Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/03/2021

Chuyện kể lai rai và thơ chưng cất của sư cụ chùa Tề Đồng Vật Ngã

Đó là cụ Bảo Sinh, mà Giao Blog từng đề cập nhiều lần, ví dụ ở đây hay ở đây. Một cây viết hiện đã U90 rồi, nhưng còn khá sung sức.

Ngôi chùa của cụ là ngôi chùa tư nhân dành cho vong hồn chó mèo. Gọi là chùa Tề Đồng Vật Ngã (tạm dịch là "người với vật xem như ngang bằng nhau").

Cụ tự thành sư cụ của ngôi chùa do chính cụ lập ra ở thủ đô Hà Nội. An nhiên tự tại.

Cụ làm bạn với Nguyễn Huy Thiệp, hình như khá thân, nên cụ lai rai kể về Thiệp. Cụ cũng lại la cà với nhà văn kiêm tổ trưởng dân phố Tô Hoài, nên cụ lại kể chút một về cụ Hoài.

Còn thơ của sư cụ chùa ấy, thì là một món đậu phụ mắm tôm khá hấp dẫn. Gọi là thơ chưng cất. Có nghĩa là cụ cứ mang kinh nghiệm hay nhãn quan của chính cụ ra một chỗ biệt lập nào đó mà hành sự việc chưng, củi lửa lâu lâu, rồi chắt thành ra từng bài ngắn. Được chưng cất, nên thường chỉ hai ba dòng.

Đại khái là vậy. Sẽ sưu tập dần chuyện lai rai thơ chưng cất của sư cụ về bên này, từ hôm nay. Mà mở đầu là một mẩu cụ kể về Tô Hoài.

Từ dưới đó là dán bổ sung dần lên như mọi khi.

Tháng 3 năm 2021,

Giao Blog



---

Ngày 04/3/2021

"

Trong các cuộc trò chuyện, nhà văn Tô Hoài chỉ uống bia, uống rất nhiều bia và cười cười. Cụ thường đặt ở giữa bàn một bình rượu dân tộc mầu nâu sẫm, thắt nơ đỏ thẫm, đề chữ mầu xanh: “rượu Tô Hoài”.

Đề tài mà Tô Hoài thích bàn nhất là cách chơi gái. Cụ nhớ rất rõ các loại nhà thổ thời tạm chiếm, thậm chí nhớ cả tên một số cave ở ngay cạnh nhà tôi mà tôi quên bẵng từ lâu. Cụ bảo, thời tạm chiến, mỗi lần nghe tin Pháp ném bom khu kháng chiến là một số bạn bè cụ lại rủ nhau đi chơi cave đầm, đè nó xuống chiếu, dập thật mạnh để trả thù cho dân tộc.
“Hận đời nát ruột bầm tim
Trả thù đành phải sờ chim giải sầu”
Cụ kể, cái nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng thời tạm chiến là nhà thổ ế, vì có mấy đôi trai gái mại dâm với nhau đã treo cổ tự tử tập thể.

Khách hỏi: ‘Ngày xưa nhà thổ có nộp thuế môn bài, vậy có được đề thương hiệu không?”Cụ bảo: “Thương hiệu của nhà thổ là sơn đen”.

Tô Hoài khoe được nhà nước cho đi thăm quan Ấn Độ đã mục sở thị các sư sãi phải quán chiếu 72 cách làm tình đến chán ốm mới thôi.

Có lẽ chỉ mê gái, yêu văn, thích rượu, ít bàn về chính trị mà Tô Hoài trở thành đại thọ, đại thọ trong tuổi đời, đại thọ trong “Cụ dế”.

Gần đây, khi báo An ninh thế giới cuối tháng phỏng vấn về chuyện trăng hoa của Tô Hoài. Cụ bảo chỉ là “nhặt cánh hoa tàn về chơi” thôi và nhờ trời khi chia tay không để lại hậu quả gì nghiêm trọng cả. Còn về văn chương cũng chỉ “may thuê, viết mướn kiếm ăn lần hồi”. Hỏi về tính xu thời chính trị, cụ bảo chỉ là loại xu thời cò con thôi, còn cò to là Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi kia. Thời chiến tranh, một lần đoàn tù binh phi công Mỹ giải đi qua đường phố Hà Nội, Tô Hoài nhảy lên đấm tên phi công cao lênh khênh. Có người hỏi cụ đấm để làm gì? Tôi Hoài bảo:
- Tôi chỉ đấm giả vờ để tỏ lòng yêu nước thôi.
Theo Tôi Hoài, bài thơ hay nhất của Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi là bài “Sám hối”:
“Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuộm xanh nhuộm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Và quên đi mọi dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn”
Cụ khen Nguyễn Đình Thi là người khéo bắt chước mặc dầu vốn sống thực tế rất hời hợt.
Hỏi tác phẩm “Đến thượng đế cũng phải cười”, trong đó Nguyễn Khải tự nhận là cháu 7 đời của quận công Nguyễn Bặc thì cụ bảo đó là do già rồi sinh lẫn:
“Xưa khoe là mõ ba đời
Nay khoe lý lịch bẩy đời quận công”
Còn chuyện “Chí phèo” của Nam Cao là do vợ chịu ảnh hưởng của AQ rồi mô-li-phê kể cho Nam Cao chép lại.
“Món khoái khẩu của nhà văn là bất tử
Nhưng tiếc rằng thượng đế chỉ mời rơi
Món chán nhất là bùa mê cháo lú
Diêm vương mời chắc chắn phải xơi”
Khi Tô Hoài ngoài 90 tuổi, Như Mạo cố nài Bát Phố đến thăm cụ. Như Mạo bấm điện thoại cho bạn bè khoe đang ngồi cạnh Tô Hoài và tha thiết Tô Hoài nói chuyện điện thoại với bạn mình để thêm oai. Bát Phố thấy mà nhục. Như Mạo nhờ Tô Hoài viết hộ đề tựa một tập thơ. Tôi Hoài bảo mình chỉ viết văn chứ không biết làm thơ. Như Mạo bảo, trong tự truyện cụ có làm thơ. Tôi Hoài nói:
- Thời ấy vì ngu xuẩn, tôi tưởng nhầm mình là thi sĩ.
Như Mạo ỉu xìu như bánh mì gặp nước.
Biết chuyện này, nhà thơ đường phố Đắc Hậu vịnh bài thơ:
“Như thật còn chẳng ăn ai
Mà còn Như Mạo ít ai dám gần”
TRÍCH BÁT PHỐ


ẢNH NGUYỄN BẢO SINH VÀ NHÀ VĂN TÔ HOÀI TRONG NGÀY LỄ KHỞI CÔNG XÂY CHÙA TỀ ĐỒNG VẬT NGÃ

"

https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/2002675209899749


---




CẬP NHẬT


7.


Nguyễn Bảo Sinh

Nếu không hiểu rõ con cu
Đọc vạn quyển sách vẫn ngu như bò



6.

Không biết duyên cớ gì tôi được mời nhiều lần xuống dự giao lưu văn nghệ giữa Hà Nội và Hải Phòng tại khách sạn Mác-Xim, phố Lý Tử Trọng do Dương Tự Trọng – phó giám đốc Sở Công an Hải Phòng tổ chức. Dương Tự Trọng học Bách Khoa, người vuông vức, đầy cơ bắp, dáng dấp của một võ tướng, trông phảng phất giống Lã Bố, những tay giang hồ đất Cảng trông thấy đều kính, yêu, nể, sợ. Nhưng không ai ngờ Trọng lại rất thích làm thơ, quý yêu anh em văn nghệ sĩ. Những buổi giao lưu, kẻ sĩ Hải Phòng quý Trọng nên đến rất đầy đủ. Có lần, Trọng tiếp anh em văn nghệ sĩ say sưa từ sáng tới tối. Nguyễn Huy Thiệp thấy mệt quá không chịu đựng được đã nói một câu thẳng thắn, chân thực, đáng yêu làm mọi người sốc:
- Anh Trọng ơi, tôi đi từ Hà Nội lại ngồi giao lưu suốt ngày, xin phép anh ra Đồ Sơn hát karaoke thư giãn, sáng mai mới đủ sức giao lưu tiếp.
Trọng bảo:
- Karaoke ở Hải Phòng là hàng chợ, hàng xịn phải ngay tại trung tâm thành phố.
Thế là Trọng chiều Thiệp và Bát Phố, điều ngay một chiếc xe ô tô và hai cảnh sát bảo vệ, tùng rinh đưa đi hát karaoke. Tôi hốt hoảng bảo:
- Anh Trọng cứ để tôi tự đi, miễn quân anh không bắt phạt hành chính là phúc mười đời rồi.
Trọng nghiêm mặt bảo:
- Bác không hiểu cái đinh gì cả. Nếu bác tự đi hát karaoke bị bắt là một lẽ, nếu biết tôi sẽ cứu. Nhưng nay bác là khách của Dương Tự Trọng, đi hát karaoke bị bắt thì Trọng còn mặt mũi nào sống ở đất Cảng này nữa.
Tôi im bặt, mặt bẽn lẽn. Thế là lần đầu tiên trong đời và có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi đi hát karaoke trên xe cảnh sát, có công an mang súng ngồi bảo vệ. Ngồi trên xe, rất nhiều lần tôi muốn bắt chuyện với đồng chí cảnh sát bảo vệ mà không biết nói gì. Mọi lần đi hát karaoke với bạn bè thường kể chuyện tiếu lâm, mắt cười hấp háy, lần này thì không khí lại trang nghiêm như đi dự phiên toà.
Tôi và Thiệp mỗi người được một phòng hát riêng, tiếp viên là sinh viên trường nhạc đẹp như cô tiên, nhưng mặt lạnh như kem. Tôi trông thấy cụt hứng ngay. Cô tiên ngồi cạnh tôi hoàn toàn vô cảm, làm gì mẫu số của cô thì làm, còn tử số thì cô say sưa bấm điện thoại, nhắn tin, nghe nhạc:
“Bướm làm tình, tay nhắn tin
Đó là phong cách tuổi teen bây giờ”
Tôi nhìn cô tiên vô duyên quá đành bảo cô thôi và xin mời cô về cho sớm chợ. Tuy có hơi tiếc vì cô trẻ đẹp quá. Cô tiên có lẽ cũng hơi ân hận. Cô bảo:
- Em và bạn do cấp trên điều đi chứ em không phải là tiếp viên nhà hàng.
Cô tiên lại hỏi tôi:
- Bạn của bác có già như bác không?
Tôi bảo:
- Cũng vầy vậy…
Cô tiên thở dài não ruột, than:
- Khổ cho con Nhím bạn em quá!
Thế là cô tiên hồn nhiênnhư cô tiên không kịp mặc đủ quần áo mở cửa, chạy tót sang phòng karaoke của Thiệp gõ cửa dồn dập như cảnh sát đến kiểm tra:
- Nhím ơi! Nhanh lên! Tao thoát rồi…
Tôi vội vàng mặc lại quần áo nghiêm chỉnh, hé cửa ra nhìn, thấy hành lang không một bóng người. Sau này tôi mới hiểu, quán được lệnh bảo đảm an toàn cho nhận vật quan trọng đã đóng cửa không tiếp ai, các nhân viên cũng không được bén mảng lên, hai đồng chí công an bảo vệ ngồi gác ở dưới phòng lễ tân. Tôi và Thiệp ra về thấy buồn hẳn chứ không như mọi lần. Mà cũng không hiểu buồn về gì? Tôi và Thiệp xuống quầy lễ tân thanh toán tiền hát. Bà chủ giật phắt mình và lắc đầu quầy quậy:
- Bác Trọng đã nhờ là chúng em vinh dự lắm rồi.
Tôi và Thiệp cố nài nỉ để trả tiền. Bà chủ mặt tái xanh, sợ hãi:
- Nếu lấy tiền của bác thì chúng em chỉ còn có bán xới mà đi. Hai bác thương em, để con em có bát cơm rau, bác cứ vui vẻ về nói với bác Trọng là em đội ơn bác nhiều.
TRÍCH BÁT PHỐ

https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/pfbid021XZgV3YpBHqVCrjMNRzriUVpn8gYBRjPMox3MGB8sjnoFJuLnNocWHzDpkwfBEeNl





5. Ngày 30/8/2021

"

Gỉa vờ lại rủ em đi lễ chùa
Cầm tinh cái con giả vờ
Làm quan phát dục lên chùa phát dâm

"

https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/2137815933052342



4. Ngày 23/3/2021

"

Nguyễn Bảo Sinh – Nhà thơ dân gian
Nguyễn Bảo Sinh, sinh năm 1940, sống trong một gia đình đã định cư nhiều đời ở Hà Nội. Thời trẻ, ông từng đi lính, từng là võ sư Judo. Từ trẻ đến già, Nguyễn Bảo Sinh chỉ ở số 30, ngõ 167 Trương Định (ngõ Bảo Sinh). Gần như suốt đời không hề chuyển dịch đi đâu, luôn ở cùng gia đình, xung quanh có vợ con, anh em, họ hàng, bè bạn nhưng ông luôn tự nhận mình là một tay sống trong giang hồ(!), một người tu tại gia(!). Nguyễn Bảo Sinh từng có hỗn danh là Sinh chó. Việc này duyên do từ chuyện có thật:
Hồi bé, vốn tính ngỗ ngược, thân phụ ông là cụ Nguyễn Hữu Mão (năm nay 95 tuổi, cũng là người rất hay thơ) có lần tức giận bảo rằng:
- Lớn lên thì chó nuôi mày!
Một lời là một vận vào! Lời nguyền của người cha tự nhiên vận vào số phận đứa con. Từ nhiều năm nay Nguyễn Bảo Sinh vẫn sống bằng nghề nuôi chó mèo cảnh, nuôi gà chọi, cũng có khi làm hậu cần cho các xới chọi gà khắp một vùng nội ngoại thành Hà Nội.
“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!”
Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca. Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống. Việc ngẫm sự đời ấy dựa trên những quan sát trực tiếp ở những ngành nghề, ở những hoàn cảnh nhiều khi rất lạ lùng, hiếm có. Nhà thơ dân gian là người trực tiếp ở trong cuộc, trực tiếp lội xuống bùn để bắt những con cá chân lý trong cuộc sống. Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này.
“Khi yêu cái xích dưới chân
Thì xiềng xích ấy là thần Tự do!
Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông!”
“Mê là mê theo cách mê của người
Ngộ là mê theo cách mê của mình”
“Tự do sướng nhất trên đời
Tự lừa lại sướng hơn mười tự do!”
“Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm”
“Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ ra mới biết trong tình có dâm!”
Lối nghĩ dân gian nôm na (nôm na là cha mách qué) dựa trên những nghịch lý oái oăm trong cuộc sống. Phát hiện ra những nghịch lý ấy, hiểu được nó khiến người ta nhiều khi lâm vào tình trạng dở khóc dở cười:
“Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con”
Con ta không phải của ta vì nó không phải của nó.
“Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai!”
“Làm thơ anh chỉ nghiệp dư
Hội thơ chuyên nghiệp họ chưa cho vào
Yêu em anh cũng nghiệp dư
Hội yêu chuyên nghiệp họ chưa cho vào!”
Trong thơ của Nguyễn Bảo Sinh có yếu tố Phật giáo (mới chỉ là yếu tố Phật giáo chứ chưa phải là tư tưởng Phật giáo). Yếu tố thiền đôi lúc đã xóa đi những ranh giới thị phi trong cuộc đời gây nên những hiệu quả bất ngờ khá độc đáo:
“Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang?”
Không phải tự nhiên mà Nguyễn Bảo Sinh đặt tên cho những bài thơ truyền khẩu của mình là huyền thi. Điều ấy có phần nào đúng. Vì sao vậy? Vì tôi nghĩ thơ của Nguyễn Bảo Sinh chưa phải thơ thiền. Nếu là thiền thực thì trong nội dung thơ đương nhiên sẽ hết ý nghĩa sâu sắc hoặc không sâu sắc (sâu sắc cũng vô nghĩa lý mà không sâu sắc cũng vô nghĩa lý). Thơ của Nguyễn Bảo Sinh mới chỉ mang yếu tố thiền, đang tiến tới thiền. Đấy là thiền giả chứ chưa thiền thật. Sự thú vị của Nguyễn Bảo Sinh là ở đấy. Đấy cũng là nét đặc biệt của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Tính không chuyên nghiệp nửa đời nửa đoạn của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống và số phận nửa giăng nửa đèn của chính những người sáng tạo ra nó. Sự ỡm ờ, nhập nhằng giữa chân lý và phi lý, thực và ảo, thị và phi, hay và dở cứ lẫn vào nhau, huyễn vào nhau. Trên thực tế, đã có nhiều người coi thường, coi khinh thơ của Nguyễn Bảo Sinh là không ra gì, vớ vẩn, nửa đời nửa đạo, nửa nạc nửa mỡ. ở những bạn đọc tuân theo nguyên tắc bất nhị thì sự phản ứng của họ cũng rất dễ hiểu. Họ không biết rằng văn học dân gian, nghệ thuật dân gian hình thành ở chính sự nhập nhằng vớ vẩn đó. Tỉ như ở trò kéo co: mấy người nắm lấy sợi dây chia ra hai phe, buông dây cười xòa sẽ là trò đùa nhưng trong trường hợp hoàn cảnh nào đấy sẽ là được thua, sẽ là sinh tử, là tranh chấp đầu rơi máu chảy. Trò chơi dân gian, nghệ thuật dân gian ai cũng chơi được, xú xí, xí xóa cũng được nhưng cũng có thể nghiêm trọng hóa nó cũng được. Truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Khi có một bàn tay chuyên nghiệp dúng vào, thôi xao cho nó thì nó sẽ có một ý nghĩa khác đi nhiều.
Khi đọc Nguyễn Bảo Sinh, bạn đọc dễ có liên tưởng đến thơ Bút Tre. Tôi nghĩ, xét cho cùng, Bút Tre cũng là một kiểu thơ dân gian, nghệ thuật dân gian. ở thơ Bút Tre, kiểu nửa đùa nửa thật trộn lẫn giữa hình thức và nội dung gây nên hiệu quả rất độc đáo:
“Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta đánh trận Điện Biên lẫy lừng”
“Anh đi công tác Plây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra”
“Con thuyền dịch đít sang ngang
Trông ra thấy một cái làng xa xa”
Ở Nguyễn Bảo Sinh, không có kiểu nửa đùa nửa thật ấy mà ở đây tính chất nửa đời nửa đạo, nửa đúng nửa sai (của đời sống và chân lý đời sống) có phần nào rõ ràng hơn. Thơ Nguyễn Bảo Sinh không đùa tếu như thơ Bút Tre. Thơ Nguyễn Bảo Sinh có vẻ nghiêm túc tìm chân lý hơn. Chính vì vậy nếu xét về phong độ (thơ) tôi nghĩ ở Bút Tre lớn hơn, phá đám hơn, ngầu hơn. Đọc thơ Bút Tre người ta cười to hơn. Đọc Nguyễn Bảo Sinh người ta cười nhỏ đi, đôi khi không cười mà chỉ à một tiếng: à ra thế, à là thế... Không phải tự dưng đã có trường phái thơ Bút Tre: sự châm biếm, tiếng cười là thứ rất dễ lây. Chính sự huyền thi (bãi miễn thơ) đã làm hại Nguyễn Bảo Sinh nhưng có lẽ chính sự hại ấy cũng không quan trọng gì đối với ông. Tôi nghĩ ông không phải là người cố ý làm thơ, càng không phải là người cố ý làm thơ để phổ biến hay truyền bá. Ông làm thơ như một cách ghi nhật ký, ghi lại những ý nghĩ bất chợt mỗi khi ông ngẫm ra một điều gì đấy trên cơ sở quan sát hiện thực và mỗi khi ông rút ra được kinh nghiệm gì đấy từ cuộc đời ông.
Tôi khá bất ngờ và lý thú thấy Nguyễn Bảo Sinh ở tuổi U.67 vẫn có những bài thơ bay bướm kiểu:
“Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
Yêu là chẳng biết mình yêu cái gì
Yêu nhau đâu bởi hàng mi
Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
Yêu là yêu, có thế thôi...”
Tình yêu ấy, tôi nghĩ chính là tình yêu cuộc sống. Ông làm thơ cũng chính vì ông yêu cuộc sống.
Tôi chắc ở nhiều nơi trên đất nước ta cũng có nhiều thi sĩ dân gian kiểu như Nguyễn Bảo Sinh. Họ yêu cuộc sống và họ làm thơ theo kiểu của họ. Rất tiếc tôi chưa có được nhân duyên gặp gỡ và đọc thơ họ. Nhưng cũng chẳng sao vì thực ra điều ấy với họ, với tôi cũng chẳng có gì quan trọng. Nhiều khi gặp gỡ lại là hệ lụy, thậm chí chắc chắn sẽ là hệ lụy, đúng như Nguyễn Bảo Sinh từng viết:
“Yêu sao giây phút hình như
Cho nhau những cái còn chưa của mình
Buồn sao hình chạm với hình
Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan”
Tôi viết bài này vì tình cảm quý mến của tôi với Nguyễn Bảo Sinh, vì nhân duyên gặp gỡ của tôi với ông thoắt cái thế mà đã 15 năm trời hết một đời Kiều lưu lạc, khi ấy tóc tôi còn xanh, chưa có một sợi bạc nào. (*)
HỮU NGỌC ĐÁP TRẢ LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN HUY THIỆP
(Huyền Thi trả lời phỏng vấn học giả
Hữu Ngọc – giám đốc nhà xuất bản Văn hoá thế giới, giải thưởng Văn hoá Pháp cùng
Nguyễn Khắc Viện)
Hữu Ngọc (HN): Tôi đã đọc kỹ tập thơ Huyền Thi của ông và tôi thấy lý thú.
Huyền Thi (HT): Cảm ơn cụ rất bận rộn tiếp đoàn nhà vua Thuỵ Điển mà còn bớt chút thì giờ đọc Huyền Thi.
HN: Tại sao có người lại gọi ông là nhà thơ dân gian?
HT: Tôi cũng chẳng để ý.
HN: Thơ ông là thơ triết lý sâu sắc.
“Câu thơ khi tỏ khi mờ
Lý trên bác học tình thừa dân gian”
Thơ của ông là thơ trên bác học – thơ đạo học, truyền đạt bằng cách dân gian chứ không phải ông là nhà thơ dân gian.
HT: Huyền thi là thơ huyền, ai nghĩ thế nào cũng được.
HN: Ông và ông Nguyễn Huy Thiệp là thế nào?
HT: Tôi và ông Nguyễn Huy Thiệp quen nhau bởi chữ duyên nên vô sở cầu.
HN: Tôi và Nguyễn Huy Thiệp vừa cùng đi một chuyến sang Đan Mạch, Thuỵ Điển và Pháp.
Có thể Nguyễn Huy Thiệp hiểu Huyền thi như kinh Phật rất dân gian và vô cùng bác học.
HT: So sánh Huyền thi với kinh Phật thì nghìn kiếp tôi cũng không dám nghĩ đến, mà đôi lúc chỉ là đùa thôi. Còn có người lại hiểu dân gian nghĩa như “nôm na là cha mách qué”, còn đa phần lại hiểu dân gian có nghĩa là nhân dân. Họ bảo tôi là nhà thơ nhân dân, kiểu như nghệ sỹ nhân dân, nhà giáo nhân dân…còn tôi ít nghĩ đến cái danh.
HN: Tôi lại đang có điện thoại gọi, xin chào ông, hẹn gặp lại.
TRÍCH BÁT PHỐ

"

https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/2017952111705392



3. Ngày 20/3/2021

"

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã rời cõi tạm vào hồi 16h30 ngày 20 tháng 3 năm 2021

"

https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/2015971891903414


2. Ngày 7/3/2021

"

HỘI THƠ THANH LÂU
“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”
Bát Phố rất mê chó. Một lần Bát Phố đến chữa bệnh chó cho một bà chủ karaoke tại đường Nguyễn Văn Cừ quận Gia Lâm –Hà Nội.Bà chủ này tên là Xuân tuổi khoảng 40 vẫn còn nhan sắc.Đặc biệt bà chủ cũng rất mê thơ của Bát Phố.Một trong những tiêu chuẩn chọn tiếp viên của bà chủ là phải yêu thơ . Vì vậy quán karaoke của bà Xuân có một phong vị đặc biệt của những kĩ viện thời Thúy Kiều, Thúc Sinh,thời Lý Sư Sư chỉ khác một chỗ là bà chủ lúc nào cũng ôm chú chó trong lòng và gác chân lên một chú chó khác. Nhiều khi khách đến hát karaoke hơi hoảng:
“Bước chân vào chốn thiên thai
Thất kinh thấy chó bồng lai sủa mình
Trách ai thả chó vô tình
Hay tiên thử nắn gân mình xem sao”
Khách đến hát karaoke thường ngâm nga thơ phú với bà chủ và một số các em tiếp viên xinh đẹp. Có vị khách cao hứng còn nhờ bà chủ làm một bữa tiệc nhỏ cùng nhau thưởng thức ngâm ngợi thi ca. Một số các em cave ở các nhà hàng bên cạnh yêu thơ cũng sang góp vui cùng bà chủ Xuân và khách. Sau những cuộc sớm đào tối mận lân la như vậy thì khi vào hát karaoke khách hàng và các tiếp viên trở thành tri âm tri kỉ:
“Có thể mua được mỹ nhân
Không ai mua được tri âm cho mình”
Thế mới biết ngày xưa các cụ thưởng thức gái tế nhị sâu sắc hơn bây giờ nhiều. Các cụ hát ả đào. Kĩ nữ đủ mùi cầm kì thi tửu. Nhật Bản đào tạo kĩ nữ công phu hơn ta đào tạo tiến sĩ nhiều:
“Người thường bàn chuyện ngu xưa
Mấy ai bàn chuyện bây giờ ngu hơn”
Đặc biệt bà chủ Xuân rất nghiêm không bao giờ chấp nhận những tiếp viên nào đi quá mức với khách. Quá mức ở đây có nghĩa là sau khi hát karaoke tiếp viên cùng khách sang nhà nghỉ để giao hoan mà danh từ chuyên môn gọi là “đóng gạch”. Khách chỉ được ngồi “ấp trứng” nghĩa là ngồi hôn nhau chứ không được nằm “ấp trứng”-nghĩa là nằm đè lên nhau để hôn. Nhưng cũng không tránh khỏi có những tiếp viên và khách hàng quá yêu vì sắc trọng vì tài thơ đã lén lút vi phạm kỉ luật và bị đuổi. Còn anh chàng Bát Phố thỉnh thoảng lại đến quán karaoke của bà Xuân sinh hoạt hội thơ một cách thú vị .Có những tối thơ quá say sưa bà chủ đã đóng cửa hàng không tiếp khách. Nhiều khách cáu đứng cửa chửi ầm lên. Một số nhà thơ nổi tiếng , đẹp trai nghe Bát Phố giới thiệu hội thơ này xin Bát Phố được vào sinh hoạt và tự hào thể nào cũng sẽ chinh phục được các em . Một buổi tối đẹp trời Bát Phố mời mấy nhà thơ của hội nhà văn sang sinh hoạt hội thơ thanh lâu. Vào hội thơ này không cần phải làm đơn, xét duyệt chỉ cần Bát Phố đưa đến là đủ. Các vị nhà thơ nổi tiếng này cũng thấy rất thú vị vì được thưởng thức một cuộc bình thơ hi hữu. Trên giá sách của thi đàn thanh lâu có cả những tập thơ của chính mình mà bà chủ đọc thuộc vanh vách. Mấy nhà thơ nổi tiếng sướng rơn:
“Nghe phò đọc thuộc thơ ta
Sướng hơn được giải gọi là Nobel”
Sau đó mỗi nhà thơ đều tìm một em mình thích và đưa vào phòng riêng. Bát Phố vẫn ngồi nhà ngoài đọc thơ cùng bà chủ. Sau một tiếng hai nhà thơ nổi tiếng nhất Việt Nam mặt mũi ủ rũ đi ra và đòi về ngay. Chẳng may một nhà thơ dẫm chân vào con chó bị cắn toạc quần rớm máu.Bát Phố hỏi kĩ mới biết hai nhà thơ này giận vì cứ ngỡ với tài thơ nổi tiếng của mình thể nào các em cũng chiều từ A đến Z. Nhưng các em kiên quyết không cho các nhà thơ nổi tiếng đóng gạch. Bát Phố hỏi, một nhà thơ nổi tiểng bảo:
- Mình chưa vào được sâu (nói một cách trắng phớ là chưa được đóng gạch).
Còn nhà thơ khác bảo:
- Tuy chưa được đóng gạch nhưng mình vẫn “bo” đầy đủ. Mình tin chắc rằng những em tiếp viên kiểu này nếu mai kia gặp lại trong vai trò một giám đốc thì mình cũng không ngạc nhiên.
Đặc biệt trong những buổi bình thơ có chàng sinh viên khoa y năm cuối cùng rất đẹp trai ngồi nghe thơ một cách say mê. Anh sinh viên này là người đến trước và về sau Bát Phố. Trong đám tiếp viên Bát Phố rất cảm tình với một cô sinh viên khoa ngoại ngữ. Nhiều lần Bát Phố rủ cô đi chơi, cô đều từ chối phắt. Một lần Bát Phố tâm sự với anh sinh viên khoa y, anh hứa chắc chắn sẽ mời cô ta đi được. Sau đó Bát Phố muốn đi chơi với cô sinh viên khoa ngoại ngữ thì đều phải nhờ đến anh sinh viên khoa y. Cuối cùng Bát Phố được bà chủ Xuân cho biết: anh sinh viên y chính là chồng sắp cưới của cô gái tiếp viên khoa ngoại ngữ. Đến nay, mười năm đã trôi qua mà Bát Phố vẫn không thể giải thích được tại sao anh sinh viên khoa y lại hành xử với Bát Phố và vợ chưa cưới của mình như vậy.Bát Phố nghi là mình già lạc hậu nên đi hỏi các lớp sinh viên trẻ, những anh sinh viên tuổi teen này cũng lắc đầu bảo “không hiểu”:
“Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới ta chưa hiểu gì”
Cuối năm đôi tình nhân sinh viên y khoa và ngoại ngữ tổ chức đám cưới mời Bát Phố đến dự và đọc thơ. Trong những người đến dự đám cưới Bát Phố thấy vài ba cô là hội viên thơ thanh lâu. Bát Phố cảm động gặp lại thi hữu. Những thi hữu thanh lâu này kẻ vẫn còn hành nghề, kẻ đã trở thành chủ cửa hàng kinh doanh khá giả. Có thi hữu còn gửi mấy bài thơ tặng Bát Phố. Đặc biệt các thi hữu thanh lâu không thích nghe thơ tục. Vì chạm vào nỗi đau của họ:
“Vuốt mặt phải nể mũi nhau
Đọc thơ phải tránh nỗi đau của người
Còn các vị giáo sư tiến sĩ thì ngược lại. Một lần nói chuyện tại hội thảo toàn quốc bàn về văn học hậu hiện đại. Một vị giáo sư bảo Bát Phố cứ đọc thơ tục không sao. Bát Phố hơi run khi đọc thơ tục trước mặt các vị giáo sư khả kính và các em sinh viên trong trắng ngây thơ. Nhờ trời mọi sự đều tốt đẹp:
“Đáy lòng của gái mại dâm
Đều mơ thánh thiện thánh nhân trên đời
Đáy lòng thiên tử con trời
Mong tận hưởng hết muôn đời mỹ nhân”
Các nữ sỹ thanh lâu tâm đắc nhất bài thơ này của Bát Phố:
“Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm”
“Núi đá suối vẫn chảy qua
Ngậm đau thành ngọc chính là loài trai”
“Đời người như tốt qua sông
Tiến ngang tiến dọc chứ không được lùi”
Thơ Bát Phố tặng nữ sỹ thanh lâu:
“Đời thường thấy cánh hoa rơi
Hai chân di nát không chơi hoa tàn
Mấy ai khóc mộ hồng nhan
Mấy ai quét cánh hoa tàn về chôn”
“Chợ đời mua chữ bán lời
Chợ đạo họ bán cả trời cho nhau
Chợ tình em bán nỗi đau
Bán non cả cái kiếp sau cho trời”
“Đỗ Phủ đêm đông thương hàn sỹ
Ai thương kỹ nữ lúc tàn xuân”
Chồng cô Xuân thấy quán karaoke làm ăn thất bát vì cô quá say mê thơ. Có lần quán đóng cửa bình thơ không cho đồng chí công an địa phương đến hát nên bị công an sờ gáy, phải phạt mười triệu.
Nhiều khách đến hát ca thán vì các tiếp viên say đắm thơ nên thái độ săn sóc khách hàng chểnh mảng.
Chồng cô Xuân sang tận nơi đánh ghen thơ ầm ĩ. Anh ta xé nát tất cả các tập thơ và đạp đổ giá sách để hả cơn giận,anh ta còn cho mấy chú chó cú đá như trời giáng. Nhưng rồi quán thơ vẫn sinh hoạt bình thường. Thi đàn thường sinh hoạt từ 18h đến 19h30. Từ 20h khách bắt đầu đi hát. Hội thơ tàn.
Thỉnh thoảng có những tiếp viên sinh hoạt hội rất vô cảm, rồi mất tích.Cô Xuân giải thích với Bát Phố những em này do bọn cò gái đưa đến giá 10 triệu nhưng chỉ làm vài ngày tên cò lại đến bắt cóc cô gái đi bán cho quán karaoke ở tỉnh khác.
Đã có hợp hẳn có tan. Quán karaoke bị giải phóng mặt bằng lấy đường vào bến xe ô tô Gia Lâm:
“Tình nào cũng chỉ dở dang
Đôi ta tạo hóa cũng đang hoàn thành
Cái gì cũng chỉ dở dang
Ngay như vũ trụ cũng đang hoàn thành”
Hôm đó Bát Phố đến thấy nhà hàng đang bị xe ủi đập phá tan hoang. Cô Xuân buồn rũ rượi bên xác phòng karaoke. Các thi hữu nhớn nhác thất thần Bát Phố thấy lòng trống trải, tan hoang, hụt hẫng. Bát Phố mời tất cả hội viên sang Tửu lâu làm bữa tiệc chia tay. Có thi sĩ say rượu khóc giàn dụa gọi:
- Mẹ ơi sao đời con khổ thế.
“Bể khổ ngàn năm chư Phật tát
Mà sao mãi mãi chẳng hề vơi”
“Trần gian nhân ảnh mịt mờ
Bọt trong bể khổ dạt bờ bến mê”
Bát Phố đọc bài thơ chia tay mắt rưng rưng lệ:
“Vui thay buổi mới làm quen
Xinh xinh cô gái dịu hiền trong ta
Buồn thay cái phút lìa xa
Buồn như ta với hồn ta giã từ”
Nữ sĩ Thu Lan cũng xúc động tặng Bát Phố bài thơ:
“Gia lâm vắng lặng vô vàn gió
Tố nữ linh vân đợi bóng quỳnh”
Các thi hữu nghe đều lặng đi. Nhiều nhà thơ có tên tuổi chưa chắc đã làm nổi một câu như vậy:
“Biết bao thi sĩ vô danh
Nhưng vần thơ lại trở thành ca dao
Biết bao thi sĩ ngôi sao
Suốt đời chẳng để câu nào cho ai”
Trăng đã lên.Cuộc rượu tàn, Bát Phố đọc bài thơ trước lúc chia tay:
“Đoạn cuối cuộc đời lại gặp thơ
Được thua thua được thực hay mơ
Chiếc thuyền ảo ảnh lô xô sóng
Mộng bến Tầm Dương vẫn đợi chờ”
Cô Xuân đọc bài thơ tạm biệt mà hồn thấy bâng khuâng:
“Thuyền về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào”
Nghe bài thơ lòng các thi hữu thấy nỗi đau dịu đi:
“Bây giờ giáp mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa lại là chiêm bao”
Chiều chiều Bát Phố sang thăm thi đàn chỉ còn là đống gạch hoang tàn. Ánh điện nhập nhòa. Nhấp nhô dưới đống gạch thò đầu ra mấy chú chuột cống. Một con mèo đen nhảy qua khiến Bát Phố hốt hoảng, tỉnh hẳn giấc mơ xưa. Trên đường về Bát Phố thấy bồng bềnh như đi trên mây:
“Trên đường cát bụi tha hương
Tình xưa như khói như sương bay về”
Hình ảnh các thi hữu chập chờn trước mắt khiến mấy lần Bát Phố suýt đâm vào ô tô.
“Giờ này em ở nơi nao
Cuộc đời chìm nổi ra sao bây giờ”
Cô Xuân nhiều lần sang chơi nhà Bát Phố. Cô gâỳ rộc và già hẳn đi. Ánh mắt thất thần. Bát Phố hỏi cô có định mở quán nữa không. Cô lắc đầu bảo:
- Em quỵ mất rồi anh ạ, em chán sống lắm.
Bỗng một hôm Bát Phố nghe tin cô Xuân đột quỵ, phải chăng cũng vì hội tao đàn tan rã!
“Vừa ngoảnh mặt đã thành ra mộng
Chưa quay nhìn đã hóa cố nhân”
Thế rồi quán karaoke thành địa danh đến của Bát Phố mặc dầu quán cũ nay đã thành đường:
“Tìm đường để đến nhà em
Đến nơi mới biết nhà em là đường
Thuyền tình cập bến yêu đương
Biết đâu bến cũng là đường mà thôi”
Quán cũ, lầu thơ tuy không có cái thi vị như ngôi nhà Đạm Tiên để người khách viễn phương bâng khuâng luyến tiếc với rêu phong dấu giày, phòng không lặng ngắt như tờ, dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh .
Vườn và quán đã thành con đường bê tông vô cảm để lại nỗi bâng khuâng luyến tiếc cho những cố nhân:
“Với người mất ta thấy lòng trống vắng
Với người còn ta thầm lặng bơ vơ”
Đang thơ thẩn trong nhà Bát Phố bỗng thấy một khuôn mặt quen quen đứng trước cửa, Bát Phố chưa nhận ra ai thì Thu Lan đọc câu thơ xưa mà hồn Bát Phố như rung lên:
“Gia lâm vắng lặng vô vàn gió
Tố nữ linh vân đợi bóng quỳnh”
Thu Lan dắt theo một cháu gái 4 tuổi bụ bẫm, xinh xắn, đôi mắt đầy chất thơ.
Thu Lan kể sau khi chia tay thi đàn cô đi mát xa và ngâm người vào bể tắm nửa ngày để rửa hết mùi tục lụy. Thu Lan bảo nghề đã bỏ nhưng nghiệp vẫn còn. Quá khứ đè nặng cả trong giấc mơ:
“Mơ màng những lúc ái ân
Chồng đè lại tưởng khách dằn ở trên
Không sướng cũng giãy cũng rên
Nhiều khi quen miệng đòi tiền chồng bo”
Bát Phố khen con Thu Lan xinh. Cháu bé lễ phép khoanh tay đọc:
“Em xinh đâu bởi nụ cười
Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn”
Bát Phố bỗng thấy Thu Lan mờ mịt như sương khói bay. Bát Phố nhớ lần bình thơ Thu Lan gục đầu vào vai Bát Phố khóc thổn thức. Bát Phố đọc bài thơ an ủi:
“Ai lau nước mắt cô mình
Dưới trời riêng chỉ một mình ta thôi
Cầm khăn dạ những bồi hồi
Lệ ta cũng chẳng ai người lau cho”
Thu Lan nghe thơ cũng đỡ tủi, bớt sầu. Cô Xuân bảo tối qua có đồng chí bộ đội về hưu vào hát. Lần nào đến hát đồng chí này cũng tỏ lòng thương xót cho cuộc sống Thu Lan. Đồng chí khuyên Thu Lan nên bỏ về về quê đi cầy ruộng, sống hoàn lương. Cứ sau lần như vậy,Thu Lan lại ủ ê não nùng mấy ngày. Biết vậy, cô Xuân mời Thu Lan và đồng chí bộ đội lên trao đổi:
- Cô rất thương tất cả nhân viên của cô như người mẹ thương con.Em Thu Lan bị siết nợ vì vay 20 triệu lấy tiền chữa bệnh cho bố. Bây giờ cô sẽ giúp em Thu Lan 10 triệu, yêu cầu đồng chí bộ đội cũng giúp em 10 triệu. Đồng thời yêu cầu đồng chí bộ đội này trả tiền lần trước đi hát chưa thanh toán.Đồng chí bộ đội im thin thít, từ đó cạch cửa quán đến già. Sau đó thì Thu Lan thấy an tâm hơn trong công việc :
“Thà rằng ở với thằng tù
Còn hơn ở với thằng tu giả vờ”
Bát Phố hỏi thăm em Hồng Thắm dạo này ra sao. Thu Lan bảo:
- Hồng Thắm yêu một thanh niên đẹp trai học ở nước ngoài về nhưng nghiện.
Bát Phố hỏi:
- Hồng Thắm xinh và thông minh như thế lấy ai không lấy sao lại lấy người nghiện.
Thu Lan giải thích:
- Anh chưa hiểu hết tâm hồn chúng em. Chúng em hàng ngày bị khách chơi chà đạp dày vò nhân phẩm.Họ vứt tiền vào mặt chúng em như cho một con chó. Ai cũng nhìn chúng em bằng cặp mắt khinh bỉ.Trên đời này có lẽ chỉ mình Bát Phố là quí trọng các em thật sự, và thằng nghiện đến xin tiền chúng em là coi chúng em như Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Cho nên cave bòn từng đồng xu của khách một cách nhục nhã để mua xe máy xịn cho thằng nghiện là để mua lấy sự quí trọng của con người. Đấy là lí do cave cặp bồ với thằng nghiện.

TRCHS BÁT PHỐ

"

https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/2004900253010578



1. Ngày 5/3/2021


"

“Đi thăm đất nước Trung Hoa
So ra gái đẹp thua xa quê mình
Còn như miếu mạo cung đình
Không xem cũng biết rằng mình kém xa”
Khoảng cuối năm 2000, khách đi Trung Quốc còn ít lắm. Năm đó đường Hà Nội rất vắng, xe ô tô du lịch đón hàng trăm khách tại nhà riêng chứ không tập trung tại chỗ như ngày nay. Du lịch Tàu dạo ấy toàn bằng đường sắt hàng vạn kilômét. Lần đầu tiên được sang Trung Quốc, tôi cảm động đến bàng hoàng. Sau này, được sang Mỹ, các nước châu Âu cũng không bao giờ có cảm xúc như buổi đầu nữa:
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ đã quên đi”
Đứng trên chùa tháp Lục Hoà, tựa thân vào bức tượng Hoa Hoà Thượng Lỗ Trí Thâm, nhìn sang sông Tiền Đường “ngọn chiều non bạc trùng trùng, nhác trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo”, “cánh hồng” đây là Thuý Kiều, xung quanh tôi là hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc. Tôi hỏi các nhà văn Tàu có biết Nguyễn Du và “Truyện Kiều” không? Họ ngơ ngác bảo không biết. Tôi ngạc nhiên và hơi giận vì một nhà văn như núi Thái Sơn Nguyễn Du mà người Tàu không biết thì thật là vừa ngu vừa hỗn. Sau đó tôi lại nghĩ, mình không hề biết nhà văn nào của Thái Lan, Lào, Campuchia… thì người Tàu không biết Nguyễn Du là chuyện tất nhiên.
Trong chuyến đi này, tôi tháp tùng mẹ tôi gần 90 tuổi đi chơi dối già, vào thăm lại quê cha đất tổ vì mẹ tôi là người Trung Quốc, tên Tàu là Lồ Sì Ốn, tức La Thị An. Mẹ tôi người nhỏ bé, mặt phúc hậu, mọi đường nét đều hoàn hảo, nhưng do quá già nên xương cốt bị mòn, chỉ còn cao độ hơn mét tư. Tóc cụ cuốn chiếc khăn nhung đen mượt hình con rắn. Cụ ăn mặc theo kiểu người phụ nữ cổ Việt Nam thế kỉ thứ 19. Cụ đi đâu mọi người rồng rắn theo sau để nhìn cụ như nhìn người ở hành tinh khác đến, làm tắc nghẽn cả giao thông. Khi mẹ tôi đến chùa Phật Ngọc ở Thượng Hải, thấy một bà cụ già cũng khoảng 90, đi với ông chồng Tây cũng già không kém. Bà cụ lập cập bước đến chỗ mẹ tôi ngã dúi ngã dụi, ông Tây già cúi xuống đỡ cũng ngã nốt. Bà cụ bò lê đến chỗ mẹ tôi, rồi cố gượng đau đứng dậy, hỏi mẹ tôi có phải là người Hà Nội không. Mẹ tôi gật đầu. Cụ kể bảy mươi năm trước đây cụ ở phố Hàng Ngang, hằng ngày cũng thường bát phố quanh Bờ Hồ. Cụ bồi hồi rơi lệ, hỏi mẹ tôi về chợ Đồng Xuân, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn… Hai cụ già bát phố ôm chầm lấy nhau, nước mắt rưng rưng trước sự ngỡ ngàng của ông chồng Tây già và mọi người. Còn đang bồi hồi thì nghe tiếng còi vô cảm của chị hướng dẫn viên gọi đoàn du lịch mau chóng tập hợp để đi ra sông Hoàng Phố. Hai cụ bịn rịn chia tay, không kịp hỏi địa chỉ và tất nhiên thời đó chưa có điện thoại di động, chỉ kịp run run giơ tay vẫy như lời vĩnh biệt:
“Khi biết có thể ta gặp nhau lần cuối
Thế giới này chắc chỉ có yêu thương”
Khi mẹ tôi đã 102 tuổi, tôi đưa cụ xem những tấm ảnh chụp ở chùa Phật Ngọc cùng cụ bát phố già người Pari, cụ lặng đi. Bữa tối cụ bỏ cơm, mọi người trách Bát Phố nhiều.
TRÍCH BÁT PHỐ
CỤ LA THỊ AN NĂM 103 TUỔI VÀ TÁC GIẢ



"


---


BỔ SUNG


2.

Lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ tính thiền trong Bát Phố của nhà văn Nguyễn Bảo Sinh và luận văn thạc sĩ tính thiền trong Huyền Thi của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh tại trường Đại học Sài Gòn 7/7/2018.












https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/1238909216276356


1.

Ngày 17 Tháng 1, 2009 | 07:36 AM

Vui buồn quanh nghĩa trang độc nhất vô nhị Việt Nam


Giadinh.net - Chuyện ông Bảo Sinh xây hotel cho chó mèo chắc hẳn nhiều người đã cho là bất thường. Nhưng có lẽ còn “khùng” hơn khi ông dành 700m² đất giữa Hà Nội đắt đỏ và nhiều tỷ đồng để dựng một nghĩa trang cho chó mèo chỉ để làm nơi những linh hồn của thú cưng có chốn đi về.

Chuyện ông Bảo Sinh xây hotel cho chó mèo chắc hẳn nhiều người đã cho là bất thường. Nhưng có lẽ còn “khùng” hơn khi ông dành 700m² đất giữa Hà Nội đắt đỏ và nhiều tỷ đồng để dựng một nghĩa trang cho chó mèo chỉ để làm nơi những linh hồn của thú cưng có chốn đi về.
Chuyện về Ami - chú chó “tổ” khổng lồ
Chúng tôi tìm đến số 167 Trương Định để tìm hiểu về nghĩa trang chuyên dành cho động vật, ông Bảo Sinh vui vẻ mở đầu câu chuyện: “Chắc là chẳng có người thứ hai nào điên như tôi đâu. Có lẽ kiếp trước tôi đã có tội gì nhiều lắm với chó mèo nên kiếp này tôi phải trả nợ đấy thôi”.

Ông Bảo Sinh bên bàn thờ chó "tổ" Ami. (Ảnh: H.P)

Quan sát nghĩa trang, chúng tôi thấy vị trí trang trọng nhất được dành cho một chú chó béc giê. Ông Bảo Sinh cho biết, đây chính là chú chó “tổ” Ami giống béc giê Đức. Ami chính là chú chó đi đầu trong nghề kinh doanh chó tại Việt Nam. Ami lúc “sinh thời” nặng tới 60kg. Mẹ Ami có tên là Bạch Tuyết (vì bộ lông trắng như tuyết) được ông Bảo Sinh mua năm 1970 với giá 1 cây vàng. Ami là chó đực, lại sinh ra đúng thời đất nước độc lập nên vượt trội hơn mẹ Bạch Tuyết về tiếng tăm. Khi trở thành một chú chó trưởng thành, Ami trở nên nức tiếng trong Nam ngoài Bắc. Không chỉ là một chú chó có thể trọng lớn nhất Việt Nam lúc đó, Ami còn tự hào khi làm cha đẻ của vô số chó thế hệ sau.
Ông Bảo Sinh tâm sự, Ami chính là chú chó giúp ông khởi nghiệp để gây dựng toàn bộ cơ ngơi của ngày hôm nay. Ami theo tiếng Pháp có nghĩa là “bạn”. Ông đặt tên cho con chó như thế vì ông luôn coi đó là một thành viên gần gũi trong gia đình. Ami mất cách đây hơn 10 năm và thọ 15 tuổi. Ami mắc bệnh karê - một loại bệnh khi chó mắc phải sẽ bị phá huỷ cả về phổi, đường ruột và thần kinh. Khi ấy, thuốc chữa bệnh này ở Việt Nam rất khan hiếm. Lúc “lâm chung”, khác với loài mèo đi tìm một nơi xa nhà để chết trong lặng lẽ, Ami tìm đến bên chân chủ, mắt ứa lệ và dần gục xuống. Chính vì những “chiến tích” của Ami và những tình cảm gắn bó mật thiết với chủ, ngoài việc treo ảnh của Ami trong phòng riêng, ông Bảo Sinh đã dành vị trí trung tâm của nghĩa trang cho bài vị thờ Ami.

Một ngôi mộ tại nghĩa trang

Nghĩa trang động vật duy  nhất Việt Nam
Ngoài Ami, nghĩa trang xuất hiện hàng loạt những cái tên đầy ấn tượng và trìu mến như: Lucky, Xuka, Sinky, Lô lô... và còn có cả một chú mèo tên Pu Tin. Theo ông Bảo Sinh, chủ nhân của những con thú có mộ trong nghĩa trang của ông đa phần đều là những người khá giả và yêu quý động vật. Để thú yêu có một phần mộ “hoành tráng” trong nghĩa trang của ông, chủ nhân sẽ phải chi trả khoảng 2,5 triệu đồng. Số tiền này chỉ phải trả 1 lần và sẽ được dành làm tiền hương khói hàng ngày và tiền cúng lễ các ngày rằm, mùng 1 hay các lễ cầu siêu.

Toàn cảnh khuôn viên nghĩa trang.

Ông Bảo Sinh cho biết, ông vừa cùng chủ nhân của các ngôi mộ lập một lễ cầu siêu khá hoành tráng tại nghĩa trang. Lễ cầu siêu có sự tham gia của 3 vị cao tăng. Theo ông Sinh, không phải vị sư nào cũng có thể tham gia lễ cầu siêu này bởi chỉ có người cao đạo mới hiểu hết được những ý nghĩa của việc cầu cúng này.
Việc lập nghĩa trang khiến nhiều người cho rằng, chủ nhân sẽ kiếm được bộn tiền nhưng nếu nhẩm tính thì số tiền mà ông Bảo Sinh thu được từ việc này chẳng bõ bèn gì so với mảnh đất 700m² ông dành cho nghĩa trang. Những người tìm đến nghĩa trang của ông không hẳn ai cũng có tiền. Ông còn nhớ như in, có lần một cô bé vừa tìm đến nghĩa trang vừa khóc thút thít. Cô bé mang 1 con rùa cụt 1 chân và đã chết đến xin được chôn tại nghĩa trang nhưng lại không có đồng nào để nộp lệ phí. Cô bé kể, trong lần đi Tam Đảo, khi thấy chú rùa này bị một đám trẻ con đánh đập, cô lại gần để hỏi nguyên nhân thì được bọn trẻ cho biết con rùa đã mất 1 chân nên bán không ai mua. Cô bé đã phải dốc hết túi lấy 100.000 đồng mua chú rùa về. Tất nhiên, kết quả là chú rùa xuất hiện tại nghĩa trang. Ông Bảo Sinh đành dành một phần đất nhỏ trong nghĩa trang cho chú rùa tội nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại vì vài ngày sau, chính cô bé ấy lại mang xác một con bướm đến xin chôn và cũng không đem theo đồng nào. Chủ nhân nghĩa trang vẫn đem chôn con vật ấy miễn phí chỉ bởi ông thấy cô bé có tấm lòng rộng mở đối với loài vật.

Cổng vào nghĩa trang và chùa "Tề động vật ngã"

Tất cả những sinh linh có mặt tại nghĩa trang đều được thờ cúng cẩn thận. Các ngôi mộ mới thường được chủ nhân qua lại nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông Bảo Sinh, thông thường, sau 2 năm thì các mộ không còn ai tới thăm nom chăm sóc nữa. Là người chủ nghĩa trang nhưng không vì thế mà ông bỏ mặc những ngôi mộ lâu năm. Hàng ngày, ông vẫn thắp hương cho tất cả các mộ. Để nghĩa trang không bị chật chội, cốt ở những mộ có thâm niên lâu sẽ được đốt và giữ lại bài vị để thờ cúng.
Tu luyện thì  con gì cũng có thể thành Phật
Theo ông Bảo Sinh, ông lập nghĩa trang này đã khá lâu nhưng “phong trào” lo việc “hậu sự” cho chó, mèo thì xuất hiện cách đây khoảng 7 năm. Bản thân ông luôn tâm đắc quan điểm của nhà Phật là người và vật đều đồng nhất thể. Chính vì thế, dù là người hay con vật nếu có sự tu luyện đều có thể thành Phật.
 Ông đặt tên cho ngôi chùa trong nghĩa trang là “Tề đồng vật ngã” (tức là yêu thương muôn vật như con người) cũng xuất phát từ lý do ấy. Ông cho biết, việc xây dựng nghĩa trang cho thú cưng của ông không nhằm mưu cầu danh hay lợi mà đơn giản chỉ là vì ông mong cho linh hồn của chúng được nhang khói và có chốn đi về. Ông đưa ra nhận định: Con người có rất nhiều nơi thờ cúng, linh hồn con người cũng đã nhận được nhiều sự thương yêu chăm sóc. Vậy tại sao những con vật rất gần gũi với con người lại không có ai để tâm đến việc “hậu sự”?
Từ khi lập dựng đến nay, nghĩa trang có khoảng trên 200 linh hồn được quy tụ. Ông Bảo Sinh cho biết, trước đây, nghĩa trang phân thành hai khu: Một khu nằm bên Gia Lâm và khu vực hiện tại. Tuy nhiên, đến nay, nghĩa trang đã tập trung toàn bộ về Trương Định (trong khuôn viên gia đình ông Bảo Sinh). Các cốt lâu năm đều đã được thiêu nên nghĩa trang chỉ còn trên 100 ngôi mộ.

Trong nghĩa trang có thờ 18 vị La hán

Để nghĩa trang được quy củ, sau Tết Nguyên đán năm nay, chủ nhân của nghĩa trang sẽ cho sửa sang lại toàn bộ khuôn viên. Trong đó, ông sẽ cho xây dựng một đài hoá thân để đáp ứng được cho nhiều đối tượng hơn. Đài hoá thân sẽ hội tụ đủ sự hài hoà của “tứ đại” là nước, lửa, gió và không khí. Chính vì vậy, đài hoá thân sẽ được dựng trên mặt hồ trong nghĩa trang. Sau khi hoá thân, bài vị của các con vật sẽ được đặt tại nghĩa trang. Ông Sinh ước tính, kinh phí để quy hoạch lại nghĩa trang và xây đài hoá thân sẽ hết khoảng 3 -  4 tỷ đồng. Có nhiều người so sánh số tiền này với khoản phí đóng góp của các chủ mộ thì ông chỉ cười. Ông nói với chúng tôi: “Nếu tính ra cũng không lỗ đâu, cơ nghiệp của tôi có được đều là nhờ kinh doanh chó. Cái nọ nó bù cái kia. Với lại, bây giờ tôi chẳng có nhu cầu nhiều về kinh tế!”.
Hoàng Phương


https://giadinh.net.vn/xa-hoi/vui-buon-quanh-nghia-trang-doc-nhat-vo-nhi-viet-nam-20090115100022674.htm

..

..

1 nhận xét:

  1. 5. Ngày 30/8/2021

    "

    Nguyễn Bảo Sinh
    3 giờ ·

    Thật lòng là muốn sờ ti
    Gỉa vờ lại rủ em đi lễ chùa
    Cầm tinh cái con giả vờ
    Làm quan phát dục lên chùa phát dâm

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.