Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/01/2023

Bài văn bia viết năm 1578 (Diên Thành 1) của Trạng Trình cho chùa Tam Giáo ở Thái Bình

Một tấm bia quí giá. Trạng Trình viết bia khi đã gần 90 tuổi.

Đặc biệt, với tư cách là một nhà Nho tiêu biểu của nhà Mạc lúc bấy giờ, Trạng Trình có tóm tắt giải thích về đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho. Lời giải thích rất ngắn gọn nhưng thú vị.

Chùa Tam Giáo lúc đó hiện ở huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình.

Bản dịch và diễn giải của hai học giả Hán Nôm, đã đăng trên số 1 năm 1990 của Tạp chí Hán Nôm.

Tháng 1 năm 2023,

Giao Blog


---

BÀI VĂN BIA GHI VIỆC TẠC TƯỢNG TAM GIÁO, CHÙA CAO DƯƠNG CỦA TRÌNH QUỐC CÔNG

VŨ TUẤN SÁN
ĐINH KHẮC THUÂN


Trình Quốc Công là tên tước của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) một nhà nho kiệt xuất ở nước ta vào thế kỷ XVI. Trứ tác của ông nhiều; tác phẩm hiện biết phần lớn do đời sau sưu tập lại. Bài văn bia ghi việc tạo tượng Tam giáo chùa Cao Dương được viết vào những năm cuối đời ông và khắc lên bia đá lưu truyền đến ngày nay.

Bia dựng sát hậu cung chùa Cao Dương thuộc xã Cao Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình(1), cách quê Trạng Trình không xa. Bia dẹt, cao 100cm, ngang 65cm. Trán bia là hình bán nguyệt, ở trung tâm chạm mặt nguyệt to tròn, có nhiều tua mây. Hai bên là hai hình rồng chầu, thân ngắn, đuôi mập. Giữa trán bia và thân bia là một đường viền, trên khắc tên bia: “Tam giáo tượng minh bi” và đôi rồng đối xứng nhiều khúc. Hình rồng này bắt gặp nhiều trên đồ gốm thời Mạc, tiếp nối truyền thống thời Lý - Trần - Lê sơ. Dưới nữa là một đường viền nhỏ trang trí những cánh sen nối tiếp nhau. Hai đường diềm hai bên chạm hoa dây uốn lượn đều đặn. Điểm vào các khoang uốn khúc đã là những móc câu xoắn ngược chiều nhau. Đường diềm chân bia trang trí hoa sen. Kỹ thuật chạm khắc, chủ đạo là khắc chạm, thường thấy trên bia thời Mạc. Nét khắc mềm mại, tinh tế, thợ khắc là nhóm thợ dân gian thuộc huyện Vĩnh Lại: Phạm Mô, Đỗ Đình Viện và Nguyễn Tăng Vinh.

Bài văn bia được viết bằng chữ Hán. Chữ khắc chân phương, nét khắc mảnh phóng khoáng. Có đôi chữ bị mờ, song vẫn có thể khôi phục được. Bia gồm 26 dòng, dòng nhiều chữ nhất là 36 chữ, cả thảy là 570 chữ. Bài văn bia có mấy điểm đáng chú ý:

1. Về thời xuất hiện: Lạc khoản cho biết văn bia được viết và khắc vào năm đầu niên hiệu Diên Thành (1578 - 1585) thời chúa Mạc Mậu Hợp (1562 -1592). Văn bia dùng từ “sơ niên”, có nghĩa là năm đầu, thay cho từ “nguyên niên” thường được dùng. Từ “sơ niên” này cũng chỉ được dùng ở một số niên hiệu thời Mạc từ Quảng Hòa đến Hồng Ninh (1541 - 1591). Số khác vẫn dùng từ “nguyên niên”. Có trường hợp, chữ “nguyên” đã được viết bớt nét đầu và thêm ba dấu nháy ở trên như bia chùa Nả, thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vỡ, ngoại thành Hà Nội. Có lẽ đây là một trường hợp kỵ húy dưới triều Mạc.

2. Về người viết văn bia, Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm: Văn bia ghi “ất Mùi khoa Tiến sĩ cập đệ”. Tiến sĩ cập đệ chỉ học vị Tiến sĩ đệ nhất giáp gồm đệ nhất danh (Trạng nguyên), đệ nhị danh (bảng nhãn), đệ tam danh (thám hoa). Khoa ất Mùi thời Mạc Đại Chính (1535) Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất giáp, đệ nhất danh tức Trạng nguyên, sau được phong Trình Quốc Công nên thường gọi Trạng Trình. Đỗ dưới ông còn hai vị Bảng Nhãn (Bùi Doãn Dốc), Thám hoa (Nguyễn Thừa Hưu). ở đây vì khiêm nhường hay vì lẽ nào khác, ông chỉ ghi Tiến sĩ “cập đệ” .

Văn bia viết năm 1578, lúc ông đã 87 tuổi, 7 năm trước khi mất. Đúng là bài văn bia khắc trên đá hiếm thấy của vị trạng nguyên nổi tiếng. Ngoài bài này, hiện nay chúng ta chỉ biết có bài nữa của ông là Trung Tân quán bi minh trên tấm bia Trung Tân ở quê ông tại làng Trung An huyện Vĩnh Lại nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng. Tấm bia này nay không cần, chỉ được biết qua Hoàng Việt Văn tuyển do Bùi Huy Bích chép lại vào cuối thế kỷ XVIII.

3. Về nội dung văn bia: Bài văn bia ghi việc dựng tượng ở ngôi chùa Tam giáo (Nho, Phật, Lão) lưu hành ở nước ta từ lâu đời. Sử ký chép năm 1195 dưới triều Lý đã tổ chức kỳ thi Tam giáo(2) để chọn người ra làm việc. Trong dân gian, ba đạo trên thường được thờ phụng riêng biệt. Đạo Phật có chùa, đạo Lão có quán hay cung; Đạo Nho có văn miếu, văn từ, văn chỉ… Thông thường trong các chùa thờ Phật, có thêm điện hay am để thờ phụng về đạo giáo. Nhưng chùa thờ cả Tam giáo thường ít thấy. Cũng ở thời Mạc vào những năm cuối thế kỷ XVI dựng một ngôi chùa lấy tên là Tam giáo (Tam giáo tự) thuộc xã Đại Phụng, huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội(3). Bài văn bia chùa này cho biết: “chùa mang tên Tam giáo chưa từng gặp” (Sáng tự dĩ Tam giáo danh giả vị hữu giã). Như vậy chùa Tam giáo đã hiếm, văn bia của chùa Tam giáo lại càng hiếm. Có lẽ đây là một trong hai bài văn bia duy nhất hiện biết viết về chùa Tam Giáo. ở mấy dòng đầu, thấy nói chùa có từ những năm Thuận Thiên. Không rõ niên hiệu Thuận Thiên của Lý Thái Tổ là (1010 - 1028) hay của Lê Thái Tổ (1428 - 1433); và cũng không nói rõ chùa này từ ngày mới lập đã là chùa Tam Giáo chưa? Dù sao ta cũng có thể khẳng định ít nhất năm 1578 đã có chùa Tam giáo.

Văn bia cho thấy ngoài ba tượng Tam giáo, đức tượng ba vị tổ của Tam giáo (Thích Ca, Khổng Khâu, Lão Đam), đồng thời còn đúc thêm tượng Diệu Thiện. Đây là Diệu Thiện công chúa mà dân gian thường tôn xưng là Quan Thế Âm Bồ tát. Vị Bồ tát này cùng với Bồ Tát Phổ Hiền đứng hai bên Phật A di đà, vị Phật tiếp dẫn chúng sinh về thế giới cực lạc. Quan Thế Âm Bồ tát được coi là một vị Đại Bồ tát có tình yêu thương rộng lớn, sẵn sàng cứu vớt chúng sinh mỗi khi có tiếng kêu khổ đau vọng tới. Quan Thế Âm Bồ tát ở Thiên Trúc (ấn Độ) nguyên là nam giới, truyền sang á Đông đã trở thành công chúa Diệu Thiện coi như là tiền thân của Quan Thế Âm Bồ tát. Đức Phật bà quan âm nghìn mắt nghìn tay được coi là biểu tượng cho đức tính nhân ái hiền từ của phụ nữ, sẵn sàng cứu vớt đắc lực mọi chúng sinh đau khổ. Phụng thờ công chúa Diệu Thiện - Vị quan thế âm Bồ tát nữ giới cũng là một đặc sắc của Phật giáo Đại thừa nước Việt. Một điều thú vị nữa: văn bia còn cho ta thấy quan điểm của một vị Trạng nguyên, người phát ngôn tiêu biểu của Đạo Nho với Tam giáo. Trong sách Khóa hư lục, Trần Thái Tông khi bàn về phép tọa Thiền có dẫn việc tu luyện khi ngồi cả ba “Tam giáo thánh hiền” là Thích ca (Phật), Tử cơ (Đạo), và Nhan Hồi (Nho)(4). Bằng mấy câu, lời lẽ súc tích, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ghi đặc điểm và giá trị của ba hệ tư tưởng: Phật, Lão, Khổng và của cả Diệu Thiện. Sau đã ông đã quy vào một nền tảng đồng nhất “nhân bản”: mọi giáo lý trên đầu “tuân theo tính tự nhiên của con người để trau dồi đạo đức”. Và sáu câu minh cuối bài văn bia đã lấy nguyên văn câu mở đầu sách Trung dung kinh điển của Nho học, cho thấy nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm đã quy tụ Tam giáo làm một, và điểm quy tụ chính là đạo Khổng Mạnh.

Bài văn bia về tượng Tam giáo này đã được in rập trước năm 1945 và hiện lưu giữ tại kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bia có giá trị nhiều mặt, đặc biệt là cung cấp thêm tư liệu cho việc tìm hiểu văn tài và tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng như về tín ngưỡng Tam giáo trong lịch sử văn hóa của dân tộc.

Phiên âm:

TAM GIÁO TƯỢNG MINH BI
(Tu tạo Cao Dương tự Tam giáo tượng bi minh tịnh tự)

Thụy Anh, Cao Dương cổ chiêu đề, nẫm hữu linh ứng. Phật điện trang nghiêm, khởi nhân chiêm ngưỡng. Chung lầu cao sổ, túc nhân di văn. Sở hữu kỳ đảo, mị bất báo ứng. Thái Bình đệ nhất phúc địa, Bản xã hữu ngộ đạo ông, từ nhân bà Tư Thuận Thiên niên gian, thí điền thổ thất mẫu vi Tam Bảo vật. Kỳ lạc thiện chi tâm, nhân dân xưng đạo. Kim bản xã thiện sĩ Bùi Tử Trang, Nguyễn Lễ, Tống Mộc, Nguyễn Lãm đẳng, cập các sãi vãi tương dữ quyên tư, mệnh tưởng đạo Tam giáo tịnh Diệu Thiện kim tướng. Viên thành, khất lặc minh dĩ ký kỳ thực.

Dư diệc hữu hiếu thiện chi tâm, bất cảm từ nhiên dư Nho dã, ư Phật, Lão tuy vị thường văn, nhiên Quảng Lãm tích nghi sở luận diệc đắc nhất nhị ngạnh khái: Phật thị vị đạo, bản hồ minh kỳ sắc tâm, biện kỳ nhân quả. Lão tử vi đạo, bản hồ chuyên khí trí nhu, bão nhất thủ chân. Khổng Tử vi đạo, bản hồ đạo đức nhân nghĩa, văn hạnh trung tớn. Giai xuất tính dĩ vi tu đạo chi giáo. Dĩ phù Diệu Thiện dĩ thiện đắc danh, vụ phi tâm tính trung sở ngụ. Chư thiện sĩ quá năng khuếch sung thử thiện đạo, tuân thủ thử thiện giáo; bản chư thân dĩ trung ư nhân, tắc phúc khánh lưu vô cùng, bất kỳ công đức bất khả tư nghị, Nhân minh chư kiên mân dĩ thọ kỳ truyền.

Minh viết:

Thiên mệnh vị tính
Suất tính vị đạo
Bản chi ư tâm
Ngụ chi ư giáo
Di tượng hữu nghiễm
Trường thiên bất lão.
Bùi Tử Trang, Nguyễn Lễ...
Khiêm Thái vương Hoàng mị Nguyễn Thị Ngọc Hoa.

Diên Thành sơ niên nhị nguyệt cốc nhật. Tứ ất Mùi khoa Tiến sĩ cập đệ Trình Quốc Công trí sĩ Vĩnh Lại, Trung Am.

Nguyễn tự Hanh Phủ soạn.

Trụ trì bản tự tăng Huệ Hiện tả Vĩnh Lại, Tứ nhân Phạm mô Đỗ Đình Viện, Nguyễn Tăng Vinh san.

Dịch nghĩa:

BÀI VĂN BIA VÀ BÀI MINH VỀ TƯỢNG TAM GIÁO
(Lời thuật và bài bia minh việc tạo tượng Tam Giáo và sửa chùa Cao Dương)*

Thùa(1) cổ Tao Dương ở Thụy Anh(2) Linh ứng từ lâu. Điện Phật trang nghiờm khiến người ngửa trông thành kính. Gác chuông cao ngất, tiếng vang được nghe thấy từ xa. Đã cầu khấn, không có gì không được báo ứng. Đó là đất ban phúc(3) đệ nhất của Thái Bình(4).

Trong xã có những cụ ông hiểu sâu đạo lý, cụ bà nhân từ, vào những năm niên hiệu Thuận Thiên(5) đã cúng bảy mẫu ruộng làm của Tam bảo(6). Tấm lòng vui làm điều thiện người người ngợi khen. Nay lại có vị thiện sĩ(7) như Bùi Tử Trang, Nguyễn Lễ, Tống Mộc, Nguyễn Lãm... và các sãi vãi cùng nhau quyên góp tài sản, thuê thợ tạo tác tượng qui Tam giáo(8) và Diệu Thiện(9). Công việc xong xuôi, xin bài minh để ghi lại sự việc có thực này.

Tôi cũng có lòng thích điều thiện, không dám chối từ. Nhưng tôi là nhà nho. Tuy chưa được nghe thêu đáo về đạo Phật, đạo Lão; song đọc rộng, suy nghĩ những điều nghi hoặc, cũng nắm được một hai về luận thuyết này.

Đại loại đạo Phật gốc ở chỗ làm sáng sắc và tâm(10), phân biệt rõ nhân và quả(11). Đạo Lão chú trọng vào khí để tới chỗ mềm dẻo(12); nắm cái lý duy nhất giữ bản chất chân thực của mình(13), Đạo lý đức thánh Khổng gốc ở đạo đức nhân nghĩa, văn hạnh, trung tín(14) tất cả đều là giáo lý tuân theo tính tự nhiên con người mà tu dưỡng đạo đức; cùng với vị Diệu Thiện do lòng thiện mà được nổi tiếng chẳng phải là không xuất phát từ tâm tính con người. Các vị thiện sĩ ví như có thể mở mang con đường thiện, tuân theo và giữ gìn giáo lý làm điều tốt lành. Vững gốc ở bản thân mình để biểu lộ đối xử với người thì hạnh phúc tỏa rộng không cùng. Công đức ấy vượt ngoài mọi sự tưởng tượng và luận bàn. Nhân ghi vào đá cứng để truyền dài lâu. Bài minh rằng:

Trời ban cho là tính
Tuân theo tính là đạo(15)
Gốc vốn ở trong làng
Gửi vào lời huấn giáo
Tượng còn lại trong nghiêm
Trời mênh mông bất lão.

Bùi Tử Trang, Nguyễn Lễ… (lược 87 tên người khác) Hoàng mị Khiêm Thái vương Nguyễn Thị Ngọc Hoa.

(Ngày lành tháng hai năm đầu niên hiệu Diên Thành (1578). Tiến sĩ cập đệ khoa ất Mùi (1535) trí sĩ họ Nguyễn... Tự Hanh Phủ, tước Trình Quốc công, người xã Trung Am, huyện Vĩnh Lại soạn.

Trụ trì bản chùa, nhà sư tự là Huệ Hiện viết; Phạm mô, Đỗ Đình Viện, Nguyễn Tăng Vinh, người xã Tứ...(16) huyện Vĩnh Lại khắc bia.

CHÚ THÍCH

* Tu tạo: sửa sang và tạo dựng. Văn bia ghi việc cúng ruộng và chùa (khiến chùa tăng thêm quy mô) và tạo tượng cũng là sửa sang chùa. Nên đầu đề dịch tách ra như vậy cho hợp với nội dung văn bia.

1. Nguyên văn “Thiêu đề”: Tiếng Phạn có nghĩa là “bốn phương”. Đạo Phật mở khắp chốn nên người đi tu gọi là “chiêu đề tăng”, nơi tu gọi là “chiêu đề - tăng phòng”. Từ Ngụy Thái Vũ (thế kỷ V) gọi chùa là chiêu đề. (Theo Trung văn đại từ điển).

2. Nay thuộc xã Cao Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

3. Phúc địa: Cảnh đất phúc đức, tiếng xưng cảnh chùa chiền vì vùng nhà chùa là nơi sinh ra phúc đức (theo Phật học tự điển của Đoàn Trung Còn)

4. Tức Phủ Thái Bình, đương thời gồm bốn huyện: Quỳnh Côi, Phụ Dực, Đông Quan và Thụy Anh. Phủ Thái Bình thời Lê (Hồng Đức) thuộc xứ Sơn Nam, thời Mạc thuộc Dương Kinh (Hải Hưng). Thời Lê (Quang Hưng) trở lại xứ Sơn Nam (theo Đại Nam nhất thống chí).

5. Thuận Thiên là niên hiệu Lý Thái Tổ (1428-1433), ở đây có lẽ thuộc niên hiệu vua Lê.

6. Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. ở đây chỉ ngôi chùa.

7. Thiện sĩ: người từ tâm có đạo hạnh, ở đây chỉ người theo đạo Phật, thuộc nam giới.

8. Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo.

9. Diệu Thiện: là quan thế âm Bồ tát, cũng gọi là Quan âm Bồ tát. Theo Phật giáo có nhiều vị Quan thế âm. Diệu Thiện là một. Diệu Thiện tức Diệu Thiện công chúa còn Trang Vương tu đắc đạo thành Phật, thường gọi là Phật bà quan âm.

10. Sắc tâm: danh từ chỉ Phật giáo. “Sắc” là hình tượng, chỉ mọi sự vật, “tâm” chỉ lòng người, cũng là bản thể của vũ trụ. Cần hiểu rõ “sắc” tức mọi sự vật chỉ là vô thường có rồi lại mất, nhận thấy tính hư ảo của chúng để tự giải thoát khỏi mọi tham vọng về danh lợi hòa mình với mọi người xung quanh, với cả vũ trụ nhằm Tiêu diệt mọi khổ đau. Kinh Lăng nghiêm chỉnh mạch (q2 tờ 6b) dẫn câu nói của Phật Thích ca: “Ta thường nói về các điều kiện hình thành sắc và tâm, và cả những gì do tâm điều khiển, các pháp được tạo ra chỉ được thể hiện do tâm” (Ngã thường thuyết ngôn sắc tâm chi duyên, cập tâm sở tử, chư sở duyên pháp, duy tâm sở hiện).

11. Nhân quả là nguyên nhân và quả báo. Nhân ắt có quả, quả do nhân mà có, là lẽ tự nhiên. Kinh Niết Bàn có câu: “Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình, tạm thế nhân quả tuần hoàn bất thất” nghĩa là: báo ứng điều lành điều ác, như bóng theo hình, nhân quả qua ba đời (chỉ quá khứ hiện tại, tương lai) xoay vần không sai sót.

12. Vốn lấy chữ trong câu: “chuyên khí trí nhu, năng vi anh nhi hồ” của Đạo đức kinh, chương 10 nghĩa là: chú trọng về thể chất, không xơ cứng; về tinh thần không chắp nhặt, bảo thủ trở thành đứa trẻ (giữ được đức tính đôn hậu, tự nhiên).

13. Bão nhất: ôm cái một. “Một” chỉ “đạo” là lý duy nhất bao gồm mọi hiện tượng sự vật, nên gọi là Một. Lão tử nói: “Thị dĩ thánh nhân bão nhất, vi thiên hạ thức”, nghĩa là “Thánh nhân ôm giữ cái một để làm mẫu mực cho thiên hạ”. (Đạo Đức kinh, chương 22).

14. Là bốn môn dạy của Khổng Tử: Văn nhã, nết na, trung thực tín nghĩa (Luận ngữ, thiên Thuật nhi).

15. Hai câu này lấy trong phần đầu sách Trung Dung: “Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo...” nghĩa là “Trời phú cho gọi là tính tuân theo tính gọi là đạo, khiến đạo ngày một tốt hơn gọi là giáo (dạy dỗ).

16. Mờ một số chữ có lẽ là xã (Trung am xã) Bỉnh Khiêm (Nguyễn Bỉnh Khiêm) Duy (Tứ duy xã) tên xã thuộc huyện Vĩnh Lại. (Xem Các trấn tổng xã bị lãm).

(1) Hiện có bản rập số 4662 tại kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, T.T, Nxb. KHXH, H. 1967, tr.297

(3) Bia dùng năm Hồng Ninh sơ (1591), có bản rập số 2696-7.

(4) Xem Khóa hư lục quyển thượng tờ 2b “Tọa thiền luận”./.


http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/9001.htm

..





---

BỔ SUNG


2.


Một trong những tư tưởng nổi bật của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần là tư tưởng nhập thế tích cực. Tư tưởng này như một cương lĩnh đường lối hoạt động của Thiền phái mà được thể hiện rõ trong bài Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông:
Cư trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền.
Hay trong câu:
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật đồ công.
Sau này có ý kiến cho rằng Trần Nhân Tông khi xuất gia đã không còn tích cực nhập thế, không còn tham gia việc thế tục nữa. Nhưng thực tế không phải vậy.
Tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm rất có thể là ảnh hưởng từ Đạo Giáo. Ngay khi Trần Nhân Tông xuất gia đầu tiên ở hành cung Vũ Lâm đã có đạo sĩ luôn đi cùng Phật Hoàng như trong bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ thể hiện.
Trần Quang Chỉ trong bài dẫn đề trên bức tranh này đã ghi:
Tuổi ngoài 40, ngài bỗng có chí xuất gia, bèn truyền quốc đồ cho con, vào động Vũ Lâm tu tập… Thủa ấy có đạo sĩ Trung Quốc là Lâm Thời Vũ tháp tùng Đại Sĩ, thăm thú các nơi, có lúc viễn du giáo hóa, tế độ các nước láng giềng. Các ngài đi về phương Nam, đến tận Chiêm Thành, khất thực ở kinh đô…
Nguyên văn là Trung quốc đạo sĩ Lâm Thời Vũ 中國林時雨. Ở đây “trung quốc đạo sĩ” nghĩa là một đạo sĩ trong nước, chứ không phải đạo sĩ đến từ Trung Quốc, vì để chỉ xuất xứ từ phương Bắc khi đó sẽ dùng nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh. Còn khái niệm Trung Quốc ở thời Trần rất không rõ ràng. Nhà Nguyên không phải Trung Quốc vì là người Mông Cổ. Còn nhà Minh thời đó (Minh Thành Tổ) đang làm chiếm cả vùng Bắc Việt thì sao phải phân ra Trung Quốc với An Nam?
Tương tự như trong cùng bài giới thiệu trên của Trần Quang Chỉ phần đầu có đoạn nói Trần Nhân Tông kỳ trị quốc dĩ nhân kỳ sự trung quốc dĩ thành 其治國以仁其事中國以誠. Câu này phải hiểu là “Trị nước có nhân, xử lý việc trong nước với tấm lòng chân thành”. Còn hiểu là “đối với Trung Quốc một cách thành thực” (???) thì câu trở nên rất vô lý và tối nghĩa.
Tên Lâm Thời Vũ giống một danh hiệu hơn là một tên riêng. Họ Lâm ở Việt Nam rất hiếm. Để hiểu danh hiệu này của một người Việt “trong nước” thì cần dùng tiếng Việt (tiếng Nôm) làm căn cứ.
Xét ra thì từ “Vũ” (cho dù nó được ghi âm bằng chữ Nho là 雨, 禹 hay 武) vốn dùng để chỉ Vua trong tiếng Việt.  Trong văn hóa Trung Hoa các vị vua khai mở triều đại được đặt tên hiệu là Vũ, như Đại Vũ khai mở nhà Hạ, Chu Vũ Vương lập nhà Chu,…
Vũ là biến âm của Ngũ, là con số 5, số trung tâm của Hà đồ và Lạc thư (河圖洛書), là Dịch tượng dùng để chỉ thủ lĩnh của cộng đồng, của Thiên hạ. Do đó nó tương đương với từ Vua của tiếng Nôm.
Khi hiểu như vậy ta sẽ thấy “Vũ Lâm” có nghĩa là “chỗ vua tu ẩn” (Lâm 林 ở đây là khu vực rừng núi). Còn “Lâm Thời Vũ” tức là người tháp tùng vua. Dùng nghĩa của chữ Lâm 臨, “lâm thời” nghĩa tiếng Việt là “đi theo”. Nghĩa này đúng như bài giới thiệu đã ghi: Lâm Thời Vũ tháp tùng Đại Sĩ, thăm thú các nơi.
Bên cạnh Phật Hoàng Trần Nhân Tông luôn có một đạo sĩ đi cùng, tới mức gọi luôn là ông Lâm Thời Vũ – “Đi Theo Vua”, chứng tỏ ảnh hưởng của Đạo Giáo tới việc tu thiền của Phật Hoàng rất lớn.
Ngay cả khi Trần Nhân Tông sang tận Chiêm Thành, thì tín ngưỡng ông không quên thúc đẩy ở đây là đề cao một vị thần bản xứ. Sách Trung Châu nhân vật ký của Lam Trà Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương ghi:
Khi lên xứ Trầm Hương – Đại Điền, nhớ lại tích xưa, tưởng niệm công đức của vợ chồng bà Tinh Vệ – Chấn Long, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông tôn phong Bà Tinh Vệ là Thiên Y Thánh Mẫu, và bàn với chúa Chiêm Chế Mân cho trùng tu lại ngôi đền thờ ông bà Tinh Vệ. Chúa Chiêm Chế Mân đã cho trùng tu ngôi đền. Trên mái trước đền tạc 4 chữ Nho Thiên Y Thánh Mẫu và 2 bên trụ đền tạc đôi câu đối do chính Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ngự đề…

IMG_3140
Bia và tháp mộ Tam tổ Huyền Quang ở chùa Đại Bi.

Ảnh hưởng hay sự hòa đồng của Đạo Giáo trong Thiền phái Trúc Lâm còn thấy rõ ở sự tích của vị tổ thứ ba là Huyền Quang tôn giả. Xuất xứ của Tam tổ Huyền Quang hiện còn được lưu trên bia đá Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng nay ở chùa Đại Bi, xã Thái Bảo, Gia Bình, Bắc Ninh. Sách Tổ gia thực lục chép nội dung tương tự như trên bia chùa Đại Bi, tóm tắt chuyện này như sau:
Thủy tổ của Sư là Lý Ôn Hòa, làm quan hành khiển dưới triều Lý Thần Tông. Trải qua nhiều đời đến tổ phụ là Tuệ Tổ có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không ra làm quan, chỉ thích chuyện hay, sách lạ và vui thú ruộng vườn. Mẹ Sư là Lê Thị vốn người hiền đức, bản tính nhân từ, năm 30 tuổi vẫn chưa có con trai. Nhân gặp lúc có bệnh dịch hoành hành, bà đi hái thuốc trên núi Chu Sơn, dừng chân tạm nghỉ tại chùa Ma Cô Tiên. Trong khi chợp mắt bỗng mơ thấy một con khỉ lớn đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà… Lê Thị hoài thai Sư đến 12 tháng…
Trước khi sinh nhà của Sư ở phía Nam chùa Ngọc Hoàng, một hôm thầy trụ trì chùa Ngọc Hoàng là thiền sư Huệ Nghĩa mộng thấy Đức Phật chỉ Tôn giả A-Nan bảo hãy tái sinh làm pháp khí Đông độ và phải nhớ lại duyên xưa…
Chùa Ma Cô Tiên ở núi Chu Sơn (Châu Sơn hay Trâu Sơn) gần quê của Huyền Quang nay là chùa Cô Tiên ở Châu Cầu, Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh. Sự tích Ma Cô Tiên gắn với công cuộc khởi nghiệp của một vị đế vương lớn tại núi này là Triệu Vũ Đế. Tục thờ Triệu Vũ Đế vốn được phổ biến ở 8 làng trong khu vực núi Châu Sơn là Ngọc Xá, Cựu Tự, Châu Cầu, Thất Gian, Hữu Bằng, Kim Sơn, Long Khê.
Như thế hình tượng con khỉ lớn đội mũ triều thiên mặc áo hoàng bào ở đây chính là chỉ Triệu Vũ Đế. Sự tích này ám chỉ Huệ Quang là dòng dõi từ Triệu Vũ Đế. Điều này rất có thể vì Huệ Quang là dòng dõi nhà Lý. Theo thông tin địa phương ở Châu Sơn, thân tộc nhà Lý đã di cư đến đây khi triều đại đổi sang nhà Trần. Lý cũng là họ của nhà Triệu Nam Việt vì Triệu Vũ Đế là Lý Bôn.

IMG_3765Bia Thánh tổ Cô Tiên tự bi ký tại chùa Cô Tiên ở Châu Cầu.

Điểm chú ý khác là Ma Cô Tiên được gọi là Thánh tổ trên bia còn lưu ở chùa Cô Tiên tại Châu Cầu. Còn sắc phong của làng Châu Cầu gọi bà là Thông huyền Diệu hóa Thanh hư Nhàn uyển Dực bảo Trung hưng Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa. Có thể thấy đây là một vị tổ mẫu của Đạo Giáo. Chữ “Cô” chỉ người nữ tu. Ma Cô Tiên cũng là một phúc thần phổ biến trong Đạo Giáo.
Việc bà mẹ của Huyền Quang ngụ ở chùa Cô Tiên mơ thấy khỉ mang triều phục ném mặt trời hồng vào lòng mà sinh ra Huyền Quang ám chỉ khá rõ rằng Huyền Quang có xuất xứ từ Đạo Giáo. Thêm vào đó là việc nhà sư ở chùa Ngọc Hoàng cũng mơ thấy Huyền Quang là A-Nan Tôn giả giáng thế. Chùa Ngọc Hoàng nay ở thôn Thái Bảo, xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh. Bia chùa còn ghi đây là “Ngọc Hoàng quán”, tức đây vừa là chùa vừa là quán. Quán thờ Ngọc Hoàng cho thấy yếu tố Đạo Giáo rất rõ.

IMG_3242
Bia Ngọc Hoàng quán ký ở chùa Ngọc Hoàng.

Huyền Quang còn được biết là người đã chắp bút (định bản) tác phẩm Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương, được mô tả là gồm các nghi lễ trong đạo Phật; các bài văn, các đạo bùa dùng trong lúc làm đàn chay, giải oan, phá ngục v.v.
Có thể thấy yếu tố bùa chú, đàn tràng, cúng giải oan, phá ngục… của Đạo Giáo được đưa vào Phật giáo thời Trần bởi chính Tam tổ Huyền Quang, hay chính qua Thiền phái Trúc Lâm từ Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

IMG_3114Đền Tam tổ ở chùa Đại Bi.

Câu đối ở đền thờ Trúc Lâm tam tổ tại chùa Đại Bi (Gia Bình, Bắc Ninh):
悲海運潮音喚醒山河千載夢
南天重聖瑞光囬社稷萬斯民
Bi hải vận triều âm, hoán tỉnh sơn hà thiên tải mộng
Nam thiên trùng thánh thụy, quang hồi xã tắc vạn tư dân.

Dịch:
Bể thương nổi tiếng triều, đánh thức núi sông ngàn năm mộng
Trời Nam dày điềm thánh, sáng soi đất nước vạn nhân dân.

https://bahviet18.com/2019/03/24/doi-dieu-ve-cac-vi-to-thien-phai-truc-lam-va-dao-giao/


1.

Xứ Đoài nổi tiếng là vùng có nhiều di tích cổ, đặc biệt là các di tích thờ thần, Phật, đã được nghiên cứu, tìm hiểu và giới thiệu rộng rãi. Nằm trong số đó, hệ thống di tích xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cũng được đông đảo học giả và nhân dân cả nước biết tới, đặc biệt là ngôi đình làng Đại Phùng, quán làng Đoài Khê, đình, chùa làng Đông Khê. Song, có một di tích cũng hiện diện ở địa phương này chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nhưng lại chưa được nghiên cứu, tìm hiểu sâu là chùa Đại Phùng.

Chùa Đại Phùng là một trong số ít những ngôi chùa trong vùng thờ Tam giáo, tức Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Hiện nay, trong chùa không chỉ có các tượng Phật mà còn có tượng thờ Khổng Tử và Lão Tử. Tên chữ của chùa từ xưa đến nay là Tam Giáo tự (三教寺) - chùa Tam Giáo.

Tên gọi Tam Giáo tự được ghi nhận trên văn bia thời Mạc (niên đại Hồng Ninh nguyên  niên - 1591) cùng các di vật khác như: Chuông đồng (Chính Hòa bát niên - 1687), khánh đá thời Lê (Vĩnh Thịnh tam niên - 1707); khánh đồng (Gia Long 14 - 1815), bia đá thời Nguyễn (Bảo Đại Canh thìn -  1940), hoành phi thời Nguyễn (các niên đại thời Tự Đức, Duy Tân). Không chỉ vậy, trên văn bia thời Mạc hiện dựng tại chùa còn ghi, chùa có tên là Tam Giáo từ lâu, đến năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang (1574) đã tiến hành trùng tu, theo đó, tên chữ của chùa là Tam Giáo tự hẳn có từ lúc khởi dựng chùa đến nay. Rất hiển nhiên, ngay từ giai đoạn sớm, chùa này đã thờ Tam giáo, điều đó phân biệt với nhiều di tích vốn dĩ là đạo quán, sau đó bị “tự hóa”, hay các di tích ban đầu là chùa Phật về sau mới dung hội thêm nội dung Đạo giáo và Nho giáo. Hiện nay, trong chùa có đầy đủ hệ thống tượng thờ tương ứng với các chức năng thờ tự vốn có, gồm: Hệ thống tượng Phật, tượng Khổng Tử và Lão Tử.

Nho, Phật, Đạo vốn là ba “giáo” riêng, có chỗ thờ tự chuyên biệt. Theo tư liệu hiện còn, dạng chùa Tam giáo vốn ít gặp, dưới Triều Mạc, dường như chỉ có chùa Tam Giáo ở Đại Phùng và chùa thờ Tam giáo ở xã Cao Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (tên là Cao Dương tự). Bia chùa Tam Giáo tại Đại Phùng dựng năm Hồng Ninh thứ nhất (15910 cho rằng “Danh lam trong thiên hạ, đâu đâu cũng có, song lập chùa đặt tên là Tam Giáo thì chưa từng có vậy”, cách nói ấy có điểm hợp lí, không hoàn toàn chỉ là khoa trương. Sự kiện tu sửa chùa vào năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang (1574) như ghi trên văn bia cũng cho thấy ngôi chùa này vốn đã có trước năm 1574. Bia chùa thờ Tam giáo ở Cao Dương do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn năm đầu niên hiệu Diên Thành (1578) thời Chúa Mạc Mậu Hợp (1562 -1592, nguyên bia tên là Tam giáo tượng bi minh – Bài băn bia ghi việc tạc tượng Tam giáo). Hai văn bia quan trọng ghi nhận sự xuất hiện của chùa thờ Tam giáo dưới triều Mạc hiện vẫn còn. Về sau, thời Lê Trung Hưng, Ngô Thì Sĩ (người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là Thanh Trì, Hà Nội) khi làm Trấn thủ tại Lạng Sơn đã lập chùa Tam Giáo tại động Nhị Thanh. Tuy nhiên, về tính chất, chùa Tam Giáo thời Mạc lấy thờ Phật là trục chính, còn chùa Tam Giáo do Ngô Thì Sĩ lập lại là chùa do nhà Nho dựng nên, lấy thờ Khổng Tử làm trung tâm.

Văn bia thời Mạc tại chùa Tam Giáo ở Đại Phùng còn ghi việc một số quý tộc nhà Mạc phát tâm tín thí cho nhà chùa như Mạc Nhân Túc, Công chúa Mạc Ngọc Lâm, đặc biệt là Mạc Ngọc Liễn. Bản thân Mạc Ngọc Liễn  là người có công đức cho việc tu sửa quán Linh Tiên và chùa Ngô Sơn (tức chùa Ngo, Phúc Thọ). Bên cạnh đó là một số quan chức của phủ Quốc Oai. Điều đó cho thấy chí ít đến nửa sau thế kỉ XVI đây đã là một di tích khá quan trọng. Tuy nhiên, di văn Hán Nôm tại di tích cũng như các thư tịch cổ hiện còn không cho phép xác quyết về thời điểm khởi dựng chùa. Đến nay, chỉ có thể khẳng định chắc chắn rằng ngôi chùa này có trước năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang (1574) Triều Mạc, và ngay từ đầu nó đã được định danh là chùa Tam Giáo, cùng chùa thờ Tam giáo ở Cao Dương, Thái Thụy, Thái Bình, là hai ngôi chùa thờ Tam giáo hiếm hoi được biết đến dưới triều nhà Mạc. Tuy nhiên, chùa thờ Tam giáo ở Thái Bình vốn tên là chùa Cao Dương (Cao Dương tự), theo đó, đến nay chùa Đại Phùng là ngôi chùa duy nhất được định danh là chùa Tam Giáo (Tam Giáo tự) dưới Triều Mạc.

Tại Việt Nam, dưới thời quân chủ, Phật giáo là một trong ba học thuyết lớn (bên cạnh Nho giáo và Đạo giáo), có tầm ảnh hưởng hết sức sâu rộng. Phật giáo truyền vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, đến thời Tiền Lê đã có vị trí đặc biệt từ phương diện nhà nước (các vị thiền sư nổi tiếng như Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu… được Triều đình đề cao, tham gia trực tiếp vào các sự kiện trọng đại của quốc gia). Sang thời Lý - Trần, Phật giáo được coi như quốc giáo. Nhà nước quân chủ thời Lý - Trần trên cơ sở của Phật giáo để dung hòa các học thuyết khác, đặc biệt là Nho giáo và Đạo giáo, tạo ra một thời kì hỗn dung tôn giáo, được học giới quen gọi là thời kì tam giáo đồng nguyên. Từ thời Lê sơ trở về sau, tuy về phương diện Nhà nước, Nho giáo được đề cao, nhưng về phương diện tín ngưỡng, nhất là ở dân gian, Phật giáo và Đạo giáo vẫn có ảnh hưởng hết sức sâu sắc. Ngay cả một số nhà nho đỗ đạt cao trong khoa cử vẫn có ý hướng về việc dung hòa Tam giáo, chỉ khác là trục chủ đạo được chuyển đổi từ Phật giáo sang Nho giáo, tiêu biểu như trường hợp Ngô Thì Sĩ lập chùa Tam Giáo tại động Nhị Thanh, Lạng Sơn. Khổng phu tử, bậc Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư, người sáng lập Nho gia, cùng các bậc thánh hiền khác của đạo này được thờ ở Văn miếu, văn chỉ; Lão Tử hay sau Thái Thượng Lão Quân, vị Cốc Thần bất tử cùng các vị thần khác của Đạo giáo được thờ tại các Đạo quán. Tuy nhiên, do truyền thống khoan dung tư tưởng của người Việt, các vị thần tối cao của ba học thuyết này có khi được thờ chung tại một di tích. Chùa Đại Phùng chính là một trong những trường hợp đó. Do vậy, chùa Tam giáo hiện tính kế thừa truyền thống khoan dung Tam giáo vốn đã thịnh hành từ thời Lý - Trần, đồng thời cũng thể hiện sự khoan dung tư tưởng nói chung, một đặc tính tinh thần quan trọng của các thế hệ người Việt.

Phật giáo ở Việt Nam bao gồm nhiều tông phái khác nhau, có lịch sử phát triển khá phức tạp. Do vậy, nói đến Phật giáo ứng với mỗi ngôi chùa nhất định không thể không tìm hiểu về “tông” của chùa đó. Chùa Đại Phùng (Tam Giáo tự) từ khi xây dựng đến nay đã trải qua nhiều thế hệ trụ trì song hiện tại chùa không lưu giữ được các văn bản liên quan để truy nguyên được đầy đủ các thế hệ trụ trì tại chùa cũng như tông phái của các vị thiền sư đó. Riêng văn bia Trùng tu Tam Giáo tự bi kí (Bia ghi việc trùng tu chùa Tam Giáo), dựng năm Canh Thìn niên hiệu Bảo Đại (1940) còn ghi được tên một vị sư đương thời pháp hiệu là Thanh Thái, ngoài ra không cho biết thêm thông tin nào khác về vị sư này. Còn hiện nay, ni sư trụ trì tại chùa là người theo tông Lâm Tế.

Phái Lâm Tế do Thiền sư Chuyết Chuyết (sinh năm 1590, người Phúc Kiến) truyền vào Việt Nam. Khoảng năm 1630, Chuyết Chuyết cùng đệ tử Minh Hành và một số Nho sĩ người Hoa đáp thuyền buôn sang Cao Miên, không lâu sau thì vượt Chiêm Thành sang Đại Việt (Đàng Trong) rồi ra Đàng Ngoài. Năm 1633, thầy trò ông ra đến Đông Đô, được Thần Tông, Thanh vương nhiệt thành đón tiếp và mời ra trụ trì chùa Khán, rồi về chùa Phật Tích (Kinh Bắc). Năm 1642, dựng chùa Bút Tháp. Năm sau chùa dựng xong, Thiền sư Chuyết Chuyết từ Phật Tích dời sang làm Thuỷ tổ chùa Bút Tháp thì đệ tử Minh Hành trở thành Viện chủ chùa Phật Tích. Dưới sự ủng hộ của Triều đình và nhiều quan chức, quý tộc đương thời, phái Lâm Tế không ngừng phát triển manh mẽ, từ một vài trung tâm ban đầu, sau đó lan tỏa với một biên độ ảnh hưởng rất rộng, và phả hệ truyền thừa có tính chính mạch nhưng cũng phân chi lập nhánh phức tạp kéo dài cho đến cuối thời Nguyễn. Việc nhà sư chùa Đại Phùng tu theo phái Lâm Tế hiện nay cũng là minh chứng sống động cho sự phát triển đó.

Đại Phùng là vùng đất gần Kinh đô nên Phật giáo ảnh hưởng vào vùng này rất sớm. Bên vùng này, thế kỷ thứ VI đã có Pháp tổ Thiền sư về trụ trì chùa Linh Bảo tự (làng Giang Xá – Hoài Đức) và Lý Bí, 13 tuổi (sau là người dựng nước Vạn Xuân) đã là chú tiểu ở chùa này. Thế kỷ XII có Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu ở chùa Thầy (Quốc Oai). Cách đấy không xa, vào thời này có Thiền sư Nguyễn Trí Bảo là cậu của danh nhân Tô Hiến Thành – người làng Hạ Mỗ. Nhiều ông hoàng, bà chúa thời Lê – Trịnh cũng về các vùng Đan Phượng, Hoài Đức hưng công tu bổ chùa chiền. Thời phong kiến, Nho học ở vùng này cũng phát triển, cả huyện có 13 vị đỗ đại khoa (tiến sĩ), làng lập văn chỉ ghi tên các vị đỗ đạt của làng, xã để nêu gương sáng cho hậu thế.

Di tích Đạo giáo hiện còn trên địa bàn Đan Phượng không phong phú nhưng xét trong bối cảnh văn hóa vùng, địa bàn các huyện Hoài Đức, Đan Phượng và Phúc Thọ so với nhiều nơi khác vẫn là vùng có mật độ di tích Đạo giáo khá dày và lâu đời (tiêu biểu như di tích Đạo giáo quán Linh Tiên ở làng Cao Xá - Hoài Đức, cách làng Đại Phùng không xa, tương truyền được khởi dựng từ thế kỷ thứ II, hiện còn văn bia dựng dưới triều nhà Mạc), chỉ tiếc là đến nay nhiều di tích Đạo giáo đã bị phá hủy (như quán Thiên Tôn tại thôn Hương Vĩnh, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ) nên khó có thể mường tượng một cách đầy đủ về diện mạo vốn có của chúng.

Trải qua thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt, chùa Đại Phùng đến nay đã qua nhiều lần tu sửa. Các di văn Hán Nôm còn lại tại di tích cho thấy rõ các lần trùng tu lớn trong quá khứ:

Theo ghi chép trên văn bia Tam Giáo tự tam bảo vật (Của Tam bảo chùa Tam Giáo) dựng vào năm đầu niên hiệu Hồng Ninh Triều Mạc (1591): Ngôi chùa này đã có từ lâu, trải thời gian lâu dài, nhiều hạng mục công trình đã bị hư hại nặng. Do đó nhân dân địa phương đã tiến hành tu sửa. Công việc tu sửa diễn ra liên tục trong một tháng: “Hưng công vào tháng 11 năm Sùng Khang thứ 9 (1574), đến tháng 12 thì hoàn thành. Quy mô to lớn, chế tác mới mẻ. Nọ cột nọ rường, đủ chống trời cao; mái ngói che mưa, ánh dương người chiếu. Thềm ngọc đón quý khách, hiên đỏ ngạo gió sương. Đầu đinh mảnh mảnh, tựa như thóc gạo trong kho; mái ngói chồng chồng, khác nào khắp mình the lụa”. Kế đó, “Lại vào ngày 22 tháng 5 năm Hưng Trị thứ 3 (1590), người có tâm đem 70 quan tiền, mua 1 sào 5 thước ao của Tạ Quỳnh ở bản xã cúng dường làm của Tam bảo”. Có lẽ việc cúng ao này nhằm mở rộng diện tích của chùa.

Theo ghi chép trên bia Trùng tu Tam Giáo tự bi kí (Bia ghi việc trùng tu chùa Tam Giáo) do Cựu tiên chỉ Tạ Phát Lượng soạn vào năm thứ 15 niên hiệu Bảo Đại (1940): Chùa được trùng tu một đợt vào năm Canh Tuất niên hiệu Duy Tân (1910). Kế đó, vào năm Canh Thìn niên hiệu Bảo Đại (1940), nhân dân địa phương tiến hành trùng tu chùa với quy mô lớn, kéo dài trong 5 tháng “Khởi công vào tháng Hai, đến tháng Bảy thì hoàn tất”, tổng chi lên tới 1574 đồng (trong khi đó, tiền dựng một văn bia chỉ tốn 10 đồng).

Theo văn bia Trùng tu tự tỉnh bi kí (Văn bia ghi việc trùng tu giếng chùa), đến năm Quý Mùi niên hiệu Bảo Đại (1943), nhân dân ba giáp Nguyên Dân, Phùng Xuân, Đại Đồng góp 600 đồng tu, xây sửa giếng chùa.

Về kiến trúc hiện tại: Chùa Đại Phùng được toạ lạc trên một thế đất đẹp đầu làng, khuôn viên chùa đã được quy hoạch khá tốt, diện tích rộng, địa thế thông thoáng, có nhiều cây cối và một giếng nước rộng phía trước để tạo cảnh quan. Đây chính là lối kiến trúc mang tính chất mở để gắn với lễ hội cầu mưa.

Ngôi chùa nhìn theo hướng chính Tây. Công trình chính gồm có Tam quan; Tiền đường; Thượng điện; nhà Tổ; nhà Mẫu; nhà khách. Ngoài ra còn có sân gạch, giếng nước, ao và vườn cây xung quanh di tích. Cũng như nhiều di tích khác, nằm trong vùng khí hậu “mưa nhiều, nắng lắm, khí hậu ẩm thấp của xứ nhiệt đới cùng với năm tháng hủy hoại”  nên di tích hiện trong tình trạng đang xuống cấp, nhiều cấu kiện gỗ đã mối mọt, tường gạch bị bong tróc vôi vữa...

Đơn nguyên kiến trúc đầu tiên của di tích là một tam quan khá đồ sộ với ba gian, hai tầng, bốn mái, mái lợp ngói ri cổ, tường hổi bít đốc, tay ngai. Tầng dưới là ba lối đi, tầng trên được sử dụng như chức năng của gác chuông, khánh. Tại đây có treo quả chuông có niên đại Chính Hòa 8 (1687), khánh đá thời Lê, niên hiệu Vĩnh Thịnh 3 (1707), cùng một khánh đồng niên đại Gia Long 14 (1815). Tam quan chùa với ba cổng: Không quan, giả quan, trung quan với kiểu xây hai tầng, tầng trên treo chuông, khánh, hạng mục này cũng không còn dấu tích kiến trúc thời Lê như niên đại khắc trên quả chuông đồng, khánh đá. Tuy vậy, tam quan chùa Đại Phùng vẫn còn giữ được hệ thống cột quân bằng đá xẻ to, do năm tháng thời gian mấy trăm năm nên đã xuất hiện những vết mòn tự nhiên. Một số cột gỗ được thay thế khoảng những năm giữa thế kỷ XX do các nhà hảo tâm vốn là người gốc địa phương công đức, trên đầu các cột còn ghi rõ tên người công đức bằng chữ Hán.

Các bộ vì tại đây được làm theo các kiểu thức khác nhau. Vì mái tầng trên làm theo kiểu: Thượng giá chiêng, kẻ ngồi, hạ kẻ, bẩy ở gian giữa và thượng giá chiêng, chồng rường, hạ kẻ, bẩy gian bên. Tầng trên và tầng dưới tam quan ngăn cách nhau bằng sàn ván gỗ. Bộ vì tầng mái dưới được làm khá đơn giản với hệ thống cột cái bằng bê tông, cột quân bằng đá xanh. Các cột cái được nối bởi các xà ngang, dọc, tác dụng đỡ ván sàn tầng trên. Phần vì hạ kết cấu kiểu chồng rường. Các cấu kiện gỗ không có chạm khắc.

Chùa chính được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm tòa bái đường 7 gian bằng gỗ với kiểu thức 5 hàng chân gỗ và vì nóc kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ chồng rường, kẻ, bẩy hiên”. Tiếp đó là ba gian dọc nối liền từ gian giữa Tiền đường vào để tạo thành hạng mục Thượng điện mà dân gian quen gọi là kiểu “chuôi vồ”. Các bộ vì tại đây cũng có kết cấu tương tự như vì thượng, vì hạ tại Tiền đường, kiểu “thượng chồng rường, hạ chồng rường”.

Đáng chú ý, ở Thượng điện chùa Đại Phùng có 5 lớp tượng. Các tượng này, theo PGS.TS Trần Lâm Biền, gọi chung là “đồ thờ nhân cách” (tr47 – “Đồ thờ trong di tích của người Việt”).

Trên chính điện, ở vị trí cao và sâu nhất là ba pho Tam thế, riêng tượng Tam thế ở giữa có niên đại tạo tác thế kỷ XVIII. Hai tượng tam thế hai bên được làm muộn hơn, cùng ngồi trên đài sen 3 lớp cánh úp, các cánh sen đã mỏng hơn. Đài sen không có bệ đỡ như pho Tam thế ngồi giữa. Tiếp theo là các lớp tượng: Cửu long và Thích Ca sơ sinh được tạo tác bằng chất liệu đồng, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí (nhân dân địa phương còn gọi là hai pho Diệu Âm và Diệu Thanh) (Vốn trước đây tòa Cửu long này được đặt ở cuối, phía trước bộ tượng Ngọc Hoàng, song gần đây đã chuyển lên vị trí hiện nay); tượng Di Đà được tạo tác ngồi trên đài sen với kích thước lớn, hai bên là tượng Văn Thù (cưỡi sư tử xanh) và Phổ Hiền (cưỡi voi trắng); tượng Quan Âm chuẩn đề được tạo tác khá đặc biệt với hình tượng qủy biển đội tượng bên dưới, hai bên là nhị vị Kim Đồng, Ngọc Nữ có phong cách tạo tác nửa sau thế kỷ XVIII; tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Nam Tào – Bắc Đẩu, có cùng niên đại tạo tác đầu TK XIX và cuối cùng là tòa Cửu Long mới được tạo gần đây.

 Đặc biệt ở Thượng điện có hai pho tượng Khổng Tử và Lão Tử, được tạo tác bằng chất liệu thổ, phong cách thế kỷ XIX. Tượng đức Khổng Tử đầu đội mũ cánh chuồn, tay cầm sách, ngồi trên bệ. Tượng đức Lão Tử với hình tượng ông già râu tóc bạc trắng, ngồi trên bệ. So với sự xuất  hiện của  ngôi chùa, hai pho tượng này được tạo tác muộn về sau này, hình tượng có  nhiều nét giống với tượng Thổ Địa và Đức Ông, song nhân dân địa phương đã thờ làm tượng Khổng Tử và Lão Tử. Điều chắc chắn có thể khẳng định là cho dù hai pho tượng hiện tồn này là sản phẩm của thế kỷ gần đây thì chùa Đại Phùng vẫn tất yếu là ngôi chùa thờ Tam giáo – chùa mang tên Tam Giáo tự, đã được khẳng định rõ ràng trong các di vật quý hiện còn tại chùa (bia đá, chuông đồng...).

Tại Tiền đường có đặt tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện và Hộ Pháp Trừng Ác bằng chất liệu thổ, niên đại TK XIX, có kích thước đồ sộ. Phía trên tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện treo bức hoành phi chữ Hán: Túc khởi tường vân - 足 起祥雲- nghĩa là: Chân dấy mây lành (gót chân đi đến đâu, mây lành theo tới đó); và hoành phi: Nhãn vô tục chướng -眼無俗障- nghĩa là: Tầm mắt không bị thói tục che khuất. Các hoành phi đều được viết bằng lối chữ Khải pha một chút bút ý của Hành thư, kết thể chặt chẽ, nét chữ già giặn. Hai bên là bộ tượng Đức Ông và Già Lam – Chân Tể; Thánh Tăng và Diệm Nhiên – Đại Sỹ, có cùng niên đại với tượng Hộ pháp.

Cũng tại Tiền đường và Thượng điện chùa Đại Phùng có rất nhiều các đôi câu đối và hoành phi gỗ cổ có niên đại các thời Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, nội dung ca ngợi cảnh chùa, cảnh Phật, nhiều bài trà châm gỗ được chạm khắc các đồ vật quý và những bài thơ chữ Hán. Đây là những di vật quý góp phần tạo nên giá trị của ngôi chùa.

Cho đến thời điểm này, chùa Đại Phùng (Tam Giáo tự) là ngôi chùa duy nhất mang tên chùa Tam Giáo dưới thời Mạc được ghi nhận trong thư tịch cổ, được học giới biết đến. Xét trong phạm vi toàn quốc, đây cũng là một trong số rất ít các ngôi chùa được định danh là chùa Tam Giáo. Đó là điểm đặc biệt so với hàng loạt các ngôi chùa thông thường khác vốn chủ yếu là thờ Phật, thảng hoặc có thờ Đạo giáo và Nho giáo thì cũng chỉ là các yếu tố phụ trợ, thứ yếu.

Chùa Đại Phùng là minh chứng, biểu tượng cho sự dung hòa Tam giáo, mà rộng hơn là dung hòa tư tưởng, khoan dung tư tưởng của người Việt nói chung và nhân dân địa phương nói riêng. Không chỉ vậy, nó còn là minh chứng cho sự cố kết cộng đồng dân cư trên địa bàn này.

Đây là ngôi chùa cổ, có niên đại sớm, từ khi khởi dựng đến nay đã thực sự trở thành trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân Đại Phùng. Sự hiện tồn của ngôi chùa là minh chứng cho thấy sự hưng thịnh và tầm ảnh hưởng của cả ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đối với nhân dân nơi đây.

Ngôi chùa Đại Phùng – Tam giáo tự cần được tìm hiểu sâu hơn và có các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị.

Nguyễn Thị Dung

http://thegioidisan.vn/vi/ve-mot-ngoi-chua-co-tho-tam-giao-o-ha-noi.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.