Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/07/2021

Phong tục cúng thần ruộng đồng, đầu tháng 6 âm lịch, ở tộc người Dao (vùng Vị Xuyên, Hà Giang)

Phong tục thấy ở nhiều tộc người tại Việt Nam. Về cơ bản là vào đầu tháng 6 âm lịch khi đã bắt đầu cấy lúa nước (người Kinh ở đồng bằng thì là đầu vụ thứ hai, còn người miền núi thì là đầu vụ duy nhất trong năm).

Đây là nhóm người Dao áo dài ở vùng Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. Chúng tôi mới du lãng vùng này hồi đầu năm 2021 (xem lại ở đây)

Nhiều năm trước, tôi đã phát hiện ra vai trò quan trọng của Hợp tác xã Nông nghiệp thời 1950s - 1990s. Đã viết thành văn bản từ hồi đó rồi.

Cập nhật tình hình năm 2021, đi bài đầu tiên từ báo Hà Giang.

Tháng 7 năm 2021,

Giao Blog


---





Cúng cầu mùa của dân tộc Dao

Chủ Nhật, 18/07/2021, 13:31 (GMT+7)

BHG - Tháng 6 âm lịch hàng năm là kết thúc vụ cấy của người Dao, chủ nhân những thửa ruộng bậc thang trên các thôn bản vùng cao. Sau những ngày cấy, cày vất vả, người dân tổ chức Lễ cúng cầu mùa cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh. Đây là một truyền thống văn hóa lâu đời gắn với sản xuất lúa nước của người dân vùng cao Hà Giang, phản ánh sự gắn kết với tự nhiên và thần linh của bà con dân tộc.

Thầy cúng dâng lễ lên các vị thần và tổ tiên.
Thầy cúng dâng lễ lên các vị thần và tổ tiên.

Là một dân tộc có đời sống gắn bó với thiên nhiên, người Dao áo dài vùng Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang) xã Phương Tiến, Cao Bồ (Vị Xuyên) có đời sống văn hóa phong phú với các lễ hội như Cấp sắc, cúng làng và cúng cầu mùa. Những ngày lễ này, để tỏ lòng thành kính với thần linh và Tổ tiên đã phù hộ con cháu làm ăn thuận lợi được mùa, gia súc đầy nhà, con người khỏe mạnh. Mùa cày, cấy của bà con người Dao thường bắt đầu từ tháng 5, khi mùa mưa bắt đầu, nước tưới đẫm những thửa ruộng đã bỏ hoang hơn 6 tháng. Khi cơn mưa được mong chờ đổ xuống, bà con cùng nhau ra đồng thật sớm để kịp be bờ giữ nước, những buổi cày, làm cỏ bờ được làm xuyên ngày. Cho đến khi mạ đủ ngày, họ đổi công nhau cấy râm ran cả góc rừng Tây Côn Lĩnh. Khi những bó mạ xanh mướt được cấy khắp ruộng, bà con nghỉ ngơi và chuẩn bị cho Lễ cúng cầu mùa, cảm ơn Thần nông, Bàn vương và Tổ tiên đã truyền nghề trồng lúa cho con cháu và cầu mong một mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nhà, con người khỏe mạnh.

Ông Đặng Văn Hăng, người dân thôn Lùng Vài, xã Phương Độ cắm cây lúa cầu mùa.
Ông Đặng Văn Hăng, người dân thôn Lùng Vài, xã Phương Độ cắm cây lúa cầu mùa.

Tham dự một Lễ cúng cầu mùa tại thôn Lùng Vài, xã Phương Độ nơi người dân chủ yếu sống dựa vào những thửa ruộng bậc thang chỉ canh tác một vụ. Với hệ thống ruộng bậc thang được khai thác từ hàng trăm năm nay, mang sự hài hòa với thiên nhiên núi rừng của dãy Tây Côn Lĩnh. Mỗi gia đình ở thôn đều có nhiều bãi ruộng bậc thang được khai khẩn từ lâu, cha truyền con nối canh tác đến giờ, đây là nguồn sống chính của họ nên hàng năm bà con luôn mong vụ lúa duy nhất của mình được mưa thuận gió hòa, không bị sâu bệnh phá hoại, được bội thu, để những bao thóc về chất đầy trong nhà. Trong ngôi nhà sàn mới làm lại của gia đình, ông Đặng Văn Hăng sửa soạn Lễ cúng cầu mùa từ sáng sớm, nhờ anh em, hàng xóm về giúp chuẩn bị đồ cúng và làm bữa cơm sau lễ cúng. Nhà ông có 3 đám ruộng, mỗi năm thu hoạch được từ 80 - 100 bao thóc, là nguồn lương thực chính của gia đình.

Thầy cúng Bàn Văn Dũng, người được mời đến làm lễ cho bà con trong thôn cho biết: Theo truyền thống trước đây, Lễ cúng cầu mùa của người Dao được tổ chức vào ngày 6.6 âm lịch hàng năm; vào ngày hôm đó tất cả các gia đình đồng loạt làm lễ cúng từ sáng sớm. Lễ vật cho buổi cúng khá đơn giản thường là gà, vịt và một trong những thứ không thể thiếu là “nắng sảng” (xôi đồ kèm với nhân bằng đường phên). Nếu gia đình nào có điều kiện có thể mổ lợn để cúng. Một lễ cúng thường kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, thầy sẽ mời các vị thần về nhận lễ, bày tỏ mong muốn của gia chủ và dâng lời cảm ơn tiễn các vị thần. Ngày nay lễ cúng được tổ chức từ đầu tháng 6, tùy điều kiện từng gia đình chọn ngày tổ chức để tránh trùng nhau. Cuối lễ cúng, thầy sẽ làm phép vào 3 cành cây tượng trưng cho cây lúa để gia chủ mang đi cắm ở các đám ruộng của gia đình.

Cúng cầu mùa là nét sinh hoạt văn hóa xuất phát từ tập quán canh tác lúa nước, từ ước mong giản dị của người dân về một vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ hạnh phúc. Với người Dao cúng cầu mùa là truyền thống lâu đời của Tổ tiên, nên con cháu vẫn duy trì tổ chức với lòng thành kính, biết ơn Tổ tiên và ruộng đồng.

Bài, ảnh: Trọng Toan

http://baohagiang.vn/van-hoa/202107/cung-cau-mua-cua-dan-toc-dao-779091/

..

Tôi và nhóm điều tra dân tộc học đang đi ngang cánh đồng bản người Dao
(ngày 28/12/2020)



..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.