Bắt đầu là câu chuyện từ hồi còn niên hiệu Bình Thành.
Đến tháng 3 năm Bình Thành 12 (tức năm 2000) thì một báo cáo chung được chế bản. Tính từ năm 2000 đến nay, là đã hơn 20 năm.
Quan tâm của mình, bây giờ, cùng vấn đề Gióng/Phù Đổng, còn là chùa Kiến Sơ (gần đây, có một số gợi ý nói về chùa này trong liên quan đến sư Khương Tăng Hội - người mà vào thế kỉ III đã từ Giao Châu lên kinh đô nhà Ngô để giảng kinh Phật; có thể tạm xem ở đây).
Chạy một ít tư liệu mang tính phổ thông. Mở đầu là thông tin từ trang Phù Đổng.
Phù Đổng là địa bàn sinh tụ sớm của người Việt Cổ, từ thời Hùng Vương. Cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là một xã độc lập, cũng là xã đứng đầu tổng Phù Đổng, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh). Từ tháng 05/1961, xã Phù Đổng được cắt về huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Trong kháng chiến chống Pháp, làng Phù Đổng nằm trong xã Toàn Thắng của huyện Gia Lâm. Sau cải cách ruộng đất, xã Toàn Thắng được chia nhỏ thành 11 xã, trong đó có xã Phù Đổng.
Làng (xã) Phù Đổng nay thuộc huyện Gia Lâm, về phía đông thành phố Hà Nội, xưa thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nằm bên sông Đuống (Thiên Đức), quê hương của Thánh Gióng.
Xã Phù Đổng là một trong 31 xã thuộc huyện Gia Lâm. Phía Đông giáp xã Trung Mầu, Lệ Chi; phía Nam giáp xã Cổ Bi, Đặng Xá, Kim Sơn và Phú Thị; phía Tây và phía Bắc giáp ba xã Dương Hà, Đình Xuyên và Ninh Hiệp.
Phù Đổng là mảnh đất có tổng diện tích chỉ 1.165 ha, trên 12.000 dân với hơn 3.000 hộ gia đình sinh sống tại 6 thôn: Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Phù Dực 1, Phù Dực 2, và thôn Đổng Viên.
Phù Đổng xưa còn có tên là Gióng (làng Gióng, tổng Gióng). Theo truyền thuyết, chính nơi đây là quê hương đã sinh ra và nuôi dưỡng cậu bé anh hùng lên ba đánh tan giặc Ân phương Bắc thời vua Hùng Vương thứ 6. Vua Hùng đã phong cho người anh hùng làng Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Người dân Việt Nam nói chung và xã Phù Đổng nói riêng đã tôn vinh là Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết Thánh Gióng và câu chuyện về người anh hùng bất tử ấy là biểu tượng về ý chí và sức mạnh chống ngoại giặc xâm của dân tộc Việt Nam trong lịch sử, là bản trường ca bất tận của nhân dân làng Phù Đổng về truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông, là niềm tự hào của các thế hệ người dân Phù Đổng về truyền thống văn hoá quê hương.
Trải qua hàng nghìn năm, vùng đất nằm bên tả ngạn dòng sông Đuống đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều di tích lịch sử văn hoá lâu đời trong đó có quần thể di tích lịch sử Đền Gióng (đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia). Quần thể di tích đền Gióng bao gồm nhiều công trình đền, chùa lớn, nhỏ nằm rải rác khắp các thôn xóm của xã Phù Đổng và chứa đựng những giá trị văn hoá khác nhau, liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng và các triều đại phong kiến Việt Nam cùng những danh nhân văn hoá của quê hương.
Chính tinh thần Thánh Gióng đã thôi thúc các thế hệ cháu con Phù Đổng tiếp bước theo nhau, kế tục, duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Hơn 30 năm sau chiến tranh, quê hương Phù Đổng đã thay da đổi thịt. Người dân Phù Đổng đã khoác lên cho làng quê mình một chiếc áo mới từ truyền thống của quê hương và đôi bàn tay cần cù lao động sáng tạo. Làng quê nghèo bên kia bờ sông Đuống hôm nay đã thực sự đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao, trẻ em được nuôi dưỡng quan tâm chăm sóc…
Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội - một vùng đất nằm kề bên tả ngạn sông Đuống. Theo truyền thuyết, Phù Đổng là nơi sinh ra Thánh Gióng. Thời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân sang xâm lược nước ta, vua sai sứ giả đi rao khắp thiên hạ tìm người tài giỏi ra cầm quân đánh giặc cứu nước. Gióng lên ba, thoắt nói, thoắt cười thưa mẹ đòi sứ giả xin gặp vua sắm cho ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt, sau khi ăn hết 7 nong cơm, 3 nong cà, uống một hơi nước, cạn đà khúc sông, vươn vai cao lớn khác thường, mặc giáp sắt, cầm roi sắt, nhảy lên ngựa sắt đánh tan giặc Ân. Vua Hùng Vương thứ 6 phong người anh hùng cậu bé làng Gióng là Phù Đổng Thiên Vương.
Để ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc cứu nước, thực hiện đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân tổ chức lễ hội để tri ân. Hội Gióng ở Đền Phù Đổng được tổ chức từ ngày 07 đến ngày 09 tháng Tư âm lịch hằng năm. Người Việt Nam xưa và nay vẫn nhắc nhau:“Ai ơi mồng chín tháng tư. Không đi hội Gióng cũng hư mất đời”. Hội Gióng linh thiêng, là lễ hội lớn nhất vùng châu thổ sông Hồng, một lễ hội độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ngày 16/11/2010, lễ hội Gióng ở Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và Đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khu di tích Phù Đổng đã được Bộ Văn hóa ra quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa ngày 21/02/1975. Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích Đền Phù Đổng, gồm 10 công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và kiến trúc: Đền Thượng, Đền Hạ, Miếu Ban, Chùa Kiến Sơ, Cố Viên, Giá Ngự, Đình Hạ Mã, Chùa Hương Hải, Bãi Soi Bia, Bãi Đống Đàm.
Chùa Kiến Sơ là tên tự của di tích, tên thường gọi theo địa danh làng là chùa Phù Đổng. Chùa Kiến Sơ hiện nay thuộc thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng. Ngôi chùa nằm liền kề sát phía tây bắc của dải đất Đền Thượng. Chùa được thiền sư Cẩm Thành xây dựng từ trước năm 820, sau khi Phật Giáo được truyền vào Đại Việt. Sử cũ ghi năm 820 (thời nhà Đường), sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu (Trung Quốc) sang Đại Việt đã được thiền sư Cẩm Thành tôn là thầy và mời trụ trì tại chùa, góp phần mở ra phái thiền thứ hai trong đạo Phật nước ta. Lý Công Uẩn khi còn hàn vi đã từng đến đây tu và học kinh Phật, sau khi lên ngôi đã cho tu sửa mở mang chùa.
Hiện nay chùa còn lưu giữ được bộ tượng tròn có giá trị nghệ thuật cao, trong đó có các pho tượng tương truyền là tượng Vô Ngôn Thông, Lý Công Uẩn, Lão Tử, Khổng Tử; bộ sưu tập di vật khá phong phú về chủng loại gồm 47 pho tượng tròn được tạo tác rất công phu tinh xảo và mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX, một tấm bia hậu, một chiếc khánh đá, một cây hương đá niên hiệu thời Lê; một quả chuông đồng, 12 tấm bia hậu, 12 bức hoành phi, 12 đôi câu đối có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của Phật pháp và cảnh đẹp của chùa. Bộ sưu tập di vật của chùa là những vật chứng lịch sử phản ánh sự trường tồn của một ngôi chùa cổ và là nguồn sử liệu quý giá góp phần tìm hiểu về lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ và lịch sử nghệ thuật điêu khắc trên các chất liệu gỗ, đá, đồng.
Một điểm đặc biệt là chùa Kiến Sơ còn hệ thống tượng La Hán được đặt ở dọc hành lang gồm 18 vị; gác chuông xây ở vị trí phía sau thượng điện.
Chùa Kiến Sơ là một di tích nằm trong Khu di tích Đền Phù Đổng được Thủ tướng Chính Phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.
Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa. Đây là quê hương của người anh hùng thần thoại mà theo truyền thuyết đã đánh tan giặc Ân thời vua Hùng thứ 6.
Đền Phù Đổng hay đền Thánh Gióng được xây dựng tại xã Phù Đổng (làng Gióng) thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội 17km về hướng Đông Bắc. Năm 2013, đền Phù Đổng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Phù Đổng là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, nơi đây nổi tiếng với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, gắn liền với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Tiêu biểu là người anh hùng làng Gióng "Phù Đổng Thiên Vương" – một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam – còn in đậm trong tâm thức người dân Việt với những câu chuyện được truyền lại qua bao thế hệ về một cậu bé lên 3 tuổi đã đánh tan giặc Ân xâm lược, bảo vệ đất nước.
Nằm nép mình dưới đường đê, đền Phù Đổng ngự trên một khu đất đẹp, tương truyền được xây dựng trên chính nền ngôi nhà cũ nơi Thánh Gióng sinh ra. Đền Phù Đổng còn được gọi là đền Thượng, còn đền Hạ thờ mẹ của Thánh Gióng nằm ngoài đê, gần nơi được cho là có dấu chân khổng lồ mà bà đã ướm thử rồi sinh ra Thánh Gióng.
Trước sân, ngay sát chân đê có ao rộng, nơi hàng năm tổ chức múa rối nước vào ngày hội. Trong ao, dưới bóng cây đa cổ thụ cành lá xum xuê, là ngôi thuỷ đình xinh xắn.
Thuỷ đình được dựng theo kiểu "mái chồng" từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) với nhiều bức chạm tinh vi trên gỗ, mà đề tài là những cảnh sinh hoạt dân gian: người chăn dê, người thổi ống xì đồng… Thuỷ đình mang nhiều yếu tố dịch học mà trên đó những mảng chạm nói nên những ước vọng của dân chúng.
Năm 1010 khi rời đô về Thăng Long, Vua Lý Thái Tổ đã cho dựng đền, đến nay đã được trùng tu nhiều lần. Ngôi đền chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn và có cả những phần mang màu sắc đương đại.
Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích đền Phù Đổng còn được khẳng định qua hệ thống di vật, cổ vật, mang tính đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu, trong đó, phải kể đến 37 đạo sắc phong có niên đại thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn; hệ thống bia đá, rồng đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, cửa võng, long ngai, kiệu, hương án, tượng thờ, bát bửu…, mang giá trị nghệ thuật cao, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của lịch sử dân tộc, hàm chứa những quan niệm, triết lý nhân sinh sâu sắc.
Hằng năm, lễ hội Gióng truyền thống tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm sẽ diễn ra từ ngày 6 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch. Lễ hội cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.