Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/12/2019

Khoa học Việt Nam : tin vui trong bước đường "quốc tế hóa" tạp chí trong nước

Kì vọng về việc quốc tế hóa các tạp chí học thuật của Việt Nam, thì có thể đọc lại ở đây.

Dưới là một tin vui từ Đại học Quốc gia Hà Nội: một tạp chí của đại học đã được công nhận và đưa vào hệ thống ISI quốc tế. 


Tóm tắt:
"Ngày 16/12/2019 vừa qua, Tạp chí Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến của ĐHQGHN - Journal of Science: Advanced Materials and Devices - JSAMD của ĐHQG Hà Nội hợp tác với Nhà Xuất bản Elsevier (Hà Lan) đã được Tập đoàn Clarivate Analytics xét chọn để chính thức có mặt trong danh mục chỉ số trích dẫn khoa học SCIE (Science Citation Index Expanded) của Web of Science (trước đây là Viện Thông tin Khoa học, ISI - Institute for Scientific Information)."








Tin từ các nơi.





---

Thứ Bảy 21/12/2019 - 08:05


Dân trí SCIE là cơ sở dữ liệu bao gồm hơn 9.200 tạp chí khoa học và công nghệ uy tín hàng đầu thế giới với 178 chuyên ngành, hơn 53 triệu bài báo và gần 2 tỉ tài liệu tham khảo có từ năm 1900 đến nay. Việt Nam vinh dự có một Tạp chí khoa học duy nhất vào trong danh mục này.

Ngày 16/12/2019 vừa qua, Tạp chí Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến của ĐHQGHN - Journal of Science: Advanced Materials and Devices - JSAMD của ĐHQG Hà Nội hợp tác với Nhà Xuất bản Elsevier (Hà Lan) đã được Tập đoàn Clarivate Analytics xét chọn để chính thức có mặt trong danh mục chỉ số trích dẫn khoa học SCIE (Science Citation Index Expanded) của Web of Science (trước đây là Viện Thông tin Khoa học, ISI - Institute for Scientific Information).
SCIE là cơ sở dữ liệu bao gồm hơn 9.200 tạp chí khoa học và công nghệ uy tín hàng đầu thế giới với 178 chuyên ngành, hơn 53 triệu bài báo và gần 2 tỉ tài liệu tham khảo có từ năm 1900 đến nay.


Tạp chí khoa học duy nhất của Việt Nam vào danh mục SCIE uy tín hàng đầu thế giới - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Tạp chí Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến của ĐHQGHN

Như vậy, hiện nay JSAMD trở thành tạp chí duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh mục SCIE. Trong khi đó, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan hiện đang có 8 tạp chí thuộc danh mục SCI và Malaysia -15 tạp chí.
Được biết, trước đây, năm 2015, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nanô (Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology - ANSN) của Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp với IOP Publishing (Vương quốc Anh) cũng đã từng được xét vào danh mục này, nhưng do một số lý do, năm 2016 lại bị đưa ra.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Tạp chí JSAMD xuất bản số đầu tiên hồi tháng 3/2016. Tháng 7/2017 đã được chấp nhận vào hệ thống nhóm tạp chí mới nổi của ISI (ESCI - Emerging Sources Citation Index) và tháng 4/2018 được xét vào danh mục Scopus. Đó là các vòng thẩm định rất chặt chẽ trước khi được xét vài SCIE.


Tạp chí khoa học duy nhất của Việt Nam vào danh mục SCIE uy tín hàng đầu thế giới - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Phân bố sự đóng góp bài từ các quốc gia cho JSAMD

JSAMD tập trung công bố các công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực vật liệu và linh kiện tiên tiến, bao gồm: vật liệu sinh học, vật liệu xanh, vật liệu năng lượng, siêu vật liệu biến hóa, vật liệu nano và composite, các vật liệu thông minh, vật liệu từ, vật liệu điện môi, vật liệu bán dẫn, vật liệu siêu dẫn, linh kiện và ứng dụng... Đây là lĩnh vực thế mạnh và ưu tiên của ĐHQGHN nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Đến nay, tạp chí đã xuất bản được 257 công trình nghiên cứu. Hồi tháng 6 năm nay, lĩnh vực vật liệu từ, điện tử và quang của JSAMD đã được SCImago xếp hạng Q1, trong khi đó, 2 lĩnh vực khoa học vật liệu ứng dụng và vật liệu sinh học được xếp nhóm Q2.
Các bài báo được chấp nhận xuất bản trong JSAMD của các tác giả Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại đến từ các quốc gia khác như Ấn độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga… Trong đó, có các nhà khoa học của các Trường đại học và các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc như Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (Nga), Trung tâm nghiên cứu quốc gia (CNRS – Pháp)…


Tạp chí khoa học duy nhất của Việt Nam vào danh mục SCIE uy tín hàng đầu thế giới - 3
Nhấn để phóng to ảnh
Phân bố sự đóng góp bài từ các đại học và trung tâm nghiên cứu

GS Nguyễn Hữu Đức cũng cho biết, hiện nay tỉ lệ từ chối của tạp chí đã lên đến 65%, do đó JSAMD có nhiều cơ hội để nhận đăng các công trình nghiên cứu có chất lượng tốt.
Theo kế hoạch, tháng 6/2020 tới, Clarivate Analytics sẽ công bố chỉ số ảnh hưởng năm 2019 của các tạp chí. ước tính JSAMD sẽ có chỉ số ảnh hưởng IF gần 3,5.

Hồng Hạnh





---

BỔ SUNG


1.

Thứ Năm 26/12/2019 - 09:45

Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất


Dân trí Số lượng công bố quốc tế hàng năm của Việt Nam đã cán mốc gần 10.000 bài/năm (năm 2018) trong đó các cơ sở giáo dục đại học đóng góp tới 70%. Tốc độ gia tăng các bài báo WoS & Scopus hàng năm của Việt Nam tăng mạnh (34,7% đối với cả nước và 41,6% đối với riêng các CSGDĐH). Vậy trường đại học nào có công bố quốc tế nhiều nhất nước?


>>Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo
>>10 trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam có nhiều công bố quốc tế nhất
>>37,5% giảng viên chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus


Cán mốc 10.000 bài/năm
Số liệu công bố quốc tế trong CSDL WoS, Scopus và WoS & Scopus của Việt Nam nói chung và các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) nói riêng trong giai đoạn 2014-2018 được thống kê như sau:
Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Trong 5 năm đó, cả nước đã công bố 22.438 bài báo WoS, 29.932 bài báo Scopus và tổng cộng 32.732 bài trong CSDL tích hợp WoS & Scopus. Đồng thời, số liệu tương ứng của các CSGDĐH là 13.728 (WoS), 21.702 (Scopus) và 23.144 bài (WoS & Scopus), chiếm trung bình khoảng 70% so với năng suất của cả nước.
Về tổng số bài báo Scopus cao hơn số bài báo WoS 1,33 lần; tổng số bài báo WoS & Scopus cao hơn số bài báo WoS 1,46 lần và số bài báo Scopus 1,09 lần.
Lưu ý, tổng số bài báo WoS & Scopus trong giai đoạn 2014-2018 của Việt Nam chỉ tương đương với năng suất công bố bài báo Scopus của Indonesia trong năm 2017 (21.300 bài) hoặc năm 2018 (33.988 bài).
Năng suất khoa học - số lượng bài báo công bố trên Việt Nam đang tăng qua từng năm và có dấu hiệu tăng mạnh hơn sau năm 2017.
Trong giai đoạn 2014-2017, trung bình mỗi năm số lượng bài báo WoS & Scopus tăng khoảng 18,8% (từ 4.332 bài đến 7.217 bài trong 3 năm). Tuy nhiên, chỉ trong một năm từ 2017-2018, số lượng bài báo đã tăng lên 34,7% (từ 7.217 đến 9.719 bài). Như vậy, năm 2018, Việt Nam đã gần như đã cán mốc 10.000 công bố quốc tế một năm.
Kết quả này cao hơn một chút so với năng suất công bố bài báo Scopus hàng năm (ví dụ: 8.800 bài năm 2018) của Trường ĐHQG Singapore. Trong số đó, tốc độ gia tăng số công bố trong hai giai đoạn phân kỳ ấy của WoS là 22,4% và 30,5%; của Scopus là 18,1% và 33,7%.
Tương tự, số lượng bài báo WoS & Scopus của các CSGDĐH Việt Nam, từ 2014-2017, trung bình mỗi năm tăng 21,8%, nhưng chỉ tính riêng năm từ 2017-2018, con số này tăng lên đến 41,6%. Trong đó, tốc độ gia tăng số công bố trong hai giai đoạn phân kỳ ấy của WoS là 29,4 % và 38,5%; của Scopus là 21.3% và 41,1%.
Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Kết quả gia tăng công bố quốc tế theo bảng trên nhận thấy rằng, tỉ lệ gia tăng các bài báo Scopus ngày càng chiếm trọng số quan trọng và đặc biệt là sự đóng góp vào sự gia tăng đến từ các CSGDDH.
Kết quả này cho thấy các trường đại học tại Việt Nam đang dần quan tâm đến công bố quốc tế. Chính sự gia tăng năng suất công bố quốc tế của các CSGDĐH đã quyết định mức độ gia tăng chung về công bố quốc tế của cả nước. Sự gia tăng có tính chất đột biến này xảy ra trong thời kỳ các CSGDĐH Việt Nam được trao quyền tự chủ.
Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất - 3
Nhấn để phóng to ảnh
30 cơ sở giáo dục đại học có số lượng bài báo nhiều nhất
Số liệu về tổng số bài báo WoS & Scopus và số lần trích dẫn trong giai đoạn 2014-2018 được liệt kê cho thấy top 30 CSGDĐH có số lượng bài báo nhiều nhất trong giai đoạn 2014-2018.
Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất - 4
Nhấn để phóng to ảnh
Có thể thấy rằng, đến hết năm 2018, ĐHQGTpHCM và ĐHQGHN vẫn là hai cơ sở giáo dục có tổng số bài báo cao nhất. Điều thú vị là Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã vươn lên vị trí top 3 và Trường đại học Duy Tân nằm ở vị trí top 5.
Khi so sánh năng suất công bố quốc tế của các CSGDĐH có thể thấy số lượng bài báo của trường top 1 (ĐHQGTpHCM) chỉ nhiều hơn xấp xỉ 2 lần so với trường top 4 (Trường ĐHBK Hà Nội).
Thực tế, đây là 4 CSGDĐH hàng đầu của Việt Nam đã có tên trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế như QS, THE và AWRU.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các trường top 15 thì sự khác nhau về số lượng công bố quốc tế đã là 10 lần.
Đáng nói hơn, khi so sánh trường top 1 với top 30, sự khác biệt lên đến gần 50 lần. Điều này cho thấy ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 15 CSGDĐH có định hướng và năng lực nghiên cứu nổi trội. Đây là thông tin có ý nghĩa, có thể sử dụng để hoạch định chính sách phát triển các CSGDĐH.
Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất - 5
Nhấn để phóng to ảnh
Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất - 6
Nhấn để phóng to ảnh
Tổng số bài báo WoS & Scopus và số trích dẫn giai đoạn 2014-2018 của top 30 CSGDĐH Việt Nam.
Tổng số bài báo WoS & Scopus và số trích dẫn giai đoạn 2014-2018 của top 30 CSGDĐH Việt Nam.
Khi khảo sát cụ thể mức độ gia tăng trong thời gian gần đây của một số CSGDĐH có thể thấy rằng, trong giai đoạn 2014-2018, tốc độ gia tăng về công bố quốc tế hàng năm của ĐHQGHN, ĐHQG TpHCM và các CSGDĐH truyền thống hầu như không có sự đột biến, trong lúc đó Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân có tốc độ gia tăng vượt trội.
Năm 2017, số lượng bài báo WoS & Scopus của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã vượt qua ĐHQGHN và năm 2018 lại tiếp tục vượt qua ĐHQGTpHCM.
Năm 2018, số lượng bài báo WoS & Scopus của Trường ĐH Duy Tân cũng đã tiến kịp Trường ĐHBKHN. Trước đó, năm 2014, hai trường này thậm chí còn không nằm trong top 10 của Việt nam.
Đóng góp của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã làm thay đổi cán cân công bố quốc tế của các CSGDDH tại khu vực TP.HCM so với khu vực Hà Nội.
Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất - 7
Nhấn để phóng to ảnh
So sánh mức độ gia tăng về số lượng bài báo giữa các CSGDĐH tại khu vực Hà Nội và TP. HCM.
Cụ thể, vào năm 2014, số lượng bài báo WoS & Scopus của các CSGDĐH Hà Nội cao hơn, sự cân bằng giữa hai khu vực đã đạt được vào năm 2017. Vào năm 2018, số lượng bài báo của các CSGDĐH tại TP.HCM đã tăng mạnh, vượt xa so với số lượng bài báo của các CSGDĐH tại Hà Nội.
Xu thế này đang tiếp tục được khẳng định trong năm 2019. Tính đến 11/2019, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân lần lượt đã công bố được 2300 và 980 bài báo WoS & Scopus, dẫn đầu các CSGDĐH. Đồng thời, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đứng đầu cả nước, vượt qua cả Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Kết quả phân tích cho thấy rằng, chỉ số trích dẫn trung bình của các CSGDĐH Việt Nam đạt giá trị 9,2. Sau khi đối sánh và chuẩn hóa với CSDL do bảng xếp hạng QS công bố cho ĐHQGHN, có thể thấy rằng chỉ số trích dẫn trung bình của Việt Nam xấp xỉ giá trị trung bình của khu vực châu Á.
Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất - 8
Nhấn để phóng to ảnh
Theo đó, Việt Nam có 7 CSGDĐH có chỉ số trích dẫn cao hơn chỉ số trung bình của cả nước và của châu Á là: Trường ĐH Y Hà Nội (18,1); Trường ĐH Y tế cộng đồng (16); Trường ĐH Duy Tân (11,8); Trường ĐH Mỏ Địa chất (11,0); ĐHQGHN (10,7); Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (10,6) và Trường ĐH Tôn Đức Thắng (10,3).
Ngoài trường hợp các trường đại học thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, chỉ số trích dẫn trung bình cao của Trường ĐH Mỏ Địa chất và Trường ĐH Kinh tế quốc dân là điều đáng ghi nhận. Các nghiên cứu của hai trường vừa nêu có thể vừa có tính cập nhật, đồng thời liên quan đến các vấn đề đặc thù của Việt Nam nên được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nhiều.
Điểm danh 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất - 9
Nhấn để phóng to ảnh
Trang điện tử của hệ thống CSDL tích hợp WoS và Scopus Vcgate https://vcgate.vnu.edu.vn:3000.
Các số liệu công bố trên thuộc công trình nghiên cứu phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) Web of Science và Scopus trên hệ thống Vcgate của ĐHQGHN đối với các bài báo của các tác giả Việt Nam. Nhóm nghiên cứu Nguyễn Hữu Thành Chung, Võ Đình Hiếu, Ngô Mạnh Dũng - ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai xây dựng thành công Phần mềm hệ thống cổng thông tin chỉ số nghiên cứu Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống này này đã chỉ mục cho gần 70 tạp chí xuất bản trực tuyến của Việt Nam với gần 50.000 bài báo, bước đầu phục vụ việc xếp hạng chất lượng các tạp chí và cung cấp khả năng phân tích, đánh giá năng lực công bố kết quả nghiên cứu ở trong nước.
Ngoài việc thu thập và chỉ mục cho các bài báo trên các tạp chí của Việt Nam, Vcgate còn có khả năng thu thập chỉ số trích dẫn. Do đó, Vcgate có chức năng tương tự như các hệ thống CSDL khoa học của các quốc gia khác, đặc biệt rất tương đồng với WoS và Scopus.
 Đặc biệt, công trình này cũng chỉ ra mối liên hệ giữa tự chủ đại học và việc nâng cao năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học.
Hồng Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.