Vấn đề danh xưng "bác Hồ" và "Bác Hồ" đã được blog này nêu từ năm 2013 (có thể đọc toàn văn ở đây).
Lúc đó đã viết:
Lúc đó đã viết:
"Qua những tư liệu gốc gác hơn, sớm hơn, ta cũng sẽ thấy một sự khá ngập ngừng khi bắt đầu sử dụng danh xưng ấy. Không phải ngay từ đầu, ông đã mạnh dạn đưa ra cách xưng hô "Bác Hồ" cho mình.
Thật ra, ông chỉ tự viết mình là "bác Hồ" vào tháng 12 năm 1945. Viết hoa cả hai thành "Bác Hồ" đầu tiên lại không phải ông.
Bởi vậy, nguyên ủy của danh xưng ấy, không thuộc hoàn toàn về ông."
Bây giờ, có thêm một luận bàn nữa, của bạn Nguyễn Phúc Anh.
Toàn văn ở dưới là lấy về từ Fb NPA.
---
"
福英 阮さんが写真4件を追加しました — 友達:
“Bác Hồ” và “bác Hồ” là hai cách gọi/viết tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh quen thuộc với chúng tôi, những người thuộc thế hệ sinh ra sau thời kỳ Đổi mới. Chúng tôi “thực hành” nhưng không thực sự hiểu về những cách gọi/viết tên này.
Sử gia Patricia Pelley trong chuyên luận của bà “Việt Nam hậu thực dân - Lịch sử mới về quá khứ dân tộc” cũng từng băn khoăn về lịch sử của cách gọi và viết tên Hồ Chí Minh. Bà cho biết Hồ chủ tịch thường xưng là “bác” và người nghe thường tự xưng mình là “cháu” hoặc “tôi” với ông.
Đó là trên khía cạnh gọi tên bằng “lời nói”.
Còn trên khía cạnh viết tên, đương nhiên có sự khác biệt rất lớn giữa cách viết “bác Hồ” và cách viết “Bác Hồ”.
Cách viết với chữ “Bác” in hoa thể hiện sự tôn trọng đối với Hồ chủ tịch bằng cách biến một danh từ chung thành một danh từ riêng.
Từ khi nào thì cách viết “Bác Hồ” với chữ Bác in hoa trở nên phổ biến?
Cách gọi “bác Hồ” xuất hiện rất sớm, trong Hội nghị Trung ương VIII tháng 5 năm 1941 ở Pắc Bó, Cao Bằng. Những người tham gia Hội nghị để tiện xưng hô thì gọi Hồ Chí Minh là bác Hồ.
Thông tin này dựa vào hồi kí của các lãnh đạo cách mạng. Chúng ta tuy không thể kiểm chứng thực hư và cũng không biết (nếu có) trong trường hợp này Hồ chủ tịch được gọi/viết như là “bác Hồ” hay là “Bác Hồ”.
Cá nhân chúng tôi nghiêng về giả thiết thứ nhất: “bác Hồ”. Nguyên nhân vì phong tục ở một số vùng miền, đặc biệt là trung du miền núi phía Bắc Việt Nam, người ta gọi tất cả những người có vẻ lớn tuổi hơn họ, hoặc đã có con, hoặc đơn giản là người trung niên là “bác” và xưng “tôi”.
Cách gọi này không phổ biến rộng rãi trước cách mạng.
Cách gọi phổ biến trước cách mạng và kéo dài sau cách mạng là Cụ Hồ. "Cụ" ở đây là cách gọi những người lớn tuổi hơn một cách hết sức kính trọng và thường được sử dụng để gọi những chí sĩ yêu nước như cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Còn xu hướng dùng Bác Hồ như một danh từ riêng có lẽ bắt đầu ngay sau cách mạng Tháng Tám. Từ cuối năm 1945, trong bài hát “Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã, danh từ "bác" bắt đầu được dùng như một danh từ riêng. "Bác nay, tuy đã già rồi”, “Bác chúng em”,.…
Tuy nhiên, chúng ta không có bản gốc của bài hát Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng để biết chữ “bác” có được chủ trương viết hoa không.
Chúng ta có thể thấy cách viết “bác Hồ” với chữ “bác” in thường lần đầu tiên xuất hiện trong bài viết “Nhi-đồng và thiếu niên, thiếu nữ tiền phong tặng áo cụ Hồ” trên báo Cứu Quốc, số 157, ngày mùng 7 tháng 2 năm 1946.
Cách gọi này ban đầu là cách trẻ con và thanh niên gọi Hồ Chí Minh như gọi một người già hơn bố mẹ họ.
Đáng chú ý nhất, 5 tháng sau khi chính thức phổ biến cách gọi “bác Hồ” với chữ bác viết thường, cũng trên báo Cứu Quốc, số 239, ngày 14 tháng 5 năm 1946, người ta bắt đầu viết lẫn lộn hai cách viết “bác Hồ” và “Bác Hồ” một cách tương đối có chủ ý.
Trên số báo này có “Thơ của bác Hồ tặng các cháu Nhi-đồng” với chữ bác viết thường.
Cũng trên số báo này, lần đầu tiên, có một bài viết chủ trương chuyển “bác Hồ” thành cách gọi/viết “Bác Hồ” một cách chính thức.
Bài viết này được cho là rút ra từ một sách của một nhân vật tên là Mắt Biển (cây viết chính của báo Cứu Quốc) gửi cho các em anh ở miền Nam. Quyển sách đó đự định đặt tên là “Bác Hồ-chí-Minh”. Quyển sách này có thể chưa bao giờ ra đời và cũng không ai biết rõ Mắt Biển là ai.
Trong bài viết, anh Mắt Biển viết rằng: “Anh muốn bắt chiếc một cái tiếng thân ái nhất của miền em mà kêu Già chúng ta bằng Bác. Ở trong ấy, một người già bao giờ, ai cũng gọi bằng Bác. Cái tiếng Bác yêu quý, gần gũi và thân mật biết bao. Chỉ ở trong nơi em, trên cái mảnh bán đảo trẻ trung và xanh tốt ấy mới có thể có được một tiếng đẹp thế, đúng thế. Từ đây, anh nhất định bắt chiếc hai em, gọi Già là Bác, Bác Hồ, Bác Hồ Chí minh sáng ngời của lũ chúng ta….”
Từ đó, cách gọi “bác Hồ”/"Bác Hồ" từ cách gọi mang tính vùng miền, một cách gọi dành riêng cho thanh thiếu niên gọi Hồ Chí Minh, chính thức trở thành cách gọi chung cho tất cả mọi người.
Cũng từ đó, tên gọi Bác Hồ và cách viết hoa Bác Hồ đã trở thành cách viết khổ biến và chính thức trên các báo chí và các ấn phẩm cách mạng.
————
Bài viết dành cho Thư viện Khoa học: https://www.facebook.com/elibrary.su/
Với tư cách: Cộng tác viên
Cùng viết về vấn đề này có bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài, "Trường hợp Bác Hồ". Thông tin bài viết và lập luận chưa thực sự chuẩn xác nên chúng tôi muốn cung cấp thông tin mà theo chúng tôi chuẩn xác hơnhttp://www.tintuchangngayonline.com/…/pham-thi-hoai-truong-…
"
https://www.facebook.com/anhnp86/posts/903006859837606
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.