Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/03/2022

Miếu Hàn Lâm và tín ngưỡng võ tướng thần ở Châu Đốc (bài Vĩnh Thông)

Nhiều năm trước, lúc du lãng Châu Đốc, tôi đã chú ý đến ngôi miếu gọi là "Miếu Hàn Lâm" ở đây. Một buổi đương trưa, rất nắng, tôi và chị Cúc gọi xe lôi để đi xem các điểm.

Chị Cúc lúc ấy nói thêm với tôi về Hông Môn - một tôn giáo thú vị ở Nam Bộ. Gần đây, nghe tin chị Cúc bảo vệ luận án tiến sĩ ở tuổi 70 (kiểm tra lại sau).

Sau đó, tôi còn tự mượn xe đi các nơi. Nắng quá, một buổi tối tôi bị cảm nắng. Thế là, bắt tội nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự phải bị quấy quả (hồi ấy, đi Châu Đốc, tôi ở cùng phòng với chú Cự).

Bây giờ, có bài của Vĩnh Thông, về Miếu Hàn Lâm sở trên Tạp chí Thế giới Di sản.

Các bổ sung thì sẽ dán xuống bên dưới như mọi khi.

Tháng 3 năm 2022,

Giao Blog

---


Thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) được khai phá muộn so với những nơi khác trên cả nước, hình thành cách nay chưa đầy ba thế kỷ. Song, vùng đất này lại sớm trở thành nơi hội tụ và giao hòa nhiều dòng chảy văn hóa khác nhau.

Các tộc người Việt, Khmer, Chăm, Hoa đã cùng tích lũy và chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần làm phong phú diện mạo văn hóa địa phương. Hệ thống tín ngưỡng - tôn giáo của các tộc người thể hiện rõ quá trình này. Trong đó, tín ngưỡng - tôn giáo của tộc người Hoa là một trong những mảng màu chủ đạo làm nên bức tranh đa sắc màu ấy.

Người Hoa ở Châu Đốc nói riêng và Nam Bộ nói chung còn bảo lưu nhiều hình thái tín ngưỡng - tôn giáo đa dạng. Nhìn chung, người Hoa chủ yếu theo Phật giáo Bắc truyền, tín ngưỡng dân gian và thờ cúng tổ tiên. Những vị thần thường được thờ cúng phổ biến là Quan Công, Thiên Hậu, Ông Bổn, Ngọc Hoàng… Ngoài ra trong gia đình, người Hoa thờ các vị gia thần như Táo Quân, Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần, Kim Hoa Thánh Mẫu… 

Tuy nhiên, không chỉ cùng chia sẻ với cộng đồng người Hoa các địa phương khác những tín ngưỡng Quan Công, Thiên Hậu, Ông Bổn… người Hoa ở Châu Đốc còn có một tín ngưỡng rất đặc thù đó là Võ Tướng Thần. Đây là đối tượng được thờ cúng tại Hàn Lâm miếu, toạ lạc ở phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Không ai còn nhớ chính xác ngôi miếu ra đời từ khi nào, chỉ biết đã tồn tại khoảng trước thập niên 1940 và chỉ là một chòi nhỏ bằng tre lá. Năm 1948, miếu được xây lại khang trang và giữ nguyên diện mạo đến nay. 

Theo người địa phương, Võ Tướng Thần tên thật là Lý Phước Trường, nguyên quán ở Triều Châu. Đời nhà Minh, ông làm quan dưới triều Vua Sùng Trinh (Minh Tư Tông), giữ chức Hàn Lâm viện Đại học sĩ, nổi tiếng là người cang trực. Khi xảy ra chiến sự với người Mãn, Lý Phước Trường vốn là quan văn nhưng vẫn xin tình nguyện ra trận rồi giặc bị bắt. Quân giặc nhiều lần dụ dỗ quy hàng, nhưng ông vẫn một lòng trung thành, cuối cùng bị sát hại. Sau này dân chúng lập miếu thờ ông để tưởng nhớ tấm gương trung nghĩa. 

Theo tư liệu của Hàn Lâm miếu, khoảng những thập niên đầu thế kỷ XX, một số công chức ở Châu Đốc lập đàn cầu cơ và được ông giáng cơ. Khi giáng đàn, ông cho biết mình được Ngọc Đế phong là Võ Tướng Thần. 

Ngày nay, Hàn Lâm miếu là một trong những công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao ở thành phố Châu Đốc, theo phong cách cổ điển của cung đình Trung Hoa. Cổng miếu dạng tam quan, bên trên có bảng “Hàn Lâm viện” bằng chữ Hán màu vàng trên nền đỏ, dọc hai thân cột là liễn đối “Sanh tiền sắc tứ Hàn Lâm viện / Một hậu sắc phong Võ Tướng Thần”. Bước vào trong sân có hai miễu nhỏ là Ngũ Hành và Sơn Quân đối xứng nhau. Ngôi chánh điện có bộ nóc nhị cấp lợp ngói tiểu đại, mái cong hình thuyền, bờ nóc trang trí tượng rồng phun nước, các đầu đao trang trí hoa văn mây uốn lượn. Giữa hai cấp mái có khắc các dòng chữ Quốc ngữ gồm “Hàn Lâm miếu” ở giữa, “Mậu Tý niên” ở bên trái và “Nhất cửu tứ bát” (1948) ở bên phải. Trên cửa chính vào miếu có hoành phi “Võ Tướng Thần” bằng chữ Hán nhũ vàng trên nền đỏ. Hai chái bên có nóc thấp hơn gian chính, mặt tiền là hai cửa sổ tròn cách điệu chữ “thọ” theo Hán tự.

Trong chánh điện, các gian thờ được bố trí dọc theo trục trung tâm và hai vách. Ở giữa lần lượt từ ngoài vào là bàn thờ Phù Sứ, đến bàn thờ Hội Đồng Nội, cuối cùng ở vị trí cao nhất là bàn thờ Võ Tướng Thần. Trên bàn thờ chánh có long ngai, bên trên đặt long vị, hai bên có lỗ bộ (bộ binh khí) và tượng đôi chim hạc, phía trước long ngai là hòm đựng văn tế. Nhìn từ bàn thờ chánh ra, vách bên trái lần lượt là các bàn thờ Tả Ban, Tiền Bổn Hội Quá Vãng, Thiện Nam, vách bên phải lần lượt là các bàn thờ Hữu Ban, Hậu Bổn Hội Quá Vãng, Tín Nữ. Mặc dù Hàn Lâm miếu là nơi thờ vị thần người Hoa, nhưng lại vắng mặt mô hình thờ tự điển hình trong các miếu của người Hoa, đó là phối thờ Phước Đức Chánh Thần và Thiên Hậu Thánh Mẫu hai bên bàn thờ chánh. Tại đây, hai bên bàn thờ chánh lại mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Nam Bộ với bàn thờ Tả - Hữu Ban và Tiền - Hậu Bổn Hội Quán Vãng, như ở các đình thần. 

Hằng năm, miếu Hàn Lâm tổ chức Lễ Vía Ông vào các ngày 8 - 9 - 10 tháng 2 âm lịch, nghi thức giống như nghi thức của đình làng Nam Bộ và có hát Bội. Lễ Thỉnh sắc diễn ra vào sáng mùng 8, lễ Túc yết và lễ Chánh tế lần lượt diễn ra vào rạng sáng mùng 9 và mùng 10. Tuy gọi là lễ Thỉnh sắc như các đình làng, song qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy trong hòm sắc trên bàn thờ chỉ có tờ văn tế được dùng để đọc khi cúng thần hằng năm, chứ không phải là sắc phong do Vua ban. Ngoài lễ nói trên, miếu còn tổ chức cúng tất niên vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch.

Đến nay, không chắc chắn Lý Phước Trường là nhân vật từng tồn tại thật sự trong lịch sử Trung Hoa hay chỉ là nhân vật huyền thoại xuất hiện qua cầu cơ. Song, dù thế nào cũng không thể phủ nhận tín ngưỡng này có vai trò lớn đối với người dân Châu Đốc nói chung và tộc người Hoa ở đây nói riêng. Minh chứng là nếu những ngôi miếu khác ở địa phương được đại trùng tu khá muộn, thì miếu Hàn Lâm đã được người dân cùng nhau đóng góp để trùng tu hết sức khang trang và đồ sộ từ cách đây 70 năm. Như thế, ắt hẳn vị thần đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của cư dân. Ông Phạm Mội - Thủ từ miếu Hàn Lâm chia sẻ: “Ở đây về vấn đề tâm linh với tín ngưỡng thì hằng ngày người ta tin tưởng ông lắm, muốn làm gì cũng đốt nhang xin ông trước, coi ông có chấp thuận cho mình làm không” [Tư liệu điền dã].

Có thể nhận thấy, trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Nam Bộ nói chung và Châu Đốc nói riêng, các thần linh được sùng kính có thể là nhân vật có thật hoặc chỉ mang tính huyền thoại, nhưng phần lớn đều được gắn liền với yếu tố địa lý cụ thể, đặc biệt là khu vực Nam Trung Hoa. Trong quá trình phát triển, các tín ngưỡng tiếp tục được người Hoa vun bồi bằng nhiều hình thức, để mang đậm tính dân tộc hơn. Chẳng hạn, đưa đối tượng tín ngưỡng có lai lịch mơ hồ vào bối cảnh lịch sử cụ thể, khiến vị thần ấy gắn bó hơn với lịch sử phát triển của cộng đồng. Gắn liền với mỗi thần linh là những sự kiện hoặc huyền thoại ít nhiều liên quan đến dân tộc hoặc địa phương.

Trường hợp Lý Phước Trường cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Việc xây dựng hình ảnh vị đại học sĩ quê ở Triều Châu là một cách để người Hoa thể hiện niềm tự hào về nguồn cội của mình. Mặt khác, huyền thoại Lý Phước Trường tham gia chiến đấu là bài học về lòng trung nghĩa mà người Hoa giáo dục cho các con cháu. Đặc biệt, những thế hệ người Hoa đầu tiên di cư đến Nam Bộ - Việt Nam là vì lý do tị nạn chính trị, không chấp nhận sống dưới chế độ nhà Thanh. Do đó, nhân vật Lý Phước Trường đã trở thành một biểu tượng thể hiện sự phản kháng của người Hán trước sự xâm chiếm của người Mãn.

Quá trình di cư đến Việt Nam, hành trang người Hoa mang theo có cả những hình thái tín ngưỡng - tôn giáo từ quê cũ. Trên vùng đất mới Châu Đốc, bằng sự linh hoạt của chủ thể văn hóa, họ đã duy trì và phát triển hệ thống tín ngưỡng dân gian hết sức phong phú và đặc sắc. Trong đó không chỉ có những tín ngưỡng tương tự cộng đồng người Hoa các nơi khác ở Nam Bộ, mà còn có hình thái đặc thù của địa phương là tín ngưỡng Võ Tướng Thần. Suốt hàng trăm năm qua, tín ngưỡng Võ Tướng Thần cùng với những hình thái tín ngưỡng khác của người Hoa vẫn còn nguyên những giá trị nhân văn đối với cộng đồng.

Bài và ảnh: VĨNH THÔNG

http://thegioidisan.vn/vi/mieu-han-lam-va-tin-nguong-vo-tuong-than-o-chau-doc.html


---


BỔ SUNG


1.

Tiến sĩ sử học
Tuổi: 70 tuổi
icon-social
Nguyễn Thị Hồng Cúc

Không từ bỏ niềm đam mê, ở tuổi 69, vừa bình phục sau đợt tai biến mạch máu não, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sau bảy năm nghiên cứu.

Tự thân có niềm đam mê nghiên cứu và nhu cầu phát triển kiến thức, bà tìm mọi cách để thực hiện đam mê của mình dù đã ở tuổi không còn dễ tiếp nhận kiến thức và vượt qua những vất vả của một nhà nghiên cứu. Bà đi khắp các trường đại học tại Việt Nam, gặp nhiều lãnh đạo, sáng lập các trường đại học tư thục ở TP.HCM, nhiều lần ra Hà Nội tìm thông tin ở phòng lưu trữ của bộ Giáo dục và Đào tạo, trung tâm Lưu trữ quốc gia, tham dự các hội thảo thực tế để tìm hiểu đến tận cùng các vấn đề bà thắc mắc dù nhỏ nhất để hoàn tất đề tài.

https://forbes.vn/danh-sach-20-phu-nu-viet-nam-truyen-cam-hung/nguyen-thi-hong-cuc/


NCS. NGUYỄN THỊ HỒNG CÚC, TRƯỜNG ĐH KHXH&NV BẢO VỆ LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÀY 12/05/2020

  •  29/04/2020
  • Tên luận án: sự phát triển đại học ngoài công lập ở thành phố hồ chí minh (1992-2012)
    Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại
    Mã số: 62.22.54.05

    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Hồng Cúc
    Người hướng dẫn khoa học: 1. GS.TS. Võ Văn Sen; 2. PGS.TS. Trần Thuận
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
    Thời gian bảo vệ: 14g00, 12/05/2020
    Địa điểm bảo vệ: Phòng D.201, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1

    https://vnuhcm.edu.vn/to-chuc-nhan-su_6864/ncs-nguyen-thi-hong-cuc-truong-dh-khxh-nv-bao-ve-luan-an-tien-si-ngay-12-05-2020/323732356864.html






    Đăng Nguyên

    Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Cúc, người mới lấy bằng tiến sĩ năm 2020 ở độ tuổi 68, vừa được vinh danh tại danh sách 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng của tạp chí Forbes Việt Nam.

    Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Cúc  /// NVCC
    Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Cúc
    NVCC

    Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do tạp chí này bình chọn. Đây là danh sách lần đầu tiên do tạp chí thực hiện, tôn vinh những phụ nữ dù khác biệt về lĩnh vực, tuổi tác, cương vị, mức độ ảnh hưởng, nhưng họ có điểm chung là sở hữu nguồn năng lượng dồi dào, đủ lực để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ. 

    Trong số đó, đáng chú ý là bà Nguyễn Thị Hồng Cúc, 69 tuổi, tiến sĩ sử học. Dòng miêu tả ngắn gọn của Forbes Việt Nam cho biết: "Không từ bỏ niềm đam mê, ở tuổi 68, vừa bình phục sau đợt tai biến mạch máu não, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sau 7 năm nghiên cứu".

    Tiến sĩ Cúc là một người rất đặc biệt. Giữa tháng 5.2020, bà bảo vệ thành công luận án Sự phát triển đại học ngoài công lập ở TP.HCM (1992-2012), chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

    Người lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 68 là 'Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng' - ảnh 1

    Chân dung tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Cúc trên Forbes VN

    Ảnh chụp lại

    Bà Cúc sinh ra tại Sài Gòn, tốt nghiệp ngành Triết học ở ĐH Văn khoa trước năm 1975. Nhưng sau đó, bà Cúc không làm việc gì liên quan ngành Triết mà về Biên Hòa mở một nông trại, sản xuất tinh dầu. Sau hơn 10 năm, bà quay lại học thạc sĩ Lịch sử tại Viện Khoa học Xã hội, sau đó về Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM làm giảng viên và phụ trách công tác tư vấn, tuyển sinh.

    Sau khi làm việc tại trường trong 20 năm và nghỉ hưu cuối năm 2012, bà Cúc bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu toàn diện về hệ thống các trường ĐH ngoài công lập. Vì trong thời gian trước đó, bà đã có thời gian làm việc tại một trường ĐH ngoài tư thục cũng như bà tham gia vào rất nhiều hội thảo, hội nghị liên quan lĩnh vực này. Thậm chí, trong những vụ việc lùm xùm xảy ra trong thời điểm này, nhất là tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, đều có sự hiện diện của bà.

    Bà Cúc cho biết mục đích làm nghiên cứu sinh tiến sĩ xuất phát ban đầu là muốn... gặp và hỏi chuyện nhiều người. Khi chưa làm nghiên cứu sinh, mặc dù rất muốn nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng bà xin gặp nhiều người am hiểu để phỏng vấn thì đều bị từ chối vì không rõ mục đích cụ thể. Vì vậy, bà... quyết định đi nghiên cứu sinh tiến sĩ, để có thể gặp được nhiều người hơn, phục vụ cho nghiên cứu. Với danh nghĩa này, bà đã gặp được rất nhiều người, kể cả nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. 

    https://thanhnien.vn/nguoi-lay-bang-tien-si-o-tuoi-68-la-phu-nu-viet-nam-truyen-cam-hung-post1061082.html


    ..


    ..

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.