Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/09/2016

Trùng họ trùng tên : Khuất Duy Tiến

Về cụ Khuất Duy Tiến (đã mất năm 1984) được đặt tên cho một con đường ở Hà Nội, thì lần trước, blog này đã nhắc đến ở đây.

Còn có một cụ Khuất Duy Tiến nữa, trung tướng quân đội, hiện đang ở Hà Nội. Nghe nói trung tướng là thân phụ của ông Khuất Việt Hùng - một quan chức của ngành giao thông.

Ảnh ở dưới là cụ Khuất Duy Tiến đang tại thế, lấy về từ Fb Nguyễn Văn Minh:




Tháng 9 năm 2016,
Giao Blog

"
Nguyễn Văn Minhさんが写真2件を追加しました — 友達: Hung Hoangさん、他4人

Một ngày phỏng vấn hai Trung tướng

1-Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên HIệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, mái trường mà 22 năm trước tôi là học viên. Mấy năm học, chỉ được nhìn thấy ông trên lễ đài duyệt đội ngũ. Lần đầu diện kiến, thấy ông thật gần gũi. Ngay sau phút chào hỏi, ông lấy giấy bút ra tỉ mỉ hỏi họ tên, cấp bậc, chức vụ, số điện thoại rồi ghi vào sổ.
Ngẫm: Cụ đúng là vị tướng tinh anh và...tỉnh táo trước báo chí. Cụ đã ghi đủ thông tin vào sổ Nam Tào rồi nhé, người làm báo hỏi gì, ghi gì, viết gì hãy cẩn thận, đừng có tùy tiện. Coi chừng!
Bàn công việc, cụ chỉ nói ngắn gọn: Trong vụ việc này, tôi chả đứng về ai, tôi chỉ đứng về phía pháp luật!


2-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
Bọn phản động mất dạy tôi không thèm chấp!
Nhân nói chuyện về những bọn mất dạy hay bóp méo thông tin, thậm chí chơi bài cáo mượn oai hùm, mượn bóng ông để “chế” tâm thư đánh lừa dư luận, ông khảng khái:
Với bọn mất dạy ấy thì chúng nhiều lần xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tôi nhưng thôi không thèm chấp. Nhưng tôi rất cảm ơn Báo Quân đội nhân dân đã nêu quan điểm bênh vực tôi rất đúng, dù tôi không cần báo làm điều đó và tôi cũng không biết tác giả viết những bài đó là ai.
Định nói, thưa cụ, tác giả “nó” đang nói chuyện với cụ. Nhưng lại thôi...

https://www.facebook.com/nguyenvan.minh.71/posts/1272076269498696?pnref=story
"



---

Từ Fb Khuất Việt Hùng:





---

CẬP NHẬT


1. Tháng 11 năm 2024

"

Bố ơi! Con chào bố. Thế là bố đã về với tổ tiên, với ông bà nội, với em Hải, em Yến và cháu Linh Lam bé bỏng của con. Bố đã về với hàng ngàn đồng đội của bố. Con đã quá quen với con đường từ nhà đến Quân y viện 108, đến phòng cấp cứu trên tầng 8, đã quá quen với những tiếng máy trợ thở, trợ tim, đo huyết áp liên tục đêm ngày, với mùi cồn, mùi thuốc và tiếng thở khó nhọc của bố trong những ngày qua. Giờ này con lại ước được đi lại con đường đó, đến căn phòng đó để nhìn thấy bố, để được nói với bố: “con đến rồi, bố ơi, bố có nghe con nói không? Bố mở mắt nhìn con nào!” Nhưng con đã không còn cơ hội nào nữa!
Chúng con đã mồ côi bố thật rồi! Con thấy cảm giác này thật kinh khủng, không giống bất kỳ cảm giác mất mát, đau đớn nào mà con đã từng trải qua. Căn nhà còn đó, đồ dùng của bố còn đó … nhưng từ nay con đã không còn nhìn thấy bố nữa rồi. Bố ơi!
Làm trẻ con thời chiến gần như đồng nghĩa với có một tuổi thơ vắng bóng người cha. Tuổi thơ của chúng con là những năm tháng mong ngóng tin bố. Những lá thư của bố vài tháng mới đến nơi nhưng cũng đủ làm mấy mẹ con mừng mừng tủi tủi. Mấy anh em hăm hỏở viết thư cho bố mà không biết rằng có thể nửa năm sau thư mới đến tay bố. Cuối thư viết cho bố anh Dũng thường vẽ một khẩu súng. Còn con thì bao giờ cũng vẽ một bông hoa. Mấy chục năm rồi mà bố vẫn giữ những lá thư đó.
Một đêm vào năm 1967, khi mấy anh em đang ở quê với ông bà nội, bố đột ngột xuất hiện. Con đang ngái ngủ được ông bà đánh thức dậy, còn đang lơ mơ thì bố đã đi rồi. Sáng dậy được ông đưa cho bộ đồ hàng bằng gỗ mầu đỏ bố mua cho. Lúc đó con chưa biết là bố đi B và đi B là đi đâu nhưng cầm những cái xoong, cái bát xinh xinh con nhớ bố quá nên oà khóc khiến ông phải dỗ mãi.
Năm con học lớp Một, bố cũng ghé qua được vài tiếng, ngắn đến nỗi con không thể nhớ được chi tiết. Con chỉ nhớ bố mang về một gói nho khô, món quà mà khi đó con nghĩ là ngon nhất trên đời. Con bé nhất nên được ông nội ưu tiên cho một chén nho. Con rất thèm mà không dám ăn vì chỉ sợ hết… không phải vì sợ hết nho mà sợ hết quà của bố…
Những lần sau bố về cũng thường rất đột ngột, chỉ được vài hôm rồi lại đi. Lần nào bố đi con cũng khóc. Từ sáng sớm dậy nấu cơm cho bố ăn trước khi đi là con đã khóc. Đi học về thấy nhà vắng bố con lại khóc…
Có lần người ta đồn là bố bị thương và bị địch giết một cách tàn nhẫn. Con nghe lỏm từ mẹ nên không dám nói với ai, chỉ khóc âm thầm và cầu xin đó không phải là sự thật. May sao mấy tháng sau bố về …
Có lần vào năm 1973 hay 1974 gì đó, con đang quét nhà chợt nghe tiếng xe ngoài ngõ, con chợt nghĩ, hay là bố về. Ngay sau đó thì bố bước vào, con mừng quá đánh rơi cái chổi, mặt ngẩn ra nhìn bố, không dám tin vào mắt mình …
Bố chẳng bao giờ đánh mắng các con. Bố hay gọi là “phê bình”. Con nhớ hồi nhà mình còn ở thị xã Sơn Tây, lúc đó con 5 tuổi, anh Dũng 6 tuổi. Hai anh em mải chơi, xẩm tối mới về. Bố giận lắm nhưng không quát mắng. Bố gọi hai anh em lại, đưa cho mỗi đứa 5 xu và bảo: “Hai anh em thích ở bên ngoài hơn ở nhà thì bố cho tiền, đi ra ngoài mà sống, không cần về nhà nữa.” Nhìn trời bên ngoài tối om, con sợ qúa khóc nức lên. Hai anh em rối rít xin lỗi và hứa lần sau không thế nữa…
Bố cả đời sống giản dị. Chỉ thích ăn cơm với cá kho. Đồ đạc có sao dùng vậy, không cầu kỳ, đòi hỏi, không muốn làm phiền ai. Con nhớ mẹ kể có lần nhờ bố đi ra mậu dịch mua một cái xoong. Bố mang về một cái xoong bị móp một góc. Mẹ trách bố tại sao là mua cái xoong như thế. Bố bảo: nếu ai cũng chê không lấy cái xoong này thì mậu dịch biết làm sao? Chúng con học được từ bố sự chấp nhận phần thiệt thòi về mình mà không tranh giành hơn thua với đời. Bố lúc nào cũng không muốn làm phiền ai, sẵn sàng bớt phần của mình để giúp đỡ người khác.
Bố sống đơn giản, kỷ luật nhưng bố không áp đặt lối sống nhà binh cho các con. Có lần bố hỏi con sao con phải có nhiều đôi giày cùng một lúc như vậy? Tại sao không dùng hết một đôi rồi mua đôi khác? Con giải thích là con cần các đôi khác nhau cho các trường hợp khác nhau. Bố có vẻ không được thuyết phục lắm nhưng cũng không nói gì thêm. Rồi bố cũng “làm ngơ” cho thói “phù phiếm” của hai cô con gái và kiên nhẫn chịu đựng phong cách “giờ cao su” của con cháu mà không một lời trách mắng. Ngày Tết bố không bao giờ quên mừng tuổi cho đến từng đứa chắt trong nhà.
Bố ơi, bố đã đợi để tất cả những người thân trong gia đình đến chào từ biệt bố nhưng bố đã không thể đợi em con. Con biết bố đã rất cố gắng. Mỗi lần nhìn bố trên giường bệnh tim con thắt lại không chịu nổi nên chúng con không trách bố. Chúng con cũng không trách bố đã không thể giữ lời hứa sẽ chăm sóc mẹ đến cuối đời. Bố đã lo lắng chu toàn cho tất cả mọi người nhưng lại không thể thực hiện lời hứa chăm lo cho người mà bố yêu thương nhất. Vì mẹ mồ côi bà ngoại từ năm 2 tuổi nên bố luôn muốn bù đắp tình cảm cho mẹ. Bố ơi, bố đi thanh thản nhé. Mẹ con không trách bố đâu. Anh em chúng con sẽ thay bố chăm lo cho mẹ thật đầy đủ, chu đáo. Con còn nhớ hồi bế có lần đọc trộm thư của bố viết cho mẹ, có câu “Sông sâu còn có kẻ dò, Yêu em thì thước nào đo cho cùng.” Những ngày mẹ ốm, bố chăm lo thuốc men cho mẹ như một người y tá tận tuỵ.
Chúng con luôn tự hào về bố. Bố đã sống trọn vẹn cuộc đời đầy ý nghĩa. Bố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ. Bố đã là một người con hiếu thảo, một người anh chu đáo, một người chồng thuỷ chung trọn vẹn, một người cha, một người ông, người cụ mẫu mực. Nếu có kiếp sau, chúng con xin lại được làm con của bố mẹ. Và trong kiếp sau ấy, bố sẽ không bao giờ phải ra trận nữa, gia đình ta luôn được bên nhau, chúng con sẽ được sống bình an và hạnh phúc trong tình thương yêu của bố mẹ. Con chào bố! Con sẽ nhớ bố nhiều lắm bố ơi.




"
https://www.facebook.com/khuat.t.hong/posts/pfbid0SMyu2gkHoEW7Z2eupU7YTh9NUS14WfQQngRfHKgZ8EfgwnCmGzTEKKPBwLoeoa5il




---

BỔ SUNG


1. Ngày 22/12/2021, Fb Khuất Thu Hồng

"
Con gái “ziệu” của bố đây chứ đâu!
Chúc mừng
bố nhân ngày của bố!



https://www.facebook.com/khuat.t.hong/posts/10222916200826146

"

..

1 nhận xét:

  1. trung tướng là vị tướng tài đức vẹn toàn có công lớn giải phóng thống nhất việt nam giúp nước bạn cam pu chia thoát khỏi chế độ tàn bạo bonpot

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.