Năm mới, có một chút việc liên quan đến chìa khóa cửa phải cậy đến các bác thợ khóa. Chỉ đơn giản gọi cho bác D. ở đầu chợ khu phố. Bác hẹn ra ngay.
Bác D. mặt trẻ và tóc chưa có nhiều sợi bạc, nên chắc tầm trên dưới 40. Lưu số của bác ấy từ năm ngoái, vì bác đã phải sửa giúp cho loạt chìa khóa đánh trên phố chợ Hôm gần cơ quan.
Tiện gần cơ quan, nên năm ngoái đã mang cả chùm chìa khóa cửa ra đánh mấy bản sao ở phố chợ Hôm, nhưng về nhà thì đến một nửa không sử dụng được, đành mang ra bác D. gần nhà để nhờ chỉnh cho. Bác D. liếc xem cái, đã nói liền: người ta dùng phôi chìa kém thế, thì không đủ độ dày, nên chìa không mở được khóa là đúng rồi. Bác đánh mới cho một loạt chìa khác trên nền phôi mới, thì về dùng rất tốt. Các chìa đánh trên phố chợ Hôm bị loại ra thì đành gói lại không dùng nữa.
Sau lần đó, ấn tượng về bác D. Đồng thời, hiểu thêm được về độ mỏng dày của phôi chìa khóa. Mỏng đi một chút, là không được. Cứ phải đúng độ dày thì chìa mới mở được khóa !
1. Lần này, lại phải ra gặp bác D. ở đầu ngõ chợ. Ra đến nơi, quả thực, anh đã đợi sẵn bằng dáng vẻ tất bật, rằng: tớ vừa đi sửa khóa ở nhà người ta về, vừa ngồi xuống ghế thì chú em ra. Mũ lưỡi trai và tác phong rất thanh niên.
Chú em mới đưa cái chìa nguyên bản ra nhờ đánh bản sao. Đó là khóa cửa cuốn. Mấy hôm mình đi du lãng, ở nhà thì cái ổ khóa ấy có biến ! Người nhà đành cho cửa cuốn nghỉ chơi mấy hôm để đợi mình về. Mình về thì theo bản năng cơ khí bẩm sinh, đã ra tay xem xét. Sửa được sau hai lần thăm khám nhiệt tình. Như mọi khi thôi, về cơ bản từ bàn là, quạt điện, tủ lạnh, lò vi sóng, máy tính, tivi,... cái gì bị sơ sơ là đều có thể sửa được. Gì thì gì, ngày xưa, lúc là sinh viên mình đã đi làm thêm ở cửa hàng đồ điện tử mà (cái cửa hàng ấy ở tận miền Tây nước Nhật Bản cơ).
Nhưng giật mình là ổ khóa sửa được thì làm hỏng luôn một cái chìa nguyên bản. Do mình có vặn chìa trong ổ một cái mạnh quá ! Thế là, chỉ lại một chiếc chìa nguyên bản duy nhất (vốn có 3 cái nhưng cứ hỏng dần hỏng dần, đến lúc đó chỉ còn 1 cái duy nhất !). Bởi vậy, phải đi đánh thêm các bản sao từ cái nguyên bản duy nhất ấy.
2. Vẫn như mọi lần, việc sao chìa khóa của bác D. được thực hiện rất nhanh. Chưa kịp nói hết câu, thì đã xong. Vì bây giờ, toàn là làm bằng máy thôi.
Và vẫn như mọi khi, phôi để đánh chìa bản sao đều có nguồn gốc Trung Quốc, sẽ có chữ Hán ở mặt nào đó. Dĩ nhiên, là phôi đó đều ngắn hơn và kém sắc nét hơn so với chìa gốc.
Gì thì gì, cái chìa gốc vẫn chắc chắn hơn, cứng cáp, sắc nét, và dễ sử dụng hơn.
3. Giá đánh chìa vẫn không thay đổi, là 30 ngàn. Nhưng về nhà thì không sao mở được ! Loay hoay một lúc, thì mở được mặt bên ngoài mà không không sao mở được mặt bên trong ! Thêm nữa, phát hiện phôi đánh chìa lần này bác D. dùng loại kém quá, đã han rỉ rồi !
4. Ra thắc mắc thì bác D. giải thích là do mình tự sửa, nên bi của ổ khóa đã xộc xệch đi rồi, nên không thể đánh chìa mới được nữa.
Mình thắc mắc: chìa nguyên bản vẫn mở ok. Các chìa sao do chính anh làm trong năm vẫn mở ngon hết, tất cả đều ngon, cả hai mặt đều ngon.
Anh cười bảo: thế mới nói là không đánh chìa mới được !
Ý anh là: các chìa cũ do anh đánh thì đã quen ổ bia cũ nên mở được, còn từ nay trở đi thì không đánh chìa mới được nữa.
Rồi anh rút trong ngăn kéo tủ đồ ra một đống ổ khóa ở dạng lệch bi, không sao đánh được chìa mới ! Anh bảo: đó là khóa của các nhà khác đó, lưu lại đây làm tư liệu nghiên cứu.
5. Cứ chạy đi chạy lại vài lần từ nhà ra chợ như vậy. Mình phát chán với lí luận của bác D.
Bác D. bảo mình: chú em về tháo cả ổ khóa ra đây, anh mới đánh chìa mới cho chú em được.
Mình đến lúc đó thì không dùng được cái lí luận của bác D. được nữa. Nhất là bác lại đá thêm câu, nếu vẫn không đánh được thì phải mua ổ khóa mới nhé !
6. Cuối cùng, mới bụng bảo dạ, thôi kệ, mình đi tìm một ông thợ khóa khác ở cái chợ bên kia. Khu mình đúng là phố thị xưa, nên từ lâu đã có mấy cái chợ vậy xung quanh. Chả tội gì mà chỉ tin bác D. ở chợ này. Phải sang chợ khác mà thử mới biết được.
7. Mình gói cái chìa bác D. đánh cho, tính sẽ không dùng nữa. Rồi đi sang chợ bên kia. Hai cái chợ khá gần nhau, nên chỉ nhoáng cái đã đến đầu chợ, thì thấy một quầy cắt chìa khóa, nhưng chưa thấy ông thợ đâu.
Cứ tiến đến, thì đến gần sát quầy, ông thợ đứng dậy niềm nở chào khách.
8. Nhìn thấy ông thợ, vì là mình đi ngẫu nhiên, không chọn lựa, thì tự nhiên giật mình một cái. Vì phải gọi là cụ thợ mới đúng ! Nhưng thôi, đã đến rồi, thì cứ thử tay nghề cụ xem sao.
Đúng là một cụ thợ thật. Cụ nhận cái chìa nguyên bản của mình thì cười, đại ý là chuyện nhỏ ! Nhưng thấy động tác cẩn thận đến mức chậm, và tay thì hơi cong cong. Mình hỏi tuổi đã 70 chưa thì cụ trả lời giọng hóm hỉnh: cũng vừa vào tuổi 83 rồi ! Giật mình chưa ! Mình bảo, trên địa bàn Hà Nội, có lẽ đây là người thợ khóa đương chức cao niên nhất rồi.
Nhiều năm trước, đã gặp một bác sĩ nha khoa đương chức ở tuổi 85, mà là học nha khoa từ thời Pháp thuộc, vẫn có bàn khám chữa riêng trong cơ ngơi do chính ông mở sau khi về hưu (chủ cơ sở lúc ấy đã là người con rể, ông nhường lại, lùi vào một góc để cai quản một bàn thôi). Cũng đã là chuyện của khoảng gần chục năm rồi, bác sĩ ấy nếu vẫn đang ở đó thì đã tới khoảng 95. Dĩ nhiên, hồi trước đã chụp nhiều ảnh người nha sĩ đáng nể ấy rồi.
Bây giờ, đầu năm 2021, thì lại mục kích sở thị một người thợ khóa đương chức ở tuổi 83.
Cụ kể đại khái là đã ngồi ở vị trí này từ năm 1969. Hiện cụ đã có mấy người chắt, trong đó thì có 2 chắt nội.
9. Cụ làm rất cẩn thận. Ngắm nghía kĩ rồi mới bấm máy. Trở đi trở lại. Phôi làm chìa của cụ cũng hệt của bác D. bên chợ kia. Tức là đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng đống phôi rất mới, không han gỉ gì.
10. Lúc đã làm xong, cụ cũng lấy 30 ngàn đồng, hẳn là giá chung. Mình vẫn còn chút e ngại, nên nói: giả như không mở được thì sao cụ ơi ? Cụ cười rất tươi bảo: yên tâm, cửa hàng mình làm luôn có bảo hành, nên không được cứ thoải mái trở lại nhé !
Ảnh chụp đầu tháng 1 năm 2021 |
11. Về nhà, thì thử luôn việc mở phía bên ngoài rồi lại phía bên trong. Làm liền mấy lượt, thử cho đủ các góc độ. Thì ơn giời, tất cả đều ngon lành cành đào, không hóc, không chập chờn. Dĩ nhiên là kém chìa nguyên bản một chút ! Tức là, trình độ làm chìa của người thợ 83 ở chợ bên này thật cừ khôi !
Tâm phục khẩu phục cụ !
Câu chuyện rất nhỏ, nhưng phải kể một cách tỉ mỉ vào năm mới, để thấy rằng, kĩ nghệ làm chìa khóa bản sao ở Hà Nội vào đầu thập niên thứ 3 của thế kỉ XXI đang ở mức như vậy.
Đại Việt bây giờ đã có thể sản xuất ô-tô, tàu ngầm, xe tăng,... nhưng với cuộc sống bình thường thì người thợ khóa ở các khu chợ trong thành phố hay các chợ quê vẫn rất quan trọng.
Mấy hôm bận, còn chưa có dịp ra chào cảm ơn cụ thợ khóa một tiếng. Chắc để cuối tuần này vậy.
Tháng 1 năm 2020,
Giao Blog
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.