những thuyền buồm mang theo dấu đỏ
đến rồi đi
để lại một cây cầu
vài hàng bia mộ
gió đem thời gian chia mùa
và giam chân chú/trú khách
mang những người đàn bà
ra khơi
cùng những mảnh gương in hình những con cá diếc
Chi tiết thì đọc lại ở đây (bài của bác Trương Văn Tân 2008), hoặc ở đây (nhân triển lãm Đại Việt Nam 2013).
Ảnh chụp tháng 1 năm 2017, của LHH, xem đầy đủ ở đây |
Dưới là một bài báo tiếng Việt. Tháng 11 năm 2017.
---
07/11/2017 19:23
Công nữ Ngọc Hoa được xem là người Việt đầu tiên lấy chồng người Nhật, thậm chí người Nhật còn khẳng định bà là người nước ngoài đầu tiên kết hôn với người Nhật và đến nước Nhật.
Năm 2014, Hội An chính thức đặt tên công nữ Ngọc Hoa cho con đường ngắn đi từ quảng trường sông Hoài, dọc theo bờ sông phía Bắc tới chùa Cầu. Dù là con đường nhỏ nhưng tên của một vị công nữ rất lạ như vậy khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, tự hỏi Ngọc Hoa là ai mà lại được đặt tên đường.
Một câu chuyện tình đẹp
Thật ra Ngọc Hoa không có công trạng đặc biệt gì và rất ít người biết đến. Bà được đề nghị đặt tên đường để thể hiện cho tình hữu nghị bang giao Việt- Nhật, vì đây là một mối lương duyên đặc biệt.
Đầu thế kỷ 17, trong số thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Hội An có một thương gia người Nhật tên Araki Sotaro. Ông vốn là một samurai (võ sĩ đạo) rồi sau chuyển qua nghề buôn. Lúc này Nhật Bản bắt đầu mở cửa cho phép thương buôn ra nước ngoài, ông dẫn đầu các thương gia Nhật đến Việt Nam buôn bán. Ông được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tin cậy, cho đặt họ theo chúa, tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang. Rồi tại Huế, năm 1619, ông gặp công nữ Ngọc Hoa, một người con gái đẹp, là con gái của chúa Sãi. Tình cảm hai bên mặn nồng, Araki được chúa Sãi gả con gái cho. Năm 1620, ông đưa vợ về Nhật. Tại quê nhà Nagasaki, bà được mọi người chào đón vì vẻ xinh đẹp kiều diễm, tính tình hiền hòa dễ thương. Tên của bà được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt “anh ơi, anh ơi” nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san, từ “Anio” phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng. Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương cũng đều được gọi là Anio-san.
Khi về nước, ông Araki đã gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui - Machi ở Nagasaki. Công nữ Ngọc Hoa cũng tham gia giúp chồng quản lý công việc. 15 năm sau, ông Araki mất, Ngọc Hoa vẫn tiếp tục làm công việc sổ sách kế toán ở cơ sở kinh doanh của chồng. Bà cũng đã làm hết sức để hỗ trợ cho các thương nhân tại vùng Nagasaki, chủ yếu ở việc thúc đẩy mối quan hệ buôn bán với triều đình nhà Nguyễn. Vai trò của công nữ Ngọc Hoa quan trọng đến mức sau thời điểm 1645, khi bà mất, việc giao thương buôn bán giữa hai quốc gia đã bị gián đoạn suốt một thời gian rất dài mới được nối lại.
Không hiểu ngẫu nhiên làm sao, ngày công nữ Ngọc Hoa, tức quý bà Wukaku hay Anio-san, cũng là Phật tử Diệu Tâm qua đời, cũng cùng ngày và cùng tháng với chồng. Phải chăng họ quyến luyến với nhau đến nỗi cũng chọn cả ngày tháng giống nhau để mất, để ngày giỗ cũng là giỗ chung?
Ngọc Hoa cùng chồng được tái hiện trong lễ hội Kunchi. Ảnh: INTERNET
Ngọc Hoa có phải là con chúa Sãi?
Những thông tin về việc công nữ Ngọc Hoa là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gây bất ngờ cho nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học bởi không có tài liệu nào ghi lại điều này. Ngay cả bộ sách Nguyễn Phúc tộc thế phả(NXB Thuận Hóa, 1995) do hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn và cho ấn hành cũng không có thông tin gì. Trong gia phả của dòng họ Nguyễn Phúc, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên có 11 người con trai và bốn người con gái. Cả bốn người con gái đều ghi lại cụ thể từng người như sau:
- Công nữ Ngọc Liên (con gái Hiếu Văn hoàng hậu Mạc Thị Giai), được gả cho phó tướng Nguyễn Phúc Vinh.
- Công nữ Ngọc Vạn (con gái Hiếu Văn hoàng hậu) được gả cho vua Chân Lạp Chay Cheta II.
- Công nữ Ngọc Khoa (con gái Hiếu Văn hoàng hậu) được gả cho vua Chiêm Thành Po Ro Me.
- Công nữ cùng tên Ngọc Liên (không rõ mẹ là ai) được gả cho Nghĩa Quận công Nguyễn Cửu Kiều.
Ngoài bốn người con gái, gia phả không hề ghi nhận chúa Sãi có thêm người con gái nào nữa.
Vậy công nữ Ngọc Hoa là ai, có phải con chúa Sãi hay không? Có thông tin cho rằng đây là sự nhầm lẫn về tên họ, công nữ Ngọc Hoa chính là công nữ Ngọc Khoa. Nhưng Ngọc Khoa đã được gả cho vua Chiêm Po Ro Me vào năm 1631, trong khi Ngọc Hoa đã được gả cho thương gia Araki vào năm 1620, tức là cùng thời gian gả Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp. Từ đây suy ra Ngọc Hoa phải lớn hơn Ngọc Khoa ít nhất cả chục tuổi và xấp xỉ tuổi với Ngọc Vạn.
Vậy vì sao một người con gái của chúa Sãi sinh cùng thời với những công nữ khác lại không hề được nhắc đến trong sử sách cũng như gia phả dòng họ Nguyễn Phúc? Phải chăng ông Araki đã bịa với người Nhật rằng vợ của ông là con vua để đề cao vợ cũng như bản thân? Bí ẩn từ từ được hé mở khi người ta tìm thấy những thông tin khác, ví dụ như ở tập san Đô thành hiếu cổcủa người Pháp xuất bản vào năm 1920 có nhắc đến những người Nhật đầu tiên ở Đông Dương, trong đó có đoạn: “Trong số chủ tàu buôn Nhật Bản giao thương với Đông Dương vào thế kỷ 17, đặc biệt ghi nhận hai người trong số họ đã buôn bán với An Nam là Araki Sotaro và Shichirôbei Eikechi.
Vào năm 1620, Araki kết hôn với một tiểu thư thuộc hoàng gia…”.
Nếu theo tài liệu này, công nữ Ngọc Hoa là một tiểu thư con của hoàng thân quốc thích nào đó chứ không phải con chúa.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguồn thông tin khác tại chính nước Nhật. Ngay trước cổng nghĩa trang TP Nagasaki, chính quyền Nhật đã dựng một tấm bảng lớn ghi tiểu sử ông Araki Sotaro và vợ, trong đó có đoạn ghi: “Vương Gia Cửu, một người con gái bà con bên ngoại của quốc vương An Nam”. Còn trong tài liệu của Hội hữu nghị Nagasaki-Việt Nam, dựa trên nghiên cứu của GS Iwao Seiichi ghi nhận: “Năm 1619 tại nơi mà hiện nay gọi là Huế, ông (Araki) gặp gỡ với một người con gái đẹp thuộc dòng bên ngoại được vua An Nam nhận làm con nuôi và kết hôn với cô ta… Ông là người Nhật đầu tiên kết hôn với người nước ngoài và trở về Nhật với một công nữ con vua, cho dù chỉ là con nuôi...”.
Như vậy mọi sự đã sáng tỏ, công nữ Ngọc Hoa là bà con bên ngoại của chúa Sãi là dòng họ Mạc, tức bản thân trước đó cũng thuộc dòng dõi của vua chúa. Bà đã được chúa Sãi yêu quý nhận làm con nuôi rồi sau đó gả cho Araki. Người Nhật buôn bán tại Hội An nên họ xem chúa Sãi là vua An Nam.
Những dấu tích còn lại
Là một người vợ xinh đẹp, thủy chung, có đủ công, dung, ngôn, hạnh, lại thường xuyên đứng ra giúp đỡ cho dân bản địa trong việc buôn bán với Việt Nam nên Ngọc Hoa được người dân Nhật yêu quý và ngưỡng mộ. Hiện Bảo tàng Nagasaki còn lưu giữ chiếc gương bà vẫn thường sử dụng. Có người cho rằng người dân Nagasaki ảnh hưởng văn hóa Việt Nam do chính Ngọc Hoa đã truyền lại cho họ, ví dụ như người dân ở đây thường ăn trên bàn tròn trải vải đỏ, trong khi truyền thống Nhật ăn trên bàn chữ nhật màu nâu. Người Nhật thường ăn uống theo khẩu phần riêng mỗi bữa ăn, mỗi người một khay nhỏ với nhiều đĩa thức ăn nhỏ, trong khi dân ở đây thường bày thức ăn trong đĩa lớn để mọi người cùng gắp ăn chung như người Việt.
Hằng năm, ở Nagasaki có nhiều lễ hội tôn vinh sự giao thương của người Nhật với nước ngoài, lễ hội Kunchi diễn ra từ ngày 7 đến 9-10 hằng năm có phục dựng lại mối tình đẹp của Araki Sotaro với Ngọc Hoa. Tại lễ hội người ta tạo hình một chiếc thuyền buôn với bé trai đóng vai Araki và bé gái đóng vai Ngọc Hoa, bé trai mặc trang phục truyền thống Yukata, còn bé gái mặc áo dài Việt Nam, con thuyền vượt trùng khơi rồi trở về với một cặp uyên ương. Chị Tuyết Mai, một Việt kiều Nhật, cho biết chị thường tới dự lễ hội này hằng năm, cứ mỗi năm là chiếc thuyền buôn của Araki lại được đóng mới, trang trí với hình thức khác và chiếc áo dài của bé gái đóng vai Ngọc Hoa cũng được thay đổi, rất đẹp và lộng lẫy. Giữa lòng nước Nhật nhìn bóng dáng tà áo dài Việt Nam bay phất phới, những người Việt Nam có mặt ở lễ hội đều không khỏi bồi hồi xúc động.
Theo PHẠM TRƯỜNG GIANG (Pháp luật TP HCM)
http://nld.com.vn/hay-doc-la/ly-ky-chuyen-nang-dau-viet-dau-tien-cua-nuoc-nhat-20171107190434478.htm
---
BỔ SUNG
1. Chép ngày 18/6/2021
Từ Fb Trần Đức Anh Sơn
1. Ở Hội An có một con đường mang tên Công Nữ Ngọc Hoa. Tên này mới được đặt gần đây.
Công Nữ Ngọc Hoa là một nhân vật chưa được xác minh lai lịch, nhưng lại là một nhân vật có thật trong lịch sử. Bà là người đã kết hôn với hào thương người Nhật tên là Araki Shotaro (荒木宗太郎) vào năm 1619, sau đó theo chồng về Nhật vào năm 1620, định cư ở Nagasaki, mất năm 1645.
Trong các thư tịch cổ của Nhật Bản, tên của bà được ghi là: Wakaku (王加久), Wakakutome (王加久戸売), thường được gọi thân mật là Anio-san (アニオーさん) hay Anio-hime (アニオー姬).
Một vài nhà khảo cứu người Việt như: Trần Gia Phụng, Nguyễn Văn Xuân, Thân Trọng Thủy… trong một số bài viết đăng trên internet và trong các tập san ở trong và ngoài nước, viết rằng bà tên là Ngọc Hoa, là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635).
Tuy nhiên, theo sách NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc biên soạn và xuất bản ở Huế năm 1995, thì chúa Sãi chỉ có 4 công chúa, đó là:
- Ngọc Liên công chúa (trưởng nữ): Kết hôn với Nguyễn Phúc Vinh, con trưởng của Mạc Cảnh Huống, phó tướng, trấn thủ Trấn Biên, về sau đổi là Nguyễn Hữu Vinh
- Ngọc Vạn công chúa (thứ nữ): Năm Canh Thân (1620), bà được chúa Sãi gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II.
- Ngọc Khoa công chúa (thứ nữ): Năm Tân Mùi (1631), bà được chúa Sãi gả cho vua Chiêm Thành là Porome.
- Ngọc Đỉnh công chúa (út nữ): Kết hôn với Nguyễn Cửu Kiều (Nghĩa Quận công), con của Quảng Quận công Nguyễn Quảng, mất năm Giáp Tý (1684).
NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ không ghi nhận người con gái nào khác của chúa Sãi có tên là Ngọc Hoa, được gả cho hào thương Araki Sotaro cả.
2. Trong hai năm 2013 - 2014, tôi và TS. Phan Hải Linh (Trường Đại học KHXH và NV, Đại học QG Hà Nội), có làm chung một đề tài nghiên cứu về “Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII”, do Sumitomo Foundation tài trợ.
Chúng tôi đã tới Nhật nhiều lần, vào nhiều văn khố, thư viện, bảo tàng… ở Tokyo, Osaka, Sakai, Kyoto, Nagasaki, Matsusaka, Nagoya, Arita, Okinawa… để sưu tầm tư liệu và khảo cứu những vấn đề có liên quan đến chủ đề nghiên cứu, trong đó có việc tìm hiểu lai lịch của người phụ nữ này.
Chúng tôi đã tìm thấy một số thư tịch có ghi chép về bà, tiếp cận với những hiện vật do bà mang từ Việt Nam sang, hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Nagasaki, tham dự lễ hội Okunchi ở Nagasaki (từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10 hàng năm), trong đó có đám rước do hai em bé đóng vai Sotaro và Wakaku đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn, để tôn vinh bà và hào thương Araki Sotaro.
Tuy nhiên tài liệu về bà ở Việt Nam gần như bằng không? Tất cả chỉ là chuyện kể dân gian, truyền miệng.
Vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi Hội An đặt tên Ngọc Hoa Công Chúa cho một đường phố khi chưa ai làm rõ lai lịch của bà.
May quá, bài viết dưới đây của TS. Võ Vinh Quang (ở Huế) vừa in trên tạp chí Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng (số 124. Tháng 4/2020), đã cung cấp những kiến giải mới, có thể làm sáng tỏ về người cha của bà (không phải là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, mà là Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ, trấn thủ Quảng Nam) và hé lộ lai lịch của bà. Tuy nhiên, cái tên Công Nữ Ngọc Hoa vẫn chưa được làm rõ là do đâu mà có.
3. Nghiên cứu lịch sử và hiểu được lịch sử là rất khó, không nên hời hợt, ba lơn, và đặc biệt là không nên diễn đạt lịch sử vì một mục đích nào đó, dù là để phục vụ những ý tưởng có vẻ là tốt đẹp.
NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Đà thành, Quảng Nam quốc)
*****
Mời bà con đọc bài khảo cứu dưới đây của TS. Võ Vinh Quang.
Lưu ý: Bài rất dài, lại có nhiều chữ Hán. Ai sợ dài thì đừng đọc, ai ghét chữ Hán thì cũng đừng đọc, kẻo rồi lại comment “dài quá”, hay “tôi không thích chữ Tàu”... Rất là vớ vẩn.
TRẤN THỦ QUẢNG NAM NGUYỄN PHÚC KỲ VỚI BỨC QUỐC THƯ BAN QUỐC TÍNH CHO HÀO THƯƠNG ARAKI SOTARO
TS. VÕ VINH QUANG
1. Dẫn đề
Trong lịch sử quan hệ bang giao Việt - Nhật, vào thời kỳ Châu Ấn thuyền (Shuinshen, 1592 - 1635), bên cạnh sự thúc đẩy thông thương trao đổi, giao thiệp khăng khít giữa Đại Việt với Nhật Bản, có một sự kiện khá đặc biệt đã góp thêm phần thiết chặt mối thâm tình khăng khít của đất nước Mặt Trời Mọc với Đàng Trong, đó là việc giới chức Nam Hà ban quốc tính (họ Nguyễn) cho hào thương Araki Sotaro là Nguyễn Thái Lương 阮太良. Sau đó, hào thương này được kết duyên cùng một công nữ trong gia tộc chúa Nguyễn.
Tiếc rằng, về phía Việt Nam, các cứ liệu gốc của Nội cung triều Chúa Nguyễn về lịch sử xã hội, con người… ở Nam Hà từ 1558 đến 1775 gần như không còn; nhất là nguồn văn bản gốc của các bức quốc thư bang giao giữa Đàng Trong - Nhật Bản các thế kỷ XVI - XVII.
Câu chuyện không còn gì thuộc về tư liệu cung đình thời Chúa Nguyễn bắt nguồn từ sau sự biến cuối tháng chạp năm Giáp Ngọ (1774), Đô thành Phú Xuân thất thủ, “Chúa [Nguyễn Phúc Thuần] sai Tham mưu Trung dinh là Tống Phước Đạm đem hết số quân còn lại ra cửa bắc chống giữ và sai các đội trưởng Tả thủy, Trung thủy, Tiền thủy là Nguyễn Cốc, Vũ Di Nguy, Trương Phước Dĩnh chỉnh bị thuyền ghe để đợi. Sai hoàng tôn là Dương (con thế tử Hiệu) đi trước qua cửa Hải Vân. Ngày Mậu thân, chúa đi Quảng Nam, thuyền qua cửa Tư Dung. Hoàng Ngũ Phúc bèn chiếm giữ Thuận Hóa”.1
Khi dong thuyền vượt biển, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng quan quân chỉ đem theo một số vật dụng thiết yếu, cùng bửu tỷ truyền quốc “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” đúc từ triều Minh vương Nguyễn Phúc Chu (bửu tỷ này dùng để hiệu triệu quân dân, dốc lòng tìm đường khôi phục cơ đồ), chứ khó có thể đem nhiều vật dụng, giấy tờ văn bản tư liệu… ở Đô thành Phú Xuân đi theo được.
Từ sau sự biến Giáp Ngọ (1774) trở đi, nguồn tư liệu chính thống của các triều Chúa Nguyễn (1558 - 1775) ghi chép từ thời Tiên chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp đất Nam Hà cho đến 10 năm đầu đời Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1774) đến nay gần như đã mất mát hoặc thất tán chưa tìm thấy. Mặc dù, các vua triều Nguyễn về sau đã nhiều lần sai người tìm kiếm thu thập, nhưng không thể tìm ra.
Đấy chính là nguyên nhân cốt yếu khiến cho các thông tin chính sử của triều đình Đàng Trong thời các Chúa Nguyễn được ghi chép sau này, cho đến quốc sử như Đại Nam thực lục, vẫn có nhiều vấn đề chưa thực sự chuẩn xác. Vả chăng, các thông tin từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn vốn được coi là nguồn tư liệu cơ bản nhất về Đàng Trong trong hơn 200 năm (1558 - 1775), nhưng một mặt vẫn có phần sai nhầm, một mặt do kết cấu và phạm vi giới hạn của sách, nên khó đảm bảo chuyển tải đầy đủ mọi vấn đề, như chuyện quốc thư, bang giao ở Đàng Trong với các quốc gia, vùng lãnh thổ (Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…)
Về phía Nhật Bản, xứ Mặt Trời Mọc xưa nay vẫn gìn giữ và lưu truyền câu chuyện về quan hệ bang giao Việt - Nhật, và nhất là tình nghĩa thông gia giữa hào thương Araki Sotaro ở cảng Nagasaki với người con gái Hoàng tộc nhà Nguyễn. Thậm chí, họ luôn ghi nhớ và tổ chức những nghi thức lễ tiết liên quan đến cuộc hôn phối độc đáo, đặc biệt này, xem đó là một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc thắm tình bang giao Nhật - Việt, và là đặc trưng riêng có của xứ cảng Nagasaki.
Tuy nhiên, từ khi người công nữ dòng dõi Chúa Nguyễn đó được rước đón trở về Nagasaki - quê hương của Araki Sotaro [Hoang Mộc Tông Thái Lang 荒木宗太郎, あらきそうたろう] – đến nay, người dân sở tại và sách vở thư tịch ở Nhật Bản vẫn chỉ gọi tên nàng là Wakaku (Vương Gia Cửu 王加久, わかく), Wakakutome (Vương Gia Cửu Hộ Mại; 王加久戸売; わかくとめ) và tên thân mật là Anio-san (アニオーさん), Anio-hime (アニオー姬) chứ chưa thể khẳng định rõ tên tiếng Việt của nàng là gì, là con gái vị nào trong hoàng tộc Nguyễn Phước.
Cái tên Ngọc Hoa xuất hiện vài năm trở lại đây (được Hội An chọn là tên chính thức, và đã đặt tên cho một con đường ở khu vực Quảng trường sông Hoài vào năm 20142 là từ một số bài viết dạng du ký, dã sử. Trong đó, đáng chú ý là bài của tác giả Thân Trọng Thủy: “Công nữ Ngọc Hoa, nàng là ai”.3
Đặc điểm nhận thấy rõ của bài viết này vẫn là những suy đoán và lập luận chủ quan của tác giả, chứ chưa có cứ liệu chính xác để khẳng định vấn đề cần nghiên cứu, nhất là chuyện: nàng Ngọc Hoa [theo cách các tác giả trên gọi] là con nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, đều là giả định cá nhân và thiếu căn cứ.
Trong khoảng 10 năm qua, mối bang giao Việt - Nhật trong lịch sử, nhất là ở các thế kỷ XVI - XVII, thông qua hệ thống các bức quốc thư Nhật - Việt được chúng tôi quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu đối chiếu khá nhiều. Qua đó, cũng đã công bố nhiều bài viết liên quan đến hệ thống quốc thư này trong các Hội thảo, Tạp chí lớn nhỏ.
Một trong những điều làm chúng tôi trăn trở chính là thực chất mối quan hệ giữa Araki Sotaro (荒木宗太郎Hoang Mộc Tông Thái Lang) và Vương triều Nguyễn ở Đàng Trong thể hiện ra sao? Ai là người viết quốc thư ban quốc tính để gả con gái cho Araki Sotaro, hay nói cách khác: ông là con rể của vị nào trong gia tộc chúa Nguyễn!?.
Với các cứ liệu liên quan đã thu thập và xử lý, bài viết dưới đây xin cung cấp bản dịch về bức An Nam quốc thư ban quốc tính cho Araki Sotaro cùng các nhận định xung quanh vấn đề này.
2. Giới thiệu, phiên dịch bức quốc thư
Bức quốc thư ban quốc tính cho Araki Sotaro là nguồn tư liệu quan trọng, góp phần thể hiện nhiều giá trị đặc trưng trong mối quan hệ bang giao Việt - Nhật. Đồng thời, còn giúp giải mã những vấn đề tồn nghi về các vị công nương - con gái Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (là 4 người như Đại Nam liệt truyện ghi chép, hay 5 người như một số ý kiến trong thời gian gần đây?). Bên cạnh đó, quốc thư còn là di sản thực chứng để bổ khuyết thêm những hiểu biết về thời Chúa Nguyễn đất Nam Hà vốn cho đến nay vẫn khá ít tư liệu…
Với giá trị ấy, bức quốc thư này được rất nhiều công trình, sách vở ở Nhật, Việt, Pháp… biên tập, phiên dịch (bằng tiếng Hán, Nhật, Pháp, Việt) và cung cấp văn bản. Theo sách Nam Phương độ hải cổ văn hiến đồ lục, Quốc thư này được gia tộc (Mori Tomoo-shi 森 知男氏) ở Nagasaki lưu giữ. Bản nguyên tác này chúng tôi căn cứ theo ảnh bản ở sách Nam Phương độ hải cổ văn hiến đồ lục4 (南方渡海古文献図録 Nanpou tokai kobunken zuroku).
Hán văn:
安南國殿下兼廣南等處爲立書事
盖聞: 重兩國之乾坤斯言信矣, 親一家之和睦何貴如之。 肆我阮家自立國以來, 務施仁義, 遠來近說, 惠澤均蒙。 玆有日本國艚主木宗太良乘艚駕海, 榮耀我國拜見, 願承膝下。 我乃推其所欲, 仍加貴族阮太良, 巨名顯雄。 非惟特宮庭之光顯。 抑亦堅南北之利通。 詩人賡曰:之趾, 之角, 之頂, 爾才稱令子之才。 如日, 如月, 如松, 我壽等南山之壽。 榮斯足矣, 猗歟盛哉。 國有常法立書存照。
弘定貳拾年肆月貳拾貳日
Phiên âm:
An Nam quốc Điện hạ kiêm Quảng Nam đẳng xứ vi lập thư sự:
Cái văn: trọng lưỡng quốc chi càn khôn, tư ngôn tín hỹ; thân nhất gia chi hoà mục, hà quý như chi. Tứ ngã Nguyễn gia tự lập quốc dĩ lai, vụ thi nhân nghĩa, viễn lai cận duyệt, huệ trạch quân mông. Tư, hữu Nhật Bản quốc Tào chủ Mộc Tông Thái Lương thừa tào giá hải, vinh diệu ngã quốc bái kiến, nguyện thừa tất hạ. Ngã nãi suy kỳ sở dục, nhưng gia quý tộc Nguyễn Thái Lương, cự danh hiển hùng. Phi duy đặc cung đình chi quang hiển, Ức diệc kiên nam bắc chi lợi thông. Thi nhân canh viết: Chi chỉ, chi giác, chi đính5, nhĩ tài xưng lệnh tử6 chi tài. Như nhật, như nguyệt, như tùng7, ngã thọ đẳng Nam sơn chi thọ. Vinh tư túc hỹ, ỷ dư thịnh tai. Quốc hữu thường pháp, lập thư tồn chiếu.
Hoằng Định nhị thập niên tứ nguyệt nhị thập nhị nhật
Dịch nghĩa:
Điện hạ nước An Nam kiêm [quản] các xứ Quảng Nam lập tờ Thư dưới đây:
Từng nghe: điều trọng yếu giữa hai quốc gia ở trong trời đất là giữ chữ tín như lời. [Để] Kết tình thân ái, hòa thuận như người một nhà thì còn gì quý bằng! Cho nên, họ Nguyễn ta từ lập quốc đến nay, chăm chắm rõ bày nhân nghĩa. Đối với người phương xa đến, [chúng ta] luôn vui vẻ thân gần, ân trạch rộng ban. Nay có chủ tàu nước Nhật Bản là Mộc Tông Thái Lương (Araki Sotaro) dong buồm đến neo đậu ở biển (Nam Hà), vui mừng vào nước ta xin bái kiến, nguyện mong ở dưới trướng ta. Ta bèn xét theo mong muốn ấy, nhân đó ban thêm vào hàng quý tộc [họ Chúa] là Nguyễn Thái Lương [với nghĩa] tên [Thái Lương] cao quý ấy (nghĩa là) hiển hách oai hùng [hiển hùng]. Đấy chẳng là [ân điển] đặc biệt, tỏ bày sự ưu ái của cung đình hay sao! Hoặc dĩ điều đó cũng biểu lộ nghĩa tình bền chặt về mối thông thương thuận lợi giữa hai miền Nam Bắc (Việt – Nhật). Kinh Thi theo đó họa rằng: “là dấu chân, là sừng, là trán [của loài kỳ lân nhân hậu], tài của ngươi [đáng] xưng tụng là người con tài năng xuất chúng. [Cơ nghiệp mãi trường tồn] như trời, như trăng, như cây tùng [tươi tốt], [gia tộc] ta mãi trường thọ như núi Nam Sơn bền vững muôn đời”.
Niềm vinh dự ấy đủ đầy rồi vậy! Lời khen nức tiếng thịnh tình lắm thay! Nước có phép tắc thường hằng, ta lập tờ Thư để còn xét rõ.
Ngày 22 tháng 04 năm Hoằng Định thứ 20 (1619).
3. Một số nhận định
Bức An Nam quốc thư này mặc dù khá ngắn gọn, nói đến câu chuyện ban quốc tính cho Hào thương Araki Sotaro nước Nhật là Nguyễn Thái Lương, nhưng nội hàm ý nghĩa và giá trị của văn bản lại có tính gợi mở cao và tác động rất lớn đối với nhận thức về lịch sử Đàng Trong thế kỷ XVII, đồng thời góp phần cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho việc giải mã “ẩn ngữ” về người con gái trong dòng tộc Chúa Nguyễn đã tạo nên những cuộc tranh luận chưa có hồi kết trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, chúng tôi xin có một số nhận định dựa trên các yếu tố liên quan đến quốc thư.
3.1. Về chủ thể (tác giả) của bức An Nam quốc thư
Nhiều nhà nghiên cứu trước nay cho rằng tác giả bức quốc thư ban quốc tính cho Araki Sotaro là Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Từ đó, chúa Sãi đã gả người con gái của mình cho Nguyễn Thái Lương (Araki Sotaro) để kết nối khăng khít nghĩa tình Việt - Nhật.
Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung quốc thư, chúng tôi có cách hiểu khác, cụ thể:
Mở đầu quốc thư là câu “An Nam quốc điện hạ kiêm Quảng Nam đẳng xứ vi lập thư sự” 安南國殿下兼廣南等處爲立書事. Xét về thuật ngữ, “điện hạ” 殿下 phổ biến là cách tôn xưng các ngôi vị như Hoàng hậu 帝后, Đế ph i帝妃, Thái tử 太子, Hoàng tử 皇子, Công chúa 公主. Riêng đối với hoàng đế, hoặc vị quân chủ của quốc gia, chính thể thì kính xưng Bệ hạ 陛下…
Với Nhật Bản, “điện hạ” 殿下có thể dùng để chỉ các vị trong hoàng tộc như Thái hoàng thái hậu 太皇太后, Hoàng thái hậu 皇太后, Hoàng hậu皇后cũng như các vị đại thần Nhiếp chính (Sesshō 攝政), Quan bạch (Kanpaku 關白), Chinh di đại tướng quân (Seii Taishōgun 征夷大将軍, gọi tắt là Shōgun, như các vị shogun: Toyotomi Hideyoshi [豊臣秀吉 Phong Thần Tú Cát], Tokugawa Ieyasu [徳川家康 Đức Xuyên Gia Khang]…). Với hoàng đế Nhật Bản thì được gọi là Thiên hoàng (Tennō 天皇). Do vậy, ở văn bản quốc thư trên, nếu căn cứ vào chữ “điện hạ” 殿下thì chưa thể xác định chính xác chủ thể của quốc thư này.
Song, dòng chữ nối tiếp là “kiêm Quảng Nam đẳng xứ” 兼廣南等處 thì chắc chắn chủ thể của bức quốc thư trên chính là vị Thế tử - Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ. Bởi lẽ, Thế tử Kỳ đảm nhiệm vai trò Trấn thủ Quảng Nam bắt đầu từ năm 1614 cho đến năm 1631 (khi ông qua đời).
Theo đó, từ sau năm 1600, Tổng trấn Thuận Quảng là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chính thức giao toàn quyền cai quản vùng đất Quảng Nam cho người đảm nhiệm chức Trấn thủ Quảng Nam bấy giờ (từ 1600 đến 1613) là Nguyễn Phúc Nguyên.
Sau năm 1614, Nguyễn Phúc Nguyên được kế ngôi, gọi là Chúa Sãi ở Đàng Trong. Chúa Sãi ra ở phủ chính tại Dinh Cát (năm 1626 thì dời phủ về Phước Yên) và giao lại toàn quyền cai quản xứ Quảng Nam cho con trai đầu là Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ. Đương thời, các xứ Quảng Nam (từ Quảng Nam đến đất Phú Yên hiện tại) với nhiều sản vật phong phú và hải cảng quốc tế lớn, nơi mà người ngoại quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan… gọi là “Quảng Nam quốc” .
Do đó, cách gọi “An Nam quốc Điện hạ kiêm Quảng Nam đẳng xứ” 安南國殿下兼廣南等處 dùng để chỉ vị Thế tử [Điện hạ] nước An Nam [Đại Việt] kiêm trấn nhậm các xứ Quảng Nam. Người nắm quyền trực tiếp cai quản các xứ Quảng Nam ở thời điểm ban hành quốc thư trên (năm 1619) chính là Trấn thủ Quảng Nam – Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ.
Bởi lẽ, nếu chủ thể của bức quốc thư này là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, thì với cương vị chính trị chính thức là Tổng trấn Thuận Quảng (tức Chúa Nguyễn, từ 1614 - 1635), ngài phải xưng danh chính thống là “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ/nhị xứ” 順化廣南等處/二處 (kiêm quản các xứ/ hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam) chứ không thể là “Quảng Nam đẳng xứ” như trên được. Minh chứng rõ nét cho điều này chính ngay trong bức Hiểu thị 曉示của Chúa Nguyễn Hoàng gửi người Nhật vào năm Hoằng Định thứ 7 (1606), hiện được bảo lưu tại Nhật Bản, mà chúng tôi đã từng công bố ở nhiều bài viết về Quốc thư Việt - Nhật8, xin được đính kèm dưới đây:
Hay như văn bản ruộng đất do các quan Văn ban Công đồng thời chúa Nguyễn trình lên phủ Chúa vào năm Bảo Thái thứ 6 (1725) của làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay) cũng ghi “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ” 順化廣南等處.
Danh xưng “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ” của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong được thể hiện khá rõ ở sách Đại Nam thực lục; chẳng hạn ở quyển II Tiền biên: Thực lục về Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế [Nguyễn Phúc Nguyên], tờ 1b - 2a (ảnh dưới) ghi: “癸丑夏六月庚寅太祖崩。 群臣奉遺命尊為統領水步諸營兼總內外平章軍國重事太保瑞郡公。 時年五十一。 黎帝遣使齎敕贈太祖為謹義公, 致賻品物。 晉上鎮撫順化廣南二處, 加太保郡公”
(Nghĩa là: … Năm Quý Sửu, mùa hạ tháng 6, ngày Canh Dần, Thái tổ băng. Các quan vâng theo di mệnh, tôn [Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên] làm Thống lĩnh Thủy Bộ chư dinh kiêm Tổng nội ngoại Bình chương Quân quốc Trọng sự Thái bảo Thụy quận công. Bấy giờ chúa 51 tuổi. Vua Lê sai Sứ giả đem trao sắc tặng cho Thái tổ [Nguyễn Hoàng] làm Cẩn Nghĩa công, gửi trao phẩm vật để phúng viếng. Tấn phong Chúa thượng [Chúa Sãi] nắm quyền trấn nhậm, phủ dụ hai xứ Thuận Hóa Quảng Nam, gia hàm Thái bảo tước quận công)
Cũng tại Đại Nam thực lục quyển II, thực lục về Hy Tông Hiếu Văn Hoàng đế (Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên), năm Kỷ Tỵ (1629) có ghi: “Mùa đông, tháng 10, Trịnh Tráng lại bàn đem đại binh xâm lược miền Nam. Bầy tôi là Nguyễn Danh Thế nói rằng: “Nay phương Nam vua tôi hòa thuận, nước giầu binh mạnh, mà ta thì hằng năm đói kém, quân nhu không đủ. Không bằng sai sứ vào tiến phong cho tước quốc công, ủy cho trấn thủ hai xứ, lại khiến đem quân ra đánh Cao Bằng. Nếu vâng mệnh mà đến thì ta lấy rất dễ. Nếu không nghe mệnh thì ta đem quân đánh là có danh nghĩa”. Tráng theo lời, sai Lại bộ thượng thư Nguyễn Khắc Minh đem sắc tiến phong chúa làm Tiết chế Thuận Hóa Quảng Nam nhị xứ thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái phó quốc công, và giục đến Đông Đô để đi đánh Cao Bằng”.9
Hay như Đại Nam thực lục tiền biên, quyển III: Thực lục về Thần Tông Hiếu Chiêu hoàng đế (Nguyễn Phúc Lan) ghi chép sự kiện năm Mậu Tý (1648), mùa xuân, tháng giêng: “…Ngày Tân Mão, [Chúa Nguyễn Phúc Lan] về tới phá Tam Giang, băng ở thuyền ngự. Ở ngôi 13 năm, thọ 48 tuổi. Thế tử khóc bảo chưởng cơ Tôn Thất Trung rằng: “Nay cha tôi về chầu trời, con không thể gánh vác việc lớn được, xin chú nối ngôi cho yên nước nhà”. Trung cố từ, nói: “Cha con truyền nhau là đạo thường xưa nay. Thế tử nên vâng nối đại thống cho thuận ý trời và lòng người”. Bấy giờ Thế tử mới lên ngôi, đem bầy tôi dâng tôn thụy là Đại nguyên soái thống suất Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ chưởng quốc chính Uy Đoán Thần Vũ Nhân Chiêu vương”.10
Như thế, danh xưng/ tôn hiệu/ tôn thụy của các chúa Nguyễn luôn phải là “…[thống suất] Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ/nhị xứ”, bởi Chúa Nguyễn với cương vị là viên quan Tổng trấn Thuận Quảng, kiêm quản hai xứ Thuận Hóa – Quảng Nam, chứ không bao giờ ghi “Quảng Nam đẳng xứ” mà thiếu xứ Thuận Hóa.
3.2. Người vợ Việt Nam của Araki Sotaro (Nguyễn Thái Lương) là con gái của ai?
Như trên đã chứng minh, tác giả bức quốc thư ban quốc tính là Trấn thủ Quảng Nam - Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ. Thế tử Kỳ đã ân điển ban quốc tính cho Hào thương Araki Sotaro là Nguyễn Thái Lương với hàm ý: Thái Lương – Thái 太 là to lớn, cao quý về danh vị; Lương 良là bậc hiền tài (hiền lương). Cho nên tên “Thái Lương” được giải thích rõ là: “cự danh: hiển hùng” 巨名顯雄 (tên Thái Lương cao quý ấy [có nghĩa là]: hiển hách oai hùng).
Việc ban quốc tính này để hợp thức hóa nhằm chính thức gả con gái của Trấn thủ Kỳ cho hào thương Araki Sotaro xứ Nagasaki, Nhật Bản. Ý nghĩa của câu chuyện ban quốc tính, như quốc thư ghi rõ, vừa để tỏ rõ ân đức của “cung đình” nhà Chúa Nguyễn (cung đình chi quang hiển 宮庭之光顯), lại vừa giúp gắn kết khăng khít, ích lợi trong thông thương giữa Đàng Trong và Nhật Bản (Nam Bắc chi lợi thông 堅南北之利通). Tức chuyện ban quốc tính cho con rể Araki Sotaro để gả con gái, vừa thể hiện được ân điển của chính quyền Đàng Trong lại vừa giúp cho quan hệ bang giao, ngoại thương với Nhật Bản được thêm nhiều thuận lợi.
Vậy nên, người con gái được gả cho Hào thương Araki Sotaro xứ Nagasaki chính là con gái của Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ. Điều đó càng được khẳng định ngay trong phần nội dung của bức quốc thư, với đoạn sử dụng điển tích ở Kinh Thi: “…Chi chỉ, chi giác, chi đính, nhĩ tài xưng Lệnh tử chi tài; Như nhật, như nguyệt, như tùng, ngã thọ đẳng Nam Sơn chi thọ…”
之趾, 之角, 之頂, 爾才稱令子之才。 如日, 如月, 如松, 我壽等南山之.
Cụ thể, theo sách Kinh Thi 詩經, phần Quốc phong 國風 (thiên Chu Nam 周南), mục Lân chi chỉ 麟之趾 có câu: “Lân chi chỉ, chân chân công tử, hu ta lân hề. Lân chi đính, chân chân công tính, hu ta lân hề. Lân chi giác, chân chân công tộc, hu ta lân hề” 麟之趾, 振振公子, 于嗟麟兮。 麟之定11, 振振公姓, 于嗟麟兮。 麟之角, 振振公族, 于嗟麟兮 (Chân của con kỳ lân, người con của Văn vương thực nhân hậu, ôi [xứng là] kỳ lân thay! Trán của con kỳ lân, cháu trong họ [của Văn vương] thực nhân hậu, ôi [xứng là] kỳ lân thay! Sừng của con kỳ lân, tộc họ [của Văn vương] thực nhân hậu, ôi [xứng là] kỳ lân thay!).
Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ trích dùng “chi chỉ, chi giác, chi đính” 之趾,之角,之頂 từ Kinh thi với hàm ý kỳ vọng về một người con rể (nghĩa tế) là “Lệnh tử chi tài” (người con tài năng); vừa là mong ước mãi cùng dựng xây vương triều được trường tồn vĩnh viễn (thọ đẳng Nam Sơn chi thọ 壽等南山之壽) như trời, như trăng, như cây tùng cây bách.
Lưu ý rằng cách sử dụng “Lệnh tử” 令子 tương đương hiền tử賢子, dùng để chỉ đứa con tài năng xuất chúng. Tác giả Nguyễn Phúc Kỳ đã gọi Araki Sotaro là “lệnh tử” 令子 thì đã mặc nhiên xem vị Hào thương người Nhật này là con cái (ở đây là con rể). Tức, Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ không thể gọi Araki Sotaro là “lệnh tử” 令子nếu ngài chỉ gả em, hoặc gả một người con gái nào khác không hề liên quan, mà phải chính thức gả con gái của ngài cho chàng rể người Nhật Bản.
Một điều quan trọng nữa giúp làm rõ tính hợp lý của câu chuyện Thế tử Kỳ gả con gái cho nghĩa tế Araki Sotaro, đó là về độ tuổi của Trấn thủ Kỳ vào thời điểm này (1619). Đây cũng chính là vấn đề khiến chúng tôi khá trăn trở khi nghiên cứu và giải mã những câu chuyện liên quan.
Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 1: Truyện Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng hậu [Mạc Thị Giai]), sử quan triều Nguyễn chép ngài Kỳ là con trưởng của Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai (1578 - 1630): “Bà họ Nguyễn [cẩn án: xét trước là họ Mạc, sau đổi họ Nguyễn]... sinh được 5 con trai: Con trưởng là Kỳ, làm Hữu phủ chưởng phủ sự, trấn thủ Quảng Nam - tặng Thiếu bảo, Khánh quận công; con thứ hai tức là Thần Tông Hoàng Đế, con thứ ba là Trung, con thứ tư là An, con thứ năm là Nghĩa chết sớm. Ba con gái: Trưởng là Ngọc Liên, thứ là Ngọc Vạn, út là Ngọc Khoa.”.12
Sách Hoàng triều ngọc điệp, quyển 1, tờ 12b (bản Hán văn) và Nguyễn Phúc tộc thế phả cho biết bà Mạc Thị Giai sinh năm Mậu Dần (1578), theo chú là Mạc Cảnh Huống vào ẩn cư ở chùa Lam Sơn (Quảng Trị), rồi được tiến cử vào nơi tiềm để [nơi ở của công tử Nguyễn Phúc Nguyên]. Bà mất vào ngày 09 tháng 11 năm Canh Ngọ (12.12.1630), thọ 53 tuổi.
Tại sách Đại Nam liệt truyện tiền biên mục “Truyện các công chúa: Các con gái Hy Tông hoàng đế”, tiểu truyện “Hoàng nữ Ngọc Liên” ghi rằng: “là chị cùng mẹ với hoàng tử Kỳ, bà lấy Trấn Biên doanh Trấn thủ Phó tướng Nguyễn Phước Vinh. (Vinh là con trưởng Mạc Cảnh Huống, được ban quốc tính, sau lại cho đổi làm họ Nguyễn Hữu)”.13
Sách Hoàng nữ phả14, quyển 1 ghi Hoàng trưởng nữ húy Ngọc Liên, sinh vào tháng 6 năm Quý Tỵ, niên hiệu Quang Hưng thứ 16 (1593), là trưởng nữ của Hiếu Văn Hoàng hậu Nguyễn thị, hạ giá lấy Nguyễn Hữu Vinh (tức Mạc Cảnh Vinh, con trưởng của Mạc Cảnh Huống). Bà mất vào tháng giêng năm Giáp Tuất (1634), thọ 42 tuổi.
Vậy, qua các thông tin từ Hoàng triều Ngọc điệp, Hoàng nữ phả và Đại Nam liệt truyện tiền biên, Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ là con trai của Hy Tông Hiếu Văn hoàng hậu Mạc Thị Giai (1578 - 1630), em trai của Hoàng nữ Ngọc Liên (1593 - 1634 ... ) vậy chí ít, ông phải sinh ra từ 1594 đến trước 1601 (năm sinh của chúa Nguyễn Phúc Lan).
Tuy nhiên, nếu đặt giả thiết Trấn thủ Kỳ là em cùng mẹ (do bà Mạc Thị Giai sinh ra), và ông sinh năm 1594, sau chị gái là Ngọc Liên 1 năm, thì đến năm 1619, ông cũng chỉ mới 26 tuổi ta. Dẫu xưa, nam nữ lập gia thất sớm, thì chí ít cũng phải từ 15 - 16 tuổi đối với nam, 12 - 13 tuổi đối với nữ. Tạm cho ngài Kỳ lấy vợ lúc 16 tuổi, 17 tuổi sinh con gái đầu lòng, thì đến năm 26 tuổi, con gái đầu cũng chỉ được 9 - 10 tuổi (tuổi âm/tuổi ta). Tầm lứa tuổi 9 - 10 tuổi này thì chưa thể phù hợp để gả cưới.
Đấy là chưa kể, theo sử liệu và sách vở ở Nhật Bản lưu truyền15, Araki Sotaro là một Samurai quê gốc ở tỉnh Higo (Kunamoto) và dời đến Nagasaki vào năm Tenso thứ 16 (1588) và trở thành một Thương gia, Chủ tàu buôn Araki. Ông là một trong tám thương gia được chính quyền của Shogun Toyotomi Hideyoshi (nắm quyền: 1585 - 1598) và chính quyền Mạc phủ Tokugawa (trị vì: 1603 - 1868) cấp châu ấn trạng (朱印狀, shuinjo) để dong buồm buôn bán tại Đông Nam Á như Siêm [Thái Lan], Đại Việt (các nguồn tư liệu đều ghi nhận tại Đàng Trong, thương thuyền của Araki Sotaro chỉ tập trung tại thương cảng Faifo – Hội An) . Năm 1619, Araki Sotaro đến Hội An trao đổi buôn bán, và được Trấn thủ Quảng Nam là Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ ân điển ban cho quốc tính rồi gả con gái làm vợ ông (chính là bà Anio-san). Đầu năm sau (1620), Araki Sotaro cùng vợ đã dong thuyền trở về Nagasaki.
Thông tin về Araki Sotaro từ nguồn tư liệu Nhật Bản, ta có thể đoán được ít nhất ông sinh trước năm 1588 (năm ông chuyển về Nagasaki). Vậy nên, đến năm 1619, Araki đã hơn 30 tuổi. Trong khi đó, nếu theo ghi chép của chính sử triều Nguyễn, Thế tử Kỳ chỉ chừng 25 - 26 tuổi (sinh khoảng từ 1594 trở đi), lại ban quốc thư gọi bằng Araki Sotaro bằng “Lệnh tử” thì tính hợp lý không cao.
Rất may mắn, vừa qua nhờ cơ duyên hội tụ, được sự giúp đỡ của ông Bảo Tiến (phòng Lạc Hóa Quận công, Hệ 2 Chính biên, Nguyễn Phúc tộc) trong việc liên hệ và sao chụp văn bản giấy tờ của Chi 2 Phòng 1 Hệ 3 Tiền biên (trực hệ của Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ tại Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam16) chúng tôi đã tìm ra được năm sinh chính thức của Trấn thủ Kỳ.
Đối với một gia tộc, hay một chi phái của gia tộc thì việc ghi chép về tên tuổi, gốc tích quê hương bản quán và sự nghiệp của vị thủy tổ là điều khó có thể sai biệt. Và ở trường hợp trên đây, hậu duệ trực hệ của Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ ghi chép về năm sinh năm mất của ngài là chuẩn xác. Bởi lẽ, những người con cháu trực hệ ấy thường kỳ thờ phụng, tế tự, chăm lo hương khói và lăng mộ của ngài. Do đó, trách nhiệm của họ đối với vị thủy tổ của chi phái là lớn nhất, quan trọng nhất.
Sử triều Nguyễn có thể ghi nhầm các thông tin về Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ (vì trải qua bao nhiêu biến động của thời cuộc hơn 200 năm), song với chi phái trực hệ thì không thể nhầm lẫn được (nếu không nắm được đích xác thì hậu duệ sẽ không ghi chép năm sinh năm mất). Đấy là lý do chính yếu khiến chúng tôi tin tưởng vào phần ghi chép về năm sinh của thế tử Nguyễn Phúc Kỳ nói trên.
Năm sinh Nhâm Ngọ (1582) của ngài Nguyễn Phúc Kỳ từ gia phả Chi 2 Phòng 1 Hệ 3 Tiền biên, đối chiếu với các sự kiện lịch sử càng thêm phần hợp lý. Theo đó, ngài là con trai trưởng của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635). Đó cũng là dữ liệu cho thấy chúa Sãi không chỉ có một người vợ là bà Mạc Thị Giai như sử liệu triều Nguyễn ghi chép (thời quân chủ, đàn ông thường còn có năm thê bảy thiếp, con cháu trong hoàng tộc Nguyễn Phước ắt hẳn không chỉ có 1 người vợ được).
Năm 1614, ngài nhậm chức Trấn thủ Quảng Nam ở tuổi 33 (tuổi ta), đó là lứa tuổi đã kinh qua nhiều trải nghiệm cuộc sống, công việc và quản trị mọi thứ cần thiết. Thế nên, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên bàn giao cho Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ chức Trấn thủ Quảng Nam, một chức vụ quan trọng hàng đầu (chỉ sau chức Tổng trấn của chúa Nguyễn) đối với sự tồn vong của Đàng Trong thế kỷ XVI - XVIII.
Sự nghiệp gây dựng xứ Thuận Quảng từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng có được vững vàng và phát triển mạnh mẽ, truyền đời nối tiếp hay không thì không chỉ phụ thuộc vào vai trò của các chúa Nguyễn đời tiếp theo, mà còn nằm trong quyết sách của vị “Phó tướng” là Trấn thủ Quảng Nam. Bởi lẽ, xứ Quảng bấy giờ mang tầm vóc lớn, là nơi tập trung và thuận lợi nhất để buôn bán, bang giao, là “cửa ngõ” giao thương trọng yếu giữa Đàng Trong và các nước trên thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Hy Lạp…). Từ đó, Quảng Nam được xem là “trung tâm kinh tế” trọng yếu ở Nam Hà (so với trung tâm chính trị quân sự ở Thuận Hóa, nơi có các chúa Nguyễn trấn nhậm để làm đối trọng ngăn chặn sự xâm phạm của các thế lực thù địch, là “phên giậu” giúp bảo vệ sự yên bình cho xứ Quảng ổn định phát triển kinh tế.
Đồng thời, vị quan Trấn thủ Quảng Nam có toàn quyền quyết định mọi việc trong toàn xứ Quảng (cũng như của cả Thuận Quảng). Nhiều sách vở tư liệu trong và ngoài nước nghiên cứu về giai đoạn này đã cho biết khi tàu buôn các nước vào Hội An (hải cảng lớn nhất Đàng Trong), họ lên dinh trấn Thanh Chiêm (thủ phủ của Trấn thủ Quảng Nam) trình quốc thư và xin được cấp châu ấn. Từ đó, họ có quyền đi đứng trong toàn cõi Nam Hà mà không bị ai can thiệp (ngoại trừ vi phạm pháp luật của vùng đất sở tại).
Những yếu tố đó chứng tỏ vai trò vị trí của Trấn thủ Quảng Nam là cực kỳ quan trọng; và danh xưng “Quảng Nam quốc” chỉ xứ Đàng Trong chính từ câu chuyện này mà nên. Do đó, với tuổi 33 chững chạc, Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ đã thi hành nhiều quyết sách đem lại nhiều nguồn lợi cho xứ Thuận Quảng.
Đến năm 1619, thế tử Nguyễn Phúc Kỳ được 38 tuổi. Với lứa tuổi này, thuở xưa, có thể đã có con trên 20 tuổi, trong khi con gái thời bấy giờ thì từ 13 - 14 tuổi đã được gả cưới. Bên cạnh đó, ngài Kỳ sinh năm Nhâm Ngọ (1582) thì việc ban quốc tính cho Araki Sotaro, trong đó xưng hô với con rể ở quốc thư là “Lệnh tử” (đứa con tài năng) cũng khá hợp lý.
Từ những chứng minh trên, chúng tôi xin khẳng định: tác giả quốc thư ban quốc tính cho Araki Sotaro chính là Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ chứ không phải của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Đồng thời, người con gái Anio-san (Wakaku) vợ của Araki Sotaro là con gái của Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ. Duy về tên gọi của nàng, chúng tôi chưa thấy tư liệu gốc nào khẳng định chính xác tên là Nguyễn Phúc [Thị] Ngọc Hoa như giới nghiên cứu sử dụng lâu nay. Có nghĩa rằng tên Việt là Ngọc Hoa của Anio-san chỉ là một dạng phiếm xưng không chính xác. Câu chuyện tên Việt của nàng Anio-san là gì thì cần được tiếp tục xâu chuỗi và tìm hiểu kỹ hơn trong tương lai.
Đồng thời, qua bài viết này, chúng tôi cũng xin chính thức bác bỏ những suy đoán chưa chuẩn xác về xuất thân của Anio-san. Tức nàng là con gái của Thế tử Kỳ, cháu gái của Chúa Sãi, chứ không phải là con nuôi của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
4. Kết luận
Sự kiện ban quốc tính, gả con gái cho hào thương Araki Sotaro là một sự kiện rất quan trọng trong lịch sử xứ Đàng Trong thế kỷ XVI - XVIII, cũng như trong mọi quan hệ bang giao, ngoại thương Việt - Nhật. Đồng thời, các thông tin liên quan đến câu chuyện này có tác động rất lớn đến nhận thức của cộng đồng, góp phần minh bạch hóa những vấn đề tồn nghi trong sử sách. Chẳng hạn như có giả thiết cho rằng người con gái gả cho Araki Sotaro là con nuôi của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (vốn là con gái của một gia đình ở làng đúc đồng Phước Kiều, Điện Bàn, Quảng Nam được chúa Sãi lựa chọn). Thậm chí, có người còn bảo nàng này có thể là công nữ Ngọc Vạn, hoặc Ngọc Khoa (hai người con gái bị khuyết truyện trong Đại Nam liệt truyện)… Những suy đoán ấy không dựa trên cứ liệu cụ thể nào, mà là các nhận định chủ quan, càng khiến cho lịch sử Đàng Trong thời các chúa Nguyễn thêm phần rối rắm. Do đó, bài viết này dùng để chứng minh người con gái Wakaku kia (chưa rõ tên Việt) chính là con gái của Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ, cháu nội của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Bài viết này đồng thời là ý kiến phản biện, hiệu chỉnh lại các thông tin liên quan đến Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ. Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1582), mất năm Tân Mùi (1631) thọ 50 tuổi. Như vậy, ông chắc chắn không thể là con trai của Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai (1578 - 1630); và Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cũng không thể chỉ có 1 người vợ là bà Bác Giai như sử triều Nguyễn ghi chép.
Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ trong vai trò là vị Trấn thủ Quảng Nam, nằm quyền cai quản toàn bộ xứ Quảng suốt 18 năm (1614 - 1631), nơi tập trung nhiều hải cảng lớn của xứ Đàng Trong, và là nơi có nhiều sản vật quý hiếm bậc nhất Đại Việt. Chính ở khoảng thời gian này, Trấn thủ Kỳ đã góp phần xây dựng Xứ Quảng nói riêng, vùng đất Nam Hà nói chung giàu có, phồn thịnh và có tiềm lực kinh tế quân sự rất cao. Đồng thời, ông cũng là người có tư duy rất mở, không đóng cửa với bất kỳ quốc gia dân tộc nào đến buôn bán trao đổi ngoại thương, ngoại giao. Quan hệ Việt - Nhật khăng khít vào đầu thế kỷ XVII thời kỳ Châu Ấn thuyền có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ trong chính sách mở cửa của Trấn thủ Kỳ (Dĩ nhiên, vai trò tổng quát vẫn là vai trò chỉ đạo của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, nhưng vai trò là người thi hành trực tiếp mọi chính sách, quyết sách ở Quảng Nam là Trấn thủ Kỳ). Dấu ấn về mối quan hệ Việt - Nhật (hay ở đây là Đàng Trong - Nhật Bản) hiện còn thấy được ở biểu tượng Phố Nhật và cầu Lai Viễn [Chùa Cầu] tại Hội An, cùng đó là lễ hội tái hiện sự kiến đám cưới giữa Araki Sotaro và nàng Wakaku ở Nagasaki, Nhật Bản.
Vậy nên, qua tìm hiểu, khảo biện về bức quốc thư, chúng tôi cho rằng người đóng góp trực tiếp cho tình hảo hữu truyền thống Việt Nhật chính là Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ. Nghiên cứu này cũng góp phần gợi mở các hướng nghiên cứu tiếp theo về cuộc đời sự nghiệp, vai trò vị thế của Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ trong dòng chảy lịch sử Đàng Trong thế kỷ XVI - XVII ở Việt Nam.
V.V.Q.
-----
CHÚ THÍCH
, 9, 10, 12, 13 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1 (Bản dịch Viện Sử học), (Hà Nội: Giáo Dục, 2002), 181, 44, 59, 24, 73.
2 H.X.H, “Đặt tên đường Công nữ Ngọc Hoa ở Hội An”, Thanh Niên online, (2014), https://thanhnien.vn/.../dat-ten-duong-cong-nu-ngoc-hoa-o....
3 Thân Trọng Thủy, “Công nữ Ngọc Hoa, nàng là ai?”, http://www.erct.com/2-ThoVan/3-Unna/CongnuNgocHoa.html.
4 大阪府立図書館 編, 南方渡海古文献図録, (小林写真製版所出版部, 1943).
5 Chi chỉ, chi giác, chi đính 之趾, 之角, 之頂: là dấu chân, là sừng, là trán [của loài kỳ lân nhân hậu].
6 Đây là câu lấy ý từ đoạn văn ở mục Lân chi chỉ 麟之趾 trong Chu Nam 周南 thuộc Quốc phong 國風 của Kinh Thi 詩經. Đoạn văn của Lân chi chỉ 麟之趾 cụ thể là: “Lân chi chỉ, chân chân công tử, hu ta lân hề. Lân chi đính, chân chân công tính, hu ta lân hề. Lân chi giác, chân chân công tộc, hu ta lân hề” 麟之趾, 振振公子, 于嗟麟兮。 麟之定, 振振公姓, 于嗟麟兮。 麟之角, 振振公族, 于嗟麟兮 (Chân của con kỳ lân, người con của Văn vương thực nhân hậu, ôi [xứng là] kỳ lân thay! Trán của con kỳ lân, cháu trong họ [của Văn vương] thực nhân hậu, ôi [xứng là] kỳ lân thay! Sừng của con kỳ lân, tộc họ [của Văn vương] thực nhân hậu, ôi [xứng là] kỳ lân thay!).
Kỳ lân là linh vật thuộc tứ linh (long, lân, quy, phụng), với đặc tính thanh cao, từ tâm rộng lớn, không hề làm tổn thương muôn vật; cho nên, đó cũng là điềm lành xuất hiện đấng minh quân. Lân chi chỉ 麟之趾 hay Lân chỉ 麟趾là ví dụ để tán tụng điều chí cao chí mỹ. Như vậy, tác giả dùng điển tích Lân chi chỉ 麟之趾 nói về con kỳ lân để thể hiện tính nhân hậu và điềm tốt lành của bậc đế vương khi tìm được một người xứng đáng như Araki Sotaro.
6 Lệnh tử 令子: đồng nghĩa với hiền tử 賢子 (người con tài năng). Lệnh tử 令子thường dùng để xưng tụng nét tốt đẹp của con cái. Sách Ấu học quỳnh lâm 幼學瓊林, Q.2, Tổ tôn phụ tử loại 祖孫父子類 có câu: “Xưng nhân hữu lệnh tử viết: lân chỉ trình tường” 稱人有令子曰: 麟趾呈祥 (Ca tụng người có con quý gọi là lân chỉ trình tường).
7 Như nhật, như nguyệt, như tùng, ngã thọ đẳng Nam Sơn chi thọ 如日, 如月, 如松, 我壽等南山之壽: nghĩa là [Cơ nghiệp mãi trường tồn] như trời, như trăng, như cây tùng [tươi tốt], [gia tộc] ta mãi trường thọ như núi Nam Sơn bền vững muôn đời. Đây là câu này lẩy ý từ Thiên Bảo 天保 thuộc Tiểu Nhã 小雅 của Kinh Thi 詩經 với đoạn: “như nguyệt chi hằng, như nhật chi thăng, như Nam Sơn chi Thọ, bất khiên bất băng. Như tùng bách chi mậu, vô bất nhĩ hoặc thừa” 如月之恒, 如日之升。 如南山之壽, 不騫不崩。 如松柏之茂, 無不爾或承 (nghĩa là: [Cơ nghiệp thịnh vượng] như ánh trăng thường hằng, như mặt trời lên cao, như núi Nam Sơn trường tồn vĩnh cửu, không bao giờ bị sứt mẻ tan lở. Như cây tùng cây bách luôn tốt tươi, sự nghiệp của ngài [đời đời] được kế thừa không dứt).
8 Ảnh bản Quốc thư này hiện có trên website của Quốc hội Nhật Bản (Quốc lập công văn thư quán).
11 Lân chi đính 麟之定: trán con kỳ lân, chữ đính 定 có nghĩa là cái trán, thông với đính 頂.
14 Bộ Hoàng triều ngọc điệp, Hoàng nữ phả, Hoàng tử phả hiện được lưu trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàng Nữ phả có 3 quyển, chép từ các Hoàng nữ của Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế (Nguyễn Kim) trở về sau. Riêng Hoàng tử phả thì chỉ chép các hoàng tử của Thế tổ Cao Hoàng đế trở về sau, phần Tiền biên [ tức các con trai chúa Nguyễn] không thấy chép.
15 Xem tiểu sử Araki Sotaro ở: https://wiki.samurai-archives.com/index.php... và http://www.mekong.ne.jp/linkage/arakisoutaro.html.
16 Nguồn tư liệu gia phả giấy tờ của Chi 2 Phòng 1 Hệ 3 Tiền biên hiện được lưu trữ tại nhà riêng của ông Nguyễn Phước Huệ (con trai của ông Tộc trưởng Nguyễn Phước Đông đã mất) ở Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam (sát bên nhà thờ Nguyễn Phước tộc chi phái Duy Sơn. Tư liệu chúng tôi sử dụng trên đây đã được sự cho phép của ông Nguyễn Phước Huệ và sự đồng thuận của người sao chụp là ông Bảo Tiến. Xin trân trọng cảm ơn các ông!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. H.X.H. “Đặt tên đường Công nữ Ngọc Hoa ở Hội An”. Thanh Niên online. Link: https://thanhnien.vn/.../dat-ten-duong-cong-nu-ngoc-hoa-o.... Đăng ngày 15.02.2014.
2. Hoàng triều ngọc điệp, Hoàng nữ phả (bản Hán văn). Lưu trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn. 1997. Đại Nam liệt truyện. Tập 1. Huế: Thuận Hóa.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2002. Đại Nam thực lục tập 1 (Viện Sử học dịch). Hà Nội: Giáo Dục.
5. Nguồn tư liệu gia phả giấy tờ của Chi 2 Phòng 1 Hệ 3 Tiền biên (Phòng trực hệ của Khánh Quận công Nguyễn Phúc Kỳ) hiện được lưu trữ tại nhà riêng của ông Nguyễn Phước Huệ (con trai của ông Tộc trưởng Nguyễn Phước Đông đã mất) ở Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam (sát bên nhà thờ Nguyễn Phước tộc chi phái Duy Sơn.
6. Thân Trọng Thủy. “Công nữ Ngọc Hoa, nàng là ai”. http://www.erct.com/ , link: http://www.erct.com/2-ThoVan/3-Unna/CongnuNgocHoa.htm
7. 大阪府立図書館 編. 1943. 南方渡海古文献図録 (Nam Phương độ hải cổ văn hiến đồ lục). 小林写真製版所出版部.
Quốc thư ban quốc tính cho Araki Sotaro. |
Bức quốc thư Hiểu thị của chúa Nguyễn Hoàng năm Hoằng Định thứ 7 (viết:… hành hạ Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ 行下順化廣南等處…) |
Văn bản ruộng đất của làng Mỹ Lợi (1725). |
Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển II: Thực lục về Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế [Nguyễn Phúc Nguyên], tờ 1b. |
Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển II: Thực lục về Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế [Nguyễn Phúc Nguyên], tờ 2a. |
Hoàng triều ngọc điệp, quyển 1, tờ 12b: mục Hy Tông Hiếu Văn hoàng hậu (nguyên phối của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên). |
Hoàng triều tôn phả tiền biên (bản của ông Nguyễn Phước Huệ - Chi 2 Phòng 1 Hệ 3 Tiền biên – trực hệ của Thế tử Kỳ). |
https://www.facebook.com/anhsontd/posts/1233975796810322
..
Dưới là các ảnh chép từ Fb Võ Vinh Quang
..
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Gái lấy chồng xa - 4 : Việc đặt tên nàng cho đường phố Hội An, và lễ hội hàng năm ở Nagasaki
- Gái lấy chồng xa - 4 : Việc đặt tên nàng cho đường phố Hội An, và lễ hội hàng năm ở Nagasaki
- Gái lấy chồng xa - 3: nơi ấy, đã có biển ghi tiếng Việt (2017)
- Gái lấy chồng xa - 2 : Ghi chép nhanh của Trương Văn Tân (2008)
- Gái lấy chồng xa - 1 : Năm 1620, công chúa Đàng Trong vượt biển đi làm dâu Nhật Bản
- Triển lãm Đại Việt Nam ở Nhật Bản (16/4-9/6/2013, Bảo tàng Quốc lập Cửu Châu)
- Gái lấy chồng xa - 2 : Ghi chép nhanh của Trương Văn Tân (2008)
- Gái lấy chồng xa - 1 : Năm 1620, công chúa Đàng Trong vượt biển đi làm dâu Nhật Bản
- Triển lãm Đại Việt Nam ở Nhật Bản (16/4-9/6/2013, Bảo tàng Quốc lập Cửu Châu)
1. Chép ngày 18/6/2021
Trả lờiXóaTừ Fb Trần Đức Anh Sơn
Tran Duc Anh Son
15 tháng 5, 2020 ·
ĐÃ HÉ LỘ “CÔNG NỮ NGỌC HOA” LÀ AI?
1. Ở Hội An có một con đường mang tên Công Nữ Ngọc Hoa. Tên này mới được đặt gần đây.
Công Nữ Ngọc Hoa là một nhân vật chưa được xác minh lai lịch, nhưng lại là một nhân vật có thật trong lịch sử. Bà là người đã kết hôn với hào thương người Nhật tên là Araki Shotaro (荒木宗太郎) vào năm 1619, sau đó theo chồng về Nhật vào năm 1620, định cư ở Nagasaki, mất năm 1645.
Trong các thư tịch cổ của Nhật Bản, tên của bà được ghi là: Wakaku (王加久), Wakakutome (王加久戸売), thường được gọi thân mật là Anio-san (アニオーさん) hay Anio-hime (アニオー姬).
Một vài nhà khảo cứu người Việt như: Trần Gia Phụng, Nguyễn Văn Xuân, Thân Trọng Thủy… trong một số bài viết đăng trên internet và trong các tập san ở trong và ngoài nước, viết rằng bà tên là Ngọc Hoa, là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635).
Tuy nhiên, theo sách NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc biên soạn và xuất bản ở Huế năm 1995, thì chúa Sãi chỉ có 4 công chúa, đó là: