Ít tháng gần đây, trên báo chí và mạng xã hội đưa tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang được xét giải thưởng nhà nước.
Trước đó, khoảng tháng 3 năm 2020, thì có tin về việc nhà văn đã bị tai biến và hầu như rơi vào trạng thái lửng lơ "vô tri" (chữ dùng của một người hâm mộ nào đó đến thăm và viết nhanh trên Fb). Bởi vậy, nếu được trao tặng giải thưởng nhà nước sắp tới, giả như còn tại thế thì có khi nhà văn cũng không hay biết gì.
Thế rồi, ông đã buông xuôi tay vào cuối tuần vừa rồi. Bỏ mặc tất cả. Người đầu tiên đưa tin lên mạng xã hội có lẽ là người bạn tri kỉ lâu năm - sư cụ chùa Tề Đồng Vật Ngã là nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh (đọc ở đây).
Trên Giao Blog, tôi đã đọc lại văn phẩm thời kì đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp ở đây (năm 2013) và ở đây (năm 2015).
Tôi cũng đã kể chuyện mấy ngày ở trong viện cùng chỗ với Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm về trước - tôi đi chăm sóc người nhà, còn nhà văn thì vào cấp cứu - đọc lại ở đây và ở đây (đó là hồi năm 2008, tức cách nay tới 13 năm rồi).
Dưới là cập nhật các thông tin.
Tháng 3 năm 2021,
Giao Blog
---
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời lúc 16h45 hôm nay, ngày 20/3 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 tại nhà riêng. "Hội nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức tang lễ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi đã gọi điện thoại đến Nhà tang lễ Quốc gia để đề nghị tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở đó và đã được sự đồng ý'' - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nằm một chỗ nhiều năm nay sau một cơn tai biến. Lần gần nhất ông xuất hiện ở một buổi ra mắt sách là năm 2018, khi giới thiệu tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu. Hồi đó, ông còn khỏe, nói năng lưu loát trước vài trăm độc giả ở hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Nhà văn vẫn mong khỏe lại để dự ra mắt sách mới, gặp lại bạn văn, độc giả.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời. |
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1968, với một số truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Hơn 50 năm cầm bút, ông có 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là "hiện tượng hiếm" của văn đàn trong nước.
Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)...
Nguyễn Huy Thiệp cũng là một trong 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật 2021. Hai tác phẩm được đề nghị xét giải của ông là truyện ngắn Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát.
Tình Lê
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/nha-van-nguyen-huy-thiep-qua-doi-721127.html#inner-article
TTO - Tôi đã đọc những câu thơ có lẽ là cuối cùng trên giường bệnh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một tên tuổi lừng lẫy trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI...
"Sinh lão bệnh tử/ Luật trời đã ban/ Thì đành chấp nhận/ Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi…".
Những câu thơ có lẽ là cuối cùng trên giường bệnh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một tên tuổi lừng lẫy trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI - khiến những người yêu thương ông và yêu tài văn của ông không khỏi đau thắt lòng.
Đi qua những ồn ào của phố phường ngày cận tết, rẽ vào ngôi nhà thẳm sâu trong con hẻm nhỏ mà cách đây không lâu còn là cái làng ven đô nửa quê nửa phố, bước qua khoảng sân nhỏ có tượng Phật bao năm nay vẫn đứng bình thản trước mưa nắng, trầm luân kiếp người, trên chiếc giường đơn sơ, Nguyễn Huy Thiệp nằm đó, nhận lấy những chăm sóc của các con như một đứa trẻ.
Đôi khi, ông từ chối những chăm sóc ân cần.
Nguyễn Phan Khoa - cậu con trai út của nhà văn - luôn tay cho bố uống sữa, ăn cháo, uống thuốc. Gần 1 năm trời kể từ ngày cha nằm ốm sau tai biến vài lần, Khoa cùng với anh trai Nguyễn Phan Bách thay phiên nhau chăm bố, hết bệnh viện lại ở nhà.
Từ khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bệnh nặng hơn thì Khoa nghỉ việc hoàn toàn, ở nhà chăm bố. Phải 3 tháng nay Khoa không đi ra khỏi khu phố của mình. Gã đàn ông trẻ chẳng phải khéo ăn nói, giỏi chăm sóc người khác, bỗng thành thục hết việc pha sữa, bón mớm, thay rửa.
Mà đâu chỉ chăm một mình bố nằm liệt. Vợ Khoa - cô sơn nữ xinh xắn miền ngược vài năm trước ông Thiệp đã vui sướng cùng bạn bè chí thiết là những tên tuổi nghệ sĩ lớn ở Hà Nội lặn lội 400 cây số đón dâu cho cậu con trai đã từng làm ông khổ sở bao năm trời - đi làm ca, có khi 11h đêm mới về nhà.
Khoa một mình chăm bố, chăm hai đứa con nhỏ mới tuổi mẫu giáo, mẹ cũng ốm, thêm một bà dì bệnh. Dì của Khoa không có chồng con, bao năm qua sống cùng đại gia đình anh rể, chị gái và các cháu.
Rồi mẹ lại đột ngột qua đời. Khoa và anh trai mình chẳng có cả thời gian để được thỏa thuê khóc mẹ cho lòng vợi nhớ thương. Các anh chỉ có thể giấu chặt trong tim nỗi đau mất mẹ để còn lo cho bố.
Nguyễn Phan Bách chăm chỉ hơn với công việc của một họa sĩ để lo kinh tế cho gia đình, anh em đùm bọc nhau. Nên việc chăm bố giao chính cho Khoa.
Khi đổ bệnh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có 5 triệu đồng. Bạn bè thăm nom và khoản tiền xuất bản cuốn sách Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp của Đông A giúp phần nào thuốc thang, chữa trị cho nhà văn và chuyện hậu sự cho vợ ông.
10 năm dạy học ở miền núi, rồi một số năm nữa làm việc ở Hà Nội, nhưng chỉ mãi gần đây ông mới được cho lãnh lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng. "Cũng đủ tiền mua bỉm cho bố", Khoa nói.
Cuộc sống chẳng ai học hết chữ ngờ.
Nguyễn Phan Khoa - nguyên mẫu của Khuê trong cuốn tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu của cha mình - người con lạc lối đã khiến Nguyễn Huy Thiệp phải bao năm đau khổ, tuyệt vọng, rồi hi vọng và kiên nhẫn giành giật lại đứa con trai mình từ ma túy - ai ngờ giờ lại tận tụy chăm bố ngày đêm, không từ một việc gì, từ bón sữa đến lau rửa, thay bỉm.
Cậu con trai "phá gia chi tử" ngày nào giờ có cơ hội được báo đền công cha. Chỉ tiếc, sự báo đền này chắc không ai mong muốn nhận được. Nguyễn Huy Thiệp càng không.
Nguyên mẫu của nhân vật "tướng về hưu" trong truyện ngắn nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp xưa cũng nằm liệt một chỗ gần chục năm trời trước khi từ giã cõi đời.
Thì nay, số phận lại bắt nhà văn rất chân chất, đôn hậu và yêu thương con người sâu sắc đã viết lên bao câu chuyện chấn động nhân tâm ấy lại phải chịu thêm một thử thách quá khắc nghiệt tương tự như nguyên mẫu truyện ngắn của mình.
Lão Kiền trong truyện ngắn Không có vua, cả lão Bổng trong Tướng về hưu đều cho thấy rất sợ cảnh ốm đau nằm liệt trước khi chết, những cái chết khổ sở. Nay thì tác giả của những nhân vật ấy lại rơi vào chính tình cảnh đó.
Lão Kiền khi rời bệnh viện về, lúc mê sảng đã kêu lên với các con: "Cho tôi chết đi, đau đớn lắm". Thì người tạo lên nhân vật bất tử ấy, sau vài chục năm cũng lại có lúc làm con trai mình đau thắt ruột với câu hỏi: "Làm thế nào để chết được".
Trong gần một năm bệnh, đã có lúc Nguyễn Huy Thiệp rất quyết tâm "muốn thoát ra đừng ốm/ làm khổ hết cả nhà" như câu thơ ông run rẩy viết trên giường bệnh. Nhưng những cơn tai biến liên tiếp, rồi cái chết đột ngột của người vợ yêu đã đánh gục nhà văn vốn quá nhạy cảm.
"Số phận của những nhà văn, những nghệ sĩ tài năng là phải như vậy. Họ phải nếm trải hết những khổ ải, đớn đau của kiếp người mà không thể kêu lên được "Tại sao?", để mà viết ra nỗi đau và cả vẻ đẹp của con người", nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thương xót cho những khổ ải cuối đời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người mà ông đánh giá là một trong số vài nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ 20.
Cận Tết, ngôi nhà của Nguyễn Huy Thiệp và các con vẫn chẳng có chút không khí Tết nào. Tuy thế, Khoa vẫn thì thầm vào tai bố để người bố cả lo của mình yên tâm: "Chúng con đã lo Tết xong rồi bố ạ".
Bên cạnh, con gái Khoa mới vài tuổi xúm lại gần ông, líu lo nói "thương ông". Mẹ của bé cưng nựng: "Con thương ông nhé. Ông bế ẵm chăm con từ khi mới 3 tháng tuổi cho mẹ đi làm đấy".
Đó có lẽ là quãng thời gian thanh thản nhất của Nguyễn Huy Thiệp, khi con trai út của ông trở về từ những trại cai nghiện, chí thú làm ăn, cưới vợ sinh con, ông "rửa tay gác kiếm" với văn chương cực nhọc, ngày ngày chăm các cháu, đưa đón cháu đi học và học đạo.
Quán cà phê trên phố Hàng Hành ông ít ghé hơn, có đến cũng lại mau chóng cưỡi xe đạp điện về nhà để kịp giờ đón cháu.
Bây giờ, nhà văn lẫy lừng của văn đàn Việt Nam suốt hơn 30 năm qua nằm đó "lòng buồn không tả nổi". Những bạn bè thương quý tới thăm ông cũng vậy.
Một năm bất thường của nhân loại sắp qua…
Thiên Điểu
https://tuoitre.vn/toi-da-doc-nhung-cau-tho-co-le-cuoi-cung-cua-nha-van-nguyen-huy-thiep-20210209201652272.htm
CẬP NHẬT
21. Một bài viết được nhiều người khen, mình thì thấy bình thường
"
Rồi sông đãi hết anh hùng còn chi
21/03/2021 | 10:43
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp |
Nguyễn Huy Thiệp trút hơi thở cuối cùng lúc 16g30 chiều 20/3 - theo thông báo của người bạn già thân thiết "Bát Phố" Nguyễn Bảo Sinh, trong một chiều xuân u ám, mưa nặng hạt, miền Bắc vừa qua tiết Kinh trập.
Chưa bao giờ có một người tài năng chói loà, được yêu mến như thế, lại được người thân và người ngưỡng mộ, yêu quý mong cho được ra đi, được giải thoát như thế.
Ông bị "Trời hành" lâu quá, bắt chịu nhiều nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần quá. Có lẽ câu "Tài tình chi lắm cho trời đất ghen" của Nguyễn Du ám vào Nguyễn Huy Thiệp là chính xác một cách đắng cay.
Một tài năng mạnh mẽ và áp đặt
Có lẽ, không cần phải nhắc lại về sự xuất hiện kỳ lạ và huy hoàng của Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn trong tròn một thập niên 1986-1995.
Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Muối của rừng, Con gái Thuỷ Thần, Không có vua, Sang Sông, Những bài học nông thôn, Huyền thoại phố phường, Giọt máu... những truyện ngắn mà chỉ cần gọi tên lên, đã mở ra cả một vùng trời của trí tưởng tượng phóng khoáng vô biên, của tình yêu đồng loại, trên một cái nền hiện thực ngổn ngang.
Bị văn tài cuồn cuộn của Nguyễn Huy Thiệp cuốn đi, độc giả sung sướng nhận ra mình có một tình yêu hoá ra không quá nhạt nhẽo với tiếng Việt và mảnh đất chôn nhau cắt rốn, còn các học giả cúi đầu giương mục kỉnh tầm chương trích cú trong một thoáng quên mất Huyền Thoại phố phường chính là cốt truyện Con Đầm Píc, Không có Vua mượn một cách thản nhiên và đầy biến ảo Anh em Karamazov, trong khi rất nhiều truyện ngắn khác cố tình mang một giọng văn giả Tàu trong những câu chuyện rất Tây. Họ chỉ bình tĩnh lại khi bị Nguyễn Huy Thiệp cuốn đi rất rất xa, khi ông để nhân vật buông ra những triết lý cố tình sống sượng nhưng lại đúng như một tiên đề, không thể tranh cãi
"Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân”. (Những bài học Nông thôn)
Thế giới của Nguyễn Huy Thiệp mở ra mênh mông từ những thung lũng hoang vu miền sơn cước "Những ngọn gió Hua Tát", "Muối của Rừng", đến những ngọn sóng bên kia đại dương "Con gái Thuỷ Thần", "Chuyện tình kể trong đêm mưa", từ trong những định kiến của lịch sử - bộ ba "Vàng Lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc" đến những nhốn nháo mưu sinh thường nhật ở Kẻ Chợ vỉa hè cuối thế kỷ 20 (Huyền thoại phố phường, Không có Vua), từ một mái tranh nghèo dưới cây nhội gai phơ phất mưa xuân có hai mẹ con người đàn bà cô quả đang tựa vào nhau sống nhẫn nại nhưng ngoan cường (Đời thế mà vui) đến dinh cơ tuổi già nơi ông tướng về hưu đang sống nốt những ngày cuối trong sự hoang mang đầy bỡ ngỡ với đời thường, giữa những người thân mà hơn 70 tuổi ông mới bắt đầu khám phá (Tướng về hưu)...
Hơn 40 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ra đời đều đặn trong khoảng 10 năm, giờ đây, với độ lùi thời gian, có thể nói mà không hề sợ quá lời, đều gần như là kiệt tác, kiệt tác của một thiên tài cô đơn.
Nếu tính số ngôn ngữ mà tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch ra trên thế giới (hơn 20 thứ tiếng), cũng như số lượng công trình nghiên cứu, luận án, bài báo, bài tham luận khoa học,các cuộc toạ đàm, bút chiến... về tác phẩm, văn đàn Việt Nam hiện đại không nhà văn nào có thể so với Nguyễn Huy Thiệp
Nhưng đó vẫn chưa phải là chỉ dấu của một thiên tài. Nguyễn Huy Thiệp cao hơn và cô đơn đứng một mình, còn vì đọc văn ông, ai cũng bị hút vào, dù yêu hay ghét, dù sao đó cố ý hay vô thức bắt chước, hoặc ngược lại viết những bài phê bình đao búa hay biên những tiểu phẩm giễu nhại, tất cả đều nằm trong một "trường ảnh hưởng" Nguyễn Huy Thiệp, chúng ở ngoài , không chạm vào tác phẩm, chúng khiến Nguyễn Huy Thiệp được nhân bản, được nhìn qua nhiều lăng kính, chúng "huyền thoại hoá" cả Thiệp lẫn văn ông, nhưng không phải là ông . Ông đã "trốn" đi đâu đó rồi, chỉ còn lại hình hài nhà văn, quê mùa, hiền lành và nhẫn nhịn ngồi đó, trong quán ăn mang tên ông, trong phòng tranh mang tên ông, trong những buổi toạ đàm đầy tính salon về những tác phẩm gai góc đến sắc ngọt đau đớn của ông.
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen
"Tôi xin nhắc lại: nghề văn là một nghề thổ tả! Ðể viết thật chân thực anh phải giày vò, anh phải đớn đau. Cả tình yêu của một người đàn bà, lẫn tiếng tăm, tiền bạc cũng không thể an ủi anh được, chẳng như hồi mới viết tôi cứ ngây thơ tưởng vậy. Nhưng đó là số phận của tôi".
Nguyễn Huy Thiệp nói thế trong buổi giao lưu tại nhà sách Le Phénix, Paris 10/4/2002.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn tại Đại hội Nhà văn năm 1995. |
Trả lời phỏng vấn riêng của nhà thơ Phạm Tường Vân, Nguyễn Huy Thiệp nói: "Viết văn là đạo, đó là một con đường khốc liệt. Để được, thì phải mất. Điều kinh khủng là nhiều khi cái giá phải trả ấy lại không rơi vào mình mà người hứng chịu là người thân của mình. Có những thứ không thể nói ra được. Nhưng quá đắng cay...".
Những đắng cay mà Nguyễn Huy Thiệp phải trải như một sự ngã giá với thiên tài mà ông được Trời ban, dù ông không thể trải lòng, chỉ có thể gửi gắm phần nhỏ qua tiểu thuyết đầy khiên cưỡng và tội nghiệp "Tuổi hai mươi yêu dấu", đã bị truyền thông khai thác đến quá mức mấy năm qua chỉ khiến cho sự đau đớn trở nên tê dại. Đau quá thì không còn biết đau nữa.
Ông đau, người thân đau. Nhưng độc giả thì được thật nhiều. Bỏ qua kịch gượng ép và tiểu thuyết vụng về khiên cưỡng, bỏ qua những tranh và gốm mang tính kỷ niệm, hội hè, chỉ với 40 truyện ngắn đã công bố của Nguyễn Huy Thiệp, văn đàn Việt Nam thế kỷ 20 có thể tự hào vì ông, ngọn núi sừng sững cô đơn, đợi những cơn gió hoang vu thổi ngược lên từ thung lũng Hua Tát, hay tiếng hát vọng về từ rất xa, rất xưa, thời Nguyễn Du phong phanh áo mỏng thất thần giữa phố phường Thăng Long.
Lạ nữa và cuốn hút mạnh nữa là văn của ông, đọc lần đầu thì có vẻ phũ và nghiệt, đọc lại vẫn thấy lạnh, nhưng càng đọc càng thấy ấm áp và nhân hậu. Ông yêu con người, đặc biệt là phụ nữ. Có lẽ vì ông cũng đã nhận đủ yêu thương từ con người, nên ông nhìn mọi sinh linh đều đáng sống, từ con khỉ trong Muối của Rừng đến lão Kiền trong Không có vua, mọi người phụ nữ đều đẹp và nồng nàn, từ nàng Vinh Hoa toả mùi hoa sữa đến cô Sinh về làm dâu nhà có 6 đực rựa. Nguyễn Huy Thiệp không tả lớp người "dưới đáy" kiểu nhìn xuống, nhìn ngang hay nhìn lên. Ông là một phần của cuộc sống ấy.
Bắt đầu viết từ năm 36 tuổi, ngưng ở tuổi 50, 21 đầu sách in tại Pháp và nhiều không nhớ hết ở các ngôn ngữ khác: Đức, Ý, Anh, Nhật, Hàn... Một đời văn như vậy cũng là khát khao của biết bao người. Nhưng hỏi họ liệu có dám đổi những đắng cay của ông thì chắc là không ai dám.
"
https://ngaynay.vn/roi-song-dai-het-anh-hung-con-chi-post105112.html?fbclid=IwAR1NcnCLMUzbsk_vZqJhy3ctwbdkVPBnIsRsYiZAolFjsEckb5O5t7wu8MI
20.
Vanvn- Vào lúc 10h30 sáng nay, ngày 24.3.2021, tức ngày 12 tháng 2 năm Tân Sửu, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đã diễn ra trang trọng nghi lễ tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về cõi vĩnh hằng do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp gia đình tổ chức. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội, Trưởng ban lễ tang đã đọc điếu văn vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong niềm xúc động tiếc thương khôn nguôi về một tài năng kiệt xuất của nền văn học Việt Nam. Sau đây là toàn văn điếu văn.
BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
*****
ĐIẾU VĂN ĐỌC TẠI TANG LỄ NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP
Vào hồi 16h45 phút, ngày 20 tháng 3 năm 2021 (tức ngày 08 tháng 02 năm Tân Sửu), nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng đi về cõi vĩnh hằng. Trên tất cả các báo chính thống và mạng xã hội ngập tràn thông tin về sự ra đi của ông cùng những đánh giá về vị trí của ông trên văn đàn nước Việt, ngập tràn lời chia buồn và tiếc thương. Chỉ điều ấy thôi đã nói lên ảnh hưởng lớn lao của ông trong đời sống văn học và đời sống xã hội nước nhà.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội rồi đi dạy học hơn 10 năm ở một vùng núi phía Bắc. Sau đó ông trở về Hà Nội và chính thức bước vào con đường của một nhà văn.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn. Nhưng khi “Những ngọn gió Hua Tát” và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên. Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại.
Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật.
Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người.
Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người.
Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.
Chỉ khi mang nỗi đau đớn tận cùng về con người, ông mới có thể viết những thiên truyện buốt lạnh đến rùng mình. Sự buốt lạnh đến rùng mình ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri. Có lẽ lúc đó, đối với ông, nước mắt than khóc hay những lời an ủi hão huyền chỉ là sự phù phiếm đối với một nhà văn khi nghĩ về, và khi nói về đồng loại của mình.
Đọc những thiên truyện của ông, người đọc nhiều khi mang cảm giác kinh hãi, kinh hãi bởi họ nhận ra những vùng tăm tối đầy man dại còn đâu đó trong chính con người họ. Để từ đó, họ được thức tỉnh và biết hành động để phục sinh nhân tính của mình. Chính thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói : “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng”.
Đấy là bản tuyên ngôn của ông về sứ mệnh người cầm bút. Và ông đã đi trên con đường ấy từ khi cầm bút cho tới khi giã từ cuộc sống thế gian mà không hề nao núng, không hề đổi thay cho dù trên con đường ấy quá nhiều chông gai, quá nhiều thách thức cùng biết bao mê dụ. Ông khắc nghiệt với con người bởi ông yêu con người. Ông chống lại sự đồi bại của con người để bảo vệ chính con người.
Nhưng trong các truyện ngắn của ông, có một dòng chảy lớn mang tinh thần thi ca với những vẻ đẹp huy hoàng trùm lên những số phận thấp hèn, bất trắc trong Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần… Dòng chảy kỳ vĩ đó làm cho con người thấy ấm áp, thấy yêu thương và thấy được những giấc mơ làm người đẹp đẽ của mình trong mọi hoàn cảnh. Ông thực sự mang đến cho văn xuôi Việt Nam đương đại một giọng nói khác biệt và đặc biệt với ngôn ngữ tinh xảo, kỳ lạ, ám ảnh và đầy bí ẩn.
Trong cuộc sống đời thường, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường. Ông im lặng trước mọi khen chê, mọi đố kị, mọi khiêu khích thậm chí cả những khiêu khích trong chính lúc này và cả những đe dọa. Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để khỏi ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông phóng chiếu một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu nó, giải phẫu nó, phán xử nó để cuối cùng được yêu thương nó.
Với những gì ông đã viết cho cuộc đời này, ông đã được nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), Giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Nhưng giải thưởng lớn nhất cho những sáng tạo của ông chính là bạn đọc. Họ đã trao huân chương cho ông bằng chính trái tim mình.
Chúng ta nói về ông lúc này khi ông đã không còn ở chốn trần gian không phải để tôn vinh hay ngợi ca ông, bởi ở chốn vĩnh hằng kia không bao giờ xuất hiện khái niệm tôn vinh hay ngợi ca. Bởi chỉ những văn bản nghệ thuật mà ông làm ra mới có thể minh chứng ông, bảo vệ ông giữa muôn vàn náo loạn. Chúng ta nói về ông lúc này là để nói với chính chúng ta, về sự dấn thân, về lương tâm và lòng quả cảm của một người cầm bút.
Và lúc này chúng ta nghe, những ngọn gió ngân vang
Trên những ngọn núi, những cánh rừng Hua Tát
Cùng tiếng rì rầm mãnh liệt của những dòng sông
Chảy qua đêm tối về biển cả không gì ngăn được
Đâu đấy trên những cánh đồng nhớ thương hoàng hôn đau đớn
Một đám mây mang tên Nguyễn Huy Thiệp
Thả xuống những cơn mưa của tự do và lấp lánh
Trong dội vang tiếng sấm dọc chân trời
Lúc này trong những ngôi nhà nhỏ bé và mờ tối, những nhân vật của ông
Đang thắp những ngọn nến và cất lời cầu nguyện
Ông đã từng bước vào những ngôi nhà trong đêm đầy gió
Với đau khổ, yêu thương đến bầm nát tim mình
Hãy thanh thản ra đi, Nguyễn Huy Thiệp, hỡi chàng hiệp sỹ
Cùng thanh gươm ngôn từ hắt sáng ban mai
Những cánh đồng đang dâng hương như mùa xuân thứ nhất
Trên mỗi dấu chân chàng một ký tự sinh ra
Xin vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp!
(Viết xong lúc 6h43 phút sáng ngày 24.3.2021 tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội)
https://vanvn.vn/dieu-van-vinh-biet-nha-van-nguyen-huy-thiep/?fbclid=IwAR1yYWJsWlKoV2kzhpzGpnn2mAm4ev2bKxsOClm8qI5wjjDj9gxZ9WuNH-4
19.
Nguyễn Văn Thọ
Một chiều xuân năm 1987, Nguyễn Huy Thiệp cùng chúng tôi vào quán thịt chó ăn mừng “Chảy đi sông ơi” vừa được in trên báo.
Nguyễn Huy Thiệp và họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng, bạn rất thân của ông, đến cơ quan tôi - Tổng công ty Muối ở số 7 Hàng Gà - rủ "đi ăn mừng Chảy đi sông ơi". Nhuận bút còm 200 đồng, bằng 10 bát phở, tụi tôi quyết định chọn quán thịt chó góc Hàng Gà - Hàng Phèn, vừa bổ dưỡng vừa rẻ tiền.
"Hai nhăm triệu? Mất là ông đi tù đấy!", Nguyễn Huy Thiệp kêu lên. Cả ba co cẳng chạy hộc tốc lại quán thịt chó.
Thật may, chiếc cặp vẫn nằm nơi góc bàn. Tôi và Thiệp thở hổn hển mở cặp, những buộc tiền 5.000 đồng đổ òa ra. Thiệp cười khi cả ba vẫn chưa hết mệt, nói: "hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt nhé".
"Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt" ra đời hơn hai năm sau, là một trong những truyện ngắn buồn của Nguyễn Huy Thiệp.
Nguyễn Huy Thiệp mới mất. Không hiểu sao buổi trưa ấy cứ hiện ra trong đầu tôi. Ba khuôn mặt gầy gò, đói nhàu, vừa được dăm đồng nhuận bút còm cho hơi hồng mặt, thì tý nữa tôi gặp cái đại hạn nếu làm mất tiền.
Chao ôi người bạn tôi, văn tài ấy - nhà văn viết cả một chuỗi dài 35 năm nay, tạo ra nhiều trước tác như vệt sét xé ngang nền văn học nước Nam này, in khắp nơi trên địa cầu này, vẫn lúng túng đến tận cuối đời về đồng tiền bát gạo.
Tác phẩm của ông in Đông, in Tây, trong Nam ngoài Bắc và ra thế giới, vậy mà tác giả chưa bao giờ được nhuận bút đủ xông xênh để an nhàn ngồi viết. Tài năng ấy từ bàn tay chai sạn từng làm nhiều nghề để sống. Hết đi buôn giấy lậu lại mở quán ăn, cho tới tận khi bán một phần đất hương hỏa của cha ông xây nhà cho hai con, ông vẫn đăm đắm về tiền chữa bệnh. Tài khoản lúc đột quỵ lần hai chỉ còn 9 triệu đồng.
Vài lần tâm sự với tôi, ông bảo, làm văn sĩ không được tách rời cuộc sống. Tức là không hoang tưởng, tỉnh táo mà bám sát cái "chân" của thực thể khách quan. Còn một điều lớn khác ông ít bàn tới, chính là hồn cốt riêng của mỗi người làm nghệ thuật.
Cốt cách ấy của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đúng lúc nền văn chương đã nhạt nhòa.
Đất nước những năm cuối thập kỷ 80 trong không khí ngưng trệ và bức bách của đời sống hậu chiến, nhiều người mong mỏi luồng gió mới cả về kinh tế và trong văn học nghệ thuật. Một thời gian dài, văn nghệ sĩ vẫn là dàn đồng ca mà các "giọng hát" từa tựa nhau. Cá tính, bản sắc riêng của nhà văn bị chìm lấp. Văn chương cũng đa số là một chiều, một giọng.
Khi ấy, Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện lần đầu cùng lớp Phùng Gia Lộc, Phạm Thị Hoài. Và, đến tận bây giờ, nếu che tên ông đi, người ta vẫn nhận ra tác giả.
Những câu văn rất ngắn. Đối thoại chát chúa, súc tích, đắt từng từ. Các câu chuyện được diễn ngôn một cách thần kỳ. Ngôn ngữ trần trụi, chợ búa, đời thường được chọn lọc đặt đúng chỗ lên trang giấy. Đôi mắt ông rất sáng, giọng điệu trong từng tác phẩm cũng không thể lẫn vào ai.
Sự khác biệt về giọng điệu không chỉ là hình thức. Nhiều vấn đề của thời cuộc đã định vị Nguyễn Huy Thiệp tách biệt hẳn với "dàn đồng ca" trước đó. Ông lặn sâu xuống tầng đáy của xã hội bức bối và ngột ngạt, nơi cuộc sống trầm luân của nông dân, thợ thuyền, trí thức, binh sĩ còn chua chát, nhiều giá trị băng hoại. Chùm truyện: Những ngọn gió Hua Tát, Tướng về hưu, Muối của rừng, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Chảy đi sông ơi... trong sự đào xới ấy.
Thiệp đi ngược lịch sử, mượn cớ cả ở thượng tầng kiến trúc, vẽ ra ba vệt lớn: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, kêu gọi sự nhìn nhận xã hội, con người không được một chiều. Cũng như thế, ở mảng các nhân vật ước lệ, mượn cớ Trương Chi, Nguyễn Du, Đề Thám... trong huyền tích xưa đề cao cốt lõi nhân văn, cần sự trung thực của con người.
Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng sâu sắc từ triết học Phật giáo. Mặt khác, ông thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt nằm sâu trong nhân quần lao khổ, bởi ông dầm mình cùng những giai tầng cặn đáy của xã hội trong cuộc đời cũng lận đận, ba chìm bảy nổi của mình. Hết dạy học ở miền núi, tự làm nương phát rẫy trên rẻo cao, đến buôn bán dọc ngang thời bao cấp. Rồi cuối cùng, chôn mình ở xóm Cò, Khương Hạ, Khương Đình, Hà Nội, tìm cứu rỗi trong sự viết.
Ông cổ vũ cho Đạo sống, lên án cái lố lăng, đạo đức giả. Nguyễn Huy Thiệp đã làm nên sự ám ảnh cho người đọc, sự thử thách các cây bút đương đại mà khó nhà văn nào sánh được.
Tâm sự với tôi - bạn văn vừa tròn 35 năm, ông không chối từ rằng "mình gặp thời". Thời đất nước cần ông, văn học nghệ thuật cần đổi mới, cần diện mạo riêng về cả thi pháp lẫn góc nhìn tỉnh táo khác biệt.
Một căn tính đặc biệt trong văn chương, tôi tự hỏi, phải chăng là Trời cho hay vì lao động không ngơi nghỉ đã mài cái tinh túy lộ ra. Nhưng tôi biết chắc chắn, sự xuất chúng của ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp đã chảy ra từ trái tim yêu thương tha thiết con người.
Nguyễn Huy Thiệp đi rồi. Một ngôi sao đã tắt trên bầu trời văn học Việt và không biết khi nào chúng ta lại có một ngôi sao sáng khác.
Những viên ngọc sáng không thể lẫn vào trăm ngàn đá cuội. Nếu hôm nay, chúng ta không kiến tạo được một không gian - trong đó có nền văn chương - khuyến khích các tiếng nói khác biệt, đó là sự mất mát lớn cho một xã hội đang ra rả trọng hiền tài.
Nguyễn Văn Thọ
https://vnexpress.net/nguoi-la-giua-dan-dong-ca-4252903.html#box_comment
18.
TTO - Sáng nay 24-3, giới văn nghệ và bạn đọc ái mộ mọi miền cùng về lại Nhà tang lễ quốc gia, cúi mình tiễn biệt một văn tài kỳ lạ và hiếm hoi của văn đàn Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20.
“Văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người. Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó là con người đau đớn đến mức tưởng không thể chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên… Sự buốt lạnh ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri”, ông Thiều xúc động nói.
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đọc điếu văn tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Video: MAI THƯƠNG
Bố không mất
Họa sĩ Nguyễn Phan Bách - trưởng nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - nghẹn ngào nói những lời sau cuối trước vong linh bố và người thân, bạn bè cùng độc giả mến mộ nhà văn.
"Bố chúng tôi là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thuận theo lẽ vô thường của tạo hoá là sinh - lão - bệnh - tử . Ông đã dừng chân, rời bỏ cõi tạm ở tuổi 72. Ông không mất đi mà dòng máu của ông sẽ còn chảy mãi trong huyết quản của anh em chúng tôi những người con cháu của ông. Ông sẽ còn đó trong những ký ức, những kỷ niệm của bạn bè và đồng nghiệp.
Tư tưởng, tinh thần của ông sẽ vẫn còn mãi trong những tác phẩm của ông đối với toàn thể những người yêu văn học Việt Nam và quốc tế", họa sĩ Nguyễn Phan Bách rưng rưng xúc động và không giấu niềm tự hào về người cha tài năng của mình.
Trưởng nam của nhà văn cảm tạ những ân tình nồng hậu và tình yêu vô bờ của đông đảo bạn bè và bạn đọc khắp trong và ngoài nước đã dành cho bố mình, đặc biệt là trong vài ngày qua kể từ khi nhà văn ra đi, cũng như trong 1 năm nhà văn đổ bệnh.
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một sự mất mát không gì bù đắp với gia đình, nhưng họa sĩ Nguyễn Phan Bách nói ông và gia đình "thực sự ấm lòng khi được đón nhận sự thăm hỏi, chia sẻ động viên" từ mọi người và sẽ "khắc cốt ghi tâm".
Lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều người giới văn nghệ sĩ từ nhà văn, hoạ sĩ, giới sân khấu điện ảnh, giới xuất bản, đông đảo bạn đọc cùng đại sứ Pháp tại Việt Nam, đại diện Viện Pháp tại Hà Nội cũng đến viếng.
Ông Nicolas Warnery - đại sứ Pháp tại Việt Nam - cho biết đây là lần đầu tiên ông đến viếng một nhà văn Việt Nam vừa qua đời và ông vô cùng xúc động chứng kiến tình cảm của bạn đọc dành cho nhà văn này: "Tôi đang nhìn thấy những nhà văn lớn của nhà văn Việt Nam đang có mặt ở đây. Nhà văn có mất đi, thì tác phẩm của họ còn mãi với bạn đọc" - ông nói.
Ông Nicolas Warnery nói ông đã đọc 2 tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bằng tiếng Pháp là Tướng về hưu và Chuyện tình kể trong đêm mưa. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được bạn đọc Pháp rất yêu thích. Ở Pháp, nói đến văn học Việt Nam là nói đến Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp.
Đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Bảo Ninh nói sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp là một tổn thất lớn mà đến nay người đời còn chưa nhận ra đầy đủ mức độ.
“Viết được như ông ấy khó lắm. Đôi khi đất nước bỗng nhiên có một nhà văn như thế - tác giả Nỗi buồn chiến tranh đánh gia cao văn tài của đồng nghiệp. Ông bày tỏ hi vọng: biết đâu ngày mai Việt Nam lại có một nhà văn ngang tầm thế.”
Nhưng rồi Bảo Ninh lắc đầu thể hiện sự lo ngại rằng sẽ khó mà có một văn tài kỳ lạ như Nguyễn Huy Thiệp trong một tương lai gần. Bảo Ninh bày tỏ mong muốn các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp sẽ được đưa vào trường học để “lớp trẻ biết thế nào là văn chương của thời đại mới”.
Xúc động đến tiễn đưa tác giả Tướng về hưu, nhà văn Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - dành những lời trân trọng cho bậc đàn anh trong nghề. Ông nói Nguyễn Huy Thiệp là “của hiếm của văn học Việt Nam, một trường hợp văn chương đầy ngoạn mục!”.
Nhìn dòng người đủ giới đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sáng nay, ông Phương nói rưng rưng “đó là tấm lòng của dân tộc này dành cho văn học tử tế, nhìn vào đó người ta thấy được giá trị của văn học tử tế lớn thế nào trong lòng nhân dân”.
Trong dòng người nối dài đi viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà báo Yên Ba với tư cách là một bạn đọc nói ông rất kính trọng tác giả Không có vua ở khía cạnh ông là một nhà văn “có nỗi đau đời về những người khốn khó, một nhà văn của những người cùng khổ và của kiếp nhân sinh”.
“Chính cách nhìn về sự tha hóa của con người và thể hiện nó một cách rất độc đáo trong văn chương làm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đạt tầm vóc lớn. Ông là một điểm son rực rỡ trong nền văn chương việt Nam trong vài thập kỷ cuối thế kỷ 20 vắt sang đầu thế kỷ 21”, nhà báo Yên Ba nói.
Từng có thời gian gần gũi với nhà Nguyễn Huy Thiệp khi làm phim Thương nhớ đồng quê được chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói những gì mà Nguyễn Huy Thiệp để lại là vĩnh cửu, sẽ còn mãi mãi trong lòng nhân dân.
Nguyễn Huy Thiệp ra đi trong một ngày mưa xuân u ám của Hà Nội, nhưng ngày tiễn đưa ông về miền cực lạc lại là một ngày đẹp trời.
Lễ viếng nhà văn được tổ chức từ 9h15, sau đó ông sẽ được đưa về một nghĩa trang nhỏ tại huyện Đông Anh, nơi có người vợ hiền của ông vừa sang nằm trước đợi ông về.
Lễ tang trang trọng do Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình tổ chức. Ông Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói việc đứng ra cũng gia đình tổ chức đám tang trang trọng, xứng đáng với tầm vóc lớn lao của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chính là vinh dự của hội.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều là người viết và đọc điếu văn cho Nguyễn Huy Thiệp. Ông Thiệp coi đây là một mối duyên đẹp của ông và tác giả Tướng về hưu.
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một sự mất mát không gì bù đắp với gia đình, nhưng họa sĩ Nguyễn Phan Bách - con trai cả của Nguyễn Huy Thiệp - nói ông và gia đình "thực sự ấm lòng khi được đón nhận sự thăm hỏi, chia sẻ động viên" từ mọi người và sẽ "khắc cốt ghi tâm".
Trong một năm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nằm bệnh, bạn bè và người yêu văn chương cũng đã rất xúc động trước sự chăm sóc tận tình của hai người con trai nhà văn dành cho cha mình.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h44 ngày 20-3 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi, sau một năm cùng vợ con chống chọi với những lần tai biến liên tiếp.
Trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp, ông đã có 10 năm là một thầy giáo ở miền núi phía Bắc. Đó là 10 năm ông "úp mặt vào núi mà đọc sách".
Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ năm 1986, khi ông 36 tuổi. Ngay lập tức, ông trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận văn chương sôi nổi lúc bấy giờ và kéo dài mãi về sau bởi một giọng văn "phũ", dám đi đến tận cùng cái ác của con người để mà tiêu trừ nó.
Tên tuổi của ông gắn liền với các truyện ngắn như Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Những ngọn gió Hua Tát, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, Quan âm chỉ lộ, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…
Ngoài ra, ông còn viết tiểu thuyết, kịch bản, thơ, tiểu luận. Nhưng thành công hơn cả vẫn là truyện ngắn. Ông được gọi là "vua truyện ngắn" Việt Nam.
Ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản gồm: Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu. Ông còn có một bản thảo tiểu thuyết nữa chưa được xuất bản.
Ông là một trong số không nhiều những nhà văn Việt Nam được dịch nhiều ra thế giới. Riêng ở Pháp đã dịch 9 cuốn sách của ông.
Từ hơn chục năm nay, ông hầu như gác bút, vui tuổi già với con cháu.
Ông nhận được một số giải thưởng văn chương quốc tế như Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), Giải Nonino Risit d’Âur (giải thưởng Premio Nonino của Ý năm 2008).
Nhưng đến nay tác giả Tướng về hưu vẫn chưa có giải thưởng trong nước nào. Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương nói đây là món nợ lớn của Hội Nhà văn Việt Nam với Nguyễn Huy Thiệp.
Ông hiện đang được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật với hai tác phẩm là truyện ngắn Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát.
https://tuoitre.vn/van-nhan-ban-doc-tien-dua-nha-van-nguyen-huy-thiep-20210324064823343.htm
17. Sáng 24/3/2021, bác TMH đưa tư liệu hay
"
"
https://www.facebook.com/tran.manhhao.376/posts/2975024299436421
16. Sáng 24/3/2021
"
"
https://www.facebook.com/groups/136513926973822/permalink/771826466775895
"
Nguyễn Hưng Quốc cùng với Tuan Nguyen.
"
https://www.facebook.com/hungquoc.nguyen.771/posts/3015270152082610
15. Chiều 23/3/2021
"
"
https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/2018107465023190
14. Bài từ 2003 của Nguyễn Hoàng Đức
- "Tướng về hưu" anh viết có dựa trên cốt chuyện thật nào không?
- Anh đã từng viết tiểu thuyết chưa ?
- Anh viết bằng một mặc cảm người bị điều lên công tác miền núi, xứ khỉ ho cò gáy, sau là mặc cảm quê mùa, sau nữa là mặc cảm tiểu thị dân ở ven đô.
- Anh viết bằng một sự mẫn cảm, một cẩn trọng, một run rẩy hiếm có. Mỗi truyện ngắn có thể viết trong vài tháng. Truyện "Sang sông", theo anh nói, viết khá nhanh đã phải mất hàng tuần.
© 2003 talawas
13b. Ghi bổ sung (chép ngày 28/3/2021)
"
"
https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10222398509450418
13. Đọc lại cụ Trương Chính viết từ rất lâu rồi
22 THÁNG 11 2017
Tướng về hưu, truyện ngắn đầu tay của anh, vừa in trên báo đã được nhiều người chú ý. Ai cũng chờ anh viết tiếp. Thế rồi Muối của rừng, Kiếm sắc, Vàng lửa… xuất hiện. Đến Phẩm tiết thì vấp. Có người nói đến chữ “tâm” chữ “tài”. Hẵng khoan. Có hơn mười truyện của anh tập hợp lại đây (Những ngọn gió Hua Tát, Nxb. Văn hóa, 1989), thử nhìn xem sao.
***
Truyện của Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn thật. Đã không đọc thì thôi, đọc thì phải đọc hết, không muốn bỏ đoạn nào. Đọc một lần, đọc hai lần, vẫn còn sợ sót chi tiết nào đó, lơ đãng mà nhảy qua. Người ta nói: Văn hay là thứ văn chịu sự đọc lại. Thế thì văn Nguyễn Huy Thiệp đạt tiêu chuẩn ấy rồi!
Có một nhận xét chung. Anh bước vào làng văn mà hình như không muốn “làm văn chương”. Anh chỉ viết những điều anh muốn nói, chỉ ghi chép những điều anh suy nghĩ, những điều mắt thấy tai nghe một cách trung thực, hồn nhiên. Chúng ta đến với anh không sợ bị lừa. Người sống với văn chương thường sợ văn chương, sợ sự nhàm chán của văn chương, sự giả dối của văn chương. Verlaine từng hô hoán: “Văn chương, hãy vặn cổ nó đi!” (Littérature, tords lui le cou!). Văn chương Nguyễn Huy Thiệp không mắc cái tệ ấy.
Hẵng xem từng mảng một, bắt đầu từ mảng dân gian: Những ngọn gió Hua Tát. Cuộc đời dun dủi đưa anh đến một bản nhỏ người Thái đen. Dân ở đó kể cho anh nghe một số chuyện cổ; anh đem kể lại với chúng ta, như những người sưu tầm văn học dân gian kể chuyện cổ Chàm, Tây Nguyên, Tây Bắc. Có khác là anh không sa đà vào chi tiết, không để chi tiết che lấp ý nghĩa của chuyện. Anh tỉa bớt cành lá rườm rà, để lại cái lõi. Tưởng như thế thì khô khan, nhưng không! Hiệu quả ngược lại, chúng ta càng thấm thía lời anh nói lúc vào đề: “Những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt, đạo đức, lòng cao thượng, tính người”. Thật ra, những chuyện anh kể cũng cũng giống chuyện cổ các dân tộc ít người khác mà các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được bao lâu nay, nhưng hoặc vì họ ham chi tiết, hoặc vì họ muốn “làm văn chương”, thành ra dài dòng, lê thê, muốn tìm cho ra ý nghĩa, nhiều khi mất công quá. Đằng này, anh kể ngắn gọn, mỗi truyện một hai trang là cùng. Ý nghĩa dù ẩn sâu ở trong cũng dễ nhìn thấy. Chúng ta có cảm tưởng như nhặt được từng vụn vàng cốm, không phải đãi đất cát. Chúng ta cũng có thể kể chuyện cổ của người Kinh hay người Thượng như Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện cổ người Thái đen ở Hua Tát. Viết lại, không thêm tình tiết mới, nhân vật mới, biến cố mới, chỉ lựa chọn, tước bỏ, tô đậm, làm mờ nhạt, nâng cao những cái có sẵn, làm nổi bật những tư tưởng phù hợp với thời nay, “vắt lấy ý nghĩa từ sự kiện” (Gorki) sẽ được như Nguyễn Huy Thiệp với Những ngọn gió Hua Tát. Rõ rang, anh không “làm văn chương” mà đạt được hiệu quả của văn chương.
Mảng hồi ức, kỷ niệm, có cái “tôi” trữ tình, thì bút pháp của anh mềm mại, nhuần nhị. Những chuyện thời niên thiếu để dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn trẻ thơ của anh là những chuyện ly kỳ, quái đản, gần với huyền thoại. Chuyện “con trâu đen” nửa đêm từ dưới đáy sông lao lên mặt nước, toàn thân bóng nhẫy, đôi sừng vút cao, mõm thở phì phì, phi trên mặt nước như phi trên cạn, nước dãi tựa như trứng cá, ai may hớp được có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá (Chảy đi sông ơi!). Chuyện “mẹ cả”, một chuyện ma như hồi còn nhỏ ai cũng từng nghe kể (Con gái thủy thần). Rồi chuyện đánh cá mòi, chuyện những người đánh cá có lệ không cứu người chết đuối, chuyện vật nhau, đánh nhau, chuyện tìm ra sự thật về “mẹ cả”, v.v. Về nghệ thuật hai truyện này, Nguyễn Huy Thiệp không trội hơn các nhà văn khác. Anh đi vào một mảng đề tài mấy lâu không ai khai thác, nên thấy lạ. Anh kể thành thực, hồn nhiên, ngây thơ. Nói anh không “làm văn chương” với ý nghĩa đó. Điều đáng ghi nhận là anh có nhiều cách viết khác nhau, tùy đề tài. Không phải chỉ có một.
Truyện Muối của rừng không phải hồi ức, kỷ niệm nữa. Anh kể chuyện người khác, chuyện ông Diểu săn khỉ. Cũng thuộc loại chuyện lạ, chuyện đường rừng, có nhiều đoạn ly kỳ, lý thú, gây hồi hộp rồi lại gây cười. Cuối cùng người đi săn mất cả súng ống, mất cả áo quần, trở về trần truồng như người nguyên thủy! Chuyện đường rừng xưa nay vẫn là đề tài hấp dẫn. Trước cách mạng, Thế Lữ, Lan Khai thường hay khai thác, bây giờ Nguyễn Huy Thiệp lại đi vào nẻo này. Chuyện hấp dẫn nhưng không có ý nghĩa nhiều như người ta tưởng. “Muối của rừng”, cái đầu đề ấy không mang ý nghĩa biểu trưng gì, chỉ là tên một loài hoa rừng, hoa tử huyền, cứ ba chục năm mới nở một lần, hoa màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm. Nguyễn Huy Thiệp dạy học ở Sơn La nhiều năm, chắc anh còn có nhiều chuyện như thế mà kể.
Nhưng mảng truyện đời thường của anh mới thật sự làm mọi người ngơ ngác. Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường, Không có vua, ba truyện cùng một bút pháp. Bút pháp ở đây là ghi chép, ghi chép thật khách quan. Truyện phản ánh tâm lý hai lớp người, hai thế hệ. Họ vẫn thương yêu nhau, kính trọng nhau, nhưng không hiểu nhau. Mâu thuẫn âm thầm nhưng gay gắt. Người này thì nghĩ đến lý tưởng, đến đạo đức, người kia thì điềm nhiên chạy theo cuộc sống; đạo đức, lý tưởng là chuyện xa xôi, viển vông; chỉ có cuộc sống thực tế trước mắt là thật, những đòi hỏi hàng ngày là hệ trọng.
Không có vua cũng bút pháp ấy. Cũng cảnh ngộ một gia đình ghi chép trong bảy mẩu: 1/ Gia cảnh; 2/ Buổi sáng; 3/ Ngày giỗ; 4/ Buổi chiều; 5/ Ngày Tết; 6/ Buổi tối; 7/ Ngày thường. Chọn bảy khoảnh khắc tiêu biểu của một cuộc sống trải dài.
Huyền thoại phố phường không ghi chép kiểu ấy nữa, nhưng trình bày dồn dập, chuyện xảy ra đột ngột, bất ngờ, chỉ trong nháy mắt, không theo logic bình thường, tưởng vô lý mà lại hợp lý.
Với ba truyện này, ngòi bút của anh lạnh lùng đến tàn nhẫn. Anh phản ánh cái tiêu cực, không đau xót, cũng không nhằm mua vui. Thấy thế nào, nghe thế nào, ghi lại thế ấy, một cách khách quan. Nói theo Stendhal định nghĩa về tiểu thuyết, đó là “một tấm gương đi dạo giữa phố phường” (un miroir qui se promène dans la rue) nó phản chiếu tất cả những gì nằm trong tầm của nó. Đã từ lâu, chúng ta quen đòi hỏi nhà văn phải tỏ thái độ khi phản ánh, tìm giải pháp cho những vấn đề đặt ra. Xem bệnh thì phải cho thuốc. Anh không làm như thế, có lẽ vì vậy mà người ta ngờ cái “tâm” anh chăng? Thật ra, anh không thể làm khác. Cũng như chúng ta, anh cảm thấy bất lực trước cảnh đạo đức xuống cấp nhanh chóng dường kia ở trong những gia đình khác nhau, từ thượng lưu (Huyền thoại phố phường), trí thức (Tướng về hưu), dân lao động (Không có vua). Dù anh có muốn làm một nhà “kỹ sư tâm hồn” thì cũng chỉ có thể chắp vào câu chuyện một cái đuôi giả mà thôi! Cho nên cuối Tướng về hưu, người con ghi chép hồn nhiên: “Vợ tôi tiếp tục công việc bình thường”, nghĩa là tiếp tục xay thai nhi nuôi chó béc-giê, “kinh doanh chó thu lợi lớn, khoản thu này trội nhất trong nhà”. “Tôi đã hoàn thành công trình nghiên cứu điện phân”. Anh ta chỉ ghi quên không ghi chuyện anh ta phải chiều bà vợ đảm đang ấy, về mọi mặt. Cái câu vợ anh ta nói vẫn còn văng vẳng bên tai: “Anh thôi hút thuốc Ga-lăng đi! Năm nay nhà mình hụt thu hai mươi bảy nghìn, chi lạm mười lăm nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn”, trong lúc đó, lương bác sĩ kỹ sư của vợ chồng anh ta cộng lại chỉ bằng phần tư số tiền ấy, đủ ăn mươi ngày là cùng! Việc nuôi chó béc-giê, anh ta làm ngơ đã đành, mà chuyện vợ anh ta ngoại tình với “cậu Khổng” nào đó, anh ta cũng làm ngơ nốt. Rồi anh ta lại “dắt xe máy ra đường lang thang khắp phố cho kỳ hết xăng”. Thế thôi. Đó là logic nghiệt ngã của cuộc sống.
Không có vua còn lạnh lùng, tàn nhẫn hơn nữa. Gia đình này vừa lao động trí óc, vừa lao động chân tay. Người không có đạo đức nhất lại là người có học hẳn hoi, “học đại học, làm việc ở Bộ Giáo dục”! “Không có vua” tức là không có tôn ty trên dưới, cha không ra cha, con không ra con, anh không ra anh, em không ra em. Cha con chửi nhau, anh em đánh lộn nhau. Bố chồng nhìn trộm con dâu tắm. Em trai đòi ngủ với chị dâu. Mất dạy nhất lại là cái anh “học đại học, làm việc ở Bộ Giáo dục” (!) Cha bị bệnh ung thư, nó mở miệng nói: “Ai đồng ý bố chết giơ tay! Tôi biểu quyết nhé!” Nhà này, khi mọi người đi làm vắng thì thôi, khi tụ họp lại là y như có chuyện. Họ ăn nói với nhau nghe rợn cả người! Nguyễn Huy Thiệp tô đen phải không? Không. Anh nói: “Xin đừng nghĩ tôi viết bịa như thật, bởi vì tôi viết rất thật” (“Gặp gỡ và trao đổi với Nguyễn Huy Thiệp”, Tạp chí Văn học, số 5-6/1988). Đó là chuyện đời thường, chuyện đầu đường góc phố. Chúng ta tránh, làm ngơ như không biết, không thấy, không nghe. Anh không tránh, không làm ngơ. Im lặng là có “tâm” hay nói lên là không có “tâm”?
Huyền thoại phố phường cũng ghê rợn không kém. Gia đình bà Thiệu là gia đình “thượng lưu”. Chồng làm việc ở nước ngoài, con trai du học, con gái học tiếng Anh cho qua thì giờ. Bà Thiệu từ “một bà bán ốc trở thành triệu phú buôn vàng”. Không biết họ làm ăn bất chính bất lương kiểu nào mà giàu có nhanh chóng đến thế? Ngày trước buôn bán, dù “nhất bản vạn lợi” cũng phải mươi, mười lăm năm mới nổi; ngày nay chỉ trong chốc lát. Họ coi đồng tiền như rác. Đi xích-lô cũng bạc nghìn, bằng tiền một công chức lương thiện nhận trong một tháng! Rất dễ biết tâm lý bọn người sống trên tiền bạc này. Hạnh, một tên lưu manh, nghèo mà nhiều tham vọng, muốn giàu nhanh, thành đạt nhanh (?) đã đoán trúng bệnh hai mẹ con bà Thiệu. “Hạnh thấy rõ ràng biểu hiện của thứ căn bệnh của người giàu: bệnh buồn chán. Tình trạng no đủ ngồi rồi đẻ ra bệnh ấy. Cả hai mẹ con đều thấy dấu hiệu của thứ tì vết hư hỏng đạo lý, thứ tì vết mơ hồ có thể cảm thấy mà khó diễn đạt bằng lời. Nó ở ánh mắt, nụ cười, ở ngay trong cách trang phục áo quần của họ”. Và hắn đã hành động, hành động một cách liều lĩnh, chớp nhoáng, đểu cáng, không ai đoán trước được. Hắn “nằm” với bà Thiệu ngay trên đi-văng, và bắt bà bảo cô con gái đưa cho hắn tấm vé xổ số mà bà đã dày công đi cầu thần phật phù hộ cho bà trúng độc đắc! Với tên lưu manh ấy, phạm tội như thế còn nhẹ. Hắn có thể nằm với bà Thiệu rồi nằm với cả cô con gái bà, hoặc có thể cầm dao đến dọa bà mà lấy của. Chuyện đời thường mà như “huyền thoại”! Nhưng là chuyện trong Nam ngoài Bắc, đăng nhan nhản trên báo Công an, An ninh. Nội dung các sách “vụ án” đều như thế đấy! Đạo đức xuống cấp, vàng bạc càng làm cho xuống cấp nhanh hơn, đưa đến những tấn bi hài kịch đau lòng. Đạo đức phong kiến hết vai trò, đạo đức xã hội chủ nghĩa chưa có nền tảng. Thế là “biến”! Phản ánh tiêu cực trực diện như thế hơn, hay là vuốt ve, che giấu hơn? Lỗ Tấn nói “Trương mắt mà nhìn” để tìm cách cứu chữa hơn là “vùi đầu vào cát như con đà điểu”.
Mảng lịch sử có năm truyện: Chút thoáng Xuân Hương; Giọt máu; Kiếm sắc; Vàng lửa; Phẩm tiết. Đây là lĩnh vực của anh. Anh học sử, dạy sử. Những vấn đề liên quan đến việc viết truyện lịch sử phải tôn trọng sự thực lịch sử mức nào, hư cấu mức nào, chắc anh không lạ. Năm truyện này cũng có ba cách viết khác nhau. Chút thoáng Xuân Hương hoàn toàn hư cấu. Anh không dùng tư liệu trực tiếp hay gián tiếp nào ngoài mấy câu thơ của nữ sĩ. Anh đưa ra ba mẩu phác thảo, không phải về nữ sĩ mà về ba nhân vật phụ: Tổng Cóc, tri phủ Vĩnh Tường, và Chiêu Hổ. Ba mẫu phác thảo này cũng vẽ ba cách, chứng tỏ anh hư cấu khá thành thạo. Trí tưởng của anh luôn luôn thay đổi, không chịu theo một khuôn. Có thể đoán anh định viết một cuốn tiểu thuyết chính nữ sĩ; trước khi bắt đầu, vui tay anh thử bút, vẽ vài mẫu như thế. Anh có nói anh “chưa bao giờ nghĩ mình là nhà tiểu thuyết” (bài dẫn trên), nhưng xem ba mẫu phác thảo này, thấy anh có dáng dấp một nhà viết tiểu thuyết chính cống.
Giọt máu là chuyện một dòng họ, dòng họ Phạm ở Kẻ Noi, huyện Từ Liêm, viết kiểu biên niên, trải qua năm đời, từ đời cụ cố Phạm Ngọc Liễn đến Tâm, giọt máu cuối cùng. Một trăm năm, từ năm Canh tý (1840) đến năm Bính dần (1986), dồn trong 14 chương ngắn choán 17 trang in. Ngắn gọn mà đầy đủ, chi tiết, có khi rất chi tiết. Anh lấy câu thơ Tú Xương “Đem chuyện trăm năm trở lại bàn” làm đề từ. Không rõ anh định rút ra điều gì? Cuộc đời là trò đùa chăng? Là tấn kịch kéo dài chăng? Số mệnh chăng? Hay anh muốn chứng minh rằng chúng ta mong mỏi về con cháu mai sau, chỉ là chuyện hão? Anh không triết lý. Anh cứ phản ánh đúng những sự việc xảy ra. Anh kể nhiều nhất về Phạm Ngọc Chiểu, đời thứ ba, tri huyện Tiên Du, sống vào nửa cuối thế kỷ XIX, và chuyện Phạm Ngọc Phong (đời thứ tư), sống khoảng những năm ba mươi trước cách mạng. Đó là những trang có thể sánh với những trang văn chương hiện thực phê phán của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Đáng chú ý là anh tạo được không khí lịch sử, không hề lầm lẫn thời đại khi dựng lại bối cảnh và nhắc lại lời ăn tiếng nói của nhân vật. Đức tính ấy, không phải ngòi bút nào cũng có.
Ba truyện Kiếm sắc; Vàng lửa; Phẩm tiết thành một chùm. Anh viết chặt chẽ, chắc chắn, cứng cáp, tiết kiệm, như viết sử. Có lẽ anh học ông Tử Trường viết liệt truyện. Những nhân vật anh dựng lên đều sống động: Đặng Phú Lân, Ngô Thị Vinh Hoa, Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du. Đọc Nguyễn Huy Thiệp, mà cứ tưởng như đọc Sử Ký của Tư Mã Thiên. Nhưng Tư Mã Thiên, tư liệu chất đầy “nhà đá rương vàng”, còn Nguyễn Huy Thiệp, chỉ có mỗi một “tư liệu cổ” ông Quách Ngọc Minh trao cho. Cứ cho là có ông Quách Ngọc Minh và tư liệu cổ đó. Cả ba truyện đều hay. Nhưng chính ba truyện này lại bị chê nhiều nhất. Nhất là về ba nhân vật lịch sử: Gia Long, Quang Trung, Nguyễn Du. Thật ra, anh xây dựng ba nhân vật này theo anh quan niệm. Tất nhiên, người khác có thể xây dựng cách khác theo một quan niệm khác. Đành rằng sử sách nói về họ khá nhiều, nhưng cũng chỉ phản ánh có một vài khía cạnh, chứ không trọn vẹn. Cho nên hình ảnh chúng ta có về họ cũng chỉ là những hình ảnh vẽ theo một công thức nào đó mà thôi. Không thể nói hình ảnh nào là “như họ đã từng sống”. Về những nhân vật đó, Nguyễn Huy Thiệp không phá những nét cơ bản. Gia Long vẫn là ông vua dựa vào thế lực nước ngoài, nhiều mưu lắm kế, tàn nhẫn đối với những người từng giúp mình. Quang Trung vẫn là ông vua đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, một vị anh hùng dân tộc. Nguyễn Du vẫn là nhà thơ có tài, giàu lòng nhân đạo. Giữ được những nét cơ bản ấy rồi, anh muốn hư cấu như thế nào là tùy anh. Gia Long, Quang Trung mê gái, sử sách đều còn chép. Đoạn anh hư cấu về Nguyễn Du, qua bút ký người Pháp tên là Phăng, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, không bị “sốc”. Đoạn nói về ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam, tôi lại thấy hay:
“Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp…”.
Cứ kiểm tra lại mà xem, không có gì sai trái, lệch lạc. Vả chăng, đó là ý kiến của một người nước ngoài. Cách ví von ấy đúng là cách ví von của người Pháp. Viết tiểu thuyết lịch sử như thế mới hay. Không thể bắt nhân vật nói đúng ý nghĩ của chúng ta, với cách diễn đạt của chúng ta. Mà dù chính anh có nghĩ thế, diễn đạt thế, cũng chẳng làm sao. Văn chương mà bắt buộc phải có một cách suy nghĩ, một cách diễn đạt, thì thành văn chương công thức, văn chương giáo điều. Quý hồ tôn trọng cái cơ bản, còn để cho người ta hư cấu, sáng tạo. Tinh thần đổi mới trong văn nghệ phải như thế.
Riêng về Phẩm tiết, người ta quy cho Nguyễn Huy Thiệp hai tội: 1/ Bất kính với vị anh hùng dân tộc Quang Trung, dùng lời ám chỉ định “hạ bệ thần tượng”; 2/ Nói tục.
Về điểm 1, Nguyễn Huy Thiệp chưa bất kính bằng Tư Mã Thiên với Cao tổ hoàng đế (ông nội Hán Vũ đế, đương kim hoàng thượng). Tư Mã Thiên còn lôi ông nội đương kim hoàng thượng thời hàn vi ra mà nói là “lưu manh”, “vô lại”, “thích rượu”, “thích gái”, tiếp Chu Xương mà điềm nhiên ngồi ôm Thích Cơ trên đùi, trật mũ nhà nho đái vào để làm sỉ nhục họ! Tôi không tin Nguyễn Huy Thiệp định ám chỉ hạ bệ thần tượng nào. Chắc anh bị nghi oan.
Về điểm 2, thì quả trong văn chương, Nguyễn Huy Thiệp thường không tránh cái tục. Gặp cái tục, anh cứ gọi tên ra, một cách hồn nhiên. Các nhà văn hiện thực phê phán cũng hay nói tục như Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, trong thơ ca, cũng từng văng tục. Còn Hồ Xuân Hương thì chẳng phải bàn nữa! Không có từ tục, từ quý tộc, từ bình dân, từ thanh, chỉ sợ không đúng chỗ mà thôi.
***
Nguyễn Huy Thiệp còn hai ba truyện nữa đăng rải rác đây đó, không có sẵn trong tầm tay, nhưng với bấy nhiêu truyện, cũng đủ để đưa ra một nhận định về anh. Anh có một óc quan sát tinh vi, một trí tưởng tượng dồi dào luôn luôn thay đổi, một vốn sống khá phong phú, một cách nhìn đời nhìn người không theo khuôn sáo, một bút pháp đa dạng, khi trữ tình, khi khách quan, khi huyền ảo, khi chân thực, hồn nhiên, không làm duyên làm dáng, không “làm văn chương”. Anh viết về quá khứ cũng được mà viết về hiện tại cũng được. Anh đủ khả năng soạn một cuốn tiểu thuyết dài bề thế. Hãy tìm hiểu anh rồi theo khả năng của anh mà bồi dưỡng thêm, làm cho anh yêu cuộc đời hơn, tin tưởng vào con người hơn. Như thế mới phải.
1990
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ly-luan-va-phe-binh-van-hoc/6791-b%C3%BAt-ph%C3%A1p-nguy%E1%BB%85n-huy-thi%E1%BB%87p.html
Thứ Tư 07/12/2016 , 13:15
Trương Chính - Bản lĩnh phê bình tuổi đôi mươi
Đọc Trương Chính ở thời điểm 2016 - cũng là tròn 100 năm sinh của ông - “Dưới mắt tôi” không phải điển phạm phê bình nhưng cũng cho thấy bản lĩnh phê bình. Bản lĩnh ấy có từ tuổi đôi mươi!
“Dưới mắt tôi” - cuốn sách phê bình đầu tay của PGS.NGƯT Trương Chính (1916 - 2004) được xuất bản lần đầu năm 1939. Sau 77 năm, cuốn sách được tái bản lần đầu tiên do Cty CP sách Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn liên kết phát hành (2016).
Là thành viên của nhóm Lê Quý Đôn (bao gồm: Lê Thước, Trương Chính, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý) - những ông giáo trong Ban tu thư chuyên soạn sách, từ năm 1958, Trương Chính vẫn giảng dạy văn học ở trường ĐHSP Hà Nội nhưng chủ yếu dịch sách. Vì thế, trong giới khoa học xã hội, nhất là văn chương, biết đến tên tuổi ông chủ yếu là tư cách dịch giả.
Trương Chính dịch nhiều. Ông dịch Thomas Mann (Gia đình Buddenbrook), N.G. Chernyshesky (Làm gì). Đặc biệt văn học Trung Quốc được Trương Chính chuyển ngữ vào Việt Nam qua các tác phẩm của Lỗ Tấn: Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại, Tạp văn... Với văn học trung đại Việt Nam viết bằng chữ Hán, ông cũng tham gia dịch, khảo đính, giới thiệu, nghiên cứu thơ văn Nguyễn Phi Khanh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Nguyễn Quang Bích, Phan Huy Ích. Công phu câu chữ và cẩn trọng là đặc điểm nổi bật ở Trương Chính trong những dịch phẩm và nghiên cứu nói trên.
Tuy nhiên, ít người biết rằng, Trương Chính từng xông xáo “trực chiến” trên lĩnh vực phê bình văn học trước 1945 qua hai tác phẩm “Dưới mắt tôi” (19139) - phê bình văn học - và “Những bông hoa dại” (1941) - nghiên cứu văn học dân gian. Do những biến động của thời tiết xã hội, để đọc toàn vẹn “Dưới mắt tôi” của Trương Chính ở tuổi đôi mươi thì... hiếm.
“Dưới mắt tôi” - cái tít nghe rất ngạo mạn và xấc xược từ đầu thế kỷ XX của chàng thanh niên 23 tuổi Trương Chính. Tuổi đôi mươi cầm bút viết phê bình có cái ngông của tuổi trẻ song lại tạo ra được chất trong trang viết. Trương Chính cứ thế mà kẻ chỉ thẳng băng trong các bài phê bình. Từ Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, cho đến trẻ nhất là Nguyên Hồng đều được con mắt Trương Chính soi đến.
Trương Chính đánh giá các tác phẩm bằng chính nghệ thuật, ông không viết về cuộc đời. Với ông, có lẽ văn chương phải là nghệ thuật. Có những đánh giá của Trương Chính không quá lâu sau đã thành hiện thực.
Ví dụ, ông phê bình cuốn tiểu thuyết đầu tiên đánh dấu mốc mở đường của văn học hiện đại Việt Nam - “Tố Tâm” của Song An Hoàng Ngọc Phác như sau: “Tố Tâm cạnh những văn phẩm đến sau nó (tôi tránh chữ kiệt tác), mờ hẳn đi. Nếu bây giờ nó bị lãng quên thì cũng không ai lấy làm lạ”.
Hay với Từ Ngọc, tác giả của 3 cuốn tiểu thuyết “Cậu bé nhà quê”, “Khói hương”, “Ngược dòng”, thì Trương Chính thẳng thắn: “Cậu bé nhà quê là một cuốn tiểu thuyết hỏng”; “Ngược dòng là một cuốn tiểu thuyết vô giá trị về mọi phương diện, nội dung và văn thể”. Đánh giá chung về tác giả, ông viết: “Không còn chối cãi, nghệ thuật của ông Từ Ngọc đương còn ở thời kỳ ấu trĩ. Ông chưa thể chiếm một ghế đáng ghen trong văn học nước nhà”.
Tất nhiên, phê bình ngày nay thì khác, những diễn ngôn còn được đọc bằng liên văn bản; được soi chiếu đa ngành từ triết học, hội hoạ, văn hoá, nhân học... Cái cách Trương Chính thể hiện tình yêu của mình vẫn là Tự lực Văn đoàn với những tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam.
Tình yêu đó không thay đổi khi ông viết “Lược thảo lịch sử Văn học Việt Nam” (1955) hay đưa lại những bài viết từ thời "Dưới mắt tôi" vào “Tuyển tập Trương Chính” (2000). Có điều phải thừa nhận rằng những tác phẩm như Trương Chính phê bình nêu trên, qua sàng lọc của thời gian về giá trị nghệ thuật, chúng chỉ còn được nhắc đến với cái tên đánh dấu mốc của văn chương đầu thế kỷ XX với những bước đi chập chững.
“Nhiều người còn ưa thích Trương Chính thẳng thắn, bản lĩnh đến mức trắng phớ khen chê. Dù đây là tư cách đáng quý nhưng phàm đã là viết phê bình thì lẽ nào một mực véo von và ưa tâng bốc mới đạt? Sẽ dễ chịu hơn nếu giờ đây đón nhận “Dưới mắt tôi” mà không phải nghĩ nó là điển phạm phê bình. Nghĩa là, nó mời mọc chúng ta cùng đọc lại các tác giả, tác phẩm được nhắc đến; cùng dừng lâu ở những cột mốc văn chương vốn đã quen bị thờ ơ, quên lãng. “Dưới mắt tôi” theo đó, dưới bút mực quá vãng xa xôi, vẫn ở trên hành trình cảo thơm lần giở của hôm nay bền bỉ, chân thành” - (ThS. Mai Anh Tuấn - ĐH Văn hóa Hà Nội). |
Bạn đang đọc bài viết Trương Chính - Bản lĩnh phê bình tuổi đôi mươi tại chuyên mục Văn hóa của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
..
12. Ngày 23/3/2021
https://www.facebook.com/hungquoc.nguyen.771/posts/3014580398818252
11.
May mắn chúng ta còn có Nguyễn Huy Thiệp
TTO - Đối với tôi, nói đến Nguyễn Huy Thiệp đầu tiên phải khẳng định ông là người của Việt Nam nói chung chứ không phải chỉ là nhà văn của một giai đoạn, gắn bó với một hoàn cảnh cụ thể.
Nhà nghiên cứu VƯƠNG TRÍ NHÀN
Trong văn học Việt Nam đương thời, Nguyễn Huy Thiệp đứng một mình, đứng riêng một chỗ. Nguyễn Huy Thiệp viết do ông thấy tự mình phải viết và không viết không được.
Viết đúng về cái ác chính là khơi dòng cho sự nhân hậu
Người ta sớm thấy toát ra trong các truyện ngắn của ông những ý đại loại như "cuộc đời thật là xấu, không đáng tin, nhưng không tin thì làm sao mà sống nổi", "cuộc đời rất buồn nhưng cuộc đời vẫn rất đẹp."
Đọc Tướng về hưu, Không có vua... thấy Nguyễn Huy Thiệp đã rất lõi đời, nhìn đời thấy không có gì đáng sống, nhưng người ta vẫn phải sống với nó. Về sau đọc Nguyễn Thị Lộ hay Sang sông thì lại thấy Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn có cái bình thản tin đời, tin cả cái hào sảng trong sáng của đời.
Ông hồn nhiên suy nghĩ chứ không cố tỏ ra triết lý, tỏ ra sâu sắc. Cũng tức là không cố tỏ ra hiểu đời mà thật đã rất hiểu đời.
Ông sống với tư tưởng của muôn đời khi đề cập đủ chuyện nào vấn đề thiện và ác, làm người thế nào, nào câu hỏi cuộc sống là tốt đẹp hay đáng phỉ nhổ...
Bao giờ câu trả lời của Nguyễn Huy Thiệp cũng song trùng, vừa thế này vừa thế kia, như bản chất của vật chất vừa là sóng vừa là hạt, cuộc đời vừa đáng yêu vừa đáng ghét, vừa đáng phỉ nhổ vừa đáng trân trọng.
Ngay trong một truyện ngắn con người hiện ra "nhếch nhác toàn tập" như Không có vua thì câu người ta nhớ nhất là câu "Thương lắm" của cô Sinh, ở cuối truyện.
Trước Nguyễn Huy Thiệp, người viết văn viết báo ở ta luôn luôn bị môi trường hoạt động của mình chi phối, người nọ nhìn người kia mà sống và làm nghề. Chúng tôi thường trông đàn anh của mình viết rồi viết theo, không vượt được hoàn cảnh.
Nguyễn Huy Thiệp chẳng nhìn ai cùng thời, ông sống với các nhà văn lớp trước từ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Tú Xương trở đi tới Nam Cao, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Phụng... Rõ ràng Nguyễn Huy Thiệp đối thoại, trò chuyện với rất nhiều đấng bậc, những người làm vẻ vang cho văn học Việt Nam, những nhà văn thực sự.
Phần lớn nhà văn hiện nay bắt đầu là những chiến sĩ văn nghệ, với vai đó họ là những công chức cần thiết cho xã hội. Về sau một số họ lại thường tuyên bố chỉ làm văn nghệ cho vui. Nhưng theo tôi trước sau họ vẫn không phải là "làm" văn học.
Hoặc nói chính xác hơn họ không làm thứ văn học có thể tiếp nối được dòng mạch mà những nhà văn lớn của Việt Nam đã tạo ra được trong lịch sử, thứ văn học của muôn đời.
Trước khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, văn học thường xa lạ với các vấn đề trừu tượng nhất là các vấn đề nhân bản. Đến Nguyễn Huy Thiệp, những phạm trù của muôn đời như chuyện thiện và ác trong con người lại là ngón sở trường của ông.
Khi thấy Nguyễn Huy Thiệp viết về cái ác thì người ta kêu ầm lên rằng không nên làm thế, không cần viết về cái ác mà nghệ thuật chỉ viết về cái thiện là đủ thậm chí cho viết về cái ác là tội lỗi.
Nguyễn Huy Thiệp không thể làm khác. Hình như trong thâm tâm ông cảm thấy cần viết về cái ác, phải làm thế mới đẩy lùi nó đi được.
Cái ác trong văn Nguyễn Huy Thiệp dai dẳng, bao trùm. Và viết về cái ác chính là cái nhân hậu của Nguyễn Huy Thiệp, lòng nhân hậu của những nhân vật lớn, cái nhân hậu xa lạ với khuôn mẫu sự nhân hậu đương thời. Đó là sự nhân hậu lặn sâu bên trong.
Lòng tin của ông vào con người không bao giờ mất. Ông yêu thương con người bắt đầu bằng sự phê phán, ông miêu tả hết cái nhếch nhác, tầm thường, cái khốn nạn, cái không đáng yêu của cuộc đời, nhưng chính bằng cách đó ông lại làm cho người ta hiểu và yêu đời hơn và có thể làm người tốt hơn.
Nhiều người hiện nay cũng viết về cái ác nhưng không có cái tâm của ông nên không thể đạt hiệu quả như ông.
Không thay đổi theo thời
Nguyễn Huy Thiệp lạ lắm, ông sống hòa hợp với các đồng nghiệp mà hình như vẫn đứng ngoài giới nhà văn đương thời và có lẽ điều đó cắt nghĩa được vì sao Nguyễn Huy Thiệp chịu đựng giỏi được như thế.
Tôi không thấy ai, trong suốt cuộc đời làm nghề, có tài chịu đựng được như Nguyễn Huy Thiệp. Bao lần tôi cứ tưởng ông gục ngã song ông vẫn đứng vững.
Ông vượt qua được những tàn bạo của đời có lẽ cũng vì ông sớm đạt được cái đạo là biết sự nổi tiếng của mình phải trả giá rất nhiều. Một thứ bản năng thiêng liêng mách bảo ông phải chấp nhận những đau khổ thì mới phải đạo, và Nguyễn Huy Thiệp đã không đầu hàng.
Xã hội hiện nay thù ghét nhiều cá tính sang trọng, tiêu diệt nhiều lối suy nghĩ chính trực. Con người chen cạnh nhau ràng buộc nhau nhiều quá, do đó giống nhau quá.
Nhưng Nguyễn Huy Thiệp viết không để chen cạnh ai, không viết để lấy giải thưởng. Ông chỉ là ông một cái tôi của từng trải và các loại tri thức học vấn thứ thiệt. Nên nhớ ông từng là giáo viên lịch sử.
Tôi vẫn nghĩ, thật may mắn cho mình được sống cùng thời với Nguyễn Huy Thiệp. May mắn chúng ta còn có Nguyễn Huy Thiệp.
Một cuộc đời trầm luân, nhưng đáng giá
Với nhà văn, nhà giáo Nhật Chiêu, văn chương Nguyễn Huy Thiệp đầy khí lực với bút pháp phản uyển ngữ. "Văn chương Việt Nam từ trước đến nay có một đặc điểm là thích dùng uyển ngữ, tức cách nói vòng, nói tránh là chủ yếu. Cho đến khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, đem lại một sinh khí mới, mà ở đó người ta thấy sự trần trụi hiểu theo mọi nghĩa của từ này.
Bút pháp ấy như là phản uyển ngữ, làm cho bỗng dưng văn chương có một khí lực mới, tất nhiên ở Việt Nam thôi, chứ không mới so với nước ngoài. Nhưng quả thật nó lạ với dòng văn chương quá nhiều uyển ngữ của Việt Nam.
Từ Nguyễn Huy Thiệp trở về sau này, một số nhà văn Việt Nam có vẻ cũng thử nghiệm với bút pháp phản uyển ngữ nhưng đều không thành công bằng" - nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ.
"Tôi đã "gặp" Nguyễn Huy Thiệp từ năm 15 tuổi nhưng mãi đến năm 2019, khi ở tuổi 47 tôi mới được gặp ông ngoài đời tại Hà Nội" - nhà văn Trần Nhã Thụy tâm sự khi hay tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa tạ thế. Lần "gặp" năm 15 tuổi là lúc cậu học sinh lớp 10 chuyên văn cùng các bạn làm bài bình luận về Tướng về hưu - truyện ngắn in trên báo Văn Nghệ một năm trước đó (1987).
Có thể nói điều này, đối với lớp nhà văn chúng tôi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng bởi phong cách truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có từ trường rất mạnh, nó hút người ta vào ngay từ chữ và dòng đầu tiên. Nguyễn Huy Thiệp cũng là người rất giỏi sử dụng đối thoại theo kiểu "công án thiền" nên vừa thực vừa ảo, vừa ẩn dụ vừa hiện thực, vừa khuấy đảo tâm trí vừa gợi mở tưởng tượng... Mấy chục năm rồi, có thể nói chưa có gương mặt truyện ngắn nào có thể thay thế Nguyễn Huy Thiệp.
Tôi cũng xin nói thật điều này, hồi còn trẻ tôi từng không thích, thậm chí là ghét Nguyễn Huy Thiệp, không phải vì ông làm gì tôi cả, mà vì ông quá tài. Nhưng khi càng lớn tôi tự "hóa giải" điều đó vì thấy thật ngu xuẩn. "Danh càng lớn thì họa càng cao", đó là câu nói của Nguyễn Huy Thiệp mà tôi lấy làm bài học cho mình trong suốt cuộc đời này. Một cuộc đời trầm luân, nhưng đáng giá, đó chính là Nguyễn Huy Thiệp".
LAM ĐIỀN ghi
Tin từ gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho biết, tang lễ của nhà văn sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) vào sáng 24-3.
Lễ viếng từ 9h15 đến 10h30, an táng tại nghĩa trang nhỏ ở huyện Đông Anh, trong khu mộ của gia đình cùng với vợ ông, người đã đi trước ông hơn 100 ngày trước.
Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra cùng gia đình tổ chức tang lễ cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch hội nói đây là vinh dự lớn của hội. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều sẽ viết và đọc điếu văn trong tang lễ của Nguyễn Huy Thiệp.
Đây là điếu văn đầu tiên ông Thiều viết cho một hội viên với tư cách là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Thiều cảm động coi đây là mối duyên đẹp giữa ông và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
https://tuoitre.vn/may-man-chung-ta-con-co-nguyen-huy-thiep-20210322084054517.htm?fbclid=IwAR2x8bhfOqWPRq5kmhQ8iC2RDW70JiZ_fHX6ayfPcjvp5QZ2wDrONOx0lnQ
10.
https://www.facebook.com/nguyennhuhuy/posts/10159069285602264
9.
https://www.facebook.com/phan.hao.5/posts/10217009915591661
8.
Vanvn- Lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp gia đình tổ chức, do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều làm trưởng ban. Lễ viếng nhà văn từ 9h15′ đến 10h30′ ngày 24.3.2021 tức ngày 12 tháng 2 năm Tân Sửu tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng vào lúc 15h30 cùng ngày tại Đông Anh, Hà Nội.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Sinh ngày: 29.4.1950 tại Thanh Trì, Hà Nội.
Tạ thế hồi: 16h44′ ngày 20.3.2021 (tức ngày 8 tháng 2 năm Tân Sửu) tại nhà riêng số 71 ngõ 77 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hưởng thọ: 72 tuổi.
Lễ viếng được tổ chức hồi: 9h15′ đến 10h30′ ngày 24.3.2021 tức ngày 12 tháng 2 năm Tân Sửu tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
An táng hồi: 15h30′ cùng ngày tại Nghĩa trang thôn Tằng My, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
BAN TỔ CHỨC LỄ TANG
NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP
- Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Á Phi – Trưởng ban tang lễ
- Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Tác phẩm – Phó Trưởng ban tang lễ
- Nhà văn NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội – Phó Trưởng ban tang lễ
- Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam – Ủy viên
- Bà DƯƠNG DƯƠNG HẢO, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam – Ủy viên.
- Bà THÂN THỊ VÂN ANH, Phó Ban thường trực Ban Tổ chức Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – Ủy viên
- Ông PHAN VĨNH ĐIỂN, đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – Ủy viên
https://vanvn.vn/cao-pho-le-tang-nha-van-nguyen-huy-thiep/?fbclid=IwAR3DYIJcaHrXEUB11MygbimsYsvgk_1kc7itDWnTVuvdqZhRz1kDAv9995g
7. Tư liệu cũ từ tháng 1/2021 (đăng lại trên Giao Blog ngày 22/3/2021)
Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn viết
Vẽ không ra vẽ
Viết không ra viết
Nhưng vẫn vẽ viết
Cho yêu một đời
Nói chỉ nói vậy thôi
Lòng buồn không tả nổi
(Nguyễn Huy Thiệp - 7.2020)
Dịp trước và trong Tết năm ngoái, ai gặp Nguyễn Huy Thiệp cũng bảo tuổi thất thập như ông, lại từng bị tai biến, thế mà nom vẫn rất phong độ. Nhưng cũng có thể vì nhận xét ấy mà “ông vua truyện ngắn Việt Nam” có phần chủ quan với sức khỏe. Bàn này, lò nọ, chén chú chén anh, đi ngắm làng xa phố gần, quên mất mình thật ra vẫn đang là người có bệnh.
Thế rồi Nguyễn Huy Thiệp bị cơn tai biến lần thứ ba quật cho nằm liệt từ tháng 3.2020 đến nay. Nhiều tháng mê man. Không tự mình làm được bất cứ điều gì. Ngay cả khi người vợ yêu quý ra đi bất ngờ, sau nhiều ngày tháng tận tụy chăm sóc chồng, ông cũng đang lúc mê lúc tỉnh…
Nguyễn Huy Thiệp và cháu nội, ngày ông còn khỏe. Ảnh: TLGĐ
Bạn đọc đã bắt đầu thấy nhớ những dòng viết rất Nguyễn Huy Thiệp trong Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ, Tướng về hưu, Mưa Nhã Nam, Con gái thủy thần, Những ngọn gió Hua tát…, những dòng viết bắt người đọc hoặc bật cười, hoặc cười phá lên. Rồi sau đó đau nghiền ngẫm. Như hiểu lòng bạn đọc và cũng để mừng tuổi 70 của nhà văn “nổi tiếng nhất văn đàn Việt Nam trong hơn 30 năm qua”, năm 2020 NXB.
Hội Nhà Văn đã xuất bản Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, gồm những truyện mới viết và cả những truyện được yêu thích đã xuất bản những năm qua.
Tranh Nguyễn Huy Thiệp vẽ trên đĩa gốm, từ trái: Con trai Nguyễn Phan Khoa, Nguyễn Trọng Khôi, tự họa, Bùi Giáng, Tô Hoài
Không viết được nhiều, nằm trên giường bệnh, Nguyễn Huy Thiệp bảo con trai là họa sĩ Nguyễn Phan Bách làm cho ông những tấm bìa cứng vuông vức màu xi măng, để ông viết lên đó những vần thơ về cuộc đời, về những người bạn và về người vợ ông yêu quý, mến trọng. Chữ ông nguệch ngoạc hẳn so với trước lúc ngã bệnh, cả những nét vẽ bên cạnh thơ cũng nguệch ngoạc và hơi nghiêng về một bên.
Ông bảo với các con trai là Nguyễn Phan Bách và Nguyễn Phan Khoa: “Khi bố đi, các con có thể dùng mấy thứ bố viết, bố vẽ để đưa vào di cảo, nếu các con thấy được và nhà xuất bản nào thấy có thể chấp nhận”.
Một góc sân nhà Nguyễn Huy Thiệp với bức tượng Phật do ông làm cùng nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Hải. Ảnh: Thế Thanh
Buổi chiều một ngày đông gió rét đầu tháng 1.2021, Người Đô Thị từ Sài Gòn đến thăm ông tại nhà riêng ở Xóm Cò (Khương Hạ, Hà Nội) và thưa với ông mong được ông đồng ý cho đăng một vài câu thơ ông viết trên giường bệnh. Ông bày tỏ sự bằng lòng bằng một cái chớp mắt và nụ cười khẽ. Có vẻ như để những gì mình viết đến được đôi mắt và trái tim người đọc, ông luôn sẵn lòng, dù ông biết có thể chính ông cũng chưa thật hài lòng về những gì mình viết trong những ngày đau ốm. Bởi, như ông từng nói - khi còn có thể nói nhiều hơn lúc này, rằng nhà văn mà không viết được thì đau khổ nào bằng…
Và đây, trong giai phẩm Tết Tân Sửu 2021, Người Đô Thị xin đăng hầu bạn đọc một vài trong những gì Nguyễn Huy Thiệp viết trên giường bệnh, như một lời chào ông gửi đến chúng ta…
Những nét vẽ u uẩn cuối cùng trong đời tôi
1.
2.
3.
4.
5.
Vợ tôi
6.
7.
8.
Thanh Nguyễn
* Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021
https://nguoidothi.net.vn/nguyen-huy-thiep-van-con-viet-27475.html
Hôm nay 25.1 phát hành giai phẩm Người Đô Thị Tết Tân Sửu 2021
Giai phẩm Người Đô Thị Tết Tân Sửu 2021 phát hành toàn quốc từ ngày 25.1.2021 với giá bán: 45.000 đồng/cuốn.
>> Hotline đặt báo & quảng cáo: 0909005730
>> Danh sách các đại lý, sạp báo bán Tạp chí Người Đô Thị
Giai phẩm Người Đô Thị Tết Tân Sửu 2021 có sự tham gia của:
Văn nhân, nghệ sĩ, cây bút và nhà báo: Vũ Thành An, Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, NSƯT.Thành Lộc, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Trương Quý, Võ Diệu Thanh, Đoàn Khắc Xuyên, Nguyễn Thế Thanh, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Hậu, Phạm Công Luận, Phúc Tiến, Hoàng Phương Anh, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Hàng Tình, Trần Trung Chính, Trâm Anh, Trung Dũng, Duy Thông, Thượng Tùng, Người Già Chuyện, Yến Trinh, Diệp Khuê, Nguyễn Hoàng Tuấn Khải, Nguyễn Lê An, Nguyễn Đình, Hoàng Hương, Hồng Vân…
Chuyên gia, chính khách, nhà quản lý, doanh nhân: GS-TS. Trần Văn Thọ (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ); Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội); PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục (Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững); GS-BS.Nguyễn Chấn Hùng; bà Mai Thị Hạnh (phu nhân nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang); Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (Chủ tịch danh dự Nhóm phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội, phu nhân Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh); Luật sư Nguyễn Tiến Lập (luật sư thành viên cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự); Nhà báo Trần Đăng Tuấn (Chủ tịch Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao), bà Nguyễn Phương Linh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững), Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh - “ông chủ ATM gạo”…
Họa sĩ, nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh, tác giả ảnh: Phạm Hoài Nam, Kim Duẩn, Hữu Khoa, Chương Phạm, Hòa Nguyễn, Nguyễn Thành Đạt, Thanh Vũ, Huỳnh Quỳnh, Trần Kim Liên, Trường Nguyễn, Chí Hùng, Nguyễn Quốc Thiên, Nguyễn Hữu Thắng, Dương Anh Sơn, Phanxipăng, Nguyễn Phúc Lộc, Trung Phạm, Lưu Minh Dân, Tuan Guitare, Hữu Nghĩa…
Giai phẩm Người Đô Thị Tết Tân Sửu 2021 với các chủ đề đặc sắc:
-Chuyện trong những chuyến về rừng (Trương Trọng Nghĩa)
-Chiều mưa biên giới ở hai đầu Tổ quốc (Trần Văn Thọ)
-Một ví dụ cho cặp từ “hy vọng” (Nguyễn Quang Thiều)
-Làm gì có “thời” mà “đã qua”? (Thành Lộc)
-Niềm hy vọng của Sharing (Nguyễn Thế Thanh)
-Tọa đàm Mùa xuân: “Khơi thông nguồn lực từ những tấm lòng” (Duy Thông - Thượng Tùng)
-Chuyện của Suboi và Nodey (Trâm Anh)
-Top 100 phụ nữ có ảnh hưởng thế giới 2020: Nữ kiến trúc sư “giành” lại sân chơi cho trẻ (Nguyễn Lê An)
-Giáo sư 8X và “phác đồ” đặc biệt: Chống ung thư bằng... môi trường (Trung Dũng)
-Những người trẻ kiêu hùng cùng sử Việt (Nguyễn Hoàng Tuấn Khải)
-Hoàng Hoa Trung và ước mơ không còn trẻ bỏ học vì thiếu ăn (Hoàng Hương)
-Hạnh phúc với niềm vui làm việc bác ái (Vũ Thành An)
-Nồi bánh chưng đầu tiên (Hoàng Phương Anh)
-Hai mươi năm nhớ Trịnh Công Sơn: Em ơi áo trắng... (Nguyễn Duy)
-Người tìm “Vạn Xuân” (Nguyễn Vĩnh Nguyên)
-Giáo sư Trần Quốc Vượng và vùng đất Nam bộ (Nguyễn Thị Hậu)
-Đàn bà Việt Nam - hai vai hai gánh (Ngô Thị Kim Cúc)
-Cõi người ký gửi... (Nguyễn Hàng Tình)
-Thơ mừng tuổi phong cách Trần Vàng Sao (Huỳnh Trọng Khang)
-Chị và em cùng hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam (Nguyễn Thị Minh Thái)
-Tiếc nuối một con người (Đoàn Khắc Xuyên)
-Nhớ tỉnh lỵ Gia Định xưa (Phạm Công Luận)
-Đi dạo Sài Gòn xưa với Petrus (Phúc Tiến)
-Trăm năm bia đá (Nguyễn Chấn Hùng - Trần Kim Liên)
-Từ trong ô cửa nhìn ra (Đỗ Bích Thúy)
-Làng núi ngày xưa ấy (Nguyễn Hồng Thục)
-Nỗi nhớ trường ca trên quê hương Đam San (Yến Trinh)
-Cỏ thơm: mỹ vị hoang dại (Diệp Khuê)
-Tà Xùa một thức trà mây (Nguyễn Đình)
-Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn viết (Thanh Nguyễn)
-Những nét vẽ u uẩn cuối cùng trong đời tôi (Nguyễn Huy Thiệp)
-Tản văn: Đường dài mấy nỗi (Nguyễn Ngọc Tư)
-Chợ làng, chợ phố và… đàn bà (Trần Trung Chính)
-Vân trình của đời người (Nguyễn Trương Quý)
-Về với Thần Cây (Võ Diệu Thanh)
Cùng nhiều hình ảnh ấn tượng, lời chúc Tết và quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp danh tiếng, Giai phẩm Người Đô Thị Tết Tân Sửu 2021 phát hành toàn quốc từ ngày 25.1.2021, giá bán: 45.000 đồng/cuốn.
Trân trọng mời bạn đọc,
Người Đô Thị
https://nguoidothi.net.vn/hom-nay-25-1-phat-hanh-giai-pham-nguoi-do-thi-tet-tan-suu2021-27254.html
6. Ngày 22/3/2021
https://www.facebook.com/yen.vo.7796/posts/3693177437468257
https://www.facebook.com/thieu.nguyenquang.739/posts/2899085217079136
https://www.facebook.com/phamngason/posts/495616955144628
5. Ngày 22/3/2021
https://www.facebook.com/hungquoc.nguyen.771/posts/3013871308889161
https://www.facebook.com/pcthang/posts/10218269342508506
https://www.facebook.com/anhthuan.doan/posts/3815778781873413
https://www.facebook.com/anhthuan.doan/posts/3813205092130782
https://www.facebook.com/ykhanhbinh/posts/3023218047911982
https://www.facebook.com/son.kieumai/posts/1677750489077938
4.
Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021
Giải thưởng
https://thongcao55.blogspot.com/2021/03/giai-thuong.html#more
3.
https://www.facebook.com/phan.hao.5/posts/10217005914611639
2.
Nguyễn Huy Thiệp: Bóng dài đổ mãi
'Thể xác tan rồi. Như sương khói trong đôi mắt ông kia. Nhưng văn chương của ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạo ra vẫn đổ bóng dài, thử thách mãi các nhà văn đương đại!' - nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Năm 1986, nhà thơ Bế Kiến Quốc gọi tôi đến Tuần báo Văn Nghệ, giọng đầy bí mật: “Ông đến tôi ngay đi. Có người rất hay muốn giới thiệu với ông”. Tôi đến, Bế Kiến Quốc chỉ một người nhỏ nhắn, gầy, đen, khuôn mặt khắc khổ, nhăn nhúm, nhưng đôi mắt lớn như mắt hổ đầy sinh khí nhìn tôi không chớp. Đấy là Nguyễn Huy Thiệp.
Vài tuần sau báo Văn Nghệ in Vết trượt truyện đầu tay của Thiệp. Vết trượt rơi tõm vào không gian trống không của văn đàn Việt. Lại Tết năm ấy cũng vẫn Bế Kiến Quốc gọi tôi đến tòa soạn, trang trọng đặt trên bàn tờ báo Tết: "Những ngọn gió Hua Tát của Thiệp đấy. Hay lắm!".
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lúc 16h45 ngày 20/3 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi. |
Tôi nghiến ngấu truyện ngắn thứ hai của Nguyễn Huy Thiệp. Rõ ràng, vẫn giọng văn ngắn gọn, xúc tích, ngôn ngữ sắc nhọn, đối thoại đa nghĩa đậm cá tính nhân vật. Rồi, kế ngay sau ít ngày nữa là Tướng về hưu trên Tuần báo Văn nghệ, Chảy đi sông ơi trên Người Hà Nội. Nguyễn Huy Thiệp như cơn dư chấn, chớp nhằng những vệt sét dài sang xanh trong bầu trời đổi mới văn học những năm cuối thập kỷ 80.
Trong lịch sử dòng chảy văn học cách mạng thời kỳ vừa qua, ở sự đổi mới, nhiều nhà văn xuất hiện, thay đổi cách viết cũ một chiều, đầm mình với đời sống xã hội, ngập tràn hơi thở đời sống, hơi thở nhân quần. Nhưng cũng vừa với kích cỡ của từng người, đa số sự đóng góp của họ chỉ là một hay hai tác phẩm rồi lặng lẽ âm thầm chết.
Từ năm 1986 tới tận năm 1996 vừa tròn mười năm, khép lại ở truyện Cà phê Hàng Hành. Nguyễn Huy Thiệp trình làng văn cả một vệt dài đồ sộ, bao gồm gần 50 truyện ngắn, mà trong đó có 20 truyện ngắn cực kỳ xuất sắc: Những ngọn gió Hua Táp, Những bài học nông thôn, Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi. Thương nhơ đồng quê. Đặc biệt là chùm Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… thực sự là những phù điêu đá vàng sáng chói, không lẫn bất kỳ giọng văn nào trong văn đàn hàng trăm năm qua.
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang âm hưởng dài của một đất nước thăng trầm, vừa hạnh phúc vừa đau khổ, nhiều tiếng nói của những số phận, nhiều nỗi buồn thăm thẳm của bao kiếp trầm luân chẳng phân biệt giai tầng. Nó phán ánh, chỉ rõ những bất cập, mâu thuẫn lớn nhất trong tâm hồn xã hội, những điều cần thay đổi cả nhận thức lẫn hành động.
Bằng kiến thức sâu sắc của một người đọc nhiều, thấm đẫm văn hóa Việt, ít nhiều ảnh hưởng tinh hoa văn hóa vùng Hoa Hạ, lại có một sắc thái đặc biệt riêng khi diễn ngôn, giàu cá tính ở ngôn ngữ đối thoại, mạnh dạn đưa ngôn ngữ đời thường vào trang sách, Nguyễn Huy Thiệp tuổi Dần (sinh 1950) những năm cuối thế kỷ 20 ấy, như con hổ lớn gầm lên trong cánh rừng văn học nước nhà tạo nên những chấn động dư hồi vọng động, không có con thú nào trong cánh rừng văn chương thời ông có được.
Văn chương như thế cũng là một lối cách, một con đường bày tỏ điều khát khao thiện tính của một dân tộc, nằm ngay trong những mâu thuẫn nội tại ở từng giai tầng, nhất là trong tầng lớp cặn đáy xã hội.
Mùa hè 2020 tôi đang cơn trọng bệnh vì tai nạn liên tiếp thì biết tin ông bị tai biến lần thứ hai. Nguyễn Huy Thiệp văn chương quyết liệt dấn thân đến cùng, nhưng đời thường lại yếu đuối có phần vụng về. Bệnh tật quật ngã làm ông không nhấc nổi thân hình, tay liệt và chân liệt.
Bình thường ông vốn đã không hoạt ngôn và hay nói lắp. Nay hậu quả bệnh tật làm ông nói năng khó khăn hơn. Phan Thị Trang vợ ông (cũng đang bệnh nặng), cùng con trưởng là họa sĩ Nguyễn Phan Bách nghe tôi mang bố Thiệp tới nhà thuốc Nam Dược Đường rê thuốc nóng. Gặp lại nhau mà rơi nước mắt. Ông nắm chặt bàn tay tôi hôm ấy. Đôi mắt hổ ngày nào luôn nhìn thẳng vào mắt bạn bè ánh những tia sáng sinh khí, giờ đây đầy khói mù. Thương bạn tôi run rảy dỗ dành, hăm dọa. Lại đi quyền huỳnh huỵch trước mặt ông và con trai để mong ông tự cố mà vượt lên chiến thắng bệnh tật.
Gần tháng trời trị bệnh, Nguyễn Huy Thiệp đã khá lên để ngày ngày tựa vào hai con đi được một vòng quanh sân nhà trong xóm Cò, Khương Hạ, Khương Đình. Có hôm còn đủ sức ngồi kể lể, nhắc nhớ hàng tiếng với họa sĩ Thành Chương. Nguyễn Huy Thiệp rất sợ cô đơn. Trước đó, nhiều khi gượng bệnh hành hạ thân xác, Thiệp luôn giục con trưởng Phan Bách gọi hai người rất thâ là thi sĩ Bảo Sinh hay Nguyễn Hoàng Điệp tới thăm.
Cũng chỉ gặp nhau chỉ dăm chục phút để Nguyễn Huy Thiệp bớt đi cảm giác lạnh buồn. Gặp gỡ những người thân bao nhiêu kỷ niệm trong Tuần báo Văn như với họa sĩ Thành Chương, Nguyễn Huy Thiệp như nắm được những bàn tay ấm áp để đôi mắt hổ lại chợt lóe sáng, tóe hắt những tia sáng cuối cùng còn lại ở một thời bên nhau, trong dấn thân, trong nghèo nàn đói túng, cả những giây khắc hạnh phúc đến tột đỉnh khi ông lại thêm một giai phẩm sang trọng, lấp lánh cho bè bạn ngả mũ kính trọng.
Nguyễn Huy Thiệp vẫn là người chịu ảnh hưởng rất lớn ở những triết thuyết của đạo Phật. Ông thường dặn hai con ông rằng, nhiều người trong xã hội có danh vọng và tiền bạc, ấy là kiếp trước họ đã làm cho kiếp này hưởng nên không được ganh kỵ ghen tức với họ. Bổn phận mình phải làm nhiều điều tự thân tử tế để sau này hưởng sự tốt đẹp.
Ông cũng dặn, ai thực tâm cho mình cái gì mình nhận, có thèm cũng để giúp người khốn khó khác. Triết thuyết nhà Phật đúng đến bao nhiêu không ai biết hết, nhưng số phận lại dập ông cú ngã bệnh đột quỵ lần thứ ba. Lại thêm sự ra đi của người vợ tần tảo suốt đời thủy chung chăm sóc mà ông lấy làm điểm tựa mỗi khi nguy nan nhất. Nguyễn Huy Thiệp gục hẳn.
Đến thăm ông lần cuối cũng là ngày thứ 49 tưởng nhớ chị Trang, Lê Đình Nguyên và tôi ngồi sát bên cái thân xác bất động, phủ tấm chăn dưới cái vô tuyến bật suốt ngày. Nghe con gọi, rằng tôi đến, Nguyễn Huy Thiệp khẽ mở đôi mắt mấp máy mồm gọi tên tôi.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Văn Thọ và hoạ sĩ Thành Chương. |
Ôi, con hổ lớn của cánh rừng đại ngàn năm xưa, có những tiếng gầm lớn chấn động cả khu rừng văn chương giờ đây nằm phủ phục và đôi mắt lại đầy sương khói chỉ còn chút hơi ấm ở bàn tay gầy cứ nắm xiết mãi bàn tay tôi như muốn níu kéo điều còn lại duy nhất mà ông - nhà văn lớn của chúng ta đã lúng túng như đứa trẻ ngây thơ, ngày ngày viết ngây thơ trong trẻo đến cận cùng ca ngợi tình người, tình bạn, tình văn, tình vợ chồng và tình yêu con cái đắm say. Những giờ phút cuối cùng của một đời người đã điểm, những con chữ cuối cùng khi đuối sức Nguyễn Huy Thiệp vẫn dành cho chúng tôi: Con người
Tôi biết tin bạn văn Nguyễn Huy Thiệp mất, sau khi ông ra đi đúng chục phút đồng hồ. Giọng con trưởng Nguyễn Phan Bách chầm chậm kể… Trong khoảng khắc ấy, cả khu nhà và khu vườn tôi bỗng như hóa đá, để những giọt nước mắt lặng lẽ âm thầm chảy xuống.
Tôi nhớ đến những ngày hè oi ngột mà hai đứa nằm trên sàn đá hoa nhà tôi để chia sẻ Chảy đi sông ơi. Tôi nhớ đến những bữa cơn đạm bạc mỗi lần tôi từ Đức trở về được vợ Thiệp, chị Trang chăm sóc cho hai đứa. Tôi cũng nhớ đến những khi tranh luận văn chương nảy lửa và rồi khi từ Đức trở về gặp lại nhau, ông lại tủm tỉm cười xòa… Vâng, tôi nhớ bàn tay ông xiết mãi năm sáu lần thăm nhau gần đây.
Nguyễn Huy Thiệp đã ra đi rồi. Mãi mãi không còn một bạn văn lớn để nói cho nhau nghe sự đời chua chát hay hạnh phúc. Kể về những người bạn chung tử tế và những hy vọng, mong ước cho con cái của từng người. Ông ra đi, những những giai phẩm tuyệt sắc của ông vẫn như những bóng dài phủ xuống nền văn học nước nhà bấy nay khó ai thay thế được.
Cuộc đời của một con người đã chấm dứt. Đó là sự chấm dứt tan rã về phần xác. Còn linh hồn, ở những trước tác và thái độ nhà văn với cuộc sống, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp mãi vẫn là một giá trị lớn không thể ai phủ nhận. Đó là sự cần dấn thân trong đời sống không chần chừ, không thể thiếu được để nắm bắt hơi thở con người. Đó là sự quyết liệt với từng trang sách, từng con chữ mà nhà văn chân chính không thể chối từ, dẫu chính nó có thể tạo ra sức ngăn cản để thử thách lòng nhân, sự kiên gan của một cây bút trước sự đòi hỏi của một xã hội tiến bộ hơn.
Xin đau xót vĩnh biệt ông, một bạn văn chân thành, vụng về nhưng luôn thiện tâm. Xin vĩnh biệt ông, Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn kiệt xuất, lừng lững ở mảng truyện ngắn mà khó nhà văn nào có thể thay thế để tạo ra, một hiện tượng đặc biệt của văn chương nước nhà trong thời kỳ đổi mới đã bốn thập kỷ vừa qua.
Thể xác tan rồi. Như sương khói trong đôi mắt ông kia. Nhưng văn chương của ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạo ra vẫn đổ bóng dài, thử thách mãi các nhà văn đương đại!
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/nguyen-huy-thiep-bong-dai-do-mai-721182.html
1. Ngày 21/3/2021
https://www.facebook.com/hinh.tran.75098/posts/1421617714840455
Anh Meo
https://www.facebook.com/anh.meo.50309/posts/764973941061328
https://www.facebook.com/kao.nguyen.35/posts/2408806172597517
https://www.facebook.com/kao.nguyen.35/posts/2408645105946957
..
..
5. Ngày 22/3/2021
Trả lờiXóaNguyễn Hưng Quốc
2 giờ ·
NGUYỄN HUY THIỆP, BI KỊCH CỦA MỘT NHÀ VĂN NHƯỢC TIỂU
Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008, Nguyễn Huy Thiệp gửi tôi email như sau:
“Anh Tuấn quý mến,
“Tôi là Nguyễn Huy Thiệp. Vẫn còn nhớ lần nào anh về, ta cùng đi chơi chùa Bút Tháp, đi Bát Tràng, thế mà thoắt đã gần chục năm trời. Tôi ở Hà Nội, thỉnh thoảng có đọc anh vì Nguyên Hưng đôi khi ghé qua chơi cho sách, thâm tâm cũng có nhiều điều tâm đắc quý trọng. Tết năm nay tôi đi châu Âu, qua Ý để nhận giải thưởng văn học Nonino, gặp gỡ được nhiều người trong giới xuất bản và viết lách mới mở mắt học được nhiều điều. Hoá ra trong 20 năm cầm bút viết văn, mình như gà mù chẳng biết gì đường đi lối lại, một phần vì dốt, vì nghèo, vì nhiều thứ nữa…. Tôi mất liên lạc với Greg Lockhart ở Đại học Canberra, 20 năm trời nay không biết gì về ông ấy, anh Tuấn có thể giúp tôi liên lạc lại với Greg Lockhart được không. Được như thế tôi cám ơn nhiều, tôi cần địa chỉ email và muốn trao đổi với ông ấy về việc dịch và xuất bản sách của tôi ở châu Âu và Hoa Kỳ, điều mà chẳng ai có thể làm được có lẽ chỉ ngoài ông ấy. Năm mới xin chúc anh mạnh khoẻ và mong có ngày gặp gỡ.”
“Thân mến”
Nhận được email của Thiệp, tôi liên lạc ngay với Greg Lockhart, người đã dịch tuyển tập truyện ngắn của Thiệp, dưới nhan đề “The General Retires and Other Stories” xuất bản năm 1992. Greg có vẻ lạnh nhạt khi biết Thiệp muốn anh tiếp tục dịch các truyện khác. Anh kể tôi nghe, tuyển tập truyện ngắn anh dịch, tuy được Oxford University Press, một tên tuổi lớn, xuất bản, số sách bán được cũng rất ít. Hậu quả là tiền nhuận bút dành cho cả tác giả lẫn dịch giả đều rất thấp. Tôi không hỏi chi tiết là thấp bao nhiêu. Chỉ nghe Greg nhấn mạnh là “thấp”. Thấp đến độ, sau đó, đi Hà Nội, gặp Thiệp, anh cho Thiệp luôn cả số tiền trả cho dịch giả. Có vẻ như Thiệp không biết điều đó. Thời ấy, người Việt còn biết rất ít thế giới bên ngoài. Nhà văn nào cũng tưởng sách dịch của mình sẽ bán được cả triệu bản và số tiền nhuận bút sẽ lên đến hàng triệu đô. Thiệp cũng thế. Khi nhận số tiền ít ỏi, anh ngỡ ngàng. Tệ hơn, theo Greg, dường như anh có ý nghĩ là bị Greg ăn chận. Quan hệ giữa hai người xấu hẳn. Lần sau, Greg đi Việt Nam, Thiệp không muốn gặp. Điều đó để lại trong Greg một nỗi cay đắng khó phai nhạt. Nói chuyện với tôi, Greg không nén được chua chát.
14. Bài từ 2003 của Nguyễn Hoàng Đức
Trả lờiXóa15.5.2003
Nguyễn Hoàng Ðức
Bàn về thực chất văn phẩm của Nguyễn Huy Thiệp
Khi tôi bước vào văn học thì tiếng tăm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã như tiếng sét nối tiếp rền vang. Cả một chuỗi sét rền vang, nhưng tựu chung chỉ tụ quang một tiếng "Nguyễn Huy Thiệp - tác giả của Tướng về hưu". Càng ngày tôi càng thực chứng tiếng sét này. Lần nào cũng vậy, mỗi lần đến thăm nhà anh, nếu có một "độc giả - nghiên cứu" nào từ phương Tây đến, thì đều hỏi anh hai câu chính:
13b. Ghi bổ sung (chép ngày 28/3/2021)
Trả lờiXóa"
Lại Nguyên Ân
6 giờ ·
Bút pháp Nguyễn Huy Thiệp vốn là bài của cụ Trương Chính gửi báo Văn nghệ thời tôi còn hay qua lại tòa soạn. Bài cụ Trương Chính không được báo VN đăng. Tôi giữ lại mấy bài xung quanh các thảo luận về Nguyễn Huy Thiệp.
Riếng bài cụ Trương Chính, tôi đã đánh máy đưa lên Facebook hai lần. Một lần cách nay khá lâu. Và lần gần đây, nhân được tin Nguyễn Huy Thiệp qua đời.
Bạn Lê Thiếu Nhơn lấy bài ấy từ stt của tôi trên Facebook đưa về blog của bạn cho nhiều người vào đọc thì cũng tốt thôi. Nhưng ít ra bạn cũng nên ghi chú bạn lấy bài ấy từ đâu chứ nhỉ?
Đây là câu chuyện về sư lương thiện trong nghề đấy.
Thưa các bạn
"
https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10222398509450418