Hiệu ứng xã hội thấy được ngay sau khi "phở" trở thành "di sản" và nhà tu hành sử dụng bằng cấp 3 giả (từ đó mà nhận được cùng dàng học vị tiến sĩ).
Tự nhiên, buổi sáng, ra hàng phở, có người gọi: "Cho bát di sản tái chín". Mình thì thấy hơi thừa, sao phải "di sản tái chín" ! Dĩ nhiên, khách hàng hài hước chút, không sao cả !
Về mặt ngôn từ, thì chỉ cần "Cho bát tái chín" là đủ ! Mà cũng không cần dài dòng thề, chỉ cần nói "Tái chín" (hai từ) là đã xong thông điệp khi vào quán phở. Chỉ cần hai từ như kiểu nói trống không, là đủ ý !
Ông em chủ quán người quê Nam Trực thì vui vẻ lắm, ra mặt.
Ông em đã nhiều lần trình bày một ý sau: nhà em mấy đời làm phở, gia truyền đến em là đời thứ 6, nguyện vọng là sắp tới chính phủ nên có chính sách tặng bằng "tiến sĩ Phở" cho những gia đình như em !
Ôi, cúng dàng bằng tiến sĩ !
Rồi là nhân dân muốn được tặng bằng tiến sĩ cho các chủng loại di sản như Phở, Mỳ Quảng, Thắng Cố,...
Chúng ta hẳn là đang lạm phát "di sản" và cũng là lạm phát "tiến sĩ". Ông em phở gia truyền đòi hỏi, thì cũng là đòi hỏi như một nhu cầu chính đáng trong sự chuyển động thường ngày của văn hóa Việt đầu thế kỉ 21.
Có những thứ tưởng khác lạ, mà hóa ra không khác lạ. Cứ tự nhiên như nhiên vậy. Di sản hóa tất cả, cũng không khác, là một thứ tự nhiên như nhiên vậy ! Nhà tu hành xài bằng giả (xài như thật) và phở thành di sản (thật sự), hóa ra, lòng vòng một lúc, thì thấy là có liên đới tự nhiên như nhiên !
Đọc trước một bài của Lê Thanh Phong trên báo Lao động. Các thứ khác dán dần lên ở dưới.
Tháng 8 năm 2024,
Giao Blog
---
- Thứ ba, 13/08/2024 18:00 (GMT+7)
Bộ VHTTDL vừa ghi danh hàng loạt Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho "áo dài Huế”, "Mì Quảng", "Phở Nam Định"...
Đây liệu có phải là những hoạt động chấn hưng văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch không?
Phở Hà Nội, phở Nam Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vậy phở của các địa phương khác thì sao?
Mì Quảng là Di sản phi vật thể quốc gia, vậy các món ăn nổi tiếng đặc sản của các địa phương như bún bò Huế, cơm gà, bánh xèo, cháo lươn Vinh, cháo bột Quảng Trị, hủ tiếu Sài Gòn thì sao?
Còn nữa, nhiều món ăn đặc sản của đồng bào các dân tộc như thắng cố, xôi ngũ sắc, cơm lam... cũng xứng đáng là di sản như mì quảng hay phở.
Chưa kể còn nhiều loại như mè xửng Huế, kẹo dừa Bến Tre, cốm Hà Nội, bánh đậu xanh... rồi là cà phê chồn, nước mắm Phú Quốc. Ôi thôi, riêng nước mắm đã có nhiều tên tuổi, kể ra cũng không hết.
Văn hóa của từng vùng miền tạo ra bản sắc, sự khác biệt, không có lý do gì công nhận món ăn hay trang phục của vùng miền này là di sản văn hóa phi vật thể mà không công nhận cho vùng miền khác. Phở có cộng đồng những người yêu thích ăn món này, thì hủ tiếu cũng có cộng đồng riêng. Nếu không có cộng đồng đó thì không thể có sức sống mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.
Áo dài Huế là Di sản văn hóa phi vật thể, vậy áo tứ thân, áo bà ba Nam Bộ, chưa kể rất nhiều trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc trên khắp cả nước. Những trang phục gắn liền với nghề dệt vải, tạo ra màu sắc, hoa văn của người H'Mông, người Dao, người Thái, rất giàu có "tri thức dân gian", cũng xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể.
Còn nữa nón lá, nón quai thao có thể là di sản phi vật thể lắm chứ! Nếu kể thêm về thứ "đội trên đầu", có lẽ cũng rất nhiều tên gọi được đưa vào danh sách để cấp chứng nhận di sản.
Ai trả lời được tri thức dân gian kết tinh nên tô mì quảng, trong bát phở, trong tô bún gồm các nội dung gì và ai thừa nhận nội dung đó. Ngay tại Hà Nội, phở của quán này cũng không giống quán khác, nói chi đến vùng miền.
Cho nên, để công nhận một món ăn hay trang phục là di sản văn hóa phi vật thể cần có tiêu chí, đo lường được, lý tính, không phải cảm tính.
Và câu hỏi đặt ra, liệu có cần phải công nhận theo cách này không. Khi mà di sản tràn ngập thì có còn quý giá, có còn là di sản nữa không?
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/pho-mi-ao-dai-lam-phat-di-san-van-hoa-phi-vat-the-1379831.ldo
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.