Nhà sư Thích Từ Phong (1864-1938) là một danh tăng của Nam Bộ hồi đầu thế kỉ XX. Ông là người đã cho nhóm tín đồ Cao Đài đầu tiên mượn chùa để khai đạo. Ông cũng là người đã được quốc vương Căm Bốt đặc biệt kính trọng mà mời tới làm lễ xuống tóc đi tu trong một thời hạn cho quốc vương.
Ông là tác giả của bộ Quy nguyên trực chỉ diễn Nôm (sư phụ là hòa thượng Hoằng Ân hiệu đính) - bản in theo kĩ thuật thạch bản đầu thế kỉ XX.
Một í thông tin nhanh đưa lên đầu tiên.
Các thông tin bổ sung và cập nhật sẽ dán dần ở bên dưới như mọi khi.
Tháng 3 năm 2022,
Giao Blog
"Năm Nhâm Tý (1912) tại Tổ đình Giác Lâm khai trường Hương, Ngài được tôn làm Hòa thượng Pháp sư. Sau mùa an cư này, Ngài nhờ hiệu Quảng Đồng An ở Chợ Lớn đặt bản đá in bộ “Quy nguyên trực chỉ” do Ngài diễn Nôm, Bổn sư là Hòa thượng Hoằng Ân hiệu đính. Bài “Khải cáo phát minh văn” được in lên đầu sách. Khoảng năm 1915, Ngài lại soạn bộ “Tông cảnh yếu ngữ lục” nhằm nhắc nhở những Tăng Ni trẻ mới xuất gia cố gắng tu hành."
"
"
---
..
HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ PHONG (1864 - 1938)
Hòa thượng Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường, sanh năm Giáp Tý (1864) tại Sông Tra, thôn Đức Hòa Thượng, tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Ngài là con trai út duy nhất của gia đình gồm ba chị em, sống bằng nông nghiệp. Năm 16 tuổi, nghe cha mẹ bàn bạc về việc lo gia thất cho mình, Ngài từ chối và xin song thân cho được xuất gia học Phật. Được toại nguyện, Ngài tìm đến chùa Từ Lâm ở làng Hiệp Ninh, châu thành Tây Ninh, xin quy y thọ giới với thiền sư Minh Đạt (tục gọi Yết Ma Lượng) là một danh Tăng khả kính đương thời.
Tu học tại chùa Từ Lâm được một thời gian, Ngài đến chùa Giác Viên ở thôn Bình Thới, tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường 9, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) cầu pháp với Hòa thượng Hoằng Ân - Minh Khiêm, được ban pháp danh Như Nhãn, pháp hiệu Từ Phong, truyền thừa đời thứ 39 dòng Lâm Tế, chi phái Đạo Mẫn. Hòa thượng Hoằng Ân thường vân du hóa đạo, ít trụ tại chùa, nên lập ban trụ trì để chăm lo Phật sự, Ngài được cử làm thư ký.
Bấy giờ tại xóm Chợ Gạo, làng Tân Hòa Đông, tổng Long Trung, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc quận 6,thành phố Hồ Chí Minh) có bà Trần Thị Liễu lập một cảnh chùa để tu tâm dưỡng tánh, an hưởng tuổi già. Được một thời gian, bà cúng ngôi chùa ấy cho Hòa thượng Hoằng Ân và thỉnh Hòa thượng tới trú trì để hoằng dương Phật pháp. Hòa thượng Hoằng Ân cử Ngài về đó thay thế. Ngôi chùa của bà Liễu mang hiệu là Giác Sơn Tự. Ngài thấy hai chữ Giác Sơn chưa đủ ý nghĩa, nên đổi là Giác Hải Tự, lấy ý trong câu “Giác giả năng độ mê tân. Mê giả tắc trầm khổ hải”(1). Từ đó Ngài vâng lệnh Bổn sư, nối nghiệp Tổ tông, hoằng dương đạo pháp tại chùa Giác Hải(2).
Năm 29 tuổi (Quý Tỵ 1893), sau mùa an cư kiết hạ, tại chùa Giác Viên có Đại giới đàn, Ngài được cử làm Yết Ma A Xà Lê. Vốn là người uyên bác lại tinh tấn nghiên cứu học hỏi nên Ngài sớm trở thành một Pháp sư tinh thông kinh điển, có tài hùng biện luôn thuyết phục được người nghe. Vì vậy ai cũng thích đến nghe pháp với Ngài. Năm Kỷ Dậu (1909) chùa Long Quang ở Châu Thành - Vĩnh Long khai trường Hương, thỉnh Ngài làm Pháp sư, nhân dịp này, Ngài viết bài “Khải cáo phát minh văn”.
Năm Nhâm Tý (1912) tại Tổ đình Giác Lâm khai trường Hương, Ngài được tôn làm Hòa thượng Pháp sư. Sau mùa an cư này, Ngài nhờ hiệu Quảng Đồng An ở Chợ Lớn đặt bản đá in bộ “Quy nguyên trực chỉ” do Ngài diễn Nôm, Bổn sư là Hòa thượng Hoằng Ân hiệu đính. Bài “Khải cáo phát minh văn” được in lên đầu sách. Khoảng năm 1915, Ngài lại soạn bộ “Tông cảnh yếu ngữ lục” nhằm nhắc nhở những Tăng Ni trẻ mới xuất gia cố gắng tu hành.
Năm Kỷ Mùi (1919) Hòa thượng Chánh Hậu ở chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) khai trường Hương gia giáo, Ngài được mời làm Pháp sư. Qua năm sau (Canh Thân 1920), Ngài lại được thỉnh làm pháp sư trường Hương tại chùa Bửu Long ở thôn Trung Tín, tổng Bình Trung, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, do bà Trần Thị Thọ một thí chủ hằng tâm hằng sản cúng dường mọi sở phí. Đây là chùa tư của bà Thọ. Sau mùa an cư bà cúng ngôi chùa cho Ngài. Em bà Thọ là bà Trần Thị Sanh cũng cúng cho Ngài chùa Từ Lâm. Một số Phật tử khác ở Vĩnh Long cúng cho Ngài chùa An Thạnh, chùa Giác Quang. Ở Mỹ Tho có gia đình ông Trần Văn Thông cúng cho Ngài chùa Linh Phong. Ở Gò Công các Phật tử cúng chùa Phú Thới v.v... Tổng số tự viện các nơi cúng cho Ngài có đến khoảng 20 ngôi.
Đạo đức , học vấn và tài hùng biện của Ngài nổi tiếng đến độ có một số người Pháp thường đến chùa tham vấn, tôn Ngài vào bậc thầy, như Ông Lamacs (lúc đó làm Thiếu tá hải quân). Ông Doumergue (lúc đó làm Thống Đốc Nam Kỳ). Hoàng gia Campuchia đã bốn lần thỉnh Ngài sang Phom Pênh thuyết pháp. Mặc dầu hoàng tộc và triều thần thường nghe giáo lý Tiểu thừa. Nhưng do cả hai bên đều thành tâm vì đạo pháp nên vẫn được kết quả cao. Một sự kiện khá hy hữu đã xảy ra: vua Norodom cảm phục đạo hạnh cao cả và kiến thức uyên thâm của Ngài đã thỉnh Ngài làm lễ xuống tóc để xuất gia tu học có hạn kỳ theo phong tục nước Campuchia.
Trong những năm 1920-1925, thấy chùa Từ Lâm của thầy Tổ mình nằm trong khuôn viên châu thành Tây Ninh quá chật hẹp, Ngài dựng một ngôi chùa mới tại Gò Kén, Thôn Thái Hiệp Thạnh, gần châu thành. Ngôi chùa này qui mô đồ sộ, trang trí đẹp, nằm trong khu vực yên tĩnh, rộng rãi, cũng mang tên Từ Lâm, ngụ ý của Ngài là muốn tuyên dương công nghiệp của Thầy Tổ mình. Sau đó Ngài lại cải táng hài cốt Sư phụ là thiền sư Minh Đạt về chùa mới, xây tháp tôn thờ. Năm 1926, đạo Cao Đài thành lập ở Tây Ninh. Các chức sắc tiên phong thấy Ngài đạo phong cao trọng, lại có sẵn ngôi chùa khang trang, có ý muốn tôn Ngài chức Thái Chưởng Pháp và mượn chùa Từ Lâm 3 tháng để thiết đàn cầu cơ. Ngài chỉ chấp nhận cho mượn chùa 3 tháng, sau gia hạn thêm 1 tháng để tôn giáo bạn có đủ thời giờ xây dựng thánh thất.
Bấy giờ các tự viện ở Nam bộ thường liên kết lại thành một hội gọi là Hội Lục Hòa, dựa vào hình thức hội họp luân phiên qua lại mỗi lần tại một chùa để gây tình đoàn kết, phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngài thường được các nơi thỉnh làm Pháp sư thuyết giảng trong các lần hội họp đó.
Ngày 26-8-1931, do sự hoạt động tích cực của Hòa thượng Khánh Hòa, Thầy Thiện Chiếu, các Hòa thượng trong các Sơn môn, Tổ đình và một số Phật tử hữu tâm, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được thành lập, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, gần chợ Cầu Muối (Sàigòn). Lúc này Ngài đang trụ trì chùa Giác Hải, được bầu làm Chánh Hội Trưởng. Nhưng sau đó hội không tiến hành được Phật sự như mong muốn, vì một số cư sĩ ngăn trở. Năm 1933, các Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong, Chánh Tâm, Tâm Quang, Khánh Anh, Huệ Quang lui về miền Tây thành lập Phật Học Đường lưu động gọi là Liên Đoàn Phật Học Xã để đào tạo Tăng tài. Mỗi chùa luân phiên mở lớp học 3 tháng, thường thỉnh Ngài đến giảng dạy. Chẳng bao lâu Liên Đoàn Phật Học Xã gặp khó khăn về tài chánh phải tan rã. Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời năm 1934, khóa đầu tiên do Hòa thượng An Lạc chùa Vĩnh Tràng làm Hội trưởng, Ngài làm Chứng minh Đạo sư. Năm 1935, hội xuất bản tạp chí Duy Tâm, mở trường Phật học.
Ngoài Phật sự hoằng dương Chánh pháp, Ngài còn là một bậc chân tu khổ hạnh khó ai sánh bằng. Hằng ngày Ngài trì danh niệm Phật một muôn biến (10.000 lần), không có một thời khắc nào ngơi nghỉ để lo những việc cho cá nhân Ngài, và không hề để cho đồ chúng được chăm sóc phục dịch, dẫu đến khi tuổi già sức yếu.
Cuộc du hóa độ sanh của một cao đức tài hoa vẫn đang đăng trình thì năm Mậu Dần (1938) Ngài viên tịch, thọ 74 tuổi, trên 50 hạ lạp. Chùa Từ Lâm ở Gò Kén đón nhận nhục thân Ngài, sau bao năm tích cực phục vụ phong trào chấn hưng Phật Giáo, đào tạo Tăng tài. Để ghi nhớ công đức Ngài, đồ chúng xây tháp thờ tại chùa Từ Lâm và chùa Giác Hải là hai trú xứ Ngài kiến tạo và dừng chân lâu nhất.
Chú thích :
1) Nghĩa là : Người giác dễ qua bến mê. Kẻ mê ắt chìm trong bể khổ.
2) Nay ở số 345/45 đường Hùng Vương - Quận 6 - TP.Hồ Chí Minh.
http://chuaxaloi.vn/thong-tin/hoa-thuong-thich-tu-phong-1864-1938/2196.html
..
Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn
Có lịch sử hình thành từ cuối thế kỷ 19, chùa Giác Hải mang dáng dấp như một nhà thờ Thiên Chúa giáo phương Tây kết hợp với các biểu tượng phương Đông.
Tọa lạc ở số 345/45 đường Hùng Vương, phường 12, quận 6, chùa Giác Hải là một ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo của TP HCM. Theo các tư liệu, chùa được dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19. Năm 1887, bà Trần Thị Liễu cất ngôi chùa nhỏ có tên Giác Sơn và cúng cho Hòa thượng Hoằng Ân. Hòa thượng Hoằng Ân cử đệ tử là ngài Từ Phong về trụ trì chùa, đổi tên chùa là Giác Hải. Kiến trúc hiện tại của chùa Giác Hải được xây dựng vào khoảng năm 1920. Chùa mang dáng dấp như một ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo với phong cách phương Tây kết hợp với các biểu tượng phương Đông. Mặt trước chùa có một cửa ra vào và 2 cửa sổ. Trên đỉnh mái chùa có tô nổi hình chữ “Vạn”, dưới chữ “Vạn” có 8 hàng chữ Hán chép sơ lược sự tích Đức Phật Thích Ca và thời gian xây cất ngôi chùa. Ở hai bên, phía trên cửa sổ có đắp nổi hình 2 con rồng uốn khúc quay mặt vào nhau. Hai bên hông chùa, mỗi bên có 8 cửa sổ, phía trên có cửa kính hình tròn. Tòa chùa có 5 lớp nhà: Chính điện, Giảng đường, Đông đường, Đông lang và Tây lang. Trong chính điện có 10 cột xi măng tròn có đắp hình rồng uốn quanh, màu vàng son rực rỡ, chia chính điện thành 3 gian theo chiều dọc. Cuối gian giữa chính điện kê bàn thờ Phật. Bàn thờ Tổ nằm ở gian đầu tiên. Chùa Giác Hải còn giữ những pho tượng gỗ cổ như bộ tượng Ngũ Hiền (tượng Đức Phật Thích Ca và bốn vị Bồ Tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền), tượng Cừu Long… Cận cảnh hình rồng đắp nổi trên cột chùa. |
Theo Kiến thức
https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/noi-that/doc-dao-ngoi-chua-tram-tuoi-nua-tay-nua-ta-o-sai-gon-330161.html
..
HT.Từ Phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam
- Niệm Huệ
- | Thứ Bảy, 21:52 30-03-2019
- | Lượt xem: 2633
..
..
Năm 1910 (Canh Tuất – PL.2454), đời vua Duy Tân (Vĩnh San, 1907-1916)
– Ngày 17 tháng 2 năm Canh Tuất, Hòa thượng Như Chơn – Thới Trực (?-1910), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 39, trụ trì chùa Hưng Long (Tân Uyên – Bình Dương), viên tịch.
– Ngày 09 tháng 4 năm Canh Tuất, Thiền sư Như Điền (1886-1955) được Bổn sư là Hòa thượng Chơn Đỉnh – Phước Thông trao Pháp quyển và ban đạo hiệu Huệ Chấn, nối pháp thiền dòng Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41.
– Ngày 23 tháng 6 năm Canh Tuất, Thiền sư Thật Tế (1874-1910), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 39, Tổ khai sáng chùa Phước Linh (Cần Đước, Long An), thị tịch, trụ thế 37 năm.
– Hòa thượng Ấn Bổn – Vĩnh Gia (1840-1918) được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng, Thiền sư Thanh Tú – Huệ Pháp (1871-1927) được thỉnh làm Đệ tam Tôn chứng cho Đại giới đàn tại Tổ đình Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam. Giới đàn này quy tụ gần 200 giới tử, trong đó có giới tử sau này là Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Giác Nhiên,…
– Thiền sư Giác Nguyên (1877-1980) sau khi đắc giới cụ túc tại Đại giới đàn ở Tổ đình Phước Lâm (Hội An), được tăng chúng suy tôn làm Thủ tọa chùa Tây Thiên nay ở xã Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
– Thiền sư Như Nhãn – Từ Phong (1864-1938) nhờ hiệu Quảng Đồng An (Chợ Lớn), đặt in bộ Quy Nguyên Trực Chỉ tại Trung Quốc. Bộ sách này được in thạch bản (nguyên bản chữ Hán của Hòa thượng Tông Bổn đời Tống và bản dịch chữ Nôm của sư Từ Phong).
– Khoảng năm 1910, Thiền sư Minh Khiêm – Hoằng Ân (1850-1914) sau nhiều năm vân du hoằng hóa đã trở về thăm chùa Giác Lâm và chùa Giác Viên ở Gia Định.
– Thiền sư Ấn Hướng – Pháp Nhãn (1858-1912) lập thảo am Phước Sơn nay ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, để hành đạo.
– Hòa thượng Chương Hiệp – Tuyên Thủ – Chánh Trì (1833-1910) thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 38, trụ trì Tổ đình Thiên Hòa (Bình Định), viên tịch, thọ 78 tuổi.
– Ấn Bình – Bửu Quang (1863-1921) kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Hòa ở Bình Định.
– Thiền sư Chơn Thành – Phước Khánh (1868-1927) kế thế trụ trì Tổ đình Phổ Bảo ở huyện Tuy Phước, phủ Hoài Nhơn, trạm Bình Điền, dinh Quảng Nam.
– Thiền sư Ấn Chí – Hoằng Chỉnh (1862-1940) được Phật tử Lê Thị Huỳnh hiến cúng cho ngôi chùa Phước Hậu tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
– Thiền sư Thanh Tú – Huệ Pháp (1871-1927) đại trùng tu chùa Thiên Hưng ở núi Hoàng Long, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, Huế.
– Thiền sư Trừng Thủy – Giác Nhiên (1877-1979) đắc pháp với Hòa thượng Bổn sư Thanh Ninh – Tâm Tịnh và được phú pháp kệ : “Tính giác vốn tự nhiên, sắc không chẳng hiện tiền, ngại chi tr thế sự, siêng tu diệu lý huyền” (CTTĐPGTH).
– Khoảng năm 1910, Thiền sư Trừng Thuận – Thành Đạo, thuộc dòng Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, khai sơn chùa Linh Phước nay tại số 64, ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
– Thiền sư Thanh Tín (1861-1944) sáng lập chùa Thiên Phước nay tại số 22F, ấp Bình Thiện, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, trên khu đất do gia đình hiến cúng.
– Thiền sư Trừng Minh – Phóng Quang (1891-?), thuộc dòng Tế Thượng – Chánh Tông, đời thứ 42, khai sơn chùa Long An hiện tọa lạc tại số 417, ấp Long Khánh, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
– Thiền sư Kiểu Quang – Thới Biên (?-1927) kế thế trụ trì chùa Hưng Long nay thuộc ấp 2, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
– Thiền sư Hồng Lang – Hòa Khương (1870-1940) sáng lập chùa An Linh nay thuộc xã Đông Hòa, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
– Thiền sư Hoằng Đạo (?-1939) được Hòa thượng Nhất Thừa (chùa Tây An, Châu Đốc) cử về trụ trì Phù Cừ Am Tự nay tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
– Tịnh Nghĩa (Nguyễn Công Đại), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 39, kế thế trụ trì Sùng Hưng Cổ tự nay tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
– Thiền sư Tâm Huy – Khánh Huy, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 43, kế thế trụ trì chùa Phước Lâm nay tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (1910-1936).
– Thiền sư Tâm Hòa – Chánh Khâm kế thế trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen, nay thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (1910-1937).
https://blog.phapthihoi.org/su-kien/nam-1910-canh-tuat-pl-2454/
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.