Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

16/10/2017

Thơ trên đường đi sứ Trung Quốc của sứ giả Việt Nam, những phát hiện mới của Trần Ích Nguyên (Đài Loan)

Có nhiều kỉ niệm thú vị với bác Trần Ích Nguyên về mặt học thuật, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và Thánh mẫu Liễu Hạnh nói riêng.

Gần đây, bác đặt nhiều tâm sức vào mảng thơ đi sứ của sứ thần Việt Nam (trước đây là đặt trọng tâm vào Lý Văn Phức, bây giờ mở rộng ra nhiều vị).

Ở lĩnh vực nào để tâm đến, Trần Ích Nguyên đều có những phát hiện quan trọng. Chỉ tiếc ông không nói và đọc được tiếng Việt.

Tháng 8 vừa rồi, ông đã công bố một số phát hiện mới trong nghiên cứu thơ đi sứ Việt Nam.


Lấy về từ các nơi.




---













1.


Sáng ngày 02/8/2017 tại Phòng D202 cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Khoa Đông phương học đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về "Những phát hiện mới qua các tác phẩm lập bia đề thơ của các sứ giả Việt Nam ở Trung Quốc" do GS.TS Trần Ích Nguyên từ ĐH Thành Công, Đài Loan, trình bày.


Nằm trong chuỗi sinh hoạt khoa học chuyên đề giao lưu văn hóa do Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tổ chức, tọa đàm “Những phát hiện mới qua các tác phẩm lập bia đề thơ của các sứ giả Việt Nam ở Trung Quốc” do GS.TS Chen Yiyuan (Trần Ích Nguyên) trình bày đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, sinh viên và các cá nhân có quan tâm đến tham dựTọa đàm còn có sự hiện diện của TS Nguyễn Ngọc Thơ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, TS Hồ Minh Quang - Trưởng Khoa Đông Phương học, TS Lê Quang Trường - Phó Trưởng Khoa Văn học, PGS.TS Nguyễn Công Lý, TS Nguyễn Ngọc Quận, TS Nguyễn Đông Triều, v.v..

Với cách trình bày gần gũi cùng những hình ảnh, cứ liệu khoa học xác thực, GS Chen Yiyuan đã truyền tải nội dung chuyên đề một cách sinh động và hấp dẫn. Diễn giả trình bày những phát hiện mới của mình về tư liệu thơ của các sứ thần Việt Nam được khắc dựng bia ở Trung Quốc, chủ yếu khảo sát ở Miếu Nhạc Phi tại Thang Âm, Hà Nam, Trung Quốc. Các sứ thần Việt Nam được diễn giả đề cập đến gồm có Phan Huy Vịnh, Vương Hữu Quang, Phan Huy Chú, Phạm Hy Lượng, Hoàng Bích Sơn, Trần Khánh Tiến, v.v..

Cuối cùng, với phần trao đổi sôi nổi giữa diễn giả và các thính giả về tư liệu và sự kiện các sứ thần Việt Nam đi sứ Trung Quốc, buổi tọa đàm đã kết thúc thành công tốt đẹp, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác và nghiên cứu mới, thể hiện tinh thần khoa học xuyên biên giới, phát huy triết lý giáo dục “Toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa”  của Nhà trường.

GS Chen Yi Yuan (bên trái) và TS Nguyễn Ngọc Thơ

Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, sinh viên

TS Lê Quang Trường phát biểu trao đổi

Diễn giả chụp hình lưu niệm cùng các thính giả

Diễn giả chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức

http://ccs.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=026f179e-5c1c-4901-ac80-6ecda79458a5



2.




26 Tháng Chín 2017 8:27 SA 

Nguyễn Thị Bích Đào


Ngày 2-8-2017, trong buổi thuyết trình “Những phát hiện mới qua các tác phẩm lập bia đề thơ của các sứ giả Việt Nam ở Trung Quốc” do Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, GS Trần Ích Nguyên (Đài Loan) đã công bố kết quả sưu tầm tác phẩm của các sứ giả Việt Nam triều Nguyễn được lập bia ở miếu Nhạc Phi (Tống Nhạc Trung Vũ Vương miếu) tại huyện Thang Âm - tỉnh Hà Nam - Trung Quốc.
Cụ thể, Vương Hữu Quang 王有光 có bài Yết Thang Âm Nhạc Trung Vũ Vương miếu (Yết kiến miếu Nhạc Trung Vũ Vương ở huyện Thang Âm), làm theo thể thất ngôn bát cú, được khắc bia năm 1848. Đây là bài thơ thứ hai của Vương Hữu Quang được tìm thấy ở Trung Quốc. Trước đó, trong lần đi sứ năm 1845, ông có bài thơ thất ngôn bát cú được lập bia ở danh thắng Ngô Khê Bi Lâm tại huyện Kỳ Dương - tỉnh Hồ Nam. Tiếc rằng dù nổi tiếng hay chữ nhưng sự nghiệp văn học của Vương Hữu Quang hiện chỉ còn hai bài thơ được khắc bia ở xứ người.
Mai Đức Thường 枚德常 có bài Thang Âm yết Nhạc Trung Vũ Vương miếu (Đến Thang Âm, yết kiến miếu Nhạc Trung Vũ Vương), làm theo thể thất ngôn bát cú, được khắc vào năm 1849. Cho tới nay, cũng chưa tìm thấy tập thơ của Mai Đức Thường còn lưu lại, vì vậy, di sản của ông chỉ có duy nhất bài thơ vừa được GS Trần phát hiện.
Nguyễn Tư Giản 阮思僩 có một bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú được khắc vào năm 1868. Bài thơ này có chép trong Yên Thiều thi văn tập với nhan đề Yết Thang Âm Nhạc Vũ Mục Vương từ kính đề (Kính đề nhân vào bái kiến đền thờ Nhạc Vũ Mục Vương ở Thang Âm) hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (có châu bút sửa một số chữ).
Trần Khánh Tiến 阮慶洊 (Chánh sứ) có bài thơ Yết Nhạc Trung Vũ từ (Bái kiến đền thờ Nhạc Trung Vũ) được khắc vào năm 1881. Cũng như Mai Đức Thường, bài thơ trên là bài thơ duy nhất của Trần Khánh Tiến còn lưu lại.
Nguyễn Thuật 阮述 (Phó sứ) được khắc bài thơ ngũ ngôn gồm 40 câu vào năm 1881. Bài thơ này được chép trong Mỗi hoài ngâm thảo với nhan đề Thang Âm yết Nhạc Vũ Mục từ (Đến Thang Âm bái kiến đền Nhạc Vũ Mục), trong đó một số câu có chữ khác với bài thơ đề trên bia.
Ngoài ra, GS Trần Ích Nguyên còn phát hiện tấm bia được khắc năm 1853 có lưu bút Phan Huy Vịnh 潘輝泳, Phạm Chi Hương 范芝香 đóng góp tiền làm bia. Hoặc ở phần phụ chú bài Yết Nhạc Vương từ (Bái kiến đền Nhạc Vương) chép trong Bắc minh sồ vũ ngẫu lục của Phạm Hy Lượng 范熙亮 có cho biết: đại khái năm 1871 trên đường đi sứ ông có thăm miếu Nhạc Phi ở Thang Âm và đề thơ; 5 tháng sau khi trở về cũng ghé qua miếu thì thấy có một tấm bia đá khá cao khắc thơ của ông trên đó, được đặt ở ngoài sân miếu với nét chữ tỉ mỉ và tinh tế. Hay trong Hoàng Bích San thi tập của Hoàng Bích San 黄碧山 có bài Quá Thang Âm huyện Nhạc Vũ Mục cố lý (Ghé qua quê hương của Nhạc Vũ Mục ở huyện Thang Âm), Phương Đình vạn lý tập của Nguyễn Văn Siêu 阮文超 có Nhạc Vũ Mục Vương cố lý chiêm yết linh từ cảm thành (Đến quê hương Nhạc Vũ Mục Vương, bái yết đền thờ, cảm xúc mà làm thơ), Châu Nguyên tạp vịnh thảo của Lý Văn Phức 李文馥 có Yết Thang Âm Nhạc Vũ Mục Vương từ (Bái kiến đền thờ Nhạc Vũ Mục Vương)… Nhưng hiện vẫn chưa tìm thấy bia đề thơ của các tác giả kể trên tại miếu Nhạc Phi.
***
GS Trần Ích Nguyên có 30 năm nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam, nhưng chỉ mấy năm gần đây, ông mới quan tâm đến thơ văn được viết trên đường đi sứ của các sứ giả Việt Nam. Lần theo con đường đi sứ của các sứ giả Việt Nam, GS Trần đã phát hiện nhiều bài thơ của sứ giả Việt Nam được khắc bia tại Trung Quốc. Ngoài miếu Nhạc Phi ở huyện Thang Âm - tỉnh Hà Nam, qua nghiên cứu sơ bộ bước đầu, GS Trần đã tìm thấy thơ văn của các sứ thần Việt Nam được khắc bia ở các địa danh khác như: 1. Chùa Tương Sơn ở Quế Lâm - tỉnh Quảng Tây; 2. Chùa Phi Lai ở Thanh Viễn - tỉnh Quảng Đông; 3. Danh thắng Ngô Khê Bi Lâm ở Kỳ Dương - tỉnh Hồ Nam; 4. Gác Đằng Vương ở Nam Xương - tỉnh Giang Tây; 5. Đền thờ Lã Tiên ở Hàm Đan - tỉnh Hà Bắc; 6. Miếu Á Thánh ở Trâu Huyện - tỉnh Sơn Đông; 7. Miếu Trung Phu Tử ở Tế Ninh - tỉnh Sơn Đông.
Hy vọng GS Trần sẽ sớm công bố những tác phẩm đề bia ở 7 địa danh trên. Bởi vì, đôi khi chỉ một bài thơ ngoại giao được lưu lại ở xứ người, nhưng đối với Việt Nam thì thật đáng quý. Ví như trường hợp Vương Hữu Quang, Mai Đức Thường, Trần Khánh Tiến tuy sinh thời là những người nổi tiếng hay chữ, nhưng di cảo chỉ còn bài thơ được khắc bia ở Trung Quốc.
***
GS Trần Ích Nguyên hiện là chủ nhiệm khoa Văn học Trung Quốc, Trường đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan, song ông lại có niềm say mê đặc biệt với văn học Việt Nam. Tuy không nói được tiếng Việt, nhưng GS Trần lại có thể giao tiếp với văn nhân Việt Nam xưa qua các di sản Hán Nôm, và ông đã có những thành tựu như: Tiễn đăng tân thoại dữ Truyền kỳ mạn lục bỉ giảo nghiên cứu (Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục), Vương Thúy Kiều cố sự nghiên cứu (Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều), Việt Nam Hán tịch văn hiến thuật luận (Thuật bàn về tư liệu sách chữ Hán ở Việt Nam)…
Say mê, tận tâm, tận lực trong những chuyến đi điền dã tìm kiếm di sản văn hóa Việt Nam, GS Trần Ích Nguyên cho biết, ông đã khiến người quản lý di tích tưởng nhầm là người Việt Nam. Và ông cũng lấy làm tự hào vì điều đó, ông vui vẻ nói với người quản lý di tích: “Nếu muốn có thêm tác phẩm của các sứ giả Việt Nam để khắc bia, tôi sẵn sàng cung cấp”. Ông chia sẻ: “Thật sự mà nói, vấn đề tôi nghiên cứu các bạn đồng nghiệp Đài Loan không chú ý, người Trung Quốc cũng thế và những người bạn đồng nghiệp Việt Nam càng không chú ý. Chỉ có tôi là cần mẫn với nó”.
Những phát hiện của GS Trần quả thật rất thú vị và gợi mở cho các học giả Việt Nam tiếp tục con đường nghiên cứu này. Văn học sử Việt Nam đã viết nhiều về thơ đi sứ (trong đó có các tác gia nổi tiếng với tác phẩm giá trị như Giới Hiên thi tập của Nguyễn Trung Ngạn, Sứ Hoa tùng vịnh tập của Nguyễn Tông Khuê, Hoa trình khiển hứng của Hồ Sĩ Đống, Phụng sứ Yên Đài tống ca của Nguyễn Huy Oánh…, nhất là Nguyễn Du với Bắc hành tạp lục). Sứ giả Việt Nam bất cứ thời nào cũng nổi tiếng với tài ngoại giao ứng khẩu thành thơ khiến các bạn láng giềng phải trầm trồ nể phục, nhưng việc được lập bia đề thơ không phải ai cũng làm được. Đó chính là minh chứng đáng tự hào cho tài năng của các sứ giả Việt Nam.
http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5568-hv118-pht-hin-mt-s-bi-th-ca-cc-s-gi-vit-nam-c-lp-bia-ti-tnh-h-nam-trung-quc.aspx






Nguyễn Thuật đã khắc thơ trên đất Trung Quốc?

;
Thứ Bảy, 09/09/2017, 07:00 [GMT+7]
Thời phong kiến, từng có nhiều quan lại người Quảng Nam tham gia các sứ đoàn ngoại giao với vai trò Chánh sứ hoặc Phó chánh sứ. Với truyền thống trước tác trên con đường hoàng hoa, những vị sứ thần đều có ngâm vịnh và để lại các tập thơ văn đi sứ. Điều đặc biệt, trong số những tác phẩm đó có một hai bài thơ được khắc bia lưu lại trên đất Trung Quốc. Hiện vẫn còn tồn nghi về trường hợp khắc thơ lưu lại Trung Quốc của sứ thần Nguyễn Thuật.
Trang bìa tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.554.
Trang bìa tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.554.
Từ tháng 3.2017, GS. Chen (Đại học Chenggong, Taiwan) đã công bố bài viết “Những ghi chép văn hiến về sứ giả Việt Nam đời Thanh lập bia khắc thơ ở Trung Quốc” trong một hội thảo tại Houston (Đức). Sau đó, GS. Chen thêm 2 lần trình bày kết quả nghiên cứu này tại Việt Nam (thông qua phiên dịch) tại tọa đàm khoa học ngày 2.8.2017 và hội thảo khoa học 3.8.2017 ở Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, GS. Chen có đưa ra nghi vấn về những bài thơ được khắc đá lưu đề ở Trung Quốc của Nguyễn Thuật. Theo đó, GS. Chen đã 5 lần đề cập tác giả Nguyễn Thuật trong bài viết của ông (các trang 690, 695, 697, 698, 700). Có thể nói rằng, đây là thông tin rất có giá trị, bởi trước đó chưa có nhà nghiên cứu nào đề cập vấn đề này, mặc dù có rất nhiều bài viết trình bày về thơ văn đi sứ Trung Quốc của Nguyễn Thuật.
Nguyễn Thuật (1842 - 1911), hiệu Hà Đình, tự Hiếu Sinh, nhân dân quê nhà vẫn hay gọi là “cụ Thượng Hà Đình”, quê xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Trong cuộc đời quan trường, ông 2 lần phụng mệnh đi sứ Trung Hoa, lần thứ nhất năm 1880 - 1882 với chức Chánh sứ tới Yên Kinh, lần thứ hai năm 1882 - 1883 đi Thiên Tân. Trong 2 lần đi sứ này, Nguyễn Thuật để lại 2 tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” (quyển chi nhất, quyển chi nhị), với rất nhiều bài thơ có cấu trúc tiêu đề “đề/ lưu đề + X”: Đề Hoàng Hạc lâu, Đề Quan Đế miếu, Đề Gia Cát tự, Đề Phục Ba miếu, Lưu đề Quan Âm nguyệt điện thạch bích, Lưu đề Tam nghĩa miếu, Lưu đề ngoại thành bích thượng…
Theo GS. Chen, tại Trung Quốc có 8 địa chỉ có thơ lưu đề và khắc bia của các sứ giả Việt Nam dưới thời nhà Thanh Trung Quốc (tương ứng với thời Lê Trung hưng và thời nhà Nguyễn của Việt Nam). Đó là chùa Tương Sơn ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây; chùa Phi Lai ở Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông; rừng bia (bi lâm) Ngô Khê ở Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam; Đằng Vương các ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây; đền Nhạc Vương ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam; đền Lữ Tiên ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc; miếu Á Thánh (Mạnh Tử) ở Trâu huyện, tỉnh Sơn Đông; miếu Trọng Phu Tử (Tử Lộ) ở Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông. Trong đó, GS. Chen đã cho biết tại miếu Trọng Phu Tử có bia đá khắc 5 bài thơ của 3 sứ giả. Một bài với nội dung như sau: “兼人無論氣行行/真積彰然道德光/負米於親隆孝墓/乘桴與子契行藏/升堂學啟千秋秘/列鼎輝生萬禩香/培植斯文天意厚/支分泗水慶流長” (Kiêm nhân vô luận khí hàng hàng/ Chân tích chương nhiên đạo đức quang/ Phụ mễ ư thân long hiếu mộ/ Thừa phù dữ tử khế hành tàng/ Thăng đường học khải thiên thu bí/ Liệt đỉnh huy sinh vạn dị hương/ Bồi thực tư văn thiên ý hậu/ Chi phân tứ thủy khánh lưu trường).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng phiên âm có vài chỗ khác biệt so với trên và đã dịch nghĩa thành: “Ngài tiếp đón ai nấy không luận thành phần nào/ Chứa đầy đạo đức sáng tự có rực rỡ bên trong/ Vác gạo nuôi song thân, hiếu mến vang lừng/ Nương bè, giao cho con làm quan hay ở ẩn đều ứng hợp/ Nghìn năm cách dạy học của ngài thật phi thường/ Ngài là bậc vĩ nhân sáng chói, vạn năm vẫn tế tự hương lòng!/ Vun trồng văn hóa ấy với thiên ý sâu dày/ Chi lưu sông Tứ vẫn hân hoan chảy mãi”. Trọng Phu Tử tức Tử Lộ, là học trò của Khổng Tử, nổi tiếng về tính hiếu thảo. Ngôi miếu của Trọng Phu Tử được rất nhiều sứ thần Việt Nam đến viếng thăm và đề thơ, như Nguyễn Tông Quai với bài “Đề Trọng Phu Tử miếu” (3 bài); Nguyễn Huy Oánh với tác phẩm “Phụng sứ Yên Kinh tổng ca tịnh nhật ký”; Hồ Sĩ Đống với bài “Trọng Phu Tử miếu lưu khắc thạch”; Đinh Nho Hoàn với bài “Quá Cổn Châu đề Tử Lộ miếu”; Vũ Huy Đỉnh với bài “Đề Trọng Phu Tử từ”. Bài thơ trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cho là của Nguyễn Thuật, nằm trong quyển thứ 2 của tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” của Hà Đình Nguyễn Thuật (trang 256), với tiêu đề là “Lưu đề Trọng Phu Tử miếu”.
GS. Chen cho biết, bài thơ trên nằm trong tập “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật, và còn cho biết nó được in trong bộ “Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập” do Đại học Phúc Đán (Thượng Hải - Trung Quốc) xuất bản vào năm 2010. Tuy nhiên, GS. Chen lại cho rằng bài thơ này là của Nguyễn Huy Oánh nhưng bị chép vào tập “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật. Trong kỷ yếu “Hà Đình Nguyễn Thuật - danh nhân văn hóa”, một số nhà nghiên cứu cũng cùng quan điểm với GS. Chen (trang 545), cho rằng nhiều bài thơ của Nguyễn Huy Oánh bị chép lẫn vào thơ của Nguyễn Thuật. Song cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng; ngược lại, trong khi thực tiễn thư tịch, bài thơ này hiện vẫn nằm trong tập “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật.
Nếu thực sự đây là bài thơ, là bút tích của Nguyễn Thuật lưu lại trên đất Trung Quốc sẽ hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với gia đình ông mà cả vùng đất xứ Quảng khoa bảng “ngũ phụng tề phi”. Bởi, trả lời các câu hỏi của cử tọa tại hội thảo, GS. Chen cũng đã giải thích thêm rằng, thợ khắc đá ở Trung Quốc không đủ trình độ học vấn, chỉ dựa vào bút tích của các sứ giả Việt Nam để khắc, cho nên những bài thơ được khắc ở Trung Quốc đó chính là bút tích của các sứ giả Việt Nam. Thêm nữa, không phải triều đại nào hay chính quyền địa phương nào cũng cho phép việc khắc thơ của sứ giả Việt Nam như vậy, cho nên những bài thơ được khắc bia lưu ở sở tại chắc hẳn rất giá trị.
NGUYỄN DỊ CỔ
http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/nha-vat/201709/nguyen-thuat-da-khac-tho-tren-dat-trung-quoc-756350/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.