Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

12/09/2017

Tiếng Việt khắp nơi trong bệnh viện ở Sing (ghi chép của một người nhà bệnh nhân)

Một ghi chép thực tế, có kèm thêm cả mấy cái ảnh.

Thực trạng y tế của Việt Nam đang "thủng lưới" như vậy, quả đúng, như Viện Tim mạch trong 10 năm qua thì đợt trước có ghi chép của Nguyễn Chí Công (ở đây).

Từ đây trở xuống là của Fb Oanh Nguyen Thi.



---

Oanh Nguyen Thiさんが写真13件を追加しました。
5時間前
Trong lúc ngồi chờ chồng khám bệnh tại Bệnh viện (BV) Mount Elizabeth ở Singapore, tình cờ đọc được những số liệu mới nhất này của đảo quốc sư tử trong cuốn Portfolio vừa xuất bản tháng 8/2017.
Chưa nói đến những con số khác, chỉ nhìn vào GDP của họ cũng đủ thấy... choáng! Vào năm 2010, GDP bình quân đầu người của Singapore đã ở mức cao nhất thế giới với 56.532 USD. Đến năm 2016, con số này tiếp tục tăng lên là 73.167 USD và đảo quốc vẫn giữ vị trí thứ 7 trong tốp 10 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Tất nhiên, theo đánh giá của các nhà kinh tế, mức tăng trưởng vậy là chưa cao, thậm chí còn có phần chững lại so với tốc độ phát triển trước năm 2010. Song, với một kẻ đến từ quốc gia đang có GDP trên đầu người ở mức 2.200 USD (chưa bằng con số lẻ hàng ngàn của họ) thì như thế cũng đã đủ để chóng mặt lắm rồi ...😢
Trong BV, xung quanh tôi, người nói tiếng Việt đầy nhóc! Elizabeth Mount là một đơn vị thành viên thuộc hệ thống chăm sóc sức khoẻ Parkway - một hệ thống bệnh viện tư lớn nhất tại Singapore và đang trở nên quen thuộc với nhiều người Việt trong vài năm gần đây. Vừa ngồi chờ đợi thân nhân ở các hàng ghế trong BV, người ta vừa rì rầm chia sẻ những câu chuyện với nhau. Nào là một cậu bé mới 2 tuổi bị phát hiện ung thư máu từ hồi 15 tháng, bác sĩ ở Hà Nội đã từ chối, may mà gia đình quyết định đưa sang Sing và bé đang đáp ứng phác đồ điều trị ở mức tuyệt vời! Nào là một doanh nhân ở Sài Gòn bị chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối. Gia đình rầu rĩ mang sang đây với suy nghĩ "còn nước còn tát". Ai dè bác sĩ bên Sing khám lại xác định mới là giai đoạn đầu và cho mổ ngay. Nay qua tái khám, xác định bệnh đã "dập" được ổn định, không di căn. Cả nhà mừng rỡ như đón người thân từ cõi chết trở về v.v...
Chưa có số liệu nào được công bố chính thức về ngành công nghiệp "xuất khẩu y tế" của Singapore sang các nước trong khu vực. Nhưng chỉ nhìn những đoàn người tấp nập từ VN, Malaysia, Thái Lan, Philippines... đổ về riêng hệ thống bệnh viện này để khám, chữa bệnh đã có thể hình dung được đôi nét về một ngành kinh tế mới đang góp phần tích cực vào việc tăng trưởng GDP của Singapore ngày nay. Hệ thống Parkway còn chuyên nghiệp hóa hoạt động phục vụ bệnh nhân quốc tế bằng cách cung cấp dịch vụ phiên dịch miễn phí, chẳng hạn luân phiên đưa các nhân viên từ văn phòng đại diện tại VN sang Sing để hỗ trợ cho khách hàng. Bây giờ, ngay cả việc chích ngừa cho trẻ nhỏ, nhiều gia đình ở VN cũng ôm con qua Sing bởi tin tưởng vào nguồn gốc cũng như chất lượng ổn định của vắc-xin tại đây. Giá cả dường như không phải vấn đề lớn với họ vì nỗi ám ảnh lo vắc-xin dỏm hay thiếu vắc-xin ở VN còn là chuyện lớn hơn nhiều ☹️.
Tôi đưa chồng tái khám. Gặp hai ông bác sĩ và làm vài xét nghiệm kiểm tra máu, tim mạch, chụp CT não và DSA mạch máu, thế mà sơ sơ đã tốn trên 200 triệu đồng! Nếu chồng không mua bảo hiểm y tế quốc tế chắc sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc lui tới đây 😞. Vậy mà sao đi chỗ nào trong BV cũng nghe thấy tiếng Việt?
*** 
Buổi tối cuối tuần, tranh thủ đi dạo và tham quan khu South Beach của Singapore. Từ Khách sạn J.W Marriott, có thể đi bộ theo đại lộ South Beach đến cụm "Nhà hát trái sầu riêng" Esplanade nổi tiếng. Điều thú vị là người Sing đã xây dựng được một hệ thống đi bộ ngầm vô cùng hiện đại, hợp lý và thuận tiện dưới lòng đất nơi đây. Như một thành phố thu nhỏ với các thang cuốn và thang máy hỗ trợ lên xuống, khách bộ hành có thể la cà trải nghiệm shopping dọc hai bên đường hoặc thưởng thức ẩm thực tại các cửa hàng ăn uống cũng như các khu vực food court ở cả dưới và trên mặt đất trong khu vực này. Hàng chục lối rẽ với các bảng chỉ dẫn tỏa ra từ đây cũng giúp người đi bộ có thể "chui" lên rất nhiều trục đường chính ở bên trên. Nếu ai đã từng đến tham quan khu vực Nhà hát Opera danh tiếng của Sydney (Úc) mà người Việt hay gọi nôm na là "Nhà hát con sò" thì khi tới đây sẽ nghĩ rằng người Sing đã học hỏi người Úc trong quy hoạch và xây dựng mô hình các khu phụ cận bên dưới cũng như xung quanh "Nhà hát trái sầu riêng". Tương tự như nhiều đô thị phát triển trên thế giới và còn bị giới hạn bởi diện tích nhỏ bé của mình, Singapore cũng phải đối mặt với bài toán khó về giải quyết lưu thông trên đường phố trong khi tình trạng kẹt xe đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thật ra, việc xây dựng hệ thống giao thông ngầm dưới lòng đất không phải là chuyện mới lạ mà đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ hàng trăm năm nay. Vấn đề là người Sing đã học tập các mô hình tốt ở nước ngoài đem về áp dụng nhanh hơn và hay hơn cho nước mình. Tất nhiên là nhờ họ có một chính quyền đủ sạch và đủ mạnh để ngăn chặn nạn tham nhũng cũng như triệt hạ hiệu quả việc hình thành các nhóm lợi ích khi triển khai mọi công trình liên quan đến đầu tư công.

Hoà vào dòng người ngồi nghe nhạc miễn phí xung quanh khu vực hành lang của Esplanade, rồi đắm mình vào không khí trong lành của Singapore về đêm với những làn gió mát rượi từ biển, cảm nhận người dân nơi đây đang được hưởng một cuộc sống thật yên bình và sung túc không chỉ về kinh tế mà còn về đẳng cấp văn hóa. Dù diện tích quốc gia chỉ có 719 km2 và hơn 5 triệu dân, nhưng chính quyền Singapore đã dành ra tới 6 ha đất ở vị trí đẹp nhất bên bờ vịnh Marina để đầu tư tổ hợp trung tâm biểu diễn nghệ thuật Esplanade với tổng kinh phí xây dựng khoảng 600 triệu SGD. Nghĩ đến Nhà hát lớn ở Hà Nội và Nhà hát TP ở Sài Gòn với diện tích nhỏ nhoi may mắn có được từ thời Pháp thuộc mà buồn! Tại TP.HCM, cũng đã từng có cả một kế hoạch xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch (HBSO). Tuy nhiên, dù dự án đã được phê duyệt từ năm 1999, nhưng trong suốt 18 năm qua, mọi thứ vẫn nằm nguyên trên giấy vì lý do... không có đất! Mỗi lần biểu diễn, HBSO lại phải chạy vạy tìm rạp này rạp kia để thuê mướn. Khổ nhất là những khi có chương trình mời các bạn quốc tế tham dự, muốn làm hoành tráng cũng khó vô cùng vì kể cả Nhà hát TP cũng không đủ điều kiện đáp ứng cho những buổi biểu diễn nhạc giao hưởng và thính phòng đúng chuẩn! Mới hôm trước, nghe phụ huynh là những nghệ sĩ nổi tiếng đang công tác tại HBSO kể hàng chục năm nay họ vẫn phải dạy cho sinh viên trong những căn phòng thuê mướn tạm bợ không có máy lạnh. Thầy trò cứ đầm đìa mồ hôi vật lộn với âm nhạc trong những ngày nắng nóng. Vừa rồi thì có tin vui là các phòng học đã được gắn máy lạnh, nhưng lại kèm theo tin buồn là hệ thống điện ở đó không đủ công suất để chạy máy lạnh! Nghe kể mà không biết nên cười hay nên khóc vì thương những tâm hồn nghệ sĩ đúng là chỉ biết sống bằng niềm tin vào... nghệ thuật 😭
*** 
Trên chuyến máy bay của Vietnam Airline từ sân bay Changi đến TP.HCM hôm hai vợ chồng trở về, chỉ thấy hành khách chủ yếu là người Việt. Họ sang Sing để đi du lịch, đi thăm con cái du học, đi khám chữa bệnh và cả đi shopping. Hầu như tất cả những nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống đều được nhiều người Việt "gửi gắm" ở Singapore. Tự hỏi không biết hàng năm dân VN (trong đó có gia đình mình) buộc phải "tự nguyện đóng góp" thêm bao nhiêu phần trăm vào tỷ lệ tăng trưởng GDP của Singapore? Không chỉ thua kém về mặt bằng quốc kế dân sinh, bao nhiêu năm qua, VN vẫn loay hoay không xác định nổi "thế mạnh" là gì ngoài những câu ca cũ rích về "sự ổn định chính trị" và "nhân công rẻ", trong khi đã tụt hậu sau nước bạn hàng thế kỷ 😢. Tại khách sạn tôi ở, tình cờ gặp mấy em gái người Việt làm nhân viên phục vụ phòng. Các em người thì đã có chồng con ở Sing, người thì mới sang được vài năm, nói chuyện còn lộ rõ vẻ chân chất của các cô gái ngoại thành ở VN. Các em khoe dù phải làm việc rất cật lực và công việc không hề nhẹ nhàng, nhưng với mức lương khoảng 2.000 SDG/tháng, mấy chị em đều yên tâm "bám trụ" tại đây để hy vọng được sinh sống lâu dài ổn định ở Singapore mà không phải trở về VN!

"Không phải trở về VN"! Tôi đã từng nghe cụm từ xa xót đó nhiều lần trước đây trong những dịp gặp gỡ các em du học sinh ở Canada, Mỹ, Úc... Câu hỏi "Vì sao..." mặn đắng từ lời chia sẻ ngậm ngùi ấy đã hàng ngàn lần được đặt ra nhưng hình như cũng chẳng có ai buồn bận tâm đến việc trả lời!
Singapore và Việt Nam cùng có quốc khánh vào mùa Thu và người Sing vừa kỷ niệm quốc khánh lần thứ 52 vào ngày 9/8 vừa qua. Trên các đường phố của Singapore chỉ thấy thể hiện tập trung con số 52 chứ không thấy băng rôn, khẩu hiệu đỏ rực khắp nơi như ở ta. Và trong khi báo chí chính thống của Việt Nam đăng tải các bài viết hào hùng ca ngợi đất nước với những cái tựa kiểu như: "Dân tộc ta đi không gì cản nổi" (Vietnamnet.vn ngày 2/9/2017) thì người Singapore chỉ giản dị công bố "Singapore by the numbers" (Singapore qua các con số). Vâng, chỉ là những con số thôi, không cần phải ồn ào "ngoa ngôn", thế nhưng cả thế giới luôn phải ngước nhìn và kính nể họ!
Có lẽ đó cũng chính là một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa một quốc gia đứng thứ 4 và một quốc gia đứng thứ 128 trong bảng xếp hạng 189 quốc gia theo thứ tự từ giàu nhất đến nghèo nhất của năm 2016 do Global Finance Magazine vừa công bố hồi đầu năm nay. Khi nghe điều này, nhiều người dân sống tại miền Nam VN trước năm 1975 đều cười buồn bảo: "Những năm 60 thuộc thế kỷ trước, Singapore không là gì cả so với "hòn ngọc Viễn Đông" của mình hồi ấy..." 😞.
Vâng, họ đã từng "không là gì cả" so với Sài Gòn cách đây đúng 52 năm... 

















https://www.facebook.com/oanh.nguyenthi.96/posts/1477180948984058



---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:















Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.