Đang còn dở câu chuyện với một người bạn về Khu tự trị Việt Bắc - vấn đề quan tâm chung của hai người.
Hôm nay, đọc một bài mới của bác Vũ Nho về trường Sư phạm Việt Bắc những ngày đầu. Như một hồi kí.
Hôm nay, đọc một bài mới của bác Vũ Nho về trường Sư phạm Việt Bắc những ngày đầu. Như một hồi kí.
Xin chép nguyên về từ blog Vũ Nho. Chân thành cảm ơn bác. Nếu có điều kiện về thời gian, mong bác có thêm những mảnh hồi kí như thế này nữa (thời Việt Bắc, thời du học Nga Xô,...).
Tháng 10 năm 2016,
Giao Blog
---
Nhân 45 năm thành lập khoa Ngữ văn và Trường ĐHSP Việt Bắc
Vũ Nho
Năm 1966 sau khi thi tốt nghiệp và làm các loại hồ sơ, chúng tôi về nhà chờ đợi. Những người bạn tôi hết đứa này đến đưa khác được gọi đi Đại học Giao thông, Ngoại ngữ, Y khoa Hà Nội,…Còn tôi thì vẫn chờ để được gọi đi học nước ngoài. Vậy là cứ yên tâm chờ dài cổ. Chờ mãi thì cái giấy gọi cũng đến. Nhưng thay cho đi nước ngoài là đi…Trường Đại Học Sư phạm Việt Bắc vừa mới mở, đóng bản doanh ở Đại Từ, Thái Nguyên.
Bố mẹ an ủi: Thôi, trường nào cũng là trường học. Con cố mà đi học cho có một cái nghề.
Hành trang cho chú học sinh lớp 10 ở nhà quê để đi Đại học khi ấy gồm mấy bộ quần áo dài, quần áo lót. Một chiếc ba lô vuông của bộ đội do bác Chính, ông bác họ phục viên, cho.
Ngày ấy Mĩ bắn phá miền Bắc khá ác liệt. Một số bến xe của các địa phương đã sơ tán địa điểm khác. Hàng quán hầu như không có bán cơm phở. Chỉ có cửa hàng ăn quốc doanh bán cơm theo tem gạo. Gia đình chuẩn bị gói 10 chiếc bánh chưng nho nhỏ để làm lương thực ăn đường.
Tôi chỉ biết là muốn lên Thái Nguyên thì phải ra Hà Nội, từ đó đi tàu hỏa lên. Rồi phải đi ô tô từ Thái Nguyên vào Đại Từ. Ngày ấy nơi xa nhất mà một học sinh lớp 10 như tôi được biết là Thị xã Ninh Bình, khi phải xuống đó để chụp ảnh và nộp hồ sơ cho Ban tuyển sinh.
Để đi Hà Nội, gia đình đã gửi tôi cho bác Cẩm, người cùng làng đang làm cán bộ cho nhà máy thuốc lá Thăng Long.
Hai bác cháu đi bộ quãng 10km lên xã Xích Thổ, nơi bến xe Nho Quan đi Hà Nội sơ tán về. Quá nhiều người muốn đi xe, trong khi xe thì chỉ có một cái. Hai bác cháu không thể nào chen mua nổi vé. Thế là bác Cẩm quyết định đi bộ ra Hà Nội qua địa phận Hòa Bình. Nhiều người cũng đi bộ như thế. Đến tối khuya, hai bác cháu tạt vào một nhà dân ở ven đường xin ngủ nhờ. Đó là một gia đình công nhân của nông trường. Ăn uống thì đã có bánh chưng và cơm nếp mang theo.
Sáng hôm sau, hai bác cháu lại tiếp tục cuốc bộ và vẫy được một ô tô cho đi nhờ về Hà Nội, chỗ bác Cẩm làm ở Nhà máy Thuốc lá Thăng Long.
Đến đây, tôi được bác báo cho ăn một bữa cơm bếp tập thể. Ngay tối hôm đó, bác nhờ người đưa tôi ra ga Hàng Cỏ để mua vé tàu lên Thái Nguyên.
Chia tay bác Cẩm. Lần đầu tiên tôi đi tàu hỏa. Không biết giời xui đất khiến thế nào, tôi lại ngồi cạnh thầy giáo Tích người Phú Thọ, dạy Văn ở cấp 3 Đại Từ. Chàng thanh niên nhà quê không giấu gì thầy giáo, khoe rằng em nhận giấy gọi vào trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Rồi thầy Tích lại giới thiệu một anh chàng khác cũng đang lên nhập trường. Hai anh chàng làm quen với nhau. Anh chàng đó tên là Đào Hữu Lượng, mới ở Thái Bình lên.
Tàu đến ga Thái Nguyên quãng nửa đêm. Chúng tôi chia tay thầy Tích. Hai chàng dắt díu nhau vào Trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến lúc này đã sơ tán và dùng làm nhà nghỉ trọ. Ngủ một nửa đêm, sáng ra mua vé ô tô vào Đại Từ. Đến Đại Từ, còn phải đi bộ vào Hiệu bộ đóng ở xã Vinh Quang. Hai chàng trai vừa đi vừa trò chuyện nên con đường cũng đỡ dài.
Lượng cũng là học sinh chờ đi học nước ngoài như tôi. Khi chúng tôi được gọi nhập học thì nhà trường đã tập trung được hơn một tháng. Sinh viên đã làm nhà, đào hầm hào tương đối ổn. Các Khoa đều đã hoạt động vào nề nếp.
Hai chàng tân sinh viên bước vào Phòng tổ chức, tôi nhớ rõ người cán bộ tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Tọa ( Sau này khi về Hà Nội, tôi có vài lần gặp anh ở Hội Văn nghệ Hà Nội). Chúng tôi đưa giấy gọi ra. Anh Tọa hỏi các em muốn xin vào học khoa nào để vào sổ? Đào Hữu Lượng nhanh nhảu nói “Em muốn vào khoa Toán”. Anh Tọa giở học bạ của Lượng ra. Toán năm lớp 10 chỉ tổng kết 4. Anh Tọa bảo: “Khoa Toán hiện đã có hơn 100 sinh viên, đông lắm rồi. Em có thể chọn khoa khác”. Tất nhiên là Lượng xin vào khoa Văn. Anh Tọa đồng ý viết giấy. Đến lượt tôi, tôi không xin vào khoa nào cả. Anh Tọa giở học bạ của tôi: Toán 3 năm đều tổng kết 5, còn Văn thì lớp 8 tổng kết 3+, lớp 9 và 10 được tổng kết 4. Anh Tọa liền nói: Nho vào khoa Toán. Rồi anh viết giấy cho.
Có giấy nhập khoa, tôi và Lượng ra gốc đa. Trong ba lô tôi vẫn còn 2 chiếc bánh chưng con. Tôi chia cho Lượng một chiếc. Hai chàng ăn xong bánh thì chia tay.
Tôi vào khoa Toán, gặp Trần Trung, Đỗ Duy Tam là bạn học cấp 3 Nho Quan A với tôi đã ở đó. Chúng tôi tiếp tục đào hầm, làm nhà và bắt đầu lên lớp những buổi đầu tiên.
Một buổi, chúng tôi lên lớp nghe giảng về Giải tích. Thầy giáo nói rất say sưa. Rốt cuộc hơn một trăm sinh viên cả nam lẫn nữ sau buổi ấy đều cùng một kết quả: - Chả hiểu quái gì cả!
Có lẽ tôi phải cám ơn cái giờ giảng ấy của ông thầy mà tôi không kịp nhớ tên. Bởi vì từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ học mà lại chẳng hiểu một tí gì như vậy. Lại nữa, ở phổ thông chúng tôi học Trung văn, vào khoa Toán thì học Nga văn. Chúng bạn liến thoắng chào hỏi, nói nọ, nói kia, trong khi chúng tôi lò dò đánh vần “đa”, “đôm”, “khơ-ra -sô”…
Một hôm tôi thấy Nguyễn Hữu Hùng ( người Thái Bình) cầm ba lô và nói: “ Chào chúng mày nhé! Tao chuyển vào khoa Văn đây!”. Chắc là Hùng cũng chán cái kiểu học “ chả hiểu quái gì cả”.
Thế là theo bước Hùng, tôi cũng lên khoa Toán gặp thầy Chủ nhiệm khoa Phạm Gia Đức để xin chuyển vào khoa Văn. Thầy Đức rất hiền hậu. Ông không hỏi vì sao tôi chuyển đi. Mà viết giấy đồng ý chuyển và chúc tôi học tốt.
Cả đời học cấp 3 của tôi Văn chỉ làng nhàng, hơi kha khá. Nhưng tôi chuyển vào khoa Văn vì : tôi thích đọc truyện, tôi có thể tiếp tục học Trung văn ( đã có vốn ở phổ thông), và tôi không phải học những giờ “chả hiểu quái gì cả”.
Vào khoa Văn, tôi gặp Quách Công Chấp, Đinh Văn Thuận, Hà Văn Hòa cùng trường cấp 3 và tất nhiên gặp lại Lượng và Hùng. Tôi còn gặp Đặng Tương Như, người đoạt giải nhì Văn học sinh giỏi toàn miền Bắc, gặp những cao thủ tổng kết Văn 5, đi thi học sinh giỏi tỉnh, giỏi toàn miền Bắc. Nhưng tôi không có con đường lui. Tôi sẽ phải “ chiến đấu” với các cao thủ này. Và đúng là có quyết tâm cũng có khác.( Và cũng cần nói là học Văn ở Đại học cũng rất khác ở phổ thông). Tôi học Văn rất được, là sinh viên tiên tiến xuất sắc, được giữ lại trường, được sang Nga làm luận án…Và tôi cũng là người sinh viên đầu tiên của trường ĐHSP Việt Bắc được phong học hàm Phó giáo sư năm 1991.
Nhân ngày kỉ niệm 45 năm thành lập Trường và Khoa, tôi ghi lại kỉ niệm ngày mình nhập trường. Đến bây giờ tôi vẫn không hết ngạc nhiên cho quyết định rất liều nhưng lại rất đúng của tôi khi chuyển từ khoa Toán sang khoa Văn và gắn liền với cái bí số : T103 K1 ( T103 là Trường Đại học sư phạm Việt Bắc, K1 là Khoa Văn).
Hà nội, 25/10/2011
Nhận Giấy mời của ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên dự kỉ niệm 50 năm thành lập khoa, lòng bồi hồi khó tả. Tôi thấy thời gian sao nhanh vô cùng. Mới ngày nào là thanh niên, nay đã là người cao tuổi. Nhân 45 năm kỉ niệm, tôi có viết bài này. Năm nay kỉ niệm 50 năm, xin đưa lại.
http://vunhonb.blogspot.com/2016/10/toi-i-nhap-truong-ai-hoc.html#comment-form
---
BỔ SUNG
4.
THỨ HAI, NGÀY 31 THÁNG 10 NĂM 2016
50 NĂM KHOA NGỮ VĂN ĐHSP VIỆT BẮC Ghi chép của Vũ Nho
50 NĂM KHOA NGỮ VĂN ĐHSP VIỆT BẮC
Ghi chép của Vũ Nho
Thế là đã tròn nửa thế kỉ cho một trường, một khoa và một lứa đầu tiên học ở ngôi trường thân yêu đó. Trường Đại học Sư Phạm Việt Bắc ruột thịt. Trường đã được phong Đơn vị anh hùng. Nhưng với chúng tôi, những người con của khoa Ngữ văn, của trường thì dẫu không có danh hiệu đó, chúng tôi vẫn tự hào, yêu thương, gắn bó với trường, với khoa. Vì đó là tuổi trẻ của chúng tôi, là buồn vui của chúng tôi, là biết bao kỉ niệm của thầy trò, bạn bè mà khi càng cao tuổi, khi càng khá hơn về đời sống vật chất, người ta càng thấm thía và yêu quý, nâng niu. Với riêng tôi, không chỉ khoác áo sinh viên, tôi còn là cán bộ giảng dạy từ năm 1970 đến khi sang Nga, lại về dạy khóa 17 và 18 cho đến tháng 10 năm 1986 mới rời khoa. Tính từ năm 1966 vào trường, tôi cũng có đến 20 năm gắn bó với khoa Văn Việt Bắc.
Năm kỉ niệm trang trọng này khoa Ngữ văn có một cố gắng rất lớn. Đó là đưa xe về Hà Nội đón các thầy đã cộng tác với khoa, đã từng giảng dạy ở khoa, đã trực tiếp là cán bộ giảng dạy của khoa trong danh sách cán bộ cơ hữu. Tôi được thấy GS, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú, GS Đoàn Thiện Thuật, GS Đinh Văn Đức, GS Phong Lê và nhiều thầy cô khác của Viện Văn học, Trường ĐHSP Hà Nội trong buổi Lễ kỉ niệm.
Xe của khoa đón ở hai địa điểm là Đại học KHXH và nhân văn, ĐHSP Hà Nội . Một chiếc xe rộng rãi, đủ chỗ. Xe càng rộng bởi vì một số thầy cô đi xe riêng. GS TS Nguyễn Minh Thuyết, vợ chồng GS TS Lộc Phương Thủy, cô Bùi Thị Huân,… Xe chúng tôi có GS TS Trần Văn Bính, TS Nguyễn Văn Chính, PGS TS Trần Thế Phiệt, cô Phương Lan ( cổ văn), cô Thục Hiền ( tiếng Nga), thầy Nguyễn Hữu Lục ( tiếng Nga), thầy Nguyễn Đức Liễn, và Vũ Nho. TS Nguyễn Kiên Thọ, vốn là sinh viên khoa 20 đã rất chu đáo phụ trách xe đi đến nơi, về đúng chốn.
Trên xe thật nhiều chuyện rôm rả. Có những cán bộ của khoa nhưng lần này mới gặp lần đầu, hoặc đã nhiều năm xa cách nên chẳng nhận ra. Câu chuyện trên xe toàn là những chuyện kỉ niệm. Anh Nguyễn Đức Liễn, cựu sinh viên khóa 4, người gắn bó với khoa lâu năm kể chuyện khoa Văn lập bãi chiếu phim, đi mua cam Bắc Quang Hà Giang , có giấy ưu tiên đặc biệt, không vào được đồi cam, phải thay bằng lá dong, về Thái Nguyên bị ế. Những chuyện cười ra nước mắt về các thầy khoa Văn làm kinh tế…
Chẳng mấy chốc xe đã đến Thái Nguyên. Mọi người ghé qua nhà của TS Nguyễn Thị Vượng, vốn là sinh viên khóa 7. Ở đó các vị đại biểu đi xe khác đã lên trước. Thạc sĩ Đặng Quyết Tiến, Phó chủ nhiệm khoa và Thạc sĩ Lê Kim Hà đã ở đó đón đoàn. Sau khi uống nước, nghỉ ngơi, xe đưa các thầy cô đến nhà hàng món Việt.
Mọi người dùng bữa và thưởng thức món “mất điện” mấy lần trong bữa ăn. Với tinh thần lạc quan vui vẻ, điều đó không ảnh hưởng mấy. Vả lại, mùa Thu vãn rồi, Thái Nguyên cũng không quá nóng. Dùng bữa trưa xong, xe đưa chúng tôi về hai khách sạn là Victory và Quang Đạt nhận phòng nghỉ.
Hai giờ, xe đón chúng tôi vào khoa. Sau khi ghé văn phòng khoa ở tầng 6, mọi người lên tầng 9 có hội trường để gặp gỡ các thế hệ giảng viên. Các thầy Hoàng Nhân, Cù Đình Tú, Vi Hồng, đã mất trước đây. Lần kỉ niệm 45 năm vẫn còn các thầy Phạm Luận, Vũ Châu Quán, Lâm Đình Tiến, Đinh Văn Định, Mai Xuân Hải, Lương Duy Thứ. Nhưng lần này thì các thầy đã về miền vĩnh hằng bạt ngàn mây trắng.
Các thầy khác là Trần Quang Vinh, Cao Xuân Thử, Ngô Ngọc Châu, Phan Thanh Lương, Đoàn Hồng, Hà Ngọc Xuân,… cũng không về khoa vì điều kiện sức khỏe. Năm mươi năm đúng là một thời gian dài để các thế hệ trẻ trưởng thành và các thế hệ cao tuổi dần dần thưa vắng. Dẫu sao thì cũng còn rất nhiều thầy, nhiều bạn trong dịp năm mươi năm này. Sau giới thiệu của Phó khoa Đặng Quyết Tiên, phát biểu ngắn gọn của Trưởng khoa , PGS TS Đào Thủy Nguyên; có phát biểu cảm tưởng của GS TS Vũ Anh Tuấn ( khóa 3), GS TS Lộc Phương Thủy( khóa 1), PGS TS Trần Thế Phiệt ( Khóa 5, nguyên Chủ nhiệm khoa). Điều đặc biệt là GS TS Trần Văn Bính, người đầu tiên đến trường, người thầy của nhiều thế hệ thầy phát biểu. Thầy đọc bài thơ khá dài, đầy cảm xúc và tự hào về những năm tháng không thể nào quên. Gặp gỡ trong buổi này còn có thầy Hoàng Xuân, từng là Phó chủ nhiệm khoa, Phó hiệu trưởng nhà trường, TS Hoàng Văn An, nguyên Chủ nhiệm khoa, TS Hoàng Hữu Bội ( khóa 5), PGS TS Phạm Mạnh Hùng, đương kim Thứ trưởng Giáo dục, nhà giáo Hoàng Hựu, Thạc sĩ Lương Bèn, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, TS Ngô Văn Đức, PGS TS Phạm Phương Thái, TS Nguyễn Thị Vượng, Trần Hữu Lợi, Hoàng Công Đình,…các thầy cô tổ ngoại ngữ là Phương Lan, Hữu Lục, Nông Minh Chung,…Không thể nhớ hết tên các giảng viên của khoa.
Sau khi nhận quà của khoa, các thầy cô về với các khối lớp của các khóa. Vũ Nho được các bạn khóa 6 khoá 10, các bạn khoá 7 mời, nhưng vì còn muốn đi thắp hương cho hai thầy cùng tổ văn học Trung đại và Dân gian là thầy Phạm Luận và Vi Hồng, vì vậy mà ngẫu nhiên lại đi xe và đến với khóa 20.
Theo TS Nguyễn Kiên Thọ, khóa 20 là khóa mà có nhiều anh chị em tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi của các tỉnh, được tuyển thẳng, nên sau này có rất nhiều sinh viên thành đạt. Chung vui với khóa này có Vũ Nho, PGS TS Trần Thế Phiệt, PGS TS Trần Việt Trung, nhà giáo nhà thơ Nguyễn Long, nhà giáo Nguyễn Đức Liễn, nhà giáo Đỗ Bình ( tiếng Nga).
Các bạn khóa 20 tổ chức rất bài bản. Có hai người dẫn chương trình. Các thầy cô được mời phát biểu. Một video clip về hoạt động của khóa với những tấm ảnh đen trắng đã nhòa mờ với thời gian. Tốp ca nữ biểu diễn bài hát ngày xưa. PGS TS Trần Thế Phiệt hát đơn ca, hát tốp ca với nhóm nữ. PGS.TS Trần Thị Việt Trung cũng “khoe giọng vàng” trong một bài dân ca quan họ Bắc Ninh. Thầy Chủ nhiệm Nguyễn Đức Liễn phát biểu đánh giá khóa 1 và khóa 20 là thành đạt nhất, dù anh tài khóa nào cũng có. Cựu sinh viên khóa 20 đọc thơ tặng thầy chủ nhiệm. Nhà thơ Nguyễn Thị Bảy được yêu cầu đọc thơ, nhưng chắc có lí do nên chưa đọc. TS Nguyễn Kiên Thọ đọc thơ, một bạn là Hùng cũng đọc thơ. Vũ Nho có phát biểu ngắn gọn kể lại kỉ niệm là Trưởng ban giám khảo cuộc thi thơ của Liên chi đoàn. Các bạn Thúy Quỳnh, Cao Thị Hồng, Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Kiên Thọ ( khóa 20), Ngô Thanh Hằng ( khóa 17) được giải, sau đều thành nhà thơ, nhà báo. Và cũng khoe rằng trong tuyển tập “33 gương mặt thơ nữ” của nhà xuất bản Hội Nhà Văn, có hai gương mặt của khoa Văn Thái Nguyên là Việt Trung ( Vân Trung) và Thúy Quỳnh. Kết thúc phát biểu ngăn, Vũ Nho nhận xét rằng khóa 20 mặc áo cơn lốc màu da cam. Hãy làm cơn lốc đem đến niềm vui, hạnh phúc cho những người thân, những đồng nghiệp và những người thuộc cấp, những học sinh của mình.
Bạn Thanh, người Đại Từ phải có sự “hi sinh” không tiếp tục cuộc vui để đưa tôi và PGS TS Trần Thế Phiệt đến thắp hương cho hai thầy Vi Hồng và Phạm Luận. Thắp hương xong, tôi về nhà TS Ngô Văn Thư, anh Phiệt về khách sạn. Lúc này bạn Ngân Nhiệm đã về nhà. Bạn Lê Văn Đức cũng về Vĩnh Phúc. Thanh Bình đi chơi. Chỉ có anh Hoàng Nguyệt ở nhà Ngô văn Thư. Hơn 40 năm không gặp nên hai người chẳng ai nhận ra ai. Nhưng họ tên thì vẫn nhớ. Anh Nguyệt còn cao hứng đọc bài thơ kể các “anh tài” khóa một là Lộc Phương Thủy, Vũ Nho, Lê Văn Đức và Đặng Tương Như.
Rời nhà Ngô Văn Thư về khách sạn, Vũ Nho còn trò chuyện với anh Phiệt cho đến hơn một giờ mới ngủ.
Sáng sớm ngày 30, thầy Chính đã gõ cửa nhắc đi ăn sáng. Vũ Nho và anh Trần Thế Phiệt lên tầng 10 của khách sạn để ăn tự chọn nhưng chẳng có ai. Thì ra khoa đặt 7h30 mới ăn nên nhà hàng chưa mở cửa. Đúng lúc đó thì bạn Dương Thu Trang, sinh viên khóa 31, học viên thạc sĩ khóa 22 do Vũ Nho hướng dẫn mời hai thầy đi ăn sáng. Thì đi cho vui. Ăn sáng xong, uống cà phê, chụp ảnh rồi về khoa. Trang còn cẩn thận tặng quà 20 tháng 11 cho tôi.
Không khí kỉ niệm thật rộn ràng, trang trọng. Các bạn khóa 50 vẫy cờ. Tôi cùng anh Phiệt, anh Lợi vào Hội trường. Chào các bạn khóa 50! Thật là tươi trẻ và tràn đầy sức sống!
Hội trường đặc kín. Như lệ thường, có văn nghệ chào mừng, có diễn văn của Chủ nhiệm khoa, có phát biểu của Hiệu trưởng chào mừng, phát biểu của GS TS Nguyễn Minh Thuyết, đại diện cho các thế hệ nhà giáo, phát biểu của đại diện sinh viên. Quan trọng nhất là tri ân các thế hệ các nhà giáo. Đầu tiên là các thế hệ lãnh đạo khoa, tiếp đến là các thầy cô có mặt từ đầu và các thầy cô của Đại học Tổng hợp, Viện văn học, rồi đến các thầy cô từ năm 1970 đến nay, cuối cùng là nữ cán bộ trẻ của khoa.
Kết thúc phần nghi lễ, các đại biểu cùng nhau ăn tiệc đứng và tiếp tục chụp ảnh, chuyện trò.
Rồi chúng tôi lại lên xe của khoa đưa về Hà Nội. Tạm biệt Thái Nguyên, tạm biệt mái nhà khoa Văn thân thương, ấm áp. Hẹn gặp lại khi kỉ niệm 55 năm và trong các dịp giao lưu khác.
Hà Nội, 31 tháng 10 năm 2016
3.
50 năm ĐHSP Việt Bắc - Người phụ nữ Tày chiếm lĩnh văn Tây
GS TS Lộc Phương Thủy phát biểu tại lễ kỉ niệm 45 năm
Người phụ nữ Tày chiếm lĩnh văn Tây
Vũ Nho
Chẳng cứ gì ở Việt Nam, mà trên thế giới, ngay cả những nước tiến bộ nhất cũng vậy, các nhà khoa học nữ luôn luôn chiếm một con số khiêm tốn so với nam giới. Ở ta, phụ nữ làm công tác nghiên cứu đã hiếm. Phụ nữ người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực này lại càng hiếm. Một trong những người đó là Phó giáo sư, Tiến sĩ Lộc Phương Thủy, Trưởng ban văn học nước ngoài của Viện Văn học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia.
Điều đầu tiên có thể nói về chị, đó là một người con của núi rừng, trưởng thành hoàn toàn từ rừng núi. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa bắt đầu, một chàng trai người Tày đi lính cụ Hồ đã nhờ đơn vị làm lễ cưới đời sống mới với một cô gái Hà Nội theo gia đình tản cư lên Yên Bái. Cô con gái đầu lòng Lộc Phương Thủy của họ được sinh ra tại Yên Bái, và lớn lên, học hết cấp 3 ở Sơn La, nơi ba mẹ cô công tác sau này. Năm 1966, Lộc Phương Thủy vào học khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, ngôi trường mới mở và chiêu sinh khóa đầu tiên. Bốn năm theo học cũng là bốn năm gắn bó với rừng, với núi Phú Lương và Đại Từ của Thái Nguyên, nơi trường sơ tán. Tốt nghiệp, chị được giữ lại khoa Văn để làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. Vẫn là ở rừng cho đến khi trường trở về thành phố Thái Nguyên sau đại thắng mùa xuân 1975. Những năm tháng đó là những năm tháng cả nước có chiến tranh. Chồng chị, thiếu úy Nguyễn Ngọc Phú, sau lễ cưới đã biền biệt công tác tại chiến trường B và C. Chị vừa một mình nuôi con nhỏ, vừa nghiên cứu giảng dạy trong điều kiện sơ tán muôn vàn gian khó. Những việc dựng nhà, đào hầm, đi rừng hái măng, lấy củi tuy nặng nhọc, nhưng vốn quen với cô gái Tày khỏe mạnh. Song, việc nghiên cứu văn học cổ Hy Lạp- La Mã để dạy lại cho các bạn sinh viên suýt soát tuổi mình thì đây là công việc mới mẻ hoàn toàn. Muốn nghiên cứu văn học nước ngoài nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ. Vốn tiếng Trung Quốc được học từ phổ thông và bốn năm đại học có thể dùng tạm. Nhưng tiếc thay, tài liệu Trung Quốc hầu như không có. Thế là Lộc Phương Thủy lại bắt đầu a, b, c tiếng Nga để có thể đánh vật với những tài liệu ít ỏi trong thư viện. Vừa nuôi con, vừa học tập, vừa giảng dạy, cô gái Tày giàu nghị lực đã âm thầm tích lũy kiến thức. Năm 1976, trong kì thi tuyển nghiên cứu sinh đi học nước ngoài, chị đã đỗ đầu khối Ngữ văn cả nước với ba môn thi đạt 25 điểm.
Sang Nga nghiên cứu về văn học Pháp, nên vừa phải học thật giỏi tiếng Nga để đọc, để trao đổi với giáo sư hướng dẫn, chị lại phải học vỡ lòng tiếng Pháp để có thể đọc nguyên bản. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước thời hạn 5 tháng tại Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Jđanôp tại Leningrat, Lộc Phương Thủy cũng thành thạo luôn cả hai thứ tiếng Pháp, Nga.
Về nước, chị chuyển công tác, rời trường Sư phạm Việt Bắc để về Viện Văn học. Nhiều người mừng nhưng cũng lo cho chị. Họ nghĩ đây chỉ là một bước để hợp lí hóa gia đình. Vốn là người được đào tạo ở trường Sư phạm để dạy học là chính, nay chuyển hẳn sang nghiên cứu, liệu có thể kham nổi không? Nhất là người làm cuộc đổi thay táo bạo ấy lại là phụ nữ?
Chẳng hề có ý định tranh luận với những người có “con mắt hạt đậu”, Tiến sĩ Lộc Phương Thủy tiếp tục con đường của mình. Chị vừa củng cố tiếng Pháp, vừa mở rộng phạm vi đề tài nghiên cứu. Những bài báo, những cuốn sách viết chung rồi viết riêng cứ tuần tự xuất hiện. Chị đã in chung 9 đầu sách quan trong ở các nhà xuất bản lớn, in riêng 2 chuyên luận dày dặn và dịch 3 cuốn sách tiếng tiếng Pháp. Cho đến bây giờ Phó giáo sư, Tiến sĩ Lộc Phương Thủy đã trở thành một trong số chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về văn học Pháp.
Có thể nói chị là một phụ nữ thành đạt. Chồng chị, thiếu úy Nguyễn Ngọc Phú ngày nào giờ đã là Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ tâm lí, Chủ nhiệm khoa tâm lí học quân sự của Học viện Chính trị Quân sự. Con gái chị, cháu Phương Ngọc, sau khi tốt nghiệp đại học tại liên xô, đang làm luận văn Tiến sĩ tại Pháp.
Là người nghiên cứu khoa học, nhưng chị là một phụ nữ giản dị, thích làm nội trợ, thích đùa cợt và tán gẫu với bạn bè. Người cán bộ Đoàn, cán bộ Công đoàn yêu ca hát, mê diễn kịch nghiệp dư không hề có vẻ gì là đạo mạo. Chị lẫn trong muôn người phụ nữ bình thường. Bạn gặp ở đường sẽ không thể nhận ra đâu! Và đặc biệt khi gặp, bạn không thể hình dung rằng cô “viện sĩ” kia là một cô gái Tày, một cô gái sinh ra, học hành và trưởng thành từ rừng núi; mái trường đại học mà từ đó cô đã thành người nghiên cứu cũng là Đại học đầu tiên của các dân tộc ít người Việt Nam khai sinh ở trong rừng.
3.1.2002
Bài đăng trên Văn nghệ Dân tộc thiểu số và miền núi, số 2 ( 78) /2002
Chú thích bổ sung 10/2016: Lộc Phương Thủy và Nguyễn Ngọc Phú bây giờ đều là Giáo sư, Tiến sĩ. Phương Ngọc cũng đã trở thành PGS TS và dạy Đại học ở Pháp.
http://vunhonb.blogspot.com/2016/10/50-nam-hsp-viet-bac-nguoi-phu-nu-tay.html#more
2.
THỨ TƯ, NGÀY 26 THÁNG 10 NĂM 2016
50 năm ĐHSP Việt Bắc - Lên Thái Nguyên dự lễ kỉ niệm 45 năm
Vũ Nho
Các cụ Văn khóa 1 quyết định năm nay không về dự Hội trường, hội khoa. Bởi vậy lên Thái Nguyên chỉ có hai vị đại diện từ Hà Nội là tôi và GS TS Lộc Phương Thủy. Vì tôi và Thủy vừa là sinh viên, vừa là giáo viên, đều dạy ở khoa Văn sau khi đi Liên xô về mới chuyển công tác. Lộc Phương Thủy còn tiếp tục dạy cao học cho khoa khi đã về Viện Văn học.
Hai giờ, tôi gọi ta xi đường dài đến đón Thủy, rồi qua Khu tập thể trường Nguyễn Ái Quốc đón GS TS Trần Văn Bính, thầy dạy chúng tôi ngày xưa và Bàn Tuấn Năng, con trai TS Bàn Tiến Tân, cùng lớp chúng tôi.
Xe thẳng tiến Thái Nguyên. Trên xe, tôi là người “diễn thuyết” chính về đủ thứ chuyện trên đời. Từ chuyện ngày chúng tôi sơ tán lên Định Hóa năm 1973, thầy Bính nói chuyện với sinh viên khóa 4 về tác phẩm “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ” của nhà văn Tô Hoài, chuyện Mĩ bắn cháy kho thóc Quán Vuông, tôi cùng thầy Trần Quang Vinh và sinh viên khóa 4 đi cứu thóc, đến chuyện Bàn Tiến Tân quyết định xây dựng gia đình ở Phú Lương, rồi nhắc chuyện “thời gian khổ” ở nơi sơ tán, em của Thủy lên đi lấy củi cho chị, chuyện tôi gặp lại nhà văn dịch giả Vũ Công Hoan ở Hà Nội… Lộc Phương Thủy cũng nhắc lại những kỉ niệm xưa. Thầy Bính thì thi thoảng góp đôi câu xác nhận. Cháu Năng cũng góp ít nhiều chuyện đời thường.
Lên đến trường. Chúng tôi vào Văn phòng khoa Văn. Đã thấy tấp nập cựu sinh viên các khóa đổ về. Gặp thầy Hoàng Xuân, và anh Vũ Duy Quỳ ( biệt danh Vũ Duy Tươi vì lúc nào cũng cười do có hàm răng rất mái hiên). Anh Quỳ là cán bộ đi học cùng khóa một với chúng tôi. Năm nay anh đã 78 tuổi. Chúng tôi tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh với PGS.TS Nguyễn Hằng Phương, Trưởng khoa và TS Ngô Thị Thanh Quý, Phó trưởng khoa và đại biểu sinh viên. Cũng chụp ảnh PGS TS Nguyễn Đăng Điệp, Phó Viện trưởng Viện Văn học và các PGS TS Bích Thu, PGS TS Lưu Khánh Thơ, những khách quý của khoa.
Sau đó đi dự liên hoan với hai khóa 6 và 10 tổ chức chung. Lộc Phương Thủy và thầy Bính đi xe của TS Vũ Thị Tú Anh.Tôi rất ấn tượng khi đi xe của Phó khoa Thanh Quý, nghe cô bảo: “ Cán bộ nữ của khoa 70% biết lái xe và có xe riêng”.
Ban lãnh đạo khoa bố trí chúng tôi nghỉ ở khách sạnh Ban Mai Xanh. Lúc này có thêm PGS TS Trần Thế Phiệt, và Cử nhân tiếng Nga Nguyễn Hữu Lục ( nay đã nghỉ hưu ở Hà Nội) nhập đoàn.
Buổi giao lưu gặp gỡ thầy trò khá vui vẻ và sôi nổi. Có thơ của thầy Nguyễn Văn Túc ( Túc Văn), có thơ của nhà thơ Dương Thuấn (cựu sinh viên), có các tiết mục múa hát của các em sinh viên, các ca sĩ cựu sinh viên.
Anh Hà Thắng Nhân, khóa 6 làm công tác quản lí sinh viên công bố 10 cái nhất của khoa, trong đó có nhiều đôi sinh viên lập gia đình với nhau nhất trường! TS Vũ Thị Tú Anh sắm vai MC, hỏi chuyện thầy Trần Văn Bính, thầy Lương Bèn, thầy Hoàng Xuân, cô Lộc Phương Thủy ( cựu sinh viên), thầy Trần Thế Phiệt( cựu sinh viên) và thầy Phó hiệu trưởng Đại học SP thành phố Hồ Chí Minh. Thú vị là song ca nam nữ Phiệt +Thủy ( khóa 5 và khóa 1) bài Chiếc khăn piêu ( Chả là ngày trước anh Phiệt cũng là một danh ca) rất chi là chuyên nghiệp.
Buổi giao lưu kết thúc bằng bài hát của thầy Phan Thanh Lương “ Hãy đi xa, Hãy bay xa”.
Hôm sau, hai vị cựu sinh viên khóa một được Tú Anh đón vào thắp hương cho thầy Vi Hồng, đến thăm nhà thầy Phạm Luận.
Dự lễ kỉ niệm cùng với mọi người. Gặp lại các thầy Phạm Luận, Hoàng Xuân, Nguyễn Văn Túc, Trần Quang Vinh, các chiến hữu ngày xưa: các anh Lâm Đình Tiến, Hoàng An, Ngô Ngọc Châu, Lý Duy Hiển, Trần Ngọc Chùy, Đinh Văn Định, Nguyễn Huy Quát, Hoàng Công Đình, Nguyễn Long, Trần Hữu Lợi, Ngô Văn Đức, Nguyễn Văn Lộc, Vũ Anh Tuấn, Đào Văn Phán, Trần Kim Đỉnh, Nguyễn Kim Hà, Phạm Thị My…Gặp GS Phong Lê, nhà thơ Ma Trường Nguyên là khách quý của khoa.
Buổi này Đặng Quyết Tiến dẫn chương trình. Phần giới thiệu các cơ quan chỉ nêu tên đơn vị. Nhưng khi giới thiệu các thầy cô thì trang trọng mời từng người đứng lên. Tiếng vỗ tay vang dội Hội trường vì nhiều thầy cô, các em sinh viên chỉ nghe tên và biết qua sách báo, lần đầu tiên thấy người.
PGS TS Nguyễn Hằng Phương, Trưởng khoa đọc lời chào mừng và tri ân. PGS TS Nguyễn Hồng Quang, cựu sinh viên khóa 20, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên chào mừng. GS TS Nguyễn Minh Thuyết được mời thay mặt cho các thầy phát biểu. GS TS Lộc Phương Thủy thay mặt cho cựu sinh viên phát biểu. Tiếp theo là phát biểu của một nữ sinh viên đại diện cho các em đang học tập.
Chương trình còn tiếp tục, nhưng 4 đại biểu khóa một lặng lẽ rời hội trường, đến thắp hương cho bạn là TS Bàn Tiến Tân. Rồi qua thăm thầy Vũ Châu Quán. Thầy Quán đã bước vào tuổi 80, sức khỏe giảm sút. Thầy rất vui khi các sinh viên khóa một đến thăm.
Sau khi dự liên hoan chung, tôi và Lộc Phương Thủy cùng thầy Bính về Hà Nội. Anh Thuyết, anh Phiệt, anh Định và anh Lục còn ở lại dự lễ kỉ niệm thành lập trường vào hôm sau.
Chú lái xe của công ty Mai Linh tên là Triệu Tiến Khoa là người rất vui tính, vui chuyện và lịch sự. Lần về thì Lộc Phương Thủy đóng vai “diễn thuyết” chính. Tôi và chú Khoa phụ họa. Câu chuyện vui vẻ chẳng mấy chốc mà đã về đến Hà Nội. Chúng tôi đưa thầy Trần Văn Bính về, rồi tôi bàn giao Lộc Phương Thủy “ nguyên đai, nguyên kiện”cho GS TS Nguyễn Ngọc Phú ở tòa nhà Hà Nội Plaza.
Về nhà 17 giờ. Mãi đến chiều hôm sau mới viết được những dòng này.
Đây là một vài hình ảnh tôi chụp và nhờ người chụp.Ba đại biểu khóa một chụp với các thầy, chị Lan Thanh khóa 4 ( bìa trái) và PGS TS Hằng Phương ( bìa phải) - Chủ nhiệm khoa Ngữ văn
Vũ Nho với một bạn sinh viên
PGS TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học tặng quà cho khoa Văn
Góc Hội trường tối giao lưu. Hàng đầu trái qua là thầy Hoàng Xuân, GS TS Trần Văn Bính
Lộc Phương Thủy và Vũ Nho thăm thầy Phạm Luận, cô Loan
GS TS Lộc Phương Thủy, sinh viên khóa 1 phát biểu
Trái qua : Ngân Thị Nhiệm ( khóa 1), TS Hoàng Hữu Bội ( khóa 5) Thầy TS Cung Khắc Lược, Vũ Duy Quỳ ( khóa 1) và GS TS Lộc Phương Thủy ( khóa 1)
http://vunhonb.blogspot.com/2016/10/50-nam-hsp-viet-bac-len-thai-nguyen-du.html#more
1.
THỨ TƯ, NGÀY 26 THÁNG 10 NĂM 2016
50 năm ĐHSP Việt Bắc - Gửi về khoa Ngữ văn yêu quý
ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ KHOA NGỮ VĂN YÊU QUÝ
Nhân kỉ niệm 40 năm ngày thành lập
PGS.TS Vũ Nho
Nhân ngày khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc ( nay là Đại học Sư phạm, Đại học Thái nguyên) đầy tuổi bốn mươi, tôi muốn bày tỏ vài điều tản mạn về khoa yêu quý.
Cái kỉ niệm sâu sắc nhất là khi chúng tôi đi thi nghiên cứu sinh. Vị giáo sư khả kính ở Hà Nội hỏi : Đồng chí công tác ở đâu? - Dạ thưa, ở Đại học Sư phạm Việt Bắc. Câu trả lời ấy làm cho người đưa ra câu hỏi ái ngại, cảm thông. Nhưng vẫn có một câu hỏi tiếp theo: Trước đồng chí học ở đâu? - Dạ thưa, cũng ở Sư phạm Việt Bắc. Vị giáo sư không nén nổi tiếng thở dài. Dạy ở nơi như thế. Lại học ở nơi như thế mà dám cơm nắm về Hà Nội thi nghiên cứu sinh thì...
Nhưng chúng tôi đã không làm cho vị giáo sư đó thất vọng. Chắc là ông còn phải ngạc nhiên lắm. Vì cô Lộc Phương Thuỷ đã đỗ đầu 25 điểm cho ba môn thi của khối xã hội năm ấy. Thầy Bàn Tiến Tân cũng đỗ luôn. Rồi Vũ Nho, Nguyễn Huy Quát, Trần Thế Phiệt, Phạm Quang Trung, Mai Thanh Thuỷ... đều đỗ và sang nước ngoài tu nghiệp. Tôi nghĩ không cần bình luận thêm về chất lượng đào tạo những mũi nhọn của khoa Văn.
Khi đã chuyển về Bộ Giáo dục công tác, tôi nhớ vào cuối năm 1987 hay 1988 gì đó, cơ quan Vụ cấp một , hai khi ấy ở 194 Trần Quang Khải, tôi sang Cục đào tạo bồi dưỡng có việc. Bỗng được nhìn thấy thống kê về Tiến sĩ và Giáo sư của các trường Sư phạm trong toàn quốc. Tò mò nhìn xem. Té ra trường ĐHSP Việt Bắc vào thời điểm ấy, chỉ thua kém có trường Đại học sư phạm Hà Nội I mà thôi. Hoá ra trường mình là một trường mạnh mà mình không biết. Tất nhiên, khoa Văn theo tôi được biết cũng luôn là khoa mạnh của trường.
Chất lượng đào tạo của khoa từ cái thời khoá một chúng tôi đến khoá bốn mươi, chắc là không đến nỗi. Có nhiều anh chị học sinh của khoa đã trở thành Giám đốc, Phó Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo, nhiều người là trưởng phòng, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên giỏi. Không phải là tôi không giữ một chức vụ to như các bạn mình, chỉ là một người thành đạt về chuyên môn mà đánh giá thiên lệch về những người giỏi chuyên môn. Tôi kính trọng những nhà quản lí bởi vì ít nhất thì chuyên môn của các anh, chị ấy cũng không kém, hoặc khá tốt thì người ta mới cử làm quản lí. Những người thành đạt về quản lí cũng là niềm tự hào của khoa chứ sao. Đó là những anh chị Hoàng Ngọc, Lục Văn Vận, Nguyễn Ngọc Chụ, Hoàng Thị Suý, Lại Hữu Miễn, Cầm Long Thuỷ, Hoàng Mạnh Tiến, Bùi Phú Hảo, Đào Hữu Lượng, Nông Ngọc Dung, Nguyễn Hữu Hùng, Lương Minh Định...Nhưng đánh giá chất lượng của một khoa đào tạo giáo viên, thì sự đánh giá đó phải dựa trên việc đào tạo ra các giáo viên giỏi, các giảng viên giỏi, các cán bộ có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư và giáo sư, hoặc tương đương. Tôi chỉ thống kê một số anh chị thành đạt về chuyên môn của khoa như Nguyễn Văn Lộc, Vũ Anh Tuấn, Hoàng Hữu Bội, Ngô Văn Đức, Ngô Văn Thư, Trần Mạnh Tiến, Nguyễn Phạm Hùng, Phạm Mạnh Hùng, Lê Thị Chính, Trần Minh Phương, Trần Việt Trung...Đấy chỉ là những người tôi sực nhớ. Còn bao nhiêu người đã thành Tiến sĩ, được công nhận là giáo viên giỏi, là chuyên viên chỉ đạo bộ môn ở các sở, các phòng mà tôi không thể kể ra? Tôi nghĩ đó là điều tự hào lớn nhất của khoa Văn chúng ta.
Có một đôi lần được trở về khoa với tư cách là khách mời để giao lưu với các bạn sinh viên, tôi thấy sinh viên khoa mình, trường mình thật đáng yêu. Có lẽ bởi vì tôi được sinh ra ở cái nôi khoa Văn mà cảm xúc vậy chăng? Rất có thể. Nhưng quả thật có đi ra ngoài, có thử thách mình giữa bể mặn trùng khơi ( theo cách nói của Chế Lan Viên) mới thấy hết được tầm vóc của Khoa, của Trường. Và điều quan trọng nhất là thấy được những tình cảm mến thương của những người sinh ra trên mảnh đất gian khó nhưng rất cần cù hiếu học, cũng không thiếu thông minh, nghị lực và ý chí.
Các thầy thành đạt của khoa như thầy Hoàng Nhân ( đã mất), Cù Đình Tú, Lương Duy Thứ, Trần Văn Bính, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Minh Thuyết... hay các thầy không có học hàm, học vị nhưng trong con mắt và tấm lòng các học trò, vẫn là các giáo sư khả kính như thầy Phạm Luận, Vi Hồng ( đã mất) Vũ Châu Quán, Hoàng Xuân, Nguyễn Văn Túc, Mai Xuân Hải, Cao Xuân Thử, Phan Thanh Lương, Lê Văn Trúc, Đoàn Hồng...vẫn là niềm tự hào của lớp lớp học trò khoa Văn.
Có một lần tôi phát biểu nhân dịp kỉ niệm sinh nhật lần thứ 25 hay 30 của khoa. Đại ý rằng mỗi con người không thể chọn bố mẹ để mà đầu thai và sinh ra làm con cái họ. Lớp chúng tôi không có quyền chọn khoa Văn ĐHSP Việt Bắc để sinh thành. Nhưng chúng tôi thương quý những ngày gian khổ của mình, thương quý và tự hào về khoa Văn yêu dấu của mình. Nói như nhà thơ Y Phương, chúng tôi Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối...
Khoa Văn - Một con người ở tuổi bốn mươi, tuổi tráng niên tràn đầy sức lực, tràn trề sức sống và phong phú giá trị tinh thần.
Các bạn trẻ, nếu đã chọn khoa Văn làm cha mẹ về chuyên môn, làm nơi ươm trồng nghề nghiệp của mình, xin hãy ngẩng cao đầu mà tự hào rằng chúng mình có một gia đình rất giàu, rất mạnh, rất ân tình, rất nhiều truyền thống.
11/9/2006
Đã in báo Giáo dục & Thời đại và Kỉ yếu của khoa Ngữ văn
http://vunhonb.blogspot.com/2016/10/50-nam-hsp-viet-bac-gui-ve-khoa-ngu-van.html
Cám ơn bạn Giao đã lưu bài viết của tôi về ngày nhập học Đại Học Sư Phạm Việt Bắc. Tôi có làm thơ một chút, viết truyện ngắn một chút, dịch một chút và viết nghiên cứu, phê bình. Khi nhà trường kỉ niệm 45 năm thành lập, tự nhiên tôi muốn ghi lại những năm tháng vất vả. Tôi định dịp kỉ niệm 50 năm này, sẽ công bố lại bài "Tản mạn gửi về khoa Văn yêu quý" ( cũng viết nhân dịp kỉ niệm 40 năm) và bài viết về việc tôi lên khoa Văn,(kỉ niệm 45 năm). Những kỉ niệm một thời không thể nào quên. Có lẽ, theo gợi ý của bạn Giao, tôi cũng sẽ viết về một số kỉ niệm hồi học ở Nga. Cụ thể là việc đi dự bảo vệ của bạn bè, việc học, thi môn Triết, môn tiếng Nga và viết, bảo vệ luận án...Cám ơn bạn Giao lần nữa!
Trả lờiXóaVâng. Xin cảm ơn nhà giáo Vũ Nho.
XóaLớp hậu sinh như chúng cháu mong sớm được đọc dần hồi kí, như dự định đã viết bên trên, của bác.