Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/09/2018

Về tiếng Việt, chữ quốc ngữ, cách đánh vần (thân phụ cựu hoa hậu Thu Thủy vừa chính thức lên tiếng)

Đó là học giả Nguyễn Văn Lợi vốn thuộc Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Cũng mãi sau này, tôi mới biết ông là cha đẻ của cựu hoa hậu Thu Thủy. Có thể đọc nhanh về cựu hoa hậu ở đây (tháng 2 năm 2016).

Là phát ngôn rộng rãi và chính thức đầu tiên của giới chuyên môn (tính đến hôm nay, 13/9/2018).

Đại khái, nhà ngôn ngữ học đã đánh tiếng từ nhiều hôm trước, và hôm nay:

"
Sáng nay tôi đã trình bày báo cáo :"Cơ sở ngôn học và thực tế tiếng Việt trong việc day-hoc đánh vần". Bạn nào cần gửi địa chỉ Email, tôi sẽ gửi toàn văn báo cáo (file định dạng. ppt, 60 slide)
"


Hình như trên Fb, hoa hậu Thu Thủy cũng có giới thiệu nhanh gì đó.

Có 59 trang trình chiếu đã được sử dụng sáng nay. Hiện tôi đã nhận được.

Kết luận của ông như sau:

"
Trên cơ sở phân tích một số cơ sở ngôn ngữ học, thực tế tiếng Việt của việc dạy đánh vần tiếng Việt, chúng tôi đi đến kết luận:

1. Chủ trương dạy đánh vần tiếng Việt xuất phát từ những khái niệm ngữ âm âm vị học trừu tượng và trống không về nghĩa có những bất hợp lí nhất định :

A. Không phù hợp với cơ chế Nghe (nhận-hiểu) – Nói (phát âm) và quá trình học ngôn ngữ một cách tự nhiên ở trẻ. 
•B Không phù hợp với sự phát triển ngôn ngữ ở lứa tuổi bắt đầu đi học (6 tuổi) ở trẻ ( hệ thống ngữ âm - âm vị học, vốn từ vựng, quy tắc ngữ pháp chưa phát triển đầy đủ).
•C. Việc sử dụng các khái niệm ngữ âm-âm vị học dạy đánh vần có những bất cập (nhầm lẫn các khái niệm / thuật ngữ, khó hiểu đối với học sinh, phụ huynh và ngay cả thày cô giáo dạy học sinh).


2. Dạy đánh vần cần xuất phát từ các đặc trưng của hệ thống ngữ âm – âm vị học tiếng Việt. Đặc biệt là đặc trưng về chức năng và cấu trúc âm tiết tiếng Việt. 

3. Khác cách dạy trẻ em Trung Quốc viết chữ Hán, việc dạy trẻ em nhận diện và phân biệt các âm tiết tiếng Việt bằng các hình khối không hợp lí. Âm tiết tiếng Việt, về mặt ngữ âm (sinh lí phát âm và âm học) cũng như âm vị học (trong tâm thức người Việt) không phải là là các khối hình độc lập, không chia cắt. Về chữ viết, chữ Hán và chữ Việt khác nhau về bản chất. Chữ Hán là chữ tượng hình, gồm các bộ, nét, sắp xếp phi tuyến tính trong một ô vuông. Chữ Việt là chữ ghi âm, ghi âm tố, các kí tự sắp xếp tuyến tính (chia cắt trong thời gian).

4 Tiếng Việt bao gồm 3 phương ngữ với nhiều thổ ngữ khác nhau về ngữ âm. Đặc điểm này cần chú ý khi dạy đánh vần. 

•Trong tâm thức HS người Kinh nói các thổ ngữ, phương ngữ khác nhau, tồn tại hệ thống ngữ âm-âm vị học không hoàn toàn trùng khớp với hệ thống ngữ âm phản ánh trong chữ Quốc ngữ. Điều này ảnh hưởng về lâu dài đến kĩ năng Nghe-Nói Đọc Viết của người học. Do vậy, việc tuyệt đối hóa mô hình dạy đánh vần đi từ khái niệm của hệ thống ngữ âm-âm vị học (trừu tượng) là không thực tế và hiệu quả. Mô hình thích hợp là rèn luyện kí năng Viết và Đọc đồng thời, với, sự chú ý đúng mức đến kĩ năng Đọc đúng (phát âm chính âm), tùy từngphương ngữ, thổ ngữ.             

5 Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Có khoảng 14% học sinh dân tộc thiểu số, nói gần 100 ngôn ngữ khác nhau, khác với tiếng Việt. Việc dạy tiếng Việt nói chung và dạy đánh vần nói riêng cho học sinh người Kinh khác với việc dạy học sinh người dân tộc thiểu số. Điều này ít được quan tâm trong các sách dạy đánh vần tiếng Việt. Các nhà khoa học và các tổ chức UNESCO, UNICEF khuyến cáo: Dạy ngôn ngữ chính thức (ngôn ngữ thứ 2 L2) thông qua ngôn tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ dân tộc thiểu số (ngôn ngữ thứ nhất L1 ) với sự chú ý đến đặc điểm của của L1 và xem L1 như cầu nối sang L2.

6 Chữ Quốc ngữ là chữ ghi âm, âm tố, có nhiều ưu việt, và một số bất hợp lí. Không cần thiết phải cải tiến thay đổi bảng chữ cái (dùng các kí tự ghi âm tố/âm vị) của chữ Quốc ngữ. 
• Việc dạy đánh vần chữ Quốc ngữ nên theo mô hình đi từ các đơn vị chữ/âm tố cụ thể đến cách ghép các kí tự/âm tố thành Vần, Âm tiết là mô hình phù hợp với hệ thống chữ viết ghi âm âm tố như chữ QN, vì: a-cho phép khắc phục các bất hợp lí. 
•b-dễ tiếp thu với học sinh, phụ huynh và cả các thày cô giáo vốn không có kiến thức sâu về ngữ âm-âm vị học.

"

---



BỔ SUNG





1.

Tài liệu của GS Hồ Ngọc Đại cần chỉnh sửa một số “hạt sạn”

Dân trí Trước những tranh cãi chưa có hồi kết về Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, ngày 13/9, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức hội thảo “Cơ sở ngôn ngữ học và thực tế tiếng Việt trong việc dạy- học đánh vần tiếng Việt”. Theo một số chuyên gia, xét riêng về ngôn ngữ học, tài liệu này còn một số “hạt sạn” mà nhóm tác giả cần chỉnh sửa.


 >> Những ngộ nhận đáng tiếc quanh cách học vần Công nghệ giáo dục
 >> Phụ huynh nói gì về chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?

Còn một số “hạt sạn”
GS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, tài liệu này vẫn còn những "hạt sạn" mà nhóm tác giả cần phải khắc phục thêm cho hoàn thiện.
Theo GS Lợi, về mặt ngôn ngữ học, vấn đề đánh vần - học vần liên quan đến khái niệm "Biết chữ" - tức là khả năng biết đọc biết viết.
Ông phân tích, ở trường phổ thông hướng tới mục tiêu chung là luyện và phát triển kĩ năng nghe nói, đọc - viết của học sinh. Tuy nhiên do đặc điểm của Tiếng Việt, tùy thuộc người học nền tảng tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ dân tộc thiểu số.
Trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số có thể có khả năng đọc đúng chính tả cũng khác nhau. Việc học đánh vần ở giai đoạn đầu trong quá trình rèn các kĩ năng nghe nói rất quan trọng, việc hình thành ổn định và cố định các kĩ năng khi trẻ trước 10 tuổi.
Về cơ sở ngôn ngữ học của việc dạy – học đánh vần cần quan tâm đầu tiên là cơ chế nghe và tạo sản tín hiệu âm thành lời nói của trẻ. Ngay từ trong bụng mẹ trẻ em đã nhận cảm được âm thanh, trong đó có lời nói, nhưng quá trình nhận – hiểu (nghe) và nói ngôn ngữ thực sự bắt đầu khi trẻ ra đời.
GS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (Ảnh: Đ.T).
GS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (Ảnh: Đ.T).
Các phụ âm đầu tiên trẻ em tiếp nhận và phát âm được là các phụ âm có câu âm ngoài ở vùng tần số thấp như các phụ âm môi: m (mẹ, mâm), b (bố, ba, bà)... Hay các thanh điệu có tần số trung bình như bà, má, mami... Các thanh điệu có đường nét và kiểu tạo thanh ngang, sắc (má, ba, bố).
Dần dần các em mới cảm thụ và phát âm được các phụ âm có cấu âm sâu, tần số cao như các phụ âm có cấu âm sâu, tần số cao như các phụ âm Ch, h, các nguyên âm đôi, các thanh điệu có đường nét và cách tạo thành phức tạp như thanh ngã, hỏi".
Cũng theo GS Lợi, trong tâm thức trẻ 6 tuổi, hệ thống ngữ âm – âm vị chưa thực sự hoàn thiện do vốn từ của trẻ chưa đủ lớn. Do vậy, việc dạy-học đánh vần bắt đầu từ các khái niệm trừu tượng về ngữ âm – âm vị học không thích hợp với năng lực ngôn ngữ của trẻ.
“Chúng tôi đồng tình với ý kiến của PGS Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách Công nghệ giáo dục. Quan điểm “chân không về nghĩa” mà GS Đại đưa ra không đúng với bản chất của ngôn ngữ, không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp", GS Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Tài liệu CNGD khiến học sinh ít viết sai chính tả
Tài liệu CNGD khiến học sinh ít viết sai chính tả
Nên tách bạch giữa trường tốt và sách tốt
Theo GS. TSKH Nguyễn Tuyết Minh, người có con từng là học sinh trường Thực nghiệm cho hay, nên tách bạch, không nên vì cuốn sách tiếng Việt của GS. Hồ Ngọc Đại mà đánh giá trường Thực nghiệm không tốt, và ngược lại không phải vì trường Thực nghiệm tốt có nghĩa là cuốn sách này tốt.
Theo bà Minh, mặc dù con bà học ở đây trong một thời gian ngắn nhưng thực sự môi trường giáo dục ở trường thực nghiệm rất hay ở chỗ tôn trọng cá thể ấy trong lớp học, các con học ra tự tin, tôn trọng sự ham muốn và hiểu biết của từng học trò.
“GS Đại không phải chuyên gia về ngôn ngữ học, dĩ nhiên sẽ có những hạn chế. Nhưng lẽ ra anh ấy có thể liên hệ với Viện Ngôn ngữ thì sẽ chuẩn hơn”, GS Minh nói.
Tại hội thảo, PGS Thanh Hoa, người rất tâm huyết trong ngành ngôn ngữ đặt câu hỏi: “Tại sao tài liệu CNGD có nhiều lỗi thế nhưng các con học xong vẫn đọc đúng và viết đúng chính tả"? Bản thân bà đã có một khảo sát nho nhỏ tại địa phương nơi mình sinh sống. Kết quả, các em học sinh ít sai chính tả. "Liệu có cơ sở ngôn ngữ học nào không"?, bà Hoa đặt câu hỏi.
Theo GS Lợi, ông đánh giá những hạn chế, ưu việt của bộ sách giáo khoa này trên quan điểm của người nghiên cứu ngôn ngữ học, nghiên cứu tiếng Việt. Ông chỉ phân tích cuốn sách, chứ không biết trong nhà trường dạy như thế nào.
“Cháu tôi không học đánh vần cũng đã đọc được chữ. Nên tôi nghĩ ở đây không cần một cơ sở ngôn ngữ học nào để giải thích cho việc cách dạy không phù hợp nhưng học sinh vẫn biết đọc. Đó chỉ là quá trình ghi nhận của từng người”, GS Lợi nói.
Mỹ Hà

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tai-lieu-cua-gs-ho-ngoc-dai-can-chinh-sua-mot-so-hat-san-20180913173900512.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.