Gần đây, trong một quan tâm mang tính chi tiết, tôi để ý đến mối quan hệ giữa "chủ nghĩa dân tộc" và "chủ nghĩa siêu nhiên" trong sách giáo khoa của phong trào Đông Kinh nghĩa thục thời đầu thế kỉ XX.
Một thử nghiệm đầu tiên của mối quan tâm này, là tìm hiểu về câu đối dâng Liễu Hạnh công chúa của ông quan Trần Tán Bình vào thập niên 1920. Ông Trần là một trong những nhân vật của Đông Kinh nghĩa thục, nhưng đã ra làm quan. Xem một kết quả của thử nghiệm đó, được cụ thể hóa thành bài viết học thuật, ở đây.
Bây giờ là một bài của học giả Nguyễn Nam về nguồn gốc của sách giáo khoa Quốc dân độc bản - một trong những cuốn giáo trình cơ bản của Đông Kinh nghĩa thục.
Một bài viết công phu và cung cấp nhiều thông tin quan trọng.
Chép nguyên từ Triết số 5 (số tục bản đầu tiên, do nhóm Nguyễn Hữu Liêm vừa khởi động trên không gian mạng). Triết số 5 ra măt bạn đọc vào tháng 7 năm 2021, trên lưới trời.
Tháng 7 năm 2021,
Giao Blog
---
Nguồn gốc sách Quốc Dân Độc Bản của Đông Kinh Nghĩa Thục[1]
Kỷ niệm 110 năm Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-2017)
Nguyễn Nam*
Đại học Fulbright Việt Nam
TÓM TẮT
Là một trong những bản văn chính của Đông Kinh Nghĩa Thục, tập sách giáo khoa khuyết danh Quốc Dân Độc Bản được xem là công trình phổ biến nhất với số in lên đến hàng chục nghìn bản trong cuộc đời ngắn ngủi 9 tháng của ngôi trường này. Như được phản ánh trên tựa đề, tập sách là nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử khái niệm của Việt Nam hiện đại. Cũng đáng chú ý là việc sách sử dụng những khái niệm mới để kiến tạo hình ảnh Nhật Bản như là một mô hình của hiện đại hoá. Ở đây xuất hiện một loạt câu hỏi căn yếu: Ai là tác giả của Quốc Dân Độc Bản? Phải chăng những ghi chép về Nhật Bản trong sách là trải nghiệm trực tiếp của tác giả khi tiếp xúc với đất nước Đông Á cận lân này? Có chăng những nguồn tư liệu tham khảo để tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa này nói chung cũng như những ghi chép về Nhật Bản nói riêng, và nếu có, đó là những nguồn nào? Việc phát hiện quan hệ giữa Quốc Dân Độc Bản và một bộ sách in ở Thượng Hải vào năm 1903 có tên là Guomin duben đã giúp trả lời những chất vấn trên, giúp ta hiểu du hành tĩnh tại qua lăng kính tưởng tượng đã được thực hiện như thế nào ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Từ khoá: Đông Kinh Nghĩa Thục, Quốc Dân Độc Bản, Guomin duben, văn bản du hành
TRAVEL IN PLACE THROUGH THE PRISM OF IMAGINATION
The Origin of the Tonkin Free School’s Textbook Citizen Reader
ABSTRACT
One of the key texts of the Đông Kinh Nghĩa Thục (Tonkin Free School), the anonymous textbook titled Quốc Dân Độc Bản (Citizen Reader) is regarded the most popular work whose number of printed copies rising up to tens of thousands within the nine-month short life of the school. As reflected in its title, the book is a critical source of reference for studying the history of concepts of modern Vietnam. Also noteworthy is the book’s employment of new concepts to construct an image of Japan as a model for modernization. Here come some essential questions: Who is the author of the Citizen Reader? Are the records on Japan found in the textbook the author’s firsthand experience with this East Asian neighboring country? Were there any referential sources for the author to compose the textbook in general, and the records on Japan in particular, and what are they (if any)? The discovery of the relationship between Citizen Reader and a book published in Shanghai in 1903 titled Guomin duben can help to answer those questions, letting us understand how a travel in place through the prism of imagination was made possible in early-twentieth-century Vietnam.
Keywords: Tonkin Free School, Quoc Dan Doc Ban, Guomin duben, traveling texts
Từ những tác phẩm đặt nền tảng của Đào Trinh Nhất (1938), Nguyễn Hiến Lê (1956) cho đến một loạt nghiên cứu nhân kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-2007), khảo cứu liên quan đến ngôi trường độc đáo này đã có một lịch sử khá dài với những thành tựu đáng kể. Đặc biệt, công trình Đông Kinh Nghĩa Thục và Văn Thơ Đông Kinh Nghĩa Thục (2 tập) của Chương Thâu in năm 2010 nhân kỷ niệm 1,000 năm Thăng Long có thể xem là bộ tập đại thành tư liệu, đặt thêm một mốc mới trong nghiên cứu Nghĩa Thục. Tiếp nối những thành tựu đã có, bài viết này tập trung tìm hiểu Quốc Dân Độc Bản – một trong những bộ sách giáo khoa Hán văn hiếm hoi của nhà trường còn sót lại đến nay. Cũng do xác nhận được nguồn gốc của sách Tân Đính Luân Lý Giáo Khoa Thư trong quan hệ lịch sử tri thức Nhật-Trung-Việt, bài viết thử quay lại tìm hiểu gốc tích của Quốc Dân Độc Bản (QDĐB), và đúng như dự đoán, kết quả khảo sát đã cho phép đặt lại khá nhiều vấn đề về Đông Kinh Nghĩa Thục nói chung, và về các sách giáo khoa của nhà trường nói riêng trong bối cảnh Đông Á đầu thế kỷ 20. Để có được tổng quan về hiện trạng nghiên cứu QDĐB, bài viết bắt đầu với một lược thuật về các nghiên cứu của học giả trong và ngoài nước về tác phẩm này. Từ điểm xuất phát ấy, việc lần tìm gốc tích của QDĐB sẽ chỉ ra rằng tập sách giáo khoa này là hậu thân đã được cải soạn của quyển Guomin duben của Zhu Shuren in ở Thượng Hải năm 1903. Trên cơ sở quan hệ đã được xác định này, một loạt vấn đề được đặt ra để có giúp nhận diện rõ hơn về Đông Kinh Nghĩa Thục và các sách giáo khoa của nhà trường trong bối cảnh của lịch sử quan hệ tri thức Đông Á.
Quốc Dân Độc Bản qua các nghiên cứu trong và ngoài nước
Trong số sách giáo khoa Hán văn còn sót lại của Đông Kinh Nghĩa Thục, QDĐB hẳn là bộ sách quan trọng được phổ biến rộng rãi, đặc biệt thu hút sự chú ý của học giới không chỉ bởi độ dày dặn của sách, mà còn do sự phong phú của các vấn đề cải tổ xã hội, sự đa dạng của các khái niệm mới được trình bày trong tác phẩm này. Theo lời kể của một trong những người sáng lập Nghĩa Thục – ông Nguyễn Quyền (1869-1941), số lần in và số lượng bản in của tập sách này lên đến mấy vạn bản mỗi lần, vượt hẳn các sách giáo khoa khác của nhà trường, “Một cuốn in nhiều nhứt là cuốn QDĐB in đi in lại nhiều lần, mà lần nào cũng ấn hành mấy muôn tập mà vẫn không đủ phát” (Đào 1938, 29). Dựa theo thông tin này, Đặng Thai Mai nhận định “Quốc Dân Độc Bản – sách đọc chung cho cả quốc dân – là một tập sách được đặc biệt hoan nghênh” của Nghĩa Thục. (Đặng 1964, 75).
Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã quan tâm nhiều đến tập sách giáo khoa này vì nội dung phong phú của nó. So sánh QDĐB với Tân Đính Luân Lý Giáo Khoa Thư, Đinh Xuân Lâm cho rằng,
[N]ội dung còn phong phú hơn, lần lượt 79 bài soạn theo các chủ đề khác nhau đề cập tới nhiều vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, giáo dục…Khi trình bày các vấn đề trên, tác giả đã chú trọng liên hệ tới tình hình Nhật Bản và Pháp, tất cả đề nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục trong quốc dân đồng bào tinh thần yêu nước, ý thức đổi mới, tự lực tực cường. (Vũ et al. 1997, 11).
Xét về mặt phát triển ngôn ngữ, từ vựng Hán văn ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, QDĐB xem như một trong những nguồn tài liệu chính được dùng để khảo sát. (Đỗ 2010). Kết quả khảo sát đã cho phép Đỗ Thuý Nhung kết luận rằng,
Thành ngữ của một số tác phẩm Hán văn Đông Kinh Nghĩa Thục hoàn toàn là thành ngữ tiếng Hán. (…) Hơn nữa qua cách sử dụng các thành ngữ này, chúng ta cũng có thể thấy trình độ viết chữ Hán rất tốt của các nhà Nho Đông Kinh Nghĩa Thục. Họ không những sử dụng hoàn toàn thành ngữ Hán, mà còn sử dụng cả những tổ hợp thành ngữ Hán (thành ngữ thường thể và thành ngữ biến thể) như người Trung Quốc. (Đỗ 2008, 177).
Các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng dành cho QDĐB sự quan tâm đặc biệt. Từ năm 1995, Imai Akio 今井昭夫 đã thảo luận về khái niệm “quốc dân” của QDĐB và phong trào vận động yêu nước đầu thế kỷ trước; sau đó không lâu, năm 1998, Okada Takeshi岡田建志 tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các khái niệm “quốc” và “quốc dân” trong QDĐB như một bước phát triển của tư tưởng Việt Nam thời cận đại. (Imai 1995; Okada 1998). Trong bài nghiên cứu xem “xã hội” như một khái niệm có liên hệ với thuyết tiến hoá Darwin thuộc đề án từ vựng mới nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Dutton cũng dùng QDĐB như một trong những tư liệu chính yếu.
Nhìn chung các nghiên cứu trong và ngoài nước về QDĐB đều rất công phu, tỉ mỉ. Tuy vậy, do mặc nhận đây là tác phẩm của Đông Kinh Nghĩa Thục do người Việt biên soạn, các nhà nghiên cứu đã không chút băn khoăn gì về vấn đề cốt tuỷ liên quan đến nguồn gốc của tác phẩm này. Kết quả của các nghiên cứu hiện có dựa vào mặc định trên sẽ ra sao nếu như QDĐB thực chất là cải soạn của một bộ sách giáo khoa Trung Quốc, chứ không phải là sách giáo khoa của người Việt như học giới thường nghĩ?
Lần tìm gốc tích Quốc Dân Độc Bản
Việc xác lập được tam giác quan hệ lịch sử tư tưởng Nhật – Trung – Việt qua trường hợp 3 bộ sách Chūgaku rinrisho 中学倫理書 (Trung Học Luân Lý Thư) của Akiyama Shirou 秋山四郎 (Thu Sơn Tứ Lang) – Lunli jiaoke fanben 倫理教科範本 (Luân Lý Giáo Khoa Phạm Bản, bản dịch Trung văn quyển Chūgaku rinrisho của Dong Ruichun 董瑞春 (Đổng Thuỵ Xuân) – Tân Đính Luân Lý Giáo Khoa Thư 新訂倫理教科書, bản cải soạn từ bản dịch Lunli jiaoke fanben của Đông Kinh Nghĩa Thục đã khiến người viết chú ý hơn về các tác phẩm Hán văn của Nghĩa Thục,[2] đặc biệt là sách QDĐB trong đó người đọc có thể tìm được đến 7 bài viết về Nhật Bản. Phải chăng QDĐB cũng được cải soạn theo cùng một lối với Tân Đính Luân Lý Giáo Khoa Thư?
Kết quả khảo sát sơ bộ các sách giáo khoa Nhật Bản được biên soạn nhằm giáo dục quốc dân được in trước năm 1907 cho thấy có sự tương đồng về hình thức và cách đặt vấn đề, nhưng không trùng khớp với QDĐB. Trong khoảng từ 1887 đến 1903, có một số sách in ở Nhật với tựa đề Kokumin dokuhon 国民読本 (Quốc Dân Độc Bản), ví như Kokumin dokuhon của Ida Hideo 井田秀生 (Tỉnh Điền Tú Sinh, 1887), Kokumin dokuhon của Kouga Senzaburou 高賀 詵三郎 (Cao Hạ Sân Tam Lang, 1890), Kokumin dokuhon – Koutou shougakkou you 国民読本 : 高等小学校用(Quốc Dân Độc Bản – Cao đẳng tiểu học hiệu dụng) do Bungakusha Henshūsho 文学社編輯所 (Văn học xã biên tập sở, 1897) biên soạn, hay Dai kokumin dokuhon 大国民読本 (Đại Quốc Dân Độc Bản) của Ichikawa Genzou 市川 源三 (Thị Xuyên Nguyên Tam, 1903). Trong số này, ngoại trừ tác phẩm của Ida Hideo chỉ là sách tập đọc dành cho học sinh tiểu học, các sách còn lại đều là các tập bài đọc, cung cấp những tri thức cơ bản mà quốc dân cần biết. Cụ thể như tập sách của Kouga Senzaburou đã giới thiệu một loạt những khái niệm như “quốc,” “thể tài chính trị,” “pháp luật,” “hình pháp,” “nhân quyền,” “tô thuế,” hay “binh dịch” trên cơ sở tham khảo các nhà tư tưởng, giáo dục phương Tây như Herbert Spencer (1820-1903), James Johonnot (1823-1888). (Kouga 1890, 2b). Dẫu đã có thể tìm được nhiều điểm tương đồng giữa các sách giáo dục quốc dân Nhật Bản và QDĐB, vẫn chưa thể kết luận chính xác được đâu là nguyên gốc bộ sách giáo khoa của Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy nhiên, may mắn là trong số các nghiên cứu về các sách giáo dục quốc dân của các học giả Trung – Nhật có một đôi bài chuyên khảo về một tập sách có nhan đề Guomin duben 國民讀本 (GMDB) biên soạn cuối đời Thanh có nội dung gần như trùng khớp hoàn toàn với QDĐB. (Shen 2010; Suzuki 2012).
Zhu Shuren và Guomin Duben
Tác giả nguyên tác QDĐB là Zhu Shuren 朱樹人 (Chu Thụ Nhân),[3] tự là Youzhi 友之 (Hữu Chi), người Thượng Hải. Năm 1897, Zhu làm việc, theo học, và trở thành một trong những sáng lập viên của trường Nanyang gongxue 南洋公學 (Nam Dương Công Học – Thượng Hải, tiền thân của Đại học Giao thông ngày nay).[4] Ngay tại ngôi trường này, Zhu đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là sách giáo khoa. Từng là Trưởng ban Sư phạm của Nanyang gongxue, Zhu có vai trò trọng yếu trong việc biên soạn những bộ sách vỡ lòng mô phỏng theo lối phương Tây đầu tiên của Trung Hoa, bao gồm Xinding Mengxue keben 新訂蒙學課本 (Tân Đính Mông Học Khoá Bản, 1901), Putong xinzhishi duben 普通新知識讀本 (Phổ Thông Tân Tri Thức Độc Bản, 1903), Mengxue wenfa jiaokeshu 蒙學文法教科書 (Mông Học Văn Pháp Giáo Khoa Thư, 1905), Guowen xinduben 國文新讀本 (Quốc Văn Tân Độc Bản, 1906), Chudeng xiaoxue guowen keben 初等小學國文課本 (Sơ Đẳng Tiểu Học Quốc Văn Khoá Bản, 1907), và (Zhonghua minguo) Chudeng xiaoxue guowen keben (中華民國)初等小學國文課本 ((Trung Hoa Dân Quốc) Sơ Đẳng Tiểu Học Quốc Văn Khoá Bản, 1912). (Li 2006, 265, 266, 269).
Được xem là một trong những “Tây học nhân tài 西學人才” cuối đời Thanh (Meng 2010, 1), Zhu Shuren còn có những hoạt động phiên dịch và biên soạn sách giáo khoa ngoài trường Nanyang. Tự đề tựa cho bài “Bali shuku tiyao 巴黎書庫提要” (“Ba Lê thư khố đề yếu,” 1897), Zhu khiêm tốn nhận chỉ “thô thông Pháp văn,” và bày tỏ nguyện vọng xuất dương du học trong bài “Mou youxue waiguo shu 謀遊學外國書” (Mưu du học ngoại quốc thư) in ở cuối bộ Xinding Mengxue keben (Xia 2009, 45). Với kiến thức Pháp văn từ trường Nanyang (Peng 2008, 63), Zhu Shuren cộng tác với Shiyebao 實業報 (Thực Nghiệp Báo), phụ trách phần dịch tiếng Pháp. Ngoài ra, ông còn tham gia phiên dịch và biên soạn sách giáo khoa tại Thương vụ ấn thư quán, từng dịch Fengliu daizi 風流呆子 (Phong Lưu Ngai Tử; L’Homme tout nu?) của Mengdilai 孟第來 (Mạnh Đệ Lai; Catulle Mendès?) (Gimpel 2002, 96). Bản dịch tiểu thuyết Sezhe zhuan 穡者傳 (Sắc giả truyện, 1903)[5] của tác giả người Pháp Mai’erxiang 麥爾香 (Mạch Nhĩ Hương)[6] của ông được xem là tiểu thuyết dịch về việc nhà nông đầu tiên ở Trung Quốc (Zhang và Meng 2011).
Sách Xinding Mengxue keben (Tân Đính Mông Học Khoá Bản) do Zhu Shuren biên hiệu (1901) |
Bộ GMDB國民讀本 (Quốc Dân Độc Bản, 2 tập) do Zhu biên soạn được Wenming shuju 文明書局 (Văn Minh thư cục) in lần đầu tại Thượng Hải vào tháng 2 năm 1903 (Li 2006, 265). Tính đến tháng 6 năm 1905, sách đã được in đến lần thứ 9 chỉ trong vòng hơn 2 năm (Suzuki 2012, 72-73). Điều này cho thấy mức độ phổ biến của sách và nhu cầu xã hội đối với tác phẩm này. Tuy trang bìa sách chỉ in bốn chữ Guomin duben, bài tựa đầu sách lại có thêm hai chữ Xinbian 新編 (Tân biên). Hai chữ này sẽ trở nên rõ nghĩa hơn khi được đọc với đoạn đầu của bài tựa dẫn của sách, “Sách này mô phỏng theo thể lệ các sách giáo dục quốc dân của phương Tây, chuyên để dạy cho người thiếu niên mà soạn nên.” (Zhu 1903, 1).[7] Theo đó, có thể hiểu “Tân biên” theo nghĩa soạn mới trên cơ sở thể lệ đã có sẵn của các sách giáo dục quốc dân Tây phương.
Ở đây tưởng cũng cần nói thêm về duben 讀本 (độc bản). Hai chữ này xuất hiện ở Nhật Bản vào thế kỷ 19, được đọc là tokuhon,[8] và dùng để dịch các từ “reader” (tập bài đọc) hay “primer” (sách vỡ lòng, tập đọc), như Willson’s Readers hay McGuffey’s Readers (Nishimoto 2007). Tương tự nhưng có phần muộn hơn, ở Trung Hoa vào cuối đời Thanh, duben cũng được dùng để chỉ các sách giáo khoa vỡ lòng soạn theo lối Tây học, với các bài đọc dạy kiến thức cơ bản, và có lúc còn dùng để chỉ các sách giáo dục ngữ văn (Lu 2013, 123-127). Zhu Shuren cũng nhấn mạnh tính chất thực học của độc bản, “Độc bản của phương Tây là chìa khóa của khoa học (tức là các môn học như thiên văn, địa lý), là thực phẩm của bút ký.” (Xia 2009, 46).[9] Hiển nhiên, GMDB đã được biên soạn trên cơ sở nhận thức về loại thể như thế.
Về kết cấu, bộ sách giáo dục quốc dân của Zhu có tổng cộng 101 bài, được chia thành 3 phần. Phần 1 gồm các bài từ 1 đến 27, “phát minh danh nghĩa xã hội, quốc gia, quốc dân để tạo lập công đức, biến đổi khí chất quốc dân.”[10] Phần 2 từ bài 28 đến bài 75, “luận thuật về chế độ danh nghĩa của chính thể, quan chế, học hiệu, quân chính, phú thuế, pháp luật, giao thông, cảnh sát, dân chính, hộ luật, tôn giáo; quan hệ giữa quốc dân và quốc chính; các quyền lợi quốc dân nên được thụ hưởng, và chức phận họ cần tận lực hoàn thành trên cơ sở quốc chính.”[11] Phần 3 từ bài 76 đến 101, “thuật bàn những điều thiết yếu đối với dân dụng của căn bản kinh tế học để trừ bỏ những sai lầm bưng bít của thói tục hiện hành, thúc đẩy hạnh phúc của xã hội.”[12] (Zhu 1903, 1-3).
Được in lần đầu năm 1903, khi Trung Hoa vừa trải qua biến loạn Yihetuan 義和團 (Nghĩa Hòa Đoàn) dẫn đến sự can thiệp của Liên quân tám nước (1901), và cũng là lúc triều đình nhà Thanh khởi sự thi hành Xinzheng新政 (Tân chính), bắt đầu từng bước cải cách nhà trường theo kiểu mới, xinshi xuetang新式學堂 (Tân thức học đường), GMDB là một nỗ lực nhằm chuyển hoá ý thức của người dân từ thần dân của vương triều sang quốc dân của quốc gia. Trong sách, Zhu dành phần lớn bài “Biên tập đại ý” ở đầu sách để bàn về những tiền đề cho việc xây dựng ý thức quốc dân. Đó là bồi dưỡng công đức, biến hoá khí chất và tinh luyện học thức:
Quốc chính bại hoại – làm người thời biết những gì đang biến chuyển. Nhưng công đức của quốc dân chưa được tạo lập (đạo tu thân có sự phân chia công đức, tư đức: đạo giữ lòng trong, thân sạch là tư đức; đạo cùng nhau gìn giữ, cùng nhau tận lực là công đức), học thức chưa sung mãn, thì biến chuyển dấy lên từ dưới tất dẫn đến tao loạn như cách mạng ở nước Pháp. Biến chuyển từ trên thì là thủ đoạn của Đại đế Petro, không thể thúc đẩy trình độ văn minh của người dân Nga. Nói chung, không một lối nào là khả thể. Vì vậy, bồi dưỡng công đức (không có công đức thì sức đoàn kết của xã hội không dầy dặn), biến hoá khí chất (như kiểu biến bảo thủ thành tiến thủ, biến hoà bình tĩnh tại thành cạnh tranh), tinh luyện học thức (không có học thức thì cạnh tranh, tiến thủ dễ trở nên không thực tế), thật là nhiệm vụ cấp thiết của giáo dục ngày nay. (Zhu 1903, thượng, 2a).[13]
Ông cũng nhấn mạnh tính độc lập và tính hợp quần như hai thành tố cốt yếu không thể thiếu của quốc dân:
Quốc dân không thể thiếu hai loại tính chất: một là tính độc lập, và một là tính hợp quần. Năm nghìn năm trở lại đây, tâm tư, tài lực của quốc dân bị trói buộc trong chính sách chuyên chế, sao có thể tự phấn chấn được. Đây là nguyên nhân không thể độc lập. Sử gia thì ưa lối xa xôi, ẩn dật, quốc pháp thì nghiêm cấm đảng hội; cha và thầy thì truyền thụ, dưỡng thành; giữ thân cho sạch, tự yêu thích dẫn đến hai loại nhân tài tự tư, tự lợi. Đây là nguyên nhân không thể hợp quần. Quốc dân không có tính chất độc lập, hợp quần, xã hội ắt không chấn hưng, quốc gia tất không cường thịnh. Người có chí trong việc giáo dục nên quan tâm trước hết vào đây. (Zhu 1903, thượng, 3a).[14]
Đáng chú ý là trong tác phẩm này, Zhu giới thiệu 3 mô hình chính trị – kinh tế – xã hội với thái độ và bình giá đối lập: Trung Quốc như một mô hình lạc hậu cần thay thế (14 bài)[15]; Nhật Bản (7 bài) và Pháp (1 bài) như những mô hình tiến bộ có thể học tập và nên dựa theo đó mà cải cách.[16] Hiện vẫn chưa rõ Zhu đã dựa vào những tài liệu nào để viết về Nhật Bản và Pháp, dù trong phần “Biên tập đại ý” ông có viết rằng,
Trường học của các nước phương Tây đều xem giáo dục quốc dân là nhiệm vụ cấp thiết (phong tục chính giáo nước Nga gần với phương Đông nhất, là nước độc nhất không có giáo dục quốc dân). Các trường sơ đẳng tiểu học của họ tuy không có sách chuyên môn dạy các bài, nhưng rải rác đã thấy ở các bài nhỏ trong sách tập đọc, [học sinh] tai nghe thuần thục thầy giáo giảng miệng. Lên đến trường cao đẳng thì đã có sách chuyên để dạy vậy. Sách này trộm lấy ý nghĩa từ các sách ấy, châm chước thêm bớt cho hợp với việc vận dụng của quốc dân ta. Học thức nông cạn, chỉ đủ tạm dùng trong nhà trường mà thôi, không đáng gọi là sách giáo khoa. (Zhu 1903, 1b-2a).[17]
Qua đoạn dẫn trên, có thể hiểu rằng Zhu đã tham khảo mô hình và nội dung của các sách giáo dục quốc dân của phương Tây (có thể đặc biệt là Pháp, dựa trên vốn tiếng Pháp sẵn có của ông). Tuy nhiên, lại căn cứ vào từ vựng của các bài về Nhật Bản, có thể đoán rằng ông cũng đã mở rộng phạm vi tham khảo sang thư tịch Nhật, hay chí ít là đã đọc thêm các sách về Nhật Bản đã dịch sang Hán ngữ.
Hẳn không phải ngẫu nhiên khi sách GMDB được in cùng năm (1903) với Lunli jiaoke fanben 倫理教科範本 (Luân Lý Giáo Khoa Phạm Bản) – bản dịch Trung văn quyển Chūgaku rinrisho 中学倫理書 (Trung Học Luân Lý Thư, sau được Đông Kinh Nghĩa Thục cải soạn thành Tân Đính Luân Lý Giáo Khoa Thư). Từ nửa cuối thế kỷ 19, “quốc dân” đã được dùng cho khái niệm “citizen” của phương Tây du nhập vào Trung Hoa qua kênh phiên dịch Nhật Bản. Năm 1901, chịu ảnh hưởng tinh thần phê phán “căn tính nô lệ” của Liang Qichao 梁啟超 (Lương Khải Siêu), du học sinh Trung Hoa đăng bài xã thuyết nhan đề “Shuo guomin 說國民” (Thuyết quốc dân) trên tờ Guomin bao 國民報 (Quốc Dân Báo) sáng lập ở Nhật Bản, chỉ ra những đặc tính khiến quốc dân khác biệt với nô lệ, như đảm đương trách nhiệm, yêu tự do, không chấp nhận đàn áp, đòi hỏi bình đẳng. Đến năm 1903, Guomin gonghui 國民公會 (Quốc dân công hội) ở Thượng Hải đề xướng bài trừ căn tính nô lệ, khởi xướng tinh thần quốc dân. Có thể nói, khái niệm “quốc dân” đã là một bộ phận của định luận (discourse) xã hội: tần số xuất hiện của khái niệm này trên sách báo đặc biệt lên cao chưa từng thấy trong năm 1903. (Wang 2016, 299, 308). Vì thế, không lạ gì khi thấy các sách giáo dục quốc dân, cổ động cho một nền luân lý mới gắn với ý thức quốc dân và chủ nghĩa dân tộc như GMDB và Lunli jiaoke fanben ra đời vào cùng thời điểm như vậy. Hai bộ sách này cùng được Đông Kinh Nghĩa Thục cải soạn thành sách giáo khoa của nhà trường với không ít sửa đổi.
Trang bìa trong (phải) và trang đầu (trái) sách GMDB do Zhu Shuren biên soạn (1903?) |
Quốc Dân Độc Bản – Hậu thân của Guomin duben
Chỉ cần đọc và so sánh bài mở đầu và bài “Biên tập đại ý” của GMDB với những gì có trong QDĐB đã có thể thấy mức độ giản lược của bộ sách giáo khoa của Nghĩa Thục so với nguyên tác mà nó vay mượn. Không chỉ bài tựa dẫn đầu sách GMDB đã bị lược bỏ, mà nhiều đoạn trong “Biên tập đại ý” của sách này (chẳng hạn như hai đoạn được trích dẫn ở trên) đã bị cắt mất không còn vết tích gì trong QDĐB. Nhưng nói như thế không có nghĩa là tập sách giáo khoa Việt Nam này chỉ là bản lược giản tác phẩm của Zhu Shuren. Việc đối chiếu hai bản văn này cho thấy tình hình phức tạp hơn nhiều, và cũng từ những biến đổi văn bản phức tạp ấy, có thể đọc ra được những hàm nghĩa được người cải soạn ẩn ý đưa vào, những hàm nghĩa mà nếu không có đối sánh văn bản thì khó lòng nhận ra được.
Xét về cấu trúc tác phẩm, rất dễ thấy là QDĐB đã thay đổi cấu trúc ba phần của GMDB, giản đơn chia sách thành hai phần “Thượng biên 上編” và “Hạ biên 下編” với nhát cắt phân đôi đặt giữa hai bài 44 “Khoa cử chi hại科舉之害” và bài 45 “Bất hành khoa cử chi vô hại不行科舉之無害”. Có thể thấy đây là một nhát cắt có tính hình thức, chỉ nhằm phân tổng số bài trong sách thành hai phần với số lượng tương đối đều nhau, hơn là quan tâm đến nội dung tương liên của hai bài có chung chủ đề khoa cử. Để có thể thấy rõ hơn những thay đổi trong Quốc Dân Độc Bản, dưới đây là khảo sát từng phần của GMDB so với hậu thân của nó ở Việt Nam.
Phần 1 gồm 27 bài của sách GMDB đã bị cắt bớt đi 2 bài về “Thông thương truyền giáo” (bài 15) và “Quốc sỉ” (bài 16), chỉ còn lại 25 bài trong QDĐB. Tựa bài phần lớn được giữ nguyên, nhưng một số trường hợp đã thêm bớt chữ nghĩa, như bài 2 “Ái quần” được sửa thành “Ái quần tâm,” hay bài 13 “Quốc gia dữ nhân dân chi quan hệ” được đổi thành “Quốc dữ nhân dân chi quan hệ.” Đặc biệt là người cải soạn QDĐB đã không chỉ sửa lại tựa đề hai bài 9 “Trung Quốc lập quốc chi cổ” và bài 10 “Trung Quốc khai hoá chi tảo” của GMDB thành “Ngã quốc lập quốc chi cổ” và “Ngã quốc khai hoá chi tảo”, mà còn thay thế những đoạn văn về vị trí địa lý, lịch sử Trung Hoa, và viết lại với dữ liệu Việt Nam. Chẳng hạn bài 9 của GMDB mở đầu với đoạn:
Trung Quốc lập quốc xưa nhất so với các nước trên địa cầu: từ Hoàng Đế vạch chia cõi vực, khởi thuỷ phân làm đô ấp, thịnh đạt thành đế quốc nhất thống. Đó là khởi sự lập quốc của người Trung Quốc, cách nay đã hơn 5,000 năm rồi vậy. (Zhu 1903, 7a).[18]
QDĐB đã viết lại thành:
Nước ta lập quốc xưa nhất so với các nước trên địa cầu: từ Hồng Bàng sáng quốc, lập cư ở nước Nam, riêng thành một chủng tộc, trải các đời Đinh, Lý, Trần, Lê cho đến nay, thịnh đạt thành một nước lớn với diện tích hoàn toàn đến giờ đã hơn 4,700 năm rồi vậy. Nay các nước lớn văn minh Đông – Tây đều gọi nước ta là nước nghèo hèn, yếu đuối, là nước dã man, nhiếc mắng thậm tệ, nhục mạ khôn lường. Than ôi, thảm quá! (Vũ et al. 1997, phần Hán văn, 9a-b).[19]
Chỉ trong một đoạn văn ngắn, QDĐB đã dẫn dắt người đọc qua hai cung bậc cảm xúc đối lập: từ tự hào dân tộc với bề dày lịch sử đặc biệt đến hổ thẹn quốc thể do chính sự suy đồi, hũ bại. Tuy vậy, tinh thần dân tộc quật cường vẫn là âm hưởng chủ đạo vì đấy chính là căn gốc để tạo dựng quốc dân – chủ thể của quốc gia độc lập. Điều này có thể thấy qua việc đối sánh một đoạn văn trong bài 10 của GMDB với nội dung tương ứng trong QDĐB. GMDB viết rằng,
Ôi, nước La Mã vang danh một lần ngã quỵ không vực dậy được nữa. Các nước cổ xưa ở Tây Nam châu Á cũng đều đã suy diệt, chỉ có Trung Quốc là nước lâu đời với hơn 5,000 năm sừng sững tự lập trên địa cầu. (Zhu 1903, 8a).[20]
QDĐB đã viết lại đoạn này với tinh thần chống ngoại xâm đặc thù Việt Nam như sau,
Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư – Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Tuy Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã qua bao năm cũng không thể lấy cường quyền để leo cưỡi, đặt ách lên ta, đè nén, khống chế ta. Ôi, nước La Mã vang danh một lần ngã quỵ không dậy được nữa. Các nước nhỏ ở châu Á như Lưu Cầu cũng đều tiêu vong, chỉ nước ta là nước xưa hơn 4,000 năm sừng sững còn tồn tại.[21]
Việc dẫn thơ “Nam Quốc sơn hà” và đề cập đến Lưu Cầu (Ryūkyū, nhắc nhớ Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư của Phan Bội Châu) chính là sự kết nối hai mốc lịch sử đặc biệt của một dân tộc luôn phải đối đầu với hiểm hoạ ngoại xâm nhưng đều kháng cự thành công dù phải ở vào thế yếu so với thế lực xâm lấn. Ngoài tác dụng khơi dậy tinh thần dân tộc, chính những đoạn viết lại như thế này đã Việt Nam hoá nguyên tác, làm người đọc xác tín bản chất Việt Nam của toàn văn bản, tin rằng đây là một văn bản hoàn toàn do người Việt biên soạn.
Đối với Phần 2 của GMDB (bài 28 đến 75), ngoài những thay đổi nhỏ trong tựa bài, QDĐB tiếp tục việc biên tập lại nội dung của nguyên tác, như bài 32 “Trung Quốc chính phủ” của GMDB đã được QDĐB viết lại thành “Bản quốc quan tước cập chính phủ.” Đáng chú ý là việc một số lượng đáng kể các bài của nguyên tác đã bị lược bỏ (14 bài), trong đó phần lớn là những bài về các chế độ hành chính, binh chế, hình ngục, giao thông, quan chế, giáo dục, thuế khoá, hình phạt của Trung Quốc.[22] Điều này có thể hiểu như là sự phủ nhận mô hình Trung Quốc, và gián tiếp xác định phương hướng cải cách trên cơ sở mô hình Nhật Bản và Pháp Quốc qua việc giữ nguyên các bài giảng về hai nước này.
Phần 3 (bài 76 đến 101) tiếp tục sửa đổi tiêu đề và lược bỏ thêm 2 bài (79 và 91). Đáng chú ý là việc sửa đổi tiêu đề của bài 82 “Trung Quốc nghi chấn hưng thực nghiệp” của GMDB thành “Ngã quốc nghi chấn hưng thực nghiệp” trong QDĐB. Do những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội khá tương đồng của hai nước Trung Quốc và Việt Nam, chỉ cần một thao tác đơn giản sửa lại tiêu đề, biến Trung Quốc thành Ngã quốc (nước ta), người cải soạn đã có thể khiến độc giả tưởng chừng như đang đọc một bài văn hoàn toàn về Việt Nam. Cùng với những thao tác “Việt Nam hoá” văn bản đã nêu ở trên, có những trường hợp không cần sửa đổi dù chỉ một chi tiết nhỏ, với một mặc nhận về tác giả Việt Nam và nội dung Việt Nam đã được xác lập trong tâm tưởng độc giả, người cải soạn đã có thể khiến người đọc tri nhận những vấn đề của nước Trung Hoa lân cận như việc của chính nước mình vậy. Đó là trường hợp những bài rất điển hình bàn về “Khoa cử chi hại” (44) và “Bất hành khoa cử chi vô hại” (45) mà đến nay vẫn thường được rất nhiều học giả trong và ngoài nước đọc và bình diễn như thể những bản văn trực tiếp bàn về Việt Nam.
(Trái) Bài “Trung Quốc nghi chấn hưng thực nghiệp” trong GMDB; (Phải) Bài “Ngã quốc nghi chấn hưng thực nghiệp” trong QDĐB. Lưu ý: Tựa đề trong QDĐB đã bị khắc sai thành “Ngã quốc chấn nghi hưng thực nghiệp”. |
Tóm lại, từ 101 bài trong GMDB, QDĐB đã lược bỏ đến 22 bài, còn lại chỉ 79 bài. Ngoài ra, với số bài còn lại này, tập sách đã hoàn toàn không bảo tồn “bản lai diện mục” nội dung của nguyên tác mà còn thay đổi theo nhiều cách khác nhau như (1) Lược bỏ bài tựa dẫn, cắt bớt một số nội dung trong bài “Biên tập đại ý”; (2)Thay đổi từ ngữ ở tiêu đề; (3) “Việt Nam hoá” tiêu đề; và (4) “Việt Nam hoá” một số nội dung cụ thể. Có phần giống như Tân Đính Luân Lý Giáo Khoa Thư, QDĐB kỳ thực là một tập sách do người Trung Hoa soạn thảo, được ban tu thư Đông Kinh Nghĩa Thục vay mượn, sau đó loại bỏ tác giả nguyên tác, biến nó thành một công trình tập thể khuyết danh, ít nhiều biên tập lại nội dung bằng cách thêm vào sách các vấn đề Việt Nam. Những nét tương đồng của xã hội Đông Á (Trung Hoa và Nhật Bản) đầu thế kỷ 20 sẵn có trong tác phẩm được trộn lẫn với những câu chuyện lịch sử và quan chế Việt Nam khiến người đọc dễ dàng nhận đấy là tác phẩm do (tập thể) tác giả người Việt biên soạn.
Văn bản du hành và những cuộc du hành tĩnh tại của người đọc
Đọc lại GMDB, độc giả có thể sẽ cảm thấy khá bất ngờ khi sách giới thiệu chuyện Robinson Crusoe nhằm minh chứng rằng để tồn tại, con người cần phải hợp quần, cá nhân chỉ có thể phát triển trên nền tảng của xã hội. Do việc Robinson Crusoe đơn độc nhưng lại sống sót được trên hoang đảo dường như mâu thuẫn với tiền đề lập luận nọ, Zhu đã phải viết thêm rằng, “Robinson tài trí hơn người mới có thể tự chu cấp, người khác nếu ở vào chỗ này, há chẳng quắt queo mà chết hay sao!”[23] (Zhu 1903, 1b).
Cũng bất ngờ không kém là cách Zhu phiên âm tên “Robinson” thành Luopengsen 羅朋森 (La Bằng Sâm). Phiên âm này khác hẳn với phiên âm phổ biến xuất hiện một năm trước đó. Truyện Robinson Crusoe của nhà văn Anh Daniel Defoe (1660-1731) được quảng cáo lần đầu tiên trên Xinmin congbao 新民叢報 (Tân Dân Tùng Báo), tờ báo do Liang Qichao (Lương Khải Siêu) sáng lập năm 1902 ở Yokohama 横浜 (Hoành Tân) trong thời gian lưu vong tại Nhật Bản sau chính biến Mậu Tuất. Nhân dịp báo Xin xiaoshuo 新小說 (Tân Tiểu Thuyết) chuẩn bị ra mắt độc giả, tháng 7 năm 1902 trên Xinmin congbao có mẩu quảng cáo về tiểu thuyết Luminxun piaoliuji 魯敏遜漂流記 (Lỗ Mẫn Tốn Phiêu Lưu Ký) sẽ được đăng trên Xin xiaoshuo nhằm “chủ yếu khích lệ tinh thần mạo hiểm viễn du của quốc dân.”[24] Tên gọi Robinson được phiên âm thành Luminxun 魯敏遜 được cho là chịu ảnh hưởng cách phiên âm Robinson 魯敏孫 của Nhật có từ năm 1857. (Yao 2012, 20). Được in năm 1903, GMDB của Zhu đã không dùng cách phiên âm Luminxun đã có từ một năm trước đó, mà sử dụng lối phiên âm riêng Luopengsen cho nhân vật này. Điều này cho thấy Zhu có thể đã không đọc Robinson Crusoe qua bản dịch Trung văn, mà qua một bản dịch tiếng Pháp nào đó, và Luopengsen là cách phiên âm riêng của ông cho “Robinson.”
Ở Việt Nam, Robinson Crusoe đã được giới thiệu trên Gia Định Báo ngày 24 tháng 4 năm 1886 dưới nhan đề Truyện Robinson, có phần sớm hơn khá nhiều so với Trung Quốc. (Đoàn và Phạm, 2016, 49). Toàn bộ câu chuyện Luopengsen trong bài 1 của GMDB đã được QDĐB giữ nguyên. Kết quả là trong bối cảnh Việt Nam, Luopengsen đã được đọc với phiên âm Hán-Việt thành La Bằng Sâm và cách diễn giải của Zhu Shuren đã được hiểu như một lối diễn giải của người Việt về nhân vật Robinson. (Dutton 2015, 2012). Người biên dịch tiếng Việt sách QDĐB đã nhận xét rằng, “Các sách trước kia của ta thường phiên âm Robinson thành Lỗ Bình Sơn.” (Vũ et al., 1997, chú 1, 47). Đúng là “Robinson” thường được phiên âm thành Lỗ Bình Sơn ở Việt Nam, nhưng thực ra, việc này xảy ra vào ở giai đoạn có phần muộn hơn với thế hệ trí thức Tây học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, đặc biệt là qua việc bộ tiểu thuyết của Defoe được phiên dịch và đăng tải trên 34 số của Đông Dương Tạp Chí. (Tạ 2016, 11). Trong bài bàn về tiểu thuyết trên Nam Phong năm 1921, Phạm Quỳnh đã xếp truyện Lỗ Bình Sơn vào loại tiểu thuyết truyền kỳ,
Hạng tiểu thuyết này không chủ cảm động, không vụ khuyên răn người ta, mà chỉ cốt là kích thích cái trí tưởng tượng. (…) Là bởi người ta ở trong xã hội, kỷ luật rất nghiêm, mỗi người có một địa vị, một chức nghiệp riêng, ai làm việc nấy, dẫu có tưởng tượng ra những sự lạ, việc kỳ, mơ màng đến những cõi xa đất thẳm, chung thân dễ cũng không có dịp nào đi tới hay là làm được. (…) Cho nên người ta ai cũng khao khát những sự khác thường muốn cùng Tê-lê-mắc gặp tiên trong hang núi, cùng Lỗ-bình-sơn phiêu [d]ạt ngoài bể khơi (…) để tìm tòi các đất mới chưa ai đến. (Phạm 1921, 13-14).
Ở đây, truyện Robinson Crusoe là một ví dụ cho việc văn bản du hành, đọc được qua một văn bản du hành khác (GMDB) và hậu thân của nó (QDĐB). Robinson Crusoe của Daniel Defoe đã viễn hành ra ngoài phạm vi châu Âu, đến tận các nước Đông Á như Nhật Bản, Trung Hoa, và Việt Nam. Qua các bản dịch ở từng nước này, nhân vật Robinson đã được nhận diện bằng những tên gọi khác nhau và được diễn giải theo nhiều cách đa dạng nhằm đáp ứng những hoàn cảnh xã hội – chính trị cụ thể của thời điểm tác phẩm được giới thiệu ở từng quốc gia bản địa. Các vấn đề của văn bản du hành tất nhiên không chỉ đơn giản dừng lại ở đây.
Từ thập niên 1940, nhà nhân học Cuba Fernando Ortiz đã đề xuất khái niệm “transculturation” (xuyên văn hoá) để chỉ một loạt hệ quả diễn ra khi một thực thể văn hoá du hành xuyên quốc giới, bao gồm “thích ứng văn hoá” (acculturation) với môi trường văn hoá mới, “giải trừ văn hoá” (deculturation) tách bóc những nét quá đặc thù của văn hoá gốc trong quá trình thích ứng, và “sáng tân văn hoá” (neoculturation) tạo ra những đặc điểm văn hoá mới trong môi trường mới đối với thực thể viễn hành nọ. (xem Nguyễn 2015, chú 2, 134). Sang thập niên 1980, Edward Said đặt ra vấn đề “lý thuyết du hành” (traveling theory), bàn về 4 giai đoạn phổ quát của một lý thuyết từ khi hình thành cho lúc viễn du ngoài đường biên quốc gia đến vùng đất mới, bao gồm (1) khởi phát, (2) vượt qua những áp lực để dịch chuyển từ khởi nguyên đến nơi mới, (3) đối diện với việc tiếp nhận hay phản kháng ở nơi lý thuyết thâm nhập, và (4) thích nghi hoàn toàn, hay bộ phận, trong môi trường mới, thậm chí chuyển hoá, biến thể dưới tác động của những cách tiếp cận hay vận dụng bản địa. (Hoàng 2009). Gần đây, còn xuất hiện khái niệm “văn bản thiên di” (migrating texts) rất gần với chuyện “văn bản du hành” đang bàn trong bài,
Bằng khái niệm “thiên di” ở đây chúng tôi muốn nói rằng văn bản hay truyền thống đã đến, bắt rễ và phát triển, và đôi khi có thể hưng thịnh trong một môi trường cách xa với căn gốc của nó, nhưng vẫn có một sự tiếp nối, tính nhất quán, và (với văn bản) tính nhất nghĩa[25] với căn gốc ấy. (Sweet 2012, 2).
Qua nghiên cứu việc tác phẩm De Anima (Bàn về Linh Hồn) của Aristotle đã được các nhà truyền giáo phương Tây dịch sang Hán văn và giới thiệu ở Trung Quốc như thế nào vào thế kỷ 17, Vincent Shen đã cho thấy tác phẩm của Aristotle được viết lại như thế nào qua bản dịch để có thể dung hợp với các khái niệm về không (sunyata) của Phật giáo và vô của Đạo giáo sẵn có trong hệ thống tư tưởng – triết học Trung Hoa.[26] Khi thiên di vào một không gian văn hoá – ngôn ngữ mới, để có thể đến được với người đọc, tác phẩm/văn bản cần được phiên dịch, và chính trong quá trình phiên dịch/viết lại này, các bước “thích ứng,” “giải trừ,” “sáng tân” văn hoá sẽ được vận dụng. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như văn bản du hành đến một không gian văn hoá mới nhưng cùng chung ngôn ngữ với văn bản?
Khác với cộng đồng ngôn ngữ trong đó các quốc gia khác nhau có thể giao lưu với nhau bằng cùng một ngôn ngữ, chẳng hạn như khu vực Anh ngữ (Anglophone), Pháp ngữ (Francophone), hay Hoa ngữ (Sinophone), khu vực Hán ngữ (Sinosphere) bao gồm các nước có thời gian dài sử dụng chữ Hán trong thời tiền hiện đại. Ở khu vực Hán ngữ, một văn bản Hán văn có thể du hành xuyên biên giới, trực tiếp đến với bạn đọc của điểm đến mới mà không phải qua trung gian phiên dịch. Trong trường hợp đặc biệt này, văn bản tưởng chừng như tồn tại bất biến, bỏ mặc những đường biên quốc gia mà nó đã vượt qua. Thực tế, lại không hẳn như thế. Dù có chung tri thức văn tự để tiếp nhận văn bản, ở các trí thức lưỡng văn (biliterate) – những người đọc thông cả văn tự bản địa lẫn Hán văn nhưng không giao tiếp được bằng Hán ngữ trong khu vực này thường xảy ra quá trình “phiên dịch trong tâm thức” (mental translation), hay “phiên dịch vô hình” (invisible translation). (Nguyễn 2017a, 13-15). Trong quá trình này, chủ thể đọc không chỉ tiến hành giải đọc và tái cấu trúc văn bản theo những quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, mà đôi khi, do ý thức hay vô thức còn hoán đổi cả các khái niệm trong nguyên tác bằng những khái niệm tương đương nhưng có những sắc thái văn hoá – chính trị – xã hội đặc thù của bản ngữ. Do tất cả những điều này đều chỉ diễn ra trong tư duy của người đọc, không có dấu vết nào lưu lại trên văn bản được giải đọc. Sau khi du nhập vào Việt Nam, văn bản GMDB cũng đã trải qua những giai đoạn của một thực thể “xuyên văn hoá,” nhưng trong những điều kiện hết sức đặc biệt.
Ban Tu thư Đông Kinh Nghĩa Thục hẳn đã nhận ra nhiều điểm tương đồng đậm nét về văn hoá, xã hội – chính trị giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các bài khoá của GMDB (chẳng hạn như các vấn đề về thiên mệnh, chế độ khoa cử, hay tôn giáo). Chính vì vậy mà họ đã không ngần ngại cải soạn một phần tập sách này, biến nó thành một tác phẩm tập thể khuyết danh về Việt Nam. Trong hoàn cảnh Việt Nam đầu thế kỷ 20 khi vấn đề tác quyền đã được chính quyền thực dân Pháp đưa vào Việt Nam nhưng còn được chấp hành khá lỏng lẻo ngay trên đất thuộc địa Nam Kỳ,[27] cũng như ý thức về quyền tác giả còn chưa thật rõ, những trường hợp như Tân Đính Luân Lý Giáo Khoa Thư hay QDĐB chênh vênh trên đường ranh vi phạm bản quyền, “đạo tác.” Tuy nhiên, cũng từ hai bộ sách giáo khoa này, có thể thấy được mấy điều thú vị: việc gì sẽ xảy ra khi một văn bản du hành đến một nơi xa, ở đó thông tin tác giả – xuất bản của nguyên tác bị gỡ bỏ, tác phẩm bị cải soạn một phần nhằm bản địa hoá, làm cho người đọc tin rằng đây là sách của người bản xứ?
Trong trường hợp như thế, người đọc bản xứ sẽ đọc những nội dung của nguyên tác như những gì đang xảy ra trong xã hội của chính họ, mà không biết rằng mình đang du hành xuyên quốc giới, không ngờ rằng mình đang ngộ nhận, tưởng tượng những hiện thực nước người là của nước mình. Do mặc nhận đấy là tác phẩm của Đông Kinh Nghĩa Thục, các nhà nghiên cứu đã đọc và diễn giải sách Tân Đính và QDĐB trên nền những sự kiện chính trị – xã hội của Việt Nam thời bấy giờ, và đâu đây văng vẳng tuyên ngôn của Roland Barthes, “Sự ra đời của người đọc phải trả bằng cái giá của cái chết của tác giả.” (Barthes 1997, 148). Thế nhưng, “tác giả” không hề chết: sự hồi sinh của tác giả Zhu Shuren bên cạnh tác giả tập thể khuyết danh của QDĐB đã kéo người đọc ra khỏi cơn viễn mộng du hành tưởng tượng để có thể thấy được một hiện thực kết nối rộng hơn của các nước Đông Á đang nỗ lực duy tân để tồn tại độc lập trước sự thôn tính của Tây phương vào đầu thế kỷ 20.
* Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu 10 tháng tại Nhật Bản từ tháng 6/2016 đến tháng 4/2017 do Nippon gakujutsu shinkōkai日本学術振興会 (Japan Society for the Promotion of Science, JSPS) bảo trợ. Ngoài ra, tác giả còn nhận được sự giúp đỡ đặc biệt về mặt tư liệu từ ông Ma Xiaohe 馬小鶴先生 (Harvard-Yenching Library). Nhân đây xin chân thành tri ân.
Tư liệu tham khảo
Barthes, Roland. 1997. Image, Music, Text. Stephen Heath dịch. London: Fontana Press.
Boully, Jean-Louis. 1995. Ouvrages en langue chinoise de l’Institut franco-chinois de Lyon (1921-1946) / Faguo Li’ang shili tushuguan zang Li’ang Zhong-Fa daxue 1921 nian 1946 nian Zhongwen shumu 法國里昂市立圖書館館藏里昂中法大學1921年1946年中文書目. Lyon: Bibliothèque municipale de Lyon.
Đặng Thai Mai. 1964. Văn Thơ Cách Mạng Việt Nam Đầu Thế Kỷ XX (1900-1925), in lần thứ hai (có sửa lại). Hà Nội: Văn học.
Đào Trinh Nhất. 1938. Đông Kinh Nghĩa Thục. Hà Nội: Mai Linh.
Đỗ Thuý Nhung. 2008. “Khảo sát từ ngữ một số tác phẩm Hán văn Đông Kinh Nghĩa Thục.” Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học. Hà Nội: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Đỗ Thuý Nhung. 2010. Hán Văn Việt Nam Đầu Thế Kỷ XX (Qua tư liệu Hán văn Đông Kinh Nghĩa Thục). Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
Đoàn Lê Giang và Phạm Thị Tố Thy. 2016. “Dịch văn học phương Tây ở Sài Gòn – Gia Định trong buổi bình minh của văn học quốc ngữ”, Tạp Chí Khoa Học Đại Học Thủ Dầu Một, số 4 (29), 48-57.
Dutton, George. 2015. “‘Society’ and Struggle in the Early Twentieth Century: The Vietnamese Neologistic Project and French Colonialism”. Modern Asian Studies, số 49:6, 1994-2021.
Gimpel, Denise. 2002. Lost Voices of Modernity – A Chinese Popular Fiction Magazine in Context. Honolulu: University of Hawai’i Press.
Han Yiyu 韓一宇. 2003. “Sezhe zhuan he Zhuo Shu ji Ma Geli xiaoshuo – Qingmo liangbu jiaozao zhijie yizi Fawen de wenxue zuopin luetan《穡者傳》和《卓舒及馬格利小説》–清末兩部較早直接譯自法文的文學作品略談”. Shinmatsu shōsetsu kara 清末小説から, số 68, 9-17.
Hoàng Lương Xá. 2009. “Lý thuyết du hành và Orientalism ở Đông Á” trong Lê Hồng Lý và Trần Hải Yến biên tập. Nghiên Cứu Văn Học Việt Nam – Những Khả Năng và Thách Thức / Literary Study in Vietnam – Possibilities and Challenges. Hà Nội: Thế Giới, 97-141.
Imai Akio 今井昭夫. 1995. “20 Seiki hatsu Betonamu no aikoku undō ni okeru ‘kokumin’ sōshutsu Kokumin dokuhon nado no Donkin Gijuku no jukusho o chūshin ni 20世紀初ベトナムの愛国運動における「国民」創出ー『国民読本』などのドンキン義塾の塾書を中心に – The Invention of ‘Quoc dan’ and Vietnamese Nationalism Early in the 20th Century”. Tōkyōgaidai Tōnan’Ajia-gaku 東京外大東南アジア学, số 1, 84-98.
Judge, Joan. 2001. “Gaizao guojia – WanQing de jiaokeshu yu guomin duben 改造國家——晚清的教科書與國民讀本”, Sun Huimin 孫慧敏 dịch. Xin shixue 新史學, số 12:2, 1-40.
Kouga Senzaburou高賀 詵三郎. 1890. Kokumin dokuhon 国民読本. Tōkyō: Keigyōsha 敬業社.
Li Liangpin 李良品. 2006. Zhongguo yuwen jiaocai fazhanshi 中國語文教材發展史. Chongqing: Chongqing chubanshe 重慶出版社.
Lu Yin 陸胤. 2013. “Qingmo Mengxue duben de wenti yishi yu ‘guowen’ xueke zhi jiangou 清末《蒙學讀本》的文體意識與“國文”學科之建構”. Wenxue yichan 文學遺產, số 3, 122-136.
Meng Li 孟麗. 2010. “Fanyi xiaoshuo zhong de jindai jingshen – Yi Jiawu zhanzheng zhi xiaoshuojie gemingjian fanyi xiaoshuo weili 翻譯小說中的近代精神——以甲午戰爭至小說界革命間翻譯小說為例”. Daizong xuekan 岱宗學刊, số 14:1, 1-3.
Nguyễn Hải Kế. 2007. “Quốc Dân Độc Bản của Đông Kinh Nghĩa Thục – Gương chiếu hậu nền khoa cử Nho học Việt Nam.” Nghiên Cứu Lịch Sử, số 9, 17-23.
Nguyễn Hiến Lê. 1968. Đông Kinh Nghĩa Thục. Saigon: Lá Bối.
Nguyễn Nam. 2015. “Thiên hạ vi công: Đọc lại Tân Đính Luân Lý Giáo Khoa Thư 新訂倫理教科書 trong bối cảnh Đông Á đầu thế kỷ 20,” Tạp Chí Nghiên Cứu Và Phát Triển, số 5 (122), 121-141.
Nguyễn Nam. 2017a. “Luân lý không biên giới: Phiên dịch và trùng tác Chūgaku Rinrisho ở Đông Á đầu thế kỷ XX”. Giải Nhất Cuộc thi Luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản – Giải thưởng Inoue Yasushi lần thứ 2.
Nguyễn Nam. 2017b. “Traveling ethics textbooks in East Asia at the end of the 19th and the beginning of the 20th centuries”. Jōchidaigaku Kyōikugaku Ronshū上智大学教育学論集 / Sophia University Studies in Education, số 51, 67-78.
Nishimoto Kikuko 西本喜久子. 2007. “19 Seiki Amerika ni okeru “Uiruson rīdā” no kakushin-teki yōso to ichidzuke – “Makugafī rīdā” to no hikaku o chūshin ni 19世紀アメリカにおける『ウイルソン・リーダー』の革新的要素と位置づけ 『マクガフィー・リーダー』との比較を中心に”. Hiroshima Daigaku Daigakuin kyōikugaku kenkyūka広島大学大学院教育学研究科,số 56, 131-140.
Okada Takeshi 岡田建志. 1998. “Kokumin Dokuhon Ni Okeru ‘Kuni’ To ‘Kokumin’ — Betonamu Kindai Shisō-Shi Ni Kansuru Ichikōsatsu 『国民読本』における「国」と「国民」–ベトナム近代思想史に関する一考察”. Nenpō chiiki bunka kenkyū 年報地域文化研究, số 2, 21-38.
Phạm Quỳnh. 1921. “Bàn về tiểu thuyết – Tiểu thuyết là gì và phép làm tiểu thuyết thế nào”. Nam Phong, số 48, 1-15.
Shen Guowei 沈國威. 2010. “Shinmatsu no kokumin hitsudoku-sho ni tsuite清末の国民必読書について” trong Shen Guowei và Uchida Keiichi内田慶市, chủ biên. Kindai Higashiajia ni okeru buntai no hensen: Keishiki to naijitsu no sōkoku o koete近代東アジアにおける文体の変遷 : 形式と内実の相克を超えて. Tōkyō: Byakutei-sha白帝社, 233-272.
Suzuki Masahiro 鈴木正弘. 2012. “Shinmatsu no ‘kokumin’ kyōiku kōsō ni motodzuku rekishi kyōkasho no mosaku: (Shinpen) kokumin dokuhon no bunseki o tōshite no kōsatsu 清末の「国民」教育構想に基づく歴史教科書の模索 : 『(新編)国民読本』の分析を通しての考察 ”. Kejia yu duoyuan wenhua 客家與多元文化, số 7 (9/2012), 73-91.
Sweet, William, biên tập. 2012. Migrating Texts and Traditions. Ottawa: University of Ottawa Press.
Tạ Anh Thư. 2016. “Những đóng góp của Đông Dương Tạp Chí trong quá trình hiện đại hoá văn học, văn hoá Việt Nam đầu thế kỷ XX”. Tóm tắt luận án tiến sĩ Ngữ văn. Hồ Chí Minh: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Vũ Văn Sạch et al. 1997. Văn Thơ Đông Kinh Nghĩa Thục – Prose et poésies du Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội: Văn hoá.
Wang Xiaoyu 王曉雨. 2016. “Kindai NitChū ni okeru ‘kokumin’ gainen no seiritsu – Kokka kōseiin no ikusei to chishiki hito no kokoromi 近代日中における「国民」概念の成立——国家構成員の育成と知識人の試み”, Kansaidaigaku tōzai gakujutsu kenkyūjo kiyō 関西大学東西学術研究所紀要, số 49, 297-312.
Xia Xiaohong 夏曉虹. 2009. “Mengxue keben zhong de jiuxue xinzhi《蒙學課本》中的舊學新知”. Qinghua daxue xuebao 清華大學學報 (Zhexue shehui kexue ban 哲學社會科學版), số 24:4, 39-56.
Yao Dadui 姚達兌. 2012. “Xinjiao lunli yu ganshi youguo: WanQing Lubinsun zixi cudong 新教倫理與感時憂國:晚清《魯濱孫》自西徂東”. Zhongguo wenxue yanjiu 中國文學研究, số 1, 19-23.
Zarrow, Peter. 2015. Educating China: Knowledge, Society, and Textbooks in a Modernizing World, 1902-1937. Cambridge: Cambridge University Press.
Zhang Qiang 張強, Meng Li 孟麗. 2011. “Zhongguo diyibu nongshi fanyi xiaoshuo – Sezhe zhuan 中國第一部農事翻譯小說『穡者傳』”. Yunnan nongye daxue xuebao 雲南農業大學學報, số 5:1, 111-115.
Zhang Ying 章瑩. 2013. “Suzao ‘Guomin’: Qingmo de guomin jiaoyu sichao yanjiu 塑造‘國民’:清末的國民教育思潮研究”, Lanzhou jiaoyu xueyuan xuebao 蘭州教育學院學報, số 29:2, 84-86.
Zhu Shuren 朱樹人. 1903 [?]. Guomin duben 國民讀本 (2 tập). Shanghai: Wenming shuju 文明書局.
Phụ lục 1: Các bảng so sánh mục lục GMDB và QDĐB
BẢNG 1: Những thay đổi của QDĐB so với GMDB (bài 1 đến 27).
Các bài trong QDĐB vốn không được đánh số. Số thứ tự các bài của QDĐB ở đây trùng với (Vũ et al. 1997).
2. Ái quần tâm 愛群心; 9. Ngã quốc lập quốc chi cổ 我國立國之古; 10. Ngã quốc khai hoá chi tảo 我國開化之早; 12. Văn minh vô chỉ cảnh thuyết 文明無止境說; 13. Quốc dữ nhân dân chi quan hệ 國與人民之關係; 15. LƯỢC BỎ; 16. LƯỢC BỎ; 27. Vũ dũng 武勇.
BẢNG 2: Những thay đổi của QDĐB so với GMDB (bài 28 đến 75)
28. LƯỢC BỎ; 32. Bản quốc quan tước cập chính phủ 本國官爵及政府; 33. LƯỢC BỎ; 35. LƯỢC BỎ; 38. Luận biến cựu tập chi nan 論變舊習之難; 41. LƯỢC BỎ; 44. Luận khoa cử chi hại 論科舉之害; 45. Luận bất hành khoa cử chi vô hại 論不行科舉之無害; 47. LƯỢC BỎ; 48. LƯỢC BỎ; 49. Nhật Bản trưng binh lược pháp 日本徵兵略法; 50. Phú thuế 賦稅; 51. LƯỢC BỎ; 52. LƯỢC BỎ; 53. Thích quyền lợi trách nhiệm 釋權利責任; 55. Thích pháp 釋法; 58. LƯỢC BỎ; 60. LƯỢC BỎ; 62. Biến pháp luật tất tiên lập tín 變法律必先立信; 64. LƯỢC BỎ; 65. LƯỢC BỎ; 71-73. LƯỢC BỎ; 75. LƯỢC BỎ.
BẢNG 3: Những thay đổi của QDĐB so với GMDB (bài 76 đến 101)
77. Quốc pháp bảo hộ sản nghiệp dữ sản nghiệp sở sinh chi lợi 國法保護產業與產業所生之利; 79. LƯỢC BỎ; 82. Ngã quốc nghi chấn hưng thực nghiệp 我國宜振興實業; 84. Phân công chi pháp 分工之法; 85. Cơ khí hà hại ư nhân công 機器何害於人功; 91. LƯỢC BỎ; 100. Phiếu 票.
- Sinh ở Saigon và học trung học tại đây trước 1975. Nhận học vị thạc sĩ Khu vực học – Đông Á (1994) và tiến sĩ Ngôn ngữ & Văn minh Đông Á (2005) từ Đại học Harvard. Các nghiên cứu mới nhất bao gồm: “Traveling Knowledge: Publications from Japan and China in Early 20th Century Vietnam” (International Center for Japanese Studies, Japan, sắp xuất bản, 2022); “A Vietnamese Reading of the Master’s Classic: Phạm Nguyễn Du’s Humble Comments on the Analects – As an Example of Transformative Learning,” trong Roland Reichenbach and Duck-Joo Kwak, eds. Confucian Perspectives on Learning and Self-Transformation – International and Cross-Disciplinary Approaches, Cham, Switzerland: Springer, 2021; “The Noble Person and the Revolutionary: Living with Confucian Values in Contemporary Vietnam” trong Roger T. Ames and Peter D. Hershock, eds. Confucianisms for a Changing World Cultural Order, Hawaii: University of Hawaii Press, 2018. Hiện phụ trách ngành Nghiên cứu Việt Nam (Vietnam Studies) tại Đại học Fulbright Việt Nam.Bài viết được trình bày tại hội thảo “Việt Nam – Giao lưu Văn hóa Tư tưởng Phương Đông” tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM từ ngày 16-18/011/2017 và in trong kỷ yếu hội thảo Đoàn Lê Giang, Nguyễn Công Lý và Lê Quang Trường, chủ biên. (2017). Việt Nam – Giao lưu Văn hoá Tư tưởng Phương Đông, Ho Chi Minh: Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr. 330-349. Cùng khoảng thời gian với sự kiện này có một nghiên cứu khác với cùng chủ đề: Nguyễn Tuấn Cường 阮俊強 and Lương Thị Thu 梁氏秋 (2017). “Xixue dongjian yu shuji jiaoliu: Jindai Yuenan Xinding guomin duben de Ou Ya lucheng 西學東漸與書籍交流: 近代越南《新訂國民讀本》的歐亞旅程”, Zhongzheng Hanxue yanjiu 中正漢學研究, vol. 2 (30) (12/2017), pp. 177-206. Trong nghiên cứu này, các tác gỉa Nguyễn Tuấn Cường và Lương Thị Thu đã chỉ ra quan hệ giữa Guomin duben và The Citizen Reader của Arnold Forster (in lần đầu năm 1886). Bài viết được giới thiệu toàn văn ở đây không sửa chữa hay bổ sung gì thêm để giữ nguyên tính lịch sử của nó. ↑
- Xem Nguyễn 2015; 2017a; 2017b. ↑
- Cũng có khi được viết là 朱樹仁. ↑
- Xem thêm tại Xi’an Jiaotong University: http://58.206.125.28/?p=4821 ↑
- Còn có tựa đề khác là Azangge 阿藏格 (A Tàng Cách, một địa danh trong truyện) ↑
- Cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên danh của tác giả và tựa gốc tiếng Pháp của tác phẩm. Tên tác giả Mạch Nhĩ Hương có thể là phiên âm Hán ngữ của Marchand, nhưng cũng có thể là dịch nghĩa Trung văn của một bút danh liên quan đến nội dung nông nghiệp của tập sách. Xem Boully 1995, 82; và Han 2003, chú thích 12. ↑
- 是書仿泰西國民教育書體例,專為教育少年而設。 ↑
- 読本 còn được đọc là yomihon, dùng để chỉ một loại thư tịch chịu ảnh hưởng văn học thông tục Trung Hoa, thịnh hành dưới thời Edo 江戸 (Giang Hộ, 1603-1867). ↑
- 泰西之讀本為科學之管鑰,亦筆札之資糧。 ↑
- 發明社會國家國民之名義以立國民之公德,變國民之氣質。 ↑
- 論述政體,官制,學校,軍政,賦稅,法律,交通,警察,民政,戶律,宗教之名義制度,國民與國政之關係,國民於國政上應享之權利,應盡之職分。 ↑
- 述計學要義之切於民用者以祛流俗之錮惑,進社會之幸福。 ↑
- 國政之敗壞夫人而知其當變矣。然國民之公德未立(修身之道有公德,私德之分:清心潔身之道曰私德;共守共盡之道曰公德),學識未充,變之自下必至如法國革命之騷亂。變之自上則大彼得之手段,不能進俄民文明之程度。蓋無一而可者也。故培養公德(無公德則社會團結之力不厚),變化氣質(如變保取為進取,變和平為競爭之類),精鍊學識(無學識則競爭,進取易入浮囂)實為今日教育之急務。 ↑
- 凡國民不可少兩種性質。一獨立性質,一合群性質。五千年來國民之心思才力束縛於專制政策之中,鮮能自振。此不能獨立之原因也。史家喜高蹈之風,國法嚴黨會之禁,父師傳授養成,潔身自好及自私自利兩種人才。此不能合群之原因也。國民無獨立合群之性質,社會必不振,國家必不強。有志於教育者宜先焉。 ↑
- Gồm các bài: 32, 33, 35, 41, 42, 47, 48, 51, 52, 58, 60, 61, 64, và 65. ↑
- Các bài về Nhật Bản gồm có 34, 36, 43, 49, 57, 59, và 68; bài số 70 về Pháp Quốc. ↑
- 西國學校皆以國民教育為急務(俄國政教風俗最近東方,獨無國民教育)其初等小學校雖無專門教課書,然已散見於讀本之小文,耳熟於教師之口授。至高等學校則有專書以課之矣。是編竊取其義,斟酌損益以合我國民之用。學識淺薄,無當萬一備學堂暫時之用而已,不足云教科書也。 ↑
- 中國立國於地球各國為最古:自黃帝畫野,始分都邑,蔚成一統帝國。是為中國人立國之始,距今已五千年餘矣。 ↑
- 我國立國於地球各國為最古:自鴻厖創國居於南邦,別一種族,歷丁李陳黎以迄于今,蔚成完全廣輪一大國已四千七百餘年于今矣。今日東西文明諸大國皆稱我國曰貧弱國,曰野蠻國,奇詬異辱。嗚呼,慘矣! ↑
- 夫羅馬名邦一蹶不振,亞洲西南諸古國,亦皆衰滅,獨中國以五千餘年之舊國巍然自立於地球之上。 ↑
- 南國山河南帝居,截然定分在天書。雖宋元明清亦不能以強權而鞚軛我,覊勒我已多歷年所矣。夫羅馬名邦一蹶不作,亞洲琉球諸小國亦皆澌滅,獨我國以四千餘年之舊國而巍然尚存。 ↑
- Tuy vậy, việc lược bỏ các bài về Trung Quốc cũng không hoàn toàn triệt để, vì vẫn sót lại một bài về “Trung Quốc tư pháp các quan” (bài 56). ↑
- 羅朋森才智過人僅能自給,他人處此有不槁臥而斃者哉。Thực ra, Robinson Crusoe tồn tại được trên hoang đảo cũng có phần do nhân vật này là một con người xã hội. Robinson đã vận dụng những tri thức, kỹ năng được xã hội trang bị để tồn tại thành công trong môi trường hoang dã. ↑
- 以激勵國民遠遊冒險精神為主。 ↑
- Tính nhất nghĩa (univocity) là một khái niệm triết học, cho rằng có một khái niệm căn bản về tồn tại chung cho con người và sự vật. ↑
- Vincent Shen, “The Migration of Aristotelian Philosophy to China in the 17th Century” trong Sweet 2012, 21-37. ↑
- Do khuôn khổ hạn chế, vấn đề này tạm chưa thảo luận ở đây, nhưng chắc chắn sẽ được tìm hiểu trong một bài viết khác. ↑
https://tapchitriet.com/?p=624
..
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.