Đỉnh núi thiêng Ni-jo là nơi nhóm chúng tôi lên nhiều lần trong mỗi năm thời đó. Mỗi lần lên là mất nguyên một ngày. Bắt đầu lên từ sáng sớm với đủ dụng cụ khảo sát và bảo hộ các loại, rồi ăn trưa luôn trên đỉnh núi (mang sẵn theo cơm hộp từ sáng), đến chiều tối mới xuống.
1. Chúng tôi thường đi một nhóm, nhưng nhiều nhất là với hai ông bạn vong niên M. và T. Những lần cuối cùng thì ông T. đã lớn tuổi, không leo núi được nữa, thì chỉ còn tôi và ông M.
Các văn bia (có chữ Hán, chữ Nhật, chữ Phạn) thì được làm thác bản và chụp ảnh kĩ thuật số, rồi về nghiên cứu chung. Hồi đầu tiên, ông M. còn chưa sử dụng máy kĩ thuật số mà chụp phim 36 kiểu ! Thế rồi, ông theo tôi, cũng chuyển sang kĩ thuật số !
2. Gần đây, giới khảo cổ địa phương đã phát hiện trên đỉnh núi Ni-jo có các ống kinh Phật được chôn từ thế kỉ XII.
Đó là vào khoảng giữa của thời kì Heian (Bình An). Khi đó, tư tưởng mạt pháp xuất hiện và lan rộng toàn nước Nhật. Các ống kinh Phật được người Heian chôn xuống đất, thường ở các địa điểm mang tính linh thiêng, để gửi cho hậu thế. Có lẽ người ta lo sợ là đến lúc kinh Phật cũng không còn nữa, nên phải chôn kinh Phật xuống đất (trong các ống quyển) với mong muốn người đời sau đào được mà dùng !
Hình ảnh được cung cấp bởi ngành khảo cổ học ở địa phương.
3. Đại khái, quan niệm về dòng thời gian của Phật giáo theo suy nghĩ của người Nhật là: thời kì chính pháp - thời kì tượng pháp - thời kì mạt pháp.
Chính pháp là thời kì chính giáo (do Đức Thế Tôn giảng dạy) được thực thi, người tu hành được giác ngộ.
Tượng pháp là khi Đức Thế Tôn nhập diệt đã lâu, Phật giáo dần suy yếu đến chỗ chỉ còn là hình thức bên ngoài, chỉ còn người tựa như đang tu hành nhưng không giác ngộ.
Mạt pháp là thời kì đen tối, chính pháp không còn nữa, tức chính pháp hoàn toàn không được thực thi.
Từ thế kỉ XI-XII, người Nhật đã thấy thời đại của họ là mạt pháp !
Bây giờ đã là thế kỉ XXI. Tính từ khi các ống kinh Phật được chôn lên đỉnh núi thiêng Ni-jo kia thì đã cả một ngàn năm đi qua.
Tháng 6 năm 2024,
Giao Blog
---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.