Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/01/2022

Đầu năm xem động thái của các doanh nhân : Phúc Vương phát triển xe điện, Tân Hoàng Minh rút cọc, Quyết FLC bán chui cổ phiếu

Đúng là "văn hóa soi đường cho quốc dân" thật !

Đầu năm 2022, các doanh nhân đất Việt đang thực sự muốn vươn lên tầm văn hóa trong phát triển doanh nghiệp.

Tư liệu cũ trên Giao Blog, thì về Phúc Vương, tạm đọc ở đâyở đây, ở đây.

Bác Quyết FLC thì tạm đọc ở đây, ở đây.

Bác Tân Hoàng Minh thì tạm đọc ở đây.

Bây giờ là tin tức cập nhật đầu năm 2022.

Tháng 1 năm 2022,

Giao Blog


---



I. Anh Quyết FLC bán chui cổ phiếu


Ông Trịnh Văn Quyết không chỉ bị hủy giao dịch bán cổ phiếu mà còn bị phạt tiền mức cao nhất

11/01/2022 21:57 GMT+7

TTO - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định sẽ hủy giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC. Đồng thời, ông Quyết còn bị phạt tiền mức cao nhất.

Ông Trịnh Văn Quyết không chỉ bị hủy giao dịch bán cổ phiếu mà còn bị phạt tiền mức cao nhất - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC, sẽ bị hủy giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10-1 và còn bị phạt tiền mức cao nhất - Ảnh: BÔNG MAI

Về chế tài xử phạt đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty FLC, bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10-1 mà không công bố thông tin, trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 11-1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết sẽ hủy giao dịch bán toàn bộ số cổ phiếu của ông Quyết.

Theo đó, những nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC của ông Quyết bán hôm 10-1 sẽ không nhận được cổ phiếu cũng như tài khoản không bị trừ tiền. Và ngược lại, ông Quyết sẽ nhận lại cổ phiếu và tiền sẽ không về tài khoản.

Một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán thông tin thêm Trung tâm Lưu ký chứng khoán và công ty chứng khoán sẽ phối hợp để tra soát, xác định thông tin gồm số lượng cổ phiếu, giá khớp lệnh, tài khoản chứng khoán, người mua... rồi xử lý việc hoàn tiền cho người mua và hoàn cổ phiếu FLC cho ông Quyết.

Không chỉ bị hủy bán toàn bộ số cổ phiếu FLC, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết ông Trịnh Văn Quyết còn bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền cao nhất. 

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn xem xét thêm chế tài bổ sung để xử lý thật nghiêm hành vi vi phạm theo đúng quy định. "Bộ Tài chính đang giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự. Không thể để xảy ra sai phạm rồi cơ quan chức năng mới xử phạt. Trong tương lai gần, hệ thống của thị trường sẽ không cho phép trường hợp sai phạm rồi mà lại tái phạm tiếp được giao dịch bình thường" - ông Chi nói.

Theo ý kiến các chuyên gia chứng khoán, việc ông Quyết bị cơ quan quản lý hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC là chưa có tiền lệ, hay nói cách khác là chưa từng xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tối 11-1, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có thông báo chính thức về việc hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết. 

Lý do ông Quyết bán số cổ phiếu này mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo đúng quy định.

Ghi nhận thị trường, do lượng cổ phiếu bán ra quá lớn, phiên giao dịch đầu giờ chiều 10-1, cổ phiếu FLC đang giao dịch ở mức trần chuyển sang nằm sàn. Và ngay khi mở phiên giao dịch ngày 11-1, sau khi có thông tin ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu, giá cổ phiếu không chỉ của FLC mà các mã "họ FLC" cũng nằm sàn la liệt.

Về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, theo quy định tại nghị định 156 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tối đa 1,5 tỉ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng.

Cổ phiếuCổ phiếu 'họ FLC' giảm sàn, trắng bên mua sau tin ông Trịnh Văn Quyết 'bán chui'

TTO - Ngay khi mở đầu phiên giao dịch 11-1, hàng loạt cổ phiếu 'họ FLC' lũ lượt rớt xuống giá sàn, không có người mua. Sự việc xảy ra sau khi nhà đầu tư hay tin ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu nhưng không báo cáo trước theo quy định.


L.THANH

https://tuoitre.vn/ong-trinh-van-quyet-khong-chi-bi-huy-giao-dich-ban-co-phieu-ma-con-bi-phat-tien-muc-cao-nhat-20220111214216307.htm



Phong tỏa toàn bộ tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết

Bộ Tài chính phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, người vừa bị hủy giao dịch “chui” cổ phiếu FLC trị giá nghìn tỷ hôm 10/1 để rà soát giao dịch đối ứng.

Bộ Tài Chính vừa ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) bắt đầu từ ngày 11/1/2022.

Thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và các công ty chứng khoán nơi có tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết có trách nhiệm phối hợp để phong tỏa đồng thời dừng toàn bộ giao dịch chứng khoán và thông báo cho ông Trịnh Văn Quyết về việc thực hiện phong tỏa này.

Một nguồn tin từ UBCK cho biết, để thực hiện việc huỷ giao dịch đối với lô cổ phiếu FLC giao dịch từ tài khoản ông Trịnh Văn Quyết, UBCK đã vào cuộc thực hiện phong toả tài khoản giao dịch chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết. Đây là động thái kỹ thuật cần thiết vì giao dịch ngày 10/1, tiền chưa thanh toán, chứng khoán chưa giao nên UBCK vào cuộc ngay phong toả tài khoản trước ngày thanh toán vào 12/1.

Tối 11/1 HOSE đã công bố thông tin huỷ lô giao dịch.

Cũng theo nguồn tin này, UBCK đang phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) lọc các giao dịch mua đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC để huỷ và trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Được biết, có gần 20.000 tài khoản đã mua đối ứng với tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết bán ra gần 75 triệu cổ phiếu nên việc lọc số liệu và tài khoản đối ứng vì mất nhiều thời gian. Kết quả sẽ phải chờ thông báo vào ngày mai.

Phong tỏa toàn bộ tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết
Ông Trịnh Văn Quyết bán chui 78 triệu cổ phiếu FLC.

Trong phiên giao dịch 10/1 có tới 135 triệu cổ phiếu được khớp lệnh cho nên, ngoài lô cổ phiếu 74,8 triệu đơn vị thì có những lệnh mua bán bình thường. Các giao dịch không phải đối ứng từ ông Trịnh Văn Quyết sẽ vẫn diễn ra bình thường.

Việc phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết căn cứ vào Luật Chứng khoán năm 2019; Quyết định 48/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCK. Bên cạnh đó, quyết định căn cứ báo cáo của Sở GDCK TP.HCM về giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết ngày 10/1/2022 và theo đề nghị của Chánh Thanh tra UBCKNN.

Sáng 11/1, UBCK đã thông báo về việc giao dịch không công bố thông tin của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC.

Tới tối 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết sẽ hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trong ngày 10/1/2022.

Trong phiên giao dịch 10/1, cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết lập kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán: 135 triệu cổ phiếu trao tay trong một phiên bảng giao dịch lần đầu tiên trong 6 tháng bị đơ, không hiển thị giá thực.

135 triệu cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết được chuyển nhượng trong tình trạng cổ phiếu này biến động rất mạnh, từ tăng trần (thêm 7% trong buổi sáng) sang giảm sàn vào buổi chiều, trước khi đóng cửa giảm 6,2% xuống 21.150 đồng/cp. Trong đó, có 74,8 triệu cổ phiếu do ông Quyết bán chui.

Với gần 135 triệu cổ phiếu được giao dịch trong 1 phiên, FLC trở thành mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong ngày lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường. Số cổ phiếu này chiếm 20% lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp này và chiếm gần 10% thanh khoản sàn HOSE trong phiên.

Với mức giá từ 21.000 đến 24.100 đồng/cp trong phiên, tổng giá trị chuyển nhượng cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 lên tới khoảng 3.100 tỷ đồng.

Sau khi vụ việc ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 bị UBCK công bố, trong phiên giao dịch 11/1 thị trường tiếp tục ghi nhận một kỷ lục mới với gần 155 triệu đơn vị của cổ phiếu FLC được chuyển nhượng khớp lệnh trong phiên. Với mức giá 20-21 nghìn đồng, tổng giá trị chuyển nhượng lên tới gần 3,2 nghìn tỷ đồng.

Tổng cộng trong 2 phiên giao dịch, có tới 290 triệu cổ phiếu FLC được trao tay, trong tổng cộng 710 triệu cổ phiếu FLC đang lưu hành, tương đương 40,8%.

Đây là khối lượng giao dịch lớn chưa từng có, cao gấp khoảng 7-10 lần so với trung bình trước đó.

Trước giao dịch ông Quyết nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ Tập đoàn FLC. Bên cạnh đó, ông Quyết còn có hơn 23,7 triệu cổ phiếu ROS, hơn 3,1 triệu cổ phiếu ART, hơn 7 triệu cổ phiếu GAB, trị giá tổng cộng hơn 6 nghìn tỷ đồng.

M. Hà - L.Bằng

6.000 tỷ qua tay, cổ phiếu FLC và kỷ lục chưa từng có trên sàn

6.000 tỷ qua tay, cổ phiếu FLC và kỷ lục chưa từng có trên sàn

Doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết 2 phiên liền ghi nhận kỷ lục giao dịch cổ phiếu chưa từng có trên

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/phong-toa-toan-bo-tai-khoan-chung-khoan-cua-ong-trinh-van-quyet-808209.html


..

Ngày 12/1/2022

BÀI 2. CƠ SỞ PHÁP LÝ NÀO CHO VIỆC HỦY BỎ GIAO DỊCH 74,8 TRIỆU CỔ PHẦN FLC VÀ PHONG TỎA TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN CỦA ÔNG QUYẾT?
Vụ ông Trịnh Văn Quyết giao dịch chui 74,8 triệu cổ phần FLC ngày 10/01/2021 và những phát sinh sau đó là một case thú vị cho thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan tại Việt Nam nhất là sau khi Nghị định 128/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Với tư cách người đại diện và bảo vệ chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ (cổ đông thiểu số), tôi sẽ theo dõi sát sao vụ việc này và có những ý kiến phân tích kịp thời để giúp các nhà đầu tư hiểu thêm về pháp luật liên quan đến những giao dịch chứng khoán của mình.
Theo thông tin trên báo chí, ngày 11/01/2021, UBCKNN đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết. Ngoài ra, Sở GDCK TP.HCM đã thông báo thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phần FLC ngày 10/01/2022 của Ông Trịnh Văn Quyết.”. Tuy nhiên, trong Thông báo của SGDCK Tp. HCM không nêu rõ căn cứ pháp lý nào của Luật chứng khoán và các văn bản pháp luật liên quan để hủy bỏ giao dịch này, chỉ nêu thực hiện theo chỉ đạo số của Công văn số 198/UBCK-TT ngày 11/01/2022. Nhưng trên trang web của UBCKNN không công bố nội dung của Quyết định số 19/QD-UBCK và Công văn số 198/UBCK-TT. Do đó chưa rõ việc hủy giao dịch 74,8 triệu cổ phần FLC và phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết dựa trên quy định nào của pháp luật.
Thực tế trong các văn bản pháp luật cũng có những quy định về việc phong tỏa tài khoản chứng khoán, đình chỉ giao dịch chứng khoán, khắc phục hậu quả do vi phạm pháp luật nhưng không thấy UBCKNN và SGDCK Tp. HCM nêu chi tiết những quy định đó để căn cứ cho những hành xử trên của mình. Vì vậy, theo chúng tôi UBCKNN và SGDCK Tp. HCM cần công bố các căn cứ pháp lý để áp dụng những biện pháp trên, tránh việc các cơ quan chức năng bị coi là hành xử tùy tiện, không theo pháp luật, điều tối kị đối với thị trường chứng khoán, khi có hàng triệu nhà đầu tư tham gia, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày 11/01/2022, tôi đã viết bài số 1 về việc bán chui 74,8 triệu cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết tuy nhiên không rõ vì lý do gì bài này bị report nên tôi đăng lại dưới đây.
BÀI 1. ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC (UBCKNN) SẼ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO VỚI VIỆC BÁN CHUI 74,8 TRIỆU CỔ PHẦN CỦA ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT?. VỚI TƯ CÁCH CỦA NGƯỜI ĐẠI DIỆN VÀ BẢO VỆ CHUYÊN NGHIỆP CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ NHỎ LẺ, TÔI SẴN SÀNG TIẾP NHẬN NHỮNG YÊU CẦU BẢO VỆ CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ TRONG VỤ VIỆC NÀY.
Hôm qua ngày 10/01/2022 đã có việc giao dịch 135 triệu cổ phần của FLC, công ty mà ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị, chiếm gần 20% tổng số cổ phần của công ty này, lập kỷ lục về số cổ phần được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam được giao dịch trong một ngày. Trong số đó có 74,8 triệu cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết được giao dịch nhưng không được công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Trong phiên giao dịch 10/1/2022, có thời điểm cổ phiếu FLC đã tăng trần lên 24.100 đồng/1 cổ phần, cao nhất trong lịch sử cổ phiếu này và gấp 5 lần so với đầu năm 2021. Nhưng cuối phiên 10/1/2022 cổ phiếu này đã giảm 6,2% xuống 21.150 đồng/1 cổ phần, so với mức tăng trần (24.100 đồng) giảm 12,5 %. Đến sáng 11/1/2022, FLC đã có thời điểm giảm sàn là 19.700 đồng/1 cổ phần.
Ngay trong ngày 10/01/2021, Ông Trịnh Văn Quyết đã có Đơn giải trình dưới đây gửi UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh. Ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, việc thực hiện giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin là do sai sót của Bộ phận Thư ký trong quá trình xử lý công việc nên đã quên không gửi công bố thông tin.
Trước đây, ông Trịnh Văn Quyết cũng từng bị xử phạt khi bán cổ phần doanh nghiệp mà không công bố thông tin. Tháng 11/2017, UBCKNN ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phần đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phần FLC trong khoảng thời gian 20-24/10/2017.
Ông Trịnh Văn Quyết không chỉ là một doanh nhân có tiếng, đứng đầu nhiều công ty lớn tại Việt Nam, ông từng là một Luật sư chuyên về kinh doanh, nên các nhà đầu tư không thể chấp nhận cái gọi là “sai sót” trên của ông Quyết. Các nhà đầu tư đang đợi xử lý nghiêm túc của UBCKNN. Cá nhân tôi, một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ theo dõi sát sao quá trình xử lý của UBCKNN.
Ngoài ra, với tư cách người đại diện và bảo vệ chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tôi sẵn sàng tiếp nhận những yêu cầu bảo vệ của các nhà đầu tư trong vụ việc này. Theo nguyên tắc chung của pháp luật, những người bị thiệt hại vì một hành vi trái pháp luật có quyền đòi người có hành vi trái pháp luật bồi thường thiệt hại cho mình. Điều này có nghĩa nhà đầu tư nào cho rằng (và chứng minh được) hành vi giao dịch “chui” của ông Trịnh Văn Quyết gây thiệt hại vật chất cho mình, có quyền yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết phải bồi thường thiệt hại. Mặc dù đến nay chưa thấy có vụ án nào ở Việt Nam xét xử yêu cầu tương tự này, nhưng trên thế giới đã có nhiều vụ án đã được xét xử theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt hại. Đã đến lúc các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như góp phần để thị trường chứng khoán Việt Nam được minh bạch, theo đúng thông lệ quốc tế.
Người đại diện và bảo vệ chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ
Trần Vũ Hải
(Địa chỉ liên hệ để nhận các yêu cầu: Email: baovenhole@protonmail.com)

https://www.facebook.com/tranhai.vune/posts/7694264103932766

..


Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỉ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng

18/01/2022 10:51 GMT+7

TTO - Ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC - bị phạt tiền 1,5 tỉ đồng và bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng do bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo.

Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỉ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FLC - bị xử phạt hành chính và đình chỉ giao dịch vì bán cổ phiếu nhưng không báo cáo - Ảnh: T.HUYỀN

Ngày 18-1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết, địa chỉ: B30-BT6 Đô thị Mỹ Đình 2, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết bị phạt tiền 1,5 tỉ đồng, căn cứ quy định tại khoản 3, điều 5, điểm h, khoản 5, điều 33 nghị định số 156 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 cổ phiếu FLC vào ngày 10-1 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Ngoài ra, ông Trịnh Văn Quyết còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, quy định tại điểm b, khoản 7, điều 33 nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 27, điều 1 nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 18-1.

Ông Trịnh Văn Quyết đã nộp phạt

Theo thông tin từ Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC), ông Trịnh Văn Quyết đã chấp hành quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC).

Được biết, ngay sau khi nhận được thông báo, ông Quyết đã nộp phạt 1,5 tỉ đồng, đồng thời phối hợp chấp hành các quyết định khác liên quan.

Xét về mặt cấu trúc sở hữu nói chung tại FLC, sự cố giao dịch nói trên đã được khắc phục, cơ cấu sở hữu tại doanh nghiệp sẽ không có nhiều biến động lớn.

Trước khi xảy ra phi vụ "bán chui", ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của tập đoàn. Sau khi hủy giao dịch, tỉ lệ sở hữu của ông Quyết tại FLC không thay đổi.

Tuy nhiên, sự cố này cũng gây một số tác động tâm lý đến nhà đầu tư chứng khoán, dẫn đến các cổ phiếu "họ FLC" đã bị nhiều nhà đầu tư bán ra, rớt giá, mất thanh khoản.

Sẽ mạnh tay với thao túng chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc. 

Để đảm bảo tính nghiêm minh của thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết trong năm 2022 và những năm tiếp theo, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn công tác giám sát giao dịch, chủ động phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán.

Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, phối hợp xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán; phối hợp với cơ quan quản lý trong giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trên cơ sở báo cáo từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị FLC - giao dịch bán cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhanh chóng phối hợp cùng các cơ quan liên quan để đưa ra giải pháp xử lý.

"Ngày trong ngày 11-1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định" - đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin.

Chiều 11-1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo HoSE hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết.

Đây là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng trên tinh thần vì sự minh bạch, lành mạnh của thị trường, cơ quan quản lý và các cơ quan liên quan đã rất khẩn trương khai triển nhiều giải pháp để ra quyết định như trên.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ đạo HoSE, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và các công ty chứng khoán phối hợp rà soát các giao dịch đối ứng giao dịch bán từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy giao dịch.

Các giao dịch hủy bỏ là các giao dịch đối ứng với giao dịch bán cổ phiếu FLC ngày 10-1 từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết.

https://tuoitre.vn/ong-trinh-van-quyet-bi-phat-15-ti-dong-va-dinh-chi-giao-dich-5-thang-2022011810480249.htm

..



II. Tân Hoàng Minh bất ngờ tháo cọc



Tân Hoàng Minh 'bỏ chạy' khỏi lô đất vàng ở Thủ Thiêm, sắp tới ra sao?

12/01/2022 08:11 GMT+7

TTO - Chiều 11-1, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xác nhận ông Đỗ Anh Dũng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã gửi "tâm thư" xin chấm dứt hợp đồng mua lô đất đấu giá thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tân Hoàng Minh bỏ chạy khỏi lô đất vàng ở Thủ Thiêm, sắp tới ra sao? - Ảnh 1.

Lô đất 3-12, có diện tích 10.059,7m2, thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức trúng đấu giá là 24.500 tỉ đồng - Ảnh: T.T.D.

Trong tâm thư đề ngày 10-1 gửi đến Tổng bí thư và các lãnh đạo cao cấp ở trung ương và TP.HCM, ông Đỗ Anh Dũng đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật.

Xin thôi vì "hệ lụy không tốt"

Thư giải thích việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là nhằm "bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên...". Đồng thời ông Dũng cũng gửi đến Tổng bí thư và lãnh đạo cao cấp lời xin lỗi "chân thành nhất".

Trong thư ông Dũng khẳng định sau khi đấu giá trúng, ông và tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua.

Một chuyên gia về tài chính tại TP.HCM cho rằng khi theo dõi và xâu chuỗi các thông tin thời sự gần đây, nhiều người cũng nghĩ sẽ có kết cục như hôm nay. "Cú bẻ lái" này thật ra cũng tốt cho thị trường bất động sản.

"Sau vụ này, có thể giá nhà, đất ở khu vực Thủ Đức sẽ dịu lại và trở về mức giá thực tế hơn. Các khu vực khác trên địa bàn TP.HCM cũng theo đà đó mà giảm xuống trừ những huyện đang có đề án trở thành thành phố hoặc quận", vị chuyên gia tài chính cho biết.

Sắp tới ra sao?

Một chuyên viên tư pháp tại TP.HCM cho biết nếu Tân Hoàng Minh thực sự có thư gửi đến UBND TP thì có khả năng UBND TP sẽ giao cho các cơ quan liên quan xem xét xử lý vụ việc.

Lúc đó các bên đã ký tên trong hợp đồng sẽ làm việc với nhau để xác định ý chí của doanh nghiệp trúng đấu giá về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Khi đã xác định xong thì số tiền đặt trước của người đấu giá sẽ đương nhiên bị sung công quỹ chứ không chờ đến 180 ngày như trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Nếu Tân Hoàng Minh hủy hợp đồng tại thời điểm này, lô đất vẫn là đất công thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Vị chuyên gia tư pháp cho biết trường hợp này không áp dụng quy định đơn vị trả giá cao thứ hai sẽ được mời mua tài sản đấu giá bởi phiên đấu giá đã chấm dứt, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND TP cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá.

"Việc đơn vị trả giá cao thứ hai được mua tài sản đấu giá chỉ áp dụng khi đơn vị trúng đấu giá từ chối mua ngay sau khi trúng đấu giá kèm theo điều kiện giá được trả cao thứ hai cộng với số tiền đặt cọc đấu giá bằng hoặc cao hơn giá mà đơn vị trúng đấu giá vừa từ chối", vị chuyên gia giải thích.

Như vậy nếu như Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) từ chối mua tài sản đấu giá ngay tại phiên đấu giá thì cũng không thể mời đơn vị thứ 2 mua tài sản đấu giá bởi giá mà Tân Hoàng Minh trúng đấu giá cao hơn lần trả giá trước đó đến 700 tỉ đồng, trong khi số tiền đặt cọc để đấu giá quyền sử dụng lô đất 3-12 chỉ gần 600 tỉ đồng.

3 lô còn lại như thế nào?

Đối với các lô đất còn lại trong đợt bán đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm ngày 10-12 vừa qua (lô 3-5, 3-8 và 3-9), các thủ tục xử lý sau khi trúng đấu giá vẫn diễn ra bình thường theo quy định.

Vì 4 lô đất được đấu giá cùng ngày nhưng trong 4 phiên khác nhau, có 4 hợp đồng được ký độc lập, những quyết định công nhận kết quả đấu giá và thông báo nghĩa vụ tài chính của cơ quan chức năng cũng riêng biệt nên việc một lô đất bị hủy hợp đồng mua tài sản đấu giá không ảnh hưởng đến những lô đất khác.

Vào ngày 6-1, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho các công ty trúng đấu giá 4 lô đất trong các phiên đấu giá ngày 10-12-2021. Đến nay, các công ty đều đã ký nhận thông báo nghĩa vụ tài chính (kể cả doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất 3-12).

Tân Hoàng Minh nói gì về việc 'rút' khỏi lô đất 24.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm?

TTO - Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết sẽ có văn bản chính thức gửi UBND TP.HCM để báo cáo và gửi Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12.

ĐẶNG TUÂN - D.N.HÀ

https://tuoitre.vn/tan-hoang-minh-bo-chay-khoi-lo-dat-vang-o-thu-thiem-sap-toi-ra-sao-20220112075617363.htm




Lãnh đạo Tân Hoàng Minh gửi tâm thư xin chấm dứt hợp đồng 24.500 tỉ mua đất ở Thủ Thiêm

11/01/2022 18:54 GMT+7

TTO - Chiều 11-1, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xác nhận ông Đỗ Anh Dũng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, gửi "tâm thư" xin chấm dứt hợp đồng mua lô đất đấu giá thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Lãnh đạo Tân Hoàng Minh gửi tâm thư xin chấm dứt hợp đồng 24.500 tỉ mua đất ở Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình trao hoa chúc mừng khách hàng trúng đấu giá lô đất cuối cùng, lô 3-12 - Ảnh: NHẬT THỊNH

Trong tâm thư đề ngày 10-1-2022 gửi đến Tổng bí thư và quý lãnh đạo cao cấp ở trung ương và TP.HCM, ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật.

Việc này là nhằm "bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên...". Đồng thời ông Dũng cũng gửi đến Tổng bí thư và quý lãnh đạo cao cấp lời xin lỗi chân thành nhất.

Lý giải rõ hơn về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, ông Dũng khẳng định sau khi đấu giá trúng, ông và tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua.

Mặc dù, sau khi trúng đấu giá, tập đoàn đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính để đảm bảo đóng tiền theo tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký kết với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM. Đồng thời tập đoàn đã lên phương án kinh doanh - đầu tư mới phù hợp nhất để có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp không đúng như kỳ vọng ban đầu, nhưng vẫn đảm bảo thu hồi vốn đầu tư...

Riêng về "động cơ" mua đấu giá lô đất với giá cao, ông Dũng cho rằng ông mong muốn góp sức nhỏ bé của mình để TP.HCM có thêm động lực khắc phục khó khăn sau đại dịch. Vì vậy ông quyết tâm tham gia đấu giá với mong muốn vừa tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM vừa xây dựng một công trình điểm nhấn đẹp - văn minh - hiện đại và góp phần cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị của Thủ Thiêm.

Từ đó, ở thời điểm đấu giá, ông Dũng trả cao hơn công ty trả giá cao thứ nhì (là công ty nước ngoài, trả 23.800 tỉ đồng) đến 700 tỉ đồng để lô đất đẹp nhất bán đảo Thủ Thiêm phải thuộc về doanh nghiệp trong nước là Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Theo quy chế đấu giá, nếu Tân Hoàng Minh chấm dứt hợp đồng mua lô đất thì sẽ bị mất cọc gần 600 tỉ đồng. Công ty trả giá cao thứ nhì sẽ được mua lô đất với giá đã trả nếu vẫn có nhu cầu mua lô đất trên.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ngày 10-12-2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đã đấu giá thành công 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng giá trúng là 37.346 tỉ đồng. Trong đó, lô đất 3-12, có diện tích 10.059,7m2, giá khởi điểm hơn 2.942 tỉ đồng đã được Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh mua trúng đấu giá với giá chốt là 24.500 tỉ đồng.

Đến 17-12, 4 công ty trúng đấu giá 4 lô đất tại buổi đấu giá ngày 10-12 đã hoàn tất việc ký hợp đồng mua 4 lô đất trên với các cơ quan chức năng của TP.HCM.

Tiếp đến ngày 6-1-2022, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành 8 thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho 4 doanh nghiệp trúng đấu giá.


THÁI AN - ĐẶNG TUÂN

https://tuoitre.vn/lanh-dao-tan-hoang-minh-gui-tam-thu-xin-cham-dut-hop-dong-24-500-ti-mua-dat-o-thu-thiem-20220111184207407.htm

..

Ngày 12/1/2022


Ầm ĩ mấy ngày qua là thư và đơn giải trình của hai tập đoàn.
Đọc thư thấy viết sai cả họ của một lãnh đạo, người đàn ông chân chính luôn tự hào về bố mình nhưng đó là bố đẻ chứ không phải bố vợ! Trong kinh doanh đúng là cần có nghệ thuật nhưng việc thổi giá đất như những đại gia hiện nay là chỉ làm cho đất nước không phát triển, vì người người, nhà nhà buôn đất, dần dần thì khoa học, xã hội, nhân văn mất hết chẳng thể có một xã hội văn minh trí tuệ mà chỉ còn lại con buôn! Nói dối, cài bẫy, và đưa nhau vào tròng để thịt!
Đọc đơn giải trình cũng thế.
Khi làm điều gì khó quá thì người ta nghĩ cách đi nước ngoài để "né" nếu êm thì lặng lẽ hưởng lộc, nếu không êm thì có lý do chính đáng.
Khôn nhưng cũng nên để phần cho nhân dân một chút. Đừng khôn hết phần của người khác.
Hoan nghênh quốc hội.
Hoan nghênh bộ công an và bộ tài chính.






https://www.facebook.com/huynh.luongngoc/posts/2056742287835263


Mấy năm trước, mình có được ngồi hóng mấy bác thảo luận chuyện ở chung cư hay nhà đất. Phận con cháu chỉ ngồi nghe chứ không dám có ý kiến gì, nhưng mình ấn tượng không phai với 1 bác:
- Ông con tôi cũng dụ bố mẹ bán nhà lên mua chung cư Đờ đờ gì đó... ở cùng vợ chồng anh ấy, nghe nói sang, đẹp lắm mà tôi bảo: KHÔNG. Tôi bảo ở thì thích thật, nhưng mấy năm nữa bố chết, mày làm cơm cúng mời bố về, mày khấn: Con mời ông về phòng... chung cư Đờ đờ...
🏨
Mày biết bố nửa chữ tiếng Tây không biết. Mà mày chỉ hơn bố tí teo. Tao nuôi mày ăn học từ bé, tao không tin mày đọc đúng. Mày đọc sai, tao không nghe được, thế mày định cho bố làm ma đói à?
😁
Giờ mới biết ông chủ đầu tư mấy chung cư Tây hóa đó có tinh thần dân tộc cao dễ sợ. Đấu giá vì tình thần dân tộc mà quay xe cũng vì lòng yêu nước.
Cụ Hồ nói rằng: "Tinh thần yêu nước cũng như như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính. Nhưng cũng có khi được cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm". Không biết Cụ có biết lòng yêu nước với tinh thần dân tộc còn được cất trong "tâm thư" không?
Học lịch sử, mình thì thấy rằng: một trong những điều đáng tiếc nhất của đất nước này là không thể có một tầng lớp tư sản dân tộc đủ mạnh!

https://www.facebook.com/truong.hanh2/posts/10159953463809581




Có lần, tình cờ Mõ được hai GS rủ đi ăn với anh chàng Dũng Tân HM, nghe nói gia tài có hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhìn hai GS khúm núm, nghe giọng cười hô hố, những cái vỗ vai đầy kẻ cả của tay trọc phú, khi đã no say rồi, Mõ mới bảo tưởng có tiền nhiều thì thế nào, chứ tư cách của mày vẫn chẳng hơn gì thằng trộm chó nhỉ. Dũng đớ người nhìn Mõ bằng đôi mắt đầy lòng trắng, ằng ặc chẳng nói được câu nào. Chính vì thế mà hôm qua, đọc cái tâm thư của Dũng nói về việc bỏ thầu đất Thủ Thiêm, rồi chuyện Quyết còi úp sọt nhà đầu tư, Mõ chả lấy làm ngạc nhiên. Tư cách, trình độ của những thằng chuyên nghề trộm chó, lừa đảo, cướp giật thì chỉ thế thôi, mô phạm sao được. Ở đất nước này, có mấy doanh nghiệp thành công không dựa vào buôn gian bán lận. Dân mạng rất chi là rỗi hơi xông vào chửi rủa cho phí nhời.
Vấn đề đáng nói ở đây là, trong tâm thư Dũng ta kính thưa, kính gửi, xin lỗi từ TBT đến CTN, TT, CTQH đến toàn bộ Bộ CT, Ban BT, Bộ CA... Liệu đây có phải là ngẫu nhiên? Bình thường thì muốn hủy cọc chỉ cần gửi công văn đến UB đấu giá là xong, sao phải lôi cả tứ trụ vào làm gì? Liệu đây có phải là lời nhắc nhở đến những người cùng hội cùng thuyền? Cũng chưa biết chừng. Trong xã hội mình thì điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng việc gắn tên tuổi những con người đáng kính trên vào công cuộc ăn cướp, lừa đảo là rất hỗn. Nếu là người có đạo đức sáng ngời bị tay trộm chó làm cho hoen ố trong bức tâm thư nói trên, Mõ sẽ thẳng tay đập nó ch.ết t.ươi
Kể từ khi anh xe xăng chuyển sang xe điện, chuyển sở hữu cho nước ngoài, Mõ đã hình dung đang có sự tháo chạy lớn của bọn trộm chó. Chúng đang rình cú lớn rồi bùng, nhưng cửa lò cụ Tổng giăng lửa từ lâu.

Lần này thì trộm chó sẽ biến thành chả chó, nhựa mận, ném cho chó ăn. Dự là giềng mẻ dịp tết sẽ tăng giá cao.

https://www.facebook.com/quangvan.hoang.9/posts/5189138341097376




Nói trọc phú cũng không sai. Nhưng xem ra còn quá nhẹ đối với những súc sinh tỷ phú mang lốt con người.
Đó là chủ tịch "Tân Hoàng (u) Minh". Bỏ cọc chạy làng vì diễn trò lưu manh không thành, lại còn bày trò viết "tâm thư" xin lỗi một đống vai vế thượng đình. Thật ngu mê đến mức quái đản. Nó quái đản đã đành, lại còn biến cả cái hệ thống kia thành quái đản.
Đó là thằng lưu manh đại hạ tiện họ Trịnh yểu tướng. Bán trộm cổ phiếu. Ăn cắp không thành, lại đổ lỗi cho thằng đánh máy...
Chúng ta đang sống trong một thời đại quái đản.

https://www.facebook.com/vuphong.luuplv/posts/616421499614686



"Anh Tân Hoang Minh" ấy, ảnh bỏ cọc, ảnh viết tâm thơ ảo não, rầu rĩ quá. Nghĩ thấy cũng tội.
* Một là, bỏ mua đất đấu giá ở Thủ Thiêm cũng coi như bỏ đặt cọc gần 600 tỷ đồng theo luật pháp.
* Hai là, bỏ cọc thì chỉ cần viết đơn gửi Ủy ban đấu giá... hủy, và mất tiền cọc.
* Ba là, việc gì phải viết tâm thư cho lãnh đạo cao cấp và các loại cơ quan tỏ lòng biết ơn, kể lể công lao đóng góp của mình cho xã hội...
* Bốn là, kể lể công lao dạy dỗ của bố vợ là ông tướng công an trong tâm thư hình như chẳng ăn nhập gìvới cái sự... bỏ cọc, mà có khi lại làm cho bố đẻ tủi thân?
Rầu rĩ quá đi thôi.
***
Các nhà tư sản dân tộc thời Pháp thuộc khí phách lắm. Sản xuất, buôn bán, cạnh tranh ngang ngửa, đến cùng các nhà tư sản ngoại quốc, thậm chí tự hào dân tộc với cả chính quyền Pháp chứ chẳng bao giờ vừa hèn, vừa bợ đỡ, thân hữu làm giàu lên từ đất cát và mồ hôi người lao động.
Chẳng học đâu xa, cứ học cụ Bạch Thái Bưởi, cụ Trinh Văn Bô thì đất nước cũng giàu mạnh, con người cũng ngẩng cao đầu.







https://www.facebook.com/NhavanSuongNguyetMinh/posts/2576251365851637

..




III. Phúc Vương phát triển xe điện toàn cầu


Xe điện VinFast "gây sốt" toàn cầu: Khi nào Việt Nam có thể vượt mặt Thái Lan, Indonesia?

Bách Tùng | 
Xe điện VinFast "gây sốt" toàn cầu: Khi nào Việt Nam có thể vượt mặt Thái Lan, Indonesia?

Việc VinFast tuyên bố từ bỏ xe chạy xăng, chỉ làm xe điện từ cuối năm 2022 được tạp chí Forbes (Mỹ) đánh giá là "bước đi táo bạo".

Sau khi VinFast công bố hàng loạt mẫu ô tô điện mới tại CES 2022 và chính thức mở cổng đặt cọc xe VF 8 và VF 9 kèm theo nhiều ưu đãi đặc biệt, hãng xe "made in Vietnam" đã nhận được nhiều tích cực từ thị trường trong nước và cả thị trường Mỹ, châu Âu.

Mới đây, tạp chí The Diplomat của Mỹ vừa đăng tải bài bình luận nhận định về khả năng Việt Nam có thể trở thành cường quốc xe điện nhờ VinFast khi đứng trước những ông lớn trong ngành như Tesla, General Motors hay Volvo.

"Việt Nam, với sự trỗi dậy của tập đoàn tư nhân Vingroup, có kế hoạch trở thành một ‘ông lớn’ trong ngành công nghiệp ô tô và đang tìm cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường xe điện thế giới", mở đầu bài viết của The Diplomat nhấn mạnh.

Theo đó, cây viết James Guild của The Diplomat cho biết: Thái Lan từ lâu đã thống trị ngành công nghiệp ô tô tại Đông Nam Á bằng cách tập trung xuất khẩu và theo đuổi cải cách thị trường, giúp nước này trở nên hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài tìm kiếm một trung tâm sản xuất mới trong khu vực.

Cuộc cạnh tranh để trở thành cường quốc xe điện ở Đông Nam Á đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi gần đây Indonesia bắt đầu bắt kịp và thách thức ngôi vị của Thái Lan nhờ thúc đẩy tiềm lực trong nước. Và mới đây, Việt Nam cũng nhập cuộc và đẩy mạnh sản xuất ô tô điện.

Theo tác giả của bài viết, sự phát triển của VinFast thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng "rõ ràng phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tổng thể hướng tới xuất khẩu" - đã và đang thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng.

Chế tạo ô tô là một hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng khá cao và các nước công nghiệp phát triển thường ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, hướng tới tự chủ và mục tiêu xuất khẩu.

Về mục tiêu xuất khẩu, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2020. 283.983 chiếc ô tô đã được bán ra thị trường. Trong đó, khoảng 2/3 là xe lắp ráp trong nước và số còn lại là xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Theo thông tin từ Hanoi Times, giá trị nhập khẩu ô tô vào Việt Nam năm 2020 trị giá 2,35 tỷ USD, trong đó Indonesia và Thái Lan là hai trong số các nhà cung cấp hàng đầu. Phần lớn hoạt động sản xuất ô tô tại Việt Nam vẫn thiên về "lắp ráp" thay vì "chế tạo". Các nhà máy trong nước được các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cấp phép lắp ráp xe từ các bộ linh kiện nhập khẩu.

Trong khi đó, Indonesia và Thái Lan thường xuyên sản xuất và bán hơn một triệu xe mỗi năm và đều là những nhà xuất khẩu ròng. Vì vậy, Việt Nam sẽ còn nhiều điều cần làm trước khi có thể thách thức trực tiếp các cường quốc ô tô trong khu vực.

Các hoạt động lắp ráp và chế tạo được đánh giá "có vai trò thấp hơn trong chuỗi giá trị, bởi các thành phần công nghệ cao như động cơ được thiết kế và thường được sản xuất ở nước ngoài và sau đó được chuyển đến Việt Nam để lắp ráp ở khâu cuối cùng", theo The Diplomat.

Giá trị thực sự là khi các công ty trong nước được tiếp cận khả năng tự chế tạo và thiết kế các thành phần linh kiện chính của chiếc xe thông qua chuỗi cung ứng này. Điều này yêu cầu mức đầu tư cao vào nguồn vốn dành cho nghiên cứu và phát triển, nhân lực và chuyển giao công nghệ - những yếu tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Xe điện VinFast gây sốt toàn cầu: Khi nào Việt Nam có thể vượt mặt Thái Lan, Indonesia? - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa

Tương lai xe điện Việt Nam

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, được The Diplomat đánh giá là kiểu tập đoàn thực sự điển hình, đầu tư đa lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp, bất động sản, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và điện thoại thông minh...

Một trong những liên doanh gần đây của Vingroup là VinFast, công ty sản xuất ô tô được thành lập vào năm 2017.

Theo báo cáo kinh doanh thường niên của tập đoàn, VinFast đã bán được 31.500 ô tô và 45.400 xe máy điện vào năm 2020 - mức tăng trưởng nhanh chóng gây ấn tượng khi công ty chỉ mới thành lập cách đây vài năm. Hiện VinFast cũng đang tích cực "tấn công" thị trường xe điện.

Theo dữ liệu của cổ đông, Vingroup hoàn toàn không có sở hữu nhà nước. Tác giả bài viết đã chú ý tới vai trò của thành phần kinh tế tư nhân đối với cơ cấu tổng thể của nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, giới quan sát nhận định rằng Vingroup là một ví dụ điển hình về những gì vốn tư nhân có thể đạt được: hiệu quả không thua kém gì các doanh nghiệp nhà nước. Trong lĩnh vực cần nhiều "chất xám" và kỹ năng như sản xuất ô tô, việc tận dụng công nghệ để thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng nhanh chóng là hướng đi tốt và đúng đắn.

Một số quốc gia khác có thành phần kinh tế nhà nước lớn như Indonesia cũng đã có bước chuyển mình tương tự, như kỳ lân công nghệ GoJek đã và đang thúc đẩy sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả liên doanh xe điện mới được công bố gần đây).

Nhưng liệu điều này có đủ để giúp VinFast có lợi thế trong cuộc đua xe điện?

Theo The Diplomat, lĩnh vực này vốn đã có sự cạnh tranh cao, "đất chật người đông", khi cả Thái Lan và Indonesia cũng đang đặt mục tiêu vào sự bùng nổ xe điện sắp tới.

Indonesia đã và đang tận dụng quyền sở hữu, kiểm soát quặng niken thô, một nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong sản xuất pin lithium-ion, để khuyến khích đầu tư hạ nguồn vào sản xuất xe điện.

Trong khi đó, tại Thái Lan, nơi đã có cơ sở hạ tầng sản xuất ô tô phát triển tốt, tập đoàn dầu khí nhà nước PTT đang hợp tác với một công ty xe điện của Trung Quốc để mở rộng quy mô sản xuất.

Để biết liệu VinFast có thể giúp Việt Nam cạnh tranh và thống lĩnh ngành sản xuất xe điện của Đông Nam Á hay không, chúng ta phải đợi thời gian trả lời, theo The Diplomat.

Forbes: Bước đi táo bạo

Ngày 6/1, VinFast vừa trình làng 3 mẫu xe điện mới tại triển lãm thương mại công nghệ lớn nhất thế giới CES 2022 tại Las Vegas - chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi công ty ra mắt 2 mẫu xe SUV chạy điện tại Triển lãm ô tô Los Angeles.

Việc VinFast tuyên bố từ bỏ xe chạy xăng, chỉ làm xe điện từ cuối năm 2022 cũng đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Tạp chí Forbes nổi tiếng của Mỹ đã đánh giá đây là "bước đi táo bạo" của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Các nhà phân tích hoan nghênh quyết định này và cho rằng VinFast có thể tận dụng bước chuyển giao sang xe điện và xe tự lái trong ngành công nghiệp ô tô, nhất là khi VinFast là một nhà sản xuất ô tô mới.

Xe điện VinFast gây sốt toàn cầu: Khi nào Việt Nam có thể vượt mặt Thái Lan, Indonesia? - Ảnh 5.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích cấp cao Christopher Robinson tại Lux Research, hiện tại trên thị trường số lương đối thủ cạnh tranh đang mở rộng nhanh chóng, chẳng hạn các "ông lớn" như Ford và GM cũng đang tích cực mở rộng danh mục đầu tư xe điện.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều hãng xe không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà cũng phát triển cả hệ sinh thái như VinFast - như xây dựng chuỗi cung ứng, đầu tư sản xuất pin, thậm chí cả khai thác nguyên liệu thô.

"VinFast sẽ phải tìm cách vượt qua những thách thức lớn này khi đến Mỹ", chuyên gia Robinson bình luận.

Xe điện VinFast gây sốt toàn cầu

Tính đến 08h00 ngày 8/1/2022 (giờ Việt Nam), đúng 48 tiếng sau khi mở bán, VinFast đã nhận được tổng cộng 24.308 đơn đặt hàng cho hai mẫu ô tô điện VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Trong số đó, có 15.237 đơn dành cho VF 8 và 9.071 đơn dành cho VF 9.

Những con số ấn tượng này là tín hiệu tích cực cho thấy các mẫu ô tô điện thông minh của VinFast đã chiếm được niềm tin và sự ủng hộ mạnh mẽ của cả khách hàng Mỹ, châu Âu và Việt Nam.

Theo công bố của VinFast, giá bán xe VF 8 khởi điểm là 41.000 USD (Mỹ); từ 36.133 EUR (châu Âu, tùy quốc gia) và 961.000.000 đồng (Việt Nam); VF 9 khởi điểm là 56.000 USD (Mỹ); 49.280 EUR (châu Âu) và 1.312.000.000 đồng (Việt Nam).

Tại Việt Nam, khách hàng đặt trước 10 triệu đồng sẽ nhận được phiếu mua hàng trị giá 150 triệu đồng dành cho VF 8 (VF e35) và 250 triệu đồng dành cho VF 9 (VF e36)./.

Đọc thêm tại: Khách Tây chốt cọc tới tấp, đơn hàng xe điện VinFast tăng vọt sau 48h, gây sốt toàn cầu

https://soha.vn/xe-dien-vinfast-gay-sot-toan-cau-khi-nao-viet-nam-co-the-vuot-mat-thai-lan-indonesia-20220109112924701.htm


..



12/01/2022

Tiếp nối sự kiện CES 2022, VinFast – hãng xe điện thông minh toàn cầu đến từ Việt Nam công bố dự kiến tích hợp công nghệ what3words trên tất cả sản phẩm xe điện. Khi được triển khai, VinFast sẽ là hãng xe điện đầu tiên trên thế giới trang bị công nghệ định vị toàn cầu đột phá nhằm mang đến cho người lái trải nghiệm tiện ích nhất. 

what3words là công nghệ định vị đơn giản và hiệu quả, có thể xác định mọi địa điểm trên toàn cầu và có khả năng hoạt động trong điều kiện không cần kết nối mạng. Hệ thống chia bản đồ thành mạng lưới các ô vuông 10ft x 10ft (3m x 3m) và gắn nhãn mỗi ô vuông tương ứng với tổ hợp đặc biệt 3 từ được hình thành ngẫu nhiên  được gọi là địa chỉ what3words.

Điểm ưu việt của what3words là tối ưu hóa phương thức tìm kiếm bằng giọng nói với hơn 50 ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Việt. Người lái xe có thể nhập địa chỉ dạng what3words bằng giọng nói hoặc gõ phím để tra cứu địa chỉ cần biết chính xác – dù đang ở địa bàn xa lạ hoặc khác biệt về ngôn ngữ.

Người dùng chỉ cần mở ứng dụng what3words để định vị vị trí hiện tại trên bản đồ, hệ thống xử lý dữ liệu sẽ tự động chuyển hóa tọa độ đó thành 3 từ trong tiếng mẹ đẻ dễ phát âm, dễ ghi nhớ hoặc ngôn ngữ mà người dùng mong muốn.

Với công nghệ định vị what3words, người dùng có thể an tâm lái xe khi biết được chính xác điểm đến – cho dù đó là tìm một trạm sạc, một quán cà phê di động hay điểm ngắm cảnh lý tưởng cho chuyến dã ngoại.


Địa chỉ theo dạng 3 từ khóa của what3words hiện đang được thêm vào các trang thương mại điện tử, hướng dẫn du lịch và xác nhận đặt chỗ trên khắp thế giới, giúp tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả hoạt động và cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn cho các doanh nghiệp. Hàng triệu người cũng đang sử dụng what3words thông qua ứng dụng miễn phí trên các nền tảng iOS, Android và trang web. 

Với sự ưu việt vượt trội, what3words đang được các nhà sản xuất ô tô toàn cầu tích hợp cho xe hơi, trong đó VinFast là hãng xe điện đầu tiên dự kiến trang bị what3words cho các sản phẩm của hãng.

Ông Chris Sheldrick, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của what3words, cho biết: “Việc nhập địa chỉ để tìm kiếm trên bản đồ có thể là một khó khăn cho khách hàng. Ngay cả khi có số nhà, địa chỉ và mã bưu điện, người dùng vẫn có thể phải lái xe lòng vòng mới tìm ra chính xác vị trí lối vào tòa nhà. Trong tương lai, người dùng xe VinFast có thể nhập địa chỉ bằng what3words để định vị trí chính xác trong phạm vi 10ft (~3m)”. 

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu chia sẻ: “VinFast luôn mong muốn mang đến tất cả người dùng các công nghệ tiên tiến và các thiết kế tiêu chuẩn cao. what3words chính là đối tác mà chúng tôi muốn hợp tác nhằm mang đến sự đột phá, sáng tạo với mục đích giải quyết vấn đề rất thiết thực hiện nay về xác định, tìm phương hướng những vị trí, địa điểm phức tạp, dễ nhầm lẫn mà hầu như mọi người đều có thể gặp phải”.

Công nghệ what3words đang được lên kế hoạch nhằm dự kiến ứng dụng trên toàn bộ các dòng ô tô điện VinFast được giới thiệu tại CES 2022. Cũng tại sự kiện này, VinFast đã giới thiệu một số tính năng thông minh mới được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư VinFast và các đối tác hàng đầu trong ngành xe điện.

https://congngheviet.com/vinfast-la-hang-o-to-dien-dau-tien-tren-the-gioi-tich-hop-cong-nghe-dinh-vi-dot-pha-what3words/




..

Việc Phạm Nhật Vượng không sản xuất xe xăng tiếp ở VN mà chuyển sang Đức đầu tư sản xuất xe Ô tô điện, để cùng cạnh tranh khốc liệt với Thị trường ở Đức, tôi thấy đây là hiện tượng không bình thường.
Theo tôi muốn tìm ra lợi nhuận trong Kinh tế thì anh Vượng ở lại VN sẽ thuận lợi hơn vì sức lao động rẻ . Thị trường so ra cũng lớn không kém gì Đức. Nguyên vật liệu cũng dễ cung cấp. Mà lại ở chính nước mình, cho nên việc giao dịch, quan hệ, tổ chức lãnh đạo hay tạo nguồn lao động cũng thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều...
Chính vì ở nước ta lợi thế như Thị trường lao động rẻ, Luật môi trường, Luật thuế, Luật Lao động hay bảo hiểm rất lỏng lẻo nên trong kinh doanh ít phải chi, thành thử sinh ra nhiều lời lãi; Mà nhiều hãng nước ngoài mới nhảy vào để tận dụng và lợi dụng những mặt lợi thế này.
Trong khi đó anh Vượng lại thờ ơ sự lợi thế đó là nguyên cớ làm sao??? Mà điều này một con người cơ hội như anh, vốn dĩ lanh lợi, ranh mãnh, hoạt bát, khôn đến có mỏ, có sừng, có sạn trong đầu thì thừa biết.
Nhưng anh vẫn quyết mang đống tiền sang Đức để đầu tư, để mua về sự hồi hộp và lo âu. Vậy ý đồ thực sự trong thâm tâm của anh là gì? Ngoài những bài báo, tin tức tuyên truyền son phấn bên ngoài tô vẽ ra?
Nếu là một Nhà đầu tư kinh doanh để tìm ra lợi nhuận thì phải biết là nước Đức có hệ thống Pháp luật rất là chặt chẽ. ( Ông Giáo sư Đức dạy tôi nói: Có tới 80 % các nước trên Thế giới khi làm Luật thì hoặc ít hay nhiều là họ bắt chước và copie theo Luật của Cộng hòa Liên bang Đức).
Những điều Luật mà ảnh hưởng trực tiếp đến người đầu tư phải nói là các Chính sách về Thuế, Luật Doanh nghiệp, quyền bảo vệ người Lao động, Luật môi trường (giải quyết chất thải Công nghiệp) cực kỳ khắt khe và đắt đỏ! Thêm vào đó thì còn Luật bảo vệ chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng. Nói dại người ta đi xe Vinfast mà do lỗi Nhà sản xuất mà gây tai nạn hay thương tích thì mạng người Đức hay người nước khác chắc chắn sẽ không rẻ rúng như người Việt chúng ta. Vì vậy mà bảo hiểm cho Hãng cũng sẽ rất cao.
Để hiểu người Đức bảo vệ Môi trường ra sao thì anh Vượng hãy sang Đức vào quán ăn của người Việt để xem họ phải làm ống khói lọc khí ra sao? chôn đường ống lọc mỡ thải như thế nào... Để anh chớ có đùa khi vất một cục bin vào thùng rác bị họ bắt được, hay anh mang nước xà phòng ra trước cửa Biệt thự nhà anh để rửa xe …
Ở VN hay ở Tầu thì có thể rác rưởi cho vào Tầu thủy ra Đại dương thải, hay đào hố chôn, phủ đất lên, nhưng ở đây ngay rác trong nhà họ còn bắt phân chia ra mấy loại...
Anh Vượng sẽ phải trả giá đắt cho Môi trường, sau đó là mức lương của một Công nhân lành nghề ở đây bằng anh trả ở VN cho 3 người. Và bảo hiểm cho họ các loại, các kiểu luôn.
Rồi sau đó là những đối thủ cạnh tranh với anh thì toàn là những người, tai to mặt lớn, có "máu mặt", kinh nghiệm thương trường đầy mình và họ có đội ngũ chuyên gia cố vấn (Experte) rất hùng hậu.
Những mục tiêu Chiến thuật và Chiến lược; Những đường lối ngắn hơi và dài hơi, họ vạch ra cho một Hãng, hay Tập đoàn thực hiện rất là hoàn hảo mà anh không tưởng tượng nổi được đâu. Tôi may mà học Kinh tế ở đây nên tôi vô tình cũng chỉ biết sơ qua một chút mà thôi.
Ở Đức và phương Tây này họ có rất nhiều những Nhà khoa học Kinh tế lỗi lạc. Ví dụ những đường lối, học thuyết tạo ra gói kích cầu, phương thức điều chỉnh mức thất nghiệp, nợ công và lạm phát của Adam Smith, John Maynard Keynes, họ có ngót 100 năm nay mà mình bây giờ mới biết đển. Chúng ta mày mò bắt chước áp dụng, mà cũng không xong. Vì cái Hệ thống đầu não của mình thành bã đậu từ lâu rồi!
Ngay đội ngũ trẻ bây giờ, các cháu như con chúng tôi bên này được đào tạo cũng rất quy củ, chuyên sâu, có bài bản và được áp dụng, thực tập ngay. Trước khi các cháu nhận Văn bằng, các cháu đã vững vàng nghề nghiệp và Chuyên môn rồi.
Chứ không phải họ xuất thân từ một người học về mỏ ở một nước CNXH, không nghĩ đến đào đất để tìm Quặng, lại nghĩ ra trò làm mỳ khô và móc ngoặc với Chính phủ mua đất 1 xu bán ra 3 đồng để đào bới tiền từ túi Dân theo kiểu "gà tồ ăn quyện cối xay" như mình đâu...
Cái kiểu xử sự với Dân như "vặt lông" nhau, làm đau khổ cho nhau để kiếm tiền luẩn quẩn như vậy của người Trí thức, của ông Chủ hãng hay của một người Lãnh đạo, là một sự xót xa và tội lỗi: Nó làm cho Dân tộc ta bất hạnh, gây ra nhiều thù oán và không sáng láng lên được.
Nên tôi nghĩ anh Vượng sang đây mục đích để rửa tiền và giữ tiền cho mình và cho các Quan thì được. Nhưng để múa võ giương oai, làm vương, làm tướng ở đây là chuyện không tưởng. Mặc dù anh có rất nhiều tiền. Trên mạng đưa tin anh có tới 8 tỷ Mỹ kim. Mà nếu như anh có hơn cả thế nữa thì cũng không là gì so với các Tập đoàn của mấy Đại gia bên Đức.
Mà Phật dạy rồi: Con người sẽ khổ vì tham. Tiền mình có, lại không hoàn toàn trong sạch thì Quả báo cũng sẽ đến. Tôi mà như anh đầu tư vào Bệnh viện, ngành Y trong nước, cho người Dân được sung sướng, hưởng phước hạnh của anh hay ngành Giáo dục cho tươm tất hoặc ngành Nông nghiệp sản xuất và chế biến ra Nông sản sạch đạt tiêu chuẩn để tự cung cấp và xuất khẩu ra nhiều nước, mà không bị trả về và bị phụ thuộc vào "ông bạn vàng"...
Những thứ đó là trong tầm tay của anh và của Nhà nước ta. Chứ lao vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật của người khổng lồ để thể hiện "màu cờ, sắc áo" ở những nước văn minh hơn mình mấy cái đầu thì quả là mạo hiểm.
Mọi người như chúng ta vẫn thường nói vui là nước ta làm cái đinh ốc không nổi lại cứ thích đua đòi copie ra những thứ "đầu Ngô, mình Sở" để cho ra sản phẩm không giống ai, rồi tự sướng, vỗ ngực ta đây, và tuyên bố cho là cái của mình phát minh ra.
Nếu anh Vượng coi việc đầu tư chỉ là cái vỏ để làm mục đích rửa tiền „giải Ngân“ cho mình và sân sau của Tà quyền thì là được, vì nước Đức có Thể chế Dân chủ ổn định. Miễn là làm đúng Luật. Chứ gia tài tiền bạc đất đai để ở VN thì đâu có chắc và ổn. Hôm nay còn, nhưng rất có thể ngày mai sẽ mất. Vì cái quyền sở hữu rất rừng rú, mông lung.
Một Nhà đầu tư Kinh tế bình thường, thì không ai dại gì lại đầu tư ở các nước bất ổn về Chính trị. Mà những nước bất ổn, chiếm tới 90 % là những nước có Thể chế Độc tài. Tình hình bạo loạn ở Kazachstan hiên nay là như thế. Nhân dân đã đứng lên chống lại Độc tài. Nên anh Vượng "Liệu mà cao chạy xa bay" mang của đi sơ tán là việc cần làm, mà ta cũng dễ thông cảm cho anh. Còn nguồn tiền, đống của này, rồi đây nó biến thái thế nào thì chỉ có Trời mới biết.
Còn sau này anh lắp ráp thành cái ô tô hay cái xe cút kít chạy bằng "pin con thỏ" ở bên Đức này, thì vì tình nghĩa Đồng bang ta cũng cứ vỗ tay, giả vờ hoan hỷ. Đâu có cần cứ phải mua xe của anh, để chẳng may gãy trục…
Tóm lại theo ý kiến chủ quan của tôi thì việc anh Vượng vươn tay sang Đức là rất có thể đồng nghĩa với việc đang trên đà sụp đổ của một Thể chế trong tương lai. Chả khác gì mấy cụ già gần đất xa trời ở quê mình hay có trò đem giấu tiền đi, nằm gác tay lên trán xem sẽ trao cho đứa con nào? Đứa con ở đây chính là Thể chế.
Sau đây là một đoạn của Bài thơ - Tác giả Bùi Giáng:
"Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ Trên là sáng, cứ tu là hiền
Đừng tưởng lắm bạc nhiều tiền
Trong túi có tiền, chưa chắc có tâm..."
Đây là bài viết thể hiện quan điểm của riêng tôi. Rất mong nhận được sự góp ý của Bạn đọc.
Nguyễn Doãn Đôn

https://www.facebook.com/dondoan.nguyen.3/posts/450205649916679


..

Bản thân tôi hy vọng Vingroup nghiêm túc với mảng xe hơi điện này, và rất mong là họ sẽ thành công. Khi ấy anh V sẽ là một doanh nhân thiên tài đi vào lịch sử phát triển kinh tế của VN.
Còn nếu mảng này mà không thành công nữa thì tên tuổi anh V sẽ không còn gì khác ngoài một tay mafia đất tầm cao, và cũng có thể là một tội đồ.
Bởi anh đã sử dụng quá nhiều tài nguyên (vốn) của đất nước và mang đi đổ sông đổ biển tất cả, sau khi giữ lại một ít cho bản thân mình.
Lúc này đây Vinfast đang đứng bên bờ vực của sự thất bại, như bao ngành khác trong hệ sinh thái của Vin, tất cả phụ thuộc vào trận cuối này.
Hãy chờ xem!
Đỗ Hòa

https://www.facebook.com/dohoa.tinhhoaquantri/posts/10164883669443504

..


Rốt cuộc rồi Vinfast cũng đi theo con đường mà tôi đã từng đề xuất với Bộ CT nhiều năm trước về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Sau khi chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô VN lần 1 thất bại, tôi đã đề xuất là VN nên gia nhập ngành này bắt đầu với công nghệ ô tô điện + công nghệ trữ điện.
Lý do là vì ngành động cơ xăng dầu đốt trong đã đi vào giai đoạn cuối của chu kỳ thị trường.
Ở giai đoạn này các đối thủ lớn đã khẳng định vị trí của mình trên thị trường, với thị phần được chống đỡ bởi uy tín thương hiệu, công nghệ cao, hệ thống trung tâm dịch vụ phủ rộng khắp, giá thành xe thấp nhờ tối ưu chuỗi cung cấp.
Entry barrier ngành này rất cao một phần cũng do chính sách bảo hộ của các quốc gia. Nếu Vinfast vào ngành xe hơi động cơ đốt trong này thì họ có thể phải cần đến 10 năm để có được một vị thế trên các thị trường lớn như Mỹ, EU. Ngay cả thị trường TQ cũng không hề dễ dàng. Và đến lúc đó có khi chẳng có mấy người mua xe động cơ đốt trong nữa.
Trong khi đó, thị trường xe chạy động cơ điện thì còn đang ở giai đoạn đầu, các đối thủ dẫn đầu thì cũng không xa vạch xuất phát là bao nhiêu.
Vào một thị trường trong giai đoạn growth thì bao giờ cũng dễ hơn so với một thị trường đã qua giai đoạn maturity từ nhiều năm, và thậm chí một số phân khúc đã sang giai đoạn saturation, decline như thị trường xe động cơ đốt trong. Và nếu mình tập trung ngay vào ngành xe điện thì mình dễ theo kịp với thế giới hơn là phân tán làm 2, vừa xăng vừa điện.
Theo đánh giá của tôi, ngành xe điện sẽ phát triển với tốc độ nhanh từ 2022, nhờ vào những tiến bộ đột phá mới đây của công nghệ ắc qui và sự vào cuộc của các hãng xe truyền thống.
Tham gia thị trường xe điện không chỉ có các hãng xe truyền thống, mà còn có cả Apple, Sony ... Các hãng này vừa tuyên bố tham gia thị trường xe điện và sẽ sớm tung những kiểu xe điện mới với công nghệ hiện đại ra thị trường trong năm 2022, 2023.
Đỗ Hòa - on Strategy.

https://www.facebook.com/dohoa.tinhhoaquantri/posts/10164881453968504

..


Thứ hai, 17/1/2022, 07:00 (GMT+7




Xuất hiện sau 2 năm kín tiếng, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ với VnExpress về quyết định dừng xe xăng, việc đóng - mở các dự án và những tham vọng khiến nhiều người đặt câu hỏi "Vingroup có 'too big to fail'".



- Nếu liệt kê 3 tác động đáng kể nhất với Vingroup từ khi Covid xuất hiện và hoành hành, ông sẽ nói gì?


- Tác động thì nhiều, cả tiêu cực và tích cực, còn đáng kể nhất tôi cho là ba điều sau. Về tổng thể, Vingroup phải chịu tổn thất lớn. Nhưng đại dịch đã tạo động lực để thay đổi, nâng cấp hệ thống quản trị mạnh mẽ. Nó cũng tạo cơ hội để chúng tôi phát triển các mẫu xe điện. Nói chung, các tác động rất lớn, nhưng phải chiến đấu thôi!


- Một doanh nghiệp lớn như Vingroup thì "chiến đấu" kiểu gì?


- Trong lúc khó khăn, phải làm sao để sống sót. Muốn thế, chúng tôi lập tức tiết giảm, co lại các khoản chi đảm bảo dự phòng. Toàn bộ hệ thống phải tiết kiệm từng li, từng tí. Chuyện làm từ thiện, các bên cần bao nhiêu, sẵn sàng chi để cứu người, không tính toán. Nhưng ngược lại, nội bộ phải rất tiết kiệm, từng cán bộ nhân viên ngấm điều này.


Cùng với tìm cách sống sót, phải nghĩ cách tận dụng cơ hội mà phát triển. Trong khi nhiều đối thủ có phần chùng lại vì đại dịch, 6 tháng trời, lực lượng của tôi làm việc tập trung luôn ở Hòn Tre, Nha Trang để nghiên cứu phát triển xe. Đây thực sự là một trong những quyết định quan trọng, tốn kém nhưng nhờ nó, năm qua chúng tôi thiết kế được cả 5 mẫu xe điện, được công chúng Việt Nam và quốc tế đón nhận. Số đơn hàng đặt trước của VF e34, VF8, VF9 gần đây là ví dụ cho thấy mình đã đúng.


- Những bài học nào từ đại dịch mà ông có thể chia sẻ?


- Nhiều lắm, tôi tạm gạch đầu dòng như sau:


Khi gặp khó khăn thì phải bình tĩnh suy nghĩ tìm cách tháo gỡ, không hoảng loạn.


Càng nhiều khó khăn càng nhiều cơ hội.


Dù gian khó bao nhiêu cũng không để chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình xuống cấp, không bao giờ được để mất chữ tín.


Phải liên tục rèn luyện, hoàn thiện bản thân cũng như hệ thống doanh nghiệp của mình. Tai họa có thể ập xuống rất nhanh, rất khủng khiếp như đợt dịch vừa rồi, nếu yếu kém sẽ khó tồn tại.


Mình khó thì còn những người khó hơn rất nhiều. Nếu mình giúp đỡ, chia sẻ được cho họ thì trong lòng thanh thản, mình có động lực để tiếp tục phấn đấu mạnh mẽ hơn.


- "Gạch đầu dòng" cuối có thể lý giải phần nào việc Vingroup thường là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra các hỗ trợ trong đại dịch, ước tính khoảng 9.400 tỷ đồng. Quan điểm về cách cho đi và làm từ thiện của ông thế nào?


- Nói là "quan điểm" thì to tát quá, chúng tôi chỉ đơn giản là thấy chết thì lao vào cứu, không so đo tính toán, và đã làm thì sẽ hết mình, không kể việc thiên hạ hay của Vingroup, và đương nhiên phải làm nhanh.


Tôi vẫn nhớ một câu thơ "Đời người ngắn, công việc nhiều quá thể. Mong ước lớn vô cùng mà gặt hái chẳng bao nhiêu". Mà nếu có nhiều mong ước thì cuộc đời đúng là ngắn thật. Ở Vingroup, chúng tôi luôn triển khai các việc rất nhanh vì muốn tận dụng các thời cơ và vì muốn làm được càng nhiều việc cho đời càng tốt.


- Quan điểm, cứ tạm gọi như vậy, về việc làm từ thiện ảnh hưởng thế nào đến định hướng kinh doanh của ông?


- Chúng tôi đã điều chỉnh một chút định hướng, xác định lại 3 nhóm hoạt động trọng tâm là Công nghệ - công nghiệp, Thương mại dịch vụ và Thiện nguyện xã hội. Thứ nhất là vì trong lĩnh vực công nghệ, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu các công nghệ phục vụ kinh doanh sản xuất, phần nghiên cứu công nghệ cơ bản, hàn lâm không nhiều nên công nghệ và công nghiệp sẽ quện vào nhau, tương tác hỗ trợ nhau, do đó chúng tôi gom làm một.


Chúng tôi cũng tách Vinmec, Vinschool, VinUni, Quỹ Thiện Tâm... thành Khối Thiện nguyện xã hội vì muốn đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này. Đây chính là điều trăn trở của chúng tôi khi gặp đợt dịch này.


Chúng tôi cũng điều chỉnh lại tỷ lệ đóng góp vào quỹ Thiện Tâm. Vingroup giảm đóng góp từ 90% xuống 10%, còn lại là phần của tôi, gia đình và một số lãnh đạo cao cấp Vingroup. Làm vậy vì tôi không muốn ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông khi tăng chi cho từ thiện, một phần vì muốn chủ động tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động này.


Qua giai đoạn vừa rồi thấy quá nhiều cảnh thương tâm, chúng tôi tự coi mình có trách nhiệm phải tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động thiện nguyện xã hội.



Phòng lab dã chiến của Vinmec Central Park hỗ trợ xét nghiệm Covid cho TP HCM trong cao điểm dịch năm 2021.

- Nên hiểu như thế nào cho đúng về mô hình phi lợi nhuận ở các mảng của Vingroup như y tế, giáo dục... hiện nay, trong khi mức phí các dịch vụ này đều vượt xa thu nhập bình quân của người dân trong nước?


- Phi lợi nhuận là hoàn toàn không thu lợi nhuận về cho cổ đông mà để lại cho công ty tiếp tục phát triển, mở rộng và nâng cấp chất lượng dịch vụ. Phi lợi nhuận không có nghĩa là miễn phí hoặc cung cấp dịch vụ giá rẻ, mà có nghĩa là toàn bộ lợi nhuận công ty làm ra chúng tôi sẽ đóng góp lại cho xã hội.


Các dịch vụ giá cao, nhưng chúng tôi cho rằng người nghèo cũng gián tiếp được thụ hưởng các lợi ích. Ví dụ, người giàu có tiền vào Vinmec sẽ giải phóng bác sĩ, giường bệnh ở các bệnh viện công, người nghèo sẽ được phục vụ nhanh hơn, tốt hơn. Vinschool cũng tương tự thế.




- Ông mới đưa ra một quyết định "bom tấn" là dừng sản xuất xe xăng để chỉ tập trung vào xe điện. Sau VinMart, VinSmart..., ông không sợ khách hàng - những người đang đi xe xăng - thấy chới với vì không biết "ông Vượng còn bỏ cái gì nữa"?


- Ngay từ đầu, chúng tôi đã hiểu tương lai phải là xe điện. Và đây là thời điểm buộc phải dứt khoát chọn sớm, thay vì cứ nửa xăng nửa điện. Tất nhiên, chúng tôi phải tính làm sao cho khách hàng của mình không bị thiệt, thậm chí có lợi hơn. Nếu chất lượng không giảm, dịch vụ vẫn diễn ra bình thường, xe không mất giá thì khách hàng có hết chới với không?


- Cơ sở nào ông tin rằng người dùng sẽ không quay lưng với VinFast và xe xăng của ông không mất giá sau tuyên bố chuyển hẳn sang xe điện?


- Thường một trong những lý do xe mất giá là vì không được hãng bảo dưỡng, sửa chữa, không giữ các cam kết đã có, bán tháo sản phẩm tồn... Với xe xăng VinFast, chúng tôi không những giữ nguyên các cam kết mà còn bổ sung chính sách, dịch vụ có lợi hơn cho khách hàng, ví dụ tăng thời hạn bảo hành lên 10 năm, gấp 2-3 lần thông thường và thêm dịch vụ Mobile service. Để đủ phụ tùng cho sửa chữa, bảo dưỡng, chúng tôi cũng dự phòng với số lượng gấp 1,5 lần so với thông lệ. Tôi tin, giá xe xăng VinFast thậm chí sẽ còn tăng.


- Ông chịu được lỗ với VinFast bao lâu?


- Trước tôi dự tính là 5 năm đầu. Giờ đi được hơn nửa đường và nếu theo đúng kế hoạch 2 năm nữa có lãi. Nhưng lãi ở thị trường quốc tế chứ Việt Nam thì vẫn bù lỗ vì phải gánh cả chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng cho xe điện. Đến nay, chúng tôi có 40.000 cổng sạc nhưng sẽ nâng lên 150.000 vào cuối năm 2022. Đây cũng là một khoản đầu tư khổng lồ, nhưng chúng tôi quyết làm.



Những trạm sạc cho xe điện của VinFast.

- Vì đâu mà ông tự tin xe điện VinFast sẽ "chất lượng như Tesla", khi xuất phát điểm của Vingroup là một tập đoàn thương mại dịch vụ và cũng mới gia nhập lĩnh vực này?


- Bắt tay vào thiết kế xe điện VinFast, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tất cả tính năng của xe, so sánh với các đối thủ, đồng thời cũng xác định sẽ lấy các tiêu chuẩn cao của quốc tế làm cơ sở nên chúng tôi tự tin vào chất lượng và đẳng cấp các xe của mình.


"Làm nhanh hơn" thì cũng là một "know-how" của Vingroup. Chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng các chuyên gia giỏi, liên kết trí tuệ toàn cầu, hợp tác với hàng chục công ty công nghệ để rút ngắn thời gian. Theo thông lệ quốc tế để làm ôtô cần 27-54 tháng nhưng chúng tôi chỉ cần 18 tháng. Không phải chúng tôi bỏ bớt chi tiết hay quy trình nào, đơn giản là làm nhanh và tập trung hơn thôi.


- Điều gì thôi thúc ông "tất tay" vào xe điện như thế?


- Việt Nam phải có ít nhất một thương hiệu được thế giới công nhận. Chúng tôi đã thử một số lĩnh vực và thấy chỉ có VinFast và chỉ có xe điện mới có thể là cơ hội để đạt được điều này. Mặc dù sẽ không đơn giản.



- Ông từng nói, định hướng của Vingroup đi ra nước ngoài không phải vì lợi nhuận mà là để cắm cờ. Giờ đã làm được với VinFast, ông có thể chia sẻ vì sao khao khát việc đó hơn kiếm tiền?


- Tôi đã sống và làm ăn ở nước ngoài hơn 22 năm, dù có rất thành công và được coi trọng ở đó, nhưng vẫn thấy rất rõ là người Việt mình chưa được thế giới coi trọng. Nhiều người Việt ở nước ngoài, ra đường lại nhận mình là người Nhật, người Hàn. Tôi muốn góp thay đổi phần nào việc này.


Với VinFast, đến giờ thì lo lắng có, căng thẳng có, nhưng chỉ có tinh thần quyết chiến là dâng cao thôi. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để "lá cờ" này ngày càng cao, xa hơn.



Xe VinFast tham gia Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2022 tại Mỹ đầu tháng này.

- Giải thưởng VinFuture chuẩn bị được công bố vào vài ngày tới. Khi tuyên bố thành lập VinFuture 2 năm trước, ông từng nói muốn Việt Nam trở thành một quốc gia "có tên trên bản đồ khoa học thế giới". Với thực tế của Việt Nam, tuyên bố ghi danh này nên được hiểu như thế nào?


- Đến giờ, giới khoa học đều biết về VinFuture và chúng tôi nhận gần 600 đề cử từ khắp các châu lục. Phần lớn viện nghiên cứu, các nhà khoa học trước không biết vai trò với khoa học của Việt Nam là gì, còn giờ, họ hiểu là người Việt Nam rất quan tâm đến khoa học và bắt đầu có những đóng góp cho khoa học phát triển. Thông qua hoạt động này, tôi tin sẽ có kết nối khoa học Việt Nam với giới khoa học toàn cầu.


- Nhiều người cho rằng, với tiềm lực tài chính, ông đã mạnh tay đưa ra giải thưởng VinFuture Grand Prize với mức 3 triệu USD, cao chưa từng có trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đó chính là cơ sở để ông thuyết phục những nhà khoa học danh giá nhất tham gia Hội đồng bình chọn của VinFuture. Sự thực là gì?


- Giải thưởng đúng là rất cao nhưng tôi cho rằng sứ mệnh "Khoa học phụng sự nhân loại" cùng sự cam kết dài hạn của VinFuture và uy tín của Vingroup trên trường quốc tế mới là lý do thực sự thu hút được các nhà khoa học hàng đầu.


- Ở Việt Nam, tiền thì chắc ông có nhiều nhất (nếu Forbes đúng) nhưng nó cũng chưa phải quá lớn, kiểu "đủ để muốn làm gì cũng được". Lòng tự tôn, khát vọng cho Việt Nam phát triển thì nhiều doanh nhân cũng nói. Vậy điều gì là mấu chốt giúp Vingroup làm được những điều nhiều người cho là không tưởng?


- Đơn giản là chúng tôi muốn để lại gì đó cho đời! Trước đây là xây các khu đô thị đẹp, hiện đại, đáng sống góp phần thay đổi bộ mặt các đô thị Việt Nam, tham gia vào các mảng dịch vụ để cùng thúc đẩy tạo ra các tiêu chuẩn sống cao hơn, nay thêm khát vọng xây dựng bằng được một thương hiệu Việt Nam đẳng cấp cao thế giới.


Không có dự án nào là "không tưởng", vì nếu "không tưởng" thì chúng tôi sẽ không làm. Và nói chung, không có dự án nào dễ dàng cả vì các dự án dễ thì hoặc đã không đến tay chúng tôi, hoặc sẽ thiếu thú vị khi làm. Vậy thôi.




- Jim Collins, trong "Từ tốt đến vĩ đại", cuốn sách mà ông yêu thích, có đề cập khái niệm "con nhím và mô hình ba vòng tròn" khi phân tích về bí quyết để các doanh nghiệp vĩ đại. Về cơ bản, các doanh nghiệp đó dù có làm nhiều thứ, nhiều lĩnh vực, cũng đều xoay quanh con nhím và ba vòng tròn của mình, nếu chệch ra thường thất bại. Vậy "con nhím" của Vingroup là gì?


- Tôi đọc, thích sách nhưng nhiều khi không làm theo sách. Với tôi, khái niệm "con nhím" cũng chưa thật sự hoàn hảo vì nếu đạt được cả 3 vòng tròn của khái niệm này: làm việc bạn đam mê nhất, làm việc bạn có thể làm giỏi nhất thế giới và làm việc có hiệu quả kinh tế rõ nét thì còn gì phải bàn nữa đâu. Ở Vingroup chúng tôi luôn có đam mê cháy bỏng với các việc mình làm, luôn phấn đấu để có thể làm tốt nhất thế giới và tạo ra hiệu quả bền vững trong dài hạn. Việc nào không thể làm tốt nhất được thì phải chịu thua và chấp nhận bỏ thôi.


- Quyết định không làm gì cũng quan trọng chẳng kém việc chọn ra những việc mình sẽ làm. Những lần ông chốt dừng các dự án của Vin đã diễn ra thế nào, có vẻ ông quyết dừng cũng nhanh như khi lập nó?


- Tôi chỉ muốn làm những gì để Vingroup có thể thực hiện được sứ mệnh của mình là "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người", thấy gì phù hợp thì làm.


Tôi tư duy khá đơn giản: những dự án không làm được thì cũng phải sòng phẳng mà nhận thất bại rồi dừng. Những cái cần bán để thêm nguồn lực cho các dự án trọng điểm khác thì chấp nhận bán, cái nào đã không còn phù hợp sau một thời gian vận hành thì không nên cố. Việc dừng lại khó khăn và phải suy tính lâu hơn nhiều so với quyết định thành lập ban đầu vì khi đó đã có cán bộ nhân viên của mình tham gia, đã có khách hàng... Phải tính làm sao cho vẹn toàn.



- Thường đã nghĩ sâu thì người ta hành động chậm. Có nhiều bài toán lớn của Vin nhưng lại được quyết rất nhanh. Như lần xây dựng Khu đô thị Vinhomes Smart City, ông gần như đã thay đổi hình hài về nó ở phút 89 trước khi bắt tay làm. Điều gì khiến ông mạnh tay thế?


- Tôi thấy bình thường, không nhanh (cười). Tôi luôn suy nghĩ về sản phẩm của mình. Nếu tìm được giải pháp tốt hơn thì dứt khoát sẽ làm, bất chấp tốn kém. Ví dụ, khi phát triển xe điện mà thiếu linh kiện để nghiên cứu thử nghiệm, có cái chúng tôi chấp nhận trả giá gấp 48 lần để có. Chúng tôi chấp nhận bù lỗ, dám làm vì tính được kết quả cuối cùng là mình có thị trường, có đẳng cấp.


Nhìn chung, thói quen xấu của chúng ta là cứ nêu vấn đề lên rồi cả tháng sau mới quay lại. Còn chúng tôi đã nêu vấn đề, chỉ trong 1-2 ngày là phải giải. Nếu khó quá thì treo, nhưng mấy ngày sau quay lại, chốt bằng được là xuôi hay ngược. Không quyết làm là "ngược luôn", tức là bỏ.


- Với tốc độ và quy mô phát triển như hiện nay, theo ông, Vingroup có đến mức "too big to fail" không?


- Nếu không chịu thay đổi, phấn đấu quyết liệt thì chẳng doanh nghiệp nào tồn tại được cả, cứ buông tay ra thôi là chết rồi. Nhiều ông lớn từng đứng số 1, số 2 thế giới còn đổ, Vingroup đã là gì đâu. Thế nên chúng tôi mới có slogan "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp".


- Ông nuôi dưỡng tinh thần startup như thế nào ở một nơi đã quá lớn như Vingroup?


- Chúng tôi thường xuyên "tập thể dục" cho hệ thống. Tôi luôn đặt ra mục tiêu khó, ngày càng cao hơn và thường xuyên đánh giá hiệu quả rồi sàng lọc các cá nhân, bộ phận yếu kém.


Tôi ngày càng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền rồi kiểm soát chặt kết quả cuối cùng. Tôi cũng quyết liệt thúc đẩy thực hiện 5 hóa (hạt nhân hóa, chuẩn hóa, đơn giản hóa, tự động hóa và hiệu quả hóa).


Trong đó, hạt nhân hóa là quan trọng nhất, tôi yêu cầu mỗi cán bộ lãnh đạo phải là một hạt nhân, một thủ lĩnh đứng mũi chịu sào, dẫn dắt bộ phận của mình.


Để "hiệu quả hoá", cách đây 2-3 tháng tôi cũng ra quy định 50-50-50 trên toàn hệ thống: yêu cầu giảm 50% số lượng cuộc họp, 50% số người dự họp và 50% thời lượng họp. Email cũng yêu cầu giảm đáng kể luôn.


- Ông hình dung Vingroup sẽ như thế nào sau 5-10 năm nữa?


- Tôi nghĩ đến lúc đó Vingroup sẽ là một tập đoàn công nghệ, công nghiệp có tiếng trên thế giới. Mảng thương mại dịch vụ và thiện nguyện ở Việt Nam sẽ được người Việt Nam yêu quý, đánh giá cao.


Tôi mong, sau này mọi người nghĩ đến Vingroup là một tập đoàn luôn có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, truyền cảm hứng và luôn hướng thiện, vì cộng đồng. Và đến một ngày nào đó có thể phục vụ tất cả nhóm khách hàng.



Ông Phạm Nhật Vượng lái thử chiếc VinFast đầu tiên.


- Là đàn ông vốn đã có nhiều cám dỗ, mà với tỷ phú như ông thì thế nào?


- Tôi thường bị công việc cuốn đi nên nhiều cái không quan tâm. Mọi người bảo đánh golf thì thích nhưng tôi thấy... khó khăn lắm. Mấy người dạy tôi đánh golf xong đều chê "anh có đánh đâu, chả tập trung gì". Vì quả thật, cám dỗ lớn nhất của tôi là làm việc.


Nói vậy chứ có thú vui thì tốt. Tôi thích tốc độ. Hồi ở Ukraine, tôi rất thích lái xe tốc độ cao, từng lái BMW 240 km/h khi 40 tuổi nhưng giờ về Việt Nam thì đường sá không cho phép.


- Ông dạy con như thế nào?


- Tôi có hai con trai và một con gái. Với con trai, ngoài dùng tình thương thì còn kèm nghiêm khắc, luôn tạo cho các cậu ấy những cơ hội để thử thách. Cậu thứ hai đang học đại học năm hai ở nước ngoài nhưng Covid trường cho nghỉ 1 năm, tôi cho vào tập đoàn đi làm luôn.


Nhưng trong công việc, người ngoài hay người nhà như nhau. Làm tốt, tôi sẽ tạo sân chơi hết sức. Còn không được, vui lòng tránh ra để người khác làm. Cậu cả bị lên xuống mấy lần rồi đấy, cứ làm được thì thăng chức, không được thì xuống thôi! (Cười)


- Ông muốn để lại gì cho các con?


- Với tư cách người bố, tôi muốn để lại tình thương yêu vô bờ bến, và quan trọng nhất là muốn chúng luôn là người tử tế, chứ không yêu cầu con cái phải làm cái nọ cái kia. Tôi cũng không dứt khoát cứ phải cha truyền con nối. Vì nếu con không làm được hoặc không muốn làm mà mình bắt ép thì chúng khổ. Con đẻ và con nuôi đều như vậy.



Nội dung: Thanh Thanh Lan

Ảnh: Ngọc Thành

Đồ hoạ: Hằng Trịnh

https://vnexpress.net/ty-phu-pham-nhat-vuong-lam-viec-kho-moi-thu-vi-4417105.html?fbclid=IwAR3i1auaNE-ipyJTL9YlzsgRjFyl2McZGGfjMsLfUP8qhG9MrEFC0X8qAtU


..


---


BÀN LUẬN CHUNG cả 3 sự kiện nói trên


2. Ngày 13/1/2022


Doanh nhân Việt Nam là tầng lớp thua thiệt so với doanh nhân nước ngoài về nhiều mặt. Thua về vốn, thua về công nghệ, thua về quản trị, thua về trí tuệ và đặc biệt là thua về văn hóa doanh nhân. Tâm thư của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi cho '16 cái gạch đầu dòng', cho thấy sự nịnh bợ thần thánh này hơn cả những bà lên đồng 'vái lạy tứ phương'. Nó là đỉnh cao của 'văn hóa' nịnh bợ chính quyền của tầng lớp doanh nhân hiện nay.
Tôi có một vài người bạn doanh nhân nịnh bợ quan chức chính quyền một cách lạ lùng. Họ treo hình chụp chung giữa họ với một số 'ông to bà lớn' trong phòng tiếp khách, phía trên, ngay sau lưng chỗ ngồi của họ. Thoạt nhìn, cứ tưởng đó là cha mẹ họ. Hễ có dịp là họ xuất hiện cặp kè bên cạnh nhân vật quan to. Có người thì hầu như ngày nào cũng có mặt ở nhà hàng nào đó để tiếp đãi các công chức, đặc biệt là các công chức đang trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Nhìn cách họ khoe khoang, tiếp đãi quan chức chính quyền, tôi nhận ra một tâm hồn yếu đuối ẩn giấu đằng sau chiếc áo doanh nhân.
Doanh nhân Việt Nam hiện nay là tầng lớp sinh non. Thời kỳ pháp thuộc, tầng lớp doanh nhân Việt Nam rất nhỏ bé. Ở miền Bắc, sau 1954, tầng lớp doanh nhân Việt Nam bị xóa sổ hoàn toàn sau ba năm cải tạo công thương nghiệp. Ở miền Nam, sau năm 1975, tầng lớp doanh nhân cũng bị đánh què, gần như bị tê liệt hoàn toàn, sau các chiến dịch đánh tư sản và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Từ sau đại hội VI, năm 1986, mới bắt đầu manh nha chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng phải đến sau năm 1990, mới có nhiều người mạnh dạn bỏ vốn ra làm ăn. Thời kỳ từ 1986 đến năm 2000, như là thời kỳ doanh nhân trưởng thành trong bụng mẹ, chưa được khai sinh. Có thể coi ngày 01 tháng 01 năm 2000, luật doanh nghiệp Việt Nam có hiệu lực, là ngày khai sinh tầng lớp doanh nhân Việt Nam mới.
Giai đoạn từ năm 2000 đến nay là quá ngắn, tầng lớp doanh nhân Việt Nam chưa đủ thời gian để hình thành văn hóa doanh nhân như thế giới phương Tây. Họ không đủ vốn và tri thức để đi vào công nghệ. Họ tích lũy tư bản bằng con đường thân hữu với những quan chức có quyền ban phát nguồn lực quốc gia bằng chính sách và giấy phép. Giấy phép con dẹp hoài mà không hết vì đó là nguồn nuôi sống tư bản thân hữu. Vũ Nhôm tích lũy tư bản nhờ thân hữu với các quan chức nắm nguồn nhà đất, từ chiến lợi phẩm của cuộc chiến tranh. Đất đai thuộc 'sở hữu toàn dân' cũng là nguồn đóng góp quan trọng nhất hình thành tầng lớp doanh nhân giàu có hiện nay.
Tầng lớp doanh nhân Việt Nam sinh sau đẻ muộn và là tầng lớp bị sinh non. Phần đông là siêu nhỏ, siêu mỏng, 'buôn thúng bán bưng'. Một số doanh nghiệp lớn thì hầu hết, hoặc là có bóng dáng nước ngoài thâu tóm, hoặc là có tham gia vào quá trình ăn chia tài sản nhà nước, mà chủ yếu là ăn chia 'đất đai thuộc sở hữu toàn dân'. Tầng lớp doanh nhân Việt Nam không đảm đương được sứ mệnh công nghiệp hóa đất nước như tầng lớp doanh nhân Hàn Quốc. Chính sách Công nghiệp hóa đất nước Việt Nam, cho đến nay, là thất bại. Việt Nam không có sản phẩm công nghiệp xứng tầm. Quanh đi quẩn lại chỉ xuất khẩu thô các sản phẩm nông ngư nghiệp. Không cạnh tranh được với nước ngoài bằng trí tuệ, người dân Việt Nam cạnh tranh bằng cơ bắp, với đặc trưng là xuất khẩu lao động tại chỗ. GDP bình quân đầu người Việt Nam có tăng hơn so với thời kỳ chỉ trồng lúa nhưng đất nước thì không phát triển./.

https://www.facebook.com/KIMLUONG474/posts/3020955744825978





Sau khi Liên xô sụp đổ, đất nước mà tôi và nhiều thế hệ người Việt nam hằng yêu mến, kính trọng trở nên nghèo khổ, điêu tàn. Rồi cũng chính từ trong cái nghèo khổ và điêu tàn ấy, một thời gian sau nữa, xuất hiện một tầng lớp mà người ta gọi là “Novue russkie” - Người Nga mới. Tức là họ vẫn là người Nga nhưng họ cũng chẳng là người Nga. Là người Nga vì họ nói tiếng Nga. Nhưng họ ăn,mặc, ở…nói chung là sống (và cả chết nữa) hoàn toàn không giống đa phần người Nga còn lại. Vì đa phần họ là người có nhiều tiền. Số ít còn lại là có rất, rất nhiều tiền.
Tình hình ở Việt nam chúng ta lại hơi khác. Một lớp “Người Việt mới” đã dần xuất hiện khi chưa có một sự sụp đổ nào, cả trong quan chức lẫn trong doanh nhân và ngày càng rõ nét. Là quan chức, thay vì sòng sọc điếu cày như trước kia, họ hút xì gà (ngày vài ba điếu) mà mỗi điếu bằng nửa tháng lương người lao động, họ uống chai rượu bằng thu nhập 10 năm của một hộ nông dân thay vì rượu đế. Con họ, đang du học ở Anh bằng tiền tiết kiệm và tiền đi bán chổi làm thêm, vài tháng có thể về thăm bạn gái bằng vé C. Bạn gái họ vài tuần có thể đi mua các thứ lặt vặt ở các cửa hàng tại Milano, cách chúng ta không xa lắm. Khi rao giảng về chủ nghĩa và đạo đức, họ hay viện dẫn truyện Kiều và ca dao cho dễ hiểu và sinh động. Và khi chết, để khỏi chen chúc ở những nghĩa trang, nơi có chồng chất những anh hùng, liệt sỹ, những vị tiền bối, họ được chôn tại quê nhà ấm áp, nơi đã dành (hay họ đã giành) vài héc ta vuông vức.
Bên cạnh quan chức ‘’ mới” tất nhiên là chúng ta hay thấy hình bóng của vài ( hay nhiều ) doanh nhân “mới”. Họ thường tháp tùng quan chức nhưng đi sau vài bước chân, cười (rất to) khi quan chức cười mỉm, gật như gà mổ thóc mỗi khi quan chức hỏi và vỗ tay dào dạt như dành cho idol khi quan chức kết thúc bài phát biểu hùng hồn. Và họ chẳng cần “noi gương và học theo“ ai hết, đạo đức của họ sáng ngời như chúng ta đã biết trong vài ngày qua.

Một cái gì đắng chát trong cổ họng (và cả trong tim nữa) khi bất chợt nghĩ rằng: “đất nước chưa bao giờ đẹp như hôm nay” lại có thể chỉ thuộc về “HỌ”, những “Người Việt mới”!

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1165930363813450&id=100011894928988




1. Ngày 12/1/2022


Nền kinh tế yếu kém vì thiếu vắng tầng lớp tư sản dân tộc

Lưu Trọng Văn

Thật xấu hổ khi đọc tâm thư của tỷ phú Đỗ Anh Dũng, chủ tập đoàn bất động sản Tân Hoàng Minh, gửi lãnh đạo VN để xin lỗi vì không tham gia mua đất vàng ở Thủ Thiêm với giá trên trời nữa.

Biết nhục vẫn làm!

Lợi ích trên danh dự!

Trong tâm thư đầy lời lẽ ngợi ca lãnh đạo, khoe mẽ bố vợ là tướng an ninh, khoe mẽ động cơ chính trị, mà thấy buồn cho một nhà kinh doanh giàu có hàng đầu QG.

Nếu có phẩm chất một nhà kinh doanh có tự trọng, tỷ phú Dũng chỉ cần gửi thư đến ban đấu giá xin nộp phạt và bồi thường các tổn thất do việc mình bỏ không tham gia mua đất nữa là đủ. Sòng phẳng, không cần lý do.

Tiếc thay, nhiều tỷ phú là nhà kinh doanh nhưng không có phẩm chất của một nhà kinh doanh.

Mới đây tỷ phú Trịnh Văn Quyết chủ FLC bị Uỷ ban Chứng khoán điều tra về hành vi bán chui đến hơn 70 triệu cổ phiếu của mình gây tổn thất cho các nhà đầu tư do không được minh bạch thông tin.

Và có thể dẫn ra nhiều tỷ phú đôla VN có những vấn đề về phẩm chất như trên.

Hơn một trăm năm trước cụ Phan Châu Trinh nhà cách mạng vĩ đại nhất thế kỷ 20 của VN đã chủ trương một QG muốn phát triển phải có tầng lớp tư sản Dân tộc. Cụ và các đồng chí của mình đã vận động và trực tiếp hỗ trợ các nhà tư sản Dân tộc như Nước mắm Liên Thành.

Tiếc rằng các nhà tư sản Dân tộc của VN mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô... mà không thành một tầng lớp tư sản Dân tộc.

Sau năm 1954, tại miền Nam đã xuất hiện một tầng lớp tư sản Dân tộc nhỏ đang dần tạo nền tảng cho tầng lớp tư sản Dân tộc lớn, thì chiến tranh mở rộng dẫn đến không thể có nhà tư sản Dân tộc lớn tạo nên những thương hiệu lớn vượt tầm QG. Và các nhà tư sản trong đó có cả các nhà tư sản Dân tộc sau 1975 đều bị cải tạo hết.

Sau năm 1954 tại miền Bắc do sai lầm của kinh tế bao cấp, kinh tế nhà nước, các nhà tư sản trong đó có cả các nhà tư sản Dân tộc bị cải tạo rồi bị triệt tiêu.

Sau Đổi mới Đất nước năm 1986 đã dần xuất hiện một số tư sản Dân tộc tạo nên một loạt thương hiệu uy tín. Tiếc rằng một số nhà tư sản Dân tộc chân chính này chưa đủ sức cạnh tranh được với tầng lớp hùng mạnh các nhà tư bản thân hữu có lợi ích mật thiết với một bộ phận tham nhũng tha hoá trong chính quyền.

Sự khác biệt duy nhất của các nhà tư sản Dân tộc với các nhà tư bản thân hữu đó là Tinh thần Dân tộc.

Vì lợi ích của Dân tộc mà kinh doanh.

Vì niềm tự hào Dân tộc mà kinh doanh.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

https://boxitvn.blogspot.com/2022/01/nen-kinh-te-yeu-kem-vi-thieu-vang-tang.html



58 phút 
Gần đây ngày càng xuất hiện dày đặc những hiện tượng làm chúng ta đi từ kinh hoàng này đến kinh hoàng khác. Không nói đâu xa, chỉ trong vòng một tháng đã có những chuyện động trời khó tưởng tượng nổi.
Đầu tiên là cha đẻ cùng với nhân tình đánh chết con - bé gái 8 tuổi. Trước sự việc này tôi không viết nổi một chữ vì quá đau đớn, quá căm giận và quá ngạc nhiên. Đến thú vật cũng không bao giờ đánh chết con mình!
Rồi vụ Việt Á cú lừa thế kỷ bắt cả nước dùng kit test giá cao không rõ xuất xứ, tài hơn cả việc cho con bò chui qua lỗ kim. Theo số liệu ban đầu, công ty này chi 800 tỷ để bôi trơn lỗ kim đó. Đơn giản nhưng liều lĩnh đến kinh hoàng. 80% cổ phần của công ty Việt Á chưa được công khai ai nắm giữ - những người nắm số này mới đích thị là ông chủ Việt Á, là những kẻ lũng đoạn được chính sách.
Đùng một cái, Tịnh thất bồng lai Thiền am bên bờ vũ trụ lộ diện là sư giả, loạn luân và lợi dụng tiền bạc của các nhà từ tâm. Sư giả bây giờ đầy nhưng trắng trợn như ông Lê Tùng Vân thì mới bị phanh phui.
Trong ngày hôm qua dồn dập tin tập đoàn Tân Hoàng Minh xin trả lại khu đất đã thắng thầu với giá trên trời, chấp nhận mất 600 tỷ tiền cọc. Và tin ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch tập đoàn FLC bán chui 75 triệu cổ phiếu. Ở Mỹ những trò mèo này bị khép vào tội hình sự, ở ta thì tôi không biết vì tôi không học trường Luật như Trịnh Văn Quyết.
Xung quay các hiện tượng kinh hoàng nói trên có nhiều ý kiến đa chiều, các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra xử lý. Tôi xin nêu hai vấn đề.
Một là, vai trò của truyền thông với khoảng 700 tờ báo đến đâu trong việc tung hô, quảng cáo, bơm thổi Việt Á, Thiền am bên bờ vũ trụ, FLC, Tân Hoàng Minh và những tập đoàn “ăn nên làm ra” khác. Ai cũng biết hễ có bài báo hay bài viết chê tập đoàn này tập đoàn kia là sẽ bị gỡ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Ai cũng thấy các ông chủ lớn thường mời được các quan chức rất cao cấp đến dự khánh thành công trình dự án, được vinh danh, thưởng huân huy chương. Liệu báo chí, truyền thông cũng đã bị các thế lực tài phiệt lũng đoạn?
Hai là sự thiếu bền vững của các tập đoàn kinh tế. Sau khi nhận ra mô hình kinh tế kiểu “chùa một cột”, tất cả dựa trên kinh tế nhà nước tập trung quan liêu bao cấp, đã thất bại, nhà nước Việt Nam chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần kiểu nhà nhiều cột với những “quả đấm mạnh” như tập đoàn Dầu khí, VinaShin, Gang Thép… Chẳng bao lâu sau mấy tập đoàn mạnh này do quản lý yếu kém và tham nhũng làm mất hết sức mạnh.
Những năm gần đây xuất hiện những chiếc cột tư nhân phát triển mạnh mẽ đến mức không ai biết họ lấy vốn từ đâu. Một số làm ăn ở Đông Âu phất lên nhờ thị trường rối loạn sau Liên Xô sụp đổ, mang vốn về nước với kinh nghiệm phong phú “chạy chính sách” giàu lên nhanh chóng. Một số khác thuần tuý nội địa tay không bắt giặc. Ngôi nhà kinh tế nhiều cột hiện nay lẫn lộn cột gỗ cột tre, cột bê tông, cột mối mọt.
Hiện tượng FLC bán tháo vốn, một vài tập đoàn chuyển vốn ra nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau là đáng báo động. Ngôi nhà sàn kinh tế Việt Nam liệu có đứng vững được trên những cái cột đang có dấu hiệu lung lay.

Đó mới là điều đáng lo ngại hơn cả.

https://www.facebook.com/pcthang/posts/10219671025709710


..



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.