Lấy nguyên về từ Fb Nguyễn Phúc Anh.
---
Năm nay kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố học giả, giáo sư Lương Kim Định (Giáo sư mất ngày 25 tháng 03 năm 1997). Chúng tôi sau nhiều năm sưu tầm và đọc các trước tác của Kim Định, nhận thấy, đây là lúc để chúng tôi:
ĐƯA TOÀN VĂN TOÀN BỘ TRỨ TÁC CỦA KIM ĐỊNH MÀ THƯ VIỆN NHÂN HỌC CÓ RA CÔNG KHAI ĐỂ MỌI NGƯỜI CÓ THỂ ĐỌC VÀ TRUY CẬP KHÔNG GIỚI HẠN. Mọi người có thể truy cập và download ở đường link dưới đây:
DỰA THEO TRUYỀN THỐNG CỦA CHU VĂN AN, CHÚNG TÔI ĐƯA RA BẢY ĐIỂM KHÔNG ỔN TRONG TRƯỚC TÁC CỦA GIÁO SƯ LƯƠNG KIM ĐỊNH:
Điều 1: Trước tác của giáo sư HOÀN TOÀN dựa trên sự tưởng tượng: các khái niệm tưởng tượng, những sự việc chỉ xảy ra trong tưởng tượng hoặc chả tìm thấy ở đâu, những liên kết khái niệm phi lí không ai hình dung được là có thể xảy ra trên một văn bản triết học hay sử học. Làm sao có thể thực sự “kiểm chứng” hết được những yếu tố tưởng tượng này?
Điều 2: Trên cơ sở những luận điểm TƯỞNG TƯỢNG, Kim Định liên tục xây tiếp những luận điểm TƯỞNG TƯỢNG khác. Một kiểu “chồng trứng” các luận điểm (mượn chữ của Trần Trọng Dương). Một nghiên cứu có vài “yếu tố” tưởng tượng thì MAY RA có thể công nhận hoặc gạt bỏ, một nghiên cứu mà từ phần đầu đến phần cuối chỉ toàn TƯỞNG TƯỢNG thì mất một đời để gạt bỏ. Gạt bỏ xong cũng không học được gì nhiều ngoài sự bực bội. Nhiều đồng nghiệp đã nói với tôi đừng tốn thời gian đi gạt bỏ hoặc chứng minh những cái đấy làm gì. Việc kiểm chứng lúc này sẽ chỉ mất thời gian. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy?
Điều 3: Kim Định viết sách không dựa trên những nguyên tắc TỐI THIỂU của một tư duy logic BÌNH THƯỜNG tồn tại từ thời Plato (người ta có thể đối thoại với những người chấp nhận ÍT NHIỀU những nguyên tắc logic trong lập luận chứ không thể đối thoại được với những diễn giải KHÔNG TUÂN THEO BẤT KỲ nguyên tắc logic nào trong lập luận.
Điều 4: Ông đặt ra những câu hỏi và vấn đề LẠC HẬU ngay cả với đương thời của ông. Những câu hỏi mà Kim Định đặt ra dựa trên căn bản của chủ nghĩa nhị nguyên văn hóa, đối lập Phương Đông – Phương Tây, và tiến hóa luận văn hóa,… Nhiều cách đặt vấn đề đã bị phê phán thậm chí từ trước khi Kim Định ra đời (1914). Tôi ƯỚC AO mong đợi được đọc 1 luận điểm thuyết phục của Kim Định còn đứng vững trước thời gian.
Điều 5: Kim Định KHÔNG DỰA TRÊN SỰ PHÊ PHÁN KẾ THỪA NGHIÊM TÚC bất kỳ nghiên cứu nào trước ông. Một ví dụ, Kim Định trong trước tác của mình liên tục nói về Cấu trúc luận/ Cơ cấu luận của Lévi-Strauss. Nhưng ông không nắm được tinh thần của cấu trúc luận Lévi-Strauss. Cấu trúc luận của Lévi-Strauss hướng đến việc tìm kiếm những cấu trúc tiềm ẩn mang tính chất phổ biến hoặc phổ quát giữa các nền văn hóa hoặc nhóm, cộng đồng khác nhau thậm chí là của nhân loại. Còn Kim Định luôn tìm cách khẳng định sự riêng rẽ, độc lập, đặc thù, độc đáo, duy nhất, trung tâm của cái mà ông gọi là “Việt” như một trong ba “thể” văn hóa của thế giới là Ấn, Âu, Việt. Cái thiếu nhất là trong những trước tác của Kim Định là THIẾU NỖ LỰC trong việc tìm ra những cấu trúc chung và phổ quát hiện diện trong nhiều nền văn hoá và cộng đồng thực tế khác nhau mà chỉ hướng đến khẳng định sự độc tôn chí thượng của văn hóa “Việt” trong khu vực.
Điều 6: Kim Định và những người chịu ảnh hưởng của ông khuyến khích một cách đưa ra diễn giải hoàn toàn dựa trên sự tưởng tượng và tưởng tượng và tưởng tượng và tưởng tượng. Điều này đi ngược lại với nguyên tắc diễn giải của cả Sử học lẫn Triết học. Mọi người có thể biện hộ cho Kim Định và nói rằng ông ấy là nhà triết học nên có quyền tư biện. Đúng vậy. Nhưng tư biện thì ai cũng có, điều gì làm nên sự khác biệt giữa tư biện như một nhà triết học với tư biện như một người KHÔNG PHẢI nhà triết học?
Điều 7: Kim Định đã góp phần tạo nên phong cách làm việc và hệ thống môn đồ là những người viết theo phong cách cùng tinh thần bất chấp tất cả dẫn chứng cùng lí lẽ.
Ở Việt Nam, hệ thống bình duyệt ẩn danh trước khi xuất bản hầu như KHÔNG TỒN TẠI đã khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Với phong cách làm việc liều mạng, một số tác giả như Hà Văn Thùy, người chịu ảnh hưởng của Kim Định, đã cho ra đời một lượng sách lớn hơn nhiều hơn rất nhiều giáo sư danh tiếng của Đại học Harvard. Ông này có ảnh hưởng cao trong giới mua trưng bày, người đọc ngoài chuyên môn, giới doanh nhân bán cà phê hóa học, và cả đám học sinh khốn khổ cần một cái gì đó nhanh đưa đến kết luận hơn là tỉ mẩn ngồi đọc những lập luận rắc rối.
Những bài viết theo phong cách Kim Định, cách làm việc, tư duy kiểu Kim Định gây hại cho người đọc theo phong cách “điều sai nói mãi cũng thành đúng”.
Những người muốn phản biện vì làm việc cẩn trọng và không liều lĩnh nên cũng chả được năng sản như người viết ra những lập luận hồ đồ. Đưa ra một diễn giải hồ đồ không căn cứ thì dễ, gạt bỏ nó thì đương nhiên là mất nhiều công, tâm sức và thời gian.
Kinh nghiệm của những người cố gắng phản biện Hà Văn Thùy cho thấy: họ mất một vài tháng để viết một bài phản biện nghiêm túc. Nửa ngày sau khi công bố bài phản biện thì dính ngay một bài "phản biện lại phản biện" theo kiểu: 1. Học giả A, B, C, D,… Z không đồng ý với tôi. Các vị ấy đều chưa hiểu rõ và thiếu kiến thức. “Chính vì vậy họ cản trở tiến bộ trí tuệ”. 2. Thưa ông, từ khảo cứu của mình (dẫn ra nửa tá sách, bài báo đã xuất bản của chính mình) tôi khẳng định và không còn nghi ngờ gì nữa: – Tiếng Việt là…. – Người Việt là…. – Văn hóa Việt….- Cái quần đùi Việt…. 3. Tại sao tôi nói thế? “70.000 năm trước, Mongoloid phương Bắc,….. Mongoloid phương Nam, Mongoloid và Australoid hòa huyết,…. bốn chủng người Việt cổ: Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid. 4. Và thế là tôi đúng rồi còn gì nữa?
Đây là trường hợp tệ nhất, nản lòng nhất. Những trường hợp nhỏ hơn không kể xiết. Người chịu khó và cẩn trọng thì thường ít, mà người cẩu thả theo phong cách Kim Định thì nhiều. Những người này có điều kiện xuất bản, kinh phí hỗ trợ, tầm ảnh hưởng đè chết nhúm học giả chậm chạp kĩ lưỡng còn lại. Vì vậy chốt lại, thay vì khuyến khích đánh giá cao diễn giải hồ đồ có tính tranh biện cao mà học thuật ở Việt Nam đang rất sẵn và thừa mứa thì chi bằng nghiêm khắc không để những cái đó nảy sinh thêm trong học thuật.
——————
Thư viện Nhân học là một thư viện phi lợi nhuận, chúng tôi chủ trương TẬP HỢP TOÀN BỘ những tư liệu NGHIÊN CỨU hoặc PHỤC VỤ CHO NGHIÊN CỨU về VIỆT NAM ở nước ngoài bằng các thứ tiếng ANH - TRUNG - VIỆT - NHẬT - HÀN - PHÁP về một nơi để tiện cho những nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước có cơ sở để tra cứu tư liệu phục vụ cho nghiên cứu của mình. ĐÂY SẼ LÀ THƯ VIỆN PHỤC VỤ NGHIÊN CỨU VIỆT NAM có quy mô LỚN NHẤT và HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ BẤT KÌ HẠN CHẾ NÀO TRONG VIỆC SỬ DỤNG THƯ VIỆN
Chi phí vận hành lưu trữ dữ liệu cực kỳ lớn, cộng với việc trả lương cho các bạn tình nguyện viên thu thập và chỉnh lý dữ liệu liên tục trong một thời gian dài khiến chúng tôi bắt buộc phải thu phí tham dự là 500 ngàn đồng 1 năm
Thư viện hiện có 170 ngàn đầu tư liệu đã qua chỉnh lý và hơn 10 triệu đầu sách đang trong quá trình chỉnh lý.
Dưới đây là thư mục của gần 30 ngàn đầu sách mới được chỉnh lý gần đây của Thư viện Nhân học (bao gồm sách tiếng Việt và tiếng Anh). Chúng tôi đang dần nạp tay từng quyển vào cơ sở dữ liệu mới.
https://www.facebook.com/anhnp86/posts/815622051909421
(Đọc lại Savage Mind của Claude Lévis Strauss)
Lặp đi lặp lại trong gần 40 năm nghiên cứu triết học, văn hóa, sử học Việt Nam là câu chuyện triết lý Âm - Dương là của VIỆT NAM (người phương Nam) hay TRUNG QUỐC (người phương Bắc).
Những học giả như: Kim Định, Trần Ngọc Thêm và những cây viết như Hà Văn Thùy, Mai Bá Ấn, Đỗ Quang Vinh, Nguyễn Thanh Đức, Nguyễn Vũ Tuấn Anh cùng môn đệ, Võ Văn Quang,…. và tầm khoảng vài chục người nữa đều chung tiếng nói khẳng định: Thuyết Âm Dương là CỦA NGƯỜI VIỆT, hoặc chí ít, người phương Nam (và vì thế nó vẫn là của ….người Việt).
Ý tưởng Âm Dương là của người Việt này bắt đầu với Kim Định, phổ biến diện rộng với Trần Ngọc Thêm, và tạo thành trường phái “cái gì cũng của Việt Nam” trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam suốt 25 năm qua.
Cả hai học giả này đều thừa nhận chịu ảnh hưởng và trích dẫn cấu trúc luận Claude Lévi-Strauss, nhưng không ai thực sự đọc Strauss và hiểu Strauss. Bởi như đã nói, cấu trúc luận của Strauss hướng đến tìm hiểu những cấu trúc tiềm ẩn mang tính phổ biến, hoặc phổ quát giữa các nền văn hóa, nhóm, cộng đồng khác nhau thậm chí là của nhân loại. Còn những học giả này, họ truy tìm “cấu trúc” là để nói rằng đấy là cấu trúc riêng rẽ, đặc thù, độc đáo, trung tâm, độc tôn chí thượng của “người Việt”, “văn hóa Việt”, “triết lý Việt”.
Có một quyển sách rất quan trọng của Strauss, quyển TƯ DUY NGUYÊN THỦY (Savage Mind) mà mọi sinh viên ngành Nhân loại học nếu học về Cấu trúc luận phải đọc. Trong quyển sách này, dựa trên việc nghiên cứu ngôn ngữ của rất nhiều nhóm dân cư dân nguyên thủy trên phạm vi toàn thế giới, Strauss chỉ ra rằng TƯ DUY ĐỐI LẬP LƯỠNG NGUYÊN (binary opposition) là một TƯ DUY PHỔ QUÁT của TOÀN NHÂN LOẠI chứ không phải của RIÊNG Việt Nam hay Trung Quốc.
Toàn bộ tư duy của nhân loại đều khởi đầu như một hệ thống của những cặp lưỡng nguyên đối lập: Trai - gái, trời - đất, trên - dưới, xa - gần, nóng - lạnh, âm - dương, cha - mẹ, tự nhiên - văn hóa, linga - yoni, tốt - xấu, thiện - ác, trong - ngoài. Dựa trên nền tảng của TƯ DUY ĐỐI LẬP LƯỠNG NGUYÊN, nhân loại khắp nơi trên thế giới đã tạo dựng nên những nền văn minh của họ.
Thậm chí sau này, những nhà khoa học thần kinh đã chứng minh rằng tư duy của CON NGƯỜI luôn có xu hướng đẩy mọi thứ về những cặp ĐỐI LẬP LƯỠNG NGUYÊN. Gần đây nhất, Hiroyuki Ichijo (2016) trên tạp chí Front Neurosci, tạp chí hàng đầu về khoa học thần kinh còn tìm ra dấu vết của kiểu “tư duy” này ở một số loài động vật tiến hóa bậc cao. Những nghiên cứu của họ đã KHẲNG ĐỊNH LẠI điều mà STRAUSS 50 NĂM TRƯỚC ĐÓ đã CHỨNG MINH bằng việc quan sát và phân tích cấu trúc NGÔN NGỮ của các nhóm dân nguyên thủy.
Triết học “phương Tây” cũng như tư tưởng “phương Đông” đều được xây dựng trên cơ sở của tư duy này. Triết học phương Tây từ Jacques Derrida trở đi (giữa thế kỉ 20) KẾ THỪA Strauss và cấu trúc luận, đồng thời tìm cách lật đổ hệ hình tư duy này để xây dựng một KIỂU TƯ DUY MỚI mới cho nhân loại, nhưng những nỗ lực này của họ hết sức vô vọng. Bởi nếu lật đổ hệ hình tư duy ĐỐI LẬP LƯỠNG NGUYÊN thì họ cũng mất luôn khả năng BIỂU ĐẠT Ý NGHĨA bằng NGÔN NGỮ. Mọi nỗ lực biểu đạt bằng NGÔN NGỮ - KÝ HIỆU cuối cùng đều quay ngược lại mô hình của Strauss về Tư duy Đối lập Lưỡng nguyên.
Vì thế là dễ hiểu nếu chủ nhân của những trống đồng thể hiện tư duy ĐỐI LẬP LƯỠNG NGUYÊN của họ trên mặt trống, dù họ chắc chắn không gọi nó là ÂM DƯƠNG.
Và đây cũng là lúc cần chấm dứt ngay những đối thoại nhàm chán về nguồn gốc của triết lý Âm - Dương của người Việt hay người Trung Quốc. Vì tư duy Âm - Dương KHÔNG CỦA RIÊNG AI, nó là hệ hình tư duy chung của cả nhân loại.
Sách của Strauss có quyển dễ nhất là Nhiệt đới buồn đã được dịch sang tiếng Việt (Nhà xuất bản Tri thức). Các sách còn lại khó đọc, hầu như chưa được dịch. Bạn đọc có thể download TOÀN BỘ những trước tác quan trọng nhất của Strauss trong thư viện Nhân học. Đọc trực tiếp thì khó. Sách dẫn nhập viết hay, đầy đủ, và dễ hiểu nhất về lý thuyết của Strauss là quyển của Alan Jenkins (1979), The Social Theory of Claude Lévi-Strauss cũng đã có mặt trong thư viện Nhân học.
—————————
Thư viện Nhân học là một thư viện phi lợi nhuận, chúng tôi chủ trương TẬP HỢP TOÀN BỘ những tư liệu NGHIÊN CỨU hoặc PHỤC VỤ CHO NGHIÊN CỨU về VIỆT NAM ở nước ngoài bằng các thứ tiếng ANH - TRUNG - VIỆT - NHẬT - HÀN - PHÁP về một nơi để tiện cho những nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước có cơ sở để tra cứu tư liệu phục vụ cho nghiên cứu của mình. ĐÂY SẼ LÀ THƯ VIỆN PHỤC VỤ NGHIÊN CỨU VIỆT NAM có quy mô LỚN NHẤT và HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ BẤT KÌ HẠN CHẾ NÀO TRONG VIỆC SỬ DỤNG THƯ VIỆN
Chi phí vận hành lưu trữ dữ liệu cực kỳ lớn, cộng với việc trả lương cho các bạn tình nguyện viên thu thập và chỉnh lý dữ liệu liên tục trong một thời gian dài khiến chúng tôi bắt buộc phải thu phí tham dự là 500 ngàn đồng 1 năm
Thư viện hiện có 170 ngàn đầu tư liệu đã qua chỉnh lý và hơn 10 triệu đầu sách đang trong quá trình chỉnh lý.
https://www.facebook.com/anhnp86/posts/816255165179443
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.