Về cây nêu ngày Tết, từ nhiều năm trước, tôi đã đăng một mẩu ngắn viết khái quát, xem lại ở đây (bài trên báo Tết 2013, tức non 10 năm về trước rồi).
Bây giờ là bản cập nhật tình hình dựng nêu ngày Têt ở các nơi, dịp cuối năm Canh Tý 2020-2021 để chuẩn bị đón năm Tân Sửu 2021-2022.
Đầu tiên là tin tức về cây nêu vừa được dựng ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) vào ngày 23 tháng Chạp - nhằm ngày ông Táo vừa rồi.
Có gì cập nhật thì dán ở bên dưới như thường khi.
Tháng 2 năm 2021 - Những ngày cuối cùng của năm cũ Canh Tý 2020-2021
Giao Blog
---
CÂY NÊU DỰNG Ở HOÀNG THÀNH THĂNG LONG vào 23 tháng Chạp
(4/2/2021)
1.
2.
Lễ dựng nêu xuân Tân Sửu tại Hoàng thành Thăng Long
Trong chương trình Tân Sửu nghênh xuân, sáng nay (4/2/2021, 23 tháng chạp năm Canh Tý), tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã thực hành một số nghi lễ tống cựu nghinh tân như nghi lễ tiễn Táo quân về trời; lễ ban sóc, tiến lịch; lễ dựng nêu và tiến xuân ngưu.
Các nghi lễ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, cầu mong một mùa xuân mới an vui, no ấm, một năm cấy cầy mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Do ảnh hưởng của dịch covid – 19 nên các hoạt động được thực hiện trang trọng, gọn nhẹ, đảm bảo các nghi thức và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh như vệ sinh khử khuẩn, bố trí máy đo thân nhiệt tự động, bình dung dịch sát khuẩn tay tự động; thường xuyên cập nhật thông điệp 5K tới du khách…
Khu di sản nghỉ các ngày 10, 11, 12/2/2021 (ngày 29, 30 tháng Chạp năm Canh Tý và mùng 1 Tết Tân Sửu). Các điểm di tích vẫn phục vụ khách dâng hương miễn phí.
Mở cửa phục vụ khách tham quan khu di sản từ ngày 13/2/2021 (mùng 2 Tết Tân Sửu)
Một số hình ảnh tái dựng nghi lễ trong cung đình Thăng Long
https://www.hoangthanhthanglong.vn/blog/le-dung-neu-xuan-tan-suu-tai-hoang-thanh-thang-long/7737
..
---
BỔ SUNG
4.
Lễ dựng nêu hay còn gọi là lễ Thượng tiêu (上標) là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.
Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam câu truyện Sự tích cây nêu ngày Tết đại ý kể rằng: Do quỷ chèn ép người, hàng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy, Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ. Phật bảo người trồng cây nêu (dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng, bóng chiếc áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại sẽ thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng phép cho bóng chiếc áo phủ lên khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân, vì vậy bị đuổi ra ngoài biển đông. Nhưng hàng năm mỗi dịp Tết về, quỷ đều muốn trở vào đất liền để tìm tiên tổ và kiếm cái ăn. Để tránh bị quỷ quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ. Trên ngọn cây cũng thường treo bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái, vì con người cho rằng đó là vật mà quỷ rất sợ.
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi. Thậm chí việc dựng cây nêu không chỉ có vào ngày Tết mà còn có thể ở một số lễ hội dân gian. Tuy nhiên cây nêu vẫn chủ yếu được dựng lên vào ngày Tết Nguyên đán như một phong tục truyền thống phổ biến ở khắp mọi miền của đất nước.
Cây nêu dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Nguồn: sưu tầm
Trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt, Nguyễn Văn Huyên mô tả cây nêu ngày tết khá chi tiết: Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn tết.
Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính cho rằng: Nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt ra, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành đa lá dừa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ cái cung, cái nỏ… cũng là có ý trừ quỷ, kẻo sợ năm mới quỷ vào quấy nhà mình.
Giovanni Filippo De Marini, một Linh mục người Ý đến Bắc kỳ vào thế kỷ 17 thì mô tả: Chiều hôm 30 Tết, mọi người đều trồng trước nhà một cây khô, hoặc một cái sào trên ngọn buộc một cái giỏ bé bé, chung quanh có viền giấy mã, lóng lánh như kim tuyến, cái giỏ và giấy trang kim này buộc ở trên ngọn sào có ý nghĩa là để tiêu trừ tà ma tránh xa chỗ nhà ở…
Dưới thời quân chủ Việt Nam, lễ Thượng tiêu (dựng nêu) được coi là một nghi lễ quan trọng nằm trong những lễ tiết chính yếu do Hoàng thượng đích thân hành lễ. Minh Mệnh năm thứ 8 [1827], Bộ Lễ tâu rằng: Theo lệ một năm có 5 lễ hưởng([1]) cùng với tiết Nguyên đán, Đoan dương, Thượng tiêu đều do Hoàng thượng đích thân đến Thái miếu, Thế miếu làm lễ. Tuy nhiên các lễ tiết đều có ghi chép rõ ràng về nghi thức, riêng lễ Thượng tiêu ngày cuối năm bản thân các quan trong triều cũng lúng túng thừa nhận “không thấy sách vở nào nói rõ”. Nhưng tục nước ta theo làm đã lâu thành nếp, vì vậy các quan bàn xin không nên bỏ lễ này, nhưng có thể cử Hoàng tử hoặc các tước công đi tế thay. Vua cho là phải.
Minh Mệnh năm thứ 16 [1835], trong một lần hội bàn, vua lại hỏi thị thần rằng: Lễ dựng cây nêu trong buổi trừ tịch có nguồn gốc từ kinh điển nào? Quan Nội các Hà Tông Quyền thưa rằng: Thần chỉ nghe tương truyền là từ kinh nhà Phật, nhưng cũng chưa rõ ý nghĩa vì sao. Vua nói: Người xưa đặt ra lễ này với ý nghĩa rằng cây nêu là tiêu biểu cho năm mới. Thế thì lễ là do nghĩa mà sinh ra đó thôi. Vì vậy khi định lại nghi lễ tại các đền miếu, nhà vua quy định lễ Thượng nêu cho dùng hương nến, trầu rượu; lễ Chính đán, thêm bánh chưng và phẩm, quả. Theo quốc tục của bản triều, ngày tuế trừ dựng cây nêu, cũng đều có tế cáo, do Hoàng thượng thân đến miếu sở làm lễ. Nhưng từ năm thứ 18 [1837] lễ trồng cây nêu ở các cung điện, giao cho vệ Cẩm Y và vệ Kim Ngô làm thay.
Thời vua Thiệu Trị, năm Thiệu Trị thứ 5 [1845], định lại ngày tế Hợp hưởng ở các miếu. Vua Dụ rằng: Bản triều trước đây lấy ngày 30 tháng chạp, kính làm lễ Hợp hưởng. Nay quy định lại, lấy trước ngày 30 tháng Chạp 8 ngày, tức là ngày 22, kính làm lễ Hợp hưởng ở các miếu; sau ngày Nguyên đán 8 ngày thì làm lễ Xuân hưởng, với ý nghĩa đầu năm đón điềm lành, cuối năm đáp tạ. Các quan đều thấy hợp tình, vì vậy chuẩn định, bắt đầu từ năm đó đặt làm lệ mãi mãi. Duy chỉ đổi ngày, còn tất cả nghi thức tiết văn đều làm theo lệ từ trước; lại giao cho Bộ Lễ nghiên cứu nghi chú các tiết lễ để thi hành.
Hằng năm, tháng chạp làm lễ Tuế trừ (tháng đủ lấy ngày 30, tháng thiếu lấy ngày 29), trước đó, Tôn nhân phủ hội đồng với Bộ Lễ dâng sớ xin cho các Hoàng tử, Hoàng thân được sung kiêm việc tế. Đến ngày hành lễ, trống canh năm, sau khi bắn súng, Hữu ty bày đặt cỗ bàn, vàng bạc, hương đèn và các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả, biền binh thì bày lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu. Hoàng tử, Hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ Tuế trừ (tế một tuần rượu, không có văn khấn). Lễ xong, Hữu ty theo lệ dựng cây nêu, Hoàng tử, Hoàng thân và lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc, đều lui ra, đến chiều hôm ấy, theo lệ làm lễ Trừ tịch. Theo lệ cũ, các tiết Nguyên đán, Trừ tịch, Thượng tiêu, Hạ tiêu ở sân lầu Ngọ môn đều có bắn 700 phát pháo nhưng từ năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) chuẩn cho đình chỉ.
Thời vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 29 [1876], chuẩn định lệ dựng nêu và hạ nêu. Lệ cũ ngày 30 Tết trồng nêu, mồng 7 tháng giêng năm sau hạ nêu, đều do Khâm thiên giám chọn giờ lành để hành lễ. Từ sau chuẩn cho đều lấy giờ Thìn làm giờ nhất định.
Tại Kinh đô, khi cây nêu trong Hoàng cung được dựng lên, nêu tại các đền miếu và trong dân mới được dựng. Cây nêu được dựng trong hoàng cung không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma mà còn là sự cầu chúc, là sự gửi gắm khát vọng của các bậc đế vương cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. Việc hưởng Tết Nguyên đán từ hoàng cung đến dân gian hầu như đều lấy ngày dựng nêu và hạ nêu làm mốc bắt đầu và kết thúc của Tết. Năm 1874 vua Tự Đức quy định: Từ nay về sau đặt làm lệ, các công sở tại Kinh Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến hết mồng 8 đầu xuân mới trở lại làm việc để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có việc công khẩn cấp không thể trì hoãn thì vẫn cho làm việc như bình thường.
Tại Nam bộ, Trịnh Hoài Đức trong cuốn Gia Định thành thông chí cho biết: Ngày Trừ tịch ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu. Việc này không thể khảo cứu nguyên do được… Đến này mùng 7 Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu. Trong mấy ngày Tết phàm các khoản nợ nần đều không được hỏi, đợi ngày hạ xong cây nêu rồi mới được đòi. Ngày Nguyên đán, bất kể là sang hèn, lớn nhỏ đều no say vui chơi, người nghèo nơi thôn dã cũng đều có đủ lễ. Từ ngày dựng nêu trở đi nhà nào cũng vui chơi ăn uống không ai ngăn cấm, đến ngày hạ nêu mới thôi.
Những năm gần đây, phong tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần bị mai một, thay vào đó người dân thường chơi hoa, cây cảnh hoặc sắm các loại cây như đào, mai, quất… để bày biện trong nhà với mong muốn một năm mới phát tài phát lộc, sum xuê, đủ đầy. Tuy nhiên tại một số vùng thôn quê hoặc vùng dân tộc thiểu số việc dựng cây nêu ngày tết vẫn diễn ra nhưng ý nghĩa nguyên bản để trấn quỷ trừ ma hầu như không còn nữa. Cây nêu được trồng chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng, cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới, cũng là sự hoài niệm về một phong tục của tết cổ truyền Việt Nam xưa.
Tài liệu tham khảo:
- Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục.
- Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí.
- Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.
- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.
- Nguyễn Trọng Phấn, Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tp HCM, 2016.
- Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, NXB Thế giới, Hà Nội, 2018.
([1]) Năm lễ hưởng gồm Xuân hưởng, Hạ hưởng, Thu hưởng, Đông hưởng và Hợp hưởng.
Nguyễn Thu Hoài
http://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/nguon-goc-y-nghia-va-nghi-thuc-dung-cay-neu-trong-ngay-tet.htm
3.
Linh thiêng cây nêu ngày Tết Việt
(ĐCSVN) - Tết xưa, cây nêu được mọi người cung kính dựng trước nhà. Trong nhịp sống hiện đại, con người tất bật lo toan, nhà chật, đất hẹp khiến nêu dần “vắng bóng”. Nhưng ở nhiều địa phương, tục lệ này được gìn giữ, lưu truyền cho thấy những phong vị độc đáo trong đón Tết cổ truyền người Việt.
Theo tài liệu văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh… cây nêu còn gắn với truyền thuyết dân gian ngăn ngừa không cho quỷ ở biển Đông vào đất liền, bén mảng tới nơi con người cư trú làm ăn, sinh sống. Theo thời gian, từng địa phương phong tục, tập quán ở mỗi dân tộc, ý nghĩa của trồng cây nêu ngày Tết trải rộng hơn, đa dạng hơn.
Thời gian dựng cây nêu cũng khác, người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, để ngăn ngừa ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời. Một số dân tộc khác như Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái lại trồng cây nêu vào chiều 30 tháng Chạp âm lịch. Người Mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu, đồng bào dân tộc Sán Dìu dựng cây nêu trong lễ Cầu mùa. Ngoài ra cây ném trong hội lồng tồng, cây pồn pông của người Mường, cây đâm trâu của người dân tộc ở Tây Nguyên đều là những hình thức biểu hiện của cây nêu.
Trong triều đại quân chủ ở Việt Nam, tục dựng cây nêu đã đưa vào Hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Theo các tài liệu Châu bản triều Nguyễn về Tết Nguyên đán trong Hoàng cung triều Nguyễn, trong suốt 143 năm tồn tại, tục lệ dựng cây nêu được duy trì hằng năm.
Theo đó, trong ngày 30 tết, Hoàng cung diễn ra các nghi lễ thiêng liêng, với ý nghĩa tống tiễn điều xấu năm cũ, đón điều tốt đẹp của năm mới. Lễ xong triều đình làm lễ Thượng tiêu (dựng cây nêu), ngọn nêu treo ấn, tín, văn phòng tư bảo hình tượng việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi. Khi thấy trong Hoàng cung dựng cây nêu người dân cũng theo đó dựng nêu, đón Tết. Lễ Hạ tiêu diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Giêng, khi tổ chức Thượng tiêu và Hạ tiêu có đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi thức trang trọng khác.
Dựng cây nêu là phong tục truyền thống lâu đời, ý nghĩa đối với nhiều dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Không chỉ thể hiện ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”, biểu tượng văn hóa này còn chuyển tải những ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp, phản ánh những nét độc đáo trong phong vị Tết Việt.
Những năm gần đây, tại một số điểm di sản tại Khu phố cổ Hà Nội, các đơn vị văn hóa tổ chức phục dựng tục lệ Thượng nêu để giới thiệu những nét đẹp trong phong vị đón Tết cổ truyền của người Việt. |
Theo GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, người Việt coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Cây nêu làm bằng tre vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi |
Những vật treo trên cây nêu hướng về bảo vệ, tạo lập hạnh phúc cho con người. Ví như lá dứa để dọa ma quỷ, không cho vào quấy phá nhà. Cái khánh đồng âm với khánh có nghĩa là phúc, đem lại hạnh phúc cho gia đình... |
Biểu diễn văn nghệ dân gian trong lễ dựng nêu tại Khu phố cổ Hà Nội |
Những năm gần đây, hoạt động "Tống cựu nghinh tân", tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội được phục dựng và tổ chức hằng năm. Lễ dựng nêu luôn thu hút đông đại biểu các sở, ngành, du khách và nhân dân Thủ đô tham dự |
Các đại biểu tham dự nghi thức thả cá chép tại sông cổ trong Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội |
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, các nhà nghiên cứu, đại biểu các đơn vị văn hóa tham dự nghi thức thả cá chép, tiễn ông Công ông Táo về trời |
Không khí lễ hội xuân linh thiêng, rạng rỡ của mảnh đất nghìn năm văn hiến, lắng đọng cùng thời khắc tiễn năm cũ đón năm mới diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện |
Cây Nêu ngày Tết dựng trước Hậu Lâu, Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội |
Dựng nêu cũng là hoạt động được tổ chức đều đặn hằng năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội), nhằm giới thiệu với du khách và nhân dân Thủ đô những phong tục lâu đời trong Tết Việt |
Với ý nghĩa tạo lập hạnh phúc với con người, tục lệ dựng cây nêu ngày Tết lưu dấu một phong tục cổ truyền trong Tết Việt |
Ngọn nêu vươn cao, mang theo ước vọng về một năm mới bình yên, hạnh phúc, thuận hòa tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em. |
https://dangcongsan.vn/chao-xuan-tan-suu-2021/phong-tuc-tet/linh-thieng-cay-neu-ngay-tet-viet-574421.html
2. Phục dựng tại Huế
Cây Nêu ngày Tết
Mở đầu bài thơ “Tết của mẹ tôi”, thi sĩ Nguyễn Bính viết:
“Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều
Sân gạch tường vôi người quét lại
Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu”.
Đoạn thơ gợi lên một không gian của những ngày chuẩn bị đón Tết trong đời sống tinh thần của người Việt. Đặc biệt, có câu thơ nhắc đến tục trồng nêu ngày Tết, một nghi thức có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa, được hình thành, bảo tồn, kế thừa và phát huy ở nhiều dạng thức khác nhau. Đây là nghi thức xuất hiện phổ biến trong đời sống dân gian, trong đời sống Phật giáo và trong đời sống cung đình thời Nguyễn.
Dựng nêu trong dân gian xưa Theo huyền sử truyền tụng trong dân gian thì nguồn gốc lễ dựng nêu thiên về Phật giáo. Ngày xưa quỷ thường chiếm đất đai của con người, Phật phải ra tay giúp đỡ. Với thần thông vô biên, Phật đã đẩy lùi được ma quỷ, nhưng lại khiến cho quỷ không có đất kiếm ăn, nên phải cầu khẩn Phật cho biết chỗ đất nào không phải là của Phật. Phật mới bảo ở đâu có chuông, khánh, phướn là đất của Phật.
Vì thế Phật mới dạy dân dựng cây tre cao, trên đó có treo chuông, khánh, phướn trồng ngay trước nhà, đồng thời rải vôi dánh dấu, vẽ hình cung tên làm giới hạn. Cây tre càng cao bóng tỏa càng rộng, quỷ càng xa lánh. Treo khánh hoặc chuồng trên cây nêu để mỗi lần có gió thì phát ra tiếng tất làm quỷ sợ hãi. Trong dân gian, người ta cũng bày biện bàn thờ để nghinh thần, ngoài sọt tre đựng cau trầu vàng bạc, còn phướn đỏ, lung tung hoặc treo lá dứa, lá đa. Rồi vạch vôi làm ranh giới cách nêu vài mươi thước, vè cung tên nhắm vào hướng Quỷ vương. Có nhà còn treo bùa đào, lá đùng đình để trừ ma.
Miền Bắc nước ta ngày trước dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp, vì sáng 23 có lệ tiễn đưa ông Táo về trời, tức từ ngày này vắng mặt Táo quân trong nhà, nhân đó ma quỷ có cơ hội quấy phá. Dựng nêu để ngăn chặn ma quỷ, và cây nêu dựng ngay trước nhà cho đến ngày mồng 7 tháng giêng.
Thướng tiêu (dựng nêu) trong Hoàng cung thuở ấy
Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người ta làm lễ “Thướng tiêu” tức dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Chữ Tiêu (標) trongThướng tiêu (上標) có nghĩa là “ngọn cây” nơi cao nhất dễ nhìn thấy. Vì ở cao nên biến nghĩa “nêu lên” cho mọi người nhìn thấy rõ nên về sau có nghĩa là “nhãn hiệu” (Từ ngữ tiếng Hán Việt như Tiêu đề, Chỉ tiêu đều mang ý nghĩa “nêu lên, đưa lên cao”. Trước ngày Tết người ta làm lễ Thướng tiêu tức lễ “lên nêu” để đánh dấu cho biết ngày Tết đã tới. Mục đích ban đầu để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những Thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Trong “Ngự chế thi”, vua Minh Mạng cũng làm một bài thơ đề cập đến cây nêu:
Xuân thiên hà vị noã
Liên nhật chỉ thiêm hàn
Lãnh vũ lâm kim thắng
Thê phong hạ trúc can
nghĩa là:
Trời xuân sao chưa ấm
Ngày tiếp ngày lạnh se
Đồng lạnh thua mưa rét
Gió buốt phủ nêu tre.
Trong bài thơ này, nhà vua cũng đã giải thích khá chi tiết về lễ dựng nêu. Theo cổ tục đến ngày 25 tháng Chạp là ngày trừ nhật (除日) không tiếp nhận văn thư, ngày này làm lễ khóa ấn (quan bửu), nghĩa là cất ấn triện, không còn đóng dấu nữa, rồi dựng nêu (Thướng tiêu). Đó là nghi thức dùng một cây tre trên đó lấy tranh kết bốn dọc năm ngang (tức cái lung tung), rồi treo một cái sọt bên trong đựng gấy tiền, cau trầu, bùa đào (ghi tên Thần linh)…để cúng Thần. Trên bùa đào ngoài việc đề tên Thần, còn dùng để đề câu đôi Tết, áp dụng theo lối đề câu đối của Mạnh Sưởng đời Tống ở Trung Hoa, gọi là “đề đào phù” chẳng hạn như:
“Tân niên nạp dư khánh
Gia tiết hiệu trường xuân”
nghĩa là:
Năm mới nhiều điềm tốt
Tiết đẹp gọi xuân lành.
Song bên cạnh đó, chính vua Minh Mạng cũng quan niệm rằng, đã là bậc đế vương phải theo mạnh mẽ của quẻ Càn tượng Trời không lúc nào ngưng nghỉ. Vả lại sớ chương không lúc nào không có, nếu cất ấn lỡ có việc quân cơ quan trọng thì rất khó xử lý, rất bất tiện cho hoạt động hành chính. Theo ý chỉ của vua Minh Mạng, những lần lên nêu, triều đình nhà Nguyễn thì chỉ chọn một số ấn triện không quan trọng để bỏ vào sọt treo lên nêu cho có tính cách tượng trưng. Đến ngày mồng bảy tháng Giêng mới mở ấn (Khai ấn) và hạ nêu (Há tiêu) rồi tiễn Thần (tống Thần), gọi là mở đầu năm mới.
Nhưng từ thời Tự Đức, triều đình quy định đến ngày 30 tháng Chạp mới dựng nêu, tức thời gian nghỉ Tết ngắn lại. Khi cây nêu được dựng lên chính là lúc đánh dấu thời gian nghỉ Tết đã đến.
Theo điển lệ, khi thấy cây nêu lấp ló trên những bức tường thành của chốn hoàng cung xưa, các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng nêu ăn Tết cúng Thần cùng tổ tiên và vạch vôi trừ ma quỷ. Ngày giờ dựng nêu của dân chúng sau định lệ của triều đình. Thơ của Tú Xương cũng có câu phản ánh sự quy định này:
“Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà”.
Cây nêu dựng lên báo hiệu Tết đến. Nguyễn Khuyến lúc cáo lão về hưu, mắt lòa không nhìn thấy rõ đã vấp vào nêu dựng tối 30 tháng chạp:
“Tối ba mươi nghe pháo Giao thừa à à Tết
Sáng mồng một vấp nêu Nguyên đán ờ ờ Xuân”.
Phục dựng lễ dựng nêu tại chốn Hoàng cung ngày nay
Lễ dựng nêu tại Hoàng cung Huế được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng và tổ chức hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp. Trên cơ sở chất liệu cung đình, Trung tâm đã xây dựng một kịch bản có tính nghi thức về dựng nêu trong chốn hoàng cung, nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn, đồng thời tạo ra không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán.
Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng. 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề. Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến Triệu Tổ Miếu, cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại Triệu Miếu (năm nay 2019), Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Nghi thức thướng nêu (tức là dựng nêu) được cử hành nghiêm trang. Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc. Sau phần lễ, 10 lính vác nêu đã tiến hành dựng nêu lên.
Sau Triệu Miếu, Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại điện Long An, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến mồng 6 Tết Nguyên đán. Du khách và người dân đến với di tích cố đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến một nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống hôm nay.
Hình ảnh cây nêu từ bao đời nay đã được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân Việt, gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ngày xuân dựng nêu để mong muốn những điều tốt đẹp cho một năm mới đang tới. Hình ảnh cây nêu vươn mình đón nắng xuân biểu thị cho sức sống xuân đang trỗi dậy trong mỗi người dân Việt. Đó là những ý nghĩa tốt đẹp mà tư xa xưa, ông cha đã truyền lại cho thế hệ con cháu hôm nay. Chính vì vậy, tại nhiều làng quê của Thừa Thiên Huế trong những những ngày giáp Tết, nhiều họ tộc đã tổ chức dựng nêu trước đình làng, trước sự chứng kiến của đông đảo con cháu trong làng. Nhiều địa chỉ văn hóa của Huế cũng đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này bằng nghi thức dựng nêu được tổ chức trang trọng.
Lễ dựng nêu là một truyền thống rất lâu đời của người Việt Nam, những ngày đầu xuân mới điển lễ này thật sự đã tạo nên không khí vui tươi vào dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ phổ biến ở cố đô Huế, khắp mọi miền đất nước ngày nay vẫn còn duy trì tục lệ này, đó thật sự là một đẹp trong truyền thống tâm thức người Việt.
http://hueworldheritage.org.vn/TTBTDTCDH.aspx?TieuDeID=51&l=vn&KenhID=0&TinTucID=3159
1.
https://www.facebook.com/hungphong.le.3/posts/5259129480771289
0.
Năm 2020
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa gì?
(Dân sinh) - Cây nêu được dựng lên báo hiệu một năm mới bắt đầu mở ra, sau ngày ông Công ông Táo và khi hạ cây nêu cũng là lúc người nông dân xuống đồng cày cấy vào mùng 7 tháng Giêng.
Dựng cây nêu ngày Tết là phong tục truyền thống của người Việt. Thời xưa, hầu như gia đình nào cũng dựng cây nêu vào dịp Tết nhưng đến nay chỉ còn một số ít nhà duy trì phong tục này.
Bên cạnh đó, một vài năm gần đây, tại một số điểm di sản trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị quản lý hoặc các tổ chức hoạt động văn hóa cũng phục dựng cây nêu gợi nhớ về truyền thống văn hóa ý nghĩa của người Việt.
Tại Hoàng thành Thăng Long, khoảng 3 - 4 năm nay, trong khuôn khổ hoạt động văn hóa "Tống cựu nghinh tân", Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội luôn thực hành nghi lễ dựng cây nêu một cách trang trọng. Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại đình Kim Ngân và đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Nhóm Đình làng Việt tổ chức dựng cây nêu với sự tham gia của đông đảo người dân.
Cây nêu thường làm bằng cây tre già, cao ngọn, trên đó treo các biểu tượng, đồ vật theo đúng phong tục và quan niệm của người xưa. Ngày dựng cây nêu người ta gọi là ngày lên nêu và ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu. Người Mường thường trồng cây nêu vào ngày 28/12 âm lịch, người H'mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 – ngày 5 tháng Giêng Âm lịch.
Theo sự tích người xưa kể lại rằng: Truyền thuyết về dựng cây nêu thì rất nhiều nhưng thường mang ý nghĩa là cây bảo vệ cho người dân, cho vùng đất đó yên lành, bảo vệ khỏi quỷ dữ và tà ma xâm nhập. Bóng của cây nêu lan tỏa đến đầu thì đấy là đất Phật, đất dân lành; lũ quỹ dữ buộc chạy ra ngoài Biển Đông. Bởi theo quan niệm của người xưa, quỷ dữ còn trong đất liền, sống chung với con người, gây nhiều thứ gây rắc rối cho con người. Khi dựng cây nêu lên, Bụt giúp người dân hóa phép trừ tà. Ngoài ra, người xưa còn dùng vôi bột vẽ mũi tên trước cổng nhằm ra hướng Đông hoặc xung quanh cây nêu trừ tà...
Cũng theo truyền thuyết cây nêu gắn liền với Phật giáo, với tín ngưỡng bản địa và đó là sự khéo léo trong phối hợp giữa hai tôn giáo. Việc dựng cây nêu ngày Tết, ngoài ý nghĩa xua đuổi ma quỷ còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh vượng.
Vật dụng treo trên cây nêu cũng mang những ý nghĩa riêng. Cây tre biểu tượng vật dương, lọng tàn hình tròn treo trên cây tre biểu tượng cho vật âm. Lọng tàn gồm 5 con cá chép với các màu khác nhau biểu trưng cho ngũ hành: Màu vàng ở giữa, màu trắng ở phía Nam, màu đen ở phía Bắc, màu xanh ở phía Đông và màu đỏ ở phía Tây.
Trên ngọn nêu cũng có những vật dụng khác kèm theo. Đó là cái giỏ để bắt cua, thường khi treo lên thì đựng ngũ cốc; cái sời bắt cá đựng cây gai trừ tà ma và khí không tốt; còn túi rút đính đồng tiền. Khi hạ cây nêu xuống thì ngũ cốc mang đi gieo trồng. Ngoài các vật dụng, trên ngọn nêu cũng treo dải lụa viết những lời viết ước nguyện. Tuy nhiên, các vật dụng treo trên ngọn nêu có thể mỗi vùng khác nhau vì theo quan niệm, tập quán mỗi nơi.
Trong các lễ hội, cây nêu được xem là tiêu điểm tập trung, kết nối cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ để chuẩn bị đón nhận những niềm vui của năm mới.
https://baodansinh.vn/phong-tuc-dung-cay-neu-ngay-tet-mang-y-nghia-gi-20200125081152502.htm
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.