Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/03/2018

'Làm xiếc' bằng tiền nhà nước, vụ AVG

Bài đầu tiên là của Thanh Niên.

Các bổ sung sẽ cập nhật tiếp ở dưới.



---


Vụ MobiFone mua AVG: 'Làm xiếc' bằng tiền nhà nước







05:14 - 19/03/2018


Trong thương vụ MobiFone mua AVG, dù AVG thua lỗ nặng nề, âm vốn chủ sở hữu, nhưng MobiFone vẫn thổi giá công ty này lên gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.








Vụ MobiFone mua AVG: 'Làm xiếc' bằng tiền nhà nước
Sau khi về sở hữu nhà nước, AVG tiếp tục được phù phép biến lỗ thành lãi để che mắt cơ quan thanh, kiểm tra.
AVG sau khi về MobiFone tiếp tục thua lỗ, gặp khó khăn tứ bề, kéo cả MobiFone xuống dốc. Để che giấu các khoản thua lỗ, sự yếu kém này MobiFone lại tìm mọi cách nhào nặn số liệu, phù phép báo cáo tài chính để biến AVG trở nên hồng hào. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ (TTCP), các khoản lỗ của AVG như sau: Năm 2010 lỗ 81,05 tỉ đồng, năm 2011 lỗ 196,127 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 471,648 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 473,270 tỉ đồng, năm 2014 lỗ 323,129 tỉ đồng và quý 1/2015 lỗ 87,6 tỉ đồng.
Rất bất ngờ, chỉ 1 năm sau MobiFone hồ hởi báo tin AVG do mình quản lý đã lãi 54 tỉ đồng. Về con số này kết luận của TTCP chỉ rõ, lợi nhuận không phải từ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình mà chủ yếu do AVG được hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài. Cụ thể, Công ty CP An Viên B.P cho miễn lãi suất gần 50 tỉ đồng các khoản vay với tổng số nợ 950 tỉ đồng (gồm nợ năm trước chuyển sang 600 tỉ đồng, được miễn lãi suất từ 10,5% về 0%; cho vay thêm 350 tỉ đồng với lãi suất 0%). Nguyên Chủ tịch HĐTV của AVG là ông Phạm Nhật Vũ thực hiện cam kết đưa về cho AVG một hợp đồng quảng cáo ký với Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Vinhomes 1 với doanh thu 25 tỉ đồng; MobiFone ký với AVG hợp đồng quảng cáo có doanh thu 21,6 tỉ đồng và phân chia cho AVG doanh thu dịch vụ 62,7 tỉ đồng…
Do không thể dùng tiền bù lỗ mãi, và hết cách “phù phép”, AVG của MobiFone lỗ lại hoàn lỗ. Năm 2017, theo báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) AVG lỗ 73,6 tỉ đồng (kế hoạch do MobiFone lập, năm 2017 AVG lãi 156 tỉ đồng). Tổng lỗ lũy kế AVG đến 31.12.2017 là 1.982,7 tỉ đồng.
Nghiêm trọng hơn, các khoản lỗ của AVG khiến MobiFone bị ảnh hưởng tiêu cực. Báo cáo tài chính năm 2016 của công ty mẹ MobiFone cho thấy, thương vụ mua AVG không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn làm giảm lợi nhuận hoạt động tài chính của MobiFone so với năm 2015 là 321,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, việc MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889,8 tỉ đồng không những làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone mà còn làm giảm lợi nhuận hợp nhất của MobiFone, ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính trong giai đoạn đang tiến hành thực hiện cổ phần hóa; dẫn đến giảm sức mua của các nhà đầu tư khi bán đấu giá cổ phần, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà nước.
Như vậy có thể thấy, bản chất “lãi” của AVG sau khi về MobiFone thực ra chỉ là lãi giả. Thực tế các thuê bao truyền hình AVG, sau đổi tên sang MobiTV còn liên tiếp được MobiFone đẩy ra theo hình thức biếu, tặng để nhằm tăng con số thuê bao ảo. Theo nguồn tin của Thanh Niên, việc phù phép AVG từ lỗ thành lãi không chỉ xuất phát từ phía MobiFone. Hành vi này hiện đang được các cơ quan thanh, kiểm tra tiếp tục làm rõ xem có sự chỉ đạo từ phía những cán bộ có quyền lực hay không nhằm che giấu vi phạm.
Trong nhiều hồ sơ tài liệu Thanh Niên thu thập được còn thể hiện: cuối năm 2017, sau khi Ban Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo TTCP vào cuộc, ông Trương Minh Tuấn có dấu hiệu chỉ đạo MobiFone phải tìm mọi cách để thoát lỗ, kể cả ngoài các phương án đã thống nhất giữa Bộ TT-TT và MobiFone sau khi mua AVG về. Có lúc, lãnh đạo MobiFone phải chịu áp lực “nếu không làm được thì nghỉ”.
Theo TTCP, khoản tiền đầu tư mua cổ phần AVG về bản chất là tiền nhà nước đã được Bộ TT-TT và MobiFone “nhập nhèm” tại nhiều khâu, đoạn. Cụ thể, khi báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo Bộ TT-TT đều nêu việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vay vốn tín dụng 70% còn lại. Tuy nhiên, tại Quyết định số 236/2015 phê duyệt dự án do ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT ký đã không xác định cụ thể nguồn vốn để đầu tư. Trên thực tế, MobiFone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu để thanh toán. Trong số này có một khoản vay thể hiện từ ngân hàng nhưng TTCP chỉ rõ MobiFone đã đi “vay nóng” một ngân hàng khoản tiền 3.428 tỉ đồng, đến cuối tháng 3.2016 đã trả hết khoản nợ này. Mặt khác, trong thỏa thuận hai bên thể hiện MobiFone cam kết hỗ trợ tài chính cho AVG để trả nợ khoản vay hơn 1.000 tỉ đồng đối với một số ngân hàng và pháp nhân. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận này không được thể hiện trong nội dung dự án đã được Bộ TT-TT phê duyệt.
Chưa hết, trong các chi phí liên quan đến dự án mua AVG, MobiFone đã thanh toán và hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp với tổng số tiền 6,5 tỉ đồng, gồm cả việc thuê tư vấn thẩm định giá, kiểm toán AVG mà không tính vào chi phí của dự án là sai quy định, đồng thời né được khoản thuế thu nhập phải nộp là hơn 1,3 tỉ đồng trong thanh toán.

Tổng biên tập: Nguyễn Quang Thông 
Phó tổng biên tập: Hải Thành 
Phó tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Toàn 
Phó tổng biên tập: Đặng Thị Phương Thảo 
Ủy viên Ban biên tập - Tổng Thư ký tòa soạn: Trần Việt Hưng


https://thanhnien.vn/thoi-su/vu-mobifone-mua-avg-lam-xiec-bang-tien-nha-nuoc-943251.html


---

BỔ SUNG

4. Ngày 20 tháng 12 năm 2019
"



"Lê Đức Anh Kids"

“Nguyễn Bắc Son đưa Cao Duy Hải về làm TGĐ MobiFone ngày 20-4-2015 khi Son bắt đầu triển khai một “thương vụ”mà chỉ không lâu nữa ta sẽ biết… Hải cùng với Phạm Thị Phương Anh – được đưa về làm phó TGĐ MobiFone đúng một tháng trước đó – là cặp đôi được Son tin dùng để thực thi “thương vụ” này.

Nguyễn Bắc Son vốn chỉ là một thư ký điếu đóm của Tướng Lê Đức Anh đoạn cuối khi ông này làm Chủ tịch Nước. Năm 1997, khi Tướng Lê Đức Anh bị buộc lui về làm Cố vấn BCH TW, Son theo làm trợ lý nên được hưởng “hàm thứ trưởng”. Năm 2001 khi định chế cố vấn không còn, Son được đưa đi làm PBT Thái Nguyên, nấc thang quan trọng để trở thành Bộ trưởng. Cũng chỉ không lâu nữa, ta sẽ tìm thấy câu trả lời tại sao Tướng Lê Đức Anh và Bắc Son lại nỗ lực hậu thuẫn cho Nguyễn Tấn Dũng ở Đại hội XII như thế.

Trong vụ này còn có một mắt xích đặc biệt: Lê Mạnh Hà, con trai Tướng Lê Đức Anh. Lê Mạnh Hà chỉ ký một công văn truyền đạt quyết định của Nguyễn Tấn Dũng: “đồng ý chủ trương”; chữ ký sẽ chỉ như công việc thường nhật của một công chức văn phòng nhưng nó lại khai thông một mưu mô mà đã từng có những người từ chối. Trước đó Lê Mạnh Hà đã từng được một số cán bộ tốt trong Bộ TT & TT cảnh báo và nhờ canh cửa đừng để lọt “thương vụ” này.

Lâu nay, tôi vẫn nghĩ Tướng Lê Đức Anh chỉ là người nghiện quyền lực – dù ông và con cũng được chia không ít “chiến lợi phẩm”(đất đai, nhà cửa). Việc hậu thuẫn cho những kẻ như Bắc Son, Tấn Dũng… có thể cũng chỉ nhằm duy trì ảnh hưởng vào lúc sắp tàn hơi, bất chấp bọn chúng đã làm gì với đất nước. Trong một nền kinh tế còn duy trì những vùng tranh tối tranh sáng giữa khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, quan lại tham như thế thì làm sao đẩy lùi tham nhũng. Đừng đổ hết lỗi cho các doanh nghiệp, phải “chém” những kẻ chủ mưu “cướp ngày” trước.

PS: Trước Đại hội, Lê Mạnh Hà được Nguyễn Tấn Dũng đưa ra VPCP, vị trí giúp ông ta giữ ghế cho đến 2017; nếu còn ở Thành Phố thì ông Hà không còn đủ tuổi tái cử vào 2015.”
Fb Trương Huy San
"


18/12/2019 18:51 GMT+7
Chiều nay, phiên tòa xét xử vụ MobiFone mua AVG tiếp tục với phần thẩm vấn. Ông Nguyễn Bắc Son đề nghị được sớm khắc phục hậu quả.

Trong phiên xử hôm nay, vì lý do sức khỏe, bị cáo Nguyễn Bắc Son được nằm nghỉ ngơi. Giữa giờ chiều, ông Nguyễn Bắc Son được đưa ra phòng xét xử để trả lời thẩm vấn.
Trước khi bị cáo Nguyễn Bắc Son trả lời thẩm vấn, HĐXX vắn tắt lại một số nội dung phiên tòa khi ông Nguyễn Bắc Son vắng mặt. Theo đó, quá trình bị cáo Nguyễn Bắc Son vắng mặt, các câu hỏi của luật sư và câu trả lời của các bị cáo từng là cấp dưới của ông Nguyễn Bắc Son đều dẫn đến vai trò chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son trong vụ án này.
HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý kiến gì không, ông Nguyễn Bắc Son trình bày: Tôi xin HĐXX cho tôi được gặp luật sư để có thể sớm khắc phục hậu quả. Tôi muốn nói với luật sư rằng, tội danh tôi đã nhận, không cần bào chữa cho tôi nữa.
Ông Nguyễn Bắc Son mong được sớm khắc phục hậu quả
Ông Nguyễn Bắc Son
Về câu hỏi của HĐXX, bị cáo khai: MobiFone mua AVG diễn ra năm 2015, đây là dự án xuất phát từ nhu cầu phát triển của MobiFone trong thời buổi hội tụ công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình. Đây là sự phát triển đúng hướng.
Quá trình triển khai MobiFone, có những văn bản gửi Bộ TT&TT, tôi là người trực tiếp ký, bút phê vào các văn bản này, chuyển Vụ Quản lý doanh nghiệp đề xuất giải quyết.
Khi các văn bản của MobiFone trình lên Bộ, tôi đều có bút phê chuyển cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng xem xét giải quyết. Toàn bộ qúa trình này, tôi tham gia chỉ đạo từ đầu. Quá trình đó có anh Trương Minh Tuấn tham gia ngay từ đầu...
Anh Trương Minh Tuấn có thư công tác gửi tôi với 3 đề nghị, trong đó có đề nghị phải có văn bản xin ý kiến Bộ Công an việc mua AVG và tôi đồng ý với đề xuất của anh Trương Minh Tuấn.
Theo lời khai của ông Nguyễn Bắc Son, ngoài công văn gửi Bộ Công an, Bộ TT&TT còn có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT để hỏi ý kiến và xin hướng dẫn về việc mua AVG.
Bộ Công an trả lời: Cần thực hiện thận trọng, chặt chẽ, dự án này không thuần túy phù hợp với kinh doanh của MobiFone mà còn góp phần bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng..., đề nghị Bộ và cơ quan có liên quan tạo quy chế đặc thù để MobiFone thực hiện dự án có hiệu quả.
Công văn của Bộ Tài chính gửi Bộ TT&TT cũng viện dẫn đầy đủ khoản 4, điều 28, luật 69, trong đó nói việc phê duyệt thuộc quyền của Bộ TT&TT... 
Còn về giá mua AVG, Bộ Tài chính khẳng định, việc mua bán cổ phần, cổ phiếu không thuộc chức năng cơ quan quan lý hành chính. Doanh nghiệp phải tự làm, tự chịu trách nhiệm.
3 đơn vị mà MobiFone thuê thẩm định giá đều là những đơn vị được Bộ Tài chính cấp phép hành nghề, như vậy MobiFone thuê 3 đơn vị này là phù hợp.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son thừa nhận Bộ TT&TT lúng túng trong việc áp dụng luật, nghĩ là mình làm đúng.
Ông Nguyễn Bắc Son trình bày: Cho đến khi UB Kiểm tra vào làm việc, nói rằng dự án này không đúng, các hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT hướng dẫn không đúng. Lúc này tôi thấy mình sai rồi.
Ông Nguyễn Bắc Son đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Bắc Son: Dự án mua AVG là dự án lớn, triển khai trong thời điểm có những yếu tố chủ quan về nhận thức, hiểu biết, tin vào sự hướng dẫn của các Bộ, dẫn đến sai.
Còn khách quan là dự án triển khai khi MobiFone đang trong quá trình cải tổ bộ máy. Bộ máy lớn lên, con người bổ nhiệm mới, đang trong qúa trình cấu trúc bộ máy lại tiến hành dự án lớn, không thể tránh khỏi những sai sót nhất định.
Đây là dự án có nhiều Bộ tham gia, Bộ TT&TT lần đầu tiên chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện dự án, tôi và anh Trương Minh Tuấn không có kiến thức quản trị doanh nghiệp. Tôi tin vào sự hướng dẫn của các bộ ngành, tin vào sự tham mưu.
Năm 2015 chúng tôi bận rất nhiều việc, không còn thời gian đầu tư cho dự án này, lại không có chuyên môn sâu nên đều chuyển Vụ Quản lý doanh nghiệp xem xét đề xuất, không chỉ đạo sẽ đề xuất theo hướng nào.
Theo bị cáo Nguyễn Bắc Son, nếu 1 trong 3 bộ (Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT) có tiếng nói khác thì dự án này chắc chắn đã không được phê duyệt.
Dự án triển khai khi luật 67, 69 mới ban hành, chưa có hướng dẫn của Chính phủ nên còn lúng túng. 
Ông Nguyễn Bắc Son đề nghị HĐXX và VKS xem xét đến hoàn cảnh, yếu tố tạo nên sai phạm, xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ cho ông và các bị cáo khác. Trong dự án này không có ai chủ mưu cầm đầu. MobiFone đề nghị thì các bị cáo chuyển các cơ quan tham mưu xem xét.
Trước đề nghị của bị cáo Nguyễn Bắc Son, thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết: Vấn đề bị cáo nêu thực tế không khác nhiều lời khai của bị cáo khai trong giai đoạn điều tra.
Bị cáo nêu tương đối đúng bản chất vấn đề. Bị cáo đã rất dũng khí nhận trách nhiệm về mình, đề nghị xem xét vai trò và các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo và các bị cáo là cấp dưới, HĐXX sẽ lưu tâm, đánh giá các yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến vụ án này.
Bị cáo mong được khắc phục hậu quả, HĐXX sẽ tạo điều kiện cho bị cáo được tiếp xúc vợ con, động viên họ có biện pháp để bị cáo có thể khắc phục hậu quả.
Kết thúc phiên xử chiều nay, HĐXX thông báo, ngày mai phiên tòa tạm nghỉ để tạo điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Son khắc phục hậu quả. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng thứ 6.
Cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà khai nhận 2,5 triệu USD để được thanh thản

Cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà khai nhận 2,5 triệu USD để được thanh thản

Sáng nay, phiên tòa xét xử vụ Mobifone mua AVG tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư.
T.Nhung
https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/vu-mobifone-mua-avg-ong-nguyen-bac-son-mong-duoc-som-khac-phuc-hau-qua-601352.html

Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình

Sáng nay, tại phiên tòa xét xử vụ MobiFone mua AVG, đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son mức án tử hình vì tội Nhận hối lộ.

Cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son còn bị đề nghị mức án 16-18 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị hình phạt chung là tử hình.
Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình
Bị cáo Nguyễn Bắc Son. Ảnh: TTXVN
Ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng TT&TT) bị đề nghị mức án 8- 9 năm tù, tội Nhận hối lộ;  6-7 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị hình phạt chung là 14-16 năm tù.
Mức án VKS đề nghị cho cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT Phạm Đình Trọng là 5- 6 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Võ Văn Mạnh (Giám đốc công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX): 4-5 năm tù do Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Hoàng Duy Quang (thẩm định viên công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX): 3-4 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone): 7-8 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; 16-17 năm tù vì tội Nhận hối lộ. Đề nghị hình phạt chung 23-25 năm tù.
Cao Duy Hải (cựu TGĐ MobiFone): 4-5 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; 10-11 năm tù vì tội Nhận hối lộ. Đề nghị hình phạt chung 14-16 năm tù.
Phan Thị Hoa Mai (thành viên HĐTV MobiFone): 3 năm - 3 năm 6 tháng tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạm Thị Phương Anh (cựu Phó TGĐ MobiFone): 2 năm 6 tháng - 3 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Hồ Tuấn (cựu Phó TGĐ MobiFone): 2 năm 6 tháng- 3 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Đăng Nguyên (cựu Phó TGĐ phụ trách chức vụ TGĐ MobiFone): 2 năm - 2 năm 6 tháng tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Bảo Long (cựu Phó TGĐ MobiFone): 2 năm 6 tháng- 3 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó TGĐ MobiFone): 2 năm 6 tháng - 3 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG): 3 - 4 năm tù vì tội Đưa hối lộ. 
Quan điểm của đại diện VKS 
Đề nghị mức án trên, đại diện VKS cho rằng: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vì các động cơ các nhân, các bị cáo đã có hành vi sai phạm, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến uy tín của đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân, tạo ra dư luận xấu.
Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình
Đại diện Viện kiểm sát đọc bản đề nghị mức án đối với các bị cáo. Ảnh: TTXVN
Hành vi phạm tội của bị cáo là một trong những biểu hiện sự suy thoái về đạo đức. Việc đưa các bị cáo ra xét xử nghiêm nhằm thể hiện tính nghiêm minh, không có vùng cấm của pháp luật; Củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh dạo của Đảng và Nhà nước.
Cần phân hóa hành vi đồng phạm của các bị cáo, cần căn cứ số tiền chiếm đoạt và nộp lại, sự ăn năn hối cải để quyết định mức án của các bị cáo, thể hiện sự nghiêm minh và cả sự khoan hồng của pháp luật.
Đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son, đại diện VKS cho rằng: Với chức vụ là Bộ trưởng TT&TT, bị cáo là người có chức vụ cao nhất ở Bộ, là người quyết định việc triển khai dự án MobiFone mua AVG.
Xuất phát từ tư lợi cá nhân, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã định hướng chỉ đạo quyết liệt cấp dưới thực hiện các hành vi sai phạm trong việc mua cổ phần AVG.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nhận từ bị cáo Phạm Nhật Vũ 3 triệu USD. Trong vụ án, bị cáo giữ vai trò là người đứng đầu. Chỉ đạo của bị cáo mang tính quyết liệt, bị cáo phải chịu trách nhiệm chính.
Là người được hưởng lợi nhiều nhất từ thương vụ mua bán trái pháp cổ phần AVG, với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn, bị cáo Nguyễn Bắc Son phải chịu trách nhiệm cao nhất trong số các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhiều huân, huy chương, bằng khen, có nhiều thành tích trong quá trình công tác. Tuy nhiên với những thành tích đóng góp đó của bị cáo, là người đứng đầu Bộ quan trọng nhất, lẽ ra bị cáo phải là tấm gương tốt. Nhưng vì hám lợi vật chất, vì sự tha hóa phẩm chất đạo đức, bị cáo đã có hành vi gây tổn hại đến uy tín của những cán bộ chân chính...
Tại tòa, bị cáo phủ nhận rồi lại nhận một phần hành vi phạm tội. Điều này cho thấy, bị cáo chưa thực sự ăn năn hối lỗi. Số tiền 3 triệu USD chưa được nộp lại. Vì vậy, bị cáo không được hưởng khoan hồng, mà cần chịu mức án nghiêm khắc.
Bị cáo Trà là người đứng đầu, biết rõ tình hình tài chính của AVG là khó khăn, giá mua cao hơn so với giá trị sổ sách..., nhưng thực hiện ý chí chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son, bị cáo Trà đã chỉ đạo việc lập dự án mua AVG trình Bộ xem xét.
Sau khi Bộ phê duyệt, bị cáo Trà đã ký hợp đồng theo sự chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son, đồng thời chỉ đạo cấp dưới bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án. Sau thương vụ mua AVG, bị cáo nhận 2,5 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ.
Trong quá trình điều tra, bị cáo thành khẩn khai báo, chủ động khắc phục hậu quả nên cần áp dụng mức hình phạt dưới khung.
Đối với tội Nhận hối lộ, bị cáo nhận số tiền lớn, nhưng  đã tự thú, nộp lại tiền đã nhận, chủ động khai báo về số tiền đã nhận từ bị cáo Vũ. Bị cáo Trà đã cùng gia đình nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.
Quá trình công tác, bị cáo được nhận nhiều bằng khen, đây là những tình tiết giảm nhẹ, do vậy khi quyết định hình phạt, cần xem xét giảm nhẹ đáng kể cho bị cáo Trà.
Bị cáo Trương Minh Tuấn là Thứ trưởng Bộ TT&TT, đã đồng ý với đề xuất của bị cáo Trọng, đã ký nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai dự án. Bị cáo dù biết thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là thuộc Thủ tướng nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son khi chưa có quyết định đầu tư của Thủ tướng.
Hành vi của bị cáo dẫn đến việc MobiFone mua lại cổ phần AVG, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Trương Minh Tuấn nhận từ Phạm Nhật Vũ số tiền 200.000 USD.
Bị cáo ký các văn bản trong hoàn cảnh thụ động bắt buộc. Bị cáo đã có ý kiến nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo nên buộc phải ký.
Bị cáo cũng đã chủ động khắc phục hậu quả, đây là tình tiết giảm nhẹ, là cơ sở để xem xét đáng kể trách nhiệm của bị cáo. Bị cáo là người nhận ít tiền nhất trong số các bị cáo.
Bị cáo Trương Minh Tuấn đã thành khẩn khai báo, tác động gia đình nộp lại tiền. Gia đình bị cáo là gia đình có công với cách mạng; Ban cán sự Đảng bộ Bộ TT&TT có đơn xin giảm nhẹ tội cho bị cáo. Vì vậy cần giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho bị cáo ở cả 2 tội.
Bị cáo Cao Duy Hải, đã ký các quyết định, văn bản giao việc cho các bị cáo khác lập dự án mua cổ phần AVG; đã nhận 500.000 USD từ bị cáo Vũ.
Bị cáo về MobiFone khi dự án đã được triển khai, bị cáo có nhiều đánh giá, băn khoăn về dự án, nhưng phải thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Trà. Bị cáo Hải đã chủ động khắc phục hậu quả nên cần áp dụng hình phạt dưới khung cho bị cáo.
Bị cáo Hải là người nhận tiền ít thứ hai, đã viết đơn tự thú, nộp lại hết tiền đã nhận, có nhiều thành tích, bằng khen, gia đình có công với cách mạng. Vì vậy khi quyết định hình phạt cần xem xét đáng kể hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ sau khi bán được AVG đã đưa tiền cho các bị cáo khác, đã khắc phục toàn bộ số tiền và hậu quả, đã cấp các tài liệu điều tra cho CQĐT. Bị cáo ăn năn hối lỗi, tích cực khai báo, có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo cũng ghi nhận việc bị cáo Vũ có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đơn xin giảm nhẹ tội cho bị cáo Vũ. Vì vậy cần giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho bị cáo Vũ.
T.Nhung
https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/ong-nguyen-bac-son-bi-de-nghi-an-tu-hinh-601804.html


3.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018


Con người thực Trương Minh Tuấn

Ông Trương Minh Tuấn đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, dân gian đùa gọi tắt thành bộ 4T. Tôi dùng chữ “đương kim” bởi tới khi tôi viết những dòng này (chiều 3.6.2018) ông Tuấn đang là bộ trưởng, còn ngày mai thế nào, thậm chí từ tối nay, thì tôi không dám chắc. 


Ông Tuấn vừa gặp “hạn”. Chiều qua 2.6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức công bố, xì thông tin cho báo chí đăng đồng loạt kết luận của Ủy ban về vụ Tổng công ty MobiFone mua Công ty tư nhân AVG trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỉ đồng. Vụ mua bán này đã diễn từ mấy năm trước khá suôn sẻ, hợp đồng đã thực hiện, bên mua đã trả tiền cho bên bán gần chục nghìn tỉ đồng. Chỉ có điều, chả hiểu MobiFone mua cái công ty truyền thông AVG (định giá thực chất chỉ mấy trăm tỉ đồng) ấy của ông Phạm Nhật Vũ, em tỉ phú Vincom Phạm Nhật Vượng, về để làm cái gì, nhưng sau vài năm thì nó thành gánh nặng cho MobiFone, như một thứ của tội của nợ. Bộ 4T và đám cầm đầu MobiFone sau đó biết hớ, biết bị lừa nhưng vẫn cố tình che chắn, lấp liếm, chỉ có điều cuối cùng ung nhọt sưng tấy cũng đến hồi phải vỡ, bung bét lộ ra. Nếu MobiFone chỉ là một công ty tư nhân thì nó dại, mất tiền thế nào kệ nó, nhưng khổ nỗi nó lại là công ty nhà nước. Đem tiền muôn bạc vạn của nhà nước dúi vào túi tư nhân, mà mua khống lên gấp cả chục lần, nhà nước này có giàu hơn tỉ phú Bill Gates cũng phải phá sản chứ nói chi đang nghèo rớt mùng tơi, nợ đầm đìa chúa Chổm. 



Thế MobiFone nó liên quan gì tới bộ 4T, tới ông Trương Minh Tuấn? Không liên quan thì Ủy ban bao công sờ tới làm chi. MobiFone là đơn vị doanh nghiệp trực thuộc bộ 4T, chức vụ Tổng giám đốc của nó to gần bằng thứ trưởng. Vụ mua bán ma mãnh đi đêm ném tiền nhà nước vào túi tư nhân Phạm Nhật Vũ nói trên do chính bộ 4T chủ trương, không được sự đồng ý của Chính phủ nhưng cứ làm tới luôn. Ông Nguyễn Bắc Son, một vị có quá khứ từng là thư ký, trợ lý của chủ tịch nước Lê Đức Anh, được ông Anh cất nhắc, leo dần tới ghế Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, rồi Bộ trưởng 4T. Vụ việc mua bán mờ ám xảy ra khi ông Son đương nhiệm, dĩ nhiên ông ta phải chịu trách nhiệm. Luật vi thiềng (đút lót) ở xứ ta có từ lâu đời, chả nhẽ đem cho nhau cả chục nghìn tỉ đồng dễ như thế, bộ trưởng lại không được đàn em dâng đồng nào, có mà chuyện lạ. Điều này cứ để cơ quan điều tra làm rõ về sau. 



Nhưng ông Tuấn, Trương Minh Tuấn, thứ trưởng thường trực bộ 4T mới thực là “có công” đầu trong vụ mua bán. Cứ theo cơ quan kiểm tra, chính ông ta quyết định, ông ta ký phê duyệt những văn bản MobiFone mua AVG. Người ta thường nói “bút sa gà chết” cũng một phần thương hại những nhà chức việc, quan chức chỉ do một chút lơ đãng, sơ sẩy nào đó mà gây tai họa. Nhưng một người như ông Tuấn, lại có một tay thầy dùi ranh ma mưu mẹo như Lê Nam Trà, có mà sơ sẩy khối. Mỗi một chữ ký, ai dám bảo không đem về một núi tiền. Số tiền ấy giờ ở đâu, đã biến thành cái gì, là việc của cơ quan cảnh sát điều tra. Ai chả biết các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh cũng từng ký những văn bản theo thẩm quyền như vậy, lúc các ổng đương quyền có ai nói gì đâu, có lộ tòi ra đồng xu cắc bạc vi thiềng nào đâu. 



Với sự đánh giá “công trạng” mới “vi phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước”, rồi ông Trương Minh Tuấn sẽ phải trả lời trước pháp luật. Cuộc đời bãi bể nương dâu, lên voi xuống chó, dám làm dám chịu, đừng đổ thừa này nọ, đừng trốn tránh, thì ít ra cũng không đến nỗi hèn. 



Một bộ quan trọng như Bộ Thông tin – Truyền thông nhưng cả hai đời bộ trưởng liên tiếp mắc vi phạm rất nghiêm trọng, có lẽ cái bộ này chỉ chịu đứng sau cơ quan ngang nó là Tổng thanh tra Chính phủ, đã từng 3 đời liên tiếp vị đứng đầu bị kỷ luật hoặc “có vấn đề”. Rồi biết đâu đấy nó (4T) sẽ có bạn tâm giao là Bộ Giao thông vận tải, hoặc Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công Thương…, chả ai dám khẳng định là không thể. 



Tôi ghét cái thói đánh hôi, trả thù vặt, té nước theo mưa, đánh kẻ ngã ngựa hoặc sắp ngã. Lẽ ra tôi không thèm viết gì về ông Tuấn, về bộ 4T, về vụ mua bán ma quỷ MobiFone – AVG. Nhưng nghe mấy cha lãnh đạo bộ này lên tiếng phân trần ra cái vẻ ta đây không sai, bị kết luận ép buộc… nên tôi biên vài dòng này cho thủng thêm câu chuyện. Và phải thú thực, về ông Tuấn, tôi đã nhận chân con người thực của ông khi ông đang là thứ trưởng, được cấp trên cơ cấu ghế thủ trưởng bộ thay ông Son. Lẽ ra là người sẽ đứng đầu một bộ như bộ 4T, ông cần chứng tỏ năng lực quản lý, sự hiểu biết chuyên môn sâu sắc, và nhất là cái tâm cao đẹp, nhưng ông Tuấn lại làm kiểu khác. Để chứng tỏ sự trung thành hăng hái của mình, ông liên tục lập ngôn đanh thép về… diễn biến hòa bình, quyền tự do báo chí, về mạng xã hội, lẽ dĩ nhiên đều theo ý đảng chứ không phải lòng dân. Ông siết chặt việc kiểm duyệt, bắt bẻ các tờ báo những lỗi này lỗi nọ, xử lý kỷ luật, tước thẻ nhà báo của nhưng ai ông có thể lôi ra làm con dê tế thần (ví dụ trường hợp nhà báo Đỗ Hùng của báo Thanh Niên). Và ông đã làm vừa ý những người đang thử thách ông, cái ghế bộ trưởng đã được đặt vào mông một tên lính tiên phong cảm tử. Ông Tuấn làm tôi nhớ tới trường hợp ông Đinh Thế Huynh, khi mới chỉ là Tổng biên tập báo Nhân Dân, rồi Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông ta đã dám thay mặt đảng hùng hồn tuyên bố ở đâu có thể đa đảng chứ Việt Nam không bao giờ đa đảng. Sau cú lập ngôn ấy, ông Huynh vào Bộ Chính trị, cũng có thể người ta đã nhắm trước cán bộ cấp chiến lược, nhưng cũng biết đâu nhờ ăn nói dũng mãnh mà nên công nên trạng. Nay thì cả ông Huynh lẫn ông Tuấn đều “than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”. 



Nguyễn Thông 
https://thongcao55.blogspot.com/2018/06/con-nguoi-thuc-truong-minh-tuan.html


2.






Thương vụ mua AVG: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vi phạm rất nghiêm trọng

02/06/2018 13:58 GMT+7

TTO - Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận những vi phạm quanh thương vụ MobiFone mua AVG. Theo kết luận, vi phạm của Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng.

Thương vụ mua AVG: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vi phạm rất nghiêm trọng - Ảnh 1.
Ông Trương Minh Tuấn (trái) và ông Nguyễn Bắc Son - Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại kỳ họp 26 (từ 28 đến 30-5-2018), UBKTTƯ đã xem xét, kết luận một số nội dung liên quan đến các dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Qua kiểm tra cho thấy:
- Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Thông tin và truyền thông chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; 
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Thông tin và truyền thông và Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án trên.
- Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư BCSĐ, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016. 
Ông Nguyễn Bắc Son đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể BCSĐ, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định; 
Ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện dự án, để xảy ra nhiều vi phạm.
- Ông Trương Minh Tuấn, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư BCSĐ, bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông: trong thời gian giữ cương vị ủy viên BCSĐ, thứ trưởng, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Trương Minh Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án; ký quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21-12-2015 của Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công.
Với cương vị bí thư BCSĐ, bộ trưởng từ tháng 4-2016 đến nay, ông Trương Minh Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2016-2021.
- Ông Phạm Hồng Hải, ủy viên BCSĐ, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021. 
Ông Phạm Hồng Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện dự án; trực tiếp ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định.
- Ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và truyền thông có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án.
Cùng với tập thể và các cá nhân nêu trên, qua kiểm tra, UBKT trung ương đã kết luận:
- Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án.
- Ông Lê Nam Trà, nguyên bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Mobifone, có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, chịu trách nhiệm chính trong việc HĐTV Tổng công ty trình Bộ Thông tin và truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
- Ông Cao Duy Hải, phó bí thư Đảng ủy, thành viên HĐTV, tổng giám đốc Tổng công ty Mobifone, có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho HĐTV Tổng công ty trình Bộ Thông tin và truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
Những vi phạm của BCSĐ Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng;
Vi phạm của ông Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và truyền thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong dự án này có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Bình Dương. 
UBKT trung ương yêu cầu BCSĐ, Đảng ủy và lãnh đạo các cơ quan nêu trên kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UBKT trung ương.
Thương vụ mua AVG: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vi phạm rất nghiêm trọng - Ảnh 2.
Thương vụ mua AVG: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vi phạm rất nghiêm trọng - Ảnh 3.
Thương vụ mua AVG: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vi phạm rất nghiêm trọng - Ảnh 4.
Thương vụ mua AVG: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vi phạm rất nghiêm trọng - Ảnh 5.
https://tuoitre.vn/thuong-vu-mua-avg-bo-truong-truong-minh-tuan-vi-pham-rat-nghiem-trong-20180602134007041.htm

1.




(PLO)- Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý với kết luận thanh tra thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG từ ngày 14-3, đồng thời đồng ý chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra Bộ Công an.
Nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này đã làm việc và chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận thanh tra và các tài liệu liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phiếu AVG.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tiến hành bước tiếp theo xem xét, xử lý về mặt đảng những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm mà kết luận thanh tra đã nêu.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra cho cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an để xem xét, khởi tố điều tra hình sự những cá nhân có vi phạm nghiêm trọng trong sự việc này.
Trước đó, ngay sau khi được Thanh tra Chính phủ báo cáo, chiều 14-3, Phó Thủ tướngThường trực Trương Hòa Bình, được sự phân công của Thủ tướng, đã có ý kiến đồng ý với các kiến nghị, đề xuất của Thanh tra Chính phủ được thể hiện trong kết luận thanh tra.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm được chỉ ra trong kết luận thanh tra, đồng thời yêu cầu Thanh tra Chính phủ công khai nội dung kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật…
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm điểm, làm rõ những vấn đề mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra trong Kết luận thanh tra 355, ngày 14-3-2018. Đồng thời đồng ý với Thanh tra Chính phủ, chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra Bộ Công an để làm rõ một số vấn đề của thương vụ mà Thanh tra Chính phủ nhận định là "vụ việc kinh tế nghiêm trọng".
Trong kết luận thanh tra về vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra dự án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.
CHÂN LUẬN
http://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-dong-y-chuyen-vu-mobifoneavg-sang-cong-an-760380.html

2 nhận xét:

  1. Thương vụ mua AVG: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vi phạm rất nghiêm trọng
    02/06/2018 13:58 GMT+7
    TTO - Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận những vi phạm quanh thương vụ MobiFone mua AVG. Theo kết luận, vi phạm của Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.