Về cuốn xã chí, tức ghi chép về một "xã" của một văn nhân sinh trưởng ở xã đó, thì trên Giao Blog, có thể đọc lại ở đây.
Dưới đây là bài tổng quan về các loại "dư địa chí", từ cấp quốc gia đến cấp thôn, của học giả Trịnh Khắc Mạnh - đã đăng tải trên Tạp chí Hán Nôm năm 2009.
Tháng 9 năm 2023,
Giao Blog
---
KHẢO SÁT TÀI LIỆU HÁN NÔM VỀ DƯ ĐỊA CHÍ
HIỆN LƯU GIỮ TẠI VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM
PGS.TS. TRỊNH KHẮC MẠNH
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tài liệu dư địa chí sớm nhất ở nước ta do người Việt Nam biên soạn hiện còn lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm là tác phẩm Nam Việt dư địa chí 南越輿地誌 của Nguyễn Trãi (1380 - 1442), ghi về địa lí Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương đến thời Lê. Sách có nhiều tên gọi khác nhau, như: Nam Việt dư địa chí, Đại Việt địa dư, Nam quốc Vũ cống, An Nam Vũ cống, Lê triều cống pháp, trong bộ Ức Trai di tậpvới tên đề Dư địa chí. Đáng lưu ý là hai tên gọi Nam quốc Vũ cống và An Nam Vũ cống, theo PGS. Trần Nghĩa: “Vũ cống trong An Nam vũ cống vốn là tên một thiên sách trong Kinh Thư, nội dung nói về việc Hạ Vũ chia đất ra làm 9 châu, tiến hành công tác thủy lợi, tổ chức sản xuất và thu thuế. Chính hai chữ “cống pháp” trong tên sách Lê triều cống pháp cũng nhấn mạnh cái ý “thu thuế” đó. Các bộ thư mục cổ Trung Quốc xếp Kinh Thư vào loại “Lục nghệ” như Thất lược của Lưu Hâm đời Hán; hoặc vào loại “Kinh điển” như Thất chí của Vương Kiệm đời Lưu Tống; Thất lục của Nguyễn Hiếu Chử đời Lương... Từ đời Đường trở về sau, trong các bản thư mục như Tùy thư Kinh tịch chí, Đường thư Kinh tịch chí, Tân Đường thư Nghệ văn chí, Tống sử Nghệ văn chí, Minh sử Nghệ văn chí, Tứ khố toàn thư tổng mục, Thanh sử cảo Nghệ văn chí... các tác phẩm kiểu Vũ cống đều được xếp vào mục Đại lý thuộc Sử bộ”(1).Bên cạnh nhan đề An Nam Vũ cống hay Lê triều cống pháp, tác phẩm của Nguyễn Trãi còn một bản mang tên Nam Việt dư địa chí, theo ý kiến của PGS. Trần Nghĩa thì “Ý muốn nhấn mạnh đây là một cuốn sách địa lý nước ta. Các bản thư mục cổ Việt Nam không xếp loại tác phẩm địa lý vào Sử bộ như Trung Quốc. Trong Nghệ văn chí (Lê triều thông sử), Lê Quý Đôn xếp Nam Bắc phiên giới địa đồ và Thiên hạ bản đồ vào phần Hiến chương; xếp Cao Vương di cảo, Hoàng Phúc cảo, Hình thể địa mạch ca, Tả Ao địa lý luận vào phần Phương kỹ. Trong Văn tịch chí (Lịch triều hiến chương loại chí), Phan Huy Chú xếp các đồ bản vào phần Hiến chương, xếp các sách phong thủy vào phần Truyện ký. Đến Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Trần Văn Giáp cũng theo truyền thống nước ta, không xếp các tác phẩm địa lý vào phần Lịch sử, mà tách ra thành một phần độc lập - phần địa lý - bao gồm 3 mục: Địa lý chí (địa lý toàn quốc), Sơn xuyên lý lộ (phong thủy), Địa phương chí (địa lý địa phương)”(2). PGS. TS. Tạ Ngọc Liễn khi bàn về thể loại địa chí viết: “Trong quan niệm phổ biến ở Trung Quốc và ở Việt Nam đời trước, Vũ cống được xem là khởi thủy của sách địa chí. Vũ cống là một thiên trong sách Kinh Thư, Tựa của sách viết: “Vũ chia 9 châu, theo thể núi sông giao đất nộp cống”. Dư địa chí của Nguyễn Trãi là cuốn địa chí cổ nhất còn giữ được của nước ta, có thể thức như lối viết Vũ cống và có tên gọi An Nam Vũ cống hoặc Lê triều cống pháp”(3). Các thế kỉ sau, dư địa chí do người Việt Nam ghi chép tiếp tục phát triển, thời Mạc Cảnh Lịch (1548 - 1553) có cuốn Ô châu cận lục 烏州近錄 do Dương Văn An biên soạn viết về địa lí Ô châu (miền đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam), thời Lê Trung hưng có Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 do Lê Quý Đôn soạn năm Lê Cảnh Hưng thứ 37 (1776) ghi chép về địa lí, lịch sử xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, đặc biệt đến triều Nguyễn thể địa chí ở nước ta rất phát triển.
Tài liệu Hán Nôm dư địa chí, bao gồm các tài liệu khảo về địa lí đất nước và các địa phương trong lịch sử phát triển của quốc gia. Khái niệm dư địa chí mà chúng tôi nêu ra đây là những tài liệu ghi chép về lịch sử, địa lí, gồm những nội dung, như: ranh giới, diên cách, hình thế; và những tài liệu có liên quan, như: tên núi và tên sông, hay đường bộ và đường thủy, v.v... góp phần vào việc nghiên cứu địa chí. Như vậy, tài liệu Hán Nôm dư địa chí mà chúng tôi nêu dưới đây không bao gồm những tài liệu về bản đồ và những tài liệu chuyên biệt viết về những nội dung, như: phong thổ, phong tục, danh nhân, khoa bảng, sản vật, v.v... Tuy nhiên, ở nước ta mỗi đơn vị tài liệu dư địa chí khi chép về lịch sử, địa lí còn ghi chép nhiều nội dung khác, và được trình bày như sau: ranh giới, diên cách, hình thế, khí hậu, phong tục, thành trì, trường học, hộ khẩu, núi sông, khe đầm, cổ tích, đền chùa, đê điều, chợ, nhân vật, v.v...
Trong kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có một khối lượng tài liệu dư địa chí khá lớn. Theo chúng tôi, căn cứ vào nội dung tài liệu Hán Nôm dư địa chí có thể chia làm 2 loại lớn: Một là quốc chí (tổng chí), ghi chép địa chí của cả nước. Hai là địa phương chí (phương chí), trong địa phương chí lại chia ra mấy loại nhỏ, như: Khu vực (vùng miền) chí, ghi chép lịch sử, địa lí của vùng nào đó, hoặc miền nào đó. Tỉnh chí, ghi chép lịch sử, địa lí của tỉnh. Huyện chí (hoặc phủ chí), ghi chép lịch sử, địa lí của huyện hoặc phủ. Xã chí, ghi chép lịch sử, địa lí của xã. Thôn chí, ghi chép lịch sử, địa lí của thôn. Dựa trên những tiêu chí phân loại như vậy, trên cơ sở tham khảo bộ Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu(4) và có đối chiếu với từng văn bản trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm(5), chúng tôi thống kê số lượng tài liệu dư địa chí hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm như sau:
I. QUỐC CHÍ, có 66 tác phẩm
1. An Nam địa chí安南地志, thời Lê, 1 bản viết, A.381/2. Ghi chép về địa lí Kinh đô Thăng Long và 13 xứ.
2. An Nam địa dư chí安南地輿誌, chép trong Lê kỉ tục biên 黎紀續編, 1 bản viết, VHv.1303. Ghi địa lí các trấn, đạo, thành, phủ từ Lạng Sơn đến Hà Tiên.
3. An Nam kỉ lược 安南紀略, thời Nguyễn, 1 bản viết, A.2655. Ghi chép về địa lí và một số vấn đề khác của nước ta khoảng cuối thế kỉ XIX.
4. Bản quốc dư đồ sơn xuyên địa thế vị trực vật sản điền thổ bị lãm 本國輿圖山川地勢位置物產田土備覽, thời Nguyễn, 1 bản viết, A.2026. Ghi số phủ huyện châu xã thôn phường của cả nước thời Nguyễn.
5. Bản quốc sơn xuyên tập lãm本國山川集覽, thời Nguyễn, 1 bản viết, A.1730. Ghi chép tên núi sông của các tỉnh trong cả nước và cửa biển từ Quảng Yên đến Hà Tiên.
6. Càn khôn nhất lãm 乾坤一覽, Phạm Đình Hổ biên tập, 3 bản viết, A.414, VHv.1160, VHv.1360 (có tên Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư 天南四至路圖書và có chép 1 phần Càn khôn nhất lãm). Ghi địa lí các tỉnh Việt Nam và địa lí một số nước trong khu vực và một số nội dung khác.
7. Đại Nam dư địa chí ước biên大南輿地志約編, Cao Xuân Dục biên soạn năm Duy Tân thứ 2 (1905), 2 bản viết, A.74/1-2, VHv.174. Tóm lược nội dung bộ Đại Nam nhất thống chí.
8. Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, 9 bản chép tay, VHv.129/1-8, A.69/1-13, VHv.985/1-9, VHv.1707/1-9, VHv.1359, A.1806, VHv.624, A.2033, VHv.2684. Ghi địa lí các tỉnh Việt Nam.
9. Đại Nam quận huyện phong thổ nhân vật lược chí 大南郡縣風土人物略志, 1 bản viết, A.1905. Lược khảo về lịch sử, địa lí Việt Nam và một số nội dung khác.
10. Đại Nam quận quốc chí lược 大南郡國志略, Hoàng Tạ Ngọc biên tập lại vào năm Thành Thái thứ 7 (1905), 1 bản viết, A.1840. Ghi địa lí giản lược về kinh đô Huế và các tỉnh của Việt Nam.
11. Đại Nam quốc cương giới vựng biên 大南國疆界彙編, Hoàng Hữu Xứng biên soạn, 5 bản viết, A.748, A.1199, VHv.1721, A.1342 (có tên Đại Nam quốc cương giới 大南國疆界),A.249 (có tên Đại Nam cương giới vựng biên 大南疆界彙編). Khảo về địa danh, diên cách, cương giới, diện tích, v.v... của các tỉnh trong cả nước và một số nội dung khác.
12. Đại Nam quốc sơn thủy lục 大南國山水錄, 1 bản viết, A.1851. Giới thiệu sơ lược về địa lí tỉnh Hải Dương và Thái Nguyên, tên các ngọn núi dòng sông từ tỉnh Bình Định trở ra Bắc và một số nội dung khác.
13. Đại Việt cổ kim diên cách địa chí khảo 大越古今沿革地志考, Nguyễn Tụy Trân biên soạn năm Thành Thái thứ 19 (1907), 2 bản viết, A.77, VHv.2717. Khảo sát địa lí Việt Nam từ đời Hùng Vương đến đời Tự Đức.
14. Đại Việt địa chí大越地志, 2 bản viết, A.973/1-2, A.2335. Ghi địa lí thành Thăng Long (Hà Nội) và các trấn, tỉnh như Sơn Nam, Nam Định, Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Xuân.
15. Đại Việt địa dư toàn biên 大越地輿全編do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1796 -1872) biên tập và Nguyễn Trọng Hợp viết tựa năm Thành Thái thứ 12 (1900), 4 bản in, VHv.1709/1-3, VHv.849/2, VHv.1593/1-2 (có tên Đại Việt toàn biên 大越全編), A.72/1-2 (có tên Phương Đình địa chí 方亭地誌). Khảo về địa lí Việt Nam từ thời Hùng Vương đến thời Tự Đức thứ 8 (1855).
16. Địa dư chí 地輿志, thời Nguyễn, 3 bản viết, A.1967, A.1987, A.2002. Ghi địa lí các trấn trong cả nước.
17. Địa dư lược chí 地輿略志, 1 bản viết, A.1774. Khảo về vị trí, núi sông, suối hồ, cửa biển, thủy triều, đê điều, v.v... Có đoạn viết về núi Thạch Bích, đảo Côn Lôn.
18. Địa dư toát yếu 地輿撮要, 1 bản viết, A.418. Ghi tóm lược địa lí Việt Nam.
19. Đông Dương địa dư chí tập 東洋地輿志集, 1 bản viết, A.1652. Ghi địa thế đường sông, đường núi, địa lí của Việt Nam, Campuchia và Lào.
20. Đông Dương hoàn doanh địa dư chí 東洋寰瀛地輿志, Nguyễn Hi Xuân soạn, 1 bản viết, A.2868. Ghi địa lí Đông Dương (Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao).
21. Đồng Khánh địa dư chí同慶地輿志do quan chức các tỉnh biên soạn theo sắc chỉ của vua Đồng Khánh, 3 bản viết, A.537/1-24, VHv.2456/XI, VHv.1357. Ghi địa lí các tỉnh trong cả nước thời Đồng Khánh (1886-1888).
22. Giao Châu dư địa chí 交州輿地志), Trương Phụ và Mộc Thạnh soạn, thời Minh, Đàm Nghĩa Am viết tựa năm Gia Long thứ 9 (1810)(6), 2 bản viết, VHt.30, A.2716. Ghi địa lí Việt Nam thời kỳ thuộc Minh và một số nội dung khác.
23. Giao Chỉ sự lục 交趾事錄, 1 bản viết, VHv.1309. Ghi địa lí, lịch sử, v.v... Việt Nam thời Bắc thuộc, ghi theo các nguồn tư liệu cổ như Tống sử, An Nam chí lược, Lĩnh ngoại đại đáp, Giao châu kí...
24. Hoàng Việt địa dư chí 皇越地輿志, năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) thời Nguyễn, 10 bản in là A.1074, VHv.1653, VHv.625, VHv.1476, VHv.1710, A.71, VHv.1910, VHv.1475, VHv.2423, VHv.2424 và 4 bản viết tay là VHv.175, VHv.1836/1, VHv.1837/2, A.1475. Ghi địa lí Việt Nam thời Nguyễn.
25. Lịch triều hiến chương loại chí歷朝憲章類誌, Phan Huy Chú biên tập, 19 bản viết, A.151/1-8, A.50/1-4 (sách vô đề nhưng cũng chép các chí), A.1358/1-10, VHv.1502/1-16, A.2124/1-8, A.2061/1-3, VHv.181/1-12, VHv.1262/1-9, VHv.1541/1-3, VHv.982/1-4, VHv.983, A.1883, VHv.2666, VHv.2667, VHv.2668, VHv.2669, VHv.2670, VHv.2671, A.2445 (có tên Ngã Việt lịch triều hiến chương loại chí 我越歷朝憲章類誌).
26. Nam bang cổ tích南邦古蹟, 1 bản viết, A.988. Ghi địa lí Việt Nam (viết theo thể 4 chữ) và một số nội dung khác.
27. Nam Bắc các hạt chư phủ huyện xã thôn南北各轄諸府縣社村, 1 bản viết, VHv.1720. Ghi địa lí và chính sách thuế dưới triều Nguyễn.
28. Nam dư khảo lược南輿考略, 1 bản viết, A.689. Lược khảo địa lí Việt Nam qua các triều đại, từ đời Kinh Dương Vương đến đời Nguyễn.
29. Nam dư yếu lược南輿要略, soạn năm Thành Thái thứ 15 (1903), 1 bản viết, A.1518. Đại cương địa lí Việt Nam.
30. Nam quốc địa dư南國地輿, Lương Thúc Đàm soạn năm Duy Tân Mậu Thìn (1908), 3 bản in là VHv.173, VHv.1725, A.75; 1 bản viết VHv.2102 chép lại bản VHv.173. Sách giáo khoa địa lí Việt Nam.
31. Nam quốc địa dư南國地輿, Thiện Đình Đặng Hy Long biên tập, 1 bản, VHv.2742. Sách địa lí Việt Nam.
32. Nam quốc địa dư 南國地輿, Đốc học Bắc Ninh là Trần Kỉ soạn năm Duy Tân Kỉ Dậu (1909) trong sách Việt sử lược biên 越史略編, 1 bản viết, A. 1271. Ghi cương vực, hình thế, khu vực, v.v.. địa lí Việt Nam.
33. Nam quốc địa dư ấu học giáo khoa南國地輿幼學教科, Bùi Thanh Hương soạn, 1 bản in, A.3168. Sách giáo khoa địa lí Việt Nam, dùng cho các em nhỏ.
34. Nam quốc địa dư chí 南國地輿誌, Lương Thúc Đàm soạn năm Duy Tân Mậu Thân (1908), 4 bản in là VHv.1946, VHv.1552, VHv.1474, VHv.1722; 1 bản viết, VHv.979 chép lại bản VHv.1946. Ghi địa lí Việt Nam.
35. Nam quốc địa dư chí lược南國地輿誌略, Văn Nham Lê Hoãn biên tập năm Khải Định Kỉ Mùi (1919), 1 bản in, VHv.1723. Ghi địa lí Việt Nam.
36. Nam Việt dư địa chí 南越輿地誌, Nguyễn Trãi soạn, gồm 5 bản viết với các kí hiệu và tên sách như sau: A.2815 Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí 抑齋遺集南越輿地誌, A.1900 Đại Việt địa dư chí phụ Hoàng triều quan chế 大越地輿誌附皇朝官制, A.830 Nam quốc Vũ cống 南國禹貢, A.2251 An Nam Vũ cống安南禹貢, A.53 Lê triều cống pháp黎朝貢法. Trong bộ Ức Trai di tập 抑齋遺集 (hay Ức Trai thi tập抑齋詩集) có 1 bản in VHv.1772/2-3 và 3 bản viết A.3198, VHv.1498/1-3, A.1753 (Ức Trai di tậpvới tên đề Dư địa chí ở quyển 6). Sách ghi về địa lí Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương đến thời Lê.
37. Nam Việt dư địa chí 南越輿地誌, 1 bản viết, A.2667. Ghi địa lí Việt Nam vào thời Thành Thái - Duy Tân (1889-1916) gồm những thay đổi về đơn vị hành chính, tên các tỉnh, phủ, huyện (có ghi tên gọi cũ) của Nam kì, Trung kì và Bắc kì.
38. Nam Việt địa dư trích lục 南越地輿摘錄, 1 bản viết, A.2139. Ghi địa lí các tỉnh của Việt Nam.
39. Nam Việt địa đồ quốc hiệu sơn thủy bảo hóa cựu lục南越地圖國號山水寶貨舊(trong sách có ghi Bản quốc dư địa đồ lược 本國輿地圖略)thời Nguyễn, 1 bản viết, A.2584. Ghi số phủ huyện châu xã thôn phường của 16 tỉnh Bắc kì và 14 tỉnh Nam kì.
40. Nhất thống dư địa chí一統輿地誌, Lê Quang Định soạn năm Gia Long thứ 5 (1806), 3 bản viết, VHv.2555, A.67/1-2 (có tên Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 皇越一統輿地誌), VHv.176/1-3 (vô đề nhưng nội dung vẫn là dư địa chí...). Ghi địa lí các tỉnh của Việt Nam.
41. Phường quách hương trấn坊郭鄉鎮, 1 bản viết, A.976 ghi số phường, thành quách, làng, xóm, thị trấn ở các tỉnh, phủ, như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Tân An, Kiến Xương, Trấn Nam, Phụng Hóa, Kiến Bình, Tam Giang, Tuyên Hóa, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Oai, Gia Hưng, Qui Hóa, Ninh Hóa, Diễn Châu.
42. Quốc triều văn vũ quan chế thể lệ yếu điển國朝文武官制體例要典, 1 bản viết, VHv.40. Ghi địa lí thời Nguyễn.
43. Sử học bị khảo史學備考, Thiện Đình Đặng Văn Phủ (Đặng Xuân Bảng) biên tập, 2 bản viết, A.1490, A.8. Khảo cứu về lịch sử, địa lí Việt Nam.
44. Tạp lục bị khảo 雜錄備考, 1 bản viết, VHv.371. Chép 116 bài khảo về địa lí Việt Nam.
45. Tầm xích lí số尋尺里數, 1 bản viết, A.481. Ghi chiều dài các con đường từ Kinh đô Huế đến Gia Định, Bắc Thành và từ Cao Miên đến Nam; đường bộ từ Bắc Thành đi các trấn; đường thủy, cửa biển của Việt Nam và 16 cửa ô thành Thăng Long.
46. Tân đính Nam quốc địa dư giáo khoa thư新訂南國地輿教科書, 1 bản viết, VHv.2028. Sách dạy địa lí Việt Nam.
47. Tập lục 集錄, 1 bản viết, VHb.99. Những vấn đề về địa lí Việt Nam, như: vị trí, giới hạn, kinh độ, vĩ độ, khí hậu, thủy triều ở các cửa biển, v.v...
48. Thái bình hoàn vũ kí trích lục 太平寰宇記摘錄,1 bản viết, VHv.1282. Chép các phần có liên quan tới địa lí, lịch sử, v.v... các châu, huyện của Việt Nam và các nước láng giềng.
49. Tham khảo bác văn參考博文, 1 bản viết, A.1867. Ghi những bài khảo cứu về địa lí, vị trí, giới hạn, sản vật, v.v... ở Việt Nam.
50. Thập nhất tỉnh địa dư chí 十一省地輿志, 1 bản viết, A.80. Sách chép bản đồ, diên cách, giới hạn và tên của các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, Trấn Tây, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa và Tuyên Quang.
51. Thiên Nam tiện lãm天南便攬,Đoàn Cao Đệ soạn năm Thành Thái thứ 19 (1907), 1 bản viết, A.78. Khảo về địa lí, chính trị, lịch sử Việt Nam.
52. Thiên Nam toàn đồ diễn âm天南全圖演音, Vạn Nguyên Cư Sĩ Hi An Quế Hiên biên tập năm Duy Tân thứ nhất (1907), 1 bản viết, AB.484. Bài diễn ca (thể lục bát và song thất lục bát) về địa lí, lịch sử Việt Nam.
53. Thiên quốc chư thành doanh trấn phủ huyện tổng通國諸城營鎮府縣總1 bản viết, A.484. Bảng thống kê tên các thành quách, dinh trấn, phủ huyện, tổng của cả nước dưới thời Gia Long (1802 - 1820).
54. Thoái thực kí văn退食記聞, Trương Quốc Dụng soạn, 13 bản viết, VHv.1274/a, VHv.1274b/1-4, VHv.1805/1-2, A.104/1-2, A.1499 (ghi là Công hạ kí văn 公暇記聞), v.v… có phần khảo về địa lí Việt Nam.
55. Trình lục yếu lược程錄要略, Đàm Nghĩa Am biên soạn, 1 bản viết, A.2717. Ghi tên các trấn phủ huyện châu và ruộng đất năm Gia Long thứ 13 (1814), các tuyến đường bộ và đường thủy từ Hà Nội đi các tỉnh.
56. Trung học Việt sử toát yếu中學越史撮要, Ngô Giáp Đậu soạn năm 1922, 22 bản in là VHv.157/1-4, A.770/1-2, VHv.987/1-4 (có tên Trung học Việt sử toát yếu giáo khoa中學越史撮要教科),v.v… và 5 bản chép tay là VHv.1700, VHv.991, v.v... Dạy lịch sử và địa lí Việt Nam.
57. Vạn quốc địa dư chí萬國地輿誌, Cát Hiên soạn, Trương Cẩn đề tựa năm Đồng Khánh Đinh Hợi (1887), Trịnh Xuân Nhiếp sao chép, 2 bản viết, A.990, A.1735. Ghi địa lí thế giới trong đó có phần về địa lí Việt Nam.
58. Việt dư thặng chí toàn biên越輿剩志全編, 1 bản viết, A.864. Ghi địa lí, lịch sử Việt Nam từ Kinh Dương Vương đến Hậu Lê.
59. Việt môn địa sử越門地史,1 bản viết, A.1775. Khảo về địa lí, lịch sử Việt Nam từ Hùng Vương đến triều Nguyễn.
60. Việt Nam dư địa chí越南輿地志, 1 bản viết, A.1829. Ghi địa lí Việt Nam và chữ viết của các dân tộc ít người.
61. Việt Nam dư địa Nam Bắc trình lí越南輿地南北程里, 1 bản viết, A.2342. Ghi đường sá (đường bộ và đường thủy Nam), tổ chức hành chính (chế độ quan lại, các tỉnh, phủ, huyện...) và tổ chức quân đội, v.v...
62. Việt Nam sử yếu bổ di越南史要補遺, 1 bản viết, AB.462. Lược sử Việt Nam về địa thế, địa lợi, khí hậu, v.v...
63. Việt sử cương giám khảo lược越史綱鑑考略, Nguyễn Thông soạn năm Tự Đức thứ 30 (1877), 2 bản viết, A.998, VHv.1319/1-2. Ghi địa lí Việt Nam và một số nước lân cận.
64. Việt sử địa dư越史地輿, Thái Khắc Tuy soạn năm Kiến Phúc thứ nhất (1883), Phan Đình Phùng biên khảo, 1 bản viết (2 tập), A.971. Khảo về địa lí, lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương cho đến thời nhà Nguyễn.
65. Việt sử lược biên越史略編,1 bản viết, A.1271. Ghi cương vực, hình thế, khu vực, phong tục, v.v... các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
66. [Vô đề], 1 bản viết, A.343, thời Nguyễn. Tập bản đồ đường bộ và đường thủy từ Hà Nội đến Nha Trang. Có chép Nguyễn triều quát địa chí 阮朝括地志giới thiệu tóm tắt địa lí Việt Nam vào đầu đời Nguyễn.
Như vậy, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách ghi chép về địa lí Việt Nam có 66 tên sách. Xét về đặc điểm văn bản chúng ta thấy: sách in 8 tác phẩm, sách chép tay 58 tác phẩm (có nhiều tác phẩm vừa in vừa chép tay), sách có ghi niên đại 39 tác phẩm (trong đó thời Minh 1 tác phẩm, thời Lê 1 tác phẩm và thời Nguyễn 37 tác phẩm), sách không ghi niên đại 27 tác phẩm, sách ghi tác giả 28 tác phẩm (trong đó tác giả Lương Thúc Đàm có 2 tác phẩm và tác giả tập thể 2 tác phẩm), sách không ghi tác giả 38 tác phẩm.
II. ĐỊA PHƯƠNG CHÍ, có 92 tác phẩm, bao gồm:
a/ Loại khu vực chí, loại tài liệu này ghi chép về địa lí của một số tỉnh theo miền hoặc vùng, có 22 tác phẩm.
1. Bắc kì các tỉnh đạo phủ huyện tổng xã thôn phường ấp trại sở北圻各省道府縣總社村坊邑寨所, thời Nguyễn, 1 bản viết, A.2425. Ghi số phủ huyện tổng xã trại sở thuộc 4 tỉnh: Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình thời Nguyễn.
2. Bắc kì địa chí北圻地誌, 1 bản viết, VHv.1717. Ghi lịch sử địa lí 9 tỉnh ở Bắc kì, gồm Hải Dương, Quảng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng. Sách còn có tên Các tỉnh chí各省誌.
3. Bắc kì địa dư lược sao北圻地輿略抄, thời Nguyễn, 1 bản viết, A.2969. Ghi địa lí đại cương các tỉnh của Bắc kì (gồm 14 tỉnh).
4. Bắc kì địa dư quốc âm ca北圻地輿國音歌, thời Nguyễn, 1 bản viết, AB.566. Ghi địa lí đại cương các tỉnh của Bắc kì và địa dư mỗi tỉnh là bài ca Nôm thể song thất lục bát.
5. Bắc kì giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo 北圻江山古跡名勝備考, do Bùi Thức soạn và Trần Ngọc Oanh chép lại năm 1962, 1 bản viết, VHv.2372. Khảo về núi non, sông hồ, cổ tích, danh thắng, đền chùa, v.v... thuộc 10 tỉnh ở Bắc kì.
6. Bắc kì tổng lục ngũ ngôn ca 北圻總錄五言歌, thời Nguyễn, 1 bản viết, A.2159. Sơ lược tình hình địa lí Bắc kì về đất đai, sông núi, tỉnh thành, nhân vật, sản vật, v.v... theo thể văn vần, mỗi câu 5 chữ.
7. Các tỉnh chí 各省誌, thời Nguyễn, 1 bản viết, VHv.1716. Ghi địa chí của 7 tỉnh, gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên.
8. Các tỉnh địa dư diễn âm各省地輿演音, 2 bản viết, AB.327, AB.334. Ghi địa lí các tỉnh miền Bắc. Bản AB.327, giới thiệu thêm các phần: doanh, trấn, phủ, huyện và đường xá của cả nước
9. Các trấn tổng xã danh bị lãm 各鎮總社名備覽, thời Nguyễn, 1 bản viết, A.570/1-2. Bộ địa danh thời Gia Long (1802 - 1819) ghi tên gọi các phủ, huyện, châu, tổng, xã, thôn, xóm, vạn, sách, trang, phường giáp, trại thuộc 15 trấn, xứ và đạo kể từ Đèo Ngang trở ra Bắc hồi đầu thế kỷ XIX.
10. Gia Định thành thông chí 嘉定城通志, do Lê Quang Định (1759 - 1813 ) biên tập, 6 bản viết, VHv.1335/1-3, A.1561/1-2, A.708/1-2, A.94, A.1107, VHv.1490. Ghi địa lí các trấn thuộc thành Gia Định (các tỉnh Nam Bộ).
11. Hiện kim Bắc kì chi địa dư sử現今北圻之地輿史, Giáo thụ phủ Hoài Đức Ngô Giáp Đậu biên soạn, 1 bản viết, A.398. Ghi lịch sử xứ Bắc kì và địa dư 2 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng), 2 đạo (Hà Dương, Lai Châu) và 25 tỉnh thuộc Bắc kì.
12. Kinh sư dĩ Nam địa chí京師以南地誌, trong sách Sử cục loại biên 史局類編, Nguyễn Bảo biên soạn năm Minh Mệnh Quí Sửu (1833), 1 bản viết, A.9. Ghi địa lí các tỉnh từ Kinh thành Huế trở vào Nam.
13. Liệt tỉnh phong vật phú列省風物賦, Giang Nguyên Thi, Trần Danh Lâm và Trần Huy Phác sáng tác, 1 bản viết, A.1173. Chép 5 bài phú viết về địa dư và phong cảnh của các tỉnh: Thanh Hóa, Đông Kinh (Hà Nội), Sơn Tây, Hoan Châu, Cao Bằng.
14. Nam kì địa dư chí南圻地輿誌, Duy Minh Thị biên tập, 1 bản in VHv.1547, 1 bản viết A.938. Ghi địa lí 6 tỉnh Nam kì là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
15. Nam kì địa hạt tổng thôn danh hiệu南圻地轄總村名號, san định năm 1892, 1 bản viết, A.975. Bản liệt kê tên gọi các thôn trong 6 tỉnh Nam kì.
16. Nam quốc khung giang đông diên khảo lược 南國穹江東沿考略, 1 bản viết, A.991. Lược khảo về lịch sử, địa lí miền đông sông Cửu Long, gồm: nguồn gốc, hình thế, cư dân, v.v...
17. Ô châu cận lục 烏州近錄, Dương Văn An biên soạn năm Mạc Cảnh Lịch (1548-1553), 2 bản viết, A.263, A.96 có tên Ô châu nhân vật chí 烏州人物志. Ghi địa lí châu Ô (dải đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam).
18. Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄, Lê Quý Đôn soạn và viết tựa năm Lê Cảnh Hưng thứ 37 (1776), 2 bản viết, A.184/1-2, A.1175/1-5. Ghi địa lí, lịch sử xứ Thuận Hóa và Quảng Nam và nhiều nội dung khác.
19. Quảng Thuận dư địa chí廣順輿地志, chép trong Lê hoàng triều kí 黎皇朝記, 1 bản viết, A.14. Ghi địa lí, lịch sử hai tỉnh Thuận Hóa và Quảng Ngãi.
20. Quảng Thuận đạo Lê hoàng triều kí廣順道黎皇朝記, Nguyễn Huy Quýnh biên tập năm Bảo Đại thứ 18 (1943), 1 bản viết, VHv.1375. Lịch sử và địa lí hai tỉnh Quảng Ngãi và Thuận Hóa.
21. Tân định Việt Nam chí lục新定越南誌錄, 1 bản viết, A.327. Ghi địa lí các trấn Hải Dương, Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Thanh Hóa, Nghệ An và đạo Thanh Bình.
22. Tây Hồ thắng cảnh 西湖勝景,1 bản viết, A.2516, trong sách có chép phần Trung kì dư địa lược sao 中圻輿地略抄. Ghi địa lí các tỉnh miền Trung: Nghệ An, Thuận Hóa, Phú Xuân, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên.
Như vậy, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách ghi chép về địa lí các khu vực ở Việt Nam có 22 tên sách. Xét về đặc điểm văn bản chúng ta thấy: tất cả đề là sách chép tay (22 tác phẩm), sách có ghi niên đại 16 tác phẩm (trong đó thời Mạc 1 tác phẩm, thời Lê 1 tác phẩm và thời Nguyễn 14 tác phẩm), sách không ghi niên đại 6 tác phẩm, sách ghi tác giả 9 tác phẩm, sách không ghi tác giả 13 tác phẩm.
b/ Loại tỉnh chí, có 46 tác phẩm
1. Bàn Thành tân chí 槃城新誌, biên soạn năm Thành Thái thứ 15 (1903), 2 bản viết, A.3080, VHv.2657. Ghi chép về địa lí Bàn Thành nay thuộc tỉnh Bình Định. Trong sách có chép Bình Định tỉnh chí 平定省誌.
2. Bắc Ninh phong thổ tạp kí北寧風土雜記, thời Nguyễn, 1 bản viết, A.425. Ghi chép địa thế, địa danh ở các địa phương tỉnh Bắc Ninh.
3. Bắc Ninh tỉnh chí北寧省誌, do các quan tỉnh Bắc Ninh soạn năm Tự Đức thứ 29 (1875), 1 bản viết, A.569. Ghi danh thắng, phong tục, số phủ, huyện, tổng, xã, phường, trại,... của tỉnh Bắc Ninh.
4. Bắc Ninh tỉnh địa dư 北寧省地輿, biên soạn năm Gia Long thứ 13 (1814), 1 bản viết, A.590. Ghi địa lí tỉnh Bắc Ninh.
5. Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí北寧全省輿地誌, biên soạn năm Thành Thái thứ 3 (1891) và Nguyễn Xước sao lại năm Bảo Đại thứ 8 (1933), 1 bản viết, A.2889. Chép về địa lí, lịch sử toàn tỉnh Bắc Ninh.
6. Bắc thành địa dư chí lục 北城地輿志錄, do Lê Chất (1769 - 1826) biên soạn và Nguyễn Văn Lí đề tựa năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), 3 bản viết, A.1565/1-2, A.81/1-2, A.1758/1-2. Ghi địa lí thành Thăng Long và 11 trấn thuộc Bắc Thành đời Gia Long. Tên các thành và trấn: thành Thăng Long, trấn Hải Dương, trấn Sơn Nam Thượng, trấn Sơn Nam Hạ, trấn Sơn Tây, trấn Kinh Bắc, trấn Thái Nguyên, trấn Tuyên Quang, trấn Hưng Hóa, trấn Quảng Yên, trấn Lạng Sơn, trấn Cao Bằng.
7. Cao Bằng kí lược 高平記略, do Cao Phiên Phạm An Phủ soạn năm Thiệu Trị thứ 4 (1845), 1 bản viết, A.999. Sơ lược về lịch sử, địa lí, nhân vật của tỉnh Cao Bằng.
8. Cao Bằng sự tích 高平事跡, Nguyễn Đức Nhã biên soạn năm Thành Thái thứ 9 (1897), 1 bản viết, A.89. Sơ lược lịch sử, địa thế, núi sông tỉnh Cao Bằng. Có Cao Bằng phong thổ kí 高平風土記do Trần Huy Phác soạn, giới thiệu phong cảnh, thổ sản, nhân vật và phong tục tỉnh Cao Bằng.
9. Cao Bằng thực lục高平實錄, Nguyễn Hựu Cung soạn năm Gia Long thứ 9 (1810), 1 bản viết, A.1129. Ghi lịch sử, địa lí tỉnh Cao Bằng.
10. Đại Nam quận quốc chí Bắc kì các tỉnh 大南郡國志北圻各省, Hoàng Tạ Ngọc biên tập lại vào năm Thành Thái thứ 7 (1905), 1 bản viết, A.1621. Ghi giản lược địa lí, vị trí, giới hạn, số phủ, huyện, tổng, xã, tổ chức hành chính các tỉnh thuộc Bắc kì.
11. Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn phường trang trại danh hiệu 河東省各府縣總社村坊庄寨名號, soạn năm Thành Thái thứ 5 (1893), 1 bản viết, A.2800. Bảng kê tên các phủ, huyện, tổng và 779 xã, thôn, phường, trang, trại của tỉnh Hà Đông.
12. Hà Đông toàn tỉnh tổng xã thôn danh sách 河東全省總社村名策, khai năm Bảo Đại thứ 7 (1932), 1 bản viết, VHv.1365. Bản khai danh sách các thôn, xã, tổng, huyện của tỉnh Hà Đông. Trong sách có Phú Thọ tỉnh tổng xã danh hiệu 富壽省總社名號(20 trang), kê tên các tổng xã của tỉnh Phú Thọ.
13. Hà Nội địa dư 河內地輿, do Dương Bá Cung (1794 - 1818) biên soạn năm Tự Đức thứ 4 (1851), 2 bản viết, A.1154, VHv.2659 (chép lại năm 1963). Ghi địa lí Hà Nội cũ, gồm thành phố và các phủ, huyện trong tỉnh.
14. Hà Nội sơn xuyên phong vực 河內山川風域, 1 bản viết, A.541. Ghi địa lí Hà Nội cũ (bao gồm thành phố Hà Nội và hai tỉnh Hà Đông, Hà Nam cũ.
15. Hải Dương địa dư 海陽地與, Tổng đốc Hải Dương Phan Tam Tỉnh soạn theo yêu cầu của Quốc sử quán triều Nguyễn, 1 bản viết, A.568. Ghi địa lí tỉnh Hải Dương.
16. Hải Dương phong vật chí 海陽風物志, Trần Huy Phác soạn năm Gia Long thứ 10 (1811), 1 bản in, A.882 và 4 bản viết, A.2878, , VHv.1367, A.88 có tên Hải Dương phong vật 海陽風物, VHv.168 có tên Phong vật chí 風物志. Ghi chép về lịch sử, địa lí, phong tục, v.v... tỉnh Hải Dương.
17. Hải Dương tỉnh địa dư chí海陽省地輿志, biên soạn vào đời Thành Thái (1889 - 1907), 1 bản viết, A.1940. Ghi địa lí phủ Bình Giang và các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Vĩnh Bảo, Đông Triều.
18. Hoan Châu phong thổ kí 驩州風土記, Đốc đồng Nghệ An Trần Danh Lâm biên soạn, 1 bản viết, VHv.1719. Ghi địa lí tỉnh Nghệ An. Trong sách có chép Nghệ An phong thổ kí 乂安風土記, do Bùi Dương Lịch soạn, ghi chép về địa thế, phong tục, danh thắng, nhân vật đất Nghệ An.
19. Hoan Châu phong thổ thoại 驩州風土話, Trần Danh Lâm soạn, 4 bản viết, VHv.1718, VHv.1376, A.592, A.2288. Ghi chép về hình thế, núi sông, khí hậu, phong tục, v.v... đất Hoan Châu (Nghệ An). Trong sách có chép Nghệ An phong thổ kí 乂安風土記, do Bùi Dương Lịch soạn, ghi chép về địa thế, phong tục, danh thắng, nhân vật đất Nghệ An.
20. Hưng Hóa kí lược 興化記略, Phạm Thận Duật, tự Quan Thành biên soạn và viết tựa năm Tự Đức Bính Thìn (1856), 3 bản viết, A.91, A.1429, A.620 (có tên Hưng Hóa địa chí 興化地志). Ghi lịch sử và địa lí tỉnh Hưng Hóa và chữ viết, tiếng nói của người địa phương, v.v...
21. Hưng Hóa tỉnh phú興化省賦, Vũ Phạm Hàm soạn năm Thành Thái thứ 9 (1897), 2 bản viết, A.1055, A.471 (có tên Hưng Hóa phú 興化賦). Bài phú về địa lí, lịch sử, tỉnh Hưng Hóa.
22. Hưng Hóa xứ phong thổ lục興化處風土錄, Đốc đồng tỉnh Hưng Hóa Hoàng Bình Chính soạn năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778), 2 bản viết, A.90/a-b, A.974. Ghi địa lí xứ Hưng Hóa.
23. Hưng Yên tỉnh nhất thống chí興安省一統志, soạn năm Đồng Khánh Đinh Hợi (1887), 1 bản viết, A.963. Ghi địa lí tỉnh Hưng Yên.
24. Lạng Sơn Đoàn thành đồ諒山團城圖, Nguyễn Hi Tư soạn năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758), 1 bản viết, A.1220. Ghi địa lí và lịch sử thành Lạng Sơn.
25. Nam Định tỉnh địa dư 南定省地輿, Nguyễn Như tự Ôn Ngọc biên tập năm Thành Thái thứ 5 (1893), 1 bản viết, A.609. Ghi địa lí tỉnh Nam Định.
26. Nghệ An kí 乂安記, Bùi Dương Lịch soạn, 1 bản in, VHv.1713/1-2. Tập địa chí do Bùi Dương Lịch soạn, gồm địa phận, sông núi, danh nhân, v.v... tỉnh Nghệ An.
27. Ninh Bình sự tích 寧平事蹟, Nguyễn Văn Nhượng và Nguyễn Văn Quí biên tập năm Thành Thái thứ 5 (1893), 1 bản viết, A.1406/1. Ghi địa lí và lịch sử cả phủ, huyện thuộc tỉnh Ninh Bình.
28. Ninh Bình tỉnh chí 寧平省誌, 2 bản viết, A.1268 và A.1112. Ghi địa lí tỉnh Ninh Bình: vị trí, địa phận của tỉnh thay đổi qua các triều đại.
29. Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện 寧平全省地誌考辨, Nguyễn Tử Mẫn biên tập năm Tự Đức thứ 15 (1862), 1 bản viết, A.922. Khảo cứu, giới thiệu địa lí tỉnh Ninh Bình.
30. Phú Thọ tỉnh địa dư 富壽省地輿, Giáo thụ họ Trần biên soạn, chép năm Thành Thái thứ 5 (1893), 1 bản viết, A.1937. Ghi địa lí các huyện Sơn Vi, Thanh Ba, Tam Nông, Cẩm Khê, Thanh Thủy thuộc tỉnh Phú Thọ. Xem thêm Phú Thọ tỉnh tổng xã danh hiệu trong bản VHv.1365.
31. Phủ Man tạp lục撫蠻雜錄, Ôn Khê Nguyễn Tử Vân biên tập và viết tựa năm Tự Đức Tân Mùi (1871), khắc in tại Thạch Trụ Quãng Ngãi năm Thành Thái Mậu Tuất (1898), 4 bản in là VHv.1239, VHv.1735, VHv.1736, A.688 và 1 bản viết A.2698. Ghi việc bình định vùng dân tộc ít người thuộc miền Tây Quảng Ngãi dưới thời Tự Đức, như: biên giới, sông núi, phong tục, ngôn ngữ, văn tự, v.v...
32. Quảng Nam tỉnh phú廣南省賦, 1 bản viết, A.3121. Bài phú về địa lí tỉnh Quảng Nam.
33. Sơn Tây dư đồ山西輿圖, 1 bản viết, VHv.1366. Ghi địa lí tỉnh Sơn Tây.
34. Sơn Tây địa chí山西地誌, 1 bản viết, A.2503. Ghi địa lí tỉnh Sơn Tây.
35. Sơn Tây quận huyện bị khảo山西郡縣備考, 2 bản viết, A.2217, A.1956. Khảo về địa lí tỉnh Sơn Tây.
36. Sơn Tây thành trì tịnh Vĩnh Yên hạt sự tích山西城池並永安轄事跡, 1 bản viết, A.84. Ghi địa lí tỉnh Sơn Tây và hạt Vĩnh Yên.
37. Sơn Tây tỉnh chí thượng tập山西省誌上集, 1 bản viết, A.857. Ghi địa lí, lịch sử tỉnh Sơn Tây.
38. Sơn Tây tỉnh toàn hạt phủ huyện châu tổng xã thôn phường trang trại山西省全轄府縣州總社村坊庄寨, Nguyễn Lợi sao chép, 1 bản viết, A.83. Ghi địa lí tỉnh Sơn Tây.
39. Thái Bình phong vật chí 太平風物誌, 2 bản viết, A.1263 và A.2361. Ghi địa lí và lịch sử tỉnh Thái Bình.
40. Thái Bình tỉnh thông chí太平省通志, Tri phủ Phạm Văn Thụ soạn năm Thành Thái thứ 12 (1900), 2 bản viết, A.82, A.1754 (có tên là Thái Bình thông chí 太平通志). Ghi địa lí, lịch sử của tỉnh Thái Bình.
41. Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ昇龍古蹟考並繪圖, Mai Phong Đặng Xuân Khanh biên tập năm 1956, 1 bản viết, VHv.2471. Khảo về địa danh di tích xưa của Thăng Long (Hà Nội).
42. Thanh Hoa danh thắng lục清華名勝錄, 1 bản viết, A.2004. Ghi lịch sử, địa lí tỉnh Thanh Hoa (Thanh Hóa) và sự tích, truyền thuyết về 32 cảnh đẹp của tỉnh: núi Địch Lộng, núi Dục Thúy, thành Cổ Lộng, cửa Thần Phù, núi Bích Lam, động Từ Thức…
43. Thanh Hóa tỉnh chí清化省志, 2 bản viết, VHv.1715, A.3027(có tên Thanh Hóa tỉnh địa dư chí 清化省地輿志). Ghi địa lí, lịch sử tỉnh Thanh Hóa.
44. Tuyên Quang tỉnh phú宣光省賦, soạn năm Tự Đức thứ 14 (1861), 4 bản viết, A.964, A.1054, A.1055, VHv.1392 (có tên Tuyên Quang tỉnh phú 宣光省賦 và Hưng Hóa tỉnh phú 興化省賦). Bài phú lược kể về địa lí, lịch sử của tỉnh Tuyên Quang và Hưng Hóa.
45. Tuyên tỉnh hành trình ngâm khúc宣省行程吟曲,1 bản viết, AB.494. Khúc ngâm của một viên quan lên nhậm chức ở huyện Yên Bình tỉnh Tuyên Quang về địa lí, phong tục, cảnh vật và con người ở miền này.
46. [Vô đề], 1 bản viết, A.500. Địa lí và lịch sử của 3 phủ, 12 huyện thuộc tỉnh Thái Bình.
Như vậy, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách ghi chép về địa lí các tỉnh ở Việt Nam có 46 tên sách, trong đó tỉnh Sơn Tây có 6 tác phẩm (nhiều nhất). Xét về đặc điểm văn bản chúng ta thấy: sách in 2 tác phẩm, sách chép tay 44 tác phẩm, sách có ghi niên đại 32 tác phẩm (trong đó thời Lê 1 tác phẩm và thời Nguyễn 31 tác phẩm), sách không ghi niên đại 14 tác phẩm, sách ghi tác giả 22 tác phẩm (trong đó Trần Danh Lâm có 2 tác phẩm), sách không ghi tác giả 24 tác phẩm.
c/ Loại huyện chí (hoặc phủ chí), có 19 tác phẩm
1. Cam Lộ phủ chí甘露府志, 1 bản viết, A.98. Ghi địa lí phủ Cam Lộ tỉnh Quảng Trị.
2. Can Lộc huyện phong thổ chí thuyết 干祿縣風士誌說, Lưu Công Đạo biên tập theo yêu cầu của Ngô Nhân Tỉnh, 2 bản viết, VHv.1190, VHv.1368 (sao lại từ bản VHv.1190). Ghi địa lí huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh.
3. Chí Linh phong cảnh至靈風景, 1 bản viết, VHv.167. Ghi phong cảnh, nhân vật, thổ sản, phong tục, v.v... huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
4. Chương Mỹ An Đức nhị huyện địa dư chí章美安德二縣地輿誌, 1 bản viết, A.1615. Ghi địa lí hai huyện Chương Mĩ và An Đức tỉnh Hà Tây.
5. Đông Triều huyện chí 東潮縣志, 1 bản viết, A.1942. Ghi địa lí huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh).
6. Đông Triều huyện phong thổ chí 東潮縣風土記, 1 bản viết, A.1637. Lịch sử, địa lí huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh).
7. Đường Hào huyện phong vật tổng ca 唐毫縣風物總歌, soạn năm Gia Long thứ 10 (1811), 1 bản viết, A.591. Bài ca bằng chữ Hán, thể lục bát nói về lịch sử, địa lí huyện Đường Hào tỉnh Hưng Yên.
8. Hoàn Long huyện chí 環龍縣志, Huấn đạo huyện Hoàn Long là Hoàng Đặng Quýnh soạn năm Duy Tân thứ 5 (1911), 1 bản viết, A.99. Địa lí huyện Hoàn Long.
9. Kim Anh huyện địa dư chí金英縣地輿志, Lê Khắc Hi biên tập năm Duy Tân thứ 4 (1901), 1 bản viết, A.841. Ghi địa lí huyện Kim Anh tỉnh Vĩnh Phúc.
10. Lục Nam địa chí陸南地誌, 1 bản viết, A.2037. Ghi địa lí 3 huyện Đông Triều, Chí Linh và Lục Ngạn.
11. Quỳnh Lưu phong thổ kí Quỳnh Đôi hương biên 瓊琉風土記瓊堆鄉編, Bùi Chúc Dư sưu tầm, Hồ Mĩ Hiệu biên tập lại năm Gia Long thứ 3 (1804), 1 bản viết, VHv.1377. Ghi địa lí, phong tục, v.v... của huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An.
12. Tạp văn雜文, 1 bản viết, A.3177. Chépnhững bài phú về địa lí, lịch sử phủ Thọ Xương và Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa.
13. Tiên Hưng phủ chí 先興府志, Phạm Nguyễn Hợp soạn. Chép lại theo bản năm Quý Mùi, 1 bản viết, A.3167. Ghi địa lí phủ Tiên Hưng tỉnh Thái Bình.
14. Thanh Chương huyện chí清章縣志, Tri huyện Nguyễn Điển soạn, 2 bản viết, A.97 và VHv.2557 (do Đặng Công Luận chép vào năm 1963 theo bản chính). Ghi địa lí, lịch sử huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An.
15. Thanh Hoa Vĩnh Lộc huyện chí 清華永祿縣誌, Lưu Công Đạo soạn năm Gia Long thứ 15 (1816), 2 bản viết, VHv.1371/a, VHv.1371/1-2, (chép lại năm Bảo Đại thứ 20 (1945) theo bản VHv.1371/a). Ghi địa lí, lịch sử huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa.
16. Tứ Kì địa dư phong vật chí四崎地輿風物志, Nguyễn Năng Tấu soạn, 1 bản viết, VHv.166. Ghi địa lí, v.v... huyện Tứ Kì tỉnh Hải Dương.
17. Việt dư phong vật tổng ca chú giải toàn tập越輿風物總歌註解全集, 1 bản viết, A.1041. Trường ca (thể thất ngôn) về núi sông, danh nhân, phong tục, v.v... của huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương. Trường ca (thể lục bát) về núi sông, danh nhân, phong tục của huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương.
18. Vĩnh Lộc huyện phong thổ chí永祿縣風土誌, Lưu Công Đạo soạn năm Gia Long thứ 15 (1816), 1 bản viết, A.2537. Ghi địa lí và con người huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa.
19. Vĩnh Tường phủ địa dư chí 永祥府地輿誌, 1 bản viết, A.1868. Ghi địa lí, lịch sử phủ Vĩnh Tường.
Như vậy, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách ghi chép về địa lí các tỉnh ở Việt Nam có 19 tên sách. Xét về đặc điểm văn bản chúng ta thấy: sách in không có tác phẩm nào, sách chép tay 19 tác phẩm, sách có ghi niên đại 10 tác phẩm (trong đó đều thuộc thời Nguyễn), sách không ghi niên đại 9 tác phẩm, sách ghi tác giả 9 tác phẩm (trong đó Lưu Công Đạo có 3 tác phẩm), sách không ghi tác giả 10 tác phẩm.
d/ Loại xã chí, có 4 tác phẩm
1. Dương Liệt xã địa dư楊烈社地輿, Châu Khê chủ nhân Từ thị soạn năm Duy Tân thứ 2 (1908), 1 bản viết, A.2928. Ghi chép diên cách, địa thế, phong tục, đền chùa, nhân vật, v.v... xã Dương Liệt tỉnh Bắc Ninh.
2. Đông Ngạc xã chí東鄂社誌, 1 bản viết, A.2356. Địa chí xã Đông Ngạc gồm các mục: địa lí phong thủy, văn bia đền miếu, quán chợ, nghề nghiệp, khoa bảng, v.v... và một số nội dung khác.
3. Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên瓊堆古今事蹟鄉編Hồ Phi Hội biên tập, 1 bản viết, A.3154. Ghi địa lí và lịch sử của xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An.
4. Trà Lũ xã chí茶縷社誌, Lê Văn Nhung biên tập, in năm Duy Tân Bính Thìn (1916), 1 bản viết, VHv.2454. Ghi lịch sử, địa lí, tục lệ, v.v... xã Trà Lũ huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định.
Như vậy, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách ghi chép về địa lí các xã ở Việt Nam có 4 tên sách. Xét về đặc điểm văn bản chúng ta thấy: sách in không có tác phẩm nào, sách chép tay 4 tác phẩm, sách có ghi niên đại 3 tác phẩm (trong đó đều thuộc thời Nguyễn), sách không ghi niên đại 1 tác phẩm, sách ghi tác giả 3 tác phẩm, sách không ghi tác giả 1 tác phẩm.
e/ Loại thôn chí, có 1 tác phẩm
1. An Hội thôn chí 安會村誌 do Bùi Tồn Trai tức Bùi Dương Lịch (1758 - 1828) soạn, 2 bản viết, VHv.1361, A.3152. Ghi chép về địa lí thôn An Hội huyện La Sơn tỉnh Nghệ An.
III. MỘT SỐ NHẬN XÉT
1. Về đặc điểm văn bản
- Về số lượng tác phẩm: trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện đang lưu giữ những tài liệu ghi chép về dư địa chí Việt Nam (bao gồm quốc chí và địa phương chí) có tổng số 158 tác phẩm, trong đó có tác phẩm chỉ với 1 văn bản, có tác phẩm với nhiều dị bản (như Lịch triều hiến chương loại chí có đến 14 bản chép tay, còn Trung học Việt sử toát yếu có đến 22 bản in) và cũng có tác phẩm với nhiều tên gọi khác nhau (như Nam Việt dư địa chí có các tên là Đại Việt địa dư chí, Nam quốc vũ cống, An Nam vũ cống, Lê triều cống pháp). Tuy nhiên con số này chắc chắn chưa dừng lại ở đây, khi có điều kiện tìm hiểu và khảo sát kĩ hơn kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Một đặc điểm văn bản nữa cần lưu ý là, trong tổng số 158 tác phẩm, chỉ có 10 tác phẩm được in, còn lại 148 tác phẩm là sách chép tay (chiếm khoảng 95%, trong đó có những bộ sách rất quan trọng, như Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí hay Phủ biên tạp lục).
- Về niên đại văn bản: trong tổng số 158 tác phẩm, có 101 tác phẩm xác định được niên đại, trong đó: thời thuộc Minh 1 tác phẩm, Lê sơ 1 tác phẩm, thời Mạc 1 tác phẩm, thời Lê Trung hưng 3 tác phẩm và thời Nguyễn là 95 tác phẩm (chiếm khoảng 95%); còn lại 57 tác phẩm chưa xác định rõ niên đại.
- Về tác giả tác phẩm: trong tổng số 158 tác phẩm, có 72 tác phẩm ghi tác giả biên tập hoặc biên soạn (tuy nhiên cũng có tác giả tác phẩm cần được xem xét thêm như trường hợp sách Giao Châu dư địa chí), còn 86 tác phẩm không ghi tác giả. Trong số 72 tác giả, có những tác giả khoa bảng nổi tiếng, như Lê Quí Đôn, Nguyễn Văn Siêu, Phạm Đình Hổ, Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú, Phạm Thận Duật, Đặng Xuân Bảng, v.v.. và có những người biên soạn vài tác phẩm, như Lương Thúc Đàm, Trần Danh Lâm, v.v...
- Về thể loại: tuy là những tác phẩm ghi chép về lịch sử địa lí, nhưng về thể văn cũng hết sức phong phú. Tài liệu dư địa chí Hán Nôm chủ yếu sáng tác theo thể văn xuôi, nhưng cũng có một số tác phẩm sáng tác theo thể thơ và văn vần, thơ có 3 tác phẩm (trong đó 1 tác phẩm sáng tác bằng chữ Nôm thể song thất lục bát, 1 tác phẩm thể lục bát, 1 tác phẩm thể ngũ ngôn) và thể phú có 5 tác phẩm. Cũng có tài liệu dư địa chí biên soạn theo hình thức sách giáo khoa, có 3 tác phẩm. Văn tự viết các tài liệu dư địa chí Hán Nôm chủ yếu bằng chữ Hán, chữ Nôm cũng được sử dụng nhưng rất ít.
2. Về nội dung văn bản
Tài liệu địa dư chí Hán Nôm là nguồn tài liệu phong phú, rất có giá trị và phản ánh nhiều mặt về lịch sử, địa lí, danh nhân, danh tích, văn hóa, sản vật, con người và phong tục tập quán, v.v.. của quốc gia và địa phương. Nguồn tài liệu dư địa chí Hán Nôm đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm sử dụng để biên khảo các công trình khoa học về Việt Nam học, lịch sử địa lí Việt Nam, phong tục tập quán Việt Nam, danh nhân Việt Nam, v.v... và địa chí các địa phương. Đã có khá nhiều công trình khảo cứu, biên dịch, giới thiệu tài liệu dư địa chí Hán Nôm ở trong nước và ngoài nước. Có nhiều tác phẩm được sử dụng như là những căn cứ pháp lí về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở biển Đông, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi xin nêu một số tác phẩm làm ví dụ:
- Tác phẩm Phủ biên tạp lục do Lê Quí Đôn soạn và viết tựa năm Lê Cảnh Hưng thứ 37 (1776) khi ông giữ chức Hiệp trấn hai xứ Thuận Quảng, đã viết về Hoàng Sa như sau: “Ngoài cửa biển lớn thuộc xã An Vĩnh(7) huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi có núi tên là Cù Lao Ré, rộng chừng hơn 30 dặm. Trước đây có ruộng đậu của cư dân phường Tư Chính. Đi ra biển, chừng bốn canh giờ là có thể đến (Cù Lao Ré)(8), bên ngoài Cù Lao Ré có đảo Đại Trường Sa. Trước đây có nhiều thuyền chở hải vật buôn bán, nên (triều đình) lập đội Hoàng Sa để thu lượm các hải sản đó.” - (廣義府平山縣安永社大海門外有山名劬勞薙,廣可三十餘里.舊有四正坊民居豆田.出海四更可到,其外有大長沙島.舊多海物舶貨,立黃沙隊以採之)(9). Và ở một trang khác Lê Quí Đôn cũng viết như sau: “Xã An Bình huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi ở gần biển, phía Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo, các núi nằm rải rác có đến hơn 130 ngọn, giữa các núi là biển, các núi cách nhau đi chừng một ngày đường hoặc vài canh giờ. Trên núi có suối nước ngọt, trên đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn ba mươi dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong tận đáy. Bên vách đảo có nhiều tổ chim yến, số chim có đến nghìn vạn con, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh...(10) Các phiên thuyền gặp gió lớn phần nhiều bị hỏng ở đây. Trước đây họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, luân phiên nhau hàng năm cứ vào tháng ba(11) nhận mệnh đi làm sai dịch, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển, ba ngày ba đêm mới đến đảo này... Chúa Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải không có định suất, hoặc lấy người thôn Tứ Chính, hoặc người xã Cảnh Dương phủ Bình Thuận, ai tình nguyện thì cấp giấy sai cho đi... lại truyền ghép vào đội Hoàng Sa kiêm quản... người đi thuyền thường gặp thuyền đánh cá Bắc quốc, có chào hỏi nhau giữa biển.”- (廣義府平山縣安平社居近海,海外之東北有島嶼焉,群山零星一百三十餘頂,間山有海,相隔或一日或數更.山上間有甘泉,島之中有黃沙渚,長約三十餘里,平坦廣大,水清徹底.島旁燕窩無數,眾鳥以千萬計,見人環集不避... 諸藩舶多遭風壤於此.前阮氏置黃沙隊七十率,以安永人充之,輪番次取歲以三月受示行差,齎六月糧,駕小釣船五隻出洋,三日三夜始至此島... 阮氏又置北海隊無定率,或平順府四正村人,或景陽社人,有情願者,付示行差... 亦命該黃沙隊宮併管... 船人時遇北國漁舟,洋中相問...)(12)
- Tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú soạn năm 1821, phần Dư địa chí, mục phủ Tư Nghĩa tỉnh Quảng Nam có đoạn viết: “Xã An Vĩnh huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi xưa là phủ Tư nghĩa ở gần biển, phía Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo, các núi liên tiếp có đến 130 ngọn. Giữa các ngọn núi ra biển ước chừng một ngày, hoặc vài canh. Dưới núi có suối nước, trong đảo có bãi cát vàng dài chừng 30 dặm bằng phẳng rộng rãi, nước trong suốt tận đáy... Các đời chúa Nguyễn trước đây, đã đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh thay phiên nhau đi lấy hải vật.”- (廣義省旧思義府平山縣安永社居近海,海外東北有島璵焉,群山重疊一百三十嶺.山间出海約隔一日, 或數更.山下有林泉,島之中有黃沙渚,長約三十里,平坦廣大水清徹底... 前王歷朝,置黃沙隊七十率,以安永人輪番採取)(13).
- Tác phẩm Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1882, tại Quyển 6, mục tỉnh Quảng Ngãi, phần Hình thế, có viết: “Phía Đông tỉnh hạt có dải cát nằm ngang [tức đảo Hoàng Sa] liền biển dùng làm hào, phía Tây có núi cao tạo ra lũy dài vững vàng, phía Nam liền đèo Thạch Tân tỉnh Bình Định tạo thế chắn ngang, phía Bắc có ghềnh Sa Thổ tỉnh Quang Nam dùng làm giới hạn.” - (省轄東橫沙[黃沙島](14)連海以為池.西控山蠻砌長壘以為固,南鄰平定石津崗乃為衝,北接廣南沙土灘為之限)(15). Và ở phần Núi sông, có đoạn viết: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông đảo Lí Sơn thuộc huyện Bình An, từ bờ biển Sa Kì đi thuyền ra biển thuận gió thì khoảng ba bốn ngày đêm có thể đến đảo. Quần đảo có đến hơn 130 đảo nhỏ, thỉnh thoảng có ngọn tựa lưng ra biển, cách nhau chừng một ngày đường hoặc mấy canh giờ. Trên đảo có bãi cát vàng, kéo dài đến mấy ngàn dặm, bằng phẳng rộng rãi, tục gọi là Vạn lý Trường Sa... Hồi đầu lập quốc (triều Nguyễn), đặt đội Hoàng Sa có 70 người, lấy dân xã An Bảo sung vào, hàng năm cứ tháng ba là ra biển lấy hải vật... Lại đặt đội Bắc Hải đều do đội Hoàng Sa kiêm quản đi khắp các đảo thăm dò tìm kiếm hải vật ở các đảo... Đến đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, được ít lâu thì bỏ. Đầu đời Minh Mệnh thường sai thuyền nhà nước đến đấy thăm dò đường biển, thấy có một cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối um tùm. Trong cồn có giếng nước, phía Tây Nam có ngôi miếu cổ dựng từ thời nào không rõ, có bia khắc bốn chữ “Vạn lí ba bình” (Muôn dặm sóng yên).” - (黃沙島在平安縣里山島之東,自沙奇海放洋順風三四日夜可至其島.群山零一百三十餘頂間出背海相隅或一日或數更.島之中有黃沙州延褒不知幾千里平坦廣大俗稱萬里長沙...國初置黃沙隊安保民充之歲以三月出洋探海物...又置北海隊全黃沙隊兼管通行諸島覓探海物...嘉隆倣舊例置黃沙隊後尋止.明命初常遣官船至其處探放海程有一處白沙堆周一千七千丈樹木森茂.堆之中有井西南有古廟不知何代所造廟碑刻萬里波平四字)(16).
- Tác phẩm Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông soạn năm Tự Đức thứ 30 (1877) viết: “Vạn lí Trường Sa ở đảo Lí Sơn tỉnh Quảng Ngãi, đi thuyền về hướng Đông hết ba ngày đêm có thể đến. Nước Đại Việt Nam ta ban đầu thường chọn đinh tráng thuộc hai hộ An Vĩnh và An Hải đưa vào đội Hoàng Sa đi tìm kiếm hải vật. Hàng năm tháng hai đi, tháng tám về. Bãi cát từ phía Đông về phía Nam, chỗ nổi chỗ chìm, không biết mấy trăm ngàn dặm. Trong đó có chỗ nước sâu, thuyền có thể đậu được. Trên bãi có nước ngọt, chim biển nhiều loài không biết tên, có ngôi miếu cổ lợp ngói, có biển khắc 4 chữ “vạn lí ba bình” không biết dựng từ đời nào.” - (萬里長沙在廣義省里山島,望東開舟三晝夜可至.我大越南國初常揀安海安永二户丁壯置黃沙隊採取海物.歲二月往,八月歸.沙洲自東而南,一起一伏,不知幾千百里.中有深澳,舟可灣泊.洲上出甜水,海鳥多不知名,有古庙瓦盖,扁額刻萬里波平四字不知何代所建)(17).
- Tác phẩm Địa dư lược chí (không rõ niên đại) cũng viết: “Vạn lí Trường Sa (trích từ Việt sử cương giám) đối diện với phía Nam biển tỉnh Quảng Đông đến vùng biển Thất châu thuộc địa phận Quỳnh châu, Vạn châu của nhà Thanh. (Vạn lí Trường Sa) từ phía Đông về phía Nam, các đảo nhấp nhô liên tiếp không biết bao nhiêu dặm. Trong đó có chỗ nước sâu có thể làm nơi neo đậu thuyền. Trên bãi có nước ngọt, có miếu cổ, cây cối rậm rạp, có biển đề 4 chữ 'Vạn lí ba bình' không biết làm từ đời nào.” - (萬里長沙(出越史剛鑑)南對自廣東省洋至七洲洋,屬清瓊州萬州地分.自東而南,一起一伏不知幾千里.中有深澳角可停泊.州上有甜水,有古廟,芃芃蓋,扁額刻萬里波平四字不知何代所建)(18).
Ngoài ra, còn khá nhiều tài liệu Hán Nôm không phải dư địa chí, như tài liệu bản đồ, thực lục, cương mục, v.v... cũng ghi chép về biển Đông, về Hoàng Sa và Trường Sa. Hay tại các thư viện khác, các trung tâm lưu trữ, các tủ sách tư gia cũng lưu giữ tài liệu Hán Nôm ghi chép về biển Đông, về Hoàng Sa và Trường Sa. Sắp tới Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ tổ chức biên tập Thư mục Hán Nôm chuyên đề (bao quát tất cả các tài liệu hiện có ở trong nước và nước ngoài) ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong nhiều năm qua Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã tập trung nghiên cứu, dịch thuật tài liệu Hán Nôm nói chung và tài liệu dư địa chí Hán Nôm nói riêng. Về tài liệu địa phương chí Hán Nôm, Viện đã giao cho PGS.TS. Đinh Khắc Thuân tổ chức sưu tập, chỉnh lý và dịch chú các tác phẩm thuộc một số tỉnh phía Bắc, như: Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn Tây, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An (tên gọi địa lí hành chính thời Nguyễn). Năm 2008, đã xuất bản hai tập địa chí Hán Nôm thuộc tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương; số tài liệu địa phương chí Hán Nôm của các tỉnh khác sẽ được tiếp tục biên dịch, chỉnh lý và xuất bản trong những năm tiếp theo.
Để nghiên cứu, khai thác tốt hơn nguồn tài liệu Hán Nôm mà ông cha để lại (nhất là tài liệu dư địa chí), phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần nghị quyết của Đảng và chủ trương của Nhà nước; Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ xây dựng chương trình tổng thể về khai thác, biên dịch và giới thiệu tài liệu Hán Nôm. Tin tưởng rằng, nhiều tư liệu Hán Nôm sẽ được nghiên cứu, chỉnh lý, biên dịch một cách có hệ thống và công bố, giới thiệu, nhằm xã hội hóa tài liệu Hán Nôm đến đông đảo người Việt Nam.
Chú thích:
(1), (2) Trần Nghĩa: Dư địa chí, truyền bản và thể loại, Tạp chí Hán Nôm, số 1-1986.
(3) Tạ Ngọc Liễn: Tìm hiểu thể loại địa chí, Nghiên cứu Lịch sử, số 6, 1986.
(4) Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, Trần Nghĩa - François Gros (đồng chủ biên), Nxb. KHXH, H. 1993.
(5) Chân thành cảm ơn Vương Thị Hường, Nguyễn Ngọc Yến, Trần Thị Xuân Phương và Phạm Hương Lan đã cùng chúng tôi thực hiện việc đối chiếu này.
(6) Vấn đề văn bản cần được khảo kỹ càng.
(7) Tên xã ghi không thống nhất, có chỗ ghi là An Bình, có tài liệu ghi là An Bảo.
(8) Những chữ trong ngoặc đơn ( ) chúng tôi thêm vào cho rõ nghĩa.
(9) 撫邊雜錄, kí hiệuA.184/1, q.2, tờ 24a.
(10) Những... chỉ đoạn chúng tôi lược bỏ.
(11) Có tài liệu ghi tháng hai.
(12) 撫邊雜錄, sđd, tờ 27a - 29a.
(13) 歷朝憲章類誌, kí hiệu A.1551/1, q.2, tờ 6b - 7b.
(14) Ba chữ này viết nhỏ hơn, chúng tôi thêm dấu [ ] vào để phân biệt.
(15) 大南一統志卷之六,kí hiệu A.69/9, 刑勢,tờ 3a.
(16) 大南一統志卷之六,kí hiệu A.69/9, 山川,tờ 14b-15a.
(17) 越史綱鑑考略, kí hiệu VHv.1319/2, tờ 13a-13b.
(18) 地輿略志, kí hiệu, A.1774, tờ 15a./.
* Một số đoạn trích dịch về Hoàng Sa và Trường Sa, chúng tôi có tham khảo các bản dịch trước đây.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (94) 2009; Tr. 11-28)
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1632&Catid=158
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.