Đúng 1 tháng. Không chệch ngày nào. Bởi ngày 8/12/2017, thì báo chính thống đã viết (có thể xem bản đầy đủ ở đây):
"Một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Chiều thứ 6, ngày 8/12, cơ quan chức năng tống đạt lệnh khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ông Đinh La Thăng. Buổi sáng hôm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho ra mắt cuốn sách Vững bước trên con đường đổi mới."
Tư liệu về phiên tòa bắt đầu từ 8/1/2018 là được lấy về từ các nơi.
Cập nhật dần.
---
.
Ông Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân
22/01/2018 10:34 GMT+7
- Ông Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù tội cố ý làm trái. Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù tội cố ý làm trái, chung thân tội tham ô, hình phạt chung: chung thân. Nhiều bị cáo được trả tự do tại tòa.
XEM CLIP:
Từ ngày 8-22/1, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanhcùng 20 bị cáo khác ra xét xử tội Cố ý làm trái các quy định Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.
Bị cáo Đinh La Thăng nghe tòa tuyên án. Ảnh: TTXVN |
Sau thời gian nghỉ nghị án kéo dài, sáng 22/1, HĐXX tuyên phạt:
Nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái:
1. Đinh La Thăng (SN 1960, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN): 13 năm tù.
2. Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC): 14 năm tù tội Cố ý làm trái; tù chung thân tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội là tù chung thân.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tuyên án. Ảnh: TTXVN |
3. Phùng Đình Thực (SN 1954, nguyên Tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.
4. Nguyễn Quốc Khánh (1960, nguyên Phó tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.
5. Nguyễn Xuân Sơn (1962, nguyên Phó tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.
6. Vũ Đức Thuận (1971, nguyên Tổng giám đốc PVC: 7 năm tù tội Cố ý làm trái; 15 năm tội Tham ô tài sản.
7. Ninh Văn Quỳnh (SN 1958, nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 7 năm tù.
8. Lê Đình Mậu (SN 1972, nguyên Phó trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN: 4 năm, 6 tháng tù.
9. Vũ Hồng Chương (1953, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 3 năm tù treo.
10. Trần Văn Nguyên (1979, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 30 tháng tù treo.
11. Nguyễn Ngọc Quý (1953, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC): 6 năm tù.
12. Nguyễn Mạnh Tiến (1966, nguyên Phó tổng giám đốc PVC): 6 năm tù.
13. Phạm Tiến Đạt (1979, nguyên Kế toán trưởng PVC): 4 năm, 6 tháng tù.
14. Trương Quốc Dũng (SN 1982, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC): 17 tháng tù.
Quang cảnh phiên tuyên án. Ảnh: TTXVN |
Nhóm bị cáo phạm tội tham ô:
15. Nguyễn Anh Minh (1977, nguyên Phó Tổng PVC): 16 năm tù.
16. Bùi Mạnh Hiển (1976, nguyên Chánh Văn phòng PVC): 10 năm tù.
17. Lương Văn Hòa (1980, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): 10 năm tù.
18. Nguyễn Thành Quỳnh (1973, nguyên Giám đốc Kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty CP Miền Trung - công ty Cổ phần- Đà Nẵng): 8 năm tù.
19. Lê Thị Anh Hoa (1979, nguyên Giám đốc công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 3 năm tù treo.
HĐXX nhận định:
Chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC số 33 trái quy định
Ngày 15/10/2010, Hội đồng Thành viên PVN đã ra Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN phê duyệt phương án thành lập liên danh tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó có nội dung: “PVC là thành viên đứng đầu liên danh, nhà thầu nước ngoài tham gia được lựa chọn theo hình thức đầu thầu quốc tế…”.
Như vậy, Nghị quyết Hội đồng Thành viên PVN đã nêu rõ, muốn thực hiện dự án, PVC phải thành lập liên danh tổng thầu với các nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ định PVC là nhà thầu duy nhất làm tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, vi phạm Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN ngày 15/10/2010 của Hội đồng Thành viên PVN, Điều lệ PVN.
Lời khai của bị cáo Đinh La Thăng tại tòa cũng thể hiện: Bị cáo thừa nhận do sức ép về tiến độ nên có sai phạm về quy trình trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu không thông qua Hội đồng Thành viên.
Mặt khác, trong khi thực hiện dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan nhưng do nôn nóng, cũng như do sức ép công việc nên bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC số 33 trái quy định.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) khai tại thời điểm ký kết, hợp đồng 33 Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chưa có căn cứ pháp lý, chưa đủ điều kiện để ký kết hợp đồng EPC, nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo là phải nhanh chóng ký hợp đồng EPC số 33 là do tại thời điểm này, bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) chỉ đạo yêu cầu rút ngắn tiến độ, ký hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trước ngày 28/2/2011.
Điều này phù hợp với lời khai của người làm chứng là ông Vũ Huy Quang (Tổng Giám đốc PVPower) trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa về việc ký kết hợp đồng EPC số 33 là do sức ép của PVN. Cụ thể, PVPower đã báo cáo bị cáo Đinh La Thăng về việc để có thể ký kết hợp đồng phải mất khoảng 5-6 tháng và chỉ có thể ký kết hợp đồng vào trung tuần tháng 6/2011. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng vẫn yêu cầu phải ký hợp đồng trước 28/2/2011 để khởi công dự án vào ngày 1/3/2011.
Do vậy, theo HĐXX, có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Đinh La Thăng đã được báo cáo và biết rõ phải đến tháng 6/2011 mới có đủ hồ sơ để ký kết hợp đồng EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng trái quy định về hợp đồng tại điều 4, luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và khoản 2, điều 4, nghị định số 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận đã chỉ đạo tạm ứng vốn 10% cho PVC trong khi tài liệu thể hiện hợp đồng EPC số 33 PVC thiếu nhiều nội dung quan trọng không có cơ sở để tạm ứng như: Không có Điều 14 (Giá trị hợp đồng và Thanh toán) và Điều kiện hợp đồng, không có Phụ lục 2 (Điều kiện và Quy trình thanh toán) quy định về khoản tạm ứng… vi phạm khoản 2, khoản 6, Điều 17 - Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Căn cứ vào các tài liệu và lời khai của các bị cáo khác, Hội đồng xét xử đã khẳng định: bị cáo Đinh La Thăng biết rõ điều kiện, năng lực của PVC đang rất khó khăn nhưng bị cáo vẫn yêu cầu và chỉ định thầu cho PVC thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Như vậy, bị cáo là người đứng đầu PVN đã có hành vi chỉ định thầu cho PVC làm tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi biết rõ PVC không có đủ năng lực về tài chính cũng như kinh nghiệm để làm tổng thầu dự án này, nên ý kiến của bị cáo Đinh La Thăng về việc không biết PVC không có năng lực là không có căn cứ.
Đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của bị cáo Đinh La Thăng có đầy đủ dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, chứ không phải là tội danh khác như bị cáo và luật sư đưa ra.
Việc truy tố Trịnh Xuân Thanh là hoàn toàn có căn cứ pháp luật
Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận biết năng lực PVC chưa đạt để làm tổng thầu, hồ sơ chưa đầy đủ nhưng vẫn chỉ đạo PVC ký kết hợp đồng EPC số 33; thừa nhận đôn đốc Ban Giám đốc PVC sớm xin cấp tạm ứng thực hiện hợp đồng; thừa nhận Hội đồng Quản trị đã ra chủ trương và quyết định việc góp vốn vào các công ty con. Tuy nhiên, bị cáo Thanh cho rằng, việc sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích để góp vốn là do Ban Giám đốc và Kế toán trưởng thực hiện. Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, vai trò của bị cáo trong việc chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC số 33 rất mờ nhạt và bị cáo không có vai trò quyết định trong việc sử dụng tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng EPC số 33 sai mục đích. Hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ là thiếu trách nhiệm.
Về nội dung này, HĐXX nhận thấy, đối với việc chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC số 33, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận chỉ đạo ký kết hợp đồng số 33 trong khi hồ sơ chuẩn bị không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Điều này phù hợp với lời khai tại phiên tòa của bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) về việc đã báo cáo Trịnh Xuân Thanh về các thiếu sót của hợp đồng EPC số 33.
Sau khi ký kết hợp đồng EPC số 33, Ban Giám đốc PVC có tờ trình số 755/TTr-XLDK ngày 8/3/2011 về việc đề nghị Hội đồng Quản trị phê duyệt nội dung thực hiện hợp đồng thực hiện gói thầu EPC xây dựng nhà máy chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Trịnh Xuân Thanh đã ký phiếu lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng Quản trị số 149/HĐQT-XLDK ngày 10/3/2011 về việc phê duyệt nội dung thực hiện hợp đồng thực hiện gói thầu EPC xây dựng nhà máy chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo quy định tại điều 108 - luật Doanh nghiệp cũng như Điều lệ PVC, đối với hợp đồng EPC số 33, quyền quyết định ký kết là của Hội đồng Quản trị.
Như vậy, vai trò của Trịnh Xuân Thanh là quyết định trong việc chỉ đạo, điều hành PVC ký kết Hợp đồng EPC số 33. Ý kiến của các luật sư cho rằng, bị cáo có vai trò mờ nhạt và chỉ thiếu trách nhiệm là không có cơ sở.
Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường mỗi người 30 tỷ
Với tội Cố ý làm trái, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có vai trò ngang nhau nên phải liên đới bồi thường 60 tỷ đồng, mỗi bị cáo 30 tỷ.
Các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận cùng chịu trách nhiệm bồi thường 30 tỷ đồng (mỗi người 7,5 tỷ).
Nguyễn Ngọc Quý, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Mạnh Tiến cùng bồi thường 18 tỷ đồng (mỗi người 6 tỷ). Các bị cáo khác bồi thường số tiền còn lại.
Đối với hành vi tham ô, 10 bị cáo phải bồi thường 13 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án Vũng Áng - Quảng Trạch. Trong đó, bị cáo Thanh phải bồi thường 4 tỷ.
Tòa ghi nhận, bị có Thanh đã khắc phục 2 tỷ đồng; bị cáo Vũ Đức Thuận bồi thường 800 triệu, Nguyễn Anh Minh hơn 3,6 tỷ đồng.
|
Đối với việc xin cấp tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh thừa nhận đã đôn đốc việc xin tạm ứng tiền. Điều này phù hợp với lời khai của bị cáo Vũ Đức Thuận tại phiên tòa về việc đẩy nhanh tiến độ xin PVN tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng là theo chỉ đạo của Thanh. Lúc đó, tài chính công ty rất khó khăn, chỉ trông chờ nguồn tiền dự án. Điều này cũng phù hợp với lời khai của bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) là: tại PVC, việc quản lý và điều hành là rất gần nhau. Trịnh Xuân Thanh là người quản lý nhưng luôn tham gia việc giao ban tuần, tháng của Ban Giám đốc. Các chỉ đạo của Thanh tại những cuộc họp này luôn được Tổng Giám đốc tiếp thu và đưa vào Kết luận của Ban điều hành.
Cũng như lời khai của bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) là tại thời điểm tháng 4/2011, tình hình tài chính PVC rất khó khăn. Khi nhận chức Kế toán trưởng, bị cáo đã có báo cáo nhanh về tình hình này đối với Hội đồng Quản trị, trong đó có Trịnh Xuân Thanh và Ban Giám đốc nên bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã biết được tình hình tài chính của PVC.
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Tiến Đạt khẳng định, tất cả các việc góp vốn đều thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng Quản trị, khi sắp xếp nguồn vốn để góp vốn đều báo cáo Hội đồng Quản trị. Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định, nếu không có sự chỉ đạo của Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc thì không thể sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích vì phải có sự phê duyệt của Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc…
Như vậy, có đủ căn cứ để khẳng định: Trịnh Xuân Thanh biết được PVC không đủ năng lực để làm tổng thầu thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC số 33; chỉ đạo việc xin tạm ứng thực hiện hợp đồng và sử dụng tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng sai mục đích, vi phạm khoản 6, Điều 17, Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Hội đồng xét xử kết luận: Hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh có đủ dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bản án sơ thẩm nhận định, PVC tại thời điểm được chỉ định thầu trái pháp luật, ký kết Hợp đồng EPC số 33 và hợp đồng EPC số 4194 khi chưa đủ điều kiện, tạm ứng vốn trái phép là một doanh nghiệp đang thâm hụt tài chính, không đủ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Điều này đã được các bị cáo Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt khẳng định trước tòa, cũng đã được Ban Quản lý dự án và PVPower báo cáo.
Cũng cùng thời điểm đó, PVC được PVN chỉ định thầu xây dựng một số dự án khác như Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ… cho đến nay đã được Chính phủ xác định thất thoát thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, mỗi dự án như vậy có nguy cơ trở thành một vụ án, lãnh đạo PVC đang phải đối mặt với nguy cơ điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự khác.
Quyết định chỉ định thầu và chuyển tiền ngay lập tức một cách quyết liệt, vội vã cho doanh nghiệp không đủ năng lực và kinh nghiệm chuyên môn là trái pháp luật, trái chỉ đạo của Chính phủ. Quyết định như vậy đã gây ra sự nghi ngờ to lớn trong nhân dân về sự trong sáng của chủ trương và tính thanh liêm của cán bộ thực hiện.
3 bị cáo được trả tự do tại tòa
Nguyễn Đức Hưng (1983, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù treo. Trả tự do cho bị cáo tại tòa nếu bị cáo không phạm thêm tội khác.
Lê Xuân Khánh (1976, nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù treo. Trả tự do tại tòa nếu bị cáo không phạm thêm tội khác.
Nguyễn Lý Hải (1964, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù treo. Trả tự do tại tòa cho bị cáo nếu bị cáo không phạm thêm tội khác.
Nguyễn Đức Hưng (1983, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù treo. Trả tự do cho bị cáo tại tòa nếu bị cáo không phạm thêm tội khác.
Lê Xuân Khánh (1976, nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù treo. Trả tự do tại tòa nếu bị cáo không phạm thêm tội khác.
Nguyễn Lý Hải (1964, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù treo. Trả tự do tại tòa cho bị cáo nếu bị cáo không phạm thêm tội khác.
Xử ông Đinh La Thăng: Nhiều bị cáo được trả tự do tại tòa
HĐXX đưa ra phán quyết dành cho các bị cáo, trong đó nhiều bị cáo được trả tự do tại tòa.
Hình ảnh Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tới tòa nghe tuyên án
Sáng nay, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án các bị cáo, tại phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.
Vụ án ông Đinh La Thăng: Pháp luật không có ngoại lệ
Phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm là phiên toà có nhiều cái nhất từ trước đến nay ở nước ta kể từ thời lập quốc.
Ông Đinh La Thăng có 'cửa' nào được tại ngoại?
Về vấn đề hoàn cảnh khó khăn, có thể tòa án xem xét coi là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể coi là điều kiện để được tại ngoại.
Ông Đinh La Thăng nói lời cay đắng, Trịnh Xuân Thanh bật khóc tại tòa
Ngồi phía sau nghe bị cáo Đinh La Thăng nói lời cay đắng, Trịnh Xuân Thanh không cầm được nước mắt.
Nỗi ân hận, lời xin lỗi và lời hứa của ông Đinh La Thăng
Được tự bào chữa, ông Đinh La Thăng dành thời gian để nói những lời ân hận, xin lỗi và cả lời hứa.
T.Nhung
.
Ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV PVN. (Ảnh: TTXVN)
(Ngày Nay) -Cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) gửi lời cảm ơn và xin lỗi đến Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đối với bản thân, ông Thăng mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Nếu có chết thì là ma tự do, không phải ma tù.
Trong phần tự bào chữa chiều 13/1, ông Đinh La Thăng gửi lời cảm ơn HĐXX, các luật sư và cơ quan điều tra… trong quá trình tố tụng đã làm việc hết sức khẩn trương, kết luận điều tra, cáo trạng để phiên tòa được nhanh chóng diễn ra.
Ông Thăng cảm ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân. Cảm ơn nhân dân, những người đã động viên, tin tưởng.
Cảm ơn các cơ quan truyền thông đưa tin về phiên tòa một cách trung thực để làm sao hiểu đúng bản chất vụ án, hành vi của các bị cáo để lên án sai phạm nhưng cũng cảm thông cho các bị cáo. Cái này rất quan trọng vì không chỉ bị cáo mà còn gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè cũng biết.
Đặc biệt bị cáo hết sức cảm ơn gia đình, trong lúc khó khăn nhất gia đình luôn ở bên cạnh. Bị cáo nhìn thấy chữ viết, chữ ký của vợ bị cáo.
Bị cáo có 2 người cùng phòng, một ông sinh năm 1952, một ông sinh năm 1977. Một ông bị truy tố tội ma túy mà theo anh ấy nói thì chắc chắc sẽ bị mức án cao nhất. Một ông bị tội cưỡng đoạt tài sản. Rất may, các anh ấy hết sức tạo điều kiện, phòng giam mấy mét, lạnh thế này không đủ chỗ nằm. Họ nhường chỗ cho bị cáo nằm, 1 anh phải xuống nằm ở lối đi.
Phòng giam tối mờ mờ, không phân biệt ngày đêm. Bị cáo nhận cáo trạng không đọc được, xin ra phòng hỏi cung nghiên cứu không được. Điều kiện sinh hoạt trong trại cũng được các anh giúp đỡ.” - ông Thăng nói.
Về bản thân, ông Đinh La Thăng đề nghị HĐXX xem xét có mức án phù hợp, nhân văn vì lẽ ra, trong cùng 1 thời điểm, cùng bị truy tố 1 tội danh giờ tách thành 2 vụ án thì bất lợi cho bị cáo.
“Việc xử lý để tạo cơ hội cho cán bộ sửa chữa. Bản thân gia đình bị cáo, bố mắc bệnh hiểm nghèo, có 2 con gái, 1 cháu phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ. Khả năng, khi bố bị cáo mất, bị cáo khó có điều kiện gặp bố, cũng như chăm sóc gia đình và chăm sóc con gái. Nếu bị xử 2 vụ, bị cáo không biết có còn sống không để ra tù. Bị cáo chỉ mong muốn HĐXX xem xét để tạo điều kiện cho bị cáo chấp hành hình phạt.
Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù.” - ông Thăng trình bày.
Kết lại phần tự bào chữa ông Đinh La Thăng cảm ơn các thẩm phán và HĐXX. “Bị cáo tin rằng HĐXX sẽ có hướng xử lý phiên tòa công tâm khách quan theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Xin 1 lần nữa, các cơ quan truyền thông đưa tin trung thực khách quan và nhân văn về vụ án này. Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân và các thế hệ người lao động dầu khí vì sai phạm của mình.”.
Theo Dân Trí
http://ngaynay.vn/xa-hoi/ong-dinh-la-thang-mong-neu-co-chet-thi-la-ma-tu-do-chu-khong-phai-ma-tu-68340.html.
11/01/2018 14:27 GMT+7
TTO - Đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tòa phạt ông Đinh La Thăng 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái.
Sau 4 ngày xét xử, 14h30 chiều nay 11-1, đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội, đề nghị mức án đối bị cáo Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN, Trịnh Xuân Thanh - nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) cùng 20 đồng phạm.
Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị từ 14-15 năm tù về tội Cố ý làm trái.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh: từ 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt chung với bị cáo Thanh là tù chung thân.
Video tạm dừng
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án với ông Đinh La Thăng - Video: HOÀNG ĐIỆP - DƯƠNG LIỄU - NGUYỄN HIỀN
Video tạm dừng
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án với ông Trịnh Xuân Thanh - Video: HOÀNG ĐIỆP - DƯƠNG LIỄU - NGUYỄN HIỀN
Buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho Nhà nước
Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận, Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt phải liên đới bồi thường cho Nhà nước, mà PVN là đại diện, số tiền hơn 119 tỉ đồng.
Đồng thời xác nhận bị cáo Khánh đã tự nguyện nộp số tiền là 2 tỉ đồng.
Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên trả lại cho PVN số tiền bị cáo Nguyễn Quốc Khánh tự nguyện nộp khắc phục hậu quả; trả lại cho PVC số tiền đã thu giữ của các bị cáo và gia đình các bị cáo tự nguyện nộp khắc phục hậu quả. Trong số tiền này có 2 tỉ đồng của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Ngoài ra, đại diện Viện KSND TP Hà Nội còn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển có trách nhiệm liên đới bồi thường cho PVC số tiền chưa khắc phục là 1,5 tỉ đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải bồi hoàn cho PVC số tiền còn chiếm đoạt là 2 tỉ đồng; bị cáo Nguyễn Anh Minh phải bồi hoàn tiếp cho PVC số tiền còn chiếm đoạt chưa khắc phục hơn 88 triệu đồng.
Kê biên nhà, phong tỏa tài khoản của bị cáo Trịnh Xuân Thanh
Đồng thời, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an để đảm bảo cho việc thi hành án: Biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; Căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; xe ôtô Mazda CX5 màu trắng, biển kiểm soát 30A-970.97 đã giao cho con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh bảo quản và phong tỏa tài khoản; sổ tiết kiệm của vợ chồng Trịnh Xuân Thanh cùng 2 con trai; phong tỏa chứng khoán của vợ chồng Trịnh Xuân Thanh, không cho chuyển nhượng.
Đối với số tiền hơn 1,198 tỉ đồng do hai vợ chồng bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh và Lê Thị Anh Hoa đã nộp thuế cho Nhà nước trên cơ sở các hợp đồng khống để tham ô tổng số tiền là hơn 13 tỉ đồng, viện kiểm sát đã kiến nghị với cơ quan Thuế hoàn lại cho PVC.
Có cơ sở buộc tội, dù bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận
Theo Viện kiểm sát, khi PVC đang gặp khó khăn về tài chính lớn và chưa có kinh nghiệm thi công các dự án lớn nhưng bị cáo Đinh La Thăng vẫn giao cho PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng và hợp đồng chuyển đổi chủ thể.
Thông qua việc tạm ứng hợp đồng, PVC đã rút tiền để sử dụng sai mục đích gây thiệt hại cho PVN 119 tỉ đồng. Ngoài ra các bị cáo thuộc PVC còn lập khống hợp đồng thi công để rút ra 13 tỉ đồng tiêu xài cá nhân.
Bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận những sai phạm bị cáo buộc mà chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu, và cho rằng sau này mới biết hợp đồng 33 là sai.
Tuy nhiên, theo Viện kiểm sát, căn cứ vào tài liệu thu thập được, biên bản họp và lời khai của bị cáo, có thể khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng.
Bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình. Việc sai này dẫn đến nhiều người tha hóa biến chất, đặc biệt là Trịnh Xuân Thanh.
Vì vậy, việc đưa vụ án ra xét xử là thực hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng là không có vùng cấm, không chừa bất kể ai, tài sản tham nhũng phải được thu hồi.
Bị cáo Đinh La Thăng đã lợi dụng là người có trách nhiệm cao nhất của tập đoàn, chỉ đạo các đơn vị thành viên ký hợp đồng sai đối với dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Bị cáo Đinh La Thăng chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu mà không nhận trách nhiệm sai phạm của mình nên cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng có nhiều thành tích nên có thể xem xét.
Đối với nhóm tội Cố ý làm trái: Viện kiểm sát cho rằng các bị cáo hầu hết nắm những chức vụ chủ chốt, giữ tài nguyên quý giá của quốc gia nhưng vì nhiều động cơ khác nhau, vì lợi ích nhóm đã làm trái gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị xét xử ở 2 hành vi, bị cáo Thanh không thừa nhận chỉ đạo và chiếm đoạt tiền của PVC nhưng những tài liệu thu thập được cho thấy việc truy tố và xét xử bị cáo Thanh tội Cố ý làm trái là đúng người đúng tội.
Đối với tội tham ô tài sản, PVC đã cấu kết với doanh nghiệp bên ngoài rút tiền tiêu xài. Hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng khiến thời gian thi công dự án kéo dài gấp đôi thời gian, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế.
Mức án Viện kiểm sát đề nghị với 20 bị cáo còn lại
Video tạm dừng
22 bị cáo bị truy tố tại phiên tòa - Thực hiện: TTO
.
Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa
TTO - Bị cáo Vũ Hồng Chương khẳng định đã phát hiện ra hợp đồng 33 sai và báo cáo tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực nhưng bị cáo Thực phủ nhận khiến tòa phải cho đối chất.
Chiều 8-1, phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 119 tỉ đồng tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) do ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm tiếp tục.
Trong khi công bố phần lý lịch bị cáo trong vụ án, đại diện VKS đã đính chính bổ sung cáo trạng về chức danh đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng. Đồng thời VKS cũng công bố chức danh này đã được UBTV Quốc hội đình chỉ.
Sau khi Viện kiểm sát công bố xong cáo trạng, hội đồng xét xử đã bước vào phần xét hỏi và cho tách riêng bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo đầu tiên được tòa đề nghị trả lời thẩm vấn là Vũ Đức Thuận - nguyên tổng giám đốc PVC về bản hợp đồng số 33.
Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi Thuận về nhận thức của bị cáo rằng hợp đồng này đã đúng chưa. Thuận trình bày về các nội dung của hợp đồng. Thuận thừa nhận hợp đồng này không đúng quy định của pháp luật về nhà thầu.
Nguyễn Xuân Sơn nói không biết hợp đồng 33 sai!
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên nguyên phó tổng giám đốc PVN nói quá trình triển khai hợp đồng đều được HĐQT họp. Dự án nhà máy nhiệt điện là dự án trọng điểm do Chính phủ chỉ định thầu nên thực hiện mọi bước rất nhanh chóng.
Về việc chuyển tiền tạm ứng cho đơn vị thi công, bị cáo Sơn nói việc tạm ứng tiền theo quy chế để đề xuất thực hiện thanh quyết toán cho nhà thầu.
Về hợp đồng 33, bị cáo Sơn nói mình không nghĩ hợp đồng 33 không đủ điều kiện để thực hiện. Chỉ đạo của Chính phủ về việc chỉ định thầu và các bước bị cáo đều nghĩ đã tuân thủ quy định pháp luật, nên bị cáo không kiểm tra.
Sau này làm việc với cơ quan chức năng mới biết các hợp đồng này vi phạm quy định của pháp luật.
Tòa hỏi về việc kiểm tra giám sát của chủ đầu tư đối với dự án ra sao, Sơn khai việc chuyển tiền được thực hiện làm 4 lần, mà nhận thấy công trình cần tiến độ nhanh, tiền được chuyển từ tài khoản này sang tài khoản kia của tập đoàn chứ không phải ra ngoài.
Tòa hỏi tiếp bị cáo Sơn về vai trò chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, Sơn nói ở đâu thì người đứng đầu có yếu tố quyết định.
Đối chất ngay tại tòa
Khai trước tòa, bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên trưởng ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khẳng định đã phát hiện ra hợp đồng 33 sai và báo cáo ông Phùng Đình Thực - nguyên tổng giám đốc PVN nhưng bị cáo Thực phủ nhận.
Khi trả lời HĐXX, bị cáo Phùng Đình Thực khẳng định chính bị cáo này đã cảnh cáo và gửi báo cáo về việc vi phạm pháp luật của hợp đồng 33. Cụ thể, trong việc chuyển tiền lần đầu tiên, chuyển vốn cho BQL dự án có công văn đề nghị chuyển tiền cho PV Power ngay trong ngày.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn ngay lập tức được tòa cho đối chất về việc ký công văn này. Theo đó, Sơn nói nếu hợp đồng đã triển khai, tập đoàn đã có nghị quyết chuyển tiền theo hợp đồng và gửi kèm công văn để công ty giám sát về tiền.
Ngay lúc ấy bị cáo Chương khẳng định hợp đồng không có điều khoản quy định về việc này. Bị cáo Sơn phản đối 2 ý kiến của bị cáo Chương, vì đã có hợp đồng thống nhất thực hiện theo hợp đồng.
Sơn nói rằng đã đàm phán và thống nhất rồi sẽ thực hiện. Bị cáo Chương phản bác lại bị cáo Sơn, Chương cho rằng công văn do Sơn ký không phù hợp với nghị định của Chính phủ.
Bởi trước đó PVC có công văn đề nghị PVN có ý kiến. Chương nói sau khi tiếp nhận công việc, Chương có ý kiến rằng phải kiểm tra rà soát lại và Chương phát hiện ra vi phạm trong hợp đồng 33, kể cả điều khoản tạm ứng tiền và báo cáo trực tiếp với bị cáo Phùng Đình Thực.
Ông Thực lên đối chất và khẳng định không có một lần nào bị cáo Chương báo cáo với Thực về sai phạm của hợp đồng 33. Ngay lúc đó, HĐXX hỏi tại sao lại có 2 công văn cùng số, cùng ngày, cùng do bị cáo Chương ký.
Bị cáo Chương nói 2 công văn một cái mang tính chất công việc, 1 công văn mang tính phản đối. Chương nói có thể do nhầm số công văn thôi. Chương nói, mình là cấp dưới nên phải nghe lệnh cấp trên.
Ký hợp đồng kiểu "thả gà ra đuổi"
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, cựu chủ tịch HĐTV PVN, cho biết thời điểm xảy ra những sai phạm trong vụ án ông được giao nhiệm vụ phó TGĐ tập đoàn phụ trách mảng tài chính kế toán của dự án.
Trả lời HĐXX, ông Khánh thừa nhận hợp đồng 33 chưa được HĐTV PV Power phê duyệt, nội dung không có các điều khoản chi tiết thực hiện, không có những điều khoản liên quan tới thanh toán, tạm ứng, hợp đồng này không có cơ sở để thực hiện cũng như không có cơ sở để được tạm ứng tiền.
Do PVPower chưa xin được tạm ứng vốn điều lệ nên chuyển đổi hợp đồng, chuyển chủ đầu tư về cho PVN. Hợp đồng 33 sau đó được ký lại thành hợp đồng 4194 nhưng cũng vẫn chưa đủ điều kiện. "Nhận thức hợp đồng chưa đầy đủ tại sao bị cáo vẫn ký" - HĐXX truy vấn.
"Sau khi PV Power ký, lúc đầu bị cáo có báo cáo đủ nhưng sau đó anh Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp yêu cầu rà soát ký lại hợp đồng này. Do chủ đầu tư đã chuyển về PVN nên bắt buộc phải chuyển đổi.
Buổi chủ trì rà soát lại hợp đồng 33 do ông Đinh La Thăng chủ trì và có chỉ đạo rà soát lại để ký hợp đồng với PVC trên tinh thần đó bị cáo rà soát lại", ông Khánh khai.
PVC nợ nần chồng chất
Đó là thực trạng của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) mà Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch HĐQT qua lời khai của các bị cáo tại phiên tòa.
HĐXX đã tập trung làm rõ hành vi sai phạm của bị cáo đối với việc ký hợp đồng EPC số 33 để xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cũng như việc sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỉ đồng.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh - nguyên phó Tổng giám đốc PVC khẳng định khi đó PVC nợ nần rất nhiều, phải đi vay tiền ngân hàng nhưng việc sáp nhập các doanh nghiệp thuộc sự quản lý của PVC có rất nhiều bất công.
Cụ thể, PVC nợ và phải trả lãi ngân hàng nhưng lại phải để cho các đơn vị trực thuộc vay với giá ưu đãi.
"Tình hình tài chính lúc đó tương đối trầm trọng, nợ nần rất nhiều. Do đó, khi tiền tạm ứng vừa về tài khoản, ngân hàng đã xiết nợ trên tài khoản rồi".
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến - phó tổng giám đốc PVC cũng khai về việc đầu tư tài chính khi đó cho thấy số tiền 1.115 tỉ đồng được tạm ứng ấy đã được mang trả nợ ngân hàng 700 tỉ đồng, khoản còn lại đầu tư và hỗ trợ phát triển các công trình của các đơn vị thành viên.
Bị cáo Tiến cho rằng bản thân mình khi làm không nghĩ rằng việc làm của mình sai, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết việc đó là sai.
Cũng liên quan đến số tiền tạm ứng này, bị cáo Trương Quốc Dũng - nguyên phó tổng giám đốc PVC, người ký sử dụng sai 40 tỉ đồng cho biết lúc ấy bị cáo còn trẻ nên làm sai. Dũng nói nhận trách nhiệm về việc ký sai này.
Rút 1.115 tỉ đồng tạm ứng dùng sai mục đích
Theo bản cáo trạng được đại diện Viện KSND TP Hà Nội công bố, ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT PVN - bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Cụ thể từ tháng 12-2007, ông Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT của PVC, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động.
Khi PVC lâm vào khó khăn, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu một số hạng mục tại dự án.
Từ việc ký kết các hợp đồng này, ông Thăng tiếp tục chỉ đạo PVN tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC. Sau đó, các bị cáo tại PVC đã làm khống hồ sơ để rút 1.115 tỉ đồng và sử dụng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỉ.
Bản cáo trạng cũng xác định sau khi nhận tiền tạm ứng hợp đồng, nhóm bị cáo tại PVC, trong đó có Trịnh Xuân Thanh đã rút ra 13 tỉ đồng để chi tiêu cá nhân. Bản thân Trịnh Xuân Thanh là người trực tiếp yêu cầu và chỉ đạo cấp dưới rút tiền cho mình để chi tiêu vào dịp tết.
Trong số tiền trên, Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỉ, Vũ Đức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC) 800 triệu, Nguyễn Anh Minh (nguyên phó tổng giám đốc PVC) 3,6 tỉ; Bùi Mạnh Hiển (nguyên chánh Văn phòng PVC) 400 triệu; Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) 757 triệu;
Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh (giám đốc các công ty bên ngoài) 1,9 tỉ (trong đó sử dụng 1,1 tỉ nộp thuế giá trị gia tăng).
Còn 1,5 tỉ thì Thanh, Thuận, Minh, Hiển sử dụng chung.
Cáo trạng truy tố 22 bị cáo
https://tuoitre.vn/doi-chat-loi-khai-nguyen-tong-giam-doc-pvn-ngay-tai-toa-20180108132052203.htm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.