Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/08/2019

Sử học Việt thời thổ tả, và chuỗi chuyện quanh nhân vật đời Trần có tên Hoằng Nghị

Sử học Việt thời thổ tả là cách dùng chữ, mà cũng là loạt bài viết liền mạch trước khi tạ thế một thời gian của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường. Có thể đọc lại ở đây (năm 2013) hay ở đây (năm 2014).

Còn nhân vật Trần Hoằng Nghị thì đã đình đám trong Sử học Việt thời thổ tả từ hàng chục năm nay rồi.


Thái Bình - Phim tài liệu: Đức Hoằng Nghị đại vương
91 lượt xem
Xuất bản 3 thg 3, 2019



Năm 2018 thì đã thế này:

"


Cập nhật: 09:17, Thứ 6, 09/11/2018
Câu “Trần Thủ Độ sinh năm giáp Dần (1194) ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)” và câu “thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị” sẽ bị cắt bỏ.
14-52-07_lich_su_vn_pho_thong_3
Theo đó, trong văn bản số 187/VSH, gửi Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn, ông Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho biết: Lãnh đạo Viện Sử học đã gửi công văn thống nhất với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật trong sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” tái bản sẽ cắt bỏ những câu trên.
Cụ thể, trong tập 3, từ thế kỷ X đến năm 1593, do Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Tường làm chủ biên, phần về nhà Trần (1225-1400), trang 194, viết: "Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ". Điều này khiến hậu duệ họ Trần và bạn đọc bất bình vì trong chính sử không hề nhắc đến thân phụ Trần Thủ Độ là ai.

KHẢI MÔNG

"


"
Ai 'nặn' ra nhân vật Trần Hoằng Nghị là cha Trần Thủ Độ?30/07/2018, 09:05 (GMT+7)
Đó là nhân vật không có thật, càng không phải là thân phụ của Thống Quốc Thái Sư –Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ. Đại diện dòng họ Trần đã có đơn phản ánh về việc xuyên tạc, bịa đặt này. 


Sách “Lịch sử phổ thông” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018, do Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện sử học biên soạn), tập 3 (từ thế kỷ X đến năm 1593), do PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện sử học) chủ biên, trang 194, viết về Thống Quốc Thái Sư –Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ, có đoạn như sau “: Trần Thủ Độ sinh tại bến Trấn (nay là làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), cha ông là Trần Hoằng Nghị (tức Hoằng Nghị Đại Vương, có miếu thờ ở làng Phương La)”.

1141132897
Đền thờ Hoằng Nghị đại vương ở Thái Bình (2017). (Ảnh: Kiều Mai Sơn)

Thông tin trên khiến dòng họ Trần trên cả nước và một số nhà nghiên cứu lịch sử sôi sục, cho là các tác giả đã bịa đặt ra nhân vật Trần Hoằng Nghị. Đó là nhân vật không có thật, càng không phải là thân phụ của Thống Quốc Thái Sư –Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ. Đại diện dòng họ Trần đã có đơn phản ánh về việc xuyên tạc, bịa đặt này. Trước áp lực của dư luận, NXB đã phải dừng phát hành cuốn sách.

Chúng tôi đã thử đi tìm Trần Hoằng Nghị, để góp phần làm sáng tỏ nhân vật này.

Hiện tại, ở làng Phương La không có bất cứ đền miếu nào thờ Hoằng Nghị Đại vương, chỉ có một cái miếu, được gọi là “Miếu nhà ông”. Nhưng “ông” là ai ? Có phải Hoằng Nghị Đại vương không? Thì vẫn chưa rõ.

Còn ở làng Xuân La (cùng xã Thái Phương) thì có đình thờ “Trang Nghị Đại vương”. Tại cuộc hội thảo “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn khu di tích lịch sử-văn hóa Phương La”, do UBND tỉnh Thái Bình và Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức năm 2007, PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện sử học) nói “Trang Nghị đại vương chính là Hoằng Nghị đại vương, tên là Trần Hoằng Nghị, thân sinh ra Trần Thủ Độ”.

Việc suy diễn này đã bị rất nhiều nhà sử học phản đối ngay trong hội thảo. Và tổng kết hội thảo, GS Vũ Khiêu đã khẳng định:" Thân sinh Trần Thủ Độ là ai, vẫn còn là một tồn nghi, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, cả ở trong nước lẫn ngoài nước, mới có thể trả lời được câu hỏi này". Nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có thêm bất cứ một phát hiện nào mới. Danh tính và thân thế, sự nghiệp của thân sinh Trần Thủ Độ, vẫn vẹn nguyên là một câu hỏi.

Còn Trang Nghị Đại vương là ai? Tài liệu “Địa chí Thái Bình” tập II (do Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản năm 2007), ghi rõ :Trang Nghị Đại vương (hiện được thờ ở đình làng Xuân La) là Thiên thần chứ không phải nhân thần. Và vị “thiên thần” này đã có “công” âm phù cho kẻ từng cai trị nước ta là Cao Biền, giúp họ Cao đánh thắng quân Nam Chiếu. Nhờ được Cao Biền “báo công”, vua Đường Ý Tông đã phong cho Trang Nghị Đại vương là “Tối linh Trang Nghị Đại vương thượng đẳng thần”.

Đã được vua nhà Đường phong thần, thì Trang Nghị Đại vương phải ra đời trước Trần Thủ Độ cả mấy trăm năm. Thế mà một thiên thần bỗng nhiên biến ngay được thành một ông bằng xương bằng thịt họ Trần, sinh ra Trần Thủ Độ.

Việc coi Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị Đại vương là thân sinh Trần Thủ Độ, còn vô lý ở nhiều điểm. Thứ nhất, nhà Trần không bao giờ dùng tên người làm tước phong, mà dùng mỹ tự khác, như Trần Quốc Tuấn là Hưng đạo Đại vương; Trần Quáng Khải là Chiêu minh Đại vương; Trần Nhật Duật là Chiêu văn vương; Trần Quốc Khang là Tĩnh quốc Đại vương...Vậy, Hoằng Nghị Đại vương, nếu quả là một nhân vật có thật và là hoàng thất nhà Trần, thì đó chỉ là mỹ tự của tước phong, chứ không phải tên là Trần Hoằng Nghị. Ông ta tên thật là gì? Có công lao gì với dân với nước? Có sinh ra Trần Thủ Độ hay không? Cho đến nay, chưa có bất cứ một tài liệu lịch sử nào nói đến.ư

Thứ hai, tuy mới chỉ tìm sơ sơ, nhưng chúng tôi đã thấy có đến mấy nơi thờ Hoằng Nghị Đại vương, nhưng đều là những người có họ tên khác, như xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, có Hoằng Nghị Đại vương Lại Thế Mỹ. Làng Cổ Phúc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thờ “Quách Hoằng Nghị Đại vương”, tức là vị có tước phong Hoằng Nghị Đại vương này họ Quách. Thôn Trung Lệ, làng Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên thờ “Lý Hoằng Nghị Đại vương”, tương truyền là một vị thủy thần (Lý, chữ Hán, nghĩa là con cá chép)...Tất cả đều được chép trong sách “Thư mục thần tích, thần sắc”. Sách này hiện lưu trong thư viện Hán Nôm.

Thứ ba, theo cụ Trần Ngọc Bảo, nguyên chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Huệ D766, Trung đoàn 66, Sư đoàn 30 anh hùng, và Thiếu tướng Đào(Trần) Quang Cát, PGS, Tổng cục phó về chính trị Tổng cục II (Bộ Quốc phòng), thì Trần Hoằng Nghị nguyên là người họ Trần Hữu, gốc họ Chế, người Chăm pa (tức người Chiêm thành) từ nơi khác đến làng Ứng Mão (tức làng Phương La) sinh sống. Đến làng Phương La, ông này đổi chữ lót là Hữu thành chữ lót là Hoằng.

Trần Hữu Nghị thành Trần Hoằng Nghị. Làng Phương La (Ứng Mão) mãi đến thời vua Lê Hy Tông triều Lê Trung Hưng (1675) mới được thành lập, nên Trần Hữu Nghị có đến làng này sinh sống thì cũng phải sau năm 1675, chẳng liên quan gì đến Trần Thủ Độ cả. Ông sống và chết như một người bình thường, nên chẳng ai quan tâm thờ cúng ông, ngoài con cháu. Và nếu những tài liệu này mà chính xác, thì Trần Thủ Độ cũng không được sinh ra ở bến Trấn, vì thời nhà Trần, bến Trấn (làng Ứng Mão, nay là làng Phương La) chưa có.

Có thể khẳng định: Trang Nghị Đại vương được thờ ở đình làng Xuân La, xã Thái Phương (Hưng Hà, Thái Bình) dứt khoát không thể là Hoằng Nghị Đại vương (nếu có thật, nếu là hoàng thất nhà Trần, thì là nhân thần), lại càng không phải là Trần Hoằng Nghị, thân sinh ra Thống Quốc Thái sư- Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ. Việc cho Hoằng Nghị Đại vương là Trần Hoằng Nghị, thân sinh ra Trần Thủ Độ rồi đưa vào sách lịch sử, là một việc làm quá vội vàng, thiếu căn cứ khoa học.
"


---

Năm 2019

1.

08:00:48 27/08/2019

Trần Hoằng Nghị là nhân vật không có thật

Ngày 26/8, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội, Hội đồng họ Trần Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Về nhân vật Trần Hoằng Nghị”. Cuộc tọa đàm với sự chủ trì của GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, PGS Lê Văn Lan với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn nhằm làm rõ: Có hay không nhân vật Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ?

Trần Hoằng Nghị là nhân vật không có thật
GS.TS Vũ Minh Giang phát biểu tại tọa đàm.
PGS Đào Trần Quang Cát- Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam trong báo cáo đề dẫn cho biết lý do tổ chức tọa đàm: Nhằm làm rõ, đưa ra kết luận mang tính khoa học về một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi trong hơn một thập kỷ qua, cả trong giới sử học, dư luận xã hội và con cháu hậu duệ họ Trần: Đó là việc có hay không có nhân vật Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương) trong lịch sử Việt Nam? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không? 
Nhân vật Trần Hoằng Nghị xuất hiện lần đầu năm 1994 trong bài viết của nhà nghiên cứu Dương Quảng Châu (nay đã mất) tại hội thảo khoa học “Trần Thủ Độ con người và sự nghiệp” do Viện Sử học và Sở VHTT tỉnh Thái Bình đồng tổ chức. Sau đó, PGS.TS Nguyễn Minh Tường và một số nhà nghiên cứu đã viết bài để UBND tỉnh Thái Bình và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo “Đức Hoằng Nghị đại vương” tại Hà Nội vào tháng 1/2007. Theo bài viết của ông Dương Quảng Châu và PGS.TS Nguyễn Minh Tường thì Trần Hoằng Nghị không chỉ là người sinh ra danh nhân lịch sử Trần Thủ Độ mà còn có nhiều đóng góp to lớn trong việc khai canh, lập ấp, phát triển sản xuất, xây dựng thôn, xã, trực tiếp giúp vua dẹp loạn, đánh giặc giữ nước… và đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu… Thậm chí trong tập 3 sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” do PGS.TS Nguyễn Minh Tường chủ biên còn đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị vào chính sử. Rồi tại thôn Phương La, xã Thái Phương huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình người ta còn xây dựng đền, làm tượng thờ hoành tráng…
Tại bài tham luận của mình, nhà nghiên cứu Đặng Hùng đã lần theo các địa danh trong bài viết của ông Dương Quảng Châu và PGS.TS Nguyễn Minh Tường để chứng minh 2 nhà nghiên cứu đã nhầm lẫn và thiếu tính chuẩn xác khoa học từ đó dẫn tới việc viết sai. Thậm chí ông Dương Quảng Châu còn “bịa” ra địa danh ‘bến Trấn” ở Phương La là quê hương của Trần Hoằng Nghị. Nhà nghiên cứu Đặng Hùng cho biết: Thực tế, ở Phương La chỉ có “cánh Bến” chứ không có Bến Trấn. Điều này đã được các cụ cao tuổi ở xã Thái Phương huyện Hưng Hà như Trần Văn Đãng (85 tuổi), trưởng ngành 4, đời thứ 6 - thuộc chi họ Trần Văn tại làng Mẹo, Phương La và ông Trần Văn Mão 72 tuổi, người thôn Tân Hòa khẳng định. Cánh Bến nằm sát con sông nhỏ chảy theo rìa làng Phương La. Bên kia sông cánh Bến là cánh đồng giáp thôn Đống Gạo xã Hồng An. Trước đây ở gần sát cánh Bến dân làng có làm một chiếc giếng to để lấy nước sinh hoạt và phục vụ lễ hội ở đình, chùa, đền, miếu. Ông Dương Quảng Châu đã sáng tác ra bài thơ nôm rồi “gán” cho các cụ ở Tiên Hưng thường đọc bài thơ nôm, trong đó có câu: “Bến Trấn Tinh Cương lưới với chài”. Địa danh được bịa thì nhân vật cũng bịa theo. Do đó trong các bài của ông Dương Quảng Châu, mối quan hệ của Trần Hoằng Nghị không nhất quán. Bài viết năm 1994, ông Châu cho Trần Hấp, con cụ Trần Kinh, sinh ra Trần Hoằng Nghị và Trần Lý, nhưng ở bài viết đăng trong sách tái bản năm 2001 thì cụ Dương Quảng Châu và ông Phạm Hóa lại cho rằng Trần Hoằng Nghị là em của Trần Hấp và sinh ra Trần Thủ Độ.
Nhà nghiên cứu Đào Hồng- nguyên cán bộ Bảo tàng tỉnh Thái Bình mang theo hồ sơ kiểm kê di tích để chứng minh qua các lần kiểm kê di tích ở Hưng Hà, Thái Bình không hề có đền nhà ông hay đền thờ Trần Hoằng Nghị hay đền thờ tổ họ Trần Việt Nam nào cả.
Từ bài viết của ông Dương Quảng Châu- một nhà nghiên cứu địa phương, vậy mà PGS.TS Nguyễn Minh Tường đã hư cấu thêm rồi đưa vào quốc sử. Nhà văn Hoàng Quốc Hải nói: Ở thời kỳ phong kiến thì tội này phải xử ở khung hình cao nhất. Còn Trần Thủ Độ có bố không? Chắc chắn có bố. Tôi lấy ví dụ ngay ở “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: Mẹ vua Lý Thái Tổ đi cắt cỏ ở sau chùa Tiêu, gặp người thần giao cấu rồi sinh ra ông. Thế nhưng khi lên ngôi, Lý Công Uẩn phong cho cha mình là Hiển Khánh Vương. Lịch sử đã biến cha ông thành huyền thoại. Còn sử gia Lê Văn Hưu tại sao không chép bố của Trần Thủ Độ có lẽ do một lý do tế nhị nào đó mà chúng ta không biết. Chắc chắn Trần Hoằng Nghị là nhân vật không có thật. Và chúng ta không nên mất thì giờ cho những tranh cãi này nữa.
PGS Lê Văn Lan cũng cho rằng sở dĩ không có cuộc tranh cãi như thế này nếu như gần đây VTV không làm phim tài liệu “Đức Hoằng Nghị đại vương”. Trong 15 phút phim không thấy bóng dáng Trần Hoằng Nghị qua sử sách hay các văn bản Hán Nôm đâu. Vì làm gì có. Chỉ thấy làm phim là để ca ngợi hãng bia Đại Việt. Công văn của Trung tâm phim tài liệu VTV nói căn cứ vào sách “Đức Hoằng Nghị đại vương” do NXB Thế giới in năm 2017. Nhưng văn bản của Viện sử và Cục Xuất bản đã đề nghị NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật bỏ câu viết liên quan đến Trần Hoằng Nghị.
PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Hán Nôm) cho biết: Trong hội thảo trước, các bài dịch văn bia đình Miễu của ông đã bị Ban biên tập xuyên tạc gán cho gắn với Trần Thủ Độ. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học) cũng lên tiếng bác bỏ bài tham luận in trong kỷ yếu hội thảo tổ chức năm 2007 đã bị làm sai với bản thảo ban đầu của bà. Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi đã mang theo kỷ yếu in năm 2006 để chuẩn bị cho hội thảo tháng 1/2007. Và cá nhân nào làm sai thì phải chịu. TS Mai Hồng phát biểu PGS.TS Nguyễn Minh Tường đã gán ghép Trang Nghị đại vương, một vị thiên thần thành Trần Hoằng Nghị là một việc làm không khoa học.
Qua những phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử kết luận: Triều đại nhà Trần là một triều đại đem lại niềm tự hào của dân tộc. Tọa đàm này là cần thiết và quan trọng mà Hội đồng họ Trần đã đứng ra tổ chức. Nếu vô bổ thì người dự hôm nay không đông thế này. Nhân vật Trần Hoằng Nghị mới xuất hiện vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Với những căn cứ khoa học cho phép ta khẳng định: Hoàn toàn không có căn cứ khoa học để khẳng định có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử. Còn mỗi gia đình có quyền tôn thờ, đưa vào gia phả nhà mình thờ một nhân vật. Còn việc đề cao nhân vật đó để tham gia vào sách giáo khoa, hay tập 6 về Nhà Trần trong bộ Quốc sử sắp tới là không được!

Từ Khôi

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.