Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/09/2016

Tiếp tục câu chuyện trẻ con Đại Việt thế kỉ 21 nên học chữ Hán ở mức như thế nào (ý kiến sau 7/9/2016)

Đã có những sưu tập đến ngày 7/9/2016 (tham khảo các entry trước, ở đây, ở đây ở đây).

Dưới là những ý kiến tiếp theo.



---

4.

Khoa học và phản khoa học – Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đạt
Standard

 
 
 
 
 
 
1 Vote

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, nguồn Soha.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, nguồn Soha.
Chu Mộng Long – Nói trước để khỏi tranh luận lạc đề, tôi không cổ súy việc bắt buộc phải đưa chữ Hán vào nhà trường phổ thông trong tình hình hiện nay, cả lí do chính trị lẫn giáo dục, nhưng thấy trái tai thì phải tranh luận. Thời buổi mất niềm tin này không ai có quyền nhân danh một cái mác giáo sư hay tiến sĩ áp đặt quan niệm cá nhân lên mọi người. Bài viết này không bênh vực ai mà chỉ phản biện ý kiến cá nhân của ông Đạt về vấn đề học chữ Hán.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, (ĐHQG Hà Nội) đã chính thức đưa ra ý kiến phản đối việc đề xuất đưa chữ Hán vào nhà trường của nhóm chuyên gia Hán–Nôm. Ông Đạt cho rằng, những ý kiến đó là phản khoa học. Đọc hết bài phát biểu của ông, phải nói thật, nói thẳng rằng, ông Đạt nhân danh khoa học phản biện một vấn đề khoa học mà không khoa học tí nào.
Tôi không là chuyên gia ngôn ngữ học, nhưng tôi tin tôi đã đọc và tôi hiểu đúng chuyên môn ngôn ngữ học. Và tôi thấy ông rất sai! Cái sai ấy tác hại đến học thuật, nhất là đến nhận thức của sinh viên ông đang đào tạo.
Ý kiến ông Đạt chỉ đúng ở một luận điểm mà nhiều người không cần chuyên môn cũng biết và đã phê thắng thắn PGS. Đoàn Lê Giang: Học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là vô lí. Phê luận điểm này rất đơn giản, chỉ cần một phản đề: nhiều người không hề biết chữ Hán, họ vẫn dùng tiếng Việt rất trong sáng và ngược lại!
Nhưng cái điều ngược lại mà ông Đạt nhấn mạnh ở bài phỏng vấn này lại tự chứng minh ông rất sai: “Thực tế qua 40 năm giảng dạy ở trường Đại học, tôi dạy rất nhiều thế hệ học sinh Hán Nôm thì thấy, cũng có những người rất giỏi nhưng đa phần các bạn học chữ Hán Nôm thì viết tiếng Việt thường kém hơn các bạn học các sinh ngữ như tiếng Anh, Nga, Pháp…”. Lấy một vài hiện tượng ông đã “thấy” rồi khái quát đó như là một “tác hại khôn lường” thì tôi cũng có thể dẫn ra hàng ngàn những ông, những bà rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng viết tiếng Việt cực kém! Ông nghĩ sao?
Xem ra, việc giữ gìn sự “trong sáng” (*) của tiếng Việt, như tôi đã nói, không hề phụ thuộc vào cái gì ngoài chính nó. Sự trong sáng của một ngôn ngữ chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân sử dụng, và đặc biệt không phụ thuộc vào kí tự, dù là chữ Hán hay kí tự Latin. Nhiều người không cần học chữ, và phải nói thêm, không cần học cái món ngữ pháp cấu trúc với cụm chủ vị, thành phần câu mà mấy ông Việt ngữ học như ông Đạt lâu nay bắt học sinh học từ tiểu học lên đến đại học ấy, họ vẫn nói lưu loát và hết sức trong sáng. Họ còn làm thơ, kể chuyện hay hơn mấy ông học nhiều chữ đấy ạ. Văn học truyền miệng của dân gian là một điển hình!
Tôi nhấn vào lỗi lập luận trên để đi đến một vấn đề cốt tử mà một nhà ngôn ngữ như ông Đạt đã bị mắc lỗi nghiêm trọng do hiểu biết lỗ mỗ rồi phát ngôn tùy tiện.
Trước tiên, nếu là người ngoài chuyên môn thì không chấp, trong khi ông Đạt là một nhà ngôn ngữ học lại bị lẫn lộn ngay trong chính cách sử dụng thuật ngữ chuyên môn. Ông đánh đồng kí tự (characters) với ngôn ngữ (language) nên mới cho chữ Hán là tử ngữ. Hai khái niệm ngôn ngữ và kí tự, tôi nghĩ người học ngôn ngữ học trình độ sơ giản nhất cũng phân biệt được. Bài trước, tôi đã phân biệt cho những người ngoài chuyên môn rõ hai khái niệm này. Và ở đây, thưa ông Đạt, tử ngữ là khái niệm chỉ một ngôn ngữ cổ xưa ngày nay không ai dùng để nói nữa (chứ không phải viết ở dạng kí tự nhé!). Chẳng hạn, tiếng Latin, tiếng Sanskrit là những tử ngữ, bởi vì tiếng Latin, tiếng Sanskrit không còn được dùng trong giao tiếp hàng ngày. Còn việc chuyển từ phức tạp sang đơn giản là hiện tượng phổ biến về mặt kí tự của mọi sinh ngữ. Tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh,… đều xảy ra hiện tượng ấy. Tiếng Việt từ thời Alexandre de Rhode ghi bằng chữ Latin đến nay đã có bao nhiêu biến đổi, nhưng kí tự không làm thay đổi ngôn ngữ với tư cách là tiếng nói của một cộng đồng bản ngữ. Tiếng Anh có cả ngàn từ đa âm tiết đã chuyển sang ít âm tiết hơn, không có nghĩa những từ đa âm ấy là tử ngữ. Ông Đạt cho việc chữ Hán được người Trung Hoa hiện đại chuyển từ phồn thể sang giản thể thì cái chữ Hán phồn thể xưa đã là một tử ngữ là nói bừa, rất thiếu hiểu biết. Đó là tôi chưa nói người Đài Loan vẫn dùng chữ Hán phồn thể để ông khỏi phải khai tử luôn người Đài Loan!
Ông xem “chữ Hán là chữ của người Hán” cũng là một hiểu biết thiển cận, không khác định kiến của những người bình thường. Nói vậy thì theo ông Đạt, chữ của người Việt thực sự là chữ gì? Chữ “con giun” cổ như nhiều người giả thiết hay là chữ Latin hiện nay? Cũng ở bài trước, khi giải cái định kiến xem học chữ Hán là “Hán nô”, tôi viết: “Kí tự (characters) không là sản phẩm riêng của dân tộc nào mà là tài sản chung của cả một khu vực các cộng đồng chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Thực tế, trên thế giới dù có hàng trăm dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ khác nhau, nhưng chỉ có ba bốn nhóm kí tự tương ứng với các nền văn minh. Nhiều dân tộc có ngôn ngữ nhưng không có hoặc không cần kí tự. Các nhà ngữ học thế giới lấy cái nôi văn minh của một khu vực mà đặt tên cho các nhóm kí tự và điều ấy không đồng nghĩa với sự sở hữu độc quyền của dân tộc được gắn cho tên gọi ấy. Không có chuyện chữ Hán là độc quyền của người Hán hay kí tự Slav là độc quyền của người Nga. Từ đầu thế kỉ 20, người Việt bỏ chữ Hán để sử dụng kí tự Latin là một sự lựa chọn có tính lịch sử, do sự thích hợp và tiện dụng của lối chữ ghi âm, kể cả do tác động bởi sức mạnh ảnh hưởng của văn hóa, văn minh phương Tây. Không có chuyện, các dân tộc sử dụng chung một loại kí tự là dân tộc này bị nô dịch dân tộc kia.” (xem tại đây).
Tóm lại, kí tự hay chữ viết chỉ là kí sinh của ngôn ngữ. Giới ngôn ngữ học không ai không biết điều này, trừ ông Đạt?
Đó là chưa nói những cái sai tiểu tiết. Chỉ có Hàn Thuyên tên thật là Nguyễn Thuyên (1229-?) chứ không thấy ai gán vào đó là Hàn Thuyên Nguyễn Sĩ Cố (?- 1312) cả, ông Đạt ạ!
Cuối bài phỏng vấn, ông nhấn mạnh học là để phát triển chứ không phải để thụt lùi. Ông nói “Ở Nhật hay Hàn Quốc họ phát triển đâu phải do chữ Hán, mà là do họ tiếp xúc sớm với văn minh phương Tây”. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng nếu triết lí giáo dục mà chủ trương chỉ có học để phát triển thì tại sao các ông không đề nghị dẹp bỏ tất cả những tri thức, môn học có liên quan đến quá khứ? Học chỉ để phát triển theo nghĩa chạy theo vật chất thực dụng thì tôi nghĩ toàn bộ các môn học nhân văn như ngôn ngữ học, văn học, mĩ học… mà các ông đang dạy từ cổ đại đến hiện đại ấy… cũng không cần thiết chứ cứ gì là chữ Hán? Thưa ông Đạt, triết lí giáo dục hiện đại là học không chỉ để phát triển vật chất một cách thực dụng như ông và nhiều người nghĩ mà còn tiếp thu những giá trị tinh thần của nhân loại: học để hiểu biết, để làm người, để cống hiến… Ngay cả học để phát triển thì cũng không đồng nghĩa với một sự phát triển không nền tảng, cắt đứt hoàn toàn với cội nguồn. Sự thật Nhật, Hàn, hay bất cứ quốc gia nào phát triển bền vững cũng đều dựa vào nền tảng, cội nguồn cả đấy. Chỉ có ăn xổi ở thì mới bất chấp những gì vốn có. Mà ăn xổi ở thì thì thưa ông, không cần phải học đâu ạ!
Quan niệm của tôi, chữ Hán là một tri thức, nếu không nói là một tri thức văn hóa rất căn bản. Không có tri thức nào phục vụ cho mục đích giáo dục trên là không cần thiết, trừ kẻ lười học hoặc không cần học!
Cuối cùng, cho rằng học chữ Hán là nặng nề đối với trẻ em ư? Làm như cái loại chữ tượng hình vừa trực quan vừa trừu tượng ấy là hoàn toàn xa lạ hay quá sức với trẻ em và xưa nay người ta chưa từng học được vậy! Đạo học không đến bằng đường tắt. Học hiển nhiên là không dễ như ăn món ăn người ta đã dọn sẵn. Lỗi tại giáo dục Việt Nam không có nền tảng căn bản, nói trên trời dưới đất thì huyên thuyên nhưng trở về căn bản thì thấy khó khăn. Bệnh đại khái và biếng học là một trong những nguyên nhân sinh ra ý kiến xem học chữ Hán là khó khăn phức tạp. Thưa các ông, hiện nay trong chương trình và sách giáo khoa có muôn thứ thừa thãi và nặng nề không thuộc tri thức người ta vẫn bắt trẻ em học và thuộc lòng, đó mới là cái đáng nói, nhưng tại sao các ông không dám thẳng thắn đề nghị bãi bỏ những thứ ấy đi???

(*) Thực ra, khái niệm “trong sáng” và quan niệm “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là cách nói tù mù nhất nhưng mọi người lại bị ảnh hưởng và hay nhai lại như một chân lí. Tôi nhớ đây là câu của ông Phạm Văn Đồng trong một bài viết mở đầu cho một cuốn sách. Thế nào là “trong sáng”? Ngôn ngữ thuần khiết ư? Không bao giờ có chuyện đó. Bất cứ ngôn ngữ nào cũng có sự pha tạp, lai tạp khi diễn ra giao thoa văn hóa. Rõ ràng, dễ hiểu ư? Có những vấn đề ngôn ngữ không thể diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu được. Không phải vô lí khi các triết gia chống thuyết lấy ngôn ngữ làm trung tâm, cho rằng ngôn ngữ chỉ làm mờ đục bản thể và sự thật.
——————————–
Bài phát ngôn của PGS Nguyễn Hữu Đạt trên Soha: PGS nói về đề xuất dạy chữ Hán: “Sao bắt con em ta học tử ngữ?”
https://chumonglong.wordpress.com/2016/09/02/khoa-hoc-ma-khong-khoa-hoc-trao-doi-voi-ong-nguyen-huu-dat/




3.






Chắc nhiều bạn đọc quan tâm tới tiếng Việt còn nhớ một bài viết của cố GS Cao Xuân Hạo, lâu rồi, đăng trên Lao Động, số báo Xuân Bính Tuất 2006, nhan đề “Lòng quyết tâm còn cao hơn núi”. Đã 10 năm rồi, giờ đọc lại, tôi không chỉ nhớ mà còn rất băn khoăn trước ý kiến mà GS đưa ra và phân tích.

Trong bài này, Cao Xuân Hạo dẫn một đoạn ca từ trong ca khúc Hò kéo pháo nổi tiếng (của Hoàng Vân): Dốc núi cao cao / Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi (Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù)…Theo ông, rất nhiều người thuộc lòng và say sưa hát bài này bao nhiêu năm nay mà “ít người để ý đến một cái lỗi ngữ pháp kếch xù” được gọi là “trùng ngữ (pleonasm)”:. Với lập luận rằng, viết lòng quyết tâm là thừa hẳn chữ “lòng”, bởi quyết tâm = “lòng kiên quyết làm bằng được (việc định làm)”, theo Cao Xuân Hạo, giải pháp đúng nhất là bỏ chữ “lòng” trong tổ hợp trên đi, cũng như bỏ chữ “rất” trong rất trắng nõn, bỏ “mặt trời” trong ánh nắng mặt trời, bỏ “nhất” trong chủ yếu nhất, v.v.
Tôi băn khoăn và trăn trở vì chính tôi cũng nằm trong số những người hồn nhiên hát bài Hò kéo pháo trên cũng như hồn nhiên nói những câu có chứa từ này (Chẳng hạn: Muốn hoàn thành tốt việc đó phải có lòng quyết tâm cao độ; Chúng tôi hăm hở ra trận với lòng quyết tâm và ý chí quyết thắng; Lòng quyết tâm làm chị không ngần ngại dấn thân vào gian khó,… ). Những cách dùng như vậy quen thuộc tới mức nếu ta tự ý bỏ chữ “lòng” đi thì lại thấy có vẻ như không ổn?
Ngẫm ra, trong tiếng Việt đang tồn tại rất nhiều trường hợp trùng ngữ kiểu này: cây cổ thụ (thụ = cây), bà quả phụ (phụ = bà), ngày sinh nhật (nhật = ngày), đường quốc lộ (lộ = đường), virus HIV (V = vius), chuẩn chính tả (chính tả = cách viết chuẩn)… Đối chiếu một cách logic thì đây là những tổ hợp dùng sai vì thừa từ (trùng ngữ). Nhưng thực tế trong giao tiếp tiếng Việt bao năm qua các biến thể: cổ thụ / cây cổ thụ, quả phụ / bà quả phụ, sinh nhật / ngày sinh nhật,… vẫn song song tồn tại như không có chuyện gì xảy ra. Phải chăng do dùng sai quá nhiều nên thành thói quen khó bỏ (Giống như Lỗ Tấn nói: Đầu tiên là chưa có đường, do người ta đi mãi mà thành đường)?
Theo tôi thì không hẳn thế. Các trường hợp quyết tâm, cổ thụ, sinh nhật, quả phụ… là từ Hán Việt được cấu tạo từ 2 (hay nhiều yếu tố), trong đó các yếu tố “tâm (lòng)”, “thụ (cây)”, “nhật (ngày)” ít dùng độc lập (Kiểu: Rừng này có nhiều thụ (cây) quá; Ba phụ (bà) cùng phát biểu ý kiến…). Vì thế, người Việt ít có điều kiện cảm nhận nghĩa “riêng lẻ” của chúng. Nếu chỉ nói nguyên văn kết hợp của nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới việc lĩnh hội. Vì vậy, cần thêm một yếu tố thuần Việt đứng cạnh để “làm rõ”, không gây hiểu sai (Chẳng hạn, không phải ai cũng biết HIV là viết tắt trong đó có từ virus). Hơn nữa, trong một ngữ cảnh nào đó, việc thêm vào cũng giúp cho sắc thái của từ hay hơn, phù hợp ngữ cảnh hơn. Trong một bối cảnh trang trọng mà ta nói “Xin giới thiệu quả phụ X. lên phát biểu…” chắc không hợp tình hợp lí so với câu “Xin giới thiệu bà quả phụ X. lên…”. Tương tự, ta thử so sánh: “Bên chùa có một cây cổ thụ / Bên chùa, có một cổ thụ”; “Ngày sinh nhật Bác nắng đầy tiếng chim / Sinh nhật Bác nắng đầy tiếng chim” (chữ ngày ở đây nhấn mạnh vào khoảng thời gian cụ thể, đang nói tới).
Cũng cần phải nói thêm một điều, bản thân từ quyết tâm đã được Việt hoá trong quá trình sử dụng. Quyết tâm trong tiếng Hán là một danh từ. Nhưng vào tiếng Việt, nó còn mang nghĩa động từ. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (NXB Đà Nẵng 2015) giải nghĩa: 決心 đg. hoặc d. quyết và cố gắng thực hiện bằng được điều đã định, tuy biết là có nhiều khó khăn, trở ngại (Ví dụ: Nó quyết tâm đi bộ đội; Chúng tôi quyết tâm học thật giỏi). Nếu thế thì kết hợp lòng quyết tâm, lòng yêu nước, lòng trắc ẩn, lòng can đảm,… sẽ được coi là những danh từ theo cấu trúc “danh + động”, “danh + danh”, “danh + tính”,… và được chấp nhận như những tổ hợp từ mới.
Như vậy, trong ngôn ngữ, nhiều khi ta vẫn phải chấp nhận một số trường hợp thừa từ như một “độ dư cần thiết” để giúp cho việc trao đổi thêm rõ ràng, mạch lạc và hay hơn. Bản thân “sự thừa” và “sự thiếu” của ngôn ngữ đều có lí do của nó.
GS Cao Xuân Hạo đã khuất núi đã 9 năm (ông mất tháng 10-2007). Với thế hệ chúng tôi, ông vẫn luôn luôn là một người thầy tài năng và đáng kính. Ý kiến trao đổi này của tôi thiết nghĩ chỉ là một vấn đề rất nhỏ, góp phần minh chứng thêm một điều: Bản thân ngôn ngữ trong quá trình sử dụng sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn quy luật tồn tại và phát triển sao cho hợp lí của ngôn từ. Có rất nhiều từ gốc Hán khi nhập vào tiếng Việt (được gọi là từ Hán Việt) đã được Việt hóa về ngữ nghĩa (không hoàn toàn sử dụng đúng như nghĩa gốc, hoặc chỉ sử dụng một số nét nghĩa) và chức năng từ loại. Chính GS Cao Xuân Hạo cũng nói từ Hán Việt đã “thực sự trở thành tài sản của người Việt” và không nhất thiết phải biết chữ Hán mới sử dụng đúng từ Hán Việt. Cũng như hàng chục triệu người Việt đang sử dụng chừng gần một ngàn từ gốc Pháp (đầm, sen đầm, bốt, măng cụt, lập là, săm, lốp, a ma tơ, xăng đan…) một cách “ngon lành” mà họ có biết một chữ Pháp nào đâu. Người bản ngữ có quyền sử dụng các “từ ngoại lai” trên cơ sở "can-ke ngữ nghĩa" và theo cách của họ. Tất nhiên, nếu biết rõ ngữ nghĩa các từ này từ ngọn nguồn nguyên ngữ thì ta sẽ có cơ hội hiểu sâu, hiểu thấu đáo cái ngọn nguồn của nó. "Cái hôm qua" giúp cho chúng ta hiểu rõ căn nguyên của "cái hôm nay" nhưng không phải là yếu tố quyết định cái hôm nay. V. I. Lênin từng nói một câu chí lí: "Cái cốc ở nhà anh nhưng sang nhà tôi nó có thể sẽ được sử dụng như một cái chặn giấy hoặc dùng để nhốt con bướm. Đó là việc của tôi". Bản thân mỗi từ được chấp nhận trong hệ thống từ vựng đã được “cấp” một giá trị định danh ngữ nghĩa, được quy ước trong cộng đồng. Nhiều người vẫn lên tiếng phê phán cách dùng sai các từ như yếu điểm (như điểm yếu), chung cư (đúng ra là chúng cư), trụ sở (đúng ra là trú sở), Hợp Chủng Quốc (đúng ra là Hợp Chúng Quốc), thăm quan (đúng ra là tham quan), cứu cánh (nghĩa đúng là “mục đích cuối cùng” nhưng được dùng với nghĩa là "cái làm chỗ dựa" [về tinh thần và vật chất] có thể cứu giúp ai đó thoát khỏi tình cảnh bất lợi...)., nhưng chưa biết chừng, rất có thể cách dùng sai kia lại trở thành cách dùng phổ biến trong giao tiếp hôm nay.
Vì vậy, cái lỗi “sai logic” mà GS Cao Xuân Hạo băn khoăn hồi nào cần phải trao đổi lại cho rõ.

https://www.facebook.com/tinh.phamvan.712/posts/641280899382414








2. Phạm Văn Tình giới thiệu một thống kê nhanh từ Hán Việt (người thống kê là Phạm Việt Hùng)




Từ trước đến nay, đa số chúng ta đều cho rằng số lượng từ Hán Việt trong kho ngữ vựng tiếng Việt chiếm một tỉ lệ không hề nhỏ. Có lẽ mọi người vẫn tin theo thống kê trước đây của nhà ngữ học người Pháp H. Maspéro (sau này được Lê Đình Khẩn xác nhận lại) là trên 60%. Đó là một con số rất lớn mà bao nhiêu năm nay chưa được kiểm chứng. Đây là bài viết của PGS TS Phạm Hùng Việt đã đăng trên tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, s. 1-2016. Qua thống kê của ông, số lượng từ Hán Việt đang sử dụng trong giao tiếp tiếng Việt thấp hơn nhiều (khoảng trên dưới 30%).
Đó là một kết quả rất đáng quan tâm. Sau đây là toàn văn bài viết của PGS TS Phạm Hùng Việt.
TRỞ LẠI VẤN ĐỀ
LƯỢNG TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG TIẾNG VIỆT

1. Từ ngữ Hán Việt, theo cách hiểu phổ biến hiện nay là từ ngữ gốc Hán trong tiếng Việt đọc theo cách đọc Hán Việt. Từ ngữ Hán Việt, do điều kiện hình thành và phát triển của nó, rõ ràng chiếm một số lượng lớn trong vốn từ ngữ tiếng Việt. Nhưng cái “lượng lớn” đó là bao nhiêu thì còn có những ý kiến khác nhau. Lâu nay, chúng ta vẫn thường dựa vào ý kiến của H. Maspéro để cho rằng lượng từ Hán Việt chiếm khoảng 60% vốn từ tiếng Việt, chẳng hạn, Lê Đình Khẩn cho biết: “Trở lại với Maspéro [149], chúng ta thấy có lẽ ông là người đầu tiên tiến hành thống kê và công bố số lượng từ Hán trong tiếng Việt. Với tỉ lệ 60% từ Hán trong tiếng Việt, ông đã tưởng tiếng Việt là một nhánh của cái gốc Hán Tạng” [7, tr.6]. Một số ý kiến thậm chí cho rằng sự phát triển của từ Hán Việt trong thời gian qua làm cho lượng từ Hán Việt ngày càng nhiều hơn, nên có thể chiếm tỉ lệ cao hơn thế nữa.
Không rõ trước đây, Maspéro dựa vào nguồn dữ liệu nào để thống kê, tính đếm, đưa ra tỉ lệ nêu trên về từ Hán Việt trong tiếng Việt. Nhưng kết quả mà Maspéro đưa ra (năm 1912) cũng đã cách đây hơn một thế kỉ. Với sự phát triển của tiếng Việt, đặc biệt là sự phát triển rất mạnh mẽ từ sau khi đất nước thống nhất (1975) và sau đổi mới (1986) đến nay, vốn từ tiếng Việt đã có sự thay đổi lớn. Nhiều từ ngữ đã trở thành cũ, không còn được sử dụng, trong khi rất nhiều từ ngữ mới được sinh ra, đi vào vốn từ chung của tiếng Việt. Từ ngữ Hán Việt cũng nằm trong xu thế chung đó. Lớp từ ngữ này có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được phản ảnh vào trong các từ điển giải thích tiếng Việt.
2. Từ điển giải thích tiếng Việt là loại sách tra cứu cung cấp thông tin về các từ ngữ của tiếng Việt, có chức năng xã hội rất rộng. Bên cạnh việc cung cấp vốn từ ngữ và cách sử dụng chúng trong giao tiếp, học tập tiếng mẹ đẻ , góp phần chuẩn hoá ngôn ngữ, từ điển giải thích tiếng Việt còn giúp mở rộng hiểu biết của con người về sự vật, khái niệm - vốn là một mặt thường không thể thiếu được trong ý nghĩa của từ. Từ điển luôn phản ánh những kiến thức vốn có trong xã hội ở một thời kì nhất định. Nó là một trong những sản phẩm khoa học chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn hoá xã hội. Ngược trở lại, từ điển cũng có tác dụng lớn đối với sự phát triển của văn hoá, giáo dục, đối với việc nâng cao dân trí, đối với sự phát triển của bản thân ngôn ngữ và đối với việc mở rộng giao lưu giữa những cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Có thể nói, một cuốn từ điển tốt là một công cụ tri thức có tác dụng góp phần nâng cao hiểu biết cho người dùng, định hướng về cách sử dụng chuẩn mực ngôn ngữ, đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Lượng từ ngữ trong bảng từ của một cuốn từ điển giải thích cỡ vừa có thể được coi là vốn từ phổ thông của một ngôn ngữ. 
Trong bảng từ của từ điển tiếng Việt, lớp từ Hán Việt có vai trò rất quan trọng, vì đây là lớp từ có khối lượng lớn, được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, …

Để tìm hiểu về lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay, chúng tôi đã tiến hành khảo sát lượng từ Hán Việt trong một số cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản trong thời gian gần đây, cũng như tham khảo kết quả khảo sát về lượng từ ngữ Hán Việt trong một số công trình, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, … Kết quả thu được như sau.
Cuốn từ điển tiếng Việt được dùng để khảo sát lượng từ ngữ Hán Việt là Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê và một nhóm cộng sự biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2011. Lí do chọn cuốn từ điển này vì đây là cuốn từ điển có ghi chữ Hán cho các từ ngữ Hán Việt trong từ điển (x. mục 2, tr. IX trong phần C. Cấu trúc vi mô của quyển từ điển). Đây cũng là cuốn từ điển đã tiếp thu hầu như toàn bộ thành quả của cuốn Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, Hoàng Phê chủ biên. Việc khảo sát cho kết quả như sau:
Tổng số từ ngữ Hán việt trong từ điển là: 14.933 đơn vị, trong đó có 1.184 từ đơn tiết, được phân bổ theo các vần:
TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG CHÚ THÍCH TỪ HÁN VIỆT
STT Vần Số lượng mục từ Từ đơn
1 A 167 7
2 Ă 0 0
3 Â 113 11
4 B 914 53
5 C 1.478 93
6 D 508 27
7 Đ 1.189 68
8 E 0 0
9 Ê 0 0
10 F 0 0
11 G 352 16
12 H 1.324 111
13 I 6 1
14 J 2 0
15 K 803 85
16 L 594 65
17 M 287 30
18 N 923 81
19 O 33 4
20 Ô 27 4
21 Ơ 5 1
22 P 694 58
23 Q 383 30
24 R 0 0
25 S 436 43
26 T 3.820 329
27 U 59 6
28 Ư 63 8
29 V 467 26
30 W 1 0
31 X 189 17
32 Y 96 10
33 Z 0 0

TỔNG CỘNG: 14.933 1.184
So với tổng số mục từ của cuốn từ điển này là 45.850 đơn vị thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm 32, 57%. 
Trong luận án tiến sĩ của La Văn Thanh Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt (Có đối chiếu với tiếng Hán) (Hà Nội, 2010), tác giả đưa ra con số 10.900 tổ hợp song tiết Hán - Việt thống kê trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên). Nếu tính trên tổng số lượng từ ngữ của cuốn Từ điển tiếng Việt này là 39.924 thì lượng tổ hợp song tiết Hán Việt chiếm 27,3% . Tính cả từ đơn tiết và đa tiết Hán Việt thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm khoảng 31,5%.

Liên hệ thêm với một bộ từ điển đối chiếu Việt - ngoại ngữ là Đại từ điển Việt – Nga mới (Moskva 2012). Trong bộ từ điển này, tổng số từ Hán Việt được chú chữ Hán là 20.067 đơn vị (không chú cho từ đơn âm) trong tổng số khoảng 80.000 đơn vị mục từ. Nếu tính cả từ đơn âm thì lượng từ Hán Việt trong bộ từ điển này chiếm khoảng 26,6%. của toàn bộ mục từ trong từ điển.
Trong luận án tiến sĩ Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến nay) của Bùi Thị Thanh Lương bảo vệ năm 2006 [8], tác giả đã cho thấy lớp từ ngữ mới có nguồn gốc ngoại chiếm số lượng khá lớn, trong đó từ vay mượn gốc Hán chiếm ưu thế với 46,09%. Không chỉ đi vào số lượng, luận án còn cho thấy vai trò quan trọng của các từ ngữ mới gốc Hán trong việc tham gia phát triển hệ thống thuật ngữ các ngành khoa học. Đi vào khảo sát cụ thể sự hoạt động của từ ngữ mới trong một số tác phẩm văn học được lựa chọn từ sáng tác của các tác giả: Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, luận án đã cho thấy trong các tác phẩm văn học, các từ ngữ mới chủ yếu là các từ thuần Việt, chiếm tỉ lệ 75% so với 14,8% từ Hán Việt. Có thể thấy đây là kết quả khá bất ngờ vì trong lớp từ ngữ mới dùng trong các tác phẩm văn học, tỉ lệ từ Hán Việt lại thấp như vậy.
3. Xem xét thêm lượng từ ngữ Hán Việt được khảo sát trong một số luận án tiến sĩ làm về đề tài thuật ngữ - khu vực được cho là sử dụng rất nhiều từ ngữ Hán Việt, có thể thấy tình hình như sau.
Trong luận án tiến sĩ Thuật ngữ khoa học kỹ thuật xây dựng trong tiếng Việt của Vũ Thị Thu Huyền, bảo vệ năm 2013 [6], về nguồn gốc, luận án cho thấy đơn vị cấu tạo thuật ngữ xây dựng tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại ngữ tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các thuật ngữ được cấu tạo từ các ngữ tố thuần Việt chiếm tỉ lệ lớn: 72,24%, các thuật ngữ do sự ghép lai các ngữ tố thuần Việt và Hán Việt có tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều: 20,24%.
Trong luận án tiến sĩ Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt của Quách Thị Gấm – 2014 [4], tác giả cho thấy về nguồn gốc, đơn vị cấu tạo thuật ngữ báo chí tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại yếu tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các loại có cấu tạo từ các yếu tố Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn hơn cả (67,7%, so với thuần Việt là 25,3%, Ấn Âu là 7%).

Luận án tiến sĩ Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại của Lê Thị Thùy Vinh – 2014 [20] đã cho thấy, xét về nguồn gốc, có đến 745/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 73,6%) có nguồn gốc Hán Việt, 94/1011 đơn vị (chiếm tỉ lệ 9,3%) có nguồn gốc Âu Mỹ; chỉ có 172/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 17%) là từ thuần Việt.
Một số luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đi vào khảo sát về việc sử dụng từ Hán Việt của một số nhà hoạt động chính trị, nhà văn, nhà báo, … cũng đã cho kết quả như sau.
Luận văn thạc sĩ về đề tài: Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh của học viên cao học Vũ Đình Tuấn (2013) [10] đã đi vào khảo sát đặc điểm từ Hán - Việt trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát cho thấy tổng số từ Hán Việt được sử dụng là 3534 từ trên tổng số 12250 từ trong toàn bộ 25 tác phẩm được khảo sát, chiếm tỉ lệ 28,9%. Tác giả cũng cho thấy loại văn bản là tuyên ngôn, lời kêu gọi, lời hiệu triệu có số lượng từ Hán Việt được sử dụng nhiều nhất.
Luận án tiến sĩ đề tài Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ của Đặng Mỹ Hạnh [5] cho thấy, trong tác phẩm báo chí của nhà báo Hữu Thọ, theo nguồn gốc, lớp từ Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn nhất (51,3%); từ thuần Việt chiếm 43,9%, chủ yếu dùng trong nhóm từ chỉ nghề nông thuộc hai thể loại điều tra và ghi chép của nhà báo; từ Ấn – Âu chiếm 2,9%, phân bố khá đồng đều ở các tác phẩm.
4. Để thấy được sự thay đổi (với nghĩa là có tạo mới và có mất đi) của lớp từ ngữ Hán Việt, chúng tôi đã tiến hành so sánh một số từ đầu mục trong Từ điển tiếng Việt thời kì đầu thế kỉ XX với bảng từ của Từ điển tiếng Việt xuất bản gần đây.
Chẳng hạn, so sánh những từ đầu mục có từ gốc là An (安), có thể thấy:
- Trong Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của có 21 mục từ:
an bài, an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhàn, an nhân, an ổn, an phận, an tâm, an táng, an tĩnh, an thân, an thường, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị.
- Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) có 29 mục từ, gồm:
an bài, an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhàn, an nhiên, an ninh, an phận, an phận thủ thường, an sinh, an táng, an tâm, an thai, an thân, an thần, an tọa, an toàn, an toàn khu, an trí, an ủi, an ủy, an vị.
Trong số các mục từ dẫn ra ở hai từ điển nêu trên, chỉ có 11 mục từ chung cho cả 2 từ điển là: an bài, an nhàn, an phận, an tâm, an táng, an thân, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị. Có 9 mục từ có ở Đại Nam quấc âm tự vị nhưng không có ở Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) là: an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhân, an ổn, an tĩnh, an thường. Có 18 mục từ có trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) nhưng không có trong Đại Nam Quấc âm tự vị là an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhiên, an ninh, an phận thủ thường, an sinh, an thai, an thần, an toàn khu, an ủi.
So sánh thêm những từ đầu mục có từ gốc là bát (八), có thể thấy tình hình như sau:
- Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí-Tiến Đức có 13 mục từ, gồm:
bát âm, bát bửu, bát dật (bát tuần), bát dật (lối múa), bát giác, bát giác lầu, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát sát, bát tiên, bát tuần, bát trận.
- Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) cũng có 13 mục từ, gồm:
bát âm, bát cổ, bát cú, bát diện, bát giác, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát tiên, bát tiết, bát trân, bát tuần, bát vị.
Tuy nhiên, trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex), không có 7 từ mà Việt Nam tự điển đã thu thập: bát bửu, bát dật (2 từ), bát giác lầu, bát sát, bát tuần, bát trận; ngược lại, trong Việt Nam tự điển không có 6 từ mà Từ điển tiếng Việt có là: bát cổ, bát cú, bát diện, bát tiết, bát trân, bát vị.
Khảo sát một số trường hợp khác như các mục từ có từ gốc là bất (不), đồng (同), hồi (回, hội (會), … chúng tôi cũng thu được kết quả tương tự.
Từ các kết quả khảo sát nêu trên, chúng tôi đi đến nhận xét như sau.
Qua sự phản ánh lượng từ Hán Việt trong một số cuốn từ điển tiếng Việt thời gian gần đây, có thể thấy một thực trạng là: có một số lượng lớn các từ Hán Việt đã trở thành các từ cũ, không còn được sử dụng trong tiếng Việt hiện thời. Bên cạnh đó, cũng lại có một số lượng không hề nhỏ các từ Hán Việt mới được tạo thành. Tình hình này làm cho lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt luôn duy trì ở một tỉ lệ cao. Tuy nhiên, kết quả khảo sát một số cuốn từ điển tiếng Việt được xuất bản gần đây cho thấy lượng từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt thông dụng hiện nay chiếm tỉ lệ khoảng hơn 30%.
Đi vào sử dụng, lượng từ Hán Việt có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành nghề, các thể loại văn học, các tác giả, tác phẩm,… Chẳng hạn, trong lĩnh vực thuật ngữ, lượng yếu tố cấu tạo thuật ngữ có nguồn gốc Hán Việt có thể dao động từ hơn 20% (thuật ngữ khoa học kĩ thuật xây dựng) đến gần 70% (thuật ngữ báo chí).


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1895. 
[2] Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
[4] Quách Thị Gấm (2014), Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt, Luận án TS Ngữ văn, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[5] Đặng Mỹ Hạnh (2014), Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ, Luận án TS Ngữ văn, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[6] Vũ Thị Thu Huyền (2013), Thuật ngữ khoa học kĩ thuật xây dựng trong tiếng Việt Luận án TS Ngữ văn, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
[7] Lê Đình Khẩn (2002), Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, TP HCM.
[8] Bùi Thị Thanh Lương (2006) Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến 2006), Luận án TS Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội. 
[9] La Văn Thanh (2010) Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt (Có đối chiếu với tiếng Hán), Luận án TS Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội.
[10] Vũ Đình Tuấn (2013), Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luận văn ThS Ngữ văn, Trường Đại học Thái Nguyên
[11]Từ điển An Nam – Lusitan – Latinh (thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La, của Alexandre de Rhodes, xuất bản tại Roma, 1651, Bản chụp và dịch in của NXB Khoa học Xã hội, 1991.
[12] Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học (Vietlex), NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2011. 
[13] Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977. 
[14] Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2000. 
[15] Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2000.
[16] Tự điển Việt Nam phổ thông, Đào Văn Tập, Sài Gòn, 1951. 
[17] Tự điển Việt Nam, Lê Văn Đức, Sài Gòn, 1970.
[18] Việt Nam tân từ điển, Thanh Nghị, Sài Gòn, 1952.
[19] Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí-Tiến Đức, Sài Gòn 1931.
[20] Lê Thị Thùy Vinh (2014), Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
[21] Институт Языкознания - РАН и Институт Лексикографии и Энциклопедии - ВАОН, Новый больной вьетнамско-русский словарь (Đại Từ điển Việt - Nga mới), Издательская фирма "Восточная Литература", Москва, 2012.

https://www.facebook.com/tinh.phamvan.712/posts/640401679470336




1. Hà Sĩ Phu

12/09/2016


Hán văn là một bộ phận cấu thành của tiếng Việt

Hà Sĩ Phu
Đang lúc cần chống âm mưu Hán hóa của giặc bành trướng Đại Hán mà nói chuyện dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông thì thật không phải lúc, vì tính “nhạy cảm” của thời sự. Tuy nhiên, xin hãy tạm chế ngự xúc cảm nhất thời (tuy rất đáng quý) để bàn một việc về lâu về dài, đáng lẽ phải đặt ra từ rất lâu rồi.
Trong đề tài này hai phái tán thành và phản đối dường như đã bộc lộ khá đầy đủ những luận cứ chính của mình.
Để góp thêm, mở đầu, tôi xin lấy vài ví dụ vui để thấy chữ Hán đã dính chặt vào dân tộc Việt Nam như thế nào, người mù chữ Nho tuyệt đối cũng đang dùng chữ Nho một cách tự nhiên, vô thức. Không phải là chuyện vay mượn vài chữ như vay mượn tiếng Anh, tiếng Pháp, mà người Việt dùng chữ Nho tự nhiên, tuôn chảy như viết, như nói tiếng mẹ đẻ của mình.

- Có thể đâu đó đã xuất hiện những tấm biển quảng cáo thế này:
Kinh doanh quần áo các loại - hoa quả thời vụ - tạp hóa tổng hợp”.
Phục vụ học sinh: sách giáo khoa, bút mực, dụng cụ thủ công, truyện cổ tích thế giới”.
Chẳng mấy ai bảo các tấm biển kia đã dùng chữ Hán. Nhưng xin thưa đó là ngôn ngữ Hán học hay Nho học trăm phần trăm, thuần Nho, không lẫn một chữ thuần Việt nào hết. Bạn có thể nghĩ “quần áo” hay “hoa quả” là tiếng thuần Việt chứ gì, không đâu, quần áo là hai chữ Nho 裙襖, đúng cả về phát âm và ngữ nghĩa. Quần 裙 là cái quần, áo 襖 là cái áo, cứ tra từ điển Hán Việt Đào Duy Anh thì biết. Hoa quả 花果 cũng vậy, vốn là chữ Nho. Cũng hai ký tự ấy nhưng người Tàu Bắc Kinh phát âm hơi khác, người Tàu Quảng Đông phát âm hơi khác mà thôi (nên mặc dù là tử ngữ nhưng bằng chữ Hán người Việt và người Tàu có thể bút đàm).
- Không phải chỉ những câu ngắn mà có thể cả một buổi thuyết trình một ông cán bộ Việt mù chữ Nho có thể dùng toàn ngôn ngữ Hán, vốn chỉ là “tử ngữ” (mà không lẫn một chữ thuần Việt nào mới khiếp!), chẳng hạn ông ấy nói thao thao bất tuyệt như sau:
Các đồng chí cán bộ chính trị, cán bộ quân đội, sĩ quan công an cần đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, kính trọng nhân dân, đề cao tinh thần trách nhiệm, phục tùng ý kiến đa số, bảo lưu ý kiến thiểu số, vận động các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công đoàn tích cực đấu tranh, bài trừ nạn tham ô, hối lộ, trấn áp quần chúng. Đề cao tinh thần học tập quần chúng, đề cao tình hữu ái giai cấp, tận dụng thời gian học tập tu dưỡng bản thân, khẩn trương phát hiện các thủ đoạn thù địch tinh vi, hành động xâm phạm lợi ích cộng đồng, giả danh đảng hoặc nhân danh đảng kỳ thực phá hoại uy tín đảng, cảnh giác âm mưu ly gián, tạo cơ hội chiếm đoạt tài sản, tham quyền cố vị, mưu lợi bất chính. Tiếp xúc nhân dân cần quần áo chỉnh tề, thái độ nghiêm túc, tế nhị, phương pháp cần minh bạch, linh hoạt, chuẩn bị công phu, kết quả tất nhiên mỹ mãn. Các cấp tỉnh, cấp thành phố chấp hành nghị quyết tương đối khả quan, tiến bộ, Trung ương tuyên dương. Duy các huyện các xã đa phần lạc hậu, tình hình thực hiện tùy tiện, vi phạm các nguyên tắc căn bản, kết quả tất nhiên thất bại, nhất định tạm thời bị Trung ương khiển trách”.
Có thể ghi lại toàn bộ đoạn diễn thuyết bằng chữ Nho, đọc lên nghe hệt như đọc bản quốc ngữ Latinh này, không sai một tiếng, nghĩa là nguyên văn chứ không phải bản dịch.
Chẳng hạn câu đầu tiên “Các đồng chí cán bộ chính trị, cán bộ quân đội, sĩ quan công an cần đề cao tinh thần phục vụ nhân dân… sẽ ghi ra giấy thành 各同志幹部政治, 幹部軍隊,士官公安勤提高精神服務人民, 敬重人民…, đọc lên cũng y như đọc bản quốc ngữ vậy, bảo rằng thuyết trình viên đã nói tiếng Việt hay đọc “Hán văn” đều đúng.
- Trong những cuộc thảo luận của giới trí thức hiện nay, cả người thân Tàu hay ghét Tàu cũng có thể nói toàn chữ Hán:
Ví dụ ông Cộng sản thân Trung Quốc thì giữ lập trường “Độc quyền lãnh đạo, kiên trì định hướng Xã hội chủ nghĩa” 獨權領導,堅持定向社會主義. Toàn chữ Nho!
Ông Dân chủ tiên tiến không biết mặt một chữ Nho nào cũng “Quyết tâm thực hiện Dân chủ đa nguyên Pháp trị” 决心實現民主多元法治Cũng toàn chữ Nho!
Ông thứ ba quyết chống Hán học thì hô lớn “Kiên quyết phản đối chủ trương phổ cập Hán tự trong giáo dục phổ thông,  Hán tự có YẾU ĐIỂM là phức tạp, khó học, sử dụng cầu kỳ, không thể là CỨU CÁNH giúp nhân dân chấn hưng văn hóa, chấn hưng dân tộcTrong 46 chữ thì 38 chữ là chữ Nho (chỉ có 8 chữ tô đậm là chữ thuần Việt)nhưng vì ông này không học chữ Nho nên ở đây có hai từ Hán dùng bậy là YẾU ĐIỂM 要点và CỨU CÁNH 究竟, dùng sai hai từ này là điều đáng xấu hổ đối với không ít trí thức Việt Nam hiện nay.
Trong những ví dụ nói trên, người Việt chúng ta cứ mở miệng ra là nói rất nhiều chữ Nho, thậm chí nói toàn chữ Nho, nhưng thuần thục và tự nhiên như tiếng mẹ đẻ, đến mức ta không nhận thấy. Ngay cà tên, họ, bút danh của một người chống Hán học thì cũng đều từ chữ Hán mà ra. Vậy ngôn ngữ Hán học đâu phải ngoại nhập, hoặc nếu ngoại nhập thì nhập ngay từ thuở hồng hoang, từ lúc bắt đầu biết mặc quần áo 裙襖, gọi cái này là “quần” cái kia là “áo”, biết thế nào là quả 果 là hoa 花… thì yếu tố bên ngoài đã thành bên trong rồi. Nói khác đi, tiếng Việt được cấu thành bởi hai bộ phận: tiếng thuần Việt và tiếng Hán Việt. Bộ phận Hán Việt tuy có ưu thế diễn tả các khái niệm của ý thức, xã hội, khoa học, tư duy… và có văn tự (chữ viết) để ghi chép, nhưng không át được sức sống tuy còn thô sơ nhưng tự nhiên và mãnh liệt của bộ phận thuần Việt vốn phong phú về ngôn ngữ biểu cảm, về các mối quan hệ và sự cố kết gia đình - làng xóm, đặc biệt ở trúc câu (tính từ phải đi sau danh từ) và giàu các từ liên kết, từ chuyển tiếp trong câu. Hán ngữ tuy giàu danh từ nhưng được sử dụng, được đồng hóa nhuần nhuyễn trong một cú pháp thuần Việt.
Về mặt văn tự, chữ Nho không chỉ là ký tự mang giá trị ký hiệu mà còn mang trong nó cái hồn của nội dung khái niệm. Khi chữ Hán không đủ để ký hiệu những âm thuần Việt tổ tiên ta phải sinh ra chữ Nôm, là sáng kiến lắp ghép dựa trên các chữ Hán có sẵn để bổ sung.
Đến khi có ký tự Latinh để ghi chép thì sách vở tiếng Việt bước sang một thời kỳ phát triển thuận lợi. Với ký tự Latinh tiếng Việt nào cũng diễn tả được bằng ký hiệu, không cần dùng chữ Nôm nữa. Nhưng Latinh chỉ là ký hiệu đơn thuần, vô hồn. Phải là chữ Hán mới mang được cái hồn của chữ, tức cái khái niệm được hình tượng hóa, nhìn chữ đã toát lên nội dung chính của khái niệmđiều này GS Nguyễn Huệ Chi đã mô tả khá chi tiết. Vì thế, dù đã có chữ Quốc ngữ Latinh, người Việt vẫn cần có kiến thức tối thiểu về Quốc ngữ Hán tự, không phải để viết chữ Hán, không phải chỉ để đọc và hiểu một tư liệu cổ (việc này có thể ỷ lại vào các chuyên gia Hán Nôm), mà chủ yếu để hiểu và sử dụng tốt chính cái ngôn ngữ mà mình đang nói và đang viết hôm nay: tiếng Việt!
Hán văn là một trong hai nguồn gốc tạo ra tiếng Việt, nó không phải ngoại ngữ như Trung văn, Pháp văn, Anh văn, Nga văn… Hán văn không phải của Tàu mà vốn của Việt Nam hoặc đã Việt hóa thành của Việt Nam. Hiểu biết Hán văn không chỉ nhằm hiểu quá khứ mà chủ yếu phục vụ hiện tại.
Và điều này mới quan trọng: Hán văn không phải công cụ để nô lệ Tàu mà là công cụ chống Tàu xâm lược.
Tuy còn có những ý kiến khác nhau về xuất xứ của nền “Hán học” và từ đó có những cách gọi tên khác nhau, chữ Hán, chữ Nho, chữ Hán-Việt, chữ Việt cổ… nhưng dù thế nào thì loại chữ viết này cũng xuất hiện ở nước ta rất sớm, có thể từ thuở sơ khai, nên đã cùng dân tộc ta suy tư, biểu cảm, phát hiện, lưu trũ, chia vui sẻ buồn , cùng dân tộc Việt Nam trải qua mỗi bước thăng trầm, tạo ra một tầng lớp sĩ phu có học, và xây dựng nên con người Việt Nam, tạo dựng nhân cách…, trong đó tuy có ưu có khuyết nhưng góp phần quan trọng trong việc hình thành một Dân tộc Việt Nam, một Văn hóa Việt Nam. Qua Hán văn ảnh hưởng của Trung hoa tuy rất mạnh, nhưng những yếu tố Trung Hoa vào Việt Nam đều bị Việt Nam hóa để phục vụ cho cuộc sinh tồn của nòi giống Việt.
Sự gạn lọc của học giả Phan Châu Trinh đối với Nho học, bỏ thô lấy tinh, chọn lấy cái phù hợp và đồng hóa nó là một ví dụ điển hình. Tác giả Trần Gia Ninh có nhận xét đúng Người Việt dù không có văn tự riêng (hay có mà bị xóa sạch sau ngàn năm nô lệ) nhưng vẫn phát triển và bảo tồn được ngôn ngữ dân tộc, dù phải mượn Hán Ngữ để ghi chép, thì thật là một kỳ tích, chẳng kém gì người Do Thái vẫn giữ được tiếng Do Thái dù bị diệt chủng và xua đuổi hai ngàn năm.
Chữ Hán vào Việt Nam được dùng theo cú pháp Việt Nam, yếu tố coi rẻ nữ giới (nữ nhân nan hóa, thập nữ viết vô) hầu như không còn, yếu tố bạo lực, báo thù phải nhường chỗ cho nhân ái, bầu bí tương thân của dân tộc Việt. Suy luận rằng một nền văn hóa quân-sư-phụ đã cúi đầu trung với vua thì cũng cúi đầu trước giặc Hán ngoại xâm là một suy luận nhầm. Trung quân phải đi đôi với ái quốc và tư cách trượng phu “uy vũ bất năng khuất” nên chính Nho học đã tạo nên những nhân cách Giang Văn Minh, Mạc Đĩnh Chi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung…, những anh hùng chống Tàu xâm lược, trong khi những kẻ một chữ Nho bẻ đôi không biết thời nay có thể lại chui dưới háng Tàu!
Việt Nam với Trung Quốc có quan hệ đồng văn - đồng chủng, liên quan với nhau về nhiều mặt, điều ấy không cần tránh né, vì điều đó không phải là cớ khiến Việt Nam phải lệ thuộc Tàu. Nguồn gốc, tầm văn minh và tính độc lập của quốc gia là ba yếu tố hoàn toàn độc lập với nhau. Không phải loài người khởi xuất từ châu Phi thì châu Phi là gốc văn minh, và khi hình thành quốc gia thì các quốc gia lớn bé đều độc lập như nhau, không thể phân biệt “quốc gia mẹ” hay “quốc gia con” để đòi con phải về với mẹ!
Nước lớn hoặc giàu mạnh hơn thường dễ có ý đồ lấn át hoặc xâm lược nước nhỏ yếu hơn. Điều này rất cần cảnh giác và chống lại. Tuy vậy cần thấy mâu thuẫn giữa ý đồ chủ quan và hiệu quả khách quan, có thể hoàn toàn trái ngược.
Ví dụ: Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam để khai thác lợi ích là ý đồ xấu, nhưng hiệu quả khách quan là nâng dần trình độ của Việt Nam, đến một lúc chế độ thuộc địa sẽ phải chấm dứt. Ngược lại, chủ nghĩa Mác muốn làm điều tốt nhưng ảo tưởng, phi khoa học và độc đoán nên gây hiệu quả xấu, nên chế độ cộng sản kết cục cũng phải chấm dứt. Chủ nghĩa Đại Hán có ý đồ xấu nhưng sẽ gây hiệu quả xấu hay tốt cho Việt Nam thì chưa biết được, còn phụ thuộc vào sức sống của dân tộc Việt Nam, có khi yếu tố xấu lại gây hiệu quả tốt, kích thích Việt Nam vững mạnh thêm lên. Cho nên không phải thấy họ có ý đồ xấu là ta phải sợ đến mức phát hoảng mà rũ bỏ bất cứ thứ gì liên quan đến Tàu, kể cả những thứ đã được Việt hóa và trở thành sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Kết luận:
- Với Việt Nam, Hán văn là một trong hai bộ phận cấu tạo nên tiếng Việt, nên dạy Hán văn cũng là dạy một phần của tiếng Việt chứ không phải dạy một ngoại ngữ như Trung văn, Anh văn, Pháp văn… Để có cốt cách Việt cần trau dồi Việt văn, Hán văn, đồng thời để hòa nhập tốt với thế giới thì cần giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp…
- Để có kiến thức Hán văn thì các loại từ điển là cần thiết, nhưng từ điển không thay được giáo dục để trang bị một cái nền căn bản cần thiết tối thiểu. Không thể đem tâm lý nhất thời học sinh thích hay không thích để xác quyết nhu cầu một môn học.
- Việc này đáng lẽ phải đặt ra từ lâu và phải chuẩn bị mọi mặt cần thiết rồi, nhất là chuẩn bị đội ngũ giáo viên Hán văn, và phải tiến hành từng bước, từ diện nhỏ rồi mở rộng dần ra thành phổ cập.
- Nhưng nay, trong tình huống quan hệ Việt Trung đang gặp thử thách sống còn thì đặt vấn đề chữ Hán lúc này là không đúng lúc, phải đối phó với sự lợi dụng và sự nghi ngờ, nếu tiến hành càng phải thận trọng, từng bước thăm dò và cảnh giác.
- Cùng một việc nhưng hiệu quả sẽ tốt hay xấu phụ thuộc vào con người: ai chủ trương, bộ máy nào thực hiện, thực hiện với động cơ gì? Văn hóa không thể tách rời chính trị, và đấy mới là ẩn số lớn nhất, quyết định việc dạy chữ Nho rộng rãi cho học sinh nên bắt đầu lúc nào và tổ chức thực hiện ra sao.
H.S.P. (10-9-2016)

Tham khảo:
- Sàng lọc và kết hợp văn hóa Đông Tây, Phan Châu Trinh trở thành nhà Dân chủ - Nhân quyền.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.