Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/12/2021

Sông Tô Lịch và ao hồ Hà Nội trong vụ án tham nhũng Nguyễn Đức Chung

Tại tòa, ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Giám đốc Sở Công an Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội), có nói: "tâm tư đắm đuối với xử lý ô nhiễm vì sông hồ ở Hà Nội hôi thối vô cùng".

Ý ông là: sông hồ Hà Nội đang hôi thối lắm, là do ô nhiễm nặng bao lâu nay; với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính của Hà Nội, bản thân ông ông đã dốc sức dốc tâm cho việc xử lí ô nhiễm, mong sông hồ Hà Nội trở lại thơm tho.

Ông Chung có bằng Tiến sĩ Luật học (xem lại ở đây và ở đây về quang cảnh ông bảo vệ luận án Tiến sĩ khi đương chức lớn), bởi vậy, ông có thể tự tin tự bào chữa cho mình. Gia đình cũng đã huy động tới 5 luật sư bào chữa cho ông.

Đọc kĩ các lời tự bào chữa của ông Chung mà báo chí chính thông đăng tải, thì thấy: tự chúng đã mâu thuẫn với nhau rồi. 

Tin của báo chí chính thông ngày 11/12/2021 sẽ được đưa lên trước.

Bình luận hay thông tin bổ sung, thông tin cập nhật sẽ dán ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 12 năm 2021,

Giao Blog



---

10/12/2021 13:31 GMT+7

TTO - Cựu chủ tịch Hà Nội đưa ra 13 luận điểm phản bác cáo buộc của cơ quan truy tố và cho rằng mình bị oan. Trong khi đó hai bị cáo còn lại khai việc mua bán chế phẩm xử lý nước ao hồ ô nhiễm là theo chỉ đạo từ ông Nguyễn Đức Chung.

Ông Nguyễn Đức Chung: Cuộc đời tôi chưa bao giờ bàn bạc với ai để lấy 1 đồng của Nhà nước - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: NAM ANH

Phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sáng 10-12 kéo dài đến hơn 12h trưa và hội đồng xét xử lần lượt xét hỏi cả ba bị cáo.

Sau khi viện kiểm sát công bố cáo trạng, chủ tọa yêu cầu các bị cáo vào khu vực cách ly để xét hỏi từng người.

Ông Chung: "Truy tố tôi tội lợi dụng chức vụ là bị oan"

Là bị cáo cuối cùng được đưa từ khu vực cách ly vào phòng xử để trả lời thẩm vấn, trong hơn 30 phút trình bày, cựu chủ tịch Hà Nội liên tục phản bác các cáo buộc trong cáo trạng của viện kiểm sát.

Ngay khi được tòa cho phép trình bày, ông Nguyễn Đức Chung đã khẳng định "việc truy tố tôi tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn là oan".

Ông Chung cho biết suốt quá trình điều tra và trước phiên xử đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan tố tụng.

Khi ông Chung trình bày về nội dung trong các đơn này thì hội đồng xét xử ngắt lời và cho biết đã đọc những bản kiến nghị, khiếu nại của ông trong quá trình điều tra cũng như trước khi xét xử. "Bản nào ngắn nhất là 10 trang, dài nhất là 38 trang nếu như hội đồng xét xử nhớ không nhầm" - chủ tọa phiên tòa nói.

Tiếp tục trả lời thẩm vấn, ông Nguyễn Đức Chung viện dẫn cáo trạng và kết luận điều tra nêu thông báo năm 2016 do chánh văn phòng UBND TP Hà Nội thừa lệnh chủ tịch ký ban hành, và kết luận ông giao Công ty Thoát nước đàm phán mua trực tiếp chế phẩm từ hãng của Đức.

Ông Chung phản bác cáo buộc này, khẳng định không giao Công ty Thoát nước đàm phán như cáo buộc và đề nghị tòa công bố nội dung của thông báo.

Ông Chung cũng phủ nhận cáo buộc đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic của Nguyễn Trường Giang, được làm đại lý độc quyền cho doanh nghiệp là Watch Water (Đức) để bán chế phẩm xử lý nước ô nhiễm.

"Tôi là chủ tịch thành phố, quá trình điều hành tôi kết nối cho rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tiêu thụ hàng hóa và kết nối với doanh nghiệp nước ngoài. Quyền chọn đại lý độc quyền là của doanh nghiệp của Đức chứ không phải khả năng của tôi. Việc kết nối để làm đại lý độc quyền là năng khiếu, khả năng của Giang chứ không phải do tôi" - ông Chung nói.

Ông Chung khẳng định không chỉ đạo ông Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3c qua Công ty Arktic như cáo trạng truy tố. Ông khai được ông Hùng nhờ gọi điện cho Giang hỏi về chế phẩm nên "liên hệ hộ", còn việc đàm phán mua bán như thế nào thì "bị cáo không biết".

"Hoạt động của Công ty Thoát nước thì quyền quyết định là chủ tịch hội đồng thành viên, người đại diện pháp luật chứ chủ tịch Hà Nội không có quyền can thiệp và chỉ đạo gì… Cáo trạng quy kết chỉ dựa vào câu nói của Võ Tiến Hùng, lời khai của phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng mà cho rằng tất cả là làm theo chỉ đạo của tôi.

Cơ quan nhà nước là làm theo văn bản, giả sử tôi cho chỉ đạo thì Tiến Hùng phải có đề xuất. Tôi không có văn bản gì mà lại quy kết cho tôi chỉ đạo" - ông Chung nói.

Ông Nguyễn Đức Chung: Cuộc đời tôi chưa bao giờ bàn bạc với ai để lấy 1 đồng của Nhà nước - Ảnh 2.

Ông Chung được cảnh sát áp giải vào phòng xử - Ảnh: DANH TRỌNG

"Tôi rất đắm đuối với việc xử lý nước ô nhiễm"

Cựu chủ tịch Hà Nội cho biết băn khoăn lớn nhất của ông là quy kết thiệt hại của vụ án. Theo ông Chung, việc chọn đại lý độc quyền phân phối chế phẩm xử lý nước sạch hoàn toàn là do doanh nghiệp nước ngoài chứ "tôi hay ai cũng không thể can thiệp được".

Ông Chung khai biết rõ ông Tiến Hùng đàm phán, nhưng doanh nghiệp nước ngoài họ không bán chế phẩm cho Công ty Thoát nước. Do đó việc Giang nhập về là theo quy định pháp luật, cũng phải bỏ tiền, chi phí và phải có lợi nhuận.

Ông Chung đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại cáo buộc từ cơ quan truy tố về việc mua chế phẩm giá cao hơn thực tế và gây thiệt hại.

"Tôi khẳng định với hội đồng xét xử tôi rất đắm đuối và rất muốn Công ty Thoát nước được mua chế phẩm từ doanh nghiệp của Đức. Do đó viện kiểm sát quy kết 36 tỉ công ty hưởng lợi là thiệt hại cho UBND TP Hà Nội thì cần phải xem xét lại" - ông Chung đề nghị.

Về vấn đề Công ty Akrtic có liên quan đến gia đình ông Chung, cựu chủ tịch Hà Nội nói "đến nay tại phiên tòa này tôi cũng nhận thấy phần trách nhiệm của mình với vợ con".

Ông Chung khai ban đầu công ty do con trai mình và một người khác lập. Tuy nhiên sau đó ông không muốn con trai mình tham gia công ty và đã yêu cầu con đi du học.

"Tôi không tham gia điều hành góp tiền một thứ gì và không bàn bạc một cái gì với Giang về những vấn đề trong công ty này. Tôi khẳng định nếu như tôi biết công ty là của con trai tôi ngay từ đầu thì chắc chắn không bao giờ có chuyện Giang bước được một chân vào cửa nhà tôi.

Chắc chắn Giang không bao giờ được làm một thứ gì bởi vì cuộc đời tôi chưa bao giờ bàn bạc với ai làm cái gì để tính toán, lấy một đồng của nhà nước" - ông Chung khẳng định.

"Công ty mua hay bán sản phẩm gì đều theo chỉ đạo của anh Chung’

Trong khi đó, Nguyễn Trường Giang khai tại tòa rằng không mua bán cổ phần tại Công ty Akrtic, mà được sang tên cổ phần từ vợ của ông Chung. Giang nắm giữ 95% cổ phần nhưng tất cả đều là được chuyển nhượng và Giang chỉ đứng trên giấy tờ, chứ thực tế không tham gia góp vốn.

Giang khai toàn bộ quá trình nhập chế phẩm là do ông Chung yêu cầu chỉ đạo để bán cho Công ty Thoát nước. Những hợp đồng đầu tiên cứ gửi báo giá sang là Công ty Thoát nước ký luôn, sau đó mới có sự thương thảo giữa hai bên về giá.

"Công ty nhập sản phẩm gì từ Đức và bán sản phẩm gì cũng nhận được chỉ đạo từ anh Chung. Các đơn vị của Hà Nội mua sản phẩm đều là do anh Chung giới thiệu. Các sản phẩm nhập về đều theo chỉ đạo của anh Chung nên bán cho đối tác nào cũng đều theo chỉ đạo và giới thiệu của anh Chung.

Số lượng, loại sản phẩm nhập về đều từ chỉ đạo của anh Chung. Thời gian đầu chị Hoa, vợ anh Chung, có chỉ đạo một số công việc, từ sau năm 2016 thì chị Hoa không chỉ đạo" - Giang nói.

Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, lợi nhuận của công ty còn được rút ra làm từ thiện, tài trợ cho một số tập thể theo chỉ đạo của ông Chung: "Tổng tiền tài trợ cho các đơn vị hơn 7 tỉ. Tất cả việc làm này là do anh Chung chỉ đạo".

"Theo nhận thức của bị cáo, khi vào công ty làm giám đốc là giúp anh Chung nhập sản phẩm từ Đức về bán. Bị cáo chưa có ý định kinh doanh những sản phẩm này. Bị cáo chưa rút ra một đồng nào lợi nhuận từ công ty", Nguyễn Trường Giang nói và đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại tội danh mình bị truy tố.

https://tuoitre.vn/ong-nguyen-duc-chung-cuoc-doi-toi-chua-bao-gio-ban-bac-voi-ai-de-lay-1-dong-cua-nha-nuoc-20211210131538925.htm





11/12/2021 12:20 GMT+7

TTO - Bị cáo Nguyễn Đức Chung tiếp tục phản bác cáo buộc của Viện kiểm sát, phủ nhận sự liên quan đến công ty bán hóa chất. Ông nhắc lại lời khai trong phần xét hỏi hôm qua, "chưa bao giờ bàn bạc với ai để lấy một đồng của Nhà nước".

Ông Nguyễn Đức Chung: ‘Tôi chưa bao giờ suy nghĩ đẻ ra công ty để làm sân sau’ - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung trình bày phần tự bào chữa - Ảnh: NAM ANH

Sáng 11-12, sau khi đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị mức án, các bị cáo được tự bào chữa.

Cựu chủ tịch Hà Nội trình bày hơn 1 tiếng đưa ra quan điểm phản bác "gần 10 vấn đề mà cơ quan truy tố cáo buộc". Nhiều nội dung ông Chung nói đi nói lại nên có 5 lần bị chủ tọa nhắc bị cáo trình bày ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.

Ngay phần mở đầu tranh luận, cựu chủ tịch Hà Nội cho rằng "đại diện viện kiểm sát chưa tiếp thu những nội dung bị cáo đã trình bày và được làm rõ trong phiên xét hỏi".

Bị cáo Chung tiếp tục đưa ra quan điểm phản bác lại cáo buộc cho rằng ông chỉ đạo miệng yêu cầu Công ty Thoát nước mua chế phẩm Redoxy-3C từ Công ty Arktic. "Tôi không đồng ý việc viện kiểm sát quy kết tôi chỉ đạo anh Võ Tiến Hùng chỉ bằng một câu nói bâng quơ ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Tôi cho là ba lời khai của những người ở bờ hồ là không khách quan và không đầy đủ", bị cáo tự bào chữa.

Cựu chủ tịch Hà Nội khẳng định cá nhân chưa bao giờ đặt vấn đề với bị cáo Nguyễn Trường Giang cho gửi phần trăm vào Công ty Arktic để hưởng lợi. "Tôi chưa bao giờ nghĩ là bàn với Giang đẻ ra công ty để có cổ phần làm ăn hay làm công ty "sân sau" của gia đình, cá nhân", bị cáo Chung khẳng định.

Bị cáo Chung biện luận rằng gia đình có công ty riêng, nếu muốn phân phối chế phẩm Redoxy-3C thì chỉ cần nói với ông tổng giám đốc Watch Water cho vợ mình làm đại lý chứ không cần thông qua công ty của bị cáo Giang.

"Không phải lằng nhằng như thế. Tôi mặt mũi nào mà bàn với anh Giang để làm cổ phần với mình song lại ra công đường họp, chỉ đạo Sở Ngoại vụ đàm phán với ông tổng giám đốc Watch Water…

Không bao giờ lương tâm của tôi lại như vậy. Tuổi tôi thế này, ai chả muốn phấn đấu, làm tốt, chả nhẽ lại đi bàn làm ăn trắng trợn như thế... Không ai giỏi đạo diễn hơn nghệ sĩ trong việc này", ông Chung trình bày.

Ông Nguyễn Đức Chung: ‘Tôi chưa bao giờ suy nghĩ đẻ ra công ty để làm sân sau’ - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Trường Giang trình bày phần tự bào chữa - Ảnh: TTXVN

Về lời khai của bị cáo Giang cho rằng mọi hoạt động của công ty đều theo sự chỉ đạo của cựu chủ tịch Hà Nội, ông Chung phủ nhận và nói "không rảnh" và không có thời gian để điều hành công ty này.

"Tôi có rất nhiều điều kiện nếu như muốn làm ăn. Tôi chỉ cần gửi gắm 1 câu trong lĩnh vực của mình hoặc dùng 1 chỉ đạo với cấp dưới cũng có tiền, thậm chí tiền nhiều hơn những việc này nhưng tôi không làm. Tôi tin là không bao giờ làm. Từ khi sinh ra tôi chưa bao giờ bàn bạc với một ai để làm cái gì để lấy một đồng tiền của Nhà nước cả", ông Chung phân trần.

Bị cáo Chung cũng dành nhiều thời gian trong phần tự bào chữa để nói đến "tâm tư đắm đuối với xử lý ô nhiễm vì sông hồ ở Hà Nội hôi thối vô cùng".

"Tôi đã tận tai nghe người dân bức xúc nói không dám ngồi uống bia, không dám chạy thể dục vì hồ hôi thối. Tôi là quản lý nhà nước, người đứng đầu thành phố nên tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là cái gì lợi cho dân là tôi làm… Chúng tôi đã đem trí tuệ, công sức, cống hiến để đem lại cho người dân sự thơm tho nhưng tại sao lại quy trách nhiệm, bắt bỏ tiền nhà ra bồi thường.

Tôi đã trình bày với cơ quan điều tra và nói rõ với đoàn thanh tra là nếu Chính phủ mà nói tôi làm sai với quy định thì tôi sẵn sàng bán cả nhà đi để đền", ông Chung trình bày và băn khoăn về việc viện kiểm sát quy trách nhiệm cho ông bồi thường thiệt hại 36 tỉ.

'Bị cáo làm đúng quy trình, không vụ lợi'

Trong khi đó, bị cáo Võ Tiến Hùng, cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, tự bào chữa nhiều lần khẳng định đã "làm đúng quy trình, không vụ lợi". "Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo biết việc ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo sai pháp luật mà vẫn thực hiện là chưa đúng", ông Hùng nói.

Bị cáo Hùng cho rằng chủ trương nhân rộng công nghệ xử lý nước thải với Redoxy-3C là chủ trương tập thể và ông "đã làm hết mình đạt kết quả hết sức tích cực".

Kết thúc phần bào chữa, bị cáo Hùng bật khóc, nói với giọng nghèn nghẹn: "28 năm ở Công ty Thoát nước Hà Nội, tôi từng làm việc với nhiều thế hệ lãnh đạo, nhưng chưa giai đoạn nào chúng tôi có cơ hội giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông hồ thủ đô đến vậy. Động cơ của tôi còn là cải thiện sức khỏe và an toàn lao động cho nhân viên, điều mà công nghệ cũ không làm được".

Bị cáo Nguyễn Trường Giang (giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic) cho hay từ khi vào Công ty Arktic không góp đồng nào vào cổ phần, không được hưởng lợi gì. Bị cáo lặp lại lời khai trong phiên xét hỏi hôm qua là quá trình chuyển nhượng vốn đều làm theo chỉ đạo của vợ cựu chủ tịch Hà Nội. Sau này, đến giai đoạn nhập thiết bị từ nước ngoài về, Giang làm theo chỉ đạo của ông Chung.

Bị cáo Giang khẳng định không vu khống cho ai, chịu trách nhiệm về lời nói của mình và mong được HĐXX xem xét làm rõ vai trò cùa mình.

Thân Hoàng - Danh Trọng

https://tuoitre.vn/ong-nguyen-duc-chung-toi-chua-bao-gio-suy-nghi-de-ra-cong-ty-de-lam-san-sau-20211211115741556.htm


..


Ông Nguyễn Đức Chung kêu oan, nhận trách nhiệm với vợ con

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa xét xử vụ mua chế phẩm Redoxy- 3C, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu oan.

Sáng nay (10/12), tại phiên tòa xét xử vụ mua chế phẩm Redoxy- 3C, HĐXX dành thời gian thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Chung. 

Ngay những lời đầu tiên trình bày, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định mình bị oan.

Liên quan đến cáo buộc cho rằng Công ty Arktic là công ty của gia đình ông Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày: "Tôi nhận thấy trách nhiệm đối với vợ con. Tôi không tham gia điều hành, góp tiền vào công ty".

Vẫn theo lời khai của bị cáo Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic là do con trai ông và ông Đào Xuân Tấn thành lập. Bị cáo không muốn con trai làm, muốn con quay lại du học.

Ông Nguyễn Đức Chung kêu oan, nhận trách nhiệm với vợ con
Bị cáo Nguyễn Đức Chung 

Bị cáo khẳng định, nếu ngay từ đầu biết công ty là của con trai, bị cáo Nguyễn Trường Giang (nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic - Công ty Arktic) chắc chắn không bao giờ có cửa bước chân vào.

Ông Chung khai, không liên quan gì đến Công ty Arktic, và nếu công nhận công ty này là thật thì HĐXX cần căn cứ luật pháp xem xét. “Tôi chưa bàn bạc với ai tính toán đến 1 đồng của nhà nước”, lời bị cáo Nguyễn Đức Chung

Theo lời khai của ông Chung, bị cáo Giang tự làm, tự kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về Công ty Arktic. Nếu HĐXX cho rằng, Công ty Arktic là của gia đình bị cáo thì cần làm rõ, hàng năm gia đình bị cáo có được biết lời lãi của công ty như nào không?

“Hoàn toàn chúng tôi không được hưởng bất cứ một đồng nào”, lời cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Vẫn theo lời khai của ông Nguyễn Đức Chung, bản cáo trạng và kết luận điều tra viện dẫn Nghị quyết 03 của HĐND TP về xử lý các vấn đề cấp bách môi trường, nhưng văn bản này chỉ có giá trị trong năm 2013.

Quyền chọn đại lý độc quyền là do hãng Watch Water chứ không nằm trong khả năng của bị cáo.

“Chủ tịch hãng Watch Water của Đức đến Hà Nội theo lời mời của tôi, tôi chỉ đạo cấp dưới liên hệ để chi tiền vé, đưa đón nhưng ông Deepark Chopra (TGĐ Công ty Watch Water) không đồng ý. Đơn vị kinh doanh du lịch đã kết nối TGĐ Công ty Watch Water, với Giang chứ không phải do tôi”, ông Nguyễn Đức Chung khai.

Bị cáo mong được đối chất

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho rằng, nhiều lời khai của bị cáo Võ Tiến Hùng (nguyên TGĐ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang không chính xác.

Ông Chung trình bày: "VKS kết luận tôi chỉ đạo ông Hùng mua chế phẩm qua Công ty Arktic, tôi khẳng định, anh Võ Tiến Hùng trong kỳ họp HĐND bị chất vấn rất nhiều vấn đề về môi trường.

Anh Hùng có nói, việc thử nghiệm tại hồ Hoàn Kiếm, đề nghị được mua chế phẩm để xử lý cái đó. Anh Hùng nói cần mua để thử nghiệm làm luôn, tôi đã yêu cầu anh Hùng báo cáo lại. Sau đó, anh Hùng đề nghị cứ để công ty mua và thử nghiệm trên diện rộng, nhờ tôi điện cho Giang liên hệ hộ nên tôi cũng điện. Sau đó, việc các bên đàm phán mua bán như nào thì tôi không biết".

Vẫn theo trình bày của ông Nguyễn Đức Chung, việc cáo trạng quy kết bị cáo tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo Giang tham gia đoàn công tác là không chính xác.

“Tôi khẳng định chuyến đi đó không có liên quan gì đến việc tìm hiểu mua bán chế phẩm. 

Có một vấn đề tôi và anh Hùng thống nhất cao, cố gắng đi tìm thiết bị lọc nước, khoan nước để phục vụ nâng tỉ lệ nước sạch cho người dân Hà Nội theo tiêu chuẩn đô thị. 

Đoàn của anh Hùng đi gặp hãng Watch Water của Đức, thấy thiết bị tương ứng nên điện về cho tôi thông báo. Chuyến đi này hoàn toàn không liên quan gì đến chế phẩm. Đề nghị HĐXX xem lại bản ghi âm buổi làm việc với Chủ tịch hãng Watch Water”, lời bị cáo.

Vẫn theo lời khai của ông Chung, ở Công ty Thoát nước, quyền quyết định là Chủ tịch HĐTV, người đại diện pháp luật chứ Chủ tịch Hà Nội không có quyền can thiệp và chỉ đạo gì.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung cũng trình bày những băn khoăn về quy kết thiệt hại. Bị cáo tha thiết đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc từ cơ quan truy tố về việc mua chế phẩm giá cao hơn thực tế và gây thiệt hại.

https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ong-nguyen-duc-chung-keu-oan-nhan-trach-nhiem-voi-vo-con-800067.html#inner-article

..

..


---

BỔ SUNG


2.

Lời bào chữa giật mình của ông Nguyễn Đức Chung

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi tự bào chữa đã nói, nếu muốn làm ăn, chỉ cần gửi gắm một câu tгong lĩnh vực của mình hoặc chỉ đạo cấp dưới cũng có tiền, thậm chí nhiều tiền.

Lời nói của ông Chung rất đúng trong thực tế hiện nay. Là người chuyên điều tra, phá nhiều vụ án nên ông hiểu rất rõ hành vi "gửi gắm" hoặc chỉ đạo của cán bộ có chức có quyền để trục lợi. Lời tự bào chữa này cũng hé lộ hay nói cách khác là công khai ra cách làm tiền dễ dàng của những người có quyền hành nếu họ không vì dân, vì nước. 

Đúng là chỉ cần một câu gửi gắm hay một chỉ đạo đối với cấp dưới sẽ “đẻ” ra được rất nhiều tiền. Những vụ án trong mấy năm gần đây đều chứng minh rõ điều đó. Đặc biệt là những vụ án về đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cổ phần hoá, đấu thầu...đều làm thất thoát cho nhà nước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hoặc chục ngàn tỷ đồng nếu như người có quyền vì động cơ cá nhân mà gửi gắm như ông Nguyễn Đức Chung nói. 

Lời bào chữa giật mình của ông Nguyễn Đức Chung
Ông Nguyễn Đức Chung hầu toà

Có thể thấy rõ thêm điều ông Nguyễn Đức Chung nói qua chỉ đạo của cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang hay các cựu phó chủ tịch TP.HCM vừa xét xử.

Ông Nguyễn Thành Tài biến khu đất 8-12 Lê Duẩn được thành phố chủ trương xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh nhưng "do quen biết" nên đã ký nhanh, ký nhiều văn bản sai quy định dành miếng đất cho công ty tư nhân gây thất thoát rất lớn. Ông Tất Thành Cang có chỉ đạo trong việc bán rẻ 32 ha đất ở huyện Nhà Bè…

Những vụ án như vậy nếu điểm tên sẽ rất nhiều. Nhưng tựu chung lại đều vì quen thân, vì phe cánh, vì lòng tham mà tài sản nhà nước vào tay tư nhân. 

Tất nhiên không ai cho không ai bao giờ, đó là một sự "móc túi" nhà nước với nhiều tên gọi khác. 

Những người này lợi dụng được là do cơ chế và luật pháp còn có sơ hở, hoặc còn thiếu. Cái nguy hại là họ nghiên cứu luật pháp quy định không phải để khắc phục lỗ hổng hay tìm ra cách làm hay vì lợi ích chung mà để lợi dụng. 

Trong nhiều vụ án xảy ra từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương “đốt lò” đều có tình trạng cán bộ cấp cao lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái hoặc tiếp tay cho sai phạm thông qua chỉ đạo, nhờ vả, quan hệ, lợi ích nhóm…

Vấn nạn chạy chức chạy quyền thật ra là vấn nạn của đồng tiền. Chạy tức là những người không đủ phẩm chất và năng lực dùng lợi ích “cướp” chỗ của người thực tài muốn đóng góp cho dân, cho nước. Vì chạy chức nên khi có chức quyền những người đó sẽ phải tìm mọi cách ít ra là để bù đắp. Đó chính là vòng tròn tai hoạ cho dân, cho nước.

 Nguyễn Đăng Tấn

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ong-nguyen-duc-chung-va-loi-bao-chua-giat-minh-801273.html



1.

Ông Nguyễn Đức Chung bị đưa ra xét xử vì trục lợi trong vụ mua chế phẩm Redoxy

25/11/2021 16:05 GMT+7

TTO - Ông Nguyễn Đức Chung bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử với cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới mua hóa chất từ công ty do vợ mình thành lập với giá cao hơn mua từ nước ngoài, giúp công ty 'sân nhà' hưởng lợi hàng chục tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Chung bị đưa ra xét xử vì trục lợi trong vụ mua chế phẩm Redoxy - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 25-11, TAND TP Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan vừa được Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành ra xét xử sơ thẩm.

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng bị cáo Võ Tiến Hùng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, và Nguyễn Trường Giang, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic, bị đưa ra xét xử cùng về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ án sẽ được xét xử vào ngày 10-12, dự kiến kéo dài 2 ngày do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.

Các kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa gồm: bà Đỗ Hồng Hải, ông Đặng Như Vĩnh và Nguyễn Văn Đông.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung có 5 luật sư bào chữa, 2 bị cáo còn lại cùng có 3 luật sư bào chữa.

Tòa xác định UBND TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung)... được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung là người đứng đầu UBND TP, có nhiệm vụ quản lý sử dụng hiệu quả tài sản, ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn. Tuy nhiên quá trình chỉ đạo, xử lý khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ tại Hà Nội, ông Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C phải thông qua Công ty Arktic để tạo lợi nhuận cho công ty này, vốn là công ty của gia đình ông.

Ông Chung bị cáo buộc đã "cài cắm" cho Nguyễn Trường Giang tham gia như cán bộ UBND TP xuyên suốt quá trình tham quan, thử nghiệm, mua bán chế phẩm. Từ sự hậu thuẫn của ông Chung, Công ty Arktic đã được độc quyền phân phối chế phẩm Redoxy-3C và bán cho Công ty Thoát nước Hà Nội.

Trên thực tế chế phẩm này được UBND TP Hà Nội đặt hàng công ty của Đức thiết kế riêng để xử lý ô nhiễm sông nước. Tuy nhiên sau khi ông Chung can thiệp, Hà Nội lại phải mua chế phẩm này thông qua công ty của gia đình ông với mức giá cao hơn nhiều lần mua từ công ty của Đức.

Ông Chung đã chỉ đạo yêu cầu dừng việc xử lý ô nhiễm nước hồ theo công nghệ cũ khi chưa thực hiện thử nghiệm và chưa có cơ quan thẩm quyền đánh giá tính hiệu quả của chế phẩm Redoxy-3C.

Ông Chung ký thông báo chỉ đạo việc đàm phán mua độc quyền chế phẩm từ công ty của Đức. Mặt khác cựu chủ tịch Hà Nội chỉ đạo bị can Võ Tiến Hùng phải mua chế phẩm này thông qua công ty của gia đình mình. Nếu Hà Nội mua chế phẩm này từ công ty của Đức sẽ có giá 8,5 euro/kg (hơn 222.000 đồng), còn mua thông qua "công ty sân nhà" của ông Chung thì sẽ có giá 295.000 - 326.000/kg.

Viện kiểm sát cáo buộc việc đưa thương vụ mua chế phẩm xử lý nước ô nhiễm về "công ty sân nhà" của ông Chung đã mang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty Arktic (gia đình ông Chung sở hữu 40% vốn điều lệ).

Với đặc quyền cung cấp độc quyền chế phẩm Redoxy-3C cho Hà Nội, trong khoảng thời gian từ 2016 - 2019, Công ty Arktic đã ký 15 hợp đồng bán tổng cộng 489 tấn chế phẩm làm sạch nước cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Arktic mua lượng chế phẩm này từ Hãng Watch Water với giá 115 tỉ đồng, sau đó bán lại với giá 151 tỉ đồng, hưởng lợi 36,1 tỉ đồng.

Đây là vụ án thứ 3 cựu chủ tịch Hà Nội bị truy tố, xét xử. Vụ án đầu tiên liên quan Nhật Cường, tháng 12-2020, ông Nguyễn Đức Chung bị phạt 5 năm tù về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".

Tòa án xác định ông Chung và vợ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến Nhật Cường nên đã móc nối nhờ một cán bộ công an nắm thông tin hướng điều tra và nhận 6 tài liệu mật từ người này.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Chung cùng hàng loạt cựu lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội vì có hành vi can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu.

Thân Hoàng

https://tuoitre.vn/ong-nguyen-duc-chung-bi-dua-ra-xet-xu-vi-truc-loi-trong-vu-mua-che-pham-redoxy-20211125155041487.htm

..


14/08/2021 16:29 GMT+7

TTO - Ông Nguyễn Đức Chung đã tạo điều kiện cho công ty 'sân nhà' do vợ mình thành lập để kinh doanh nhiều sản phẩm, hàng hóa cho các đơn vị trực thuộc UBND TP Hà Nội, hưởng lợi nhuận cao.

Vợ ông Nguyễn Đức Chung giả chữ ký con trai thành lập công ty bán hóa chất độc quyền cho Hà Nội - Ảnh 1.

Cá chết hàng loạt ở hồ Tây do ô nhiễm khiến TP Hà Nội phải mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nội dung trên được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) nêu trong kết luận vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Ngày 14-8, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố các bị can: Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội; Võ Tiến Hùng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic.

Theo kết luận, từ năm 2016-2019, trên cơ sở các chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện của ông Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic đã kinh doanh nhiều sản phẩm, hàng hóa (chế phẩm Redoxy 3C, xe làm sạch đường, máy nghiền cây) cho các đơn vị liên quan, trực thuộc UBND TP Hà Nội với doanh thu, lợi nhuận cao (trên 85% doanh thu, lợi nhuận).

Đáng chú ý, C03 xác định Công ty Arktic là "công ty gia đình" của ông Nguyễn Đức Chung. Quá trình hoạt động, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) đã nhiều lần làm giả hồ sơ để thay đổi thành viên góp vốn.

Cụ thể, cuối năm 2015, bà Hoa thành lập Công ty Arktic, đã góp đủ 5 tỉ đồng vốn điều lệ nhưng đứng tên Đào Xuân Tấn và con trai mình là Nguyễn Đức Hạnh.

"Toàn bộ hồ sơ đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Arktic đều do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa thực hiện và tự ký giả chữ ký của Nguyễn Đức Hạnh", kết luận điều tra nêu.

Trên thực tế, Nguyễn Đức Hạnh không nộp tiền vốn điều lệ, không tham gia quản lý, điều hành công ty.

Tháng 6-2016, bà Hoa làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần để thay đổi thành viên góp vốn từ Đào Xuân Tấn sang Nguyễn Trường Giang.

Một tháng sau, bà Hoa tiếp tục làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần để thay đổi thành viên góp vốn từ Nguyễn Đức Hạnh sang Nguyễn Trường Giang (tổng cộng, Giang đứng tên sở hữu 60%) và Nguyễn Thị Bích Hằng (đứng tên sở hữu 40%).

Tài liệu điều tra xác định không có việc mua, bán, không có việc thanh toán tiền giữa các bên chuyển nhượng phần vốn góp. Trụ sở chính của Công ty Arktic đặt tại siêu thị Minh Hoa của gia đình ông Nguyễn Đức Chung trên phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa.

Sau khi Thanh tra TP Hà Nội thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ thì Công ty Arktic mới chuyển trụ sở đến nơi khác.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2016 đến 2019, trên cơ sở chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện của ông Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic đã có 13 phiếu đặt hàng và mở 28 tờ khai hải quan để nhập khẩu 489 tấn chế phẩm Redoxy 3C với tổng chi phí hơn 115 tỉ.

Đồng thời, Công ty Arktic đã ký 15 hợp đồng bán cho Công ty Thoát nước 489 tấn chế phẩm Redoxy 3C với giá hơn 151 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 36 tỉ.

Cơ quan điều tra cho biết đã có văn bản kiến nghị Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội xử lý đối với việc giả mạo hồ sơ, tài liệu thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Arktic lần thứ 2, 3.

Theo kết luận, sau khi làm thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp của Nguyễn Đức Hạnh cho Nguyễn Thị Bích Hằng, Nguyễn Trường Giang thì bà Hoa không tham gia quản lý, điều hành Công ty Arktic. Hơn nữa, việc làm thủ tục chuyển nhượng 40% vốn điều lệ công ty từ Nguyễn Đức Hạnh sang Nguyễn Thị Bích Hằng là do bị can Nguyễn Đức Chung chỉ đạo để che giấu hành vi phạm tội.

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng ký hồ sơ chuyển nhượng phần vốn góp do bị can Nguyễn Đức Chung đề nghị nhưng không tham gia bất kỳ hoạt động gì của Công ty Arktic, không biết Công ty Arktic là công ty nào.

Do đó, C03 kết luận hành vi của bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, Nguyễn Thị Bích Hằng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định đối với cán bộ Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội làm mất hồ sơ, tài liệu đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 1 của Công ty Arktic.

Thân Hoàng

https://tuoitre.vn/vo-ong-nguyen-duc-chung-gia-chu-ky-con-trai-thanh-lap-cong-ty-ban-hoa-chat-doc-quyen-cho-ha-noi-20210814160941352.htm

..

Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua hóa chất để giúp công ty gia đình trục lợi

14/08/2021 11:34 GMT+7

TTO - Cơ quan điều tra cáo buộc ông Nguyễn Đức Chung là người chủ mưu trong việc dừng sử dụng hóa chất cũ để mua hóa chất mới, mang lại lợi ích cho Công ty Arktic, gia đình ông Chung sở hữu 40% vốn điều lệ công ty này.

Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua hóa chất để giúp công ty gia đình trục lợi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 14-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố các bị can: Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội; Võ Tiến Hùng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic.

Chỉ đạo miệng mua hóa chất qua công ty của gia đình

Theo kết luận, tháng 8-2016, ông Nguyễn Đức Chung đã kết luận và ra văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc UBND TP mua chế phẩm Redoxy 3C trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH.

Tuy nhiên, ông Chung lại chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH như chỉ đạo bằng văn bản.

Từ tháng 5-2016, ông Nguyễn Đức Chung đã cử đoàn công tác của TP sang Đức để làm việc, đàm phán, đặt hàng với đối tác và quyết định lựa chọn chế phẩm Redoxy 3C.

"Ông Chung yêu cầu dừng việc xử lý ô nhiễm nước hồ theo công nghệ cũ khi chưa thực hiện thử nghiệm và chưa có cơ quan có thẩm quyền đánh giá tính hiệu quả của chế phẩm Redoxy 3C", kết luận nêu.

Thậm chí, bị can Nguyễn Trường Giang dù không phải cán bộ TP nhưng đã được ông Chung "cài cắm" vào đoàn công tác nước ngoài này để Giang có vị thế ký độc quyền, nhập khẩu từ công ty nước ngoài và bán cho UBND TP Hà Nội chế phẩm Redoxy 3C do chính UBND TP Hà Nội đặt hàng.

Khi Công ty Thoát nước chưa ký hợp đồng mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Arktic, ông Chung đã chỉ đạo, yêu cầu bị can Võ Tiến Hùng ứng trước tiền mua.

Thực hiện chỉ đạo của ông Chung, bị can Võ Tiến Hùng phải dùng tiền của gia đình chuyển cho bị can Nguyễn Trường Giang 4,6 tỉ đồng ứng trước để mua chế phẩm Redoxy 3C.

Ép cơ quan thanh tra theo hướng không sai phạm

Khi báo chí phản ánh việc gia đình bị can Nguyễn Đức Chung có liên quan đến việc mua, bán chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung đã chỉ đạo ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND TP, ký quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn TP.

Tuy nhiên trong quá trình Thanh tra TP đang tiến hành thanh tra và xác định có một số sai phạm thì bị can Chung đã nhiều lần tổ chức họp, chỉ đạo, định hướng cơ quan thanh tra kết luận theo hướng không có sai phạm.

Tại cuộc họp của TP, khi cơ quan thanh tra nêu việc Công ty Thoát nước mua chế phẩm Redoxy 3C khi chưa được UBND TP cho phép, không thực hiện đúng quy định thì bị can Chung đã "to tiếng với Thanh tra TP" và khẳng định việc này là do mình chỉ đạo, cho phép mua trước, hoàn thiện thủ tục sau, không được đổ cho Công ty Thoát nước hay các sở.

"Bản thân bị can Nguyễn Đức Chung thừa nhận đã phát biểu, đưa thông tin không chính xác và can thiệp, gây sức ép, ép buộc, đe dọa, chỉ đạo chánh Thanh tra TP và đoàn thanh tra liên ngành phải ban hành kết luận thanh tra theo hướng không có sai phạm gì, không đúng sự thật", kết luận nêu.

Ông Chung "giúp" công ty gia đình hưởng lợi 36 tỉ

Về động cơ thực hiện hành vi phạm tội, theo cơ quan điều tra, Công ty Arktic do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị can Chung) bỏ 100% vốn (5 tỉ đồng) và làm thủ tục thành lập lấy tên con trai Nguyễn Đức Hạnh đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh, sau đó nhờ một người khác đứng tên sở hữu 40% vốn điều lệ thay cho gia đình bị can Chung, còn bị can Nguyễn Trường Giang đứng tên sở hữu 60% vốn điều lệ.

"Vì vậy, bị can Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic để công ty này được hưởng khoản lợi nhuận hơn 36 tỉ đồng", cơ quan điều tra cáo buộc.

"Như vậy, đủ căn cứ xác định bị can Nguyễn Đức Chung là người chủ mưu trong việc dừng sử dụng hóa chất cũ để mua hóa chất mới…, chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng làm trái pháp luật mua qua Công ty Arktic, mang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty Arktic (gia đình bị can Chung sở hữu 40% vốn điều lệ)", cơ quan điều tra kết luận.

Hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Đức Chung là dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (chỉ đạo miệng trái với chỉ đạo bằng văn bản), hợp thức hóa hồ sơ pháp lý, đổ tội cho người khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc cấp dưới nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Theo kết luận, quá trình điều tra, bị can Nguyễn Đức Chung khai báo quanh co, chối tội.

Cơ quan điều tra đánh giá hành vi của bị can Nguyễn Đức Chung ngoài việc gây thiệt hại cho UBND TP Hà Nội để vụ lợi cho công ty gia đình còn ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của UBND TP Hà Nội, của người đứng đầu TP Hà Nội.

Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị các cơ quan truy tố, xét xử xem xét xác định các tình tiết tăng nặng theo quy định của pháp luật đối với bị can Nguyễn Đức Chung trong quá trình truy tố, xét xử.

"Ông Chung dùng tiền lợi nhuận đánh bóng tên tuổi"

Cơ quan điều tra còn cho rằng ông Chung đã yêu cầu bị can Giang lấy số tiền lợi nhuận từ Công ty Arktic tặng quà, tài trợ cho một số cơ quan, tổ chức nhằm đánh bóng hình ảnh, tên tuổi, phục vụ mục đích chính trị của mình.

Các cơ quan mà ông Chung tặng quà được liệt kê trong kết luận điều tra gồm: Bệnh viện Xanh Pôn; Ban quản lý phố cổ Hà Nội; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình; UBND tỉnh Sơn La; Bộ Tư lệnh Thủ đô; Trường mầm non Yển Khê, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ; Trường Đại học FPT…


Thân Hoàng

https://tuoitre.vn/ong-nguyen-duc-chung-chi-dao-mua-hoa-chat-de-giup-cong-ty-gia-dinh-truc-loi-20210814111348341.htm


..

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố vì ‘giúp’ Nhật Cường trúng thầu

26/07/2021 19:34 GMT+7

TTO - Ông Nguyễn Đức Chung cùng hàng loạt nguyên lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội bị đề nghị truy tố vì có nhiều sai phạm, khi "giúp" Công ty Nhật Cường trúng thầu dự án số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố vì ‘giúp’ Nhật Cường trúng thầu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ảnh: DANH TRỌNG

Ngày 26-7, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan. 

Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

C03 đã chuyển kết luận sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Kết luận điều tra được ban hành sau hai ngày ông Chung bị C03 khởi tố về tội danh trên.

C03 cũng đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Tứ, chánh Văn phòng Thành ủy, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội; bà Phạm Thị Thu Hường, chánh văn phòng Sở Kế hoạch và đầu tư; ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư; bà Phạm Thị Kim Tuyến, trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và đầu tư.

Ông Võ Việt Hùng, giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh cùng Lê Duy Tuấn, giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh, bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, Bộ Công an cho rằng trong thời gian đương chức, ông Nguyễn Đức Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội.

Kết quả điều tra xác định ông Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn là chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư không đúng quy định của pháp luật.

Ông Chung cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư cho Công ty Nhật Cường thực hiện thí điểm số hóa với động cơ cá nhân là để Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu hưởng lợi ích.

Theo cơ quan điều tra, các chỉ đạo nêu trên của ông Nguyễn Đức Chung là nguyên nhân xuyên suốt, trực tiếp dẫn đến việc các bị can thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Hành vi sai phạm của các bị can đã gây thiệt hại khoảng 26 tỉ đồng.

Ông Chung bị khởi tố trong 3 vụ án

Đây là vụ án thứ 3 ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố điều tra.

Vụ án đầu tiên liên quan Nhật Cường, tháng 12-2020, ông Nguyễn Đức Chung bị phạt 5 năm tù về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".

Tòa án xác định ông Chung và vợ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến Nhật Cường nên đã móc nối nhờ một cán bộ công an nắm thông tin hướng điều tra và nhận 6 tài liệu mật từ người này.

Ngày 17-3-2021, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C.

Thân Hoàng

https://tuoitre.vn/ong-nguyen-duc-chung-bi-de-nghi-truy-to-vi-giup-nhat-cuong-trung-thau-20210726191128319.htm




0.

Nguyễn Đức Chung - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với những chiến công lừng lẫy một thời


Nhưng ít người biết đồng chí Nguyễn Đức Chung, khi vừa 37 tuổi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được phong hàm Thiếu tướng năm 2013 với nhiều thành tích và những chiến công hiển hách, khắc tinh của nhiều loại tội phạm. Trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất của Công an Hà Nội lúc bấy giờ, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra. Ông có nhiều năm làm việc tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45).

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

Sinh ngày 3/8/1967 tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, năm 1990 anh tốt nghiệp trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân) chuyên ngành Điều tra hình sự. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, đồng chí Nguyễn Đức Chung về Phòng hình sự, Công an Hà Nội nhận công tác. Với đặc thù của một thành phố lớn, đông dân cư nên thường xảy ra nhiều vụ trọng án. Nhưng khi các vụ án lần lượt đươc giải mã một cách nhanh chóng và chính xác thì người dân thật sự khâm phục những người lính điều tra.

Hai mươi năm trong nghề điều tra, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung tham gia vào hầu hết các vụ án lớn trên địa bàn Thủ đô lần lượt với các vai trò là điều tra viên, là Đội phó, Đội trưởng Đội trọng án rồi Phó phòng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Phó Giám đốc và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Là chỉ huy cao nhất của Công an Thủ đô với những chiến công lẫy lừng, từ việc khuất phục những băng nhóm tội phạm nguy hiểm, làm sáng tỏ những vụ án nghiêm trọng cho đến kế hoạch, định hướng đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung đều ghi những dấu ấn đặc biệt. Tên tuổi của Nguyễn Đức Chung gắn liền với nhiều vụ án lớn, như sau:

1. Vụ án ma túy kinh điển Vũ Xuân Trường

Mặc dù đã khép lại từ cách đây gần 20 năm nhưng vụ án Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường vẫn được xem là một trong những chuyên án kinh điển trong lịch sử đấu tranh chống tội phạm ma túy của lực lượng Công an nói chung, Công an thành phố Hà Nội nói riêng. Xác định đây là vụ án ma túy lớn, phức tạp, đồng chí Nguyễn Đức Chung và các đồng đội trong Đội điều tra trọng án đã bóc gỡ và đưa ra ánh sáng đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia này. Đây là một chuyên án đầy khó khăn phức tạp vì một số đối tượng là cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng biến chất đang giữ các trọng trách của một số đơn vị nghiệp vụ phòng chống ma túy. Nhưng với quyết tâm rất cao, đồng chí đã cùng đồng đội phối hợp với các lực lượng chức năng, với sự dũng cảm, mưu trí đã khám phá thành công Chuyên án, đưa ra truy tố xét xử nhiều đối tượng chủ mưu cầm đầu, được quần chúng đánh giá cao.

2. Vụ sát hại cả gia đình ở tiệm vàng Kim Sinh, Hà Nội

Vụ án xảy ra vào ngày 18/7/1999. Đây có thể gọi là vụ án vô cùng man rợ khi kẻ thủ ác sát hại cả nhà nạn nhân. Sau khi giết người, đối tượng đã phá tủ cướp đi số vàng, bạc, trang sức và nhiều tài sản trị giá 36 triệu đồng và bỏ trốn.

Khi đó, Nguyễn Đức Chung là Đội trưởng Đội điều tra trọng án đã trực tiếp điều tra, truy bắt các đối tượng gây án ở Hà Nam.

3. Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa

Đây là vụ án làm rúng động Hà Nội năm 2010 và cũng là vụ án để lại dấu ấn sâu về nghiệp vụ của đồng chí Nguyễn Đức Chung. Khi sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa sát hại bạn gái rồi phân thây làm nhiều phần. Vụ án khép lại với bản án tử hình cho kẻ đã cướp đi mạng sống của cô gái trẻ.

Đây là một chiến công đặc biệt của Công an Hà Nội khi vụ án được phá trong vài ngày với sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Đức Chung khi đó là Phó Trưởng Phòng PC45, Công an thành phố Hà Nội.

4. Vụ bắt cóc con tin ở Thanh Xuân

Ngày 16/9/2014, nhận được báo cáo nóng của cấp dưới vụ bắt cóc con tin tại nhà E6 khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung Chung đã ngay lập tức chỉ đạo từ xa cho các lực lượng, bảo đảm an toàn cho con tin và người dân. Thiếu tướng công an sau đó yêu cầu tìm một số điện thoại để có thể liên hệ với kẻ bắt cóc.

Qua điện thoại di động của nạn nhân Đỗ Thị Hương, Giám đốc Công an Hà Nội đã có 4 cuộc gọi với đối tượng Trần Thanh Bình - người đang khống chế chị Hương cùng một trẻ em trong căn hộ 401. Đến cuộc gọi thứ tư, ông đã thuyết phục được đối tượng gặp trực tiếp để nói chuyện.

Đối tượng Bình (dấu X) được tướng Nguyễn Đức Chung dẫn giải sau khi thương thuyết thả con tin thành công

Vụ việc căng thẳng suốt từ 5h45’ sáng đến khi Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung có mặt tại hiện trường lúc 10h15’. Giám đốc Công an Hà Nội yêu cầu các lực lượng rút ra xa, một mình bước lên căn phòng số 401 trong bộ thường phục. Con tin Đỗ Thị Hương chính là người mở cửa cho ông. Sau khoảng 10 phút trò chuyện khôn khéo với đối tượng đang cầm dao đe dọa con tin, Thiếu tướng Chung đã thuyết phục được Trần Thanh Bình phải lên xe trở về trụ sở Phòng PC45 ở số 7 Thiền Quang. Vụ bắt cóc gây xôn xao suốt buổi sáng 16/9 cuối cùng đã được giải quyết mà không có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra.

Đây chỉ là một vài vụ án điển hình gắn liền với tên tuổi của đồng chí Nguyễn Đức Chung. Quá trình công tác đồng chí đã được khen thưởng: 2 Huân chương Chiến công; 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 10 bằng khen của Bộ Công an và Ủy ban nhân dân thành phố; 2 bằng khen của Trung ương Đoàn; 2 bằng khen của Thành đoàn Hà Nội; 24 bằng khen, giấy khen của Giám đốc Công an Hà Nội; từ năm 1994 - 2003 đều là Chiến sĩ Thi đua cơ sở; năm 1998 là Chiến sĩ Quyết thắng; năm 2001 là Chiến sĩ Thi đua toàn ngành công an và là Chiến sĩ Thi đua toàn quốc; năm 1998, 1999, 2003 là lao động giỏi, người tốt việc tốt của thành phố. Ngày 7/10/2014, đồng chí Nguyễn Đức Chung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bên cạnh công tác chuyên môn, đồng chí còn tích cực tham gia nhiều lớp học khác nhau để nâng cao trình độ, như: Cử nhân Kinh tế ngành Quản trị kinh doanh; tốt nghiệp Thạc sĩ Luật học; bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ, là Điều tra viên cao cấp. Đồng chí còn là đại biểu Quốc hội khóa 13, thuộc đoàn đại biểu Hà Nội, là Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 197 của thành phố, Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh TP. Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố thành phố, Ban Chỉ huy khẩn nguy hàng không thành phố; Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tai nạn, thương tích thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2010 - 2015; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 TP. Hà Nội.

Đến thời điểm này, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đang giữ chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, vị trí mới, nhiệm vụ mới với rất nhiều vất vả, khó khăn, nhưng nhiều người luôn tin rằng vị Tân Chủ tịch này sẽ có thể giải quyết được mọi chuyện, đặc biệt, người dân ở thủ đô vẫn luôn dành cho con người này một niềm tin vững chắc giống như niềm tin dành cho lực lượng Cảnh sát hình sự.

Vũ Linh

http://canhsatnhandan.vn/Home/Print/4135/Nguyen-Duc-Chung-Anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-voi-nhung-chien-cong-lung-lay-mot-thoi

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.