Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

08/12/2018

Văn nghệ Thứ Bảy : Đêm thơ "Vừng ơi mở cửa" với Khoa Ngữ Văn (1991-2018)

Khoa Ngữ Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) ngày trước. 

"Vừng ơi mở cửa" là tên một tập thơ cũ, từ ngày chúng tôi mới vào học tại khoa. Năm 1991. Tìm trên giá sách, thế nào cũng sẽ có một bản (sẽ tìm lại sau). Lúc đó kĩ thuật in ấn còn rất kém, thậm chí còn mất dấu trọng âm. Còn nhớ: chữ "mở cửa" ở bản in ấy, đọc không tinh mắt, sẽ thành ra "mò cua" (trong tập, có bài "khi mở cửa" mà trông như "khỉ mò cua").

Năm đầu tiên ở khoa, vào năm 1990-1991, chúng tôi hay du lãng các trường cụm Thanh Xuân (tổng hợp, kiến trúc, ngoại ngữ, nhạc họa, công an,...). Đó là các đêm thơ sinh viên, đọc "khỉ mò cua". Về cơ bản, thơ trong tập đó tương đối non nớt.

Cuối năm 2018, các thế hệ Khoa Ngữ văn vừa trở về trường, mở lại đêm thơ "Vừng ơi mở cửa".

Không tham dự được, nên chỉ xem video.

Mình thích ý tưởng của anh Nguyễn Tiến Thanh (nhà báo) và em Nguyễn Anh Vũ (nhà xuất bản Văn học): "Vừng ơi mở cửa" sẽ cố gắng làm thường niên, các tập sách cũng sẽ thành dự án từ nay về sau. Có cả một dự án về các "dị nhân Văn khoa". Ý tưởng này là đáng giá, nhưng đáng giá hơn là phải biến nó thành hiện thực.

Anh Nguyễn Tiến Thanh đại khái nói: sinh viên Khoa Ngữ văn có thể làm Tổng Bí thư, có thể làm nhà báo, có thể làm nhà nghiên cứu, có thể là thầy giáo, có thể là doanh nhân,...làm được tất cả !

Anh Nguyễn Minh Đức nhắc một thời khắc kì lạ của đầu thập niên 1990: đất nước bắt đầu chuyển đổi, kinh tế rất nghèo khó, nhưng không hiểu sao phong trào làm thơ trong sinh viên các trường lúc đó lại lên cao !

Anh Trần Quang Dũng thì nhắc lại nguyên tắc đọc thơ của ngày đó: cơm ăn ba bát, thuốc uống ba thang, thơ đọc ba bài !

Tin từ các nơi.
(lấy về từ báo chí, và từ Fb cá nhân của nhiều anh chị em Khoa Ngữ Văn)





Trực tiếp: Chương trình "Vừng ơi, mở cửa"

848 lượt xem


  
Đã phát trực tuyến vào 7 thg 12, 2018
https://www.youtube.com/watch?v=XGJPaPPtCS8&fbclid=IwAR3KLYyA9RNh3JYkNbQ8iT8AXRaA_733CpFL2RxAM2xP8aBnEWLMkPF5GpQ

Viết bởi: Hồng Thu

 NGÀY 08 THÁNG 12, 2018 | 13:08


Suckhoedoisong.vn - Tối 7/12 tại ký túc xá Mễ Trì, cõi thiêng của nhiều thế hệ sinh viên ĐH Tổng hợp Hà Nội đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc “Vừng ơi mở cửa”

“Vừng ơi mở cửa” nhằm tri ân, tôn vinh các thầy cô - những người đã cùng đóng góp xây dựng nên Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ môi trường này. Bên cạnh đó, chương trình giao lưu nghệ thuật này mong muốn tạo cơ hội để các thế hệ sinh viên sống lại một thời hoa niên đầy ắp kỷ niệm với hào khí văn thơ đã trở thành thương hiệu của khoa Ngữ Văn Tổng hợp và truyền lại nhiệt huyết đó cho các thế hệ sinh viên hiện tại. Trưởng Ban chỉ đạo chương trình là PGS.TS, Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.


lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-1GS Hà Minh Đức và PGS Phạm Quang Long- hai người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên Khoa Văn Tổng hợp

Đây là một chương trình được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp với sự góp mặt của nhiều thế hệ cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn trước đây, Khoa Văn học hiện nay cùng khách mời là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ... tên tuổi. Trong dịp này, Ban tổ chức cũng giới thiệu đến công chúng tập thơ “Vừng ơi mở cửa”, một tác phẩm được NXB Văn học xuất bản từ một tập sách của sinh viên Khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp đã từng lưu hành nội bộ trước đây vào năm 1991.
lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-2PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, sinh viên K30, hiện là giám đốc ĐH quốc gia Hà Nội, bày tỏ cảm xúc trong đêm thơ
Chương trình đã góp phần ôn lại những kỷ niệm xưa cho các thế hệ sinh viên đã từng học tại khoa Văn học trường ĐH Tổng hợp trước đây, đồng thời truyền lửa cho các sinh viên Văn khoa hiện nay.
Một số hình ảnh đẹp do PV báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi lại trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Vừng ơi mở cửa”:

lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-3Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh (bên trái) -TBT báo Đời sống & Pháp luật & Nguyễn Anh Vũ – giám đốc NXB Văn học, từ ý tưởng của họ mà có chương trình VỪNG ƠI MỞ RA.
lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-4
Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch (người áo ca-rô)- CTV Báo SK& ĐS, hiện đang là chủ nhiệm khoa Văn học, ĐHKHXH & NV
lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-5Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm & nhà báo Phùng Huy Thịnh song kiếm hợp bích trong một màn đọc thơ rất cảm động, gợi nhớ một thời từ giảng đường ra chiến trường
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-6Ca sĩ Thành Lê với bài hát “Bâng khuâng Trường Sa” của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, TGĐ Đài tiếng nói VN, cũng là một cựu sinh viên Tổng hợp Văn
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-7Anh Trần Quang Dũng, sinh viên K33 ĐHTH Văn chia sẻ cảm xúc trong ngày trở về
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-8TBT báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức, sinh viên K32, chia sẻ cảm xúc trong ngày trở về
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-9Ca sĩ Mai Hoa trình bày ca khúc “Mẹ”, thơ của Đoàn Ngọc Thu, cựu sinh viên Tổng hợp Văn, nhạc Phan Long
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-10
    Cựu sinh viên khoa Văn Tổng hợp Võ Hồng Hải, hiện là Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ cảm xúc trong ngày trở về
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-11Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, người gắn bó với CLB thơ của sinh viên ĐHTH thập kỷ 90, đang trình bày ca khúc nổi tiếng của anh – Bà tôi
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-12Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đọc thơ trong đêm Vừng ơi mở cửa
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-13Anh Nguyễn Đức Hạnh, sinh viên K29, đọc thơ trong đêm Vừng ơi mở cửa
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-14Anh Nguyễn Xuân Hải, sinh viên K28, đọc thơ trong đêm Vừng ơi mở cửa
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-15
    Thày Nguyễn Hùng Vĩ (bên phải), người đã gắn bó với CLN thơ và các phong trào của sinh viên ĐHTH Văn nhiều thế hệ chia sẻ cảm xúc
    lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-16Phan Huyền Thư, SV khóa 34 đọc thơ


    Hồng Thu
    (Ảnh : H.Quỳnh)

    https://suckhoedoisong.vn/lang-dong-vung-oi-mo-cua-cua-van-khoa-tong-hop-n151526.html?fbclid=IwAR20kC5moOF6AQ2t_uZnyZ3x_jtdh3lbY9BisF0UM_ESoghrI9shBcj6YK0



    1.



    Thứ năm, 06/12/2018 15:41 (GMT+7)

    TTTĐ- "Vừng ơi mở cửa" là chương trình gặp gỡ và giao lưu nghệ thuật dành cho tất cả các thế hệ sinh viên đã và đang học tập, gắn bó với Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), với Kí túc xá Mễ Trì. Sự kiện bắt đầu từ 16h ngày 7/12 tại sân khấu ngoài trời Kí túc xá Mễ Trì (182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội).

    Chương trình được thực hiện với mục đích tri ân, tôn vinh các thầy cô - những người đã cùng đóng góp xây dựng nên Khoa Văn học và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ môi trường này; với mong muốn tạo cơ hội để các thế hệ sinh viên sống lại một thời hoa niên đầy ắp kỷ niệm với hào khí văn thơ đã trở thành thương hiệu của khoa Ngữ Văn Tổng hợp & truyền lại nhiệt huyết đó cho các thế hệ sinh viên hiện tại.
    "Vừng ơi mở ra" xây dựng từ sáng kiến của các anh, chị em cựu sinh viên, Khoa Văn học - Trường Đại học KHXH&NV phối hợp với Hội Cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, Nhà xuất bản Văn học, Báo Đời sống & Pháp luật, báo Kinh tế và Đô thị, Ban Văn học nghệ thuật VOV6 Đài Tiếng nói Việt Nam. 
    Theo đó, chương trình được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp với sự góp mặt của đông đảo thế hệ cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn trước đây, Khoa Văn học hiện nay cùng khách mời là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ tên tuổi: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Việt, Trần Quang Đạo, Lê Cảnh Nhạc, Nguyễn Vĩnh Tiến… Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam là Trưởng ban chỉ đạo chương trình.
    Trần Thanh Tùng (Tùng John) - một gương mặt quen thuộc của “làng” sinh viên Hà thành những năm 1990 sẽ cùng ca sỹ Thành Lê và nhiều nghệ sỹ khác làm sống dậy đam mê âm nhạc, gợi lại không khí văn nghệ trong đời sống sinh viên Hà Nội thuở chưa xa. Những ca khúc được phổ thơ của các cựu sinh viên Văn khoa như Nguyễn Thế Kỷ, Đoàn Ngọc Thu cũng được gửi tới khán giả.
    Tại chương trình nghệ thuật này, Hội Cựu sinh viên Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) sẽ trao tặng và đóng góp cho Quỹ học bổng Văn Khoa từ nguồn tài trợ của một số doanh nghiệp và từ nguồn đóng góp của chính các cựu sinh viên nhằm tiếp lửa cho những sinh viên trẻ.





















    Các thế hệ sinh viên Văn khóa cũng vui mừng chào đón sự trở lại của tập thơ “Vừng ơi mở cửa”, một tác phẩm được NXB Văn học xuất bản từ một tập sách của sinh viên Khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp đã từng lưu hành nội bộ trước đây vào năm 1991.
    Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm- Sinh viên lớp Ngữ văn K15, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã viết về tập thơ như "Một trời nhớ thương" với nỗi xúc động khôn tả.
    "Các bạn đang cầm trên tay một tập thơ có một số phận không bình thường – Tập thơ này đã biến mất 27 năm một cách vô tăm tích, rồi lại đột ngột hiện ra trước đôi mắt sững sờ của thi sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Tiến Thanh trong một buổi tình cờ dọn nhà. Tiến Thanh đã run run và rưng rưng cầm cuốn sách lên, rồi anh cứ thế ngồi bệt trên nền nhà mà đọc liền một mạch, đọc trong nỗi xôn xao rất khó diễn tả thành lời.
    ... 
    Chỉ hai tiếng vừng ơi mà chẳng nhớ
    Hang cấm – tim em có bao giờ bỏ ngỏ
    Nhớ đi anh, chỉ hai tiếng thôi mà
    Vừng ơi! Là cửa sẽ mở ra!
    (Vừng ơi mở cửa – Phạm Thu Thủy)
    .... Thơ ca cũng giống như tình yêu, khi gọi thì không đến, nhưng khi đã đến thì đuổi cũng không đi. – Tác giả Phương Liên “Ước làm một nhành cỏ dại”, khi linh cảm thấy con tim thiếu nữ của mình đã vĩnh viễn thuộc về người ấy:
    Biết bao cành hoa, ngọn lá
    Bàn tay ghẻ lạnh, chán chường
    Tình cờ vương một nhành cỏ
    Dịu mềm, bé nhỏ, yêu thương.
    Thế là cỏ em nằm lại
    Thế là tay anh nâng niu
    Và thế… tình em cháy mãi
    Cỏ chẳng dại đâu, anh yêu!
    (Cỏ dại – Phương Liên)
    Đúng là thơ tình yêu của sinh viên và cũng chỉ có sinh viên mới viết được như thế! Ngay cả khi bị rơi vào trạng thái thất tình thì có tác giả vẫn hiên ngang ngồi ôm đàn mà hát, hát lên một cách run rẩy với chính mối tình bơ vơ của mình:
    Thu đã về em lại ra đi
    Lá xao xác hàng hàng phố nhỏ
    Một mình anh ôm đàn ngồi giữa gió
    Lời ca nào khe khẽ lạc trên môi.
    (Mùa thu – Trần Nhật Minh)
    Tất cả các cảm xúc đó đều hết sức chân thành – chính vì lẽ đó các cây bút góp mặt trong tập thơ: “Vừng ơi mở cửa” đã cùng nhau làm nên một bản hòa tấu của tâm hồn. Công bằng mà nói, không phải bài thơ nào ở trong tập thơ này cũng đều hay cả, có bài khá và có cả những bài trung bình. – Nhưng điều quan trọng là các cây bút sinh viên đã giúp chúng ta giữ lại và nhớ lại một thời hoa bướm nằm giữa những trang sách một thời mà nắng sân trường lung linh trong từng ánh mắt, một thời trong sáng tới mức không thể trong sáng hơn được nữa, một thời đã ra đi và biết bao giờ sẽ trở lại??? Tôi vừa lướt qua trên Fb và bỗng lặng người khi đọc những dòng chữ của ai đó đã viết hộ tâm tư của rất nhiều người, trong đó tất nhiên là có cả tôi: “Nói cho tôi biết đi! Bạn nhớ gì về thời sinh viên của mình? Muốn khóc quá!”.
    Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên Khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì nhận định: "37 tác giả ngày đó trong tập thơ này, 37 niềm đam mê sáng tạo thơ ca một thời ở Văn khoa Tổng hợp, bây giờ họ ra sao? Tất cả, tất cả họ đều là những con người tử tế. Trong số đó, có người rẽ lối thành doanh nhân, có người là nhà nghiên cứu, có người trở thành nhà báo, không ít người giữ những chức vụ quan trọng ở các cơ quan trọng yếu của nhà nước... Cuộc sống là sự chọn lọc khắc nghiệt, cuộc đời là quá trình vận động vô thường nhưng những người yêu thơ, trân trọng thơ, neo giữ thơ trong tâm khảm vẫn luôn khẳng định được nhân cách, nhân phẩm trong hành trình tồn tại".
    Đến với "Vừng ơi mở cửa", tất cả  các thế hệ sinh viên đã và đang học tập dưới mái nhà chung Khoa Ngữ Văn trước kia và Khoa Văn học ngày nay, cả những thế hệ sinh viên các Khoa khác đã từng học tập và gắn bó với Đại học Tổng hợp, với Trường Đại học KHXH&NV, với Kí túc xá Mễ Trì sẽ được cùng ôn lại những kỷ niệm xưa, để cùng tự hào về truyền thống của sinh viên Văn khoa Tổng hợp, để cùng lưu giữ và trao truyền tinh thần đó cho các thế hệ sinh viên hôm nay.

    Cẩm Tú

    https://tuoitrethudo.com.vn/vung-oi-mo-cua-dem-hoi-ngo-cua-cac-the-he-sinh-vien-van-khoa-d2059529.html?fbclid=IwAR0T4onxLb2QlCGv_YTHOlqKHkQO9ds_HKvsnFBkGv99IDkSbrokK3agnQM
    .

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.