Là một sưu tập.
Tư liệu được bổ sung dần theo thứ tự ngược như mọi khi.
---
.
2. Tháng 8/2016
Hội nghị nghiệm thu đề án “Tín ngưỡng và quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng ở Việt Nam” | ||
Ngày 26/8/2016, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội nghị nghiệm thu đề án “Tín ngưỡng và quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng ở Việt Nam”. Tham dự hội nghị có TS. Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực điều hành, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến tháng 7/2015 cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng. Hầu hết các cơ sở tín ngưỡng đều đi vào hoạt động. Cả nước có hơn 10.000 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Các tôn giáo khi du nhập vào Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa và có tiếp thu biến đổi cho phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam. Tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hòa đồng, đan xen lẫn nhau là cơ sở để các tôn giáo, tín ngưỡng hội nhập, giao lưu, đoàn kết, cùng nhau phát triển hài hòa vì mục tiêu phụng sự đạo, phụng sự nhân dân, xây dựng đất nước; đồng thời góp phần duy trì nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người Việt Nam. Hội đồng nghiệm thu Đề án đã phân tích, đánh giá kết quả nghiên cứu của Đề án. Đây là nguồn tư liệu đảm bảo tính khoa học và thực tiễn giúp cho việc định hướng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Chủ nhiệm Đề án trình bày kết quả nghiên cứu Đề án
PGS.TS Đỗ Lan Hiền, phản biện 1 phát biểu tại Hội nghị
Th.s Trần Thị Minh Nga, phản biện 2 phát biểu tại Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Việt Bách |
1. Tháng 1/2016
Phân định rõ cơ quan quản lý trong lĩnh vực tín ngưỡng
Ngày 12/1, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về Tôn giáo – UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý vào đề án “Tín ngưỡng và quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng ở Việt Nam”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình chủ trì buổi góp ý.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu khai mạc hội nghị.
Dự thảo đề án “Tín ngưỡng và quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng ở Việt Nam” có 4 cấu phần gồm những vấn đề cơ bản về tín ngưỡng ở Việt Nam; Thực trạng hoạt động tín ngưỡng và công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng ở Việt Nam; Dự báo tình hình và những vấn đề đặt ra trong công tác đối với tín ngưỡng; Giải pháp và kiến nghị.
Theo dự thảo đề án, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú, được hình thành từ rất sớm, trong đó có nhiều loại hình tín ngưỡng có từ hàng nghìn năm, trải qua nhiều chế độ xã hội Việt Nam, có lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn tồn tại và phát triển.
Trong các hình thức tín ngưỡng ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên, thờ Vua Hùng và các anh hùng có công với dân tộc là các loại hình tín ngưỡng tồn tại phổ biến và lâu đời nhất trở thành một nét văn hóa chủ đạo của người Việt Nam, đã và đang ảnh hưởng tích cực đến việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoạt động tín ngưỡng từng bước đi vào nền nếp và có bước phát triển tích cực, hình thành nếp sống văn hóa cho cộng đồng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trật tự kỷ cương trong hoạt động tín ngưỡng từng bước được thiết lập.
Tuy nhiên dự thảo đề án cũng chỉ ra, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng còn hạn chế đó là quy định của pháp luật về tín ngưỡng chưa rõ. Công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng hiện nay chưa chặt chẽ về cả nội dung quản lý và cơ chế phối hợp. Bộ máy quản lý hoạt động tín ngưỡng chưa được phân công cho ngành nào quản lý. Việc thiếu vắng một cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển tự phát, lệch chuẩn của một số tín ngưỡng thời gian gần đây, lợi dụng tín ngưỡng để vi phạm pháp luật.
Toàn cảnh Hội nghị.
Góp ý vào dự thảo đề án ông Trần Đình Phùng - Phó chủ nhiệm HĐTV về tôn giáo đề nghị, cần đánh giá, nhận diện đúng về tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng ở Việt Nam. Tín ngưỡng, lễ hội ngày càng phát triển nhưng thiếu sự quản lý của Nhà nước. Những hoạt động mê tín dị đoan ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đặt ra cần có sự quản lý trong hoạt động tín ngưỡng để phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Ông Phùng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong đó có phân định rõ quản lý ngành, địa phương về tôn giáo và tín ngưỡng. Cần đề cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể phối hợp với chính quyền trong tuyên truyền phổ biến chủ trương đường lối chính sách, giám sát việc thực hiện các hoạt động tín ngưỡng trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Ông Nguyễn Hữu Oanh - thành viên HĐTV về tôn giáo cho rằng chưa bao giờ hoạt động tín ngưỡng được thực hành tự do như ngày nay. Nhiều hoạt động rất lành mạnh, phong phú đa dạng như tục thờ cúng tổ tiên, vinh danh các anh hùng dân tộc... Tuy nhiên chúng ta để một số người lợi dụng để thực hiện mê tín công khai dẫn đến việc người dân mất phương hướng trong khi đó quản lý nhà nước chưa phân biệt được chỗ nào phải bảo vệ, hướng dẫn người dân
“Phải nhìn nhận thực chất để vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của người dân, chỗ nào là mê tín thì phải ngăn chặn, hướng người dân đi đến lành mạnh. Cần phân định rõ cơ quan quản lý trong lĩnh vực tín ngưỡng. Nên giao cho Ban Tôn giáo Chính phủ bên cạnh chức năng quản lý về tôn giáo làm thêm chức năng quản lý về tín ngưỡng”, ông Oanh đề nghị.
Ông Trương Hải Cường, thành viên HĐTV về tôn giáo cho rằng tín ngưỡng là của cộng động ở làng xã nên định hướng quản lý ở cấp xã phường theo hướng tự quản của cộng đồng làng xã hơn là quản lý của chính quyền.
Cũng theo các đại biểu cần chú trọng giữ gìn phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng truyền thống, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, giúp cộng đồng thực hiện nếp sống văn minh phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đối với những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng chưa được quy định hoặc chưa quy định đầy đủ, chậm được điều chỉnh trong các văn bản pháp lý các đại biểu đề nghị cần tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng.
Đối với những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng chưa được quy định hoặc chưa quy định đầy đủ, chậm được điều chỉnh trong các văn bản pháp lý các đại biểu đề nghị cần tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng.
Phát biểu tại buổi góp ý Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho biết, năm 2012, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, xây dựng Đề án "Tín ngưỡng và quản lý Nhà nước đối với tín ngưỡng ở Việt Nam". Với trách nhiệm của mình, UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia góp ý vào nội dung Đề án để làm cho đề án khi triển khai thực hiện sát với tình hình thực tiễn tín ngưỡng của Việt Nam cũng như góp phần vào việc xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình khẳng định sẽ tập hợp những ý kiến trình Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để có ý kiến đóng góp với cơ quan soạn thảo qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về tín ngưỡng.
Anh Vũ
Ảnh: Hoàng Long
Ảnh: Hoàng Long
http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/phan-dinh-ro-co-quan-quan-ly-trong-linh-vuc-tin-nguong/83729
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.