Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/12/2018

"Cái quan" rồi mới "định luận" : chuyện Đà Thành hậu Bá Thanh cùng Xuân Anh và Vũ Nhôm

"Cái quan" là đậy nắp quan tài lại.

Rồi thì mới luận định. Mà không phải một lần. Còn trở đi trở lại.

Cổ nhân đã dạy như vậy. 

Chuyện về Đà Thành từ tháng 12 năm 2018 sẽ được sưu tập ở đây. Một trận lụt lội lịch sử đã nhấn chìm Đà Thành vào dịp cuối năm 2018, làm cả nước bất ngờ, cùng nhìn lại "thành phố đáng sống". 

Thành phố đáng sống ấy, là gắn với những nhân vật cụ thể từng làm mưa làm gió. Trước tháng 12 năm 2018, đã có những người như nữ kí giả Dương Hằng Nga lên tiếng (đọc lại ở đây, tháng 12/2017).

Cập nhật dần theo thứ tự ngược như mọi khi.



TPO - Ông Phan Văn Anh Vũ được triệu tập với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong phiên tòa xét xử bị cáo Trương Duy Nhất. Lý do, phía truy tố cho rằng ông Nhất giúp Vũ “nhôm” mua nhà đất công sản với giá ưu đãi. Tuy nhiên, phiên xử sáng nay sau đó đã phải tạm hoãn.

Bị cáo Trương Duy Nhất.
Bị cáo Trương Duy Nhất.

Sáng 28/2, TAND TP Hà Nội quyết định hoãn xét xử bị cáo Trương Duy Nhất (SN 1964) – nguyên Trưởng văn phòng Trung Trung Bộ, báo Đại Đoàn Kết vì cả 2 luật sư của ông Nhất đều vắng mặt, gồm 1 người có đơn xin hoãn và 1 người không nhận được giấy triệu tập.
Trong vụ, vợ chồng ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”) được tòa án triệu tập với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ông Vũ hiện đang chịu án 30 năm tù trong 4 vụ khác nhau.
Vợ bị cáo Trương Duy Nhất với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng xin hoãn xét xử; đại diện viện kiểm sát đồng tình việc này. Sau hội ý, chủ tọa thông báo sẽ mở lại phiên tòa vào ngày 9/3 tới.
Vũ 'nhôm' có mặt trong phiên tòa xét xử Trương Duy Nhất - ảnh 1 Ông Phan Văn Anh Vũ bị áp giải tới tòa.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, ông Nhất bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 3, Điều 356 BLHS với khung hình phạt tù từ 10 – 15 năm.
Cụ thể, báo Đại Đoàn Kết từng đề nghị UBND TP Đà Nẵng cấp hoặc cho thuê 1 địa điểm thuận lợi trong thành phố làm trụ sở Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ; giao Trương Duy Nhất liên hệ với chính quyền địa phương về việc này.
Năm 2003, bị cáo Nhất gửi văn bản, đề nghị UBND TP Đà Nẵng cho mua nhà công sản, không tính hệ số sinh lời để làm trụ sở văn phòng đại diện. Chính quyền Đà Nẵng sau đó đồng ý bán cho Văn phòng Trung Trung Bộ nhà đất tại số 82 Trần Quốc Toản với giá hơn 674 triệu đồng.
Song song, ông Nhất thỏa thuận với Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”) việc Vũ sẽ đứng ra nộp tiền mua nhà số 82 Trần Quốc Toản. Sau đó, Trương Duy Nhất sẽ làm thủ tục bán nhà đất này cho Cty Xây dựng 79 do Vũ làm giám đốc.
Năm 2011, Cty Xây dựng 79 đã gỡ bỏ biển hiện và đóng cửa văn phòng của báo Đại Đoàn Kết tại số 82 Trần Quốc Toản. Lúc này, khu đất đang đứng tên vợ của Phan Văn Anh Vũ. Báo Đại Đoàn Kết đã gửi văn bản, yêu cầu Cty Xây dựng 79: “Khôi phục ngay hiện trạng và trả lại nguyên trạng Văn phòng của Báo”. Đồng thời, Trương Duy Nhất cũng bị chấm dứt hợp đồng lao động phóng viên.
Theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Trung ương, khu đất số 82 Trần Quốc Toản có giá hơn 13,8 tỷ đồng. Từ đó, cơ quan truy tố cho rằng, hành vi của Trương Duy Nhất đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 13,1 tỷ đồng (13,8 trừ hơn 674 triệu đồng).
Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định một số lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết có dấu hiệu “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng với mức độ vi phạm nhỏ nên không cần xử lý hình sự.

X.A

https://www.tienphong.vn/phap-luat/vu-nhom-co-mat-trong-phien-toa-xet-xu-truong-duy-nhat-1524617.tpo






3.


Vũ Nhôm và Bùi Cao Nhật Quân
28-2-2020

Từ trái qua: Bùi Thành Nhơn, Bùi Văn Thành, Bùi Cao Nhật Quân và Vũ Nhôm. Ảnh: internet

Đầu năm 2017, chiếc máy tính Macbook của thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân bị tấn công. Toàn bộ dữ liệu trong máy bị copy, trong đó chứa hầu hết các công văn từ mật đến tuyệt mật của những tướng công an Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Phan Hữu Tuấn… hay những công văn chỉ đạo của Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng, Nguyễn Bá Thanh, Văn Hữu Chiến, Trần Văn Minh…, cùng những hình ảnh, video thác loạn của thiếu gia và biết bao cô gái đẹp trong giới diễn viên, người mẫu.
Đây là cơ sở vững chắc để sau đó vài năm, một loạt các quan chức này phải ngồi tù. Nhưng cũng phải chờ đến tận khi đồng chí cố Chủ tịch nước kính yêu vô vàn Trần Đại Quang bị địch giết, mới thực hiện được chuyên án.
Khi các cụ nhân dân đọc được bài viết này, thì nhà báo Trương Duy Nhất đang sửa soạn quần áo chỉnh tề để ra toà lần thứ 2 với tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khung án 10-15 năm tù. Anh Nhất bị tình báo quân đội Việt Nam phối hợp với cảnh sát hoàng gia Thái lan bắt tại Thái Lan, đưa về VN qua đường bộ Lào. Sở dĩ Trương Duy Nhất phải bị bắt bằng mọi giá vì người ta cho rằng Nhất đang nắm giữ một số bí mật không có lợi cho những người còn đua nhiệm kỳ sau, Nguyễn Xuân Phúc chẳng hạn.
Thời còn mồ ma anh Nguyễn Bá Thanh, gia đình nhà báo Trương Duy Nhất hưởng lợi rất nhiều ở Đà Nẵng, chí ít là những mảnh đất biệt thự xin mua, mà hồ sơ Cao Thị Ngọc Phượng (vợ nhà báo) ký được Nguyễn Bá Thanh duyệt, được tung ra mới đây.
Quay trở lại với mối quan hệ Vũ Nhôm – Bùi Cao Nhật Quân. Rõ ràng từ những bằng chứng trong máy tính của Quân, hàng loạt người mới xộ khám, tại sao tới giờ này thiếu gia vẫn tự do? Thứ thiệt hại nhìn thấy rõ nhất cho đến lúc này của tập đoàn nhà thiếu gia chỉ là dự án The WaterBay hơn 32ha thuộc phường Bình Khánh, Quận 2, TP.HCM.
Khi nào thì phe lò mới làm rõ mối quan hệ Nhôm-Quân? Hay phải chờ đến khi ít nhất 1 cô gái đẹp nào đó đứng đơn tố giác bị Bùi Cao Nhật Quân cưỡng hiếp, thì lò mới hành động?


2.

Tôi thành thật xin lỗi những cán bộ chính trực ở Đà Nẵng đã phải nhịn nhục giữ sự trong sạch của mình để làm tất cả những gì có thể làm được nhằm chống chọi với thế lực đen tối lũng đoạn chính quyền suốt mười mấy năm qua. Khi 2 vị cựu Chủ tịch UBND thành phố bị khởi tố, người ta mới thấy rõ ít nhất là trong 2 nhiệm kỳ chính quyền Đà Nẵng là chính quyền phục vụ cho ăn cướp, và lực lượng chính trực trong chính quyền này chỉ là thiểu số hoàn toàn không đủ sức làm bất cứ thứ gì để xoay chuyển tình thế.
Cả một hệ thống chính trị từng bị tê liệt biến thành “đầu sai” của ông Nguyễn Bá Thanh và đồng đảng của ông ta. Bằng chứng là hệ thống này không có bất kỳ động thái đấu tranh nào chống lại tình trạng tiêu cực mà sau này Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Trung ương phát hiện. Trừ một trường hợp, đó là nỗ lực của tướng Trần Văn Thanh đấu tranh chống tham nhũng thời ông Nguyễn Bá Thanh, hậu quả là tướng Thanh tuy đã làm đến Chánh thanh tra Bộ Công an vẫn bị đồng đảng của ông Nguyễn Bá Thanh lôi về đưa ra tòa xử, dù tướng Thanh được tuyên vô tội, nhưng thân bại danh liệt. Đòn dằn mặt đó của ông Nguyễn Bá Thanh đã triệt tiêu mọi nỗ lực đấu tranh cho lẽ phải của toàn hệ thống.
Điều đáng buồn là ngay cả sau khi Bí thư Thành ủy tiền nhiệm bị kỷ luật cách chức, vụ án Vũ nhôm được khởi tố, một loạt cán bộ bị cấp trên đưa vào vòng tố tụng, chính quyền hiện tại cũng không có một động thái nào tự làm trong sạch bộ máy của mình. Tất cả đều phụ thuộc vào sự phát hiện và xử lý của cấp trên. Nhìn những bị can trong vụ án Vũ nhôm ta có thể nhận ra điều đó. Nhưng Đà Nẵng không chỉ có đường dây của Vũ nhôm. Đường dây phá nát khu bảo tồn Sơn Trà và một loạt các sai phạm về đất đai ngoài những sai phạm liên quan đến Vũ nhôm cho đến nay vẫn chưa thấy ai động tới.
Hàng chục dự án “xẻ thịt” bán đảo Sơn Trà bất chấp đây là rừng cấm, là khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, là rừng đặc dụng. Trong những dự án đó, có dự án của Vũ nhôm được chuyển cho cơ quan điều tra. Vì Vũ nhôm đã bị khởi tố nên dự án của anh ta trên bán đảo Sơn Trà mới bị điều tra, còn các dự án khác vẫn đang bình chân như vại, nói là chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Chúng ta có thể tin vào sự minh bạch của Thanh tra Chính phủ được không ? Hãy chờ xem, nhưng Thanh tra Chính phủ đã từng có kết luận về sai phạm đất đai ở Đà Nẵng những năm trước đây, nhưng kết luận đó không đủ để “gãi ngứa” bộ máy của ông Nguyễn Bá Thanh, cho nên không một ai bị xử lý. Thanh tra Chính phủ hẳn cũng đã biết, thời nay không giống thời ông Nguyễn Bá Thanh lấy tay che trời, thời nay "ngoài trời vẫn còn có trời".
Chúng ta ủng hộ việc làm ăn hợp pháp của các nhà đầu tư chân chính ở Đà Nẵng. Nhưng nếu không vạch trần những sai phạm và khuất tất của chính quyền thì các nhà đầu tư chân chính này cũng bị thiệt hại và tổn thương.
Nhìn những động thái lớt phớt của chính quyền Đà Nẵng hiện tại đối với những sai phạm trong quá khứ, nhìn thái độ hoàn toàn thụ động của họ, tôi không tin rằng chính quyền này đang thật sự được “thay máu”. Chỉ mới đây thôi, một trong những “đồ đệ” của ông Nguyễn Bá Thanh là ông Đào Tấn Bằng, dù ai cũng thấy những sai phạm thè lè ra đó, nhưng vẫn được chuyển công tác từ Văn phòng Thành ủy sang làm Bí thư Đảng một cơ quan quan trọng khác, cho đến khi ông này bị cơ quan điều tra của trung ương quyết định khởi tố.
Cũng chỉ mới đây thôi, một Phó Chủ tịch thành phố lại muốn trình HĐND thông qua việc thu hồi đất để cấp cho một dự án lớn tại Sơn Trà nhằm tiếp tục hợp pháp hóa sai phạm, may mà ý định đó đã tạm thời bị chặn lại.
Và cho đến nay, vẫn chưa thấy một lãnh đạo hiện hành nào của Đà Nẵng tuyên bố việc “xẻ thịt” bán đảo Sơn Trà là sai. Họ phải đợi cấp trên nói sai họ mới dám nói là sai thì người dân cần gì đến họ ?
HOÀNG HẢI VÂN
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2105064746219241&id=100001472083411





1.


Khoảng 12 năm trước, thấy tôi thức đêm thức hôm làm việc vất vả, một anh bạn nhà báo mang tặng 1 cục cao hổ cốt vuông hình chữ nhựt, bảo về ngâm rượu uống. Tôi hỏi cái này ở đâu ra, bạn tôi nói của Nguyễn Bá Thanh tặng tau, hổ cốt thiệt đó. Khi bạn đi khỏi, tôi mang cục cao vứt vào giỏ rác, dù biết chắc rằng hổ cốt của ông Nguyễn Bá Thanh không thể là hổ cốt giả. Thứ cao hổ cốt thiệt đó đến tôi cũng gián tiếp có được một cục, thử hỏi có bao nhiêu quan chức và nhà báo được “tăng tuổi thọ” nhờ cao hổ cốt của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ?
Và có bao nhiêu con hổ ở Campuchia và Lào (vì ở Việt nam ta làm gì còn hổ hoang dã) bị tàn sát để phục vụ cho tuổi thọ và chuyện giường chiếu của giới quan chức cấp cao của Việt Nam thông qua những người như Nguyễn Bá Thanh ? Về bảo vệ động vật hoang dã thì đây là chuyện to đùng, nhưng so với những chuyện khác của nhân vật này thì những con hổ trở nên bé tí tẹo.
Bởi vì cao hổ cốt chỉ là một trong những thứ quà vặt dùng để xã giao trên diện rộng của ông Nguyễn Bá Thanh. Một người bạn khác của tôi, là một nhà báo trẻ, người từng bị ông Nguyễn Bá Thanh ép cơ quan cấp trên của anh thi hành kỷ luật do viết bài trái ý mình, nhưng anh chỉ bị thu thẻ nhà báo 1 năm, sau đó hành nghề lại như cũ. Thấy không đánh “chết tươi” được nhà báo này, ông Thanh quay sang tranh thủ. Một lần anh được ông Thanh mời đến chơi, sau khi tặng 1 cục cao hổ cốt và 1 cục mật gấu để “bồi dưỡng sức khỏe”, biết anh chưa có nhà, ông Thanh gợi ý cấp cho 1 lô đất để “xây biệt thự ở”. Được một bậc đàn anh dặn rằng, ông Thanh tặng quà ai mà người đó không nhận thì sẽ bị thù, nên bạn tôi nhận quà (sau đó cũng mang vứt vào giỏ rác), nhưng lô đất gợi ý thì bạn tôi từ chối. Sự từ chối này khiến cho ông Thanh hiểu nhầm là chê ít. Vì vậy, ba hôm sau ông Thanh gọi bạn tôi đến nói luôn, tau cho mày 10 lô, sẽ có người bán cho mày 6 lô, mày dùng tiền đó trả tiền mua 4 lô và xây biệt thự. Bạn tôi sợ quá, từ đó không dám gặp ông Thanh nữa và trở thành cái gai trong mắt ông.
“Cấp đất” ở đây được hiểu là bán rẻ theo giá nhà nước, nếu mang bán lại sẽ được một khoản tiền chênh lệch rất lớn. Tôi biết bạn tôi là một trong số các nhà báo không bị cám dỗ bởi những lợi lộc mà ông Nguyễn Bá Thanh và Vũ nhôm cho tặng. Nhưng tôi không biết có bao nhiêu quan chức và nhà báo nhận đất đai từ ông Thanh theo cách đó rồi bán lại lấy chênh lệch, chỉ thấy rằng báo chí từng đưa ông Thanh lên tận mây xanh và việc điều tra những sai phạm liên quan đến ông Nguyễn Bá Thanh hầu như không có, nhất là sau khi tướng Trần Văn Thanh bị khởi tố và một trung tá nhà báo của báo Công an TP.HCM bị kết án tù vì cả gan động đến Nguyễn Bá Thanh. Là cánh tay đắc lực của Nguyễn Bá Thanh, Vũ nhôm đã có “công lớn” trong việc thu xếp báo chí và truyền thông tôn vinh Nguyễn Bá Thanh như một nhân vật chính trị sáng chói trên chính trường.
Như đã nói ở trên, không phải nhà báo nào hoạt động ở Đà Nẵng cũng trở thành công cụ của Nguyễn Bá Thanh và Vũ nhôm. Và không phải Tổng biên tập nào cũng bị mù trước sự thật. Nhưng nhìn vụ án xử tướng Trần Văn Thanh và trung tá nhà báo Dương Ngọc Tiến của Báo Công an TP.HCM, các vị Tổng Biên tập dù chính trực đến đâu cũng không thể để phóng viên của mình bị bắt vào nhà đá. Việc xử tù và tước quân hàm quân tịch của trung tá Tiến rõ ràng là oan sai, tôi biết lãnh đạo báo Công an TP.HCM khi ấy có bảo vệ phóng viên của mình nhưng không bảo vệ được. Theo tôi, vụ án này cần được lật lại để trả công bằng cho nhà báo Dương Ngọc Tiến.
Xung quanh ông Nguyễn Bá Thanh, trong làng báo phân làm ba loại. Loại thứ nhất là ăn tiền, ăn đất để nịnh hót, loại thứ hai là ngậm miệng ăn tiền và loại thứ ba là im lặng để bảo vệ phóng viên của mình. Ông Nguyễn Bá Thanh được đưa lên mây xanh là do loại thứ nhất.
Thời tôi làm tòa soạn báo Thanh Niên, trong số các sếp tôi, có sếp nào quan hệ thân tình gì với ông Nguyễn Bá Thanh hay không thì tôi không quan tâm, vì những mối quan hệ đó nếu có thì theo tôi cũng là bình thường không có gì mờ ám, vì Tổng biên tập tuyệt đối không có bất kỳ sự chỉ đạo nào cho tòa soạn hoặc cho phóng viên viết bài đề cao sai sự thật về ông Nguyễn Bá Thanh hay đăng hoặc không đăng tin tức bài vở theo yêu cầu của ông. Tất nhiên, cũng như một số tờ báo khác, Thanh Niên không thể để cho phóng viên của mình tác nghiệp ở Đà Nẵng làm những chuyện mà cơ quan báo không có khả năng bảo vệ để phải vào tù như trường hợp của nhà báo Dương Ngọc Tiến, nhưng không có chuyện biến đen thành trắng về những vấn đề của Đà Nẵng. Cũng có một phóng viên đưa tin không làm ông Nguyễn Bá Thanh hài lòng đã phải bị thu thẻ nhà báo mà Thanh Niên không đủ khả năng bảo vệ, nhưng chưa đến mức bị vào tù. Còn sau khi tôi thôi làm tòa soạn và sau khi anh Nguyễn Công Khế thôi làm Tổng Biên tập thì tôi không theo dõi nên không biết.
Chính những tin tức và bài viết tô vẽ bợ đỡ nói trên trở thành dòng thông tin “chủ đạo” về Nguyễn Bá Thanh và “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, đã khiến cho một bộ phận khá đông dân chúng ngưỡng mộ Nguyễn Bá Thanh. Đám tang của ông đã được rất đông dân chúng đến chia buồn thương tiếc. Người ta không hề biết rằng, khi ông còn sống, bất kỳ nhà báo nào cố ý chống lại Nguyễn Bá Thanh, muốn vạch trần những sai trái của Nguyễn Bá Thanh hoặc cố tình không làm Nguyễn Bá Thanh hài lòng đều phải vào tù, thân bại danh liệt hoặc phải bỏ xứ ra đi.
Chuyện ông Nguyễn Bá Thanh mua chuộc báo chí là không khó hiểu, nhưng người ta không thể hình dung ông dùng quyền lực gì để khống chế báo chí khi ông chỉ là một Bí thư Thành ủy. Đó là do ông biết cách đổi chác lợi ích và quyền lực với những người, dù không phải có địa vị cao nhất nước, nhưng có đủ quyền lực hăm dọa tất cả mọi cơ quan trên đất nước này. Nhưng chuyện dài dòng đó sẽ được đề cập trong một dịp khác.
Ông Nguyễn Bá Thanh nay đã qua đời, tôi hoàn toàn không có ân oán gì với ông, nhưng nếu không hiểu đúng thực chất về Nguyễn Bá Thanh, sẽ không bao giờ xử lý được rốt ráo những vấn đề hiện nay của Đà Nẵng. Đó là lý do tôi viết stt này.
HOÀNG HẢI VÂN
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2107601795965536&id=100001472083411
.

1 nhận xét:

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.