Thời nhỏ chúng tôi vẫn được kể lại rằng, ngày đó tháng đó năm đó, có khi chính xác là giờ đó phút đó, giữa lúc máy bay Mỹ lượn trên bầu trời thì có anh ấy chị ấy được sinh ra. Những đứa trẻ Bắc Việt được sinh ra ở khu tránh bom Mỹ. Giờ sinh và ngày tháng năm sinh của những đứa bé ấy được đánh dấu thật dễ, bởi là gắn với âm thanh của máy bay Mỹ, với kí ức chân thực về chiến tranh không bao giờ phai.
Bom Mỹ rơi xuống làng quê chúng tôi. Chỗ bom rơi thì lõm xuống, gọi là "hố bom", rồi có cái cứ để nguyên vậy thành ra ao. Nhiều cái ao được hình thành từ hố bom như vậy ở xóm trên xóm dưới. Các ông các bác trong làng ngồi đan rổ rá bên cạnh hố bom ngày trước, đôi khi kể cho chúng tôi nghe chuyện sơ tán khi có báo động về máy bay Mỹ.
Đại khái chúng tôi không có trải nghiệm tại chỗ về chiến tranh chống Mỹ. Hình ảnh về cuộc chiến ấy là được mường tượng từ những cái "ao-hố bom" có thể thả cần câu hồi chúng tôi lên mười, từ những cái kẻng làm từ xác bom treo ở cổng trường hay hợp tác xã, từ rất nhiều chuyện kể dần dần của cha mẹ và hàng xóm láng giềng.
Đấy là cảm quan tại chỗ về chiến tranh chống Mỹ của những đứa trẻ sinh ra ở vùng Sơn Nam Hạ vào những năm tháng gần kết thúc chiến tranh, như tôi, như các bạn cùng lứa với tôi.
Entry này khoanh vùng vào khu vực Nam Định. Một mảng về bom Pháp, một mảng về bom Mỹ.
Tư liệu được đưa dần lên.
Tháng 3 năm 2022,
Giao Blog
---
BOM PHÁP
..
Hướng tới kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, số lượng khách đến tham quan Bảo tàng tỉnh ngày càng đông. Bằng giọng truyền cảm, cán bộ thuyết minh Bảo tàng tỉnh giới thiệu từng khu trưng bày hiện vật cho khách tham quan. Trong đó, khu vực trưng bày các hiện vật “Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” được nhiều du khách nán lại chụp ảnh, tìm hiểu. Trong gần 20 nghìn tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có nhiều hiện vật liên quan tới thời kỳ kháng chiến, là minh chứng cụ thể về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân tỉnh ta. Trong đó, tiêu biểu là khoảng 570 hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp của quân và dân Nam Định (giai đoạn 1945-1954). Nhiều hiện vật minh chứng cho tội ác của thực dân Pháp trên quê hương Nam Định hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; tiêu biểu như: Mảnh bom, cột nhà cháy, thân cây đa gỗ, dụng cụ tra tấn... Mảnh bom số hiệu 679/KL:119 dài 71,8cm, rộng 13,5cm có đặc điểm hình cong kiểu ván thuyền, cạnh lồi lõm như răng cưa do 1 người dân ở xóm 4, xã Xuân Nghiệp (nay là xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường) sưu tầm. Trong trận bom ngày 5-5-1954 của thực dân Pháp, 14 máy bay địch đã thả 120 quả bom xuống xã Xuân Nghiệp làm cháy 82 nóc nhà, 51 người thiệt mạng, trong đó có một gia đình cả 11 người thiệt mạng. Mảnh bom số hiệu 749/KL:158 dài 33,5cm, rộng 12cm được ông Trịnh Đình Đại, xóm An Khang, thôn An Hòa, xã Yên Bình (Ý Yên) sưu tầm và hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh gắn với sự kiện ngày 30-8 và 1-9 âm lịch năm 1953, thực dân Pháp huy động 1 tốp 4 máy bay ném bom xuống thôn An Cừ, xã Yên Bình làm 92 người thiệt mạng, trong đó có 2 cán bộ giao thông, một bộ đội bị thương và hủy hoại nhiều nhà cửa của nhân dân. 4 cột nhà cháy (số hiệu: 752/ĐM:123; 759/ĐM:124; 784/ĐM:128; 852/ĐM:140) gắn liền với những cơ sở cách mạng của ta bị địch phát hiện và đàn áp dã man với mục đích tiêu diệt tận gốc du kích. Trong đó, cột nhà cháy số hiệu 752/ĐM:123 là minh chứng cho tội ác của thực dân Pháp khi chúng ném bom Na-pan xuống khu vực xã Yên Bình (Ý Yên) vào tháng 10-1953 gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân địa phương. Cột nhà cháy 784/ĐM:128 gắn với sự kiện giữa năm 1950, ông Lại Văn Vận, xã Hải Cát (nay là xã Hải Đường, huyện Hải Hậu) là gia đình cơ sở cách mạng bị địch phát hiện, đốt nhà và giết hại cả gia đình ông. Thân cây đa gỗ (số hiệu:1357/ĐM:206) có nguồn gốc ở xóm Tâm, xã Liên Minh (Vụ Bản) với nhiều lỗ thủng do vết bom đạn của giặc Pháp. Cây đa sau nhiều lần hứng chịu bom đạn của thực dân Pháp đến năm 1961 bị chết. Cán bộ và nhân dân xã Liên Minh mang phần thân cây trưng bày tại nhà truyền thống của xã để tố cáo tội ác quân thù. Nhóm hiện vật thu được là khí tài của giặc Pháp gồm chân súng, trục xe, nắp trục xe... được quân ta thu được trong sự kiện ngày 29 Tết năm 1952, du kích ta phục kích làm 2 trung đội địch bị thương vong, đốt 12 xe cam nhông của địch trên đường 21, buộc chúng phải rút khỏi địa bàn...
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1945-1954). |
Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, những hiện vật quân dân Nam Định kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) nói riêng và toàn bộ tài liệu, hiện vật của Bảo tàng nói chung được lưu giữ trong kho hiện vật khối, kho giấy, kho phim ảnh tại Bảo tàng tỉnh. Các hiện vật này được sắp xếp và lưu giữ trong từng kho nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày, phát huy giá trị lịch sử các hiện vật để quảng bá tới khách tham quan bảo tàng. Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử quê hương qua các thời kỳ. Bởi vậy, các hiện vật thời kỳ cách mạng có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ.
Bảo tàng huyện Hải Hậu lưu giữ, trưng bày gần 4.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, trong đó có nhiều hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bảo tàng Hải Hậu có một số hiện vật tiêu biểu như: Làn và ống đựng cơm cho cán bộ nằm hầm bí mật; nắp hầm bí mật của chiến sĩ cách mạng thời kỳ “2 năm 4 tháng” 1950- 1952; bàn chông của dân quân du kích xã Hải Châu; bản đồ Hải Hậu thời kỳ mở khu văn hoá di tích và chống địch càn quét 1952-1954... Đặc biệt, sa bàn “Cầu Uất hận”, xã Hải Phong (Hải Hậu) cùng một số hiện vật liên quan trưng bày tại Bảo tàng Hải Hậu đã tố cáo tội ác man rợ của thực dân Pháp, trong thời kỳ “2 năm 4 tháng”. Thực dân Pháp lợi dụng Công giáo, biến một số nhà thờ thành đồn bốt. Đồn trưởng Vũ Đức Khâm ở Trùng Phương là tên phản động đội lốt linh mục tuyên bố: Sẽ diệt bằng hết Việt Minh, thực hiện “càn thanh, quét cán, diệt cộng”. Tại cầu tre qua sông ngòi Cau ở làng An Phú, xã Hải Phong, Vũ Đức Khâm cùng tay sai đã tra tấn và sát hại gần 400 cán bộ, du kích và nhân dân yêu nước rồi vứt xác xuống sông. Khắc ghi mối thù này, nhân dân trong vùng gọi cầu tre An Phú là “Cầu Uất hận”. Để phát huy giá trị lịch sử các hiện vật ở bảo tàng, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT huyện phối hợp với Phòng GD và ĐT tổ chức cho học sinh tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng huyện. Hằng năm vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, địa phương, tại Bảo tàng huyện thường tổ chức các hoạt động như: kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ huyện cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh…
Bảo tàng huyện Trực Ninh được xây dựng trong khuôn viên Đền liệt sĩ của huyện, diện tích khoảng 300m2. Bảo tàng hiện có hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có 120 bức ảnh tư liệu và 100 hiện vật đã được nhân dân hiến tặng. Gian trưng bày của Bảo tàng Trực Ninh thể hiện rõ tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân Trực Ninh qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước qua những tài liệu và hiện vật như: ảnh, sa bàn, rào làng kháng chiến Trại Mỹ, xã Trực Tuấn; ảnh, bản trích gắn liền với sự kiện ngày 27-2-1947, tại Chùa Cổ Lễ đã diễn ra lễ cởi áo cà sa tiễn 24 nhà sư lên đường bảo vệ Tổ quốc; một số ảnh, sơ đồ trận đánh, các loại vũ khí, khí tài tham gia trận đánh, các câu chuyện kể về quân và dân Trực Ninh giải phóng bốt Vô Tình, bốt Lương Hàn; những vật dụng thô sơ, những đồ dùng sinh hoạt trong gia đình được sử dụng phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp như: hũ gạo kháng chiến được dùng đựng gạo tiết kiệm nuôi quân, lải đựng tài liệu, tích nước uống cho cán bộ... Các hiện vật đều gắn với câu chuyện lịch sử hào hùng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc với thế hệ trẻ.
Các hiện vật thời kỳ cách mạng được các bảo tàng trên địa bàn tỉnh sưu tầm, phát huy giá trị đã góp phần nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ hôm nay./.
Bài và ảnh: Viết Dư
http://www.baonamdinh.vn/channel/5087/201708/phat-huy-gia-tri-lich-su-qua-cac-hien-vat-thoi-ky-chong-phap-2520103/
..
Đăng ngày 12-10-2020
1. KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1946-4954) Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 đến 12-1946). Với cuộc Cách mạng Tháng Tám, chính quyền mới đã được thiết lập, nhân dân ta đã được giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Nhưng nằm trong tình hình chung của cả nước, sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, Đảng bộ và nhân dân Nam Định cũng phải đối phó với nhiều khó khăn phức tạp. Thù trong giặc ngoài đe dọa, tình hình đất nước ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Về kinh tế, mọi ngành sản xuất đều sút kém, đình đốn. Sản xuất nông nghiệp suy giảm, ruộng đất hoang hóa nhiều. Hàng hóa khan hiếm, nạn đầu cơ tích trữ phát triển. Về tài chính, ngân quỹ, kho bạc nói chung không còn gì. Giữa lúc đó, các thế lực đế quốc núp dưới danh nghĩa quân Đồng minh để tước vũ khí quân đội Nhật cũng tràn vào từ hai đầu đất nước. Thực chất là chúng muốn lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Về phía chủ quan, Đảng bộ Nam Định còn thiếu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo chính quyền. Các tổ chức quần chúng, lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức đảng ở cơ sở nhất là ở xã còn ít, trang bị nghèo nàn chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Thuận lợi cơ bản nhất đối với chính quyền cách mạng non trẻ là được sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng. Trong mọi hoàn cảnh, các tầng lớp nhân dân Nam Định nói riêng và cả nước nói chung luôn vững tin vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh, sẵn sàng đem tính mạng và của cải để bảo vệ độc lập dân tộc và bảo vệ chế độ mới. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ, đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải làm ngay. Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, khẳng định “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước chưa được hoàn toàn độc lập”. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hàng đầu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh là dồn toàn lực vào việc xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân trước sự tiến công thâm độc của những kẻ thù có tiềm lực quân sự lớn mạnh, tàn ác và nguy hiểm. Nhờ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, cuộc bầu cử Quốc hội khóa I và Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra một cách tốt đẹp. Ngày 6-1-1946, gần 100% số cử tri đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, trong số 36 vạn cử tri có tới 33 vạn cử tri bỏ phiếu tín nhiệm cho những người Mặt trận Việt Minh giới thiệu. Ngày 20-1-1946, cử tri Nam Định nô nức đi bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và tiến hành bầu cử hội đồng nhân dân cấp xã vào ngày 18-3-1946. Ngày 10-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định, Chiều ngày 10-1-1946, Chủ tịch đã nói chuyện với thân mật với đại biểu các tâng lớp nhân dân, đại biểu các tôn giáo và cán bộ các ngành, các giới trong tỉnh. Bảy giờ sáng ngày 11-1-1946, trước hơn một vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân Bác ân cần nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau, chăm lo, mọi mặt công tác, ủng hộ Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định. Những lời chỉ bảo ân cần của Người đã để lại ấn tượng sâu sắc và cổ vũ Đảng bộ, nhân dân Nam Định đoàn kết, phấn đấu, khắc phục những khó khăn trở ngại, tiếp tục đi lên trong giai đoạn mới của cách mạng. Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, những khó khăn bước đầu đã dần được khắc phục, đời sống nhân dân ổn định, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, giữ vững; quân và dân Nam Định có điều kiện bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến đấu giam chân địch trong thành phố, chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cũng trong tháng 12-1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị toàn dân kháng chiến, vạch ra những nét lớn về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh. 24h ngày 19-12-1946, cả thành phố Nam Định rền vang tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược. Cuộc chiến đấu của ta nhằm kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch trong thành phố diễn ra dài ngày và mỗi lúc một ác liệt hơn. Ta và địch đánh lấn, giành nhau từng căn nhà, góc phố từng nhà máy, xí nghiệp. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, quyết tâm giết giặc lập công. Điển hình là Đoàn Bạch Hạc - Chính trị viên trung đội (thuộc Tiểu đoàn 69), Triệu Hàn - Chính trị viên trung đội (thuộc Tiểu đoàn 69), Phạm Sơn - công nhân vận chuyển, tự vệ Nhà máy sợi mới tình nguyện vào bộ đội thuộc Tiểu đoàn 75, nữ chiến sĩ cứu thương Nguyễn Thị Ca ... Trong trận cuối cùng địch đánh giải vây thành phố (10-3-1947) có bốn anh em ruột cùng chiến hào đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng là Tạ Quang Khải, Tạ Hồng Quang, Tạ Quang Thuấn, Tạ Quang Đức. Ngày 6-1-1947, quân dân Nam Định đánh thắng cuộc hành quân chi viện quy mô lớn của địch, chiến thắng to lớn này đã được Hồ Chủ Tịch thay mặt Quốc hội và Chính phủ điện khen ngợi và quyết định tặng Trung đoàn 34 danh hiệu Trung đoàn tất thắng. Hội nghị quân sự toàn quốc (họp từ ngày 12 đến ngày 16 – 1 -1947) đã khen ngợi chiến công của nhân dân Nam Định và nêu gương anh dũng chống thuỷ, lục, không quân địch. Sau 86 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân dân Nam Định đã kìm chế, giam chân một lực lượng lớn quân viễn chinh Pháp, giết và làm bị thương 400 tên, trong đó có nhiều sĩ quan và lính Âu - Phi, bắt sống sáu tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Cùng với Hà Nội, và một số thành phố, thị xã khác ở Bắc Bộ, cuộc chiến đấu của quân dân Nam Định đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, góp phần cùng cả nước có thêm thời gian củng cố và xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Qua chiến đấu ác liệt, lực lượng kháng chiến tại Nam Định vẫn được bảo toàn và ngày càng trưởng thành. Xây dựng làng chiến đấu, củng cố hậu phương, chống địch lấn chiếm (1947 tới 10-1949) Sau khi chiếm được mấy thành phố trống rỗng, thực dân Pháp tiếp tục xua quân sang Đông Dương. Mục tiêu của chúng trong thời gian này là chiếm lấy những đường giao thông chính, lập vành đai bảo vệ thành phố, thị xã, trên cơ sở đó đánh nống ra tiêu diệt lực lượng kháng chiến và nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Ở Nam Định, thực hiện âm mưu mở rộng chiếm đóng theo chiến thuật vết dầu loang, địch đã mở nhiều cuộc càn quét xung quanh thành phố để khủng bố nhân dân, phá cơ sở, gây tâm lý cầu an; dụ dỗ, thúc ép dân hồi cư và đẩy lực lượng ta ra ngoài. Từ tháng 4 đến tháng 6-1947, chúng đã đóng thêm một số vị trí ngoài thành phố như Đò Quan, Vạn Diệp (Nam Phong, Nam Trực), Đệ Nhất (Mỹ Trung), Bảo Long (Mỹ Hà), Lê Xá (Mỹ Thịnh) thuộc huyện Mỹ Lộc và Xuân Mai (Bình Lục, Hà Nam). Cũng trong thời gian này, địch còn tổ chức một số trận đánh ra vùng tự do để khủng bố tinh thần nhân dân, cướp bóc lương thực, thực phẩm và để vây quét lực lượng của ta, nhưng đều bị đánh trả đích đáng như các trận chợ Dần (Vụ Bản) ngày 31-3-1947, trận Lê Xá (Mỹ Thịnh, Mỹ Lộc), Núi Ngăm (huyện Vụ Bản) ngày 2-5-1947, trận Đại Đê (Vụ Bản) ngày 1-6-1947, trận Quang Sán (Mỹ Lộc) tháng 7-1947… Vừa cơ động chiến đấu, các đơn vị bộ đội vừa đưa một bộ phận lực lượng về các địa phương hỗ trợ, phát triển chiến tranh du kích. Năm 1947, bộ đội chủ lực đánh 75 trận, bộ đội địa phương đánh 24 trận, dân quân, du kích đánh 40 trận.Tiêu biểu cho thành tích chiến đấu là đội du kích Mai Mỹ (Thành Mỹ) đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh biểu dương. Nhân dân các vùng bị địch uy hiếp tổ chức triệt phá cầu, đường, đắp ụ ngăn cơ giới của địch thực hiện khẩu hiệu vườn không, nhà trống khi địch tới. Việc rào làng kháng chiến chống địch càn quét cũng được tiến hành ở nhiều địa phương. Đến tháng 10-1949, toàn tỉnh đã xây dựng được 90 làng chiến đấu. Đến tháng 9-1949, du kích toàn tỉnh có hơn 45.000 người; cuối năm 1949, đã có 20 trung đội du kích. Phong trào tòng quân giết giặc cứu nước sôi nổi khắp các địa phương. Năm 1949, có gần 9.000 người ghi tên tòng quân, bộ đội địa phương đến tháng 3-1948 từ một Đại đội Đề Thám đã xây dựng thêm tiểu đoàn Duyên Hải. Từ phong trào thi đua ái quốc, Đảng bộ đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc, tự cấp. Hai vụ lúa chiêm – mùa năm 1948 đều khá tốt, tổng sản lượng 227.000 tấn thóc (năm 1947 là 222.000 tấn). Sản lượng muối tăng tương đối nhanh, đáp ứng yêu cầu lớn của kháng chiến. Công nghiệp và thủ công nghiệp cũng được đẩy mạnh như các nghề kéo sợi, dệt vải, dệt lụa ở Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, nghề làm giấy, thuỷ tinh, thuộc da, đúc gang, đồng, làm ngòi bút ở Ý Yên, Hải Hậu, Trực Ninh… Trong khói lửa chiến tranh, phong trào bình dân học vụ tiếp tục phát triển mạnh. Đến tháng 10-1949, toàn tỉnh đã có 250.908 người thoát nạn mù chữ. Toàn tỉnh có 341 trường tiểu học với 16.789 học sinh. Ngoài trường trung học Nguyễn Khuyến đã có thêm sáu trường tư thục. Năm 1948, tỉnh đã thành lập các ban y tế xã, tám trạm cứu thương, 30 nhà hộ sinh, duy trì tốt hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân và bộ đội, năm 1948 đã chữa cho 1.740 người bệnh. Những kết quả trên đã làm cho đời sống kinh tế văn hoá, xã hội của nhân dân trong tỉnh được cải thiện từng bước trong quá trình kháng chiến kiến quốc, động viên mọi người hăng hái sản xuất và phục vụ chiến đấu. Từng bước phát triển lực lượng, chống địch mở rộng chiếm đóng, giải phóng quê hương (10-1949 – 7-1954). Thắng lợi của cách mạng Việt Nam cùng với những thắng lợi của quân, dân Lào, Camphuchia trên chiến trường Đông Dương năm 1949 đã đẩy quân Pháp vào thế sa lầy, đế quốc Mỹ lợi dụng can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương. Ngày 18-10-1949, quân Pháp cho 6 tàu chiến, 2 canô chở hai tiểu đoàn theo sông Hồng đổ quân lên Hạc Châu, Liêu Đông (Xuân Trường) đánh chiếm Hành Thiện, Bùi Chu (nơi có toà giám mục). Chúng cấu kết với bọn cầm đầu phản động đội lốt đạo Thiên Chúa để bọn này tiếp tay đắc lực cho chúng. Từ tháng 10-1949 đến đầu năm 1952, nhân dân sáu huyện phía nam Nam Định bước vào thời kỳ “Hai năm, bốn tháng” đầy đau thương và uất hận. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Liên khu 3, Tỉnh uỷ Nam Định đã chỉ đạo các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, đề ra các phương án củng cố, xây dựng lực lượng và tác chiến phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.Các Đảng bộ kịp thời uốn nắn nhgững nhận thức không đúng đắn, cử cán bộ trở về cơ sở bán đất, xây dựng lại phong trào, từng bước vạch rõ âm mưu lợi dụng tôn giáo, chia rẽ lương-giáo của kẻ thù; củng cố, phát triển lực lượng vũ trang địa phương, dân quân, du kích, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc. Cuối tháng 4-1951, theo chủ trương của Đảng, Bộ Tổng tư lệnh mở Hội nghị tổng kết chiến dịch Hoàng Hoa Thám và quyết định mở chiến dịch Quang Trung (tức chiến dịch Hà – Nam – Ninh) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá một mảng nguỵ quân nguỵ quyền, tạo điều kiện cho việc phục hồi cơ sở, phát triển chiến tranh du kích và bảo vệ tài sản, tính mạng, mùa màng của nhân dân. Đêm 28 rạng 29-5-1951, Đại đoàn 308 cùng bộ đội địa phương, dân quân, du kích nổ súng tiến công cứ điểm Đại Phong và Non Nước (Thị xã Ninh Bình) mở màn chiến dịch. Tại hướng Nam Định, vừa đánh địch, vừa rút kinh nghiệm, khắc phục những khó khăn, yếu kém, Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định xác định quyết tâm xốc mạnh phong trào, bắt kịp thời cơ, đặt lên hàng đầu là công tác khuếch trương thắng lợi sâu rộng trong quần chúng cùng với việc phá rã ngụy quyền của địch. Bằng sự kiên trì, vượt mọi gian khổ, hy sinh, quân dân ta đã từng bước chiến đấu giành giật với địch từng vùng đất, làm thất bại âm mưu chia rẽ lương - giáo của kẻ thù, giành lại thế chủ động. Ngày 23-2-1952, địch bỏ Hoà Bình rút chạy. Cùng với thất bại ở Hoà Bình, việc bình định của địch trong năm 1951 bị phá vỡ. Từ giữa năm 1952, ngoài việc thường xuyên tổ chức càn quét cỡ đại đội, tiểu đoàn, địch còn tổ chức nhiều cuộc hành quân quy mô lớn, dài ngày với cường độ vô cùng ác liệt trên địa bàn Nam Định. Mặc dù lực lượng không cân sức, quân và dân trong tỉnh vẫn kiên cường chiến đấu để bảo vệ khu du kích làm cho địch tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, như trận tập kích Trại huấn luyện Vạn Bảo ở thành phố Nam Định ngày 28-4-1953, diệt gọn một tiểu đoàn, bắt 500 tên địch. Trận tập kích địch ở Đỗ Xá (Nam Trực) tháng 7-1953 tiêu diệt 160 tên trong đó có tên thiếu tướng Ginlơ chỉ huy cuộc càn. Như vậy trước cuộc chiến đông - xuân 1953 - 1954, quân dân Nam Định đã tạo được thế và lực mới cho cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian này quân dân Nam Định đã đánh địch gần 1.600 trận, tiêu diệt 9.000 tên địch, phá huỷ 76 xe cơ giới, bắn cháy 2 máy bay, 8 tàu chiến, thu gần 1.000 súng và nhiều quân trang, quân dụng khác. Sau thắng lợi Điện Biên Phủ, đêm ngày 25-5-1954, tại Nam Định, bộ đội chủ lực đã phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt hoàn toàn vị trí Thức Khoá (Giao Thuỷ) bắt 650 tên, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Ngày 4-6-1954, quân ta tiếp tục tiến công vị trí Đông Biên (Hải Hậu). Sau 12 giờ chiến đấu, ta đã giành thắng lợi, tiêu diệt một số tên, bắt sống 500 tên. Trong vòng nửa đầu năm 1954, bộ đội địa phương và dân quân, du kích Nam Định đã đánh trên 1.600 trận (du kích đánh 800 trận), diệt và làm bị thương trên 3.000 tên, thu hàng trăm súng các loại, phá huỷ gần 100 xe cơ giới. Trong khi Hội nghị Giơnevơ chưa kết thúc, thì trung tuần tháng 6-1954 địch đã rục rịch rút khỏi Nam Định. Và đến 9 giờ ngày 1-7-1954, thực dân Pháp đã rút toàn bộ các vị trí còn lại ở Ngô Đồng, Hành Thiện, Bùi Chu, Lạc Quần, Cổ Lễ và cuối cùng là thành phố Nam Định. Cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền còn non trẻ và kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng đã giành thắng lợi vẻ vang. Với nhũng thành công đã đạt được, những kinh nghiệm và cả thử thách tôi luyện trong chiến tranh cách mạng, Đảng bộ và quân, dân Nam Định càng thêm vững tin cùng cả nước bước vào một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc. 2. KHÔI PHỤC KINH TẾ, PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ - XÃ HỘI, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1954-1965). Cuộc đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư, hoàn thành cải cách ruộng đất và phục hồi kinh tế (1954-1957) Ngày 21-7-1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sau nhiều năm bị địch chiếm đóng, đến ngày 1-7-1954, địa bàn Nam Định hoàn toàn sạch bóng quân thù. Chiến tranh kết thúc, nhưng để lại cho nhân dân Nam Định những hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội. Để ổn định giá cả, phục vụ đời sống nhân dân, chính quyền cách mạng ở Nam Định đã thực hiện các biện pháp kinh tế tích cực như bãi bỏ các loại thuế, đảm phụ quốc phòng, an ninh… Tại thành phố Nam Định, ngày 3-7-1954, Uỷ ban quân quản được thành lập, đã công bố 8 chính sách và 10 điều kỷ luật đối với vùng mới giải phóng. Nhờ tinh thần chủ động, tích cực của các cấp, các ngành và tinh thần hăng hái của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, không khí lao động sản xuất ở các địa phương được đẩy mạnh, đời sống của nhân dân từ thành thị đến nông thôn sớm được ổn định. Nhờ những biện pháp kiên quyết, kịp thời, cuộc đấu tranh chống dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam đã đạt được kết quả khá tốt: các trại tập trung di cư lập ra trái phép đã bị giải tán. Từ tháng 8-1954 đến tháng 5-1955, ta đã tuyên truyền, vận động hàng trăm gia đình và hơn 3.000 người tự nguyện rút đơn, trả giấy thông hành, yên tâm ở lại quê hương. Song song với việc tiếp quản vùng mới giải phóng, chống địch cưỡng ép đồng bào di cư, Đảng bộ Nam Định đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ lớn là cải cách ruộng đất và phục hồi phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Tuy nhiên, trong cải cách ruộng đất đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng. Khi phát hiện sai lầm, Đảng đã kịp thời có chính sách sửa sai, nhưng cũng phải tới tháng10 -1957, nhiệm vụ sửa chữa mới cơ bản hoàn thành. Đây là một kinh nghiệm xương máu đối với Đảng bộ và nhân dân Nam Định. Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh (1958-1960) Ngày 13-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự hội nghị sản xuất nông nghiệp của tỉnh được tổ chức tại xã Yên Tiến huyện Ý Yên, là nơi thí điểm đầu tiên xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở Nam Định. Người chỉ thị cho cán bộ và nhân dân địa phương phải quyết tâm thực hiện vụ mùa thắng lợi, tránh chủ quan, tích cực chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Ngày 15-9-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại về kiểm tra tình hình chống hạn ở Nam Định. Người căn dặn cán bộ, nhân dân trong tỉnh phải quyết tâm chống hạn. Mọi người phải đoàn kết, giúp đỡ nhau chiến thắng thiên tai, đẩy mạnh sản xuất, ngày càng làm ra nhiều của cải, vật chất, đem lại hạnh phúc cho mọi nhà, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, khi mà cả nước đang tập trung sức cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong phạm vi cả nước, thì thắng lợi của công cuộc tập thể hoá nông nghiệp có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nam Định cũng như ở nhiều địa phương khác đã mắc phải một số sai lầm. Nhiều nơi cán bộ tỏ ra nóng vội, duy ý chí, chạy theo thành tích nên đã không tôn trọng đầy đủ cả ba nguyên tắc cơ bản của tập thể hoá nông nghiệp xã hội chủ nghĩa là: tự nguyện, cùng có lợi và từ thấp đến cao. Đối với công nghiệp và thủ công nghiệp, sau ba năm khôi phục kinh tế (1955-1957), công nghiệp quốc doanh mới được phục hồi và phát triển. Từ cuối năm 1958, Nam Định triển khai cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp. Trong quá trình này, phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước được liên tục phát động. Đặc biệt, năm 1960, phong trào phát triển mạnh, liên tục và mang tính tập thể đậm nét, quan tâm tới vấn đề cải tiến kỹ thuật, áp dụng thao tác tiên tiến vào sản xuất. Nổi bật nhất là Nhà máy Dệt Nam Định, trong ba năm (1958 - 1960), công nhân đã phát huy được 485 sáng kiến, góp phần quan trọng làm cho giá trị sản lượng của nhà máy bình quân hàng năm tăng 23%. Nhiều đơn vị và cá nhân đạt danh hiệu tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Bốn công nhân được tuyên dương là Anh hùng lao động. Đến cuối năm 1960, Nam Định hoàn thành kế hoạch ba năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Thắng lợi đó đã đem lại những chuyển biến to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị của nhân dân trong tỉnh. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở địa phương (1961-1965) Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Từ ngày 15 đến 21-5-1963, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V được tiến hành, ngày 21-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, chỉ đạo đại hội và Người đã đến thăm Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định, thăm bệnh viện tỉnh, gặp gỡ, nói chuyện với hơn năm vạn nhân dân, cán bộ dự mít tinh chào mừng thành công của Đại hội. Cơ sở vật chất - kỹ thuật trong nông nghiệp được quan tâm đầu tư xây dựng. Năng suất lúa từ 3,5 tấn/ha (năm 1960) tăng lên 3,9 tấn/ha năm 1965. Số hợp tác xã đạt 5 tấn/ha ngày càng nhiều. Sản xuất công nghiệp phát triển với giá trị tổng sản lượng hàng năm tăng 6%, những lĩnh vực được chú trọng phát triển trong thời kỳ này là điện lực, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, dược liệu và đặc biệt là ngành cơ khí… Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đang thực hiện có kết quả thì bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Tuy chỉ thực hiện được 4 năm, nhưng với những thành tựu đạt được, Nam Định bước đầu đã khắc phục được tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, cải thiện một bước đời sống của nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đẩy mạnh sản xuất, chi viện cho tiền tuyến lớn (1965-1975). Thất bại trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ phải trực tiếp đưa quân vào miền Nam thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, đồng thời leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân và hải quân. Thực hiện Quyết định số 103-QĐ/TVQH của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 21-4-1965 và Nghị quyết số 111-NQ/TW về việc hợp nhất hai tỉnh Nam Định và Hà Nam; ngày 4-6-1965, Ban chấp hành Đảng bộ hai tỉnh họp liên tịch. Hội nghị xác định nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng bộ lúc này là đoàn kết toàn quân, toàn dân Nam Hà thực hiện thắng lợi nghị quyết của Trung ương Đảng trong thời kỳ mới. Quân dân Nam Hà phối hợp với trung đoàn 250 pháo cao xạ, đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ người, tài sản, huyết mạch giao thông chi viện cho tiền tuyến đồng thời duy trì, giữ vững sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự, bắn rơi 42 máy bay Mỹ. Đơn vị tự vệ thành phố và trung đoàn 250 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Tự vệ khu phố 4, khu phố 6, Nhà máy Liên hợp Dệt và Chi cục xăng dầu được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba. Ngày 10-7-1965, quân và dân Nam Hà long trọng mít tinh đón nhận cờ thưởng luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua gần bốn năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, tính đến ngày 8-11-1968, các lực lượng vũ trang Nam Hà đã bắn rơi 86 máy bay phản lực Mỹ (dân quân, tự vệ bắn rơi 10 chiếc), góp phần bắn chìm một tàu biệt kích, bắn cháy một tàu chiến và một tàu biệt kích khác, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển quê hương. Ngày 1-11-1968, Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà, chấp nhận ngồi vào đàm phán ở Hội nghị Pari. Từ năm 1969, quân và dân Nam Định đã tranh thủ thời gian hoà bình, từng bước khắc phục khó khăn, gian khổ, khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, bảo đảm an toàn cho các tuyến giao thông vận tải, đẩy mạnh mọi mặt sản xuất. Ngày 16-4-1972, Mỹ lại cho một lực lượng lớn máy bay, có cả B52, ồ ạt đánh phá Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ kéo dài 188 ngày đêm, không quân Mỹ đã đánh phá 633 trận vào 893 mục tiêu khác nhau, số máy bay tham gia đánh phá thành phố Nam Định lên tới 1.345 lượt chiếc. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai này, lực lượng vũ trang trong tỉnh bắn rơi 28 máy bay, hai tàu chiến. Riêng lực lượng vũ trang địa phương lập công lớn, hiệu suất chiến đấu cao gấp hai lần trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Bước vào năm đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại (1965) với khí thế thi đua Tay búa, tay súng, Tay cày, tay súng sản xuất nông nghiệp cũng đạt thắng lợi lớn, công nghiệp địa phương vẫn được duy trì, phát triển. Chiến tranh ác liệt nhưng sự nghiệp y tế, giáo dục và văn hoá phục vụ đời sống nhân dân vẫn được duy trì và củng cố. Các phong trào Tiếng hát át tiếng bom, Dạy tốt học tốt, … được phát động khắp nơi và ngày càng sôi nổi. Bị thất bại nặng nề, đầu năm 1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam, quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Nhưng ở miền Nam, chúng vẫn ngoan cố thực hiện chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, tăng cường củng cố nguỵ quân, nguỵ quyền, tiếp tục chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, quân và dân Nam Hà đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, sản xuất và chiến đấu giỏi góp phần bảo vệ vững chắc quê hương và miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui chung của cả nước, quân dân Nam Hà rất phán khởi tự hào vì đã tích cực góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc. https://namdinh.gov.vn/portal/Pages/2020-10-12/Nam-Dinh-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-Phap-va-m0nnat.aspx |
..
---
BOM MỸ
Nguồn: U.S. planes bomb North Vietnam, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1965, máy bay Mỹ đã bắt đầu ném bom các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam, nhưng tránh nhắm vào Hà Nội và các bệ phóng tên lửa của Liên Xô bao quanh thành phố. Sang ngày 17/6, hai chiếc phản lực của Hải quân Mỹ đã bắn hạ hai chiếc MiG của miền Bắc và tiêu diệt một máy bay khác ba ngày sau đó. Các máy bay của Mỹ cũng đã thả gần 3 triệu tờ rơi tuyên truyền kích động nhân dân miền Bắc yêu cầu chính phủ của họ kết thúc chiến tranh.
Các nhiệm vụ này là một phần trong Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder), được phát động từ tháng 03/1965, sau khi Tổng thống Lyndon B. Johnson ra lệnh ném bom kéo dài vào Bắc Việt Nam. Mục đích của chiến dịch là nhằm cắt đứt các tuyến đường giúp lực lượng Bắc Việt nam tiến, cũng như làm chậm việc chuyển quân và tư trang cho miền Nam.
Trong những tháng đầu của chiến dịch này, lính Mỹ đã hạn chế tấn công các mục tiêu trong hoặc gần Hà Nội và Hải Phòng, nhưng vào tháng 07/1966, chiến dịch Sấm Rền đã được mở rộng và bao gồm cả việc ném bom các kho đạn dược và xăng dầu của miền Bắc. Mùa xuân năm 1967, chiến dịch tiếp tục được mở rộng hơn nữa và bao gồm cả các nhà máy điện, xí nghiệp và sân bay ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng.
Nhà Trắng kiểm soát Chiến dịch Sấm Rền rất chặt chẽ và đôi khi Tổng thống Johnson còn đích thân lựa chọn các mục tiêu. Trong giai đoạn 1965 – 1968, khoảng 643.000 tấn bom đã được thả xuống miền Bắc Việt Nam. Tình hình này vẫn tiếp diễn cho đến khi Tổng thống Johnson ra lệnh tạm dừng chiến dịch vào ngày 31/10/1968, khi áp lực chính trị trong nước ngày càng tăng.
http://nghiencuuquocte.org/2019/06/15/may-bay-my-nem-bom-mien-bac-viet-nam/
..
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các địa phương trong tỉnh, lực lượng tự vệ và bộ đội chủ lực tại Thành phố Nam Định đã chiến đấu oanh liệt bắn trả máy bay địch, chia lửa với chiến trường miền Nam.
Ngược dòng lịch sử cách đây tròn 50 năm thực hiện trận đầu tiên đánh trả máy bay Mỹ xâm lược trên vùng trời tỉnh Nam Hà (2-7-1965), Thiếu tá Mai Minh Lý, nguyên trợ lý tác chiến Trung đoàn 250 say sưa kể lại: Đầu năm 1965, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công và liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị thất bại nặng nề. Ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tan rã từng mảng và đang trên đà suy sụp. Để cứu vãn thất bại ở miền Nam, Tổng thống Giôn-xơn và tập đoàn cầm quyền Mỹ quyết định đưa một bộ phận quân Mỹ vào miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Do ta đánh lớn ở Plây-cu, Kon Tum, Quy Nhơn, ngày 7-2-1965 địch mở chiến dịch tiến quân bằng không quân mang tên “Mũi đao lửa”, bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Do nằm ở vị trí trung chuyển hàng hóa để chi viện cho miền Nam nên Thành phố Nam Định là mục tiêu số một trong chiến dịch “Mũi đao lửa” của đế quốc Mỹ. Đội hình chiến đấu của Trung đoàn 250 được bố trí xung quanh Thành phố Nam Định gồm 10 đại đội ở các vị trí trọng yếu như: Tỉnh Đội, Phù Long, Nam Vân, Vị Dương, Phù Nghĩa, Mỹ Xá, Năng Tĩnh, Đò Bái, Chùa Cuối, Nam Phong. Nhiệm vụ của Trung đoàn là bảo vệ Thành phố Nam Định, chủ yếu là Nhà máy Liên hợp Dệt, Ga Nam Định và các mục tiêu trọng yếu của thành phố. Trận đánh máy bay Mỹ đầu tiên của bộ đội chủ lực và quân, dân thành phố diễn ra lúc 11 giờ 55 phút ngày 2-7-1965. Khi ấy 12 chiếc máy bay Mỹ gồm 4 chiếc A-4D, 4 chiếc F-4H, 2 chiếc F-8U và 2 chiếc RB-57 chia làm nhiều đợt oanh tạc vào các mục tiêu kho xăng và Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Hai tốp lao vào ném 8 quả bom xuống khu vực kho than và khu dân cư phía tây nam thành phố. Cùng lúc ấy, một tốp khác từ bến phà Tân Đệ quay lại ném 6 quả bom xuống khu gia đình công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt, phố Hàng Nâu, Nhà hát 3-2; sau đó chúng bắn như vãi đạn xuống nhiều khu phố khác.
Tự vệ HTX Dệt 19 tháng 5 tham gia bắn máy bay Mỹ năm 1965. Ảnh: TL |
Với tinh thần cảnh giác cao, Trung đoàn 250 đã phối hợp với lực lượng vũ trang thành phố đánh trả liên tục máy bay địch. Mặc cho mưa bom, bão đạn, tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang thành phố và Trung đoàn 250 hết sức kiên cường, bám chắc vị trí chiến đấu. Một số đồng chí đã hy sinh ngay trên mâm pháo, được bổ sung ngay đồng chí khác đối mặt với bom đạn đánh trả quân thù; nhiều đồng chí bị thương vẫn tiếp tục bám trận địa chiến đấu. Điển hình như tổ quan sát trên đỉnh Cột cờ cao 25m, các chiến sĩ La, Minh, Hà là tự vệ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định vẫn hiên ngang làm nhiệm vụ bám trụ, giữ vững vị trí trinh sát, thông báo nhanh chóng các điểm địch đánh phá cho các đơn vị chiến đấu. Hay tại trận địa tự vệ khu phố 1 và Máy Tơ, các đồng chí Phạm Văn Cường, Đinh Kim Long đã lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn trả máy bay địch. Sau gần một giờ chiến đấu, lực lượng vũ trang thành phố và Trung đoàn 250 đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ và làm bị thương nhiều chiếc khác. Ngày 2-7-1965 trở thành ngày chiến thắng đầu tiên trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tại Thành phố Dệt. Với thắng lợi to lớn trong trận đầu đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội và lực lượng tự vệ thành phố tiếp tục chiến đấu những trận tiếp theo.
Chia tay Thiếu tá Mai Minh Lý chúng tôi tìm gặp pháo thủ Trần Văn Bằng, nguyên pháo thủ Đại đội tự vệ pháo cao xạ 100 ly của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định trong những năm chống Mỹ, cứu nước, được nghe kể về những ngày tháng hào hùng trên mâm pháo canh giữ bầu trời Thành phố Dệt. Từ tháng 5 đến tháng 9-1972, máy bay Mỹ tiếp tục ném bom đánh phá Thành phố Nam Định lần thứ hai. Khác với lần trước, lần này, chúng tổ chức đánh lớn, liên tục nhiều ngày đêm và sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật mới và số lượng lớn bom đạn. Để có thể đánh địch trong mọi điều kiện, Tỉnh ủy và Bộ CHQS tỉnh đã quyết định trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ thành phố pháo 100 ly và 57 ly. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng tự vệ Nhà máy Liên hợp Dệt, Nhà máy Tơ, Xí nghiệp Cơ khí C50, Cơ khí Nam Hà… đã nắm chắc được trang bị kỹ thuật mới và bố trí trận địa tại Phù Nghĩa (xã Lộc Hạ), Tức Mặc (xã Lộc Vượng), Vỵ Dương (xã Mỹ Xá) và xã Nam Phong (trước đây thuộc huyện Nam Ninh)… để đón lõng, đánh địch. Nhiều trận đánh của Đại đội tự vệ pháo cao xạ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định kéo dài tới hai, ba giờ. Nhiều chiến sĩ bị thương nhưng vẫn kiên cường bám sát trận địa tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng ngay trên trận địa như đảng viên Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Trong trận đánh ngày 22-7-1972, Đại đội đã lập công xuất sắc bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F4, bắt sống giặc lái Mỹ; phối hợp các đơn vị bạn bắn rơi hai chiếc máy bay khác… Với sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần cảnh giác cao và cách đánh mưu trí sáng tạo, nên chỉ trong hơn 3 tháng (từ ngày 6-5 đến ngày 10-9-1972), dân quân tự vệ thành phố và các lực lượng vũ trang bảo vệ thành phố đã lập công xuất sắc, bắn rơi 18 máy bay Mỹ, diệt và bắt sống nhiều giặc lái ngay trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Trong 2 đợt đánh phá Thành phố Nam Định, giặc Mỹ đã huy động 1.051 lần máy bay ném xuống 528 mục tiêu với hơn 745 nghìn 112 tấn bom đạn, phá hủy 86.410m2 nhà cửa, làm 909 người chết và 1.279 người bị thương. Nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường, sáng tạo, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, quân dân Thành phố Nam Định đã lập công xuất sắc: bắn rơi 54 máy bay Mỹ. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, năm 1978, nhân dân và lực lượng vũ trang Thành phố Nam Định và 4 cá nhân tiêu biểu đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước./.
Trần Văn Trọng
http://baonamdinh.com.vn/channel/5093/201504/thanh-nam-trong-nhung-ngay-chia-lua-voi-chien-truong-mien-nam-2411343/
..
..
Mỹ và Pháp là những nền văn minh của nhân loại như thằng nhà báo Đức San Hô đã nói họ đâu có giết người họ chỉ tiễn người Việt nam xuống gặp Diêm Vương thôi.
Trả lờiXóa