Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

23/03/2022

Ngôi chùa độc đáo và vị danh sư : Giác Hải tự ở Sài Gòn với hòa thượng Thích Từ Phong (1864-1938)

Nhà sư Thích Từ Phong (1864-1938) là một danh tăng của Nam Bộ hồi đầu thế kỉ XX. Ông là người đã cho nhóm tín đồ Cao Đài đầu tiên mượn chùa để khai đạo. Ông cũng là người đã được quốc vương Căm Bốt đặc biệt kính trọng mà mời tới làm lễ xuống tóc đi tu trong một thời hạn cho quốc vương.

Ông là tác giả của bộ Quy nguyên trực chỉ diễn Nôm (sư phụ là hòa thượng Hoằng Ân hiệu đính) - bản in theo kĩ thuật thạch bản đầu thế kỉ XX.

Một í thông tin nhanh đưa lên đầu tiên.

Các thông tin bổ sung và cập nhật sẽ dán dần ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 3 năm 2022,

Giao Blog



"Năm Nhâm Tý (1912) tại Tổ đình Giác Lâm khai trường Hương, Ngài được tôn làm Hòa thượng Pháp sư. Sau mùa an cư này, Ngài nhờ hiệu Quảng Đồng An ở Chợ Lớn đặt bản đá in bộ “Quy nguyên trực chỉ” do Ngài diễn Nôm, Bổn sư là Hòa thượng Hoằng Ân hiệu đính. Bài “Khải cáo phát minh văn” được in lên đầu sách. Khoảng năm 1915, Ngài lại soạn bộ “Tông cảnh yếu ngữ lục” nhằm nhắc nhở những Tăng Ni trẻ mới xuất gia cố gắng tu hành."

"

Thiền sư Như Nhãn – Từ Phong (1864-1938) nhờ hiệu Quảng Đồng An (Chợ Lớn), đặt in bộ Quy Nguyên Trực Chỉ tại Trung Quốc. Bộ sách này được in thạch bản (nguyên bản chữ Hán của Hòa thượng Tông Bổn đời Tống và bản dịch chữ Nôm của sư Từ Phong).

"






---

..

HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ PHONG (1864 - 1938)

 

 

Hòa thượng Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường, sanh năm Giáp Tý (1864) tại Sông Tra, thôn Đức Hòa Thượng, tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Ngài là con trai út duy nhất của gia đình gồm ba chị em, sống bằng nông nghiệp. Năm 16 tuổi, nghe cha mẹ bàn bạc về việc lo gia thất cho mình, Ngài từ chối và xin song thân cho được xuất gia học Phật. Được toại nguyện, Ngài tìm đến chùa Từ Lâm ở làng Hiệp Ninh, châu thành Tây Ninh, xin quy y thọ giới với thiền sư Minh Đạt (tục gọi Yết Ma Lượng) là một danh Tăng khả kính đương thời.

Tu học tại chùa Từ Lâm được một thời gian, Ngài đến chùa Giác Viên ở thôn Bình Thới, tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường 9, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) cầu pháp với Hòa thượng Hoằng Ân - Minh Khiêm, được ban pháp danh Như Nhãn, pháp hiệu Từ Phong, truyền thừa đời thứ 39 dòng Lâm Tế, chi phái Đạo Mẫn. Hòa thượng Hoằng Ân thường vân du hóa đạo, ít trụ tại chùa, nên lập ban trụ trì để chăm lo Phật sự, Ngài được cử làm thư ký.

Bấy giờ tại xóm Chợ Gạo, làng Tân Hòa Đông, tổng Long Trung, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc quận 6,thành phố Hồ Chí Minh) có bà Trần Thị Liễu lập một cảnh chùa để tu tâm dưỡng tánh, an hưởng tuổi già. Được một thời gian, bà cúng ngôi chùa ấy cho Hòa thượng Hoằng Ân và thỉnh Hòa thượng tới trú trì để hoằng dương Phật pháp. Hòa thượng Hoằng Ân cử Ngài về đó thay thế. Ngôi chùa của bà Liễu mang hiệu là Giác Sơn Tự. Ngài thấy hai chữ Giác Sơn chưa đủ ý nghĩa, nên đổi là Giác Hải Tự, lấy ý trong câu “Giác giả năng độ mê tân. Mê giả tắc trầm khổ hải”(1). Từ đó Ngài vâng lệnh Bổn sư, nối nghiệp Tổ tông, hoằng dương đạo pháp tại chùa Giác Hải(2).

Năm 29 tuổi (Quý Tỵ 1893), sau mùa an cư kiết hạ, tại chùa Giác Viên có Đại giới đàn, Ngài được cử làm Yết Ma A Xà Lê. Vốn là người uyên bác lại tinh tấn nghiên cứu học hỏi nên Ngài sớm trở thành một Pháp sư tinh thông kinh điển, có tài hùng biện luôn thuyết phục được người nghe. Vì vậy ai cũng thích đến nghe pháp với Ngài. Năm Kỷ Dậu (1909) chùa Long Quang ở Châu Thành - Vĩnh Long khai trường Hương, thỉnh Ngài làm Pháp sư, nhân dịp này, Ngài viết bài “Khải cáo phát minh văn”.

Năm Nhâm Tý (1912) tại Tổ đình Giác Lâm khai trường Hương, Ngài được tôn làm Hòa thượng Pháp sư. Sau mùa an cư này, Ngài nhờ hiệu Quảng Đồng An ở Chợ Lớn đặt bản đá in bộ “Quy nguyên trực chỉ” do Ngài diễn Nôm, Bổn sư là Hòa thượng Hoằng Ân hiệu đính. Bài “Khải cáo phát minh văn” được in lên đầu sách. Khoảng năm 1915, Ngài lại soạn bộ “Tông cảnh yếu ngữ lục” nhằm nhắc nhở những Tăng Ni trẻ mới xuất gia cố gắng tu hành.

Năm Kỷ Mùi (1919) Hòa thượng Chánh Hậu ở chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) khai trường Hương gia giáo, Ngài được mời làm Pháp sư. Qua năm sau (Canh Thân 1920), Ngài lại được thỉnh làm pháp sư trường Hương tại chùa Bửu Long ở thôn Trung Tín, tổng Bình Trung, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, do bà Trần Thị Thọ một thí chủ hằng tâm hằng sản cúng dường mọi sở phí. Đây là chùa tư của bà Thọ. Sau mùa an cư bà cúng ngôi chùa cho Ngài. Em bà Thọ là bà Trần Thị Sanh cũng cúng cho Ngài chùa Từ Lâm. Một số Phật tử khác ở Vĩnh Long cúng cho Ngài chùa An Thạnh, chùa Giác Quang. Ở Mỹ Tho có gia đình ông Trần Văn Thông cúng cho Ngài chùa Linh Phong. Ở Gò Công các Phật tử cúng chùa Phú Thới v.v... Tổng số tự viện các nơi cúng cho Ngài có đến khoảng 20 ngôi.

Đạo đức , học vấn và tài hùng biện của Ngài nổi tiếng đến độ có một số người Pháp thường đến chùa tham vấn, tôn Ngài vào bậc thầy, như Ông Lamacs (lúc đó làm Thiếu tá hải quân). Ông Doumergue (lúc đó làm Thống Đốc Nam Kỳ). Hoàng gia Campuchia đã bốn lần thỉnh Ngài sang Phom Pênh thuyết pháp. Mặc dầu hoàng tộc và triều thần thường nghe giáo lý Tiểu thừa. Nhưng do cả hai bên đều thành tâm vì đạo pháp nên vẫn được kết quả cao. Một sự kiện khá hy hữu đã xảy ra: vua Norodom cảm phục đạo hạnh cao cả và kiến thức uyên thâm của Ngài đã thỉnh Ngài làm lễ xuống tóc để xuất gia tu học có hạn kỳ theo phong tục nước Campuchia.

Trong những năm 1920-1925, thấy chùa Từ Lâm của thầy Tổ mình nằm trong khuôn viên châu thành Tây Ninh quá chật hẹp, Ngài dựng một ngôi chùa mới tại Gò Kén, Thôn Thái Hiệp Thạnh, gần châu thành. Ngôi chùa này qui mô đồ sộ, trang trí đẹp, nằm trong khu vực yên tĩnh, rộng rãi, cũng mang tên Từ Lâm, ngụ ý của Ngài là muốn tuyên dương công nghiệp của Thầy Tổ mình. Sau đó Ngài lại cải táng hài cốt Sư phụ là thiền sư Minh Đạt về chùa mới, xây tháp tôn thờ. Năm 1926, đạo Cao Đài thành lập ở Tây Ninh. Các chức sắc tiên phong thấy Ngài đạo phong cao trọng, lại có sẵn ngôi chùa khang trang, có ý muốn tôn Ngài chức Thái Chưởng Pháp và mượn chùa Từ Lâm 3 tháng để thiết đàn cầu cơ. Ngài chỉ chấp nhận cho mượn chùa 3 tháng, sau gia hạn thêm 1 tháng để tôn giáo bạn có đủ thời giờ xây dựng thánh thất.

Bấy giờ các tự viện ở Nam bộ thường liên kết lại thành một hội gọi là Hội Lục Hòa, dựa vào hình thức hội họp luân phiên qua lại mỗi lần tại một chùa để gây tình đoàn kết, phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngài thường được các nơi thỉnh làm Pháp sư thuyết giảng trong các lần hội họp đó.

Ngày 26-8-1931, do sự hoạt động tích cực của Hòa thượng Khánh Hòa, Thầy Thiện Chiếu, các Hòa thượng trong các Sơn môn, Tổ đình và một số Phật tử hữu tâm, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được thành lập, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, gần chợ Cầu Muối (Sàigòn). Lúc này Ngài đang trụ trì chùa Giác Hải, được bầu làm Chánh Hội Trưởng. Nhưng sau đó hội không tiến hành được Phật sự như mong muốn, vì một số cư sĩ ngăn trở. Năm 1933, các Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong, Chánh Tâm, Tâm Quang, Khánh Anh, Huệ Quang lui về miền Tây thành lập Phật Học Đường lưu động gọi là Liên Đoàn Phật Học Xã để đào tạo Tăng tài. Mỗi chùa luân phiên mở lớp học 3 tháng, thường thỉnh Ngài đến giảng dạy. Chẳng bao lâu Liên Đoàn Phật Học Xã gặp khó khăn về tài chánh phải tan rã. Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời năm 1934, khóa đầu tiên do Hòa thượng An Lạc chùa Vĩnh Tràng làm Hội trưởng, Ngài làm Chứng minh Đạo sư. Năm 1935, hội xuất bản tạp chí Duy Tâm, mở trường Phật học.

Ngoài Phật sự hoằng dương Chánh pháp, Ngài còn là một bậc chân tu khổ hạnh khó ai sánh bằng. Hằng ngày Ngài trì danh niệm Phật một muôn biến (10.000 lần), không có một thời khắc nào ngơi nghỉ để lo những việc cho cá nhân Ngài, và không hề để cho đồ chúng được chăm sóc phục dịch, dẫu đến khi tuổi già sức yếu.

Cuộc du hóa độ sanh của một cao đức tài hoa vẫn đang đăng trình thì năm Mậu Dần (1938) Ngài viên tịch, thọ 74 tuổi, trên 50 hạ lạp. Chùa Từ Lâm ở Gò Kén đón nhận nhục thân Ngài, sau bao năm tích cực phục vụ phong trào chấn hưng Phật Giáo, đào tạo Tăng tài. Để ghi nhớ công đức Ngài, đồ chúng xây tháp thờ tại chùa Từ Lâm và chùa Giác Hải là hai trú xứ Ngài kiến tạo và dừng chân lâu nhất.

 


Chú thích :

1) Nghĩa là : Người giác dễ qua bến mê. Kẻ mê ắt chìm trong bể khổ.

2) Nay ở số 345/45 đường Hùng Vương - Quận 6 - TP.Hồ Chí Minh.


http://chuaxaloi.vn/thong-tin/hoa-thuong-thich-tu-phong-1864-1938/2196.html


..

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Có lịch sử hình thành từ cuối thế kỷ 19, chùa Giác Hải mang dáng dấp như một nhà thờ Thiên Chúa giáo phương Tây kết hợp với các biểu tượng phương Đông.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Tọa lạc ở số 345/45 đường Hùng Vương, phường 12, quận 6, chùa Giác Hải là một ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo của TP HCM.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Theo các tư liệu, chùa được dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19. Năm 1887, bà Trần Thị Liễu cất ngôi chùa nhỏ có tên Giác Sơn và cúng cho Hòa thượng Hoằng Ân. Hòa thượng Hoằng Ân cử đệ tử là ngài Từ Phong về trụ trì chùa, đổi tên chùa là Giác Hải.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Kiến trúc hiện tại của chùa Giác Hải được xây dựng vào khoảng năm 1920. Chùa mang dáng dấp như một ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo với phong cách phương Tây kết hợp với các biểu tượng phương Đông. Mặt trước chùa có một cửa ra vào và 2 cửa sổ.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Trên đỉnh mái chùa có tô nổi hình chữ “Vạn”, dưới chữ “Vạn” có 8 hàng chữ Hán chép sơ lược sự tích Đức Phật Thích Ca và thời gian xây cất ngôi chùa.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Ở hai bên, phía trên cửa sổ có đắp nổi hình 2 con rồng uốn khúc quay mặt vào nhau.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Hai bên hông chùa, mỗi bên có 8 cửa sổ, phía trên có cửa kính hình tròn.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Tòa chùa có 5 lớp nhà: Chính điện, Giảng đường, Đông đường, Đông lang và Tây lang. Trong chính điện có 10 cột xi măng tròn có đắp hình rồng uốn quanh, màu vàng son rực rỡ, chia chính điện thành 3 gian theo chiều dọc.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Cuối gian giữa chính điện kê bàn thờ Phật.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Bàn thờ Tổ nằm ở gian đầu tiên.

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Chùa Giác Hải còn giữ những pho tượng gỗ cổ như bộ tượng Ngũ Hiền (tượng Đức Phật Thích Ca và bốn vị Bồ Tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền), tượng Cừu Long…

Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn

Cận cảnh hình rồng đắp nổi trên cột chùa.

Theo Kiến thức

Trên đỉnh mái chùa có tô nổi hình chữ “Vạn”, dưới chữ “Vạn” có 8 hàng chữ Hán chép sơ lược sự tích Đức Phật Thích Ca và thời gian xây cất ngôi chùa.
Trên đỉnh mái chùa có tô nổi hình chữ “Vạn”, dưới chữ “Vạn” có 8 hàng chữ Hán chép sơ lược sự tích Đức Phật Thích Ca và thời gian xây cất ngôi chùa.
Hai bên hông chùa, mỗi bên có 8 cửa sổ, phía trên có cửa kính hình tròn.
Bàn thờ Tổ nằm ở gian đầu tiên.

https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/noi-that/doc-dao-ngoi-chua-tram-tuoi-nua-tay-nua-ta-o-sai-gon-330161.html


..

HT.Từ Phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam

Khi nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, có lẽ chúng ta không thể nào quên một thời kỳ vàng son, rực rỡ, là thời đại Lý-Trần. Ngược lại, chúng ta cũng không thể không nhớ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi Phật giáo không còn ở ngôi vị quốc giáo như thời hoàng kim xưa kia nữa.
Chân dung HT.Từ Phong (1864-1939) - Ảnh: Q.Hậu
Có thể nói, kể từ năm 1920, chư vị tiền bối tâm huyết đã phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Trong đó, Hòa thượng Thích Từ Phong (1864-1939)(1) là một trong những nhân vật tiên phong và có công rất lớn vào giai đoạn đầu. Trong bài viết này, người viết sẽ trình bày vài nét về vai trò của Hòa thượng Từ Phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, qua ba phương diện.
 
Khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam
 
Hòa thượng Từ Phong là một trong những nhân vật tiên phong phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Chúng ta biết được điều này thông qua bài “Tự trần” của Hòa thượng Khánh Hòa (đăng trong Tạp chí Phật Hóa Tân Thanh Niên, số 1 ra tháng 9 năm 1929)(2), khi được hỏi tại sao ngài không đến các chùa lớn nổi tiếng để vận động phong trào chấn hưng Phật giáo, xây dựng trường học để đào tạo Tăng tài, Hòa thượng Khánh Hòa đáp rằng: “Ôi! Hỏi đến thêm buồn, chín mười năm trước thầy Giác Hải cũng thường nhắc nhở đến việc này, song ai nấy đều làm thinh, mới đây nhân lễ kỵ ở Hội Khánh, thầy Giác Hải cũng đến đó giảng giải về việc chỉnh lý Tăng đồ, rốt cuộc không ai tán thành cả”(3).
 
Liên quan đến vấn đề này, trong Tạp chí Từ Bi Âm kỳ thứ 5 cũng có đề cập: Hòa thượng Từ Phong có tỏ rằng 28 năm nay ngài cũng muốn lập một hội để lo xương minh Phật học, nên thường khi ngài thừa dịp chứng minh trường hương hay là trường kỳ với dự đám trai đàn cúng kiến trong các chùa thì Ngài có diễn thuyết, khuyên bạn đồng đạo hiệp cùng Ngài mà lập hội ấy(4). Qua đó cho thấy, Hòa thượng Từ Phong luôn thao thức lo lắng cho sự tồn vong của Phật giáo, trải qua gần 30 năm, Ngài đã hết lòng kêu gọi chư vị tôn túc hãy cùng nhau đồng tâm hiệp lực chấn hưng Phật giáo nhưng chưa được hưởng ứng.
 
Mãi cho đến ngày 26 tháng 8 năm 1931, nhờ sự hoạt động tích cực của Hòa thượng Khánh Hòa, Sư Thiện Chiếu, cùng các Hòa thượng trong các sơn môn, tổ đình và một số Phật tử hữu tâm, một Hội Phật học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được thành lập, đó chính là Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học(5). Lúc này, Hòa thượng Từ Phong là một ‘bậc niên cao kỷ trưởng’ (69 tuổi), ‘bực chí nhơn và đạo đức’, đang trụ trì chùa Giác Hải, được bầu làm Chánh Hội trưởng(6). Nhưng sau đó hội không tiến hành được Phật sự như mong muốn, vì một số cư sĩ ngăn trở. Năm 1933, các Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong, Chánh Tâm, Tâm Quang, Khánh Anh, Huệ Quang lui về miền Tây thành lập Phật học đường lưu động gọi là Liên đoàn Phật Học Xã để đào tạo Tăng tài. Mỗi chùa luân phiên mở lớp học 3 tháng, thường thỉnh Hòa thượng Từ Phong đến giảng dạy. Chẳng bao lâu Liên đoàn Phật Học Xã gặp khó khăn về tài chính phải tan rã. Sau đó, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời ngày 13-8-1934, khóa đầu tiên do Hòa thượng An Lạc chùa Vĩnh Tràng làm Hội trưởng, Hòa thượng Từ Phong làm Chứng minh Đạo sư. Qua đó cho thấy, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Hòa thượng Từ Phong cũng luôn hết lòng hy sinh cho đạo pháp, điều này được thể hiện rất rõ trong Tạp chí Từ Bi Âm kỳ thứ 5: Bổn chí phóng sự thấy ngài nhơn đức từ bi chạnh tưởng mới hỏi ngài sao già cả yếu đuối rồi không ở nhà mà tịnh dưỡng, để cho mấy ông Sa-môn còn sức mạnh lo cho đạo cũng đặng, Hòa thượng Từ Phong bèn trả lời rằng: “Từ nhỏ đến lớn tôi ăn cơm của Phật, mặc áo của đàn na thí chủ, ở chùa của thập phương. Mấy món ấy là của đạo hết, mà nay đạo đã suy đồi, nếu tôi còn một chút hơi thở, còn đi đặng đôi bước, nói được một câu chuyện thì cũng nên đến chùa Linh Sơn này mà chung lo cho đạo cùng các ngài thì tôi mới an lòng sau khi tôi tịch diệt theo Phật. Nếu tôi không tầm mối thì tôi không phải ông thầy tu viễn đức và còn mặt mũi nào mà ngó các ngài và thấy mấy người đệ tử của tôi”(7)
 
Ôi! Thế mới biết tấm lòng của ngài Từ Phong thiết tha vì đạo pháp đến mức nào. Với trình độ am hiểu Phật pháp uyên thâm, tác phong đạo đức cao và nhiệt tâm xiển dương Chánh pháp, Hòa thượng Từ Phong đã đóng góp rất lớn cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam nói chung và đặc biệt là Phật giáo miền Nam nói riêng. 
 
Văn hóa 
 
Khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, triều Nguyễn độc tôn Nho học, Phật giáo “bị kỳ thị và suy đồi tột độ”. Vấn đề này được Hòa thượng Thiện Hoa trình bày rất rõ trong tác phẩm 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam như sau: 
 
Mỗi khi đại lễ như rằm lớn, làm chay, làm phước, thuyết pháp, giảng đạo v.v… đều phải xin phép chính quyền. Chư Tăng thường bị chính quyền bắt đi lính, làm xâu, hoặc canh gác. Phật giáo thời bấy giờ bị kỳ thị và suy đồi tột độ, chỉ còn hình thức cúng bái, mê tín dị đoan. Chư Tăng hầu hết chỉ lo đi cúng đám làm kế sinh nhai. Đến đổi ông Tăng không khác gì người tục! Đạo Phật thời bấy giờ bị người chê là yếm thế, tiêu cực hay nhu nhược. Ông Tăng không còn giá trị gì cả!(8)
 
Do đó, tuy các chùa trong nước rất nhiều, nhưng hoạt động riêng rẽ, không có một tổ chức, hệ thống liên lạc chặt chẽ với nhau, sự giao lưu phát triển về Phật học cũng suy giảm. Đặc biệt dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia làm ba miền, trong khi chính quyền bảo hộ tìm mọi cách phát triển Công giáo thì Phật giáo Việt Nam càng bị chèn ép. Một số ngôi chùa lớn cũng bị phá hủy, Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập các tài liệu, di vật nhưng không nhằm mục đích truyền bá Phật giáo cũng góp phần làm suy giảm các kinh sách tại các chùa. 
 
Trước tình hình xã hội có nhiều biến chuyển như thế, công cuộc đổi mới cần được xúc tiến để củng cố nền văn hóa cũ bằng ngôn ngữ thuần Việt và hòa nhập cùng nền văn hóa mới. Các nhà trí thức cổ động phong trào nâng cao dân trí và công việc đầu tiên là phổ cập chữ quốc ngữ. Trong đó, chữ Nôm là một sáng tạo độc lập của ông cha ta, góp phần nâng cao địa vị tiếng Việt, có tác dụng trong sinh hoạt văn hóa cũng như trong việc phát triển nền văn hóa dân tộc. 
 
Riêng đối với Phật giáo, chữ Nôm đã được chư vị tôn túc, các nhà nghiên cứu Phật học sử dụng để phiên dịch tam tạng kinh điển, biên soạn kinh sách Phật giáo để phổ biến rộng rãi, giúp cho nhiều người đọc hiểu dễ dàng hơn. Trên tinh thần đó, Hòa thượng Từ Phong đã sử dụng chữ Nôm kết hợp với chữ Hán để biên soạn hoặc phiên dịch, diễn nghĩa kinh sách Phật giáo. Theo Tiểu sử danh tăng Việt Nam, trong cuộc đời hoằng dương đạo pháp của mình, Hòa thượng Từ Phong đã biên soạn một số tác phẩm như: 
 
1- Khải cáo phát minh văn (1909) 
2- Quy nguyên trực chỉ (diễn Nôm) (1912) 
3- Tông cảnh yếu ngữ lục diễn nghĩa (1915). 
 
Ngoài ra, người viết phát hiện ngài còn biên soạn một tác phẩm Hán Nôm đó là: Phát Bồ-đề tâm văn diễn nghĩa (1932). 
 

Có thể nói những tác phẩm này không chỉ góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn học và văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn có giá trị ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Nội dung tư tưởng của các tác phẩm ấy không ngoài mục đích xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam, củng cố nếp sống tu học, hoàn thiện nhân cách đạo đức cho hàng Tăng Ni, Phật tử nói riêng và cho mọi người trong xã hội nói chung.
Vườn tháp chùa Giác Hải, Q.6 - Ảnh: Q.Hậu
 
Giáo dục
 
Với tấm lòng thiết tha vì đạo, Hòa thượng Từ Phong đã chung sức cùng chư vị tôn túc để chấn hưng Phật giáo. Một trong những công tác Phật sự nổi bật của ngài là giảng dạy giáo lý cho Tăng Ni, Phật tử; mở trường Phật học đào tạo Tăng tài, hoằng dương Phật pháp. Để nhấn mạnh vai trò của công tác giáo dục, Hòa thượng Từ Phong đã trình bày hết sức rõ ràng qua bài “Kệ minh Phật học biên văn bố cáo” như sau:
 
Ngày nay cao tăng chúng đức, đoàn thể liên lạc nên rồi, hiện xuất tinh thần hiệp lực, kiến lập học đường, từ học đường này, thời kết quả đặng. Tiên thánh có nói: “Thử chi nhất học, tối diệu tối huyền”. Một việc học này, làm đầu trước ba giới Thánh hiền. Chư sơn tình đồng chí hợp, tôn sùng giáo pháp, trang nghiêm ngôi Tam bảo lại, đạo Phật truyền bá phổ thông rồi, trai lành gái tín thấy vậy, đều phát tâm chánh tín, vui đẹp trong nền đạo đức, tôn giáo nhà Phật tiến phát, càng thêm tỏ rạng(9).
 
Đại ý đoạn văn này khuyên các bậc cao tăng chúng đức hãy cùng nhau hiệp lực kiến lập học đường, phát triển học nghiệp cho hàng Tăng Ni trẻ. Đối với Phật giáo, học là phương thức hữu hiệu nhất để hình thành đội ngũ Tăng sĩ trí thức có khả năng truyền bá Phật pháp, giúp cho Tam bảo được trường tồn trên thế gian này. Cũng nhờ đó mà hàng thiện nam tín nữ biết phát tâm chánh tín, nền đạo đức nhân loại được củng cố, Phật giáo càng ngày càng phát triển, ngọn đèn Chánh pháp càng thêm tỏ rạng. 
 
Riêng đối với Hòa thượng Từ Phong, sự nghiệp giáo dục được thể hiện qua một số công tác Phật sự hết sức cụ thể và rất có ý nghĩa, như trong Việt Nam Phật giáo sử luận đề cập: 
 
Vào khoảng năm 1920, tuy tình trạng Phật giáo ở đất Việt không có gì sáng sủa, nhưng rải rác trong xứ vẫn còn những vị cao tăng duy trì mạng mạch của Phật pháp. Ở trong Nam có Thiền sư Từ Phong duy trì đạo tràng Giác Hải ở Chợ Lớn, mở lớp giảng giải Phật pháp cho Tăng sĩ trong vùng, tổ chức khắc bản in kinh và khuyến khích việc phiên dịch kinh Phật ra quốc ngữ. Từ năm 1922, Thiền sư đã cho xuất bản bộ “Quy nguyên trực chỉ” do ông tự tay phiên dịch ra quốc ngữ(10).  
 
Bên cạnh đó, Tiểu sử danh tăng Việt Nam còn cho biết: Hòa thượng Từ Phong “vốn là người uyên bác lại tinh tấn nghiên cứu học hỏi nên Ngài sớm trở thành một Pháp sư tinh thông kinh điển, có tài hùng biện luôn thuyết phục người nghe. Vì vậy ai cũng thích đến nghe pháp với ngài”(11). Chính vì thế, thời bấy giờ các tự viện ở Nam Bộ thường liên kết thành một hội gọi là Hội Lục Hòa, dựa vào hình thức mỗi lần một chùa luân phiên qua lại tổ chức hội họp nhằm tạo tình đoàn kết để phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, ngài thường được thỉnh thuyết giảng trong các lần hội họp đó. Ngoài ra, ngài còn được các chùa thỉnh làm Pháp sư trong các dịp khai trường Hương như: chùa Long Quang (Vĩnh Long), năm Kỷ Dậu (1909); Tổ đình Giác Lâm (Sài Gòn), năm Nhâm Tý (1912); chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), năm Kỷ Mùi (1919); chùa Bửu Long (Vĩnh Long), năm Canh Thân (1920). 
 
Có thể nói những dịp này là cơ hội để Hòa thượng Từ Phong có thể hoằng dương Chánh pháp và chấn hưng Phật học một cách hiệu quả nhất. Với tấm lòng hy sinh vì đạo pháp, Ngài không quản ngại gian lao vất vả, không chỉ mở lớp tại bổn tự của mình là chùa Giác Hải mà còn đi đến các đạo tràng chùa khác để giảng dạy Phật pháp. Tất cả việc làm của Ngài không ngoài mục đích giúp cho Tăng Ni và Phật tử am hiểu Phật pháp để tu tập đạt được lợi ích an lạc cho tự thân, đồng thời góp phần giáo dục nhân cách đạo đức cho mọi người trong xã hội.  
 
Nói tóm lại, Hòa thượng Thích Từ Phong là một trong những nhân vật tiên phong phát động phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung giai đoạn đầu thế kỷ XX. Kể từ lúc xuất gia cho đến trọn cuối đời, Ngài luôn hăng hái hoạt động Phật sự, hết lòng hy sinh cho đạo pháp chỉ vì mục đích duy nhất là hoằng dương Phật pháp và bảo vệ ngôi nhà Phật giáo Việt Nam được trường tồn vững mạnh. Sự cống hiến của Ngài về các phương diện văn hóa, giáo dục không chỉ đóng góp tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam xưa kia mà còn có giá trị ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay.
 
_________________
CHÚ THÍCH TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trong Tiểu sử danh tăng Việt Nam (Thích Đồng Bổn chủ biên, 1996) ghi rằng Hòa thượng Thích Từ Phong (1864-1938); tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của người viết thông qua một số nguồn tư liệu và khảo sát thực địa qua các bài vị, bia tháp của Hòa thượng Từ Phong tại chùa Giác Hải (quận 6, TP.HCM) và chùa Thiền Lâm (Gò Kén, Tây Ninh), thì Hòa thượng Từ Phong viên tịch ngày 24-1-1939.
2 và 3. Nguyễn Đại Đồng, TS. Nguyễn Thị Minh (2010), Phong trào Chấn hưng Phật giáo, NXB.Tôn Giáo, tr.21-38 và tr.32.
4. Tạp chí Từ Bi Âm, kỳ thứ 5, ngày 01-03-1932, Sài Gòn, tr.26.
5. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Sài Gòn, tr.36.
6. Tạp chí Từ Bi Âm, kỳ thứ 5, ngày 01-03-1932, Sài Gòn, tr.26-28.
7. Tạp chí Từ Bi Âm, kỳ thứ 5, ngày 01-03-1932, Sài Gòn, tr.28.
8. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Sài Gòn, tr.28.
9. Thích Từ Phong (1939), “發菩提心文演義” (Phát Bồ-đề tâm văn diễn nghĩa) (Hán - Nôm), tr.54a (người viết dịch).
10. Nguyễn Lang (1996), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.17.
11. Thích Đồng Bổn chủ biên (1996), Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 1, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, tr.116-117.


http://vncphathoc.com/nghien-cuu/phat-giao-viet-nam/httu-phong-trong-phong-trao-chan-hung-phat-giao-viet-nam.html


--


..












..

Năm 1910 (Canh Tuất – PL.2454)

Năm 1910 (Canh Tuất – PL.2454), đời vua Duy Tân (Vĩnh San, 1907-1916)

– Ngày 17 tháng 2 năm Canh Tuất, Hòa thượng Như Chơn – Thới Trực (?-1910), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 39, trụ trì chùa Hưng Long (Tân Uyên – Bình Dương), viên tịch.

– Ngày 09 tháng 4 năm Canh Tuất, Thiền sư Như Điền (1886-1955) được Bổn sư là Hòa thượng Chơn Đỉnh – Phước Thông trao Pháp quyển và ban đạo hiệu Huệ Chấn, nối pháp thiền dòng Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41.

– Ngày 23 tháng 6 năm Canh Tuất, Thiền sư Thật Tế (1874-1910), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 39, Tổ khai sáng chùa Phước Linh (Cần Đước, Long An), thị tịch, trụ thế 37 năm.

– Hòa thượng Ấn Bổn – Vĩnh Gia (1840-1918) được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng, Thiền sư Thanh Tú – Huệ Pháp (1871-1927) được thỉnh làm Đệ tam Tôn chứng cho Đại giới đàn tại Tổ đình Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam. Giới đàn này quy tụ gần 200 giới tử, trong đó có giới tử sau này là Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Giác Nhiên,…

– Thiền sư Giác Nguyên (1877-1980) sau khi đắc giới cụ túc tại Đại giới đàn ở Tổ đình Phước Lâm (Hội An), được tăng chúng suy tôn làm Thủ tọa chùa Tây Thiên nay ở xã Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

– Thiền sư Như Nhãn – Từ Phong (1864-1938) nhờ hiệu Quảng Đồng An (Chợ Lớn), đặt in bộ Quy Nguyên Trực Chỉ tại Trung Quốc. Bộ sách này được in thạch bản (nguyên bản chữ Hán của Hòa thượng Tông Bổn đời Tống và bản dịch chữ Nôm của sư Từ Phong).

– Khoảng năm 1910, Thiền sư Minh Khiêm – Hoằng Ân (1850-1914) sau nhiều năm vân du hoằng hóa đã trở về thăm chùa Giác Lâm và chùa Giác Viên ở Gia Định.

– Thiền sư Ấn Hướng – Pháp Nhãn (1858-1912) lập thảo am Phước Sơn nay ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, để hành đạo.

– Hòa thượng Chương Hiệp – Tuyên Thủ – Chánh Trì (1833-1910) thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 38, trụ trì Tổ đình Thiên Hòa (Bình Định), viên tịch, thọ 78 tuổi.

– Ấn Bình – Bửu Quang (1863-1921) kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Hòa ở Bình Định.

– Thiền sư Chơn Thành – Phước Khánh (1868-1927) kế thế trụ trì Tổ đình Phổ Bảo ở huyện Tuy Phước, phủ Hoài Nhơn, trạm Bình Điền, dinh Quảng Nam.

– Thiền sư Ấn Chí – Hoằng Chỉnh (1862-1940) được Phật tử Lê Thị Huỳnh hiến cúng cho ngôi chùa Phước Hậu tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

– Thiền sư Thanh Tú – Huệ Pháp (1871-1927) đại trùng tu chùa Thiên Hưng  ở núi Hoàng Long, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, Huế.

– Thiền sư Trừng Thủy – Giác Nhiên (1877-1979) đắc pháp với Hòa thượng Bổn sư Thanh Ninh – Tâm Tịnh và được phú pháp kệ : “Tính giác vốn tự nhiên, sắc không chẳng hiện tiền, ngại chi tr  thế sự, siêng tu diệu lý huyền” (CTTĐPGTH).

– Khoảng năm 1910, Thiền sư Trừng Thuận – Thành Đạo, thuộc dòng Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, khai sơn chùa Linh Phước nay tại số 64, ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

– Thiền sư Thanh Tín (1861-1944) sáng lập chùa Thiên Phước nay tại số 22F, ấp Bình Thiện, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, trên khu đất do gia đình hiến cúng.

– Thiền sư Trừng Minh – Phóng Quang (1891-?), thuộc dòng Tế Thượng – Chánh Tông, đời thứ 42, khai sơn chùa Long An hiện tọa lạc tại số 417, ấp Long Khánh, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

– Thiền sư Kiểu Quang – Thới Biên (?-1927) kế thế trụ trì chùa Hưng Long nay thuộc ấp 2, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

– Thiền sư Hồng Lang – Hòa Khương (1870-1940) sáng lập chùa An Linh nay thuộc xã Đông Hòa, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

– Thiền sư Hoằng Đạo (?-1939) được Hòa thượng Nhất Thừa (chùa Tây An, Châu Đốc) cử về trụ trì Phù Cừ Am Tự nay tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

– Tịnh Nghĩa (Nguyễn Công Đại), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 39, kế thế trụ trì Sùng Hưng Cổ tự nay tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

– Thiền sư Tâm Huy – Khánh Huy, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 43, kế thế trụ trì chùa Phước Lâm nay tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (1910-1936).

– Thiền sư Tâm Hòa – Chánh Khâm kế thế trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen, nay thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (1910-1937).

https://blog.phapthihoi.org/su-kien/nam-1910-canh-tuat-pl-2454/

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.