý Đôn qua các tác phẩm; Sự nghiệp của Lê Quý Đôn và các hoạt động cụ thể; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa gắn với danh nhân Lê Quý Đôn trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

https://thaibinh.gov.vn/tin-tuc/van-hoa-xa-hoi/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-le-quy-don-cuoc-doi-va-su-nghiep.html




1.

Góp phần hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là danh nhân văn hóa thế giới

PHƯƠNG ANH, ảnh: VIỆN VHNTQGVN 

VHO - Ngày 30.9, tại TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Viện VHNT quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) và UBND tỉnh Thái Bình đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp”.

Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp” là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (1726 - 2026), góp phần hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh ông là Danh nhân Văn hóa Thế giới.

Gần 90 tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế từ nhiều góc cạnh đã làm sáng rõ thêm vai trò của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn trong sự nghiệp khai sáng.

Đại biểu tham dự hội thảo tại Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, thành viên Ủy ban UNESCO thế giới; ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam

Cùng tham dự hội thảo còn có đại diện các ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học,  đại diện dòng họ Lê toàn quốc, họ Lê tỉnh Thái Bình, dòng họ Lê huyện Hưng Hà và gia tộc họ Lê, thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, đại diện dòng họ bên nội, bên ngoại của danh nhân Lê Quý Đôn ở tỉnh Hà Nam, tỉnh Hưng Yên.

Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học quốc tế đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Áo, Pháp…

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Phạm Văn Nghiêm (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình) nhấn mạnh, Thái Bình là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nổi tiếng với truyền thống hiếu học.

Trải qua gần một nghìn năm khoa cử dưới thời phong kiến, các làng xã nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình đã có hơn 120 trí thức Nho học thi đỗ đại khoa, với các học vị từ Phó bảng đến Trạng nguyên, trong đó có Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn, người được coi là một biểu tượng ngời sáng về tinh thần, trí tuệ Việt Nam.

“Việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là Danh nhân Văn hóa Thế giới không chỉ là sự tôn vinh những đóng góp của cá nhân ông mà còn khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là niềm tự hào lớn của dân tộc Việt Nam”, ông Phạm Văn Nghiêm khẳng định.

Gần 90 tham luận từ nhiều góc độ thể hiện sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, khách quan cùng nhiều tư liệu phong phú về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn.

Những tham luận, ý kiến thêm một lần nữa khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của nhà bác học Lê Quý Đôn đối với nền văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa khu vực và quốc tế.

 Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, trong lịch sử 300 năm qua, tài năng, tầm vóc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được khẳng định và nhận sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài, đồng thời cho thấy sự cần thiết giới thiệu rộng rãi hơn nữa di sản Lê Quý Đôn đến với thế giới.

Sinh ra tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Lê Quý Đôn ngay từ nhỏ đã nổi danh Thần đồng, đứng đầu ở cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình và trở thành một trí thức tài năng, không chỉ giỏi trong các lĩnh vực triết học, lịch sử, địa lý và thiên văn mà còn là nhà văn, nhà ngoại giao xuất sắc. Ông là hiện thân của tinh thần học hỏi không ngừng, của sự sáng tạo và trí tuệ.

Lê Quý Đôn đã để lại khối lượng công trình đồ sộ với những tác phẩm có giá trị và được học giả trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Với 4 tiểu ban, các tham luận tại hội thảo tiếp tục khẳng định những đóng góp to lớn của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở nhiều phương diện: tư tưởng, vǎn hoá, giáo dục và khoa học.

Đồng thời, khẳng định sự cần thiết của việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Lê Quý Đôn trong bối cảnh hiện nay.

Ông Đinh Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình với tham luận về “Quê hương và gia tộc danh nhân Lê Quý Đôn” đã nhấn mạnh vai trò của quê hương Hưng Hà trong việc nuôi dưỡng và phát triển tài năng của danh nhân Lê Quý Đôn.

Vùng đất Hưng Hà có bề dày văn hóa, lịch sử, là nơi sản sinh nhiều danh nhân kiệt xuất qua các thời kỳ lịch sử. Gia tộc Lê Quý Đôn, với nhiều người đỗ đạt và giữ chức vụ cao, đã góp phần lớn vào di sản văn hóa, giáo dục của vùng. 

Ông Khải cũng nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của Lê Quý Đôn trong sự nghiệp học vấn và chính trị, khẳng định danh nhân là một nhà bác học kiệt xuất với các tác phẩm đồ sộ, có giá trị lịch sử và đương đại. Công trình Khu lưu niệm Lê Quý Đôn cũng được đề cập như một biểu tượng tri ân và giáo dục truyền thống cho thế hệ tương lai. 

PGS.TS Nina V.Grigoreva, Đại học HSE, St. Petersburg, Liên bang Nga nhận định, với những cống hiến và qua những trước tác của nhà bác học Lê Quý Đôn cho thấy ông là nhà khai sáng hàng đầu của Việt Nam.

“Lê Quý Đôn là vị quan, nhà trí thức và nhà bác học lớn thời Lê Trung hưng. Ông sống, hoạt động và sáng tác trong những thập niên giữa thế kỷ XVIII mà trong lịch sử thế giới được gọi là thế kỷ Khai sáng. Ông là người đương thời với những nhân vật văn hóa và khoa học vĩ đại như Montesquieu (Pháp), Voltaire (Pháp), Hume (Anh), Lomonosov (Nga), Rousseau (Thụy Sĩ- Pháp), Diderot (Pháp)...”. Bà Nina V.Grigoreva phân tích.

 GS.TS Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản lại so sánh rất thú vị giữa nhà bác học Lê Quý Đôn với nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Nhật Bản thế kỷ XVIII, nhà Quốc học tên là Motoori Norinaga (1730-1801). 

“So sánh với phương pháp nghiên cứu của một nhà Quốc học Nhật Bản là Motoori Norinaga để quy ra các điểm chung và khác biệt giữa hai học giả cùng thời ở Việt Nam và Nhật Bản, Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên đã coi ngôn ngữ, văn tự là đối tượng để suy nghĩ, nhận thức, ông là người đề xuất phương pháp nghiên cứu tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử khoa học Việt Nam”, theo GS.TS Shimizu Masaaki.

Hội thảo cũng là dịp để tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để lại, nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Thái Bình nói riêng. Qua tấm gương danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học, về sự sáng tạo để giáo dục cho các thế hệ tương lai.

GT.TS Từ Thị Loan (Viện VHNT quốc gia Việt Nam) từ góc độ “Di sản của nhà bác học Lê Quý Đôn và việc bảo vệ, phát huy trong đời sống đương đại” đã đánh giá về những đóng góp to lớn của Lê Quý Đôn, một nhà bác học vĩ đại của Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực như triết học, sử học, văn học, và giáo dục.

GS. Từ Thị Loan đặc biệt  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy di sản đồ sộ mà danh nhân Lê Quý Đôn để lại nhằm truyền tải giá trị văn hóa, tri thức cho thế hệ sau.

Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực trong việc bảo tồn và quảng bá di sản của Lê Quý Đôn, bà Loan cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn, đồng thời đưa ra cơ sở đề xuất các biện pháp cần thiết để tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả di sản của ông trong bối cảnh hiện đại.

Trước đó, vào chiều 29.9, tại Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và từ đường họ Lê tại thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, các đại biểu tham dự hội thảo đã làm lễ dâng hương và viếng lăng mộ Hà Quận Công - TS. Lê Trọng Thứ, thân sinh nhà bác học Lê Quý Đôn và tham quan Thư viện tỉnh Thái Bình.


https://baovanhoa.vn/van-hoa/gop-phan-hoan-thien-ho-so-ghi-danh-le-quy-don-la-danh-nhan-van-hoa-the-gioi-106879.html




---

BỔ SUNG


2.

Sắp diễn ra hội thảo quốc tế về danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn

Chủ nhật, 21/07/2024 21:12 PM

(CLO) Hội thảo quốc tế về danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 1/10 tại TP Thái Bình, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Đạo Cương vừa ký quyết định số 1974/QĐ-BVHTTDL cho phép Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”.

Thời gian tổ chức hội thảo từ ngày 29/9 đến ngày 1/10 tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) tên lúc nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường. Ông được mệnh danh là nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến.

sap dien ra hoi thao quoc te ve danh nhan van hoa le quy don hinh 1
Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: sovhttdl.thaibinh.gov.vn

Lê Quý Đôn sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy cậu bé 14 tuổi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải nguyên. 27 tuổi đỗ Hội nguyên, rồi đỗ Đình nguyên Bảng nhãn.

Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê - Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Tán lý quân vụ, Thị phó đô ngự sử (năm 1768), Công bộ hữu thị lang (năm 1769), Bồi tụng (năm 1773), Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài quốc sử quán (năm 1775), Công bộ thượng thư (năm 1784)...

Trong cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn, có những sự kiện ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp văn chương của ông.

Đó là chuyện đi sứ Trung Quốc năm 1760 - 1762. Tại Yên Kinh (Bắc Kinh), Lê Quý Đôn gặp gỡ các sứ thần Triều Tiên, tiếp xúc với nhiều trí thức nổi tiếng của nhà Thanh, bàn luận với họ những vấn đề sử học, triết học... Học vấn sâu rộng của ông được các học giả Trung Quốc, Triều Tiên rất khâm phục.

Lê Quý Đôn có dịp đọc nhiều sách mới lạ, kể cả sách của người phương Tây nói về địa lý thế giới, về ngôn ngữ học, thủy văn học... Những năm 1772, 1774, Lê Quý Đôn đi công cán ở các vùng Sơn Nam, Tuyên Quang, Lạng Sơn, ông đã tận thấy nỗi khổ của nhân dân cùng tệ tham nhũng, ăn hối lộ của quan lại; khám đạc ruộng đất các vùng ven biển bị địa chủ, cường hào địa phương man khai, trốn thuế...

Chính nhờ quá trình đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều việc đời như vậy mà kiến thức của Lê Quý Đôn rất phong phú. Ông viết trong lời tựa sách “Kiến văn tiểu lục”: "Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy của cha, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Trấn Ninh, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng. Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách".

Tác phẩm của Lê Quý Đôn có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn còn giữ được có thể kể đến như: “Quần thư khảo biện”, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi.

Sách “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi. Đây được coi như bách khoa thư, trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội...

“Vân đài loại ngữ” là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến.

“Đại Việt thông sử” là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống quân Minh.

“Kiến văn tiểu lục” - tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở...

“Phủ biên tạp lục”, tác phẩm được viết trong thời gian Lê Quý Đôn làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Nội dung ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ XVIII trở về trước.

Công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn là bộ “Toàn Việt thi lục” gồm 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 - 1516). Lê Quý Đôn hoàn thành Toàn Việt thi lục năm 1768, dâng lên vua, được thưởng 20 lạng bạc.

Về sáng tác văn xuôi, theo Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn có “Quế Đường văn tập” 4 quyển, nhưng sách này đã mất. Về sáng tác thơ, Lê Quý Đôn cũng có “Quế Đường thi tập” khoảng vài trăm bài làm ở trong nước và trong thời gian đi sứ Trung Quốc...

Thế Vũ
https://www.congluan.vn/sap-dien-ra-hoi-thao-quoc-te-ve-danh-nhan-van-hoa-le-quy-don-post304337.html

1. Tháng 7 năm 2024


Tổ chức Hội thảo quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”

Số/Ký hiệu1974/QÐ-BVHTTDL
Ngày ban hành18/07/2024
Người kýHoàng Đạo Cương
Trích yếuTổ chức Hội thảo quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”
Cơ quan ban hànhBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thể loạiQuyết định
Tài liệu đính kèm QĐ1974.pdf (1.01MB)


https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/121293.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.