Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/11/2021

“Sách sổ sang chép các việc” của Philip Phê Bỉnh trong quan tâm của Nguyễn Tài Cẩn (lời kể Nguyễn Thiện Nam)

Gần đây, từ quan tâm rất lâu trước đây của tôi, lại được học giả Nguyễn Cung Thông khuyến khích (ở đây), tôi đang đọc lại tài liệu của cụ Bỉnh - không hề dễ dàng, không làm nhanh được.

Hôm nay, đọc nhanh một ghi chép vừa đưa lên mạng của học giả Nguyễn Thiện Nam (có thể đọc nhanh về học giả đàn anh này trong nhóm cựu lưu học sinh Nhật Bản, ở đây), thì vỡ lẽ: luận văn tốt nghiệp đại học hồi thập niên 1980 của anh Nam là chính về cụ Bỉnh.

Quan trọng hơn nữa là qua lời kể của Nguyễn Thiện Nam, đã gián tiếp biết được mối quan tâm của Nguyễn Tài Cẩn dành cho di sản chữ quốc ngữ của cụ Bỉnh.

Chép nguyên về từ Fb NTN.

Tháng 11 năm 2021,

Giao Blog


---

Tôi biết hôm nay Khoa Ngôn ngữ học và Trường ĐHKHXH&NV tổ chức Hội thảo “NGUYỄN TÀI CẨN – TƯ TƯỞNG, TÁC PHẨM VÀ KỶ NIỆM” nhân 10 năm Thầy đi xa nhưng do bận việc bất khả kháng nên tôi không thể đến dự. Được xem những hình ảnh mọi người chia sẻ, thấy thật ân tình, ấm áp.
Xin kể lại đây một kỷ niệm hồi sinh viên, làm khóa luận tốt nghiệp với Thầy. Trong quan hệ họ hàng Thầy gọi Cha tôi bằng Chú, còn tôi thì gọi Thầy là Anh. Thời Pháp, Thầy với Cha tôi cùng học ở Huế rồi năm 1945, Tổng Khởi nghĩa, hai người cùng rủ nhau về quê và tham gia hoạt động cách mạng ở quê.
Năm thứ tư đại học, khi chọn đề tài khóa luận, mọi người trong lớp đã chọn hết còn tôi và anh Hội (Bộ đội về học) chưa chọn, lúc đó chỉ còn lại đề tài của thầy Cẩn, liên quan đến Lịch sử ngữ pháp tiếng Việt, là đề tài khó nên nhiều người sợ. Tôi thì nghĩ, mình là họ hàng, chắc là sẽ được Thầy bảo ban, có gì thì Thầy nâng đỡ chút xíu.
Buổi đầu tiên đến gặp Thầy để nhận sự hướng dẫn chuyên môn, tôi và anh Hội cùng đến. Việc đầu tiên là Thầy lấy ra quyển vở, thầy nói là để lập Hồ sơ, về tôi thầy nói không cần hỏi vì biết rồi, còn anh Hội thì thầy ghi tên tuổi, quê quán, kiểu như trích ngang. Sau đó thầy nói, bây giờ tôi kiểm tra ngoại ngữ. Thầy đưa cho anh Hội một quyển tiếng Anh chữ nhỏ, cũ, Thầy mở ra và chỉ vào một trang, bảo dịch ra tiếng Việt. Anh Hội bắt đầu run và ấp úng nói "Em không hiểu". Thầy nói to: "Học đại học học tiếng Anh mà không đọc được tài liệu tiếng Anh là không được". Đến tôi, Thầy cũng chỉ một trang, tôi dịch được đúng câu đầu tiên, rồi ấp úng, gì mà tôi vẫn còn nhớ là proto Vietmuong…rồi cũng tịt luôn. Thầy bắt đầu mắng rất to: “Học hành thế này đây à?” Tôi nói: “Bọn em chỉ dịch những bài đơn giản hơn ạ chứ trong lớp cũng không ai đọc được kiểu như thế này ạ”. Thầy bảo: “Được rồi, để mai tôi vào tôi hỏi thầy Giáp”. (Thầy Nguyễn Thiện Giáp, Chủ nhiệm lớp chúng tôi hồi đó).
Sau đó Thầy viết vào vở Hồ sơ: Nguyễn Thiện Nam, ngoại ngữ, tiếng Anh: KÉM. Anh Hội cũng như thế. Thầy nói: "Tôi tưởng để hai anh đọc tài liệu tiếng Anh tham khảo thêm nhưng thế này là chịu." Trông Thầy rất giận. Tôi bắt đầu ân hận, không ngờ Thầy nghiêm khắc như thế, lại nghĩ biết thế này thì chọn Thầy khác với đề tài dễ hơn. Nhưng đã muộn rồi. Thầy bắt đầu hướng dẫn cho anh Hội trước, bảo về phải làm gì, làm gì. Sau đó đến tôi. Cả hai anh em đều làm về ngữ pháp lịch sử. Anh Hội chọn đề tài về Động ngữ trong tiếng Việt đầu thế kỷ xix qua “Sách sổ sang chép các việc” của Philip Phê Bỉnh, còn tôi thì chọn đề tài về Danh ngữ, cũng qua cuốn “Sách sổ sang chép các việc” của Philip Phê Bỉnh.
Thầy chỉ những việc cần làm, tức là đọc kỹ tài liệu rồi thống kê, rồi xem có cái gì giống khác với danh ngữ hiện nay, viết khoảng 10 trang, hẹn sau 2 tuần đem đến cho Thầy. Sau đó tôi về tràn ngập một cảm giác sợ hãi. Không ngờ buổi đầu bị quát một trận kinh hoàng. Tôi bò ra đọc, thống kê và ghi lại nhận xét của mình. Tôi cũng đọc những khóa luận của những người lớp trên để học tập. Sau hai tuần, tôi mang 11 trang đến gặp Thầy. Thầy ngồi ở ghế như là phản nhỏ dài ở hành lang đọc rất kỹ, còn tôi thì …run, lại sợ ăn mắng nữa. Sau khi đọc xong, Thầy nhìn tôi, đầu hơi cúi xuống, mắt nhướng lên, để không nhìn qua kính cho rõ và nói nhấn mạnh: “Rất tốt, rất tốt!”. Và Thầy cười: “Đúng là con nhà”. Tôi như trút được gánh nặng đeo bám về việc có thể bị ăn mắng. Nhờ cơn giận hôm trước của Thầy mà tôi từ một sinh viên ở mức chăm chỉ bình thường đã trở thànhmột người chăm chỉ đến không ngờ và điều này còn tiếp tục mãi về sau. Hôm đó, thầy bảo tôi những việc cần làm tiếp theo và từ 11 trang này viết thành 25 trang. Lần sau đến, thầy xem xong lại bảo viết thành 40 trang. Học kỳ 2 năm thứ tư, không phải đi học nhiều mà chủ yếu làm khoá luận nên tôi về ở nhà O tôi ở Nguyễn Gia Thiều để tập trung và được ăn uống đầy đủ hơn. Trong đợt đó có hôm Thầy bảo ung cứ ở nhà bựa sau mình qua. Thế là theo hẹn, một cuối chiều Thầy qua nhà O tôi và Thầy ngồi ngay gốc nhãn cạnh cổng để giảng giải cho tôi. Đúng lúc đó O tôi đi làm về. O nói: "Để mời Anh vô trong nhà uống nước". Thầy nói: 'Tui ngồi đây bày cho thằng ni chút rồi tui sang nhà chú Hiền, O ạ."
Sau đó thì Thầy bảo chữa một số chỗ và Thầy bảo: “Dừ ung có thể về quê với Mẹ, rồi tranh thủ thống kê trong một quyển hồi ký hiện đại để lấy cứ liệu so sánh danh ngữ trong quyển đó với quyển Sách sổ sang chép các việc của thế kỷ xix cho thêm thuyết phục”. Tôi chọn cuốn hồi ký “Bên sông đón súng” của Trần Độ và đã về quê vài tuần làm việc đó rồi ra hoàn thành nốt Khóa luận. Hôm bảo vệ, Thầy nói: "Những gì anh Nam làm đây là của anh ấy tự làm, vì thời gian tôi chủ yếu dành cho anh Hội."
Sau khi bảo vệ xong, Thầy bảo “Dừ ung viết lại thành một bài báo, ghép với phần mà ung ưng ý trong bài của cô Trần Thị Mỹ ở TP HCM viết năm trước nhưng chưa dùng được”. Sau đó tôi đã hoàn thành bài báo và được Thầy gửi đăng ở tạp chí Ngôn ngữ số 1 năm 1981, đồng tác giả với chị Trần Thị Mỹ. Trong số tạp chí đó có bài của nhà thơ Xuân Diệu, có bài của GS Hoàng Tuệ, cũng có bài của thầy Nguyễn Tài Cẩn... Thật là quá vinh dự với một sinh viên vừa tốt nghiệp, 21 tuổi. Về bài báo này, có một chuyện vui vui: phần của tôi là 8 trang rưỡi, phần của chị Mỹ là 1 trang rưỡi. Tuy nhiên thầy để tên chị Mỹ trước. Tôi hơi ấm ức chút vì bài đó coi như công của tôi nhiều. Tôi kể chuyện này với chị dâu họ vợ anh Hiền ở phố Trần Bình Trọng. Một hôm Thầy Cẩn qua đó chơi, chị dâu họ tôi nói: “Anh Cẩn, thằng Nam nói hắn viết gần hết bài mà anh để tên hắn sau cô kia.” Thầy Cẩn nói: “ À, mình cụng quên mất, nhưng mà để thế để rèn cho hắn cái tính khiêm tốn”, Chị dâu họ tôi kể lại. Giờ Thầy Cẩn cũng như Anh Chị đều đi xa đã lâu mà kỷ niệm thì vẫn còn vọng mãi.

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1619728258359023&id=100009655927060

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.