Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/09/2019

Học tiếng Việt : "đại học" thì như TỈNH, còn "trường Đại học" thì chỉ như HUYỆN

Đại học Thái Nguyên là chung. Trong cùng cái chung ấy, thì có các "trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên", "trường Đại học Nông lâm",...

Đại học Quốc gia Hà Nội là chung. Trong cùng cái chung ấy, thì có các "trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn", "trường Đại học Khoa học Tự nhiên", "trường Đại học Ngoại ngữ",...

Đại khái là như vậy.

Bà Tiến thì nói ví dụ: "đại học" thì như là Tỉnh, còn "trường đại học" thì như Huyện. Vậy là đúng rồi. 

Tiếng Việt đã tự sinh ra hai từ "đại học" và "trường đại học" như vậy. Trong tiếng Anh cũng đại khái thế, giữa "univesity" và "school". Tiếng Nhật cũng tạm vậy, giữa "đại học" và "khoa"/"khoa nghiên cứu"/"học bộ" (tương đương school).

Tiếng Việt tự nó theo thời gian mà thích ứng với các trào lưu đông tây kim cổ. Tự nó sinh ra nó như vậy.


Lấy về từ các nơi.

---

"Đổi tên thành ĐH Khoa học Sức khỏe, tôi phát biểu hoàn toàn chính xác"

- Bộ trưởng Y tế khẳng định, việc bà đề nghị đổi tên ĐH Y Dược TP.HCM thành ĐH Khoa họcSức khoẻ là hoàn toàn chính xác.

Ngày 16/9, trong phát biểu về sự phát triển của Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhân lễ khai giảng ở trường này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị nhà trường sớm có đề án đổi tên thành ĐH Sức khỏe TP.HCM. Chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế ngay sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các nhà quản lý giáo dục cũng như các chuyên gia y tế.
Sáng nay, 20/9, bên lề hội nghị trực tuyến triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế, Bộ trưởng Kim Tiến tiếp tục giải thích rõ hơn nội hàm khái niệm giữa "đại học' (university) và "trường đại học" (school).
Theo bà, hiện cả nước chỉ có một số đại học như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM, có quy mô lớn, bên dưới có các trường kinh tế, trường luật, trường kiến trúc, trường tài chính...
Riêng với ngành y, thực hiện chủ trương  cụ thể hoá Nghị quyết 20, 21 nên yêu cầu các khối trường sức khỏe phải có đề án thành lập ĐH Khoa học Sức khỏe (Heath Science University). Các đề án này hiện đã có nhưng chưa phê duyệt.
'Đổi tên thành ĐH Khoa học Sức khỏe, tôi phát biểu hoàn toàn chính xác'
Bộ trưởng Y tế cho rằng nhiều người phản ứng với phát biểu của bà vì chưa hiểu rõ bản chất của ĐH và trường ĐH


Trong ĐH Khoa học Sức khoẻ có các "trường" như Medical school gọi là trường ĐH Y, Pharmaceutical school là ĐH Dược, ngoài ra còn có các trường nha khoa, y tế công cộng, điều dưỡng, kỹ thuật y khoa...
Trường Y Dược TP.HCM đã trình đề án trở thành mô hình ĐH cách đây 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt do còn chờ Trường ĐH Y Hà Nội và vướng một số quy định trong luật Giáo dục đại học.
Bộ trưởng Kim Tiến cho biết, với quy mô hiện tại, ĐH Y Dược TP.HCM chỉ là trường đại học, không thể gọi là đại học.
Theo bà Tiến, trước mắt phải đổi lại tên là "Trường ĐH Y Dược TP.HCM" theo như kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT (Được biết, cơ sở đào tạo này từng bỏ chữ "trường" đi, sau đó Thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng điều này không đúng và đã yêu cầu sửa lại).
'Đổi tên thành ĐH Khoa học Sức khỏe, tôi phát biểu hoàn toàn chính xác'
Theo Bộ trưởng Tiến, ĐH Y dược TP.HCM phải đổi tên, đó là kết luận của đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT, nhưng đổi tên ở đây là đổi thành "Trường ĐH Y dược TP.HCM". Tên hiện nay không có chữ "Trường" mà bắt đầu bằng chữ ĐH. Ảnh: Lê Huyền
"Đại học gì mà dưới toàn các khoa, đã thành trường đâu. Cho nên tôi phát biểu như thế là hoàn toàn chính xác. Còn những người hiểu sai. Thứ nhất là chưa hiểu hết bản chất của đại học vàtrường đại học, thứ hai là chưa hiểu rõ chủ trường của ngành”, Bộ trưởng Y tế nói.
Bộ trưởng Y tế cho biết thêm, hôm qua bà đã phê bình cấp dưới khi phát biểu rằng chỉ đổi mô hình, không đổi tên của ĐH Y Dược TP.HCM. Vì khi đã gọi là ĐH thì không còn gọi là ĐH y dược nữa mà là ĐH khối sức khoẻ.
Trước nhiều ý kiến không đồng thuận về việc đổi tên, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng cần thông cảm vì cái tên là lịch sử, đã gắn bó nhiều năm.
Tuy nhiên Bộ trưởng cho biết, việc có giữ nguyên tên ĐH Y Dược TP.HCM và bên dưới là các trường ĐH trực thuộc hay không sẽ bàn sau.
“Nhưng bản chất phải là ĐH sức khoẻ, còn y, dược như hiện tại chỉ là 2 chuyên ngành, không có phục hồi chức năng, y học cổ truyền, điều dưỡng, nha khoa… Như vậy, nếu chỉ gọi y dược là thiếu, không bao quát được và chưa chắc người ta chấp nhận tên đó một khi đề án được thành lập. Vì ĐH khác trường đại học. ĐH như là tỉnh còn trường ĐH như là huyện thôi”, Bộ trưởng Tiến phân tích.
Về thời gian chuyển đổi cụ thể, Bộ trưởng Y tế cho biết sẽ cần thêm nhiều bước, từ thẩm định tới chuẩn bị cơ sở hạ tầng, bộ máy tổ chức, nhân lực... nên chưa thể chốt chính xác nhưng trường ĐH Y Dược TP.HCM sẽ là trường đầu tiên của ngành y thực hiện chuyển đổi thành mô hình ĐH.
Thúy Hạnh


.

---

BỔ SUNG


1.

Thứ Sáu 20/09/2019 - 15:58

Dân trí Sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn, và với việc vắng mặt các trường đại học đa lĩnh vực là hai “tàn tích” của mô hình Liên Xô cũ. Đây chính là hai cản trở lớn làm cho khối các nước kinh tế chuyển đổi có rất ít trường đại học đẳng cấp thế giới. 

 Đó là ý kiến của GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp Trường Đại học Thăng Long khi nói về các cản trở khiến ĐH Việt Nam chưa thể vươn tới đẳng cấp quốc tế.
Hãy xem các trường đại học trên thế giới xếp hạng
 Phấn đấu để có các trường đại học (ĐH) đẳng cấp thế giới, nằm trong các top đầu của các bảng xếp hạng các trường ĐH, là mục tiêu của nhiều quốc gia.
 Tuy nhiên, hiện thực mục tiêu nói trên không đơn giản. Muốn thúc đẩy việc đạt mục tiêu đó cần xem xét những yếu tố nào giúp sớm đạt được cũng như những yếu tố nào cản trở mục tiêu.
 GS Lâm Quang Thiệp cho biết, trước hết hãy tham khảo việc xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. Trong vài thập niên qua rất nhiều hoạt động xếp hạng các trường ĐH được nhiều tổ chức giáo dục thực hiện. Tuy hoạt động xếp hạng còn tồn tại nhiều vấn đề và chưa có hệ thống xếp hạng nào được xem là hoàn toàn chính xác, nhưng cũng có một số tổ chức xếp hạng được chấp nhận tương đối rộng rãi.
 Một trong các tổ chức  đó là “Xếp hạng về học thuật các trường ĐH thế giới” (the Academic Ranking of World UniversitiesARWU) do ĐH Thượng Hải triển khai.
Bảng phân bố số trường ĐH trong top 100 trường hàng đầu của các quốc gia được xếp hạng vào năm 2018 như sau:  
2 “tàn tích” khiến đại học Việt Nam chưa thể vươn tới đẳng cấp quốc tế - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Theo GS Lâm Quang Thiệp, trong top 100 trường đầu bảng gần một nửa là của Hoa Kỳ, sau đó là của một số nước OECD. Còn trong khối kinh tế chuyển đổi, nước phát triển nhất là Liên bang Nga chỉ có một trường góp mặt (ĐHQG Moscow).
Trong khối này, Trung Quốc là nước đặc biệt vượt lên được (có 3 trường: ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh, ĐH Triết Giang).
Từ khối ASIAN, Singapore có 2 trường trong top 100 (ĐH quốc gia Singapore và ĐH Công nghệ Nanyang), 1 trường trong nhóm 500-1000; Malaysia có 2 trường trong top 500 (ĐH Malaysia, ĐH Khoa học Malaysia) và 3 trường trong nhóm 500 -1000; Thái Lan có 4 trường trong nhóm 500-1000.
Tại sao số trường ĐH đẳng cấp thế giới của khối nước kinh tế chuyển đổi lại ít như vậy?  Liên bang Nga là một nước rất mạnh về khoa học, đặc biệt là khoa học quân sự và vũ trụ, nhưng chỉ có một trường góp mặt? Và tại sao Trung Quốc, cũng là một nước kinh tế chuyển đổi, lại bứt lên được?
GS Thiệp cho rằng, có thể có hai nguyên nhân quan trọng về sự yếu kém của GDĐH các nước kinh tế chuyển đổi, do ảnh hưởng của tàn tích mô hình Liên Xô cũ:  một là sự tách rời giữa hệ thống trường ĐH và các viện nghiên cứu lớn, hai là các trường ĐH phần lớn theo mô hình đơn ngành đơn lĩnh vực. Trung Quốc bứt lên được cũng có phần do khắc phục được các nhược điểm nêu trên.
Ví dụ, ở Trung Quốc đã chuyển đổi hệ thống văn bằng theo mô hình Liên Xô trước kia sang mô hình 3 cấp bachelor, master và doctor của Hoa Kỳ. Về chương trình đào tạo cho cấp cử nhân, đã chuyển từ đào tạo theo diện chuyên môn hẹp sang đào tạo theo diện rộng, chú trọng đến phần kiến thức giáo dục đại cương để tạo kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản, tầm nhìn rộng và tính nhân văn cho sinh viên.
2 “tàn tích” khiến đại học Việt Nam chưa thể vươn tới đẳng cấp quốc tế - 2
Nhấn để phóng to ảnh
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp
Sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn
GS Thiệp cho biết, từ khi đất nước thống nhất đến khi bắt đầu “đổi mới”,  hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) và nghiên cứu của cả Việt Nam được xây dựng theo mô hình Liên Xô, là mô hình có hai đặc điểm nói trên.
Tuy nhiên, mô hình tổ chức hệ thống nêu trên tác động xấu đến chất lượng các trường ĐH mà một trong hai chức năng hàng đầu là nghiên cứu.
Với mô hình đó, kinh phí nghiên cứu do Nhà nước tài trợ chủ yếu dành cho các viện nghiên cứu ngoài trường ĐH, và sinh viên các trường ĐH không được tập dượt nhờ phụ giúp các nhà nghiên cứu, còn các nhà nghiên cứu thì không có sinh viên để truyền thụ.
Tình trạng đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng nghiên cứu ở các trường ĐH, và khi hoạt động nghiên cứu không tốt thì chất lượng giảng dạy cũng yếu kém.
Để so sánh, chúng ta hãy xem xét tổ chức hệ thống nghiên cứu và giảng dạy trong các trường ĐH Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ phần lớn các viện nghiên cứu nằm trong các trường ĐH, trừ một số tổ chức nghiên cứu lớn như NASA (National Aeronautics and Space Administration) và vài tổ chức khác. Tuy nhiên, NASA và các tổ chức quan trọng đó cũng sử dụng nhân lực nghiên cứu chủ yếu từ các trường ĐH.
Ở Việt Nam, cho đến năm 1992 hệ thống nghiên cứu quan trọng vẫn tồn tại theo mô hình Liên Xô: cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu là Ủy ban Khoa học Nhà nước, hai cơ quan nghiên cứu lớn bao trùm (theo kiểu Viện hàn lâm Khoa học ở Liên Xô) là Viện Khoa học Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Đến năm 2012, lại được đổi tên thành hai viện hàn lâm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
“Rõ ràng sự tách rời giữa hệ thống GDĐH nước ta với hệ thống các tổ chức nghiên cứu quan trọng nhất đất nước đã và đang làm yếu các trường ĐH, đặc biệt là các ĐH hàng đầu nước ta, gây cản trở lớn đối với quá trình phấn đấu thành ĐH đẳng cấp thế giới” – GS Thiệp nhấn mạnh.
2 “tàn tích” khiến đại học Việt Nam chưa thể vươn tới đẳng cấp quốc tế - 3
Nhấn để phóng to ảnh
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: "Muốn giảm bớt những cản trở trên con đường phấn đấu để có các trường ĐH đẳng cấp thế giới, chúng ta cần thay đổi hệ thống GDĐH và nghiên cứu và điều chỉnh các mô hình ĐH để có các ĐH đa lĩnh vực thật sự".
Không có trường đại học theo mô hình đại học đa lĩnh vực thật sự
GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp cho biết, ở Hoa Kỳ có khoảng 4500 trường ĐH và cao đẳng, chia làm 2 nhóm lớn, khoảng  2800 trường ĐH bốn năm (four-year colleges) và khoảng 1700 trường ĐH hai năm (two-year colleges). 
“ĐH 4 năm” là thuật ngữ để gọi chung các trường có đào tạo từ bằng cử nhân (bachelor) trở lên. “ĐH 2 năm” là thuật ngữ để gọi chung các trường cao đẳng (junior college) hoặc cao đẳng cộng đồng (community college), đó là các trường cung cấp các chương trình học nghề sau trung học hoặc các chương trình chuyển tiếp (transfer) cấp các loại “associate degree” để có thể  tiếp tục học ở các trường ĐH bốn năm.
 Phần lớn ĐH 4 năm ở Hoa Kỳ được tổ chức theo mô hình “university”, tức là trường ĐH đa lĩnh vực, một mô hình trường ĐH có hiệu quả cao nhất.
Thứ nhất, mô hình ĐH đa lĩnh vực có hiệu quả cao nhất vì sẽ đảm bảo đào tạo tốt các chương trình “giáo dục khai phóng” vì chỉ trong các university mới có đủ đội ngũ giáo sư, giảng viên có trình độ cao để giảng dạy tốt các chương trình giáo dục này.
Thứ hai, các ĐH đa lĩnh vực có ưu thế về nghiên cứu và phục vụ xã hội, vì ngày nay các đề tài nghiên cứu lớn đều là các đề tài có tính liên ngành, các hoạt động phục vụ xã hội cũng vậy.
Thứ ba, ĐH đa lĩnh vực bao gồm nhiều ngành đào tạo khác nhau dễ đối phó với sự biến động về nhu cầu của từng nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường. 
Chính vì ưu thế của mô hình ĐH đa lĩnh vực nên khi chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, nhiều nước đã chuyển các trường ĐH đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực sang ĐH đa lĩnh vực (Liên bang Nga, Trung Quốc, các nước Đông Âu).
Tại Việt Nam, cơ chế “hai cấp” của các ĐH đa lĩnh vực thậm chí đã được khẳng định và gắn với khái niệm “Đại học” ở Luật GDĐH năm 2012, chỉ được xóa bỏ trong Luật GDĐH năm 2018.
Các ĐH “hai cấp” ở Việt Nam không phát huy được các thế mạnh của mô hình “university” như đã nêu trên đây. Trước hết, các trường thành viên đều là các trường đơn ngành, đơn lĩnh vực, lại liên kết với nhau rất lỏng lẻo, hầu như hoàn toàn độc lập về đào tạo, nên ưu thế về việc nâng cao chất lượng đào tạo theo chương trình giáo dục khai phóng không thể hiện được.
Cũng vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu, phục vụ xã hội và đáp ứng thị trường lao động, quan hệ lỏng lẻo giữa các trường thành viên rất khó tạo nên sự phối hợp để tăng hiệu quả.
GS Thiệp cho rằng, khi không có một tầm nhìn chung, nhiệm vụ thiết kế và thực hiện một dự án phát triển đổi mới cho toàn bộ trường ĐH trở thành bất lực. Các cơ sở ĐH phi tập trung có xu hướng trở thành không hiệu quả vì sự trùng lặp của việc cung cấp các khóa học và các cấu trúc hành chính.
Các hoạt động trong giảng dạy và nghiên cứu vẫn được giữ trong nội bộ các trường và khoa riêng biệt. Những nỗ lực đa ngành bị cản trở.  Các nguồn lực tài chính và khoa học không được chia sẻ rộng rãi.
“Rõ ràng việc hai ĐH lớn nhất ở nước ta không được xây dựng theo mô hình “university” thật sự là một cản trở lớn để chúng phấn đấu trở thành ĐH đẳng cấp thế giới” – GS Thiệp nhấn mạnh.
GS Thiệp kiến nghị, muốn giảm bớt những cản trở trên con đường phấn đấu để có các trường ĐH đẳng cấp thế giới, chúng ta cần thay đổi hệ thống GDĐH và nghiên cứu và điều chỉnh các mô hình ĐH để có các ĐH đa lĩnh vực thật sự. Các điều chỉnh này liên quan đến toàn hệ thống, và trước hết liên quan đến các trường ĐH hàng đầu.
“Với tính bảo thủ nặng nề của hệ thống, quá trình thay đổi này không đơn giản, việc thay đổi chỉ có thể thành công nếu có quyết tâm mạnh mẽ ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước” – GS Thiệp nói.
Hồng Hạnh (ghi)

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/2-tan-tich-khien-dai-hoc-viet-nam-chua-the-vuon-toi-dang-cap-quoc-te-20190920154631838.htm?fbclid=IwAR18czsV-kSQaUwbdnvgGDPwsV-Ye6BHGRfglr7ZB0T2AyWABnCLlRyS6Qs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.