Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/01/2017

Trở lại câu chuyện cụ Bùi Viện gặp tổng thống Mĩ : sự thực và huyền thoại (bài Trần Giao Thủy)

Trở lại với câu chuyện này, bởi gần đây, khi hầu chuyện với một người thầy viết văn là nhà văn Bút Ngữ (sinh năm 1931), được nhận cuốn Cử nhân Bùi Viện (Tiểu thuyết lịch sử, Nxb Hội Nhà văn 2004, 310 trang). Đã điểm qua ở đây.

Để viết cuốn trên, nhà văn Bút Ngữ chủ yếu dựa vào cuốn đã xuất bản năm 1945 của Phan Trần Chúc và ghi chép trong Đại Nam thực lục chính biên, cùng một số tài liệu mới bằng tiếng Việt gần đây (kỉ yếu hội thảo năm 1992 tại Thái Bình, sách của nhóm Thế Văn,...).

Bây giờ, là một bài của Trần Giao Thủy (bài đã lên mạng từ 2012, và vừa được bổ sung vào tháng 1/2017). Như một tài liệu tham khảo nên đọc khi suy nghĩ về Bùi Viện.












---


Trần Giao Thủy

cndtNhiều sử gia đã tô son điểm phấn cho lịch sử hoặc ngay cả bịa đặt ra những giai thoại lịch sử để bênh vực cho một ảo cảnh về một chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và để đưa ra một bào chữa ý thức hệ cho chế độ họ đã chọn.phần I trong loạt 
DCVOnline: Xin giới thiệu lại với bạn đọc một bài viết đã đăng tháng 6, 2012, trong mục “Quan điểm”; bài viết dưới đây của tác giả Trần Giao Thủy đã có 47 ý kiến của bạn đọc và là một trong bài đã có nhiều lượt đọc nhất trong tháng; những bài khác được đọc nhiều trong tháng 6, 2012 là “Đoàn sứ giả Việt Nam tại Paris năm 1863” (Trần Giao Thủy), “Phong trào Con đường Việt Nam, nhìn từ văn bản” (Trần Minh Khôi), “Bức ảnh “Napalm Girl” tròn 40 tuổi” (Ngũ Phương – Tổng hợp), “Trong thơ nên có… vú” (Chân Phương), v.v. Tất cả đều có trên 3.000 lượt đọc.
Không phải là người nghiên cứu, biên khảo lịch sử, người viết chỉ đơn giản là một người đọc để tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Kinh nghiệm riêng cho thấy đọc lịch sử Việt Nam hay những bài viết về lịch sử Việt Nam là một việc khá phức tạp. Một trong những nguyên chân chính của vấn đề là thuật chép sử Việt Nam (Vietnamese historiography). Lực cản là khác khả năng truy cập, tiếp cận với tài liệu khả tín của người đọc sử. Câu chuyện lịch sử cận đại về việc ông Bùi Viện, một nhân sĩ đời Tự Đức, sang Hoa Kỳ vận động ngoại giao là một thí dụ tiêu biểu.
Sách "Bùi Viện và Chính phủ Mỹ" Nguồn ảnh: Chính Ký, Saigon
Sách “Bùi Viện và Chính phủ Mỹ” Nguồn ảnh: Chính Ký, Saigon
“Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức”. NXB VHTT 2000
Có lẽ Phan Trần Chúc (1907-1946) là tác giả Việt Nam đầu tiên viết về việc ông Bùi Viện đi Mỹ. Có rất nhiều bài viết sau này trích dẫn một tác phẩm của Phan Trần Chúc là cuốn “Bùi Viện với chính phủ Mỹ: lịch sử ngoại giao triều Tự-Đức” (1). Cuốn này của Phan Trần Chúc  do Đại La xuất bản năm 1945 được NXB Thông tin Văn hoá biên tập và tái bản năm 2000 với tựa đề mới khi NXB Kiến thiết tái bản năm 1946: “Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức” . Ấn bản năm 2000 ghi đây là tuyển tập truyện lịch sử”. (2)
Trong cuốn “Bùi Viện với chính phủ Mỹ: lịch sử ngoại giao triều Tự-Đức”, Phan Trần Chúc cho rằng ông Bùi Viện đã hai lần sang Mỹ. Lần đầu gặp Tổng thống Abraham Lincoln. Lần thứ hai sau khi Lincoln đã chết.
Lần đầu sang Mỹ gặp Tổng thống Lincoln, ông Bùi Viện thất bại vì không có quốc thư [Phan Trần Chúc, Bùi Viện Với Chính Phủ Mỹ, trang 57-58. (Paris, nxb Đông Nam Á, 1985)]. Ở đây tác giả gọi Tổng thống Mỹ là “thống lĩnh Lincoln” và San Francisco là “Tân-kim-Sơn”.
Trong bài “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) — Thơ — Vài nét về con người, tâm hồn & Tư tưởng / tệp 6” (3) trong phần chú hai câu “Điếu Bùi Viện” [Hiệp sơn siêu hải tri thuỳ kiện, Ái quốc tư gia chỉ tự bi – Cắp non vượt biển ai là mạnh, Yêu nước thương nhà nghĩ tự đau], đăng trên blog, Trần Xuân An trích dẫn “Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức” của Phan Trần Chúc, viết:
“Nước mạnh ở đây chính là Mỹ (Mỹ Lợi Kiên [US. America], Hoa Kỳ). Bùi Viện trong thời gian ở Hồng Kông (Hương Cảng) có tìm cách làm quen với một sứ thần Mỹ. Nhờ vậy, ông quyết sẽ sang Mỹ cầu viện. Đến nước Mỹ, mặc dù được tổng thống Ulysses S. Grant (chứ không phải Abraham Lincoln) tiếp chuyện, với lời hứa hẹn là sẽ giúp nước ta. Nhưng bởi không có quốc thư, nên việc vẫn chưa đi đến đâu. Lần sau, khi Bùi Viện mang quốc thư sang Mỹ, lại biết Grant đã chết. Kế hoạch cầu viện Mỹ vì thế hoàn toàn thất bại. Về nước, không bao lâu, Bùi Viện cũng qua đời (1878). Theo Phan Trần Chúc, thực chất lời hứa giúp của tổng thống Mỹ là nhằm hất cẳng Pháp và để cạnh tranh với các nước thực dân châu Âu khác!” (Xem Phan Trần Chúc, sđd., tr. 29 – 35, tr. 38 – 49).
Như vậy trong cả hai cuốn viết về Bùi Viện, Phan Trần Chúc cho rằng ông Bùi Viện đã gặp Tổng thống Lincoln hai lần. Lần thứ hai Bùi Viện sang Mỹ thì Lincoln đã chết. Trần Xuân An sửa là gặp Tổng thống Ulysses Grant, và lần thứ nhì Bùi Viện sang Mỹ thì Tổng thống Grant đã chết (1885). Trần Xuân An quên là ông Bùi Viện đã đột ngột qua đời, trước Tổng thống Ulysses Grant 7 năm, vào năm 1878. Tuy nhiên, Trần Xuân An không phải là người duy nhất không biết và không truy cứu những chi tiết đơn giản khi viết về lịch sử.
Hãy thử tìm hiểu giá trị lịch sử việc Bùi Viện đi Mỹ ở hai tác phẩm của Phan Trần Chúc.
Vài dữ kiện – Thứ nhất, sách của Phan Trần Chúc không ghi rõ thời điểm hai chuyến đi Mỹ của ông Bùi Viện (Rời Việt Nam “tháng bảy năm Tự Đức thứ 26”, năm Qúy Dậu, 1873, ấn bản năm 2000, trang 30.) Thứ hai, ông Bùi Viện sinh năm 1837 (Ðinh Dậu), mất năm 1878 (Mậu Dần). Năm 1868 đỗ Cử nhân. Thứ ba, Abraham Lincoln làm Tổng thống Hoa Kỳ từ 4 tháng 3, 1861 đến 15 tháng 4, 1865.
Theo Phan Trần Chúc thì ông Bùi Viện rời Việt Nam năm 1873, đến Hương Cảng, qua Hoành Tân, rồi Đông Kinh (Nhật Bản) sau đó theo thuyền buôn của Mỹ đến Tân Kim Sơn rồi đến Hoa Thịnh Đốn và phải đợi ngót một năm mới được yết kiến Tổng thống Lincoln (Phan Trần Chúc, ibid., trang 30-42). Khi Tổng thống Lincoln bị ám sát, 15 tháng 4, 1865, thì ông Bùi Viện 28 tuổi, chưa rời khỏi Việt Nam thì không thể gặp được Tổng thống Mỹ Abraham Lincon một lần chứ đừng nói đến hai lần như tiểu thuyết của Phan Trần Chúc (trang 44). Chưa nói đến chính sử, chỉ nhìn về mặt logic,  tuyển tập truyện lịch sử” của Phan Trần Chúc hoàn toàn hoang tưởng, không thuyết phục. Vua Tự Đức khó có thể cử một vi quan nhỏ mới 36 tuổi đơn thân đi cầu viện — không có quốc thư, không có sứ đoàn — yêu cầu Mỹ chống Pháp khi mười năm trước đã cử ba đại quan triều đình cùng 60 người khác sang Pháp, 1863, xin chuộc ba tỉnh miền Đông vừa mất đứt cho Pháp qua Điều hai của Hòa ước Nhâm Tuất 1862.
Đến năm 1962, ông Thái Văn Kiểm – lúc đó là Phó Giám đốc Bộ Giáo dục (1955-1962) – đã viết về việc ông Bùi Viện đi Mỹ. Bài viết bằng tiếng Pháp, đăng trên Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises, Saigon. Sẽ trở lại bài viết này ở phần sau.
Hiện nay, người ta có thể tìm thấy khá nhiều bài viết bằng tiếng Việt về cùng chủ đề. Tuy nội dung có thay đổi chút ít để có vẻ thuyết phục hơn như ông Cử Bùi Viện gặp Tổng thống Ulysses Grant – sách của Bảo Vân (4) hay bài viết của Dương Trung Quốc – thay vì thanh niên Bùi Viện gặp Tổng thống Lincoln.
Dương Trung Quốc, năm 2005, trong bài “Người Việt Nam đầu tiên đến nước Mỹ” (5) viết,
“Chính Bùi Viện đã lãnh nhận sứ mạng sang Mỹ do sự tiến cử của một viên đại thần trong triều với Vua Tự Đức.
Từ cửa biển Thuận An ở Kinh đô Huế, Bùi Viện xuống thuyền ngược ra Bắc vào tháng 7 năm Quý Dậu (8/1873) […]”
Dương Trung Quốc cho Bùi Viện đi Mỹ để gặp Tổng thống Ulysses Grant (1822-1885), nhiệm kỳ 4 tháng 3, 1869 đến 4 tháng 3, 1877. Và theo Dương Trung Quốc thì ông Bùi Viện phải chờ một năm ở Mỹ mới gặp được Tổng thống Grant vào năm 1874, nhưng không có kết quả vì thiếu quốc thư. Cũng như Phan Trần Chúc, Dương Trung Quốc cho ông Bùi Viện đi Mỹ hai lần. Lần thứ nhì vào năm 1875, sau khi đã có quốc thư của Vua Tự Đức. Dương Trung Quốc đổi kịch bản của Phan Trần Chúc; Theo Chúc thì lần thứ nhì sang Mỹ thì Tổng thốống Mỹ đã chết. Dương Trung Quốc không thể bắt Ulysses Grant chết năm 1875 nên phải phóng tác thêm.
“Có trong tay quốc thư nhưng lại gặp lúc Mỹ – Pháp hết thù địch nên Tổng thống U. Grant lại khước từ sự cam kết giúp Việt đánh Pháp. Thất vọng, Bùi Viện lại trở về nước, […]”
Sau cùng, Dương Trung Quốc viết, “Tuy nhiên, cho đến nay, một tiểu sử với hành trạng như vậy của Bùi Viện đều có chung một xuất xứ là cuốn sách viết về Bùi Viện của Phan Trần Chúc xuất bản vào cuối thập kỷ 40 đến 50 của thế kỷ XX, […]”. Điều này cho thấy Dương Trung Quốc đã trích dẫn sách của Phan Trần Chúc và sửa đổi tên Tổng thống Hoa Kỳ, thêm thời điểm của hai chuyến đi Mỹ của ông Bùi Viện, cho có vẻ hợp lý hơn.
1873-1875, tuy ông Cử Bùi Viện đã ở vào tuổi 36-38 nhưng chưa là gì ở triều đình Tự Đức nên khó thể xẩy ra việc ông được đại thần tiến cử với Vua cho đi sứ sang Mỹ, một quốc gia xa và lạ lạ đối với Việt Nam. Vẫn chưa nói đến chính sử, Dương Trung Quốc không cho biết vị đại thần triều Tự Đức tiến cử ông Bùi Viện là ai.
Và hẳn nhiên, từ Phan Trần Chúc, Bảo Vân, Dương Trung Quốc và nhiều tác giả khác nữa cũng không cho người đọc sử biết ai là thông ngôn cho “sứ đoàn” Bùi Viện? Đoàn sứ giả đó gồm bao nhiêu người? Thời điểm và kết quả mỗi chuyến đi có được ông Bùi Viện chép lại như quan Phó sứ Phạm Phú Thứ đã làm từ 10 năm trước khi viết Tây phù thi thảo (Bản thảo tập thơ đi sứ phương Tây) và Tây hành nhật ký (Nhật ký đi sứ phương Tây) hay không? Hiện nay chưa có bằng chứng nào về sự hiện hữu của “Mỹ phù thi thảo” hay “Mỹ hành nhật ký” của ông Bùi Viện trong kho tàng văn học sử Việt Nam.
Việc thiếu sử liệu về ông Bùi Viện đã được tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh, trong bài “Ký Sự đi Thái Tây: Phi-Li-Phê Bỉnh (1759-1830 ?), Phạm Phú Thứ (1821-1882)” (6), đề cập đến như sau:
“Chỗ khó khăn ở đây là thiếu tài liệu chính xác về Bùi Viện, bút chứng của ông vỏn vẹn có mấy bài thơ và văn tế, Thực Lục chép về ông chỉ có hai dòng, Liệt Truyện thì đến cái tên Bùi Viện cũng không thấy! Tài liệu chính là hai quyển sách của Phan Trần Chúc và Bảo Vân, nhưng sách của Phan Trần Chúc lại nhiều chi tiết sai lầm, sách của Bảo Vân [Bùi Văn Bảo -TGT] thì ngoài chuyện sửa một số sai lầm của Phan Trần Chúc – như Bùi Viện đã gập Tổng Thống Grant chứ không phải Lincoln – còn thì hầu như giống hệt sách của Phan Trần Chúc nên tiếng là hai nhưng chỉ kể là một, do đó tiểu sử của Bùi Viện còn nhiều lỗ hổng.”
BESI... No. 2, 2e Trimestre 1962 Nguồn ảnh: OntheNet
BESI… No. 2, 2e Trimestre 1962
Nguồn ảnh: OntheNet
Trở lại với bài viết bằng tiếng Pháp của tác giả Thái Văn Kiểm. Đây là một bài viết đã đăng trong “Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises, Nouvelle Série Tome XXXVII N°3, 3e trimestre 1962.” Người viết chỉ biết đến tài liệu này qua một bản dịch sang tiếng Anh của Robert H. Miller, trong cuốn The United States and Vietnam, 1787-1941(7) phát hành năm 1990.
Trong cuốn sách nêu trên, Robert Miller dùng tài liệu của tác giả Thái Văn Kiểm vì “Tôi đã không thể tìm thấy tài liệu nào về việc này từ các nguồn tư liệu nghiên cứu hay chính thức của Hoa Kỳ”. Robert Miller viết, “The following is translated from the sole source available: Thai Van Kiem, op. cit., Nouvell série-tome xxxvii, Année 1962, numéro 3-3e trimestre 1962.” Trong nguyên bản tiếng Anh ở trang 274, Robert Miller không nói tựa sách/báo hay tựa đề bài viết đã dẫn. Đó là “Les premières relations entre le Vietnam et les Etats Unis d’Amérique” đăng trên “Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises” (BSEI) là Nội san của Hội Nghiên cứu Đông Dương, một tạp chí mà tác giả Thái Văn Kiểm đã cộng tác. Sau đây là phần lược dịch bản Anh ngữ Robert Miller đã dịch từ bài viết bằng tiếng Pháp. Nếu Robert Miller dịch đúng thì đại ý tác giả Thái Văn Kiểm đã viết về việc ông Bùi Viện đi Mỹ gặp Tổng thống Ulysses S. Grant như sau:
Trong năm 1873, Việt Nam gặp khó khăn với Pháp, nước này đang muốn mở rộng lãnh địa thống trị – vượt quá Nam Kỳ (Cochinchina) lúc đó – bao trùm toàn thể lãnh thổ của Việt Nam. Triều đình trong cơn rối loạn, đã quyết định phái ông Bùi Viện ra hải ngoại, với sứ mệnh tìm cách tiếp xúc với một nước lớn, không phải là thực dân, có khả năng viện trợ và giúp đỡ trong giờ phút Việt Nam lâm nguy.
Ông Bùi Viện đã tìm mọi cách để liên hệ với các nhân sĩ Trung Hoa tại đảo (Hong Kong), trong khi đó, tình cờ, ông đã là quen với Lãnh sự Hoa Kỳ tại Hong Kong.
Ngay lúc đó, Bùi Viện đã nghĩ rằng ngoài các nước Âu Châu, điều đáng lưu tâm là việc thiết lập các quan hệ với Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Chính vì thế, ông đã có lòng tin tưởng nơi viên Lãnh Sự Mỹ, và đã cho viên Lãnh Sự biết về tình hình trong xứ và mục đích chuyến du hành của mình.
Chính viên Lãnh Sự Hoa Kỳ quan tâm đến dự án của người Việt Nam yêu nước, và cho ông [Bùi Viện] biết về lịch sử Hoa Kỳ, về cuộc đấu tranh can đảm của người dân Hoa Kỳ để dành độc lập. Ông cũng tin tưởng nơi sự liên đới tinh thần của hai nước, của một nước đã từng trải qua những gì mà nước kia đang phải chịu đựng.
Phấn khởi vì tư cách của Tổng Thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Simpson Grant, người cổ động cho một chương trình vĩ đại để đổi mới, Bùi Viện bày tỏ ước muốn đi sang Hoa Kỳ, vì sau cùng, viện trợ mà ông đang tìm có thể sẽ không đến từ một nước Trung Hoa kiệt quệ khi mà chính Bộ Trưởng Ngoại Giao, Lý Hồng Chương, nghĩ rằng xứ sở của ông đã sẵn có quá đủ các khó khăn nội bộ khiến Trung Hoa không thể nào quan tâm đến số phận của một quốc gia khác được.
Mùa đông cùng năm đó, ông [Bùi Viện] đi thuyền sang Nhật. Sau khi đến Yokohama – nơi ông tạm trú tại nhà viên lãnh sự Hoa Kỳ, qua sự giới thiệu của người bạn Lãnh sự ở Hong Kong – ông đi tiếp tới San Francisco. Đến San Francisco, ông Bùi Viện lưu ở đó vài hôm để thăm viếng theo lời khuyên của người bạn Hoa Kỳ, sau đó tiếp tục lên đường đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn…
Sau các sự vận động khéo léo và khó nhọc, cuối cùng ngày trọng đại mà ông chờ đợi đã đến khi ông được Tổng Thống Simpson Grant tiếp kiến một cách trọng thể.
Dường như là ông đã được Tổng Thống Hợp Chủng Quốc hứa hẹn viện trợ và liên minh, tuy nhiên chỉ có việc trình ủy nhiệm thư mới cho phép Tổng Thống Grant chứng minh được sự can thiệp của ông với Quốc Hội.
Chính vì thế mà ông Bùi Viện quyết định quay trở về Việt Nam để thỉnh cầu vua Tự Đức cấp cho ông các văn kiện ngoại giao cần thiết. Nhưng, sau đó, trên đường trở về, ông biết được rằng các biến cố chính trị mới sẽ không cho phép Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ giữ được lời hứa của mình, và ông Bùi Viện, đau lòng, nhìn thấy giấc mơ của mình bị vỡ tan trên đường hồi hương.
Robert Miller không phải là người Hoa Kỳ đầu tiên nhắc đến việc ông Bùi Viện đi Mỹ gặp Tổng thống Ulysses S. Grant. Người Mỹ đầu tiên nói đến chuyện ông Bùi Viện là một chính khách Hoa Kỳ. Đó là Tổng thống Lyndon B. Johnson. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Guam với Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu (và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ), trong bài diễn văn chào mừng (8) tại bữa tiệc ngày 20 tháng 3, 1967, Tổng thống Johnson nói:
“Năm 1873, khi Việt Nam đang tranh chấp khi Pháp đòi quyền mở rộng kiểm soát trên cả nước, một học giả tên là Bùi Viện đã được Hoàng đế [Tự Đức] gởi đi vận động sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Ông đã được Tổng thống Grant tiếp đón.
Trên đường về lại quê hương, ông đã được thông báo về quyết định của Tổng thống Grant vì hoàn cảnh bất ngờ – Hoa Kỳ sẽ không thể hỗ trợ cho Việt Nam.
Ông dừng lại ở Nhật để gặp lại một người bạn cũ, lãnh sự Mỹ tại Yokohama. […]”
Và Chủ tịch UBLĐQG Việt Nam, Nguyễn Văn Thiệu đã đáp lời:
“Tôi vô cùng cảm động vì Ngài đã nhắc lại sứ mệnh ngoại giao lịch sử. Trong thế kỷ trước, Đại sứ Việt Nam Bùi Viện đã đi làm nhiệm vụ thiện ý đến Hoa Kỳ, một đất nước tuyệt vời ở bên kia bờ Thái Bình Dương, […]”
CT UBLĐQG Nguyễn Văn Thiệu, TT Lyndon B. Johnson, CT UBHPTU N.C. Kỳ (tại Phi trường Quốc tế Guam, Agana 20/3/1967) Nguồn ảnh: U.S. Information Agency. Press and Publications Service.
CT UBLĐQG Nguyễn Văn Thiệu, TT Lyndon B. Johnson, CT UBHPTU N.C. Kỳ (tại Phi trường Quốc tế Guam, Agana 20/3/1967)
Nguồn ảnh: U.S. Information Agency. Press and Publications Service.
Ai cũng hiểu rằng viết diễn văn cho Tổng thống Johnson tại Guam là công tác của nhân viên Nhà Trắng lúc đó; và nhân viên của Chủ tịch UBLĐQG đã viết diễn văn cho ông.
Đi vào những chi tiết khác về việc ông Bùi Viện đi Mỹ, hãy thử tìm những điểm giống và khác nhau giữ hai đoạn văn ngắn trên đây của Robert Miller (dịch từ nguồn Thái Văn Kiểm) và diễn văn của Tổng thống Johnson.
Dị biệt: Robert Miller (1990) – Thái Văn Kiểm (1962) cho Lãnh sự Mỹ tại Yokohama là đồng nghiệp của người bạn của ông Bùi Viện, cũng là Lãnh sự Hoa Kỳ tại Hong Kong. Nhân viên Nhà Trắng viết diễn văn cho Tổng thống Johnson lại cho rằng viên Lãnh sự Mỹ tại Yokohama đã là người bạn cũ của ông Bùi Viện.
Ông Bùi Viện gặp Lãnh sự Mỹ tại Yokohama trong chuyến đi sang Mỹ, theo Robert Miller (1990) – Thái Văn Kiểm (1962). Theo diễn văn của Tổng thống Johnson thì hai người gặp nhau khi ông Bùi Viện từ Mỹ quay về quê hương.
Tương đồng: Cả hai nguồn viết bằng Anh ngữ nêu trên đều kể lại cuộc gặp gỡ giữa ông Bùi Viện và viên Lãnh sự Mỹ xảy ra vào năm 1873, và chuyện ông Bùi Viện qua Mỹ một lần vào năm 1873.
Tuy có những khác biệt, nhưng mấu chốt của câu chuyện là chuyện ông Bùi Viện đã gặp hai viên Lãnh sự Hoa Kỳ vào năm 1873 tại Hong Kong và Yokohama.
Riêng nhân viên văn phòng CT UBLĐQG Việt Nam lúc ấy đã cho ông Bùi Viện lên hàng Đại sứ (Ambassador).
Hong Kong 1873 Nguồn ảnh: OntheNet
Hong Kong 1873
Nguồn ảnh: OntheNet
Theo một nguồn khác bằng tiếng Việt, tác giả Vũ Hữu San đã trích dẫn trong bài Tựa Sách “Người Việt Khai-Phá Mỹ-Châu” (9) thì tác giả Thái Văn Kiểm, trong bài “Bùi Viện, người VN đầu tiên tới Mỹ” đăng trên tạp-chí Hồn-Việt ngày 10 tháng 3, năm 1978, và ViệtNam News – 1970, tài-liệu của Tòa Đại-sứ VNCH tại Washington, D.C. đã cho rằng ông Bùi Viện đã sang Mỹ hai lầnđể vận động với Tổng thống Ulysses Grant. Tác giả Vũ Hữu San trích Thái Văn Kiểm:
“ […] Chờ đợi mãi và cũng do sự vận-động của người bạn Mỹ tại Hương-Cảng, (Bùi) Viện đã được Tổng-Thống Ulysses Simpson Grant (1821-1885) thân-tiếp một cách nồng-hậu. Tổng-thống Mỹ hứa sẽ giúp đỡ, vì nhận thấy tham-vọng của người Âu-châu ở Á-Đông quá rõ ràng, nhưng điều làm cho Tổng-thống ngại là cuộc viếng thăm của Bùi-Viện không chính-thức vì không có quốc-thư. Thủ-tục ngoại-giao này rất cần-thiết vì Tổng-thống Grant căn-cứ vào đâu để giúp đỡ một nước nhược-tiểu.
Thấy quốc-thư là điều cần-thiết, Bùi-Viện cáo-từ Tổng-thống Mỹ trở về nước và hứa sẽ qua lần nữa với quốc-thư hẳn hoi; nhưng tiếc thay, khi Bùi-Viện trở lại Hoa-Kỳ lần thứ hai những khó khăn trong chính-tình Hoa-Kỳ hồi bấy giờ không cho phép Hoa-Kỳ trực-tiếp giúp đỡ Việt-Nam được. Hy-vọng của Bùi-Viện tan như mây khói. Với thất-vọng tràn ngập tâm-hồn, Bùi-Viện lên đường về cố-quốc. Nếu chuyến đi lần trước có quốc-thư thì cục-diện nước Việt-Nam thời đó có lẽ đã thay đổi hẳn.
Lại về Hoành-Tân [Yokohama -TGT], Bùi-Viện may mắn gặp người sứ-thần cũ, nhưng mặc dầu được bạn sốt sắng giúp đỡ, Bùi-Viện cũng không làm gì được với vị Tổng-thống, nên đành đáp Tàu về nước, mang theo một mối sầu vô-hạn.”
Đến đây thì người đọc câu chuyện lịch sử Việt Nam lại có thêm vấn đề. Trong văn bài tiếng Việt này tác giả Thái Văn Kiểm cũng cho người Mỹ ở Hong Kong là bạn của ông Bùi Viện như Robert Miller đã dịch. Tuy nhiên, tác giả lại nói viên lãnh sự [“sứ thần”] Mỹ tại Yokohama là bạn cũ [ở Hong Kong], và Thái Văn Kiểm cũng cho rằng ông Bùi Viện đã gặp Tổng thống Ulysses Grant hai lần.
Như thế thì Robert Miller đã dịch sai bài của Thái Văn Kiểm viết trong “Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises, Nouvelle Série Tome XXXVII N°3, 4e trimestre 1962” hay tác giả Thái Văn Kiểm đã “tu chính” thông tin khi viết lại bài bằng tiếng Việt năm 1970 và 1978?
Tuy nhiên, trong các kịch bản của vở “Bùi Viện đi Mỹ”, từ bản của Phan Trần Chúc, đến bài viết của Thái Văn Kiểm, diễn văn của Tổng thống Lyndon B. Johnson hay sách của Robert H. Miller đều có một số chi tiết chung: sứ thần [lãnh sự] ở Hong Kong và Yokohama. Đến đây thì sự thật lịch sử ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc cũng như giữa Hoa Kỳ và Nhật có thể giúp người đọc hiểu thực hư về một phần của câu chuyện.
Theo các sử gia của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (10) thì ở cuối thế kỷ XIX, trong những năm 1870, Mỹ có 3 tòa lãnh sự tại Scotland, ba tại Wales, và sáu lãnh sự quán tại England.
Tương tự, vẫn theo các sử gia của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Mỹ và Nhật có quan hệ ngoại giao chính thức bắt đầu từ 31 tháng 3, năm 1854 khi Đặc sứ Hoa Kỳ tại Nhật là Matthew C. Perry và đại diện Nhật Bản ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị tại Kanagawa, Nhật Bản.
Mỹ thiết lập lãnh sự quán tại Nhật năm 1855, khi Lãnh sự Townsend Harris bắt đầu nhận trách nhiệm đại diện Hoa Kỳ tại Shimoda ngày 4 tháng 5, 1855.
Từ 1862 đến 1950 Hoa Kỳ tiếp tục đặt thêm lãnh sự quán tại Nhật theo thứ tự như sau: Kanagawa (1862); Nagasaki (1862); Hakodate (1865); Osaka (1868); Tokyo (1869); Yokohama (1897); Kobe (1902); Shimonoseki (1918); Yokkaichi (1918); Fukuoka (1950); Sapporo (1950).
Đó là những thời điểm sớm nhất khi Mỹ bổ nhiệm Tổng Lãnh sự hay Lãnh sự đến nhậm chức tại các lãnh sự quán nêu trên.
Dữ liệu lịch sử ngoại giao Mỹ-Anh và Mỹ-Nhật trích dẫn trên đây cho thấy các ông Phan Trần Chúc, Thái Văn Kiểm/Robert Miller, và nhân viên Nhà Trắng viết diễn văn cho Tổng thống Johnson hay tất cả những người trích, chép lại về sau đều viết không đúng về việc ông Bùi Viện đã làm bạn với một sứ thần Mỹ ở Hương Cảng hay đã gặp một viên lãnh sự Hoa Kỳ vào năm 1873 tại Yokohama. Đơn giản vì Hoa Kỳ chưa khi nào đặt tòa lãnh sự tại Hong Kong, thuộc địa của Anh Quốc, và vì mãi đến gần 1/4 thế kỷ sau 1873 Mỹ mới có Lãnh sự quán ở Yokohama, vào năm 1897.
Về mặt chính sử, nếu dùng Việt Nam Sử Lược của tác giả Trần Trọng Kim làm tài liệu tham khảo nhanh, người ta sẽ không thấy một dòng hay đoạn nào từ Chương về Vua “Dực Tông” (V) đến Chương “Nước Pháp lấy đất Nam Kỳ” (VII) nói đến việc “Sứ Việt Nam sang Mỹ” hay ông chánh sứ Bùi Viện đi Mỹ dù chỉ một lần. Hơn nữa như tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã nhận xét: “Chỗ khó khăn ở đây là thiếu tài liệu chính xác về Bùi Viện, bút chứng của ông vỏn vẹn có mấy bài thơ và văn tế, [Đại Nam] Thực Lục chép về ông chỉ có hai dòng, Liệt Truyện thì đến cái tên Bùi Viện cũng không thấy!”
Ở một bài viết trên tạp chí Hợp Lưu số 93 & 94 (11) trong phần về câu hỏi “Thực chăng Bùi Viện tới Mỹ?” nhà sử học Vũ Ngự Chiêu đã trưng dẫn thông tin từ Đại Nam Thực Lục Chính Biên(ĐNTLCB) và nhiều chi tiết về thành tích làm quan của ông Bùi Viện từ Nguyễn Triều Châu Bản(NTCB). Theo tác giả thì đây là tư liệu Nội các, Viện Cơ Mật và lục bộ của triều đình, có bút phê mực đỏ của vua, giống như các văn khố ngoại quốc.
ĐNTLCB cho biết ông Bùi Viện được bổ làm quản đốc Nha Tuần tải năm 1877, hàm chánh bát phẩm sau lên đến Biên tu, chánh thất phẩm. Học giả Vũ ngụ Chiêu cho biết thêm:
“Hơn một năm sau, Tháng Chạp Mậu Dần (12/1878-1/1879), ÐNTLCB ghi bộ Hộ đề cử Nguyễn Hữu Thục làm Phó Ðề đốc Nam Ðịnh, thay Bùi Viện cai quản Nha tuần tải. “Bùi Viện để thiếu rất nhiều; em là Bùi Bổng phải nhận lĩnh chở thuê để khấu trừ.” Tuy nhiên, Hộ đốc Nam Ðịnh Nguyễn Trọng Hợp [Hiệp] (1838-1902) không nhận Thục vì “chưa làm được việc gì đã lĩnh 10 vạn quan tiền công.” Vua đồng ý, cho Hợp tự lo liệu. Tổng đốc Hợp sửa lại 4 tàu thương hiệu, chọn phái các viên lãnh mộ, sử dụng tới hơn 130 người Thanh, cho thuyền và dõng binh ra biển tập luyện. Lại ủy cho bọn bang biện người Thanh đứng ra bảo nhận thuê các hiệu thuyền Thanh đi tải. Hợp cũng tố cáo ra vụ án tham ô tại Nam Ðịnh, khiến nhiều người bị phạt.”
Về thông tin từ NTCB, tác gỉa Vũ Ngự Chiêu liệt kê 9 trong 19 tài liệu về đời làm quan của ông Bùi Viện. Mười tài liệu không liệt kê vì “không liên quan đến việc Bùi Viện xuất ngoại hay tiếp xúc với người Mỹ.”
Cuối cùng tác giả Vũ Ngự Chiêu kết luận,
“Tóm lại, việc Bùi Viện “qua Mỹ, được Tổng thống Grant tiếp kiến” chẳng được minh chứng bằng tư liệu văn khố Mỹ hay Việt. Tư liệu Pháp và các nhà truyền giáo im lặng. Nội dung các thông tin không gần sự thực, hoặc sai lầm. Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, nó chẳng là gì khác hơn huyền thoại, có lẽ chỉ hiện hữu trong trí tưởng của người đã công bố.”
Tác giả Phan Trần Chúc đã mất từ năm 1946; nhà giáo Bảo Vân Bùi Văn Bảo cũng đã qua đời từ năm 1998; tuy nhiên, tác giả Thái Văn Kiểm, dù đã lớn tuổi nhưng vẫn còn sinh hoạt tại Paris; hy vọng với tinh thần một người khảo cứu, khoa bảng (Docteur-es-Lettres Orientaliste, Paris), ông có thể làm rõ hơn câu chuyện ông Bùi Viện đi Mỹ với đầy đủ tài liệu khả tín hoặc sử liệu từ các văn khố mà ông đã sử dụng hoặc mới có về đề tài này.
Thói quen lập lại và trích dẫn những câu chuyện lịch sử chưa khi nào được chứng minh một cách thuyết phục, để phục vụ cho mục đích trước mắt gây ảnh hưởng tiêu cực hơn người ta tưởng, nhất là ở thời đại thông tin chớp nhoáng với kỹ thuật “cắt & dán” tân kỳ.
Lấy mật viết “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” trên lá cho kiến đục thành truyền đơn kháng chiến chống quân Minh là chuyện cũ, trong những bài viết gần đây câu chuyện Bùi Viện đi Mỹ thường được sử dụng làm luận điểm chính trị trong các bài viết về quan hệ Việt-Mỹ. Sau đây chỉ là vài thí dụ.
Một, trong bài viết (12) về cuộc vận động hành lang tại Washington, D.C. mới đây của người Việt ở Mỹ, tác giả Giao Chỉ – một ngòi bút lâu năm ở San Jose, California – đã trích dẫn Phan Trần Chúc, đưa câu chuyện ông Bùi Viện đi Mỹ vào bài quan điểm để “luận cổ suy kim”.
Hai, tác giả Đào Đức Chương đã trích Bảo Vân để dẫn chứng vai trò của Bùi Viện trong bang giao Việt Mỹ (13).
Ba, trong bài “Khi ba ngọn cờ giương cao. . .” (14), tác giả nguyễn Ngọc Giao “ngược dòng lịch đại” cho rằng “sử sách sử sách ghi rằng năm 1873, ông Bùi Viện sang Mỹ vận động bang giao”. Độc đáo hơn những tác giả khác, “lịch đại” của tác giả Nguyễn Ngọc Giao đã cho ông Bùi Viện gặp Tổng thống Lincoln lần đầu sang Mỹ và lần sau vì “Lincoln vừa bị ám sát, tướng Grant lên thay, bận cầm quân dẹp nội chiến” nên không gặp được. Thực ra, cuộc nội chiến Nam Bắc tại Hoa Kỳ kể như đã chấm dứt sau khi Nam quân của tướng Robert E. Lee đầu hàng tướng Ulysses Grant trong trận chiến sau cùng tại Appomattox vào ngày 9 tháng 4, 1865. Năm ngày sau đó Tổng thống Lincoln bị ám sát. Tổng thống kế nhiệm Lincoln là Andrew Johnson (1865-1869). Ulysses Grant (1869-1877) là Tổng thống Mỹ thứ 18, sau Andrew Johnson.
Trên trang web của đại học Western Connecticut State University, trong bài giới thiệu tác phẩm “Allegories of the Vietnamese Past: Unification and the Production of a Modern Historical Identity” (15) của Wynn Gadkar-Wilcox, tác giả đã đặt câu hỏi tại sao người ta hư cấu chuyện ông Bùi Viện sang Mỹ gặp Tổng thống Ulysses Grant, dù rất khó tin, để rồi câu chuyện được phổ biến rộng rãi ngay cả trong những bài viết về lịch sử [và diễn văn chính trị]. Để trả lời, tác giả cho rằng có thể câu chuyện đó được dùng như một kiểu hình tượng về quan hệ Việt-Mỹ. Vì đã “bỏ rơi” Việt Nam ở hậu bán thế kỷ XIX, theo một số sử gia biện luận, Mỹ phải có trách nhiệm với Việt Nam ở những năm cuối thế kỷ XX. Một lý do khác cho việc hư cấu lịch sử – như chuyện Bùi Viện sang Mỹ, và một số huyền thoại lịch sử khác – là để chính thống hóa một lý tưởng nào đó, khái niệm quốc gia chẳng hạn; nhiều sử gia đã tô son điểm phấn cho lịch sử hoặc ngay cả bịa đặt ra những giai thoại lịch sử để bênh vực cho một ảo cảnh về một chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và để đưa ra một bào chữa ý thức hệ cho chế độ họ đã chọn.
Đường Bùi Viện, Tp. HCM Nguồn ảnh: OntheNet
Đường Bùi Viện, Tp. HCM
Nguồn ảnh: OntheNet
Tháng 6, 2012. Bổ túc tháng 1, 2017.
© DCVOnline

(1) Phan Trần Chúc, “Bùi Viện với chính phủ Mỹ: lịch sử ngoại giao triều Tự-Đức”. NXB Đại La (Hà Nội, 1945), NXB Chính Ký (194?). Cuốn sách này được NXB Đông Nam Á tái bản năm 1985 tại Paris.
(2) Phan Trần Chúc, “Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức”. NXB Đại La, Hà Nội, cuối 1945; NXB Kiến Thiết, đầu năm 1946; NXB Văn hoá Thông tin, tái bản năm 2000.
(3) Trần Xuan An, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) — Thơ — Vài nét về con người, tâm hồn & Tư tưởng / tệp 6”.
http://tranxuanan-writer-5.blogspot.ca/2006/11/nguyn-vn-tng-1824-1886-th-vi-nt-v-con_8425.html. Truy cập 1/6/2012.
(4) Bảo Vân (sưu tầm và biên soạn lại); Bùi Viện Một Nhà Nho Sáng Suốt – Lỗi Lạc – Phi Thường. Toronto Ontario (Canada), nxb Quê Hương, 1988. [Tác giả tên thật là Bùi Văn Bảo; có bút danh khác là Bê Bình Phương; tác giả nhận là hậu duệ của ông Bùi Viện – TGT.]
(5) Dương Trung Quốc, “Người Việt Nam đầu tiên đến nước Mỹ”, Tuanvietnam.net, 10/06/2005.
(6) Nguyễn Thị Chân Quỳnh, “Ký Sự đi Thái Tây: Phi-Li-Phê Bỉnh (1759-1830 ?), Phạm Phú Thứ (1821-1882)”. Châtenay-Malabry, tháng 7, 2000. http://chimviet.free.fr/lichsu/chquynh/chqyn_kysudithaitay.htm. Truy cập 1/6/2012.
(7) Robert Hopkins Miller, United States and Vietnam 1787-1941. Diane Pub Co; 1st edition (May 1990)
(8) Lyndon B. Johnson: “Toasts of the President and Chairman Thieu at a Dinner in Guam.”March 20, 1967. Online by Gerhard Peters and John T. Woolley, The American Presidency Project. http://www.presidency.ucsb.edu/ws/?pid=28151. Truy cập ngày 1/6/2012.
(9) Vũ Hữu San, Tựa Sách “Người Việt Khai-Phá Mỹ-Châu”
http://vanhoanuoc.tripod.com/ngvietkp.htm. Truy cập 1/6/2012
(10) Văn phòng Sử gia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “A Guide to The United States’ History of Recognition, Diplomatic, and Consular Relations, By Country, Since 1776: Japan”. http://history.state.gov/countries. Truy cập 1/6/2012.
(11) Vũ Ngự Chiêu, Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Ðầu Tiên Ðến Mỹ?, Hợp Lưu số 93 (2/2007) và số 94 (4/2007).
(12) Giao Chỉ, “Vận động hành lang tại DC *Sứ thần Bùi Viện công tác 1873”, VietTribune.com, 17/03/2012.
(13) Đào Đức Chương, “Lịch sử bang giao Việt Mỹ”, Đặc San Lại Giang (Xuân Canh Dần 2010).
(14) Nguyễn Ngọc Giao, “Khi ba ngọn cờ giương cao…”, Diễn đàn Forum, 11/05/2011.
(15) Wynn Wilcox, “Allegories of the Vietnamese Past: Unification and the Production of a Modern Historical Identity”. Yale University, Southeast Asia Studies (Dec 31, 2011).

http://dcvonline.net/2013/07/31/chuyen-bui-vien-di-my-lich-su-hay-nguy-bien-chu-nghia-dan-toc/

1 nhận xét:

  1. Sử gần đây còn "tù mù" vậy, nhiều chuyện trước càng không rõ. Vậy nên có câu nói hài của phương Tây : Lịch sử là những câu chuyện toàn những người không được chứng kiến viết lại!
    Cám ơn Giao về bài viết nhiều thông tin!

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.