Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/12/2017

Luôn đúng qui trình mọi nơi mọi lúc : từ Dương Chí Dũng (2007) đến Đinh La Thăng cùng em trai (2012, 2017)

Đúng qui trình. Có thể xem là từ khóa kể từ khoảng năm 2000 đến nay, tức khoảng gần 2 thập niên đầu thế kỉ XXI.

Trường hợp riêng của các ông Dương Chí Dũng và Đinh La Thăng, thì có một qui trình luôn đúng từ 2007, đến 2012. Rồi đến 2017. Trong suốt mười năm ấy, mọi thứ đều được nhận định là đúng qui trình.

Ở mọi nơi (mọi ngành, mọi cấp), hiện nay, đều rất đang đúng qui trình như vậy.

Dưới là video năm 2012, lúc ông Đinh La Thăng trả lời tại quốc hội về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng.

Video do BBC Việt ngữ vừa đưa lên:



Nguyên văn ghi chú của BBC Việt ngữ:

"
BBC Vietnamese
5時間前
Khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng từng nhận trách nhiệm về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào chức Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam.



“Với tư cách Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này. Đó là chưa thực sự sâu sát trong việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội trong thời điểm bổ nhiệm... chúng tôi xin được rút kinh nghiệm sâu sắc và kiểm điểm hết sức nghiêm túc," ông Thăng phát biểu trước Quốc hội vào ngày 14/06/2012.



Ông Dương Chí Dũng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị tuyên án tử hình về tội tham ô, 28 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong phiên xử sơ thẩm ngày 16/12/2013.

"
https://www.facebook.com/BBCVietnamese/videos/1874833805862686/








---

BỔ SUNG




.

8.

Khởi tố nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực

 - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định tố tụng đối với bị can Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN.
Theo cổng thông tin điện tử Bộ Công an, hôm nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định tố tụng đối với bị can Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự.
Qua điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam.
Ngày 19/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phùng Đình Thực, sinh ngày 12/5/1954, trú tại: Nhà số 6, N06A, Khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội; nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự, do những sai phạm của ông Thực trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. 
Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, hôm nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định tố tụng đối với bị can Phùng Đình Thực.
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/khoi-to-nguyen-tong-giam-doc-pvn-phung-dinh-thuc-418788.html




7. Thông tin của Cô gái Đồ long

"
Sau khi liên tục bắt hai anh em - cựu Bí Đinh La Thăng và Đinh Mạnh Thắng, chiều 9.12 hàng loạt báo đưa tin Bộ Công an ra quyết định tiếp tục khởi tố hai ông Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu, nguyên tổng giám đốc PVN. Gần như ngay sau đó các báo đã đính chính và xin lỗi. Đặc biệt là trang thông tin của Bộ Công An, đính chính xong gỡ rồi lại đưa lên ;v


Làng báo Việt Nam thật lâu rồi mới có chuyện vậy!

Những loại thông tin nhạy cảm này hầu như phải từ Ban Tuyên Giáo hay BCA đưa cho mới dám đăng. Có nhiều đáp án về vụ này: (1) Các báo copy nhau từ một nguồn sai. (2) Các phóng viên làm bài ẩu (3) Tin đúng nhưng tạm ngừng do việc bắt bớ liên tục khiến một số đối tác khai thác dầu khí tỏ ý bỏ cuộc, không muốn hợp tác nữa.

Thật ra hai ông Thực và Hậu có trách nhiệm rất lớn với những dự án thua lỗ của PVN. Tự đoán nhé!
---

Trong diễn biến khác, khi Bộ Công an khởi tố và bắt giam cựu Bí Thăng; có nhiều báo chơi đánh lận con đen khi đưa tin cựu Bí Thăng bị điều tra v/v (1) cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và (2) tham ô tài sản. 

Thực tế, cựu Bí Thăng bị cáo buộc về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước theo Điều 165 BLHS. Sao không thấy đính chính!?



"
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10208886742520538&set=a.1073608735149.10397.1674099665&type=3&theater




6.

Quy trình bắt ông Đinh La Thăng được thực hiện như thế nào?

09/12/2017 13:52 GMT+7

– Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng trong ngày 8-12. Quy trình này như thế nào?


Cụ thể, chiều 8-12 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 18 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để thảo luận về tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Quy trình thủ tục
Tại phiên họp, sau khi nghe viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đọc tờ trình, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, tiến hành biểu quyết với tỷ lệ nhất trí cao thông qua Nghị quyết "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV".
Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngay sau khi có quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam trên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã ký quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương.
Quyết định này nêu rõ: Đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, từ ngày 8-12-2017 theo Quyết định Khởi tố bị can số 522/C46 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Tối cùng ngày Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành khám xét nhà riêng của ông Thăng để thu thập các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra.
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố vì có những sai phạm trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch PVN giai đoạn 2009-2011.
Ông Đinh La Thăng được xác định có liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra.
PVN và 800 tỉ góp vốn vào OceanBank
Quy trình bắt ông Đinh La Thăng được thực hiện như thế nào? - Ảnh 2.
Một trong số đó là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank).
Trước đó Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận ông Thăng vi phạm quy chế làm việc khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại văn bản số 6934 ngày 18-9-2008 với Chủ tịch HĐQT OceanBank.
Nội dung văn bản thể hiện PVN tham gia góp vốn 20% trở lên, cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank, trước khi HĐQT PVN họp thống nhất nội dung trên.
Ông Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Theo tài liệu của cơ quan chức năng, đến thời điểm tháng 3-2014, PVN là một trong bốn cổ đông góp vốn lớn nhất vào OceanBank.
Cuối năm 2008, ông Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, đã ký thỏa thuận để trở thành cổ đông, đối tác chiến lược tham gia góp vốn 20% tại OceanBank.
Tổng số tiền mà PVN đã "đổ" vào OceanBank là 800 tỉ đồng đến nay không thể thu hồi.
Sai phạm trong dự án Nhiêt điện Thái Bình 2
Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, cơ quan điều tra xác định mặc dù mới chỉ có chủ trương giao Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện gói thầu EPC, chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho ban quản lý dự án để tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 52 tỉ đồng và 66.000 USD.
Năm 2011, Tập đoàn PVN ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. PVC được tạm ứng để thi công dự án này hơn 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD.
Ngay sau khi có tiền tạm ứng, PVC đem 1.080 tỉ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỉ đồng, thanh toán lãi vay ủy thác của PVN 55 tỉ đồng, hỗ trợ vốn Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỉ đồng, hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỉ đồng, hỗ trợ các công trình khác 156 tỉ đồng.
Ngoài ra, đem góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC MS 102 tỉ đồng, Công ty PVC-Land 50 tỉ đồng, Công ty PVC-Hòa Bình 55 tỉ đồng, Công ty PVNC 30 tỉ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỉ đồng.
Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC phải trích lập quỹ dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Tính đến 31-12-2013, PVC đầu tư vào PVC-Land hơn 203 tỉ đồng (trong đó có 50 tỉ đồng sử dụng từ nguồn vốn 1.080 tỉ). Từ năm 2011 - 2015 đơn vị này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.
Với công ty con PVC-Mekong, tính đến cuối năm 2013, tổng số tiền mà PVC đầu tư là hơn 153 tỉ đồng (trong đó có 30 tỉ đồng sử dụng từ nguồn tiền 1.080 tỉ đồng). Trong 3 năm (từ 2012 - 2015), công ty này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.
https://tuoitre.vn/quy-trinh-bat-ong-dinh-la-thang-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao-20171209131551247.htm




5.





Cán bộ xấu kéo lùi đất nước
10/12/2017 13:32 GMT+7

Hôm 8-12, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ. Và trong hai ngày qua, ông Đinh La Thăng - nguyên ủy viên Bộ Chính trị - cùng một số người liên quan ở PVN bị bắt.


Câu hỏi được dư luận đặt ra là vì sao có nhiều cán bộ sai phạm gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và tổn thất niềm tin trong xã hội như vậy?
Ông Thang Văn Phúc (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ): 

Phải cải cách công tác cán bộ

Thực tế đã có nhiều đợt chỉnh đốn Đảng, sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế, luật hóa các vấn đề công chức, viên chức nhà nước. 
Tính từ năm 1999 đến nay, đã có ít nhất 4 nghị quyết trung ương chuyên đề về tổ chức cán bộ, tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, hiện tại công tác cán bộ phải cập nhật theo kịp sự thay đổi của tình hình mới. Nếu cứ giữ mãi khuôn mẫu cũ, tư duy cũ thì không thể có được đội ngũ cán bộ như mong muốn, đáp ứng thời kỳ mới.
Cán bộ xấu kéo lùi đất nước - Ảnh 2.
Hậu quả của cơ chế cũ đã thấy rõ khi cả đến cán bộ cấp cao, ở vị trí ủy viên Bộ Chính trị cũng sai phạm, bị xử lý kỷ luật và nay đã bị khởi tố. Đây là lỗi của công tác cán bộ.
Việc xử lý như vậy là nghiêm khắc. Đã đến lúc phải cải cách công tác cán bộ, tạo được cơ chế tuyển lựa được đội ngũ thực tài, đặt ra tiêu chuẩn cụ thể cho từng vị trí. 
Từ đó, đối chiếu với đội ngũ hiện tại để thấy từng cán bộ có đáp ứng được yêu cầu không, có cần bồi dưỡng, thay đổi hay thậm chí phải đưa ra khỏi công vụ? 
Nếu làm nghiêm sẽ không có cửa cho người bất tài, không đáp ứng được công việc tồn tại hay leo lên những vị trí cao hơn. Nhưng vấn đề là ai sẽ làm những việc này, ai là người chịu trách nhiệm chính?
Sau nhiều chục năm làm công tác cán bộ, tôi đúc rút ra công tác cán bộ cần quy về hai đối tượng phải chịu trách nhiệm chính: một là lãnh đạo có thẩm quyền giao việc cho cán bộ, hai là cơ quan tổ chức nhân sự. Khi có lỗi về con người, phải đưa hai đối tượng này ra kiểm điểm.
Công tác cán bộ phải thực sự dân chủ, khách quan, minh bạch. Như vậy mới có thể kiểm soát được chặt chẽ. Phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chứ không phải việc gì cũng lôi tập thể ra làm lá chắn, hợp thức hóa sai phạm núp dưới cái bóng "đúng quy trình".
Những sai phạm của cán bộ vừa qua cho thấy không còn cách nào khác là phải xử lý để lấy lại lòng tin của xã hội.
Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn:

Cán bộ xấu kéo lùi đất nước

Thời gian vừa qua, báo chí, dư luận đã chỉ mặt, đặt tên rõ hiện tượng "cả họ làm quan" diễn ra ở tất cả các cấp, các ngành và nhiều địa phương.
Cán bộ xấu kéo lùi đất nước - Ảnh 3.
Nhân dân cũng đã từng thắc mắc "đúng quy trình" việc bổ nhiệm đề bạt ông Vũ Quang Hải, con trai bộ trưởng Bộ Công thương, hay vụ phó Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Minh Hoàng (25 tuổi), việc bổ nhiệm 60 cán bộ của Thanh tra Nhà nước và 19 cán bộ của Sở VH-TT&DL TP.HCM ở phút 89 trước khi lãnh đạo nghỉ hưu... 
Ai cũng bức xúc cực độ khi cán bộ thoái hóa, tiêu cực lại có thể leo cao, luồn sâu như ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh...
Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy công tác cán bộ của Đảng đang có "lỗ hổng" lớn.
Hệ thống đề bạt, bổ nhiệm của chúng ta theo một quy trình khá phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc nhưng tại sao để "con voi chui qua lỗ kim"? 
Hay là có trục trặc ở khâu nào? Quy trình có nặng tính hình thức không? Có thiếu tính khoa học và dân chủ? Sao mà người dân luôn được nghe quá nhiều điệp khúc "đúng quy trình"?
Quá nhiều câu hỏi đáng suy nghĩ. Trả lời những câu hỏi này dù nhức nhối nhưng không thể tránh né. Đấy thuộc bản lĩnh chính trị và trách nhiệm của hệ thống tổ chức.
Quy trình suy cho cùng cũng do con người đặt ra thì cũng chính con người nếu muốn có thể lách. Vả lại, sòng phẳng thì quy trình chẳng mấy khi sai, nhưng chính những người thực hiện quy trình ấy lại trí trá chứ không làm đúng.
Tại Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng "trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển, chạy khen thưởng...". 
Và trong Hội nghị trung ương 4, khóa XII, các đại biểu lại đánh giá bổ sung thêm: "Xuất hiện những biểu hiện tiêu cực mới, tinh vi, phức tạp hơn...".
Bộ Chính trị có kết luận số 24 về công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. 
Theo đó, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen... 
Không điều động về trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.
Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác nhân sự. 
Qua cách luân chuyển này, người có năng lực thực sự, có khát vọng cống hiến sẽ có dịp được tiếp cận cơ sở, hiểu hơn đời sống từ cơ sở và qua đó thử thách phẩm chất và năng lực điều hành của người lãnh đạo. 
Tuy nhiên nếu làm không chuẩn sẽ bị lợi dụng chạy luân chuyển để "xóa dấu vết". Nó chẳng khác như chuyện rửa tiền, hô biến những đồng tiền bẩn do tham nhũng, hối lộ thành tiền sạch, chính đáng.
Người dân đang kỳ vọng lãnh đạo Đảng thực sự cầu thị, dân chủ, không hình thức, có cơ chế giám sát hiệu quả trong công tác cán bộ. Công tác cán bộ bị hổng thì hệ quả không chỉ là tham nhũng, tiêu cực, phát triển đất nước bị kéo lùi. 
Điều làm cho Đảng vĩ đại không phải là không mắc sai lầm, khuyết điểm, mà là cần dũng cảm nhận, tích cực tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Cán bộ xấu kéo lùi đất nước - Ảnh 4.
Đồ họa: TRANG TRẦN

Bằng mọi giá "bảo vệ phe ta"

Rất nhiều điển hình cho thấy công tác cán bộ còn nhiều yếu kém từ các khâu tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm, đánh giá, đề bạt chưa thật sự công khai, dân chủ, đối phó, nể nang, lợi ích nhóm...
Cho nên một ai đó đã lọt vào "mắt xanh" của lãnh đạo cấp cao thì bằng mọi giá tổ chức có nhiệm vụ "bảo vệ phe ta", đặt lên đường ray đẩy đến đích, bất chấp dư luận.
https://tuoitre.vn/can-bo-xau-keo-lui-dat-nuoc-2017121010583931.htm





4.

Đính chính thông tin khởi tố 2 nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí VN

- VietNamNet đính chính và thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc về thông tin khởi tố 2 nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ.
Chiều 9/12, báo điện tử VietNamNet đưa tin Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ.
VietNamNet xin đính chính thông tin trên như sau: Việc khởi tố bị can đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ là không chính xác.
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dinh-chinh-thong-tin-khoi-to-2-nguyen-lanh-dao-tap-doan-dau-khi-vn-415850.html





3.

Khởi tố 2 nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu

- Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Phùng Đình Thực và cựu Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu về tội cố ý làm trái, tham ô tài sản.
Chiều nay, mở rộng điều tra vụ án cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Cơ quan An ninh điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phùng Đình Thực, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc PVN và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Đỗ Văn Hậu, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN.
Đinh La Thăng,Ông Đinh La Thăng,Bắt Đinh La Thăng,Đinh La Thăng bị khởi tố,Đinh La Thăng bị bắt,Dinh La Thang,Phùng Đình Thực,Đỗ Văn Hậu,Tập đoàn dầu khí,PVN,PVC
Ông Phùng Đình Thực
Quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam được Bộ Công an thực hiện một ngày sau khi bắt giam ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và 2 người khác gồm Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí và Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Thăng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà.
Ông Phùng Đình Thực là tiến sĩ khoa học, giữ chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2009. Năm 2011, ông Thực được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn. Tháng 9/2011, ông Phùng Đình Thực là Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN. Cùng thời điểm này, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dầu khí Đỗ Văn Hậu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn PVN.
Tại kỳ họp thứ 14, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Phùng Đình Thực, cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Đỗ Văn Hậu.
Ông Phùng Đình Thực, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ năm 2008 - 2010 và Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV từ tháng 9/2011 - 7/2014 chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong giai đoạn 2011 - 2014; có trách nhiệm trong việc ban hành nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng uỷ và nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của HĐTV, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công thương; không chỉ đạo xem xét vi phạm của Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng Giám đốc Oceanbank; chịu trách nhiệm cùng Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV khi làm quy trình đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sơn từ Phó Tổng Giám đốc lên Chủ tịch HĐTV và Bí thư Đảng ủy Tập đoàn năm 2014. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Đinh La Thăng,Ông Đinh La Thăng,Bắt Đinh La Thăng,Đinh La Thăng bị khởi tố,Đinh La Thăng bị bắt,Dinh La Thang,Phùng Đình Thực,Đỗ Văn Hậu,Tập đoàn dầu khí,PVN,PVC
Ông Đỗ Văn Hậu
Ông Đỗ Văn Hậu, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc PVN từ tháng 11/2011 - 10/2014 cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong thời gian nêu trên. Có trách nhiệm trong việc ban hành nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng uỷ và nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của HĐTV, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét có nội dung không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy khi chuyển công tác; có trách nhiệm trong việc đề nghị bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sơn như đã nêu trên. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.
Thành Nam
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/khoi-to-2-nguyen-tong-giam-doc-tap-doan-dau-khi-vn-phung-dinh-thuc-va-do-van-hau-415850.html






2. Tờ Quân đội Nhân dân đã lên bài mới




 09/12/2017 01:12


Niềm tin vào kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước


QĐND - Thông tin ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, cho thôi chức Đại biểu Quốc hội và bị khởi tố, bắt tạm giam ngày hôm qua (8-12) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, đã bày tỏ hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ quyết định công minh của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời khẳng định niềm tin vào công lý của chế độ ta.




Thật ra không phải bây giờ, mà trước đó Đảng ta đã từng kỷ luật 3 cán bộ là Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, một cá nhân từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố, bắt tạm giam. Việc ông Thăng bị khởi tố hình sự thêm một lần chứng minh, khẳng định ý chí quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, mang lại niềm tin cho nhân dân.
Kể từ sau Đại hội Đảng XII (tháng 1-2016) đến nay, Đảng ta đã kỷ luật không dưới 20 cán bộ cao cấp từ mức khiển trách trở lên. Đó là những cán bộ lãnh đạo đương chức ở các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Hậu Giang và cán bộ lãnh đạo các bộ: Công Thương, Nội vụ và lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam. Không những vậy, một số cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật do những sai phạm trong thời gian đương chức như nguyên lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hậu Giang, Bình Định, Gia Lai, Hải Phòng và nguyên lãnh đạo: Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ngoài ra, hàng loạt cán bộ đương chức hay từng giữ chức vụ chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc của một số tập đoàn kinh tế lớn cũng bị xử lý kỷ luật, có người đã bị khởi tố hình sự.
Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Đinh La Thăng tại khu đô thị Sudico (đường Phạm Hùng, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm), tối 8-12. Ảnh: TTXVN. 
Từ những việc nêu trên, có thể khẳng định rằng, những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đang được tiến hành khẩn trương, quyết liệt, với lộ trình, bước đi thích hợp và cách làm bài bản, thận trọng. Từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Đảng ta trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai trên diện rộng và có trọng tâm, trọng điểm, bước đầu thu được những kết quả rất quan trọng. Nhiều vụ án lớn về kinh tế, ngân hàng tưởng như bị lãng quên, nhưng đã được điều tra, khởi tố và xét xử công khai, công bằng, khách quan, được dư luận ghi nhận. Một trong những điểm đáng nói nhất trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng lần này là chỉ đạo không có vùng cấm, không bị bất cứ sức ép và sự can thiệp nào. Điều đó càng chứng tỏ tinh thần “thép” và bản lĩnh vững vàng của Đảng ta trong thực hiện nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm như phòng, chống tham nhũng.
Điều đáng nói hơn, có ý nghĩa hơn là mỗi bước chuyển biến trong phòng, chống “quốc nạn” tham nhũng là một lần nhân lên niềm tin trong nhân dân đối với Đảng ta và chế độ ta. Cách đây 23 năm, tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta đã nhận định, tham nhũng là một trong bốn nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do vậy, khi “vòi bạch tuộc” tham nhũng dần bị cắt bỏ, những “ung nhọt” làm mọt ruỗng bộ máy Đảng, Nhà nước cũng sẽ mất đi và “cơ thể” của Đảng, Nhà nước sẽ trở nên khỏe khoắn, lành mạnh hơn.
Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Đó là phương châm nhất quán trong chính sách khen thưởng, kỷ luật của Đảng và Nhà nước. “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. Đó là khoản đầu tiên về nguyên tắc xử lý kỷ luật đã được Bộ Chính trị nêu ra tại “Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” vừa mới ban hành. Nguyên tắc xử lý kỷ luật này không chỉ là lời cảnh tỉnh, cảnh báo đối với những đảng viên có biểu hiện “nhúng chàm” phải sớm tự giác gột rửa, “cải tà quy chính” để tránh rơi vào vòng lao lý; mà còn khẳng định Đảng ta tiếp tục đề cao kỷ cương, tăng cường kỷ luật, siết chặt đội ngũ và sẽ không tha thứ cho bất cứ đảng viên nào cố tình sai phạm, nhất là sa ngã vào con đường thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, gây tác động tiêu cực đến công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. 
Là “con nòi” của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, trong tiến trình lịch sử hơn 87 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, mỗi quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng đều có tác động tích cực đến niềm tin của nhân dân. Từ niềm tin đó, sức mạnh của nhân dân sẽ đủ sức “dời non lấp biển”, sát cánh, đồng lòng với Đảng trên con đường hướng tới những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp mà Đảng đã đề ra. Bằng việc kiên quyết “nói không” với tham nhũng; xử lý kịp thời, thích đáng đối với tất cả các trường hợp cán bộ các cấp sai phạm, Đảng ta đã và đang thể hiện tinh thần của “một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” như Bác Hồ mong muốn.
Qua sự việc này, chúng ta cũng cần bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá khách quan đại đa số cán bộ, đảng viên ta nói chung, đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng, vẫn hăng say miệt mài lao động, đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những việc làm vì dân, vì nước đó vẫn là dòng chủ lưu xuyên suốt trong đời sống xã hội, là ánh sáng soi đường, xua tan hành vi mờ ám, khuất tất của những "con sâu làm rầu nồi canh". Đó cũng là cơ sở để chúng ta nêu cao và phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
THIỆN VĂN

http://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/niem-tin-vao-ky-luat-cua-dang-phap-luat-cua-nha-nuoc-525866




1. Bắt tạm giam em trai ông Thăng




Bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng
09/12/2017 10:49 GMT+7

TTO - Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, để điều tra về hành vi tham ô tài sản.

Bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng - Ảnh 1.
Ông Đinh Mạnh Thắng phát biểu tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng ba của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà
Ngày 9-12, xác nhận với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, để điều tra về vi tham ô tài sản.
Ông Thắng là em ruột ông Đinh La Thăng.
"Theo kết quả điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định ông Thắng có sai phạm liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam", lãnh đạo Bộ Công an nói.
Ông Đinh Mạnh Thắng sinh năm 1962, có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh và là kỹ sư xây dựng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà.
Ông Đinh Mạnh Thắng làm bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và vận tải Sông Đà, nay là Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà từ tháng 5-2006. 
Tháng 4-2017, tại đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, ông Đinh Mạnh Thắng được miễn nhiệm thôi giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị để trở thành thành viên hội đồng quản trị vì lý do cá nhân.
Trước đó, từ tháng 1-2004 đến tháng 4-2006, ông Thắng làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và vận tải Sông Đà. Từ năm 2001-2003, ông Thắng làm tổng giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 12.6.
Cũng trong ngày 8-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật hình sự. 
Tối cùng ngày cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh khám xét nhà của ông Thăng. Các quyết định và lệnh này đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Đồng thời Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và lệnh khám xét ông Nguyễn Quốc Khánh, 57 tuổi, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên tổng giám đốc PVN, để điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Bộ Công an, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Thăng và ông Khánh được thực hiện trong quá trình cơ quan điều tra mở rộng vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại PVN, gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank và vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

https://tuoitre.vn/bat-tam-giam-ong-dinh-manh-thang-em-trai-ong-dinh-la-thang-20171209104906051.htm

2 nhận xét:

  1. Bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng

    Ngày 9-12, xác nhận với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, để điều tra về vi tham ô tài sản.

    Trả lờiXóa
  2. Tờ Quân đội Nhân dân đã lên bài mới

    09/12/2017 01:12

    Niềm tin vào kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước

    QĐND - Thông tin ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, cho thôi chức Đại biểu Quốc hội và bị khởi tố, bắt tạm giam ngày hôm qua (8-12) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, đã bày tỏ hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ quyết định công minh của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời khẳng định niềm tin vào công lý của chế độ ta.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.