Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/09/2016

Nhà Dân tộc học Bế Viết Đẳng và lần xét thưởng 2016 (bài Vương Xuân Tình)


Bài lấy về từ blog Vương Xuân Tình.

---


Vương Xuân Tình




Thế là trong danh sách các nhà khoa học được trao Giải thưởng Nhà nước đợt 5 thuộc năm 2016 do Hội đồng Nhà nước xét chọn bước cuối cùng, không có cố Giáo sư Bế Viết Đẳng – nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học. Điều này khiến nhiều người tiếc và chạnh lòng. Tôi được tham gia Hội đồng thuộc ngành Sử – Văn hóa ở 3 cấp (cơ sở, bộ và ngành – nhà nước), trong đó có 2 lần (cấp cơ sở và ngành – nhà nước) phản biện công trình của cố Giáo sư Bế Viết Đẳng liên quan đến Giải thưởng này, có mấy suy nghĩ như sau:
1. Tôi nghĩ công lao khoa học lớn nhất của Giáo sư Bế Viết Đẳng là tổ chức xây dựng bộ tiêu chí xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện việc xác định thành phần dân tộc của nước ta. Sau gần 40 năm bản “Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam” được công bố, dẫu có những vấn đề (đương nhiên) cần đặt ra để tiếp tục hoàn thiện bản Danh mục, song không thể phủ nhận công lao đóng góp của Giáo sư Bế Viết Đẳng và ngành dân tộc học Việt Nam cùng các nhà khoa học, cơ quan khoa học và quản lý khác có liên quan.
2. Vừa qua, do phải làm mấy việc cần đọc những tài liệu về vấn đề tộc người, tôi có thêm điều kiện so sánh ba tiêu chí xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam (ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác tộc người) với tiêu chí của Liên xô (cũ) và một số nước phương Tây. Thực sự, tôi càng thấy khâm phục các nhà khoa học tiền bối về lĩnh vực này ở nước ta. Ba tiêu chí đó mạch lạc, phù hợp với điều kiện xã hội, lịch sử của Việt Nam. Vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, dù bị ảnh hưởng khá nặng tư tưởng học thuật của Liên Xô và Trung Quốc, song chúng ta đã không đưa vấn đề nguồn gốc và lãnh thổ tộc người vào tiêu chí. Nay đọc lại, cũng thời điểm đó, các nhà nhân học phương Tây, ngoài nguồn gốc và lãnh thổ, còn nêu vấn đề chủng tộc khi xác định tộc người.
3. Trong mấy năm qua, dù có ý kiến này khác về tiêu chí xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam, song nếu đặt vấn đề hiện thực hóa, tức thay đổi như thế nào vẫn là điều không dễ. Tôi đã xem ý kiến và lý thuyết của một số nhà nhân học phương Tây nổi tiếng về vấn đề tộc người, như lý thuyết biên giới tộc người (Ethnic boundary) của Fredrick Barth chẳng hạn, hấp dẫn thì có, nhưng nếu phải áp vào thực tiễn làm tiêu chí, lại khó làm nổi.
4. Quay lại chuyện xét Giải thưởng Nhà nước đối với công trình của Giáo sư Bế Viết Đẳng. Sau khi qua vòng Hội đồng ngành – nhà nước không kém phần “khốc liệt” (6/11 hồ sơ bị loại), tôi và một số người vẫn tin rằng, giống như các lần trước, việc bỏ phiếu ở cấp Hội đồng Nhà nước chỉ hình thức. Vậy mà sự “khốc liệt” còn khiếp hơn. Theo thông báo, trong 61 công trình về khoa học công nghệ do các hội đồng ngành – nhà nước đề xuất xét giải (17 công trình Giải thưởng Hồ Chí Minh và 44 công trình Giải thưởng Nhà nước), chỉ có 16 công trình được lựa chọn; và trong số này, những công trình đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước bị loại nhiều nhất: 37/44 công trình.
5. Nếu nhìn hình thức, việc loại nhiều công trình ở cấp Hội đồng Nhà nước dường như thể hiện tinh thần nghiêm túc, coi trọng chất lượng của Hội đồng. Nhưng vẫn không khỏi lăn tăn, bởi các thành viên trong Hội đồng có chuyên môn khoa học rất khác nhau, thuộc cả khoa học tự nhiên và xã hội; và nghe đâu chỉ có 4/23 thành viên là các nhà khoa học xã hội (?). Vậy lúc bỏ phiếu, các thành viên Hội đồng dựa trên cơ sở nào khi nhà toán học bỏ phiếu đánh giá nhà nghiên cứu văn học, nhà vật lý bỏ phiếu đánh giá nhà dân tộc học ? Tôi nhớ, ngay ở Hội đồng ngành – nhà nước, chuyên môn của các thành viên chỉ có sử học, khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học, vậy mà khi phát biểu với những công trình khác chuyên môn, chúng tôi vẫn rất dè dặt.
6. Việc công trình của Giáo sư Bế Viết Đẳng cùng nhiều nhà khoa học xã hội danh tiếng khác (như Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, Giáo sư Đinh Xuân Lâm) không được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách tổ chức xét giải. Cách tổ chức nêu trên rất bất cập. Có lẽ nên dừng càng sớm càng tốt cách xét giải theo kiểu “xin – cho”, tréo ngoe về chuyên môn, nhất là ở Hội đồng Nhà nước, mà nên thay bằng cách như của nhiều nước, nhiều tổ chức trên thế giới đã làm. Đó là dựa trên sự đề xuất và phản biện của những nhà khoa học có uy tín trong cùng lĩnh vực; sau đó, cần công khai danh tính, nội dung đề xuất phản biện để xã hội thẩm định. Qua đó, sẽ tránh được những bất cập như đã nêu chăng ?

https://tinhvuongxuan.wordpress.com/2016/09/05/giao-su-be-viet-dang-trong-lan-xet-tang-giai-thuong-nha-nuoc-nam-2016/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.