Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

14/10/2017

Chúng tôi đã viết ở tuổi lên mười - 16 (Trương Thị Hảo, ở làng Trình Phố)

"Không béo mà cũng chẳng còm
Trương Thị Hảo như con Thạch Sùng
Lí nhí là bạn Vương Hùng
Tiếng nói như tiếng kèn đồng bị hen"
(thơ của gia đình Búp trên cành, theo hồi ức của Bùi Thị Biên Linh, 2016)

Đến tận đầu năm nay, 2017, tôi mới biết có một chị cùng làng với mình góp mặt trong tuyển tập của gia đình Búp trên cành ấn bản 1990. Trương Thị Hảo. Có lẽ là lứa anh chị của thời kì đầu tiên (lứa của các chị Đỗ Thị Mai Hương hay Bùi Thị Sóng Biển/Bùi Thị Biên Linh), tức là cách xa lứa của chúng tôi.

Nói thật, mãi đến lúc mở ấn bản 1990 ra xem từng trang vào dịp đầu năm 2017, tôi mới biết đến tên của chị. Mà rất lạ, trong làng, suốt mấy chục năm qua, chưa từng nghe thấy ai nhắc đến chị. Lạ từ cái họ, đến cả cái tên.

Bản in năm 1990 (bản chụp 2017, bởi Giao Blog):





Xem toàn văn mục lục ở đây.



---

BỔ SUNG

Một bài của chị Bùi Thị Biên Linh (tức Bùi Thị Sóng Biển), năm 2016

GẶP LẠI THẦY SAU 40 NĂM


(27-09-2016 - 09:44 PM ) - Lượt xem: 242
Ngày ấy (1976) cách đây đúng 40 năm, tôi 11 tuổi, sau khi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc tôi đươc tuyển về theo học sáng tác văn học nghệ thuật giành cho thiếu nhi của tỉnh Thái Bình khóa học đầu tiên của cả nước năm 1976.
Chiều 23/7/2016 tôi tìm về thăm Thầy – nhà thơ – nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khoa Đăng – người thầy ân cần, đặc biệt của tôi thời thơ ấu.

Ngày ấy (1976) cách đây đúng 40 năm, tôi 11 tuổi, sau khi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc tôi đươc tuyển về theo học sáng tác văn học nghệ thuật giành cho thiếu nhi của tỉnh Thái Bình khóa học đầu tiên của cả nước năm 1976.

Tôi trở thành học trò của thầy Nguyễn Khoa Đăng và các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng chuyên viết cho thiếu nhi như Tô Hoài, Phạm Hổ, Phong Thu… từ khi ấy.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và Kim Chuông còn trực tiếp quản lý, chăm sóc dạy dỗ chúng tôi như những người cha.

Tôi hay chơi với Quỳnh Vân con gái đầu của thầy. Vân kém tôi 1 tuổi nhưng cứ gọi nhau là “cậu” và xưng “tớ” rất thân thiết. Có hôm hai đứa mải chơi quên giờ ăn thế là bị phạt không được ăn mì tôm một bữa.

Thầy Khoa Đăng là một nhà giáo rất tài tình.  Ngoài  việc dạy toán, thầy còn dạy chúng tôi cả môn sinh vật nữa. Cách dạy của thầy vô cùng thú vị vì thầy biến những bài học môn sinh thành thơ cực kỳ dễ nhớ. Với thầy, có lẽ cái gì cũng có thể thành thơ được.

Lớp tôi 12 đứa mỗi đứa một tính cách, đươc sắp xếp ngồi cạnh nhau theo “dãy bàn kê hình chữ u trong hội trường hội văn học nghệ thuật. Thầy còn làm thơ cho các cháu như sau :
Cái Hạnh ngồi cạnh cái Huê
Cái Huê ngồi kề cái Lý
Cái Lý bắt bí cái Huyền
Cái Huyền ngồi liền  cái Biển
Cái Biển ý kiến cái Chi
Cái Chi hồ nghi cái Hảo
Cái Hảo níu áo cái Lan
Cái Lan phàn nàn thằng Tuân
Thằng Tuân rất thân thằng Hùng
Thằng Hùng nổi khùng thằng Đôn
Thằng Đôn hỏi dồn cái Hương
Cái Hương văn chương rất khá
Mười hai đứa rồi đấy nhá
Cả lớp họp thành bài thơ
Nhờ bài thơ của ngộ nghĩnh này của thầy mà tôi nhớ được cái tên và vị trí ngồi của mình và các bạn trong cái lớp học thân thương ấy đến tận bây giờ dù đã 40 năm.

Mỗi lần đi tham quan là thầy cháu chúng tôi lại có bao nhiêu bài thơ buồn cười ra đời. Còn nhớ lần đi tham quan Vịnh Hạ Long, chúng tôi được các thầy cho lên thăm đồi thông ở Yên Lập – một cảnh đẹp rất hùng vĩ với những cây thông cao vút, thẳng tắp. Quê tôi toàn đồng bằng nên lần đầu được lên núi, ai cũng hăm hở. Nhưng leo lên đã khó,  xuống lại càng khó hơn. Phải cố kìm chân mới đi chậm được vì người cứ như có lực đẩy lớn từ phía sau. Thế mà cậu bạn Lê Quang Đôn vốn tinh nghịch lại còn chạy xuống đồi. Thế là ngã lăn quay, miệng vập vào hòn đá. May mà không gãy răng chỉ bị chảy máu. Thầy Khoa vừa lau miệng cho Đôn vừa đọc:
Hôm lên Yên Lập thăm rừng
Bạn Quang Đôn ngã bị sung cả mồm“
Lập tức thầy Chuông và chúng tôi hùa theo:
Không béo mà cũng chẳng còm
Là Trương Thị Hảo như con Thạch Sùng
Lí nhí là bạn Vương Hùng
Tiếng nói như tiếng kèn đồng bị hen
Tha hồ mà cười mà chọc nhau. Lại nhớ lần ấy, chúng tôi được UBND tỉnh mời cơm chiêu đãi “những nghệ sĩ nhí” tại nhà khách UBND tỉnh Thái Bình. Nơi ấy sang trọng quá! Từ bé đến khi ấy, tôi chưa bao giờ được thấy nơi nào như vậy. Các bạn tôi cũng thế nên mới có chuyện rất buồn cười là: Khi cô phục vụ nhà khách chỉ cho chúng tôi chỗ đi rửa tay, chỗ đi vệ sinh nơi nào cũng sạch sẽ thơm tho, sáng bóng, đứa nào cũng ngắm nghía mê mẳn. Có đứa còn vã nước trong cái bồn “giống cái chum nhỏ màu trắng, có nắp đậy, nước trong veo lên rửa mặt. May quá! lúc ấy, chờ các cháu thấy lâu chú Khoa đi tìm và “bắt  được” cảnh cu chàng Tứ đang rửa mặt bằng cái thứ nước đặc biệt kia, chú hết hồn kéo vội nó ra và lấy khăn với xà phòng trên cái giá, xả nước trong vòi ra rửa mặt cho nó. Chú bảo cái “chum trắng” đó là bồn cầu. Chúng tôi vừa buồn cười, vừa hú vía . May mà lúc ấy tôi không bắt chước thằng Tứ rửa mặt!

Bữa cơm ấy, chúng tôi được ăn toàn món “của ngon vật lạ” . Món nào cũng được cắt được thái, được xếp vào đĩa vào tô cực kì đẹp và lạ mắt.

Ăn  xong tiệc  mặn, chúng  tôi  còn được mời  lên  phòng khách của bác phó chủ tịch tỉnh ăn trái cây, bánh kẹo, uống nước ngọt và đọc những sang tác của mình cho các bác lãnh đạo nghe.

Đến lượt Lê Quang Đôn – cậu chàng này làm thơ hay nhưng vừa bé vừa thấp nên khi Đôn đọc thơ xong, mọi người vỗ tay khen thì bác thư kí của chủ tịch tỉnh ghé tai qua thầy Khoa nói nhỏ:
-Sao anh không bảo cháu nó đứng lên đọc cho trang trọng.
Thầy phải giải thích
- Nó đứng rồi đấy chứ anh . Vì cháu nhỏ nên chỉ cao bằng người ta ngồi thôi. Từ hôm ấy, thầy Khoa gọi Đôn bằng cái tên “Thi sĩ đứng như ngồi “.

Cả lớp cũng hùa theo thầy … Nhớ đến thầy Khoa và thầy Kim Chuông là lại nhớ về bao kỉ niệm thân thương. Hai thầy mải lo cho chúng tôi mọi bề nên nhiều khi không kịp về ăn cơm. Có hôm bác Cương cấp dưỡng phải đi vét những nồi mì tôm chúng tôi ăn còn lại cho các chú ăn đỡ đói. (Hồi ấy cả nước khó khan tiêu chuẩn, chế độ có chừng tiền lương các chú thì quá ít). Sau này nghe kể lại nhiều về sự chăm sóc thầm lặng của các thầy cho chúng tôi, tôi càng hiểu càng thương, càng biết ơn các thầy như biết ơn những người cha của mình.

Để cho chúng tôi có những ngày được học, được vui chơi, được xem phim trong rạp được vào thư viện lớn đọc sách được đi tham quan khắp nơi trên đất nước, được viếng lăng Bác từ những ngày đầu chỉ những người ưu tú nhất mới được vinh dự này vì ngày ấy, lăng mới khánh thành, bao nhiêu triệu người dân ai cũng khao khát được vào viếng Bác. Các Bác, các chú phải đi gõ cửa các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xin chế độ ăn học, tham quan cho chúng tôi. Để rồi đi đến đây, khi chúng tôi đã được ngồi vào bàn ăn ngấu nghiến toàn những món lạ, món ngon ở quê không có thì các chú vẫn còn đi đến từng bàn xem các cháu có đứa nào say xe không ăn được hay không …

Kỉ niệm của những năm tháng ấy, tôi luôn ghi khắc trong lòng, hình ảnh những người thầy đặc biệt như các thầy hình ảnh ấy cũng chính là nguồn động lực để thôi thúc tôi theo nghề dạy học, và gắn bó với nghề cho đến hôm nay và khi vừa tốt nghiệp cấp III hay ngay cả khi đã theo ngành sư phạm, tôi vẫn luôn nhận được lời mời từ những lĩnh vực khác như học  đại học y khoa: biên tập văn nghệ cho phòng văn nghệ xuất bản sở văn hóa thông tin Sông Bé, biên tập cho nhà xuất bản, biên tập viên cho đài truyền hình hoặc làm cán bộ huyện … từ khi còn rất trẻ.

Những kiến thức văn chương tôi học được từ các thầy ngày ấy đã giúp tôi làm tốt “công việc” trồng người của mình. Tôi được học sinh và phụ huynh vô cùng yêu mến và tin tưởng. Dù ở trường tôi không dạy văn mà dạy giáo dục công dân, bằng văn bằng thứ hai. Nhưng nhà tôi là một trung tâm học văn nho nhỏ. Có những em phải hợp đồng xe ô tô đưa đón để mỗi chủ nhật nhóm ở xa gần 50km để được học và nghe tôi giảng về tác phẩm văn học mà các em cần học để thi đại học. Thầy hiệu trưởng trường tôi gọi đùa đó là “cô dạy đã có thương hiệu rồi”. Tôi sống thanh thản được với nghề là bởi tiền dạy thêm chân chính này. Học trò của tôi nhiều em đã đậu thủ khoa môn văn vào các trường đại học danh tiếng, các trường chuyên của tỉnh. Nhà tôi quanh năm nườm nượp học trò và luôn tràn ngập sắc hoa do học trò và phụ huynh đem tặng. Tôi có cơ hội dạy miễn phí cho các học trò nghèo yêu thích môn văn, và chắp cánh cho những em học trò có tâm hồn, có niềm say mê văn học. Nên học trò làm thơ, viết báo tường về tôi nhiều lắm toàn những bài chỉ nghe tên thôi đã được “tự sung sướng và hãnh diện rồi”. Nào là “Người thầy vĩ đại” lấy từ câu nói nổi tiếng của “Người thầy vĩ đại là người truyền cảm hứng”. Rồi “Người thầy đẹp nhất” … “Người phụ nữ đẹp nhất Việt Nam ( ý là vẻ đẹp  phẩm chất: hiền hậu, yêu thương…”.

Chúng còn lập fan hâm mộ trên mạng xã hội nhóm có tên “Hội những fan cuồng cô Biên Linh”.

Niềm hạnh phúc bình dị ấy khiến cho cuộc sống của tôi luôn ấm áp tình yêu thương. Và cội nguồn luôn bắt đầu từ những gì mẹ cha, thầy cô chuẩn bị cho tôi từ thơ bé. Tôi biết ơn thầy cô, biết ơn các chú các bác nghệ sĩ nhất là nhà văn Nguyễn Đăng Khoa, Kim Chuông bằng tất cả chân thành.

Rồi cuộc sống nhiều thay đổi, khi chúng tôi học hết năm thứ 2 thì thầy Khoa chuyển vào công tác tại tỉnh Kiên Giang. Thầy trò bặt tin từ đấy.

40 năm sau, tình cờ lên Fb tôi mới “gặp” lại được người thầy, người chú năm xưa. Tôi vui mừng lắm. Thế là tôi hỏi thăm địa chỉ và vượt quãng đường hơn 300km từ nhà tôi xuống thành phố Hồ Chí Minh thăm chú. Thầy cô đón tôi ân cần thân thương và ấm áp khiến tôi như được trở về tuổi thơ ngày ấy. Tôi huyên thuyên kể cho thầy cô nghe hành trình học hành và đi dạy của mình. Thầy ngồi nghe chăm chú. Thỉnh thoảng lại gật gù hài lòng. Thầy hỏi thăm về chuyện gia đình, chuyện làm ăn, sinh sống của gia đình tôi. Tôi rất ngạc nhiên vì thầy đã 75 tuổi mà vẫn vô cùng minh mẫn, vẫn viết, vẫn hoạt động văn nghệ say mê.

Xúc động nhất là lúc thầy lên lầu lấy sách xuống tặng tôi. Nhìn đôi chân thầy đi xuống cầu thang không còn nhanh nhẹn nữa, tự nhiên tôi thấy lòng nghẹn nghẹn. Những cuốn sách thầy tặng tôi là tâm huyết nhất của đời người nghệ sĩ. Có bài tôi đã thuộc lòng từ khi còn bé. Bài hát “Em đi giữa biển vàng” của thầy do nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc, là 1 trong 50 bài hát được thiếu nhi Việt Nam yêu thích nhất thế kỉ 20, được vang lên nhiều lần trong chương trình “Giai điệu tự hào “của đài truyền hình Việt Nam. Cuốn “Nước mắt một thời” của thầy, đã được phát hành ở nhiều nước trên thế giới. Tôi cũng mạo muội tặng thầy cuốn thơ nhỏ bé như những dòng nhật kí cuộc đời tôi. Cuốn “Ý nghĩa ban mai” do nhà xuất  Hội nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2015. Nghe nhà văn Kim Chuông nói lại thì tập sách được các nhà thơ ở Hà Nội đánh giá khá và bảo rằng “Đây mới là thơ của thi sĩ“. Tôi tặng thầy và ghi cẩn thận “Thưa chú. Nhờ công lao dạy dỗ của các chú, cháu mạnh dạn in tập sách nhỏ này. Cháu kính tặng chú với các muôn niềm biết ơn”.

Thầy thích thú cầm xem, chợt thầy khều tay  tôi nói nhỏ - khi cô ra ngoài lấy thêm nước.
- Em thêm chữ “cô” vào – Vừa nói thầy vừa đưa cho tôi cây bút bi

Tôi lại thấy nghẹn nghẹn, bất ngờ và xúc động pha cả ngượng ngùng xấu hổ. thầy thật sâu sắc, tinh tế.

Đúng là một bài học nhớ đời.

Sắp tới đây, thầy sẽ lại vượt hơn 300km đường xa lên thăm tôi và tặng sách cho trường tôi đang dạy. Chú đi cùng các bạn mình là giáo sư tiến sĩ cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Chú cháu, thầy trò tôi lại được gặp nhau trong một công việc nhiều ý nghĩa .

BÙI THỊ BIÊN LINH
Ngày 23/7/2016



http://clbnguoiyeusach.com/bai-viet/ban-doc-viet/tan-van/gap-lai-thay-sau-40-nam-617.html


---



Những entry liên quan đã đi trên blog này





Chúng tôi đã viết ở tuổi lên mười - 12 (Nguyễn Minh Đức, thị xã)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.